Thursday, February 29, 2024

Du lịch SÔNG CÙNG

Quê tôi tên Thường Đức. Các bác ở Bắc vào lập đài chiến thắng ghi thành Thượng Đức. Trên khắp nước VN, không có nơi nào lập một lúc 2 tượng đài chiến thắng như ở quê tôi. Số liệt sĩ hy sinh để đánh chiếm quận lỵ Thường Đức gần 1000 (năm 1974). Sự khốc liệt của chiến tranh làm quê tôi hoàn toàn kiệt quệ khi hòa bình lập lại - 1975.

Gần 50 năm sau, quê tôi, thật đáng mừng, đang trở thành điểm đến của du khách. Khu du lịch sinh thái Cổng Trời khai trương ngày 29 tháng 4 có số lượng khách tham quan rất đông với giá vé 200, 400 ngàn(bao ăn buffet)/người chứng tỏ tiềm năng du lịch của một vùng quê từng là nơi khói lửa, đạn bom.

Trên đường đến Cổng Trời chừng 29 km là điểm du lịch sinh thái Sông Cùng, nằm trên quốc lộ 14 (cũ).

Từ quốc lộ vào Sông Cùng đúng 2km. Có khoảng 400 mét chưa đổ bê tông nhưng xe con vẫn vào được. Khe suối nước trong veo, mát lạnh, có chỗ nước sâu hơn 2 mét dành cho ai biết bơi. Các chỗ khác nước cạn hơn, trong lòng suối cát, thi thoảng thấy cá con bơi lội tung tăng.

“THƯA CÔ

“Trò ni đánh em. Thưa thầy, trò A giựt bút chì của em”.

Hồi học tiểu học rồi lên đệ thất (lớp 6), lũ học sinh chúng tôi thường trông cậy vào thầy, cô để phân xử những hành vi của bạn học mỗi khi có mâu thuẫn hay có gì đó ”bất công”. Học sinh cũng có thể “tự xử “ như thụi nhau thậm chí vật nhau nếu không có thầy hay cô khi ở ngoài trường, ngoài lớp. Bạo hành đến nỗi bạn học quỳ xuống xin tha nhưng vẫn bị đánh tiếp là điều cả đời đi học tôi chưa từng biết, chứ chưa nói từng thấy. Việc này vừa xảy ra hôm qua ở Hà Nội, thủ đô nước CHXHCN Việt Nam, chốn kinh kỳ nổi tiếng thanh lịch từ ngàn xưa.

Điều đáng buồn hơn, em học sinh bị đánh không được bạn bè can ngăn. Có em quay clip tung lên trên mạng. Ở lứa tuổi lớp 5 vừa qua lớp 6, các em đã ý thức việc làm tàn nhẫn ấy chưa? Chắc chắn là có. Có, nhưng các em vẫn làm. Tuy là chuyện “cá biệt” nhưng “dĩ nhứt suy chi” (lấy một suy ra ) chúng ta- những người lớn- có thấy cái gì đó xót xa không? Một em bé quỳ xuống đất xin tha. Em khác đánh tới tấp. Người Việt nổi tiếng có truyền thống đánh nhau suốt chiều dài lịch sử lập nước và giữ nước. Đánh nhau từng có lúc là…lý tưởng. Đánh Tàu, đánh Pháp, đánh Mỹ, đánh ‘Ngụy’ , Bắc đánh Nam, Nam đánh Bắc (Trịnh Nguyễn phân tranh)…

Trẻ như Lê Văn Tám tự tẩm xăng đốt kho nhiên liệu địch. Cũng có em dùng dầu Nhị Thiên Đường bôi vào mắt thằng Mỹ rồi giựt lấy súng khi thằng xâm lược đang lấy tay dụi mắt vì cay… Cũng có em vào đồn Mỹ giả bộ chơi với chúng rồi nhân sơ hở, lén lấy súng đem về cho cách mạng… Những câu chuyện lịch sử ấy ảnh hưởng đến tâm hồn trẻ em qua sách giáo khoa, có hay không, tôi không rõ lắm. Nhưng đánh bạn , một cách tàn nhẫn, trong trường học, trước thái độ bàng quan của các bạn học khác, với trẻ em hơn 9,10 tuổi, là vấn đề đau lòng cho người lớn. ”Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” của Nguyễn Đình Chiểu không còn là tiêu chí đạo đức ? Lục Vân Tiên không là gì so với Lê Văn Tám?

Chuyện xảy ra ở Hà Nội chỉ là chuyện nhỏ? Nhưng có thực sự nhỏ không khi đạo đức, khởi đầu từ giáo dục, lại xảy ra ở lứa tuổi còn quá nhỏ thế này.

Buổi sáng tôi chẳng thấy bình an khi đọc tin như thế. Buồn vô hạn.

TRUNG QUỐC KHÔNG CÒN LÀ LỰA CHỌN HẤP DẪN

Việt Nam lọt vào điểm ngắm (radar) của phi toàn cầu hóa (deglobalization). Mấy tháng nay, phi toàn cầu hóa được nhiều người nói tới. Cụ thể, nơi nào bị tác động nhất, hoặc giả, TQ có chịu nổi đợt thoái vốn ào ạt này hay không. Tuy nhiên, ít ai để ý đến nước hưởng lợi trong sự bùng phát này.

Có thể nói, TQ là nước hưởng lợi lớn nhất trong việc toàn cầu hóa (globalization) hàng chục thập niên rồi. Từ khi gia nhập WTO năm 2001, GDP của họ tăng gấp mười một lần, trỗi dậy từ nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới vươn lên vị trí thứ 2 và gần bắt kịp Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, cơn sóng địa chính trị đã sớm đổi chiều. Cả ở TQ, và còn hơn thế nữa. Qua chính sách lưu thông kép, TQ đầu tư mạnh về công nghệ tiên phong để bảo đảm không còn lệ thuộc vào công nghệ thiết yếu từ nước ngoài. Rõ nhất là chất bán dẫn. Xu hướng này không có gì bất ngờ, vì các công ty ngày càng thấy rõ các rủi ro liên quan đến đầu tư ở TQ – đáng chú ý nhất là chính sách “zero-Covid” (phong tỏa tiếp phong tỏa khi xuất hiện dịch-ND). Chi phí nhân công và đất đai tiếp tục tăng, đầu tư vào TQ chẳng có ý nghĩa gì về kinh tế đối với các công ty đa quốc gia. Một số công ty còn nán lại ở TQ đang cân nhắc chủ trương “TQ cộng một” (China plus One) để bảo vệ vốn liếng của mình. Do đó, nhiều công ty xem xét các lựa chọn thay thế trong khu vực.

VIỆT NAM LÀ NƠI LÀM ĂN LÝ TƯỞNG

Vào Việt Nam. Có một số yếu tổ khiến VN có một vị trí hoàn hảo. Về mặt địa lý, VN nằm sát phía nam TQ, thông ra biển Đông qua các cảng biển lớn, sản phẩm xuất khẩu nhanh chóng. Giá trị gia tăng vẫn tạo ở nơi khác, chủ yếu là TQ, việc tiếp cận công nghệ, nguồn nhân lực kỹ thuật cao, ở đó phong phú hơn nhiều.

Tuy nhiên, VN tự khẳng định mình là nơi hoàn hảo để lắp ráp sản phẩm ở giai đoạn hoàn chỉnh. Giai đoạn này không cần công nhân tay nghề cao, các công ty do đó tận dụng giá nhân công thấp, đất đai rẻ (so với các nước láng giềng). Thái Lan và TQ là hai nước đầu tư đáng kể trong sản xuất, dẫn đến giá đất tăng khi xây nhà xưởng đồng thời lương cũng tang, khiến cho họ khó cạnh tranh với nước láng giềng VN.

Dân số VN cũng là yếu tố chính. Với 98 triệu dân, VN là nước đứng hàng thứ 15 trên thế giới về số dân, hầu hết đều là lao động trẻ. So với TQ, VN là một quốc gia trẻ, đó cũng là lý do tại sao họ có khả năng chấm dứt chủ trương bỏ phong tỏa (“zero-covid”) hồi cuối thu năm ngoái.

CÁC ÔNG LỚN ĐÃ VÀO VN.

Samsung có lẽ là công ty đặt cược lớn vào VN. Năm nay, họ đầu tư 920 triệu đô la Mỹ vào các hãng xưởng của mình tại đây. Nhưng không chỉ có Samsung; Apple và Foxconn cũng đầu tư nhiều vào nước này.

Nhắc đến phi toàn cầu hóa, một trong những ngành xem xét nhiều nhất là ngành công nghiệp bán dẫn. Khi TQ cố gắng tự cung tự cấp, và các công ty muốn tránh rủi ro về địa chính trị, cơ hội mở ra rất lớn. Đáng chú ý, Samsung tuyên bố họ sẽ sản xuất chip tại VN vào tháng 7 năm 2023; hãng chip Synopsys của Mỹ cũng vừa chuyển đầu tư đến nước này.

Các yếu tố trên chỉ ra một tương lai tươi sáng cho VN, một quốc gia, trong lịch sử, nổi tiếng can cường đối diện với ảnh hưởng không lành của ngoại bang như Trung Hoa, Pháp hoặc Mỹ. Ngày nay, VN đối diện hình thức ảnh hưởng lành hơn nhiều qua đầu tư FDI (Foreign Development Investment: đầu tư phát triển nước ngoài).

NLC dịch từ https://www.verdict.co.uk/deglobalization-vietnam-winner.../

Tuesday, February 20, 2024

HÚ VÍA…THẦN TÀI

Tôi ở miền Nam qua hai chế độ. Hội An là thành phố tôi ở thời đi học, chừng 10 năm. Tôi chưa từng nghe ngày Vía Thần Tài. Bạn tôi, nhiều thế hệ cha mẹ ông bà, sống ở đây, gốc Hoa cũng nhiều, chưa hề nghe ngày vía ấy. Dân Hội An (cổ) coi cúng kiến là hoạt động thường xuyên của họ.

Các bạn là con cháu hãng rượu chuối Lý Sanh Hưng đường Nguyễn Thái Học, tiệm ảnh Huỳnh Sỏ đường Lê Lợi, hay nhà cho thuê sách 129 đường Cường Để (tức Trần Phú ngày nay). Họ nói với tôi không hề nghe nói 10 tháng giêng là ngày vía thần tài. Mua vàng thì quanh năm. Không cứ mua ngày này thì phát tài cả năm.

Theo tìm hiểu của tôi, người miền Nam (trước 1975) coi ngày 10 tháng giêng là ngày tưởng nhớ những vị đầu tiên đi mở cõi. Và ông Địa (thổ địa) là vị thần được cúng nhiều nhất. Thần Tài thường “ngồi ghé” chỗ thờ của ông Thổ Địa. Hội An cũng không khác. Chỉ có khác: Thần Tài Hội An lại được cho “bú vú”, theo bài viết đăng trên Gia Đình & Cuộc Sống (tờ Soha đăng lại ngày 6 tháng 12 năm 2012 với tựa đề “Phong tục cho thần tài 'hưởng' nhũ hoa nữ nhân viên ở Hội An”).

Tục “hưởng nhũ hoa”, (tôi gọi ngay là) “hun vú” của thần tài được mô tả như sau: “Đầu tiên, cô nhân viên một tay cầm tượng ngài, quay mặt vào ngực mình, tay kia từ từ cởi cúc áo ra. Khi đã cởi xong áo thì áp mặt ngài vào ngực mình, di chuyển đều từ trái qua phải rồi ngược lại. Ba lần như thế là xong”.

‘Nhân chứng văn hóa’  còn nhận xét: “…cũng không biết cái phong tục kỳ lạ này có từ bao giờ, thế nhưng đa phần ở Hội An, hễ ai mở hàng, thuê nhân viên nữ bán hàng đều dặn người làm của mình tuân thủ cái lệ hàng sáng ấy”.

Nói ngay, có mấy điểm (hủ) tục này không thể có và giả như có thì nó chỉ mới "nhập khẩu" gần đây thôi:

- Nếu chủ tiệm là nam giới, liệu bắt phụ nữ cởi áo ra để đưa vú cho thần tài, ông ta có xúc phạm nhân phẩm không?

- Tượng thần tài ngày xưa làm bằng đất. Nắm cổ ổng đưa vào vú có khi nào ổng bối rối, “phi” xuống đất vỡ đầu. Đối với người Việt, bể hay vỡ - nhất là tượng thờ - là một điều vô cùng cấm kỵ.

- Tượng đất tô màu, ngày nào cũng cạ vào vú thì gương mặt thần tài có còn hồng hào không?

- Ở Quảng Nam, xuất hành mà gặp “đàn bà”, người ta cho là xui xẻo. Sao thần tài linh thiêng kia mê đàn bà đến thế?

- Tượng thờ luôn luôn cố định. Chỉ có lau chỗ mấy ổng ngồi. Quét thì không dám rồi. Ngày nào cũng ẵm ông thần tài lên cho ngửi mồ hôi gần nách phụ nữ, có ai dám giỡn mặt hay vô lễ với thần như thế?

- “Đa phần” chủ cửa hàng cho thần tài hun vú? Tại sao bạn chúng tôi, con cháu người Minh Hương ở Hội An nhiều thế hệ, chưa ai biết cái (hủ) tục này? Hiện nay, có nhiều người quen, chủ hiệu buôn bán, các cô, các chị sao không hề kể cho tôi biết tục thần tài hun vú?

Có hay không có tục này không thành vấn đề. Vấn đề ở chỗ trung thực. Không thể lấy một hình ảnh hay một câu chuyện kể “thần tài hưởng nhũ hoa” để kết luận người Hội An đang duy trì cái hủ tục đáng xấu hổ và buồn cười ấy.

Nhân viên cởi áo để cho thần tài hun vú theo lệnh chủ nhà có phải là phụ nữ vốn nổi tiếng đoan chính của đất lễ Hội An? Cách đây hơn 10 năm, bạn tôi ở Úc về vào quán gội đầu nhưng bị từ chối vì không có dịch vụ gội đầu nam. Nay phụ nữ Hội An "chịu chơi" hơn sao? Phồn thực có thể xuất hiện ở đâu chứ tôi tin điều đó không xảy ra ở Quảng Nam, đặc biệt là ở Hội An.

Người Quảng chúng tôi có thành ngữ “Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn ba ngày đàng”. Tôi nghĩ, tục lệ nhân viên nữ vạch ngực cho thần tài hun vú là “tiếng dữ”. Đó chẳng phải là nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc (xin lỗi - cái con mẹ gì sất).

Sunday, February 18, 2024

MAY MẮN

Trong cuộc sống, may mắn là điều ai cũng mong muốn. Tôi thấy mình may mắn nhất: Quen biết những chú tiểu, tiểu ni khi vừa bước vào lớp đầu tiên bậc trung học, ở thành phố cổ nhỏ bé Hội An. Một trong các vị ấy là ni cô Tân.

Lúc biết cô thì chúng tôi ở vào tuổi "biết vui, biết buồn, biết tương tư". "Ngày nào cho tôi biết...". Bọn trẻ chúng tôi rất ngạc nhiên người đi tu lại...xinh đẹp. Mỗi lần ni cô bước vào sân trường, chúng tôi luôn luôn đảo mắt nhìn, đương nhiên len lén, từ xa. Chúng tôi cứ tưởng mình là Ngọc trong Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng. Ni cô xinh đẹp kia là Lan. Trong tiểu thuyết "diễm tình" nhuốm màu thiền, mối tình chớm nở giữa một chàng trai Hà Nội với cô gái giả trai, có cái tên Lan vừa nam vừa có thể là nữ. Mối tình đẹp. Suốt cuộc đời học sinh, chúng tôi mơ ước đặt chân đến ngôi chùa miền Bắc xa xôi như Khái Hưng mô tả để tìm gặp được Lan.

Và ngôi chùa ấy hiện ra gần 50 năm sau . Một ngôi chùa bề thế nhưng tĩnh lặng nằm sâu bên quốc lộ đi phố biển Vũng Tàu. Lan (tưởng tượng) của chúng tôi ngày nay là vị ni sư đáng kính. Như là vị trù trì ngôi chùa có hàng trăm ni cô, người bạn học chúng tôi vẫn còn giữ những nét thanh tân và thánh thiện như hồi cô là "Lan" trong tưởng tượng của đám học trò mê tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn. Nụ cười của vị sư trưởng không thay đổi.

Người ta già theo năm tháng. Nhưng nụ cười thì không bao giờ già, tôi có nhận xét như thế khi lần đầu gặp lại người bạn ni cô ngày xưa. Nụ cười của vị sư không còn e lệ như xưa. Nụ cười từ bi như đức Phật trên sảnh điện. Nụ cười bao dung của một vị ni tu hành đạo hạnh. Những câu chuyện của ni cô với chúng tôi là những câu chuyện nhẹ nhàng và thanh thoát như những làn hương trầm lẩn quất, tan nhẹ vào không gian, từ chiếc lọ sứ nhỏ trên chiếc bàn trước mặt chúng tôi.

Mỗi một vài năm, chúng tôi tìm đến chùa thăm cô sau mấy ngày tết. Nhìn những thảm cỏ xanh nằm xen những lối đi đầy các loại hoa, màu vàng chi phối; nghe thỉnh thoảng trong không gian yên ả tiếng khánh ngân nga và thảng hoặc tiếng chim sáo kêu đâu xa phía sau sân chùa mênh mông rộng, chúng tôi cảm thấy nỗi muộn phiền mỗi ngày chất chồng như biến mất. Sự yên bình trong ngôi chùa theo phái thiền tông của vị ni cô chính là sự yên bình trong lòng chúng tôi: Mỗi lần được hầu chuyện ni cô.

Tuổi trẻ, ni cô có thể là Lan trong lòng của một số học sinh nam mới lớn. Tuổi già, ni cô là nụ cười từ bi hiền dịu. Khi rời khỏi chùa, chúng tôi cứ nghĩ đến nụ cười của đức Thích Ca ngồi tĩnh tọa ở chính giữa sảnh đường. Có lẽ, ngài đang mỉm cười, độ lượng.

Saturday, February 17, 2024

THẦN TƯỢNG, chớ đụng đến.

Năm bầu cử tổng thống Mỹ, vì không ở về phía Trump, tôi bị nhiều người lên án. Không phải người ta ghét tôi mà vì người ta yêu Trump: Tôi cả gan đụng đến thần tượng của họ. Một thần tượng khác: danh tài bóng đá Maradona. Cái chết đột ngột của ông khiến người ta phẫn nộ rồi nghi ngờ, cả người thân cận nhất, bác sĩ riêng. Chuyện cũ nhưng vẫn mới.

Khi là thần tượng, người ta chiếm trọn lòng ngưỡng mộ vô bờ của đám đông cuồng mộ. Kẻ nào “chạm” đến thần tượng có thể trở thành “kẻ thù của nhân dân”.

Bác sĩ riêng của Maradona là một “nạn nhân” như thế. Các công tố Argentine điều tra ông ta có thể liên quan đến cái chết của huyền thoại bóng đá thế giới.

Cảnh sát lục soát nơi điều trị ở nhà riêng bác sĩ, tịch thu máy vi tính, điện thoại di động, các hồ sơ bệnh lý; họ muốn tìm bằng chứng về nghi vấn thiếu trách nhiệm có thể dẫn đến cái chết nhồi máu cơ tim của Maradona sau phẫu thuật mổ chỗ máu nghẽn thành công. Bác sĩ Luque vẫn chưa bị truy tố và ông nói nức nở trong nước mắt, không làm gì sai sót trong điều trị, trước các câu hỏi của báo chí.

Bác sĩ buồn bã: “Các vị muốn biết trách nhiệm của tôi chứ gì? Tôi yêu thương chăm sóc Maradona để anh kéo dài cuộc sống, tôi muốn anh cuối cùng sẽ bình phục…Tôi làm mọi cách và bằng mọi cách cứu anh”. Vị bác sĩ giải thích thêm: “Lẽ đáng Maradona phải đến trung tâm điều dưỡng. Nhưng anh không muốn. Diego tỏ ra “bất cần” (unmanageable). Anh rất buồn, muốn ở một mình, và bảo không phải anh không yêu mến con cái, gia đình, những người thân”.

Maradona chơi bóng cho Barcelona và Napoli, đoạt 2 giải hạng A ở phe Italia. Ra trận 91 lần thì ghi bàn 34 quả vào lưới đối phương trong 4 lần Argentina vào chung kết vô địch World Cup.

Huyền thoại có như thánh không? Có. Nhưng Diego cũng có các hành vi nếu là người khác ở nước khác thì nguy cơ ở tù rất cao: nghiện ma túy và sử dụng ma túy. Anh còn nghiện cả rượu mạnh, chết sau khi cai rượu. Ngoạn mục nhất là cú dùng tay đánh bóng vào lưới đội Anh, nổi tiếng thế giới ở World Cup, bị đám báo chí “thổ tả”  bỉ bôi  gọi “Bàn Tay của Chúa” (Hand of God).

THUỐC NAM, có nên tin?

Gọi thuốc Nam để phân biệt với thuốc Bắc. Nam của Việt, Bắc của Tàu. Tuệ Tĩnh chủ trương thuốc Nam chữa người Nam. Ngài cổ võ cho “cây nhà lá vườn”, chứ không có ý bài bác thuốc Bắc, thuốc có thể chữa cả người Nam, người Tây, người Mỹ.

Thuốc Nam, như thuốc Bắc, không có liều lượng nhất định, thời gian uống cũng thoải mái, năm ngày, nửa tháng, thậm chí cả năm. Vì lẽ đó, những người ở thành phố không chọn thuốc Nam bằng thuốc Tây, có hàm lượng, có thời gian điều trị rõ ràng, hẳn hoi.Khi mắc bịnh, nhất là nan y, đau chân há miệng, người ta thường…nghe đâu chữa đó. Rốt cuộc, có bịnh nhân tiền mất tật mang.

Từng mắc ung thư giai đoạn 3 hơn 10 năm trước, tôi chọn Tây y: hoá trị. Trong lúc chữa trị, tôi có kết hợp ‘thuốc Nam’ của giáo sư Lập Thạch Hoà, người Nhật Bản: nước gạo lứt (Xin xem phần comment bên dưới hoặc tham khảo trên mạng, công thức làm). Suốt thời gian hơn 6 tháng hóa trị, tôi luôn uống nước gạo lứt thay nước uống. Ông giáo sư người Nhật nói, chính loại nước này, và canh dưỡng sinh (công thức cũng của ông) cứu mạng sống ông, trong lúc anh và cha ông đều chết, khi cả ba đều ung thư.

Gạo và gạo lứt là hai loại thực phẩm người Việt từng ăn hàng…ngàn năm nay. Máy xay xát không có, chắc chắn ông bà ta ăn gạo lứt nhiều hơn gạo trắng. Gạo lứt không hại, nước gạo lứt có thể cũng vậy. Tôi tự hỏi, trong việc chữa khỏi ung thư, biết đâu nước gạo lứt  cũng là một trong những ân nhân của tôi? Sau chữa trị thành công, tôi duy trì uống nước gạo lứt thêm 3 năm nữa. Nay thấy khả quan, thỉnh thoảng tôi mới làm để uống, không thường xuyên.

Trải nghiệm thứ hai, tôi làm có kết quả là nước hạt chuối hột. Trên tạp chí Kiến Thức ngày nay, hồi tôi đọc là 15 ngày 1 số (không rõ lắm) lúc chưa có Internet. Bác sĩ Dương Minh Hoàng có hướng dẫn chữa sỏi thận bằng hạt chuối hột (chuối chát, Quảng Nam). Cách làm: chuối hột chín tách lấy hạt (bóp nguyên trái, chà nhẹ qua rá có lỗ thưa, hạt rơi, cơm ở lại). Hạt đem phơi thật khô, xay nhuyễn, cho vào lọ, đặt nơi cao ráo. Mỗi ngày, xúc một muỗng canh vun ngọn, nấu trong 1 lít rưỡi nước cho đến khi còn 1 lít; để nguội cho vào tủ lạnh, uống dần cho đến hết, thế chỗ cho lượng nước lã mỗi ngày phải uống. Mỗi ngày làm một lần, một muỗng #1 lít.

Vị bác sĩ này nói, ông rất ít tin vào thuốc Nam, nhưng hạt chuối hột giúp bản thân ông hết sỏi khi thuốc Tây không có kết quả (đương nhiên, đối với riêng ông, chứ không phải mọi người chữa Tây y). Và tôi cũng là người áp dụng và chữa hết sỏi: ở bọng đái, đường tiết niệu, thận trái; riêng sỏi ở thận phải quá lớn, chỉ ’mòn ‘ chứ không hết, sau khi siêu âm đối chiếu. Định uống tiếp sau 3 tháng nhưng “vướng” ung thư nên tôi bỏ dở. Bác sĩ Hoàng khuyên nên uống ba, bốn tháng. Chuối hột không xa lạ trong bữa ăn chúng ta, uống thời gian dài, lượng ít, để chữa sỏi, có lẽ không nguy hiểm mấy.

Riêng cái này, tôi có biết chắc chắn, nhưng khi áp dụng cũng hết sức thận trọng. Cây xương khỉ có thể chữa ung thư gan. Một người bà con 45 tuổi, đàn ông, không hút thuốc, không uống rượu, khi đau ở vùng ngực, khám bịnh viện kết quả: ung thư gan giai đoạn cuối, bịnh viện ‘bó tay’. Họ khuyên nên về tìm thuốc Nam mà chữa. Người đàn ông này được người ta mách: cây xương khỉ. Có bịnh thì vái tứ phương. Mỗi ngày, anh uống 1 vốc tay cây xương khỉ phơi khô nấu trong ấm điện siêu tốc. Nước nguội, cho vào ngăn mát, uống hết trong ngày. Một tháng sau, khi khám lại, bịnh giảm rõ rệt. Nay, anh uống ít hơn, và sức khỏe trở lại bình thường. Mỗi ngày anh đều tập thể dục đi bộ và ăn uống dinh dưỡng.

Nghe anh kể lại, tôi không tin lắm. Nhưng thấy anh khỏe mạnh, yêu đời, tôi tin lời anh nói.

Tuy nhiên, biết một người chữa khỏi ung thư gan nhờ uống xương khỉ thì không thể kết luận, ai mắc cùng loại bịnh cũng nhờ nó mà có thể chữa lành. Cơ địa người này không như người khác. Cái này tốt cho người này chưa hẳn tốt cho người khác. Tôi chỉ muốn nói, ung thư gan, hay bất kỳ ung thư nào, bịnh viện là địa chỉ gởi gắm mạng sống. Không thể bạ đâu chữa đó. Ai bày gì cũng nghe.

Khi bịnh viện ‘ chê’, thuốc Nam mới là chọn lựa thay thế, đối với bịnh ung thư.