YÊU BỆNH NHÂN UNG THƯ NHƯ YÊU TRẺ CON BÉ BỎNG
Có lẽ nhiều người phì cười nếu tôi ví một người đang chữa trị ung thư như đứa trẻ. Đứa trẻ ở đây không có nghĩa là trẻ con. Người mắc bệnh “nan y” này, nghĩ mình sắp chết, ao ước được quan tâm và cư xử như với trẻ con. Tôi trẻ con như thế. Khi ra chỗ đông người, với chiếc đầu trụi lũi, bóng lưỡng, không một sợi tóc, chân mày bị “rớt” mất, cả mấy cọng lông mi cỏn con cũng không còn, và gương mặt vàng như nghệ, tôi rất ái ngại nếu có một ai đó nhìn tôi hơi lâu. Tôi muốn có mẹ mình bên cạnh, tôi sẽ nép vào vạt áo, mong bà che chở như khi còn đôi ba tuổi.
Bệnh ung thư không làm người ta rụng tóc nhưng hóa chất chữa ung thư gây ra tác dụng đối với hầu hết mọi người. Cái răng cái tóc là gốc con người. Bên ngoài bệnh hoạn còn có tâm lý người bệnh thương tổn, nhưng cái thương tổn lớn hơn, tôi từng trải, đó là thái độ của một đôi người, không phải là không có, trong cái xã hội có phần đa đoan; “thằng đó”, “ông đó”, hay “bà đó”, kiếp trước có vay sâu nặng, nên kiếp này phải trả: trời phạt nó căn bệnh chết người! Cách giải thích kiếp nạn của Phật giáo có cái hay: nhân nào quả đó. Kiếp này nhân tốt, kiếp sau sẽ quả tốt. Một số người cho rằng kẻ mắc bệnh ung thư là trả nợ cho kiếp trước. Nhận xét như thế rất bất nhẫn. Cách giải thích “nhân - quả” máy móc, vô tình làm thương tổn người bệnh chẳng may nghe được.
Ung thư là căn bệnh không phải là một tội lỗi. Không thể nào người mắc bệnh ung thư phải trả nợ tội lỗi họ vay ở kiếp trước. Ở đây, tôi không sa đà vào tín lý tôn giáo. Tôi muốn nói, thái độ của người chung quanh với bệnh nhân ung thư. Hãy cư xử mềm mỏng, nhẹ nhàng, và yêu thương với bệnh nhân ung thư. Thông thường, người ta rất bi quan khi mắc bệnh nan y (như ung thư), ít có ai lạc quan mình sẽ được chữa khỏi, do đó, tính tình của người tưởng mình “sắp chết” trở nên mềm yếu, dễ bị tổn thương như một người con trẻ luôn trông mong an toàn bên cha bên mẹ, bên những người yêu thương. Ngôn ngữ, vâng, chính ngôn ngữ cần hết sức tế nhị, cân nhắc đối với người bệnh.
Khi ở với một người bệnh có tâm trạng như thế, cách ứng xử người thân trong gia đình cần cẩn thận nhiều hơn. Vợ tôi là người rất yêu mến chồng. Bà hy sinh cho gia đình, và có lẽ gấp bội cho tôi nhiều hơn tôi hy sinh cho bà. Những ngày tháng đầu mang trong người căn bệnh quái ác, tính tình tôi vừa dễ thương tổn vừa dễ cáu gắt. Tôi có cảm tưởng người trong gia đình cư xử không tương xứng với một người chồng, người cha “sắp lìa trần” (trong suy nghĩ của tôi). Tôi không vừa ý một vài cái tôi được chăm sóc, tôi phản ứng, có lần thái quá. Khi vợ tôi phản ứng lại - “tức không chịu nổi” - thói trái tính trái nết của một người bệnh, tôi đâm ra thương thân tủi phận. Nhiều đêm mất ngủ vì lo âu căn bệnh; nhìn chỗ lưng bàn tay bầm đen vì thuốc ung thư chích vào mạch máu lọt ra da thịt; cảm giác môi và miệng tôi lở loét vì sức nóng của thuốc, đến nỗi không ăn được cả lá hành tươi. Nghe tiếng to của vợ hay lời nhắc nhở hữu ích của con cái về đôi việc quá đáng của một người đang bệnh, tôi có khi muốn tìm đến cái chết: mình có phải là gánh nặng cần phải cất khỏi gia đình?
Tôi không rõ những người mắc bệnh ung thư khác có đồng tâm trạng của tôi hay không; hay tôi vốn dễ xúc cảm, nhốt mình mãi mình trong nhà, tôi có thể mắc chứng trầm cảm. Nhưng rõ ràng, theo tôi nghĩ, người bệnh ung thư cần sự thông cảm và chia sẻ hết mức, mà sự thông cảm và chia sẻ ấy có khi là quá mức chịu đựng của người chung quanh. Tôi nói chỗ dựa chữa bệnh ung thư là ở gia đình là chỗ đó. Người vùng miền khác tôi không rõ, chứ ở quê tôi, người Quảng rất thật thà trong giao tiếp. Hồi nhỏ, mặt tôi mụn nhiều lúc dậy thì, rất mặc cảm; vốn đã xấu trai lại thêm mặt mụn, càng mặc cảm hơn. Các bạn học mới thoáng thấy tôi, đã la toáng lên “trời! sao mặt mi mụn đầy, như cơm cháy”. Quý vị biết rồi, cơm cháy thì nham nhở biết bao, bạn tôi lại tặng cho tôi mấy mỹ từ đau đớn đó. Họ không biết đã khoét sâu nỗi đau “mặt nhiều mụn” bạn mình. Đối với người mắc ung thư, những lời nhận xét đúng “như cơm cháy” ấy sẽ là mũi dao đâm vào tim họ: da “mi sao mét quá, người mi sao ốm quá, bệnh thế có qua nổi không, hay là bỏ nhà thương, qua chữa bên thuốc Nam, thuốc Bắc cho đỡ hại người”. Lời khuyên chân thật, nhưng lợi bất cập hại: người bệnh mặc cảm vừa “không giống ai” vừa “nghi ngờ” cách chữa trị đang theo đuổi. Lỡ nghe lời khuyên mà họ bỏ cách chữa trị đang theo, chuyển qua cách chữa trị khác, và sau đó vài tuần, thì họ chẳng… còn sống để nhận thêm lời khuyên chân thành nào nữa.
Tôi nói hãy cư xử người ung thư “sắp chết” (chắc gì đã chết) như con trẻ là như thế. Một lần trong một quán ăn sáng, tôi gặp một người phụ nữ có gương mặt thanh tú dù tuổi bà có lẽ hơn tuổi tôi, thật thông minh qua cặp kính cận thị gọng vàng sang trọng. Nhìn tôi một lúc, bà mỉm cười hỏi: “Xin lỗi ông. Hình như ông đang chữa trị ung thư?”. Tôi thành thật gật đầu. Bà cười, nụ cười thật đẹp - còn trẻ, hẳn bà mê hoặc nhiều đàn ông lắm – và nói tiếp: “Tôi nhìn tướng mặt ông, ông sẽ khỏi bệnh. Tướng ông thọ lắm. Tai ông dày và dài như thế, ông sống rất thọ. Ông sẽ khỏi bệnh, tôi cam đoan”.
Tôi chưa từng nghe ai “coi tướng” bảo tôi sống thọ nhưng tại sao người đàn bà xa lạ này lại bảo tôi sống thọ? À, tôi nghĩ ra rồi. Bà ta an ủi, động viên tôi, thanh tú thế kia không lẽ bà hành nghề bói toán? Nhìn cái tướng thật thà với cặp môi dày của tôi, người đàn bà kia đem lòng thương hại bằng cách “nói dối” tôi sẽ không chết vì ung thư hay chăng? Bà cư xử mềm mại với tôi như một người mẹ cư xử với đứa con bằng câu nói dối dễ thương, gieo trong lòng tôi một niềm hy vọng. Nhưng dù cho đó là câu nhận xét “ngoại giao” hay “thật lòng” của một người chưa từng gặp, tôi vẫn thấy khoan khoái vô cùng. Buổi sáng vừa uống viên thuốc ung thư, tôi cảm thấy, đến lúc đó, bụng mình vẫn không thấy cồn cào, cái nóng của thuốc, có lẽ nhờ gặp người phụ nữ “nhân đức” kia chăng?
Người lớn đôi khi nói dối vô hại với trẻ con cũng không khác chi một bác sĩ nói dối với bệnh nhân sắp chết: anh chuẩn bị ra viện, anh không còn bệnh nữa. Chắc chắn người chuẩn bị lìa trần kia sẽ nở một nụ cười trên đôi môi héo hắt. Nói những lời tốt đẹp (dù không thật) với một người bệnh trong tâm trạng “rày sống mai chết” có mắc tội với chúa với cha hay không?
Lúc qua chỗ siêu âm dịch vụ bên kia đường, đối diện Ung Bướu Sài Gòn, tôi có quen với một anh thanh niên đang dẫn mẹ từ Đà Lạt về chữa bệnh ung thư như tôi. Bà cụ 85 tuổi trông còn khỏe mạnh. Bệnh ung thư xuất hiện có khi con người còn khỏe mạnh. Trước đó mấy tháng, bác sĩ bệnh viện bảo anh không cần chữa cho cụ bà. Nếu vô thuốc bà sẽ mau chết hơn vì tuổi quá cao, không đủ sức chống chọi với thuốc, anh nên chữa “tâm lý” cho bà. Đó là gợi ý của bác sĩ ở bệnh viện Ung Bướu.
Phải nói là đội ngũ bác sĩ bệnh viện này không những thật giỏi mà còn thật thông minh và tâm lý. Vậy là hằng tháng, anh dẫn bà xuống khám cùng một bác sĩ, và liệu trình chữa trị của bà là thuốc bổ giả thuốc bệnh (placebo). Tuy già bà vẫn còn minh mẫn. Không dẫn đi khám, không siêu âm mỗi tháng, không về tận Sài Gòn (hai mẹ con ở khách sạn mỗi lần về thành phố) chắc chắn không thể “xí gạt” được bà. Và lạ lùng thay, anh con trai nói với tôi, các khối u ở nách, ở cổ, teo dần, kích thước ngày mỗi nhỏ sau mỗi tháng siêu âm. Khi tôi chữa hết bệnh, tôi không gặp lại để hỏi anh, bà cụ có hết hẳn bệnh hay không. Như vậy, bệnh có thể thuyên giảm nhờ liệu pháp tinh thần không hẳn chỉ nhờ liệu pháp y dược. Tất nhiên, trường hợp của cụ bà phải nói rất hiếm.
Tôi không mong người thân phải nói dối với người nhà mắc bệnh ung thư đang chữa trị. Tôi muốn nhấn mạnh, hãy coi họ như những đứa trẻ, cưng như trứng hứng như hoa, trẻ em “như búp trên cành”. Dẫu họ không may mắn vượt qua căn bệnh, người thương yêu cũng vui lòng: họ thương yêu người bệnh ung thư như trẻ con của mình. Tình mẹ dành cho con lúc nào cũng bao la, vô điều kiện. Xin hãy dành cho người thân của mình một tình yêu như thế.