Saturday, September 7, 2024

Sách "Ung thư và con đường tôi chữa khỏi". CHƯƠNG 17

               NHÂN SINH TIỂU THIÊN ĐỊA: QUY LUẬT

                                        1 *

Thuận thiên giả tồn: Quy luật chi phối mọi vật kể cả con người. Nguyên câu của nó: “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”. Thuận lẽ trời thì còn, trái lẽ trời thì mất. Tôi còn hiểu thiên không chỉ là trời. Thiên là quy luật (của vũ trụ). Nếu Thiên là Trời, ông Trời, thì phải có bà Trời. Ông Trời đã sợ, có bà Trời nữa, ai mà chịu thấu.

Tôi có một người bạn dạy đại học ở Đà Nẵng. Mỗi lần về thành phố đáng yêu nhiều bãi biển đẹp, gần nhiều di sản văn hóa thế giới Hội An, Huế, Mỹ Sơn, đi đâu tôi cũng nhờ anh làm “cán bộ đường lối”. Tay lái lụa. Anh từng chạy xe máy đi phượt hàng mấy trăm cây số. Nhưng khi vô Sài Gòn, tôi đưa xe anh không dám chạy. Ghê quá. Anh cho biết cảm tưởng khi nhìn thấy xe cộ qua lại hơn con thoi ở thành phố nhiều xe cộ nhất nước nhờ dân nhiều nhất nước. Anh sợ dù bạn bè gọi anh là tay lái lụa. Tôi không là tay lái lụa nhưng tôi ở Sài Gòn nhiều hơn bạn tôi. Tôi học quy luật chạy xe ở thành phố, ra đường là xe cộ mịt mùng. Khi qua đường, muốn “cắt” dòng xe ngược chiều, bạn phải quan sát kỹ phía trước: xe lớn, hãy nhường; xe hai bánh như mình, bạn hãy dấn đầu xe về họ; nếu thấy “nguy hiểm” họ sẽ chạy chậm lại, thế là, bạn rồ ga lướt qua. Nếu thấy xe đối mặt “băng băng” như trên xa lộ, bạn nên chững lại, chờ tên lửa vút qua, hãy quan sát trước sau và nhanh chóng “cắt đường”.

Bạn sẽ thấy nhiều tay lái xe phân khối lớn, họ chạy như phản lực cơ; quy luật họ nắm là ai cũng “ngán” tiếng nổ của xe phân khối lớn, màng nhĩ bạn lùng bùng, và “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, nép qua một bên, thế là ai cũng muốn nhường đường cho ông nội Harley có tiếng nổ oai hùng ấy, lớn giọng đe dọa. Mấy tay lái mô tô này cũng áp dụng quy luật: “mạnh (miệng bô xe) được, yếu thua”, hoặc “rung cây nhát khỉ”. Bạn hãy nắm quy luật chạy xe ở Sài Gòn, không qua mặt thì nhường đường; người chạy đối diện nhường đường, bạn phải chạy qua ngay. Sài Gòn xe chạy như mắc cửi nhưng ít ùn tắc lâu, mọi người đều tuân thủ một quy luật nào đó khi chạy xe. Chạy xe ở Sài Gòn, tôi nói nội đô, có va quẹt nhưng ít có tai nạn thảm khốc; đa số người chạy xe nắm vững quy luật lưu thông, trừ trường hợp, phụ nữ chưa quen chạy xe hơi nhưng lại sắm thứ đắt tiền, mang guốc cao gót khi điều khiển xe hơi, gây tai nạn chết người như báo từng đăng.

                                   2*

Quy luật luôn luôn hiện hữu chỉ có chúng ta không chịu phát hiện chúng hay có phát hiện nhưng không áp dụng. Khi đến ngã tư đường, tôi chứng kiến có xe chạy tốc độ cao gây tai nạn. Nạn nhân hay gây ra tai nạn tôi thấy có bảng số không phải thành phố. Có lẽ người gây tai nạn này mới tham gia làm người Sài Gòn. Khi đèn đường chuyển từ xanh sang vàng, anh này tăng tốc để vượt qua. Cũng có một người khác thấy đèn vàng, chưa kịp chuyển xanh, vội vã rồ ga. Cả hai tông vào nhau ở tốc độ lẽ ra không có ở ngã tư đường, vì cả hai đều không tuân theo quy luật giao thông: đèn vàng là khoảng thời gian cho người chạy xe chuẩn bị dừng hoặc chạy.

Khi chạy xe ra khỏi nhà, người chạy phải đội nón bảo hiểm. Tôi chứng kiến nhiều người không theo quy luật, tưởng rất nhàm chán này, kết cuộc, tai nạn thương tâm. Người ta đội nón bảo hiểm chỉ để đối phó với cảnh sát giao thông, một suy nghĩ hết sức không đúng: họ tước bỏ an toàn của chính mình mà không biết. Có thời gian tôi ở vùng Đồng Nai, gần quốc lộ 20, con đường từ Sài Gòn lên Đà Lạt, xe hơi, xe con, nhiều nhất là xe khách, xe tải, chạy liên tục ngày đêm. Vùng đất đỏ trù phú này còn trồng cây điều (đào lộn hột) rất nhiều. Người dân làm giàu nhờ hạt của cây có dầu xuất khẩu lấy ngoại tệ rất nhiều. Một bác nông dân chở một bao hạt điều ra lộ bán, tiệm thu mua nằm sát quốc 20. Anh chạy xe không đội nón bảo hiểm, nhà anh cách nơi thu mua chưa tới 100 mét và “không có cảnh sát giao thông”. Vừa dựng xe mép đường thì một chiếc xe khách chạy tốc độ khá cao, quẹt phần đuôi chiếc bao đựng hạt điều. Xe bị quật ngã, anh ngã ngửa, rất mạnh, đầu va vào nền đường; anh chết ngay tại chỗ: sọ nứt vì chấn thương. Nếu theo quy luật, lên xe máy là đội nón, anh không phải chết tức tưởi như thế.

Cháu ruột tôi bị chết cũng vì không tuân thủ quy luật chạy xe máy. Nhà cháu ở Phương Lâm cách Sài Gòn gần 150 km. Mỗi cuối tháng, cháu chạy xe máy về thăm ba mẹ. Cháu là kỹ sư vừa mới ra trường. Cháu đi xe về nhà cùng người em ruột. Chẳng may, tai nạn xảy ra; chừng 7 giờ tối, các cháu gần đến cổng nhà mình, một thanh niên trên chiếc xe phân khối lớn, chạy ngược chiều do muốn qua mặt một chiếc xe tải, vì chóa đèn, anh tông trực diện vào hai cháu tôi đang chạy sát lề phải. Người thanh niên kia và một trong hai người cháu chết tại chỗ. Cháu còn lại được cấp cứu sống sót sau 1 tuần nằm mê man; khi vào bệnh viện, người ta phải cắt dây để kịp lấy nón bảo hiểm thít chặt vào đầu. Anh của nó không phải không đội nón; người em kể lại, người anh mở nón ra treo trên xe…cho nó nhẹ, cháu nghĩ đã gần đến nhà. Quy luật luôn luôn tồn tại. Nếu cháu tôi tuân theo quy luật an toàn, gia đình anh chị tôi không phải đau đớn, những tháng năm còn lại của tuổi già. Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong, có thể là lời nhắc nhở hữu ích trong cuộc sống của chúng ta. “Giả vong” vì không theo trời, không theo quy luật. Người xưa: nhân sinh như tiểu thiên địa (con người là trời đất thu nhỏ)

Vì sao tôi đem quy luật thế sự, quy luật an toàn… để nói quy luật sinh hoạt con người? Tôi nghĩ mọi cái, từ vũ trụ bao la đến cá nhân bé nhỏ đều bị chi phối bởi một quy luật, mà làm trái quy luật, con người ắt gặp những điều không muốn. Tư hữu là động lực sản xuất tác động đến nhân loại. Làm trái quy luật – tức công hữu tư liệu sản xuất - mang lại bất cập và hệ lụy nhân loại chúng ta từng chứng kiến. Lưu thông cho xe cộ chia đường ra lề phải, lề trái. Người chạy đúng lề - theo quy luật – làm sao đụng nhau, gây tai nạn? Chạy trái lề quy định - trái quy luật - người lái xe sẽ nhận lấy thương tật, thậm chí cái chết, cho người khác, và cho cả chính mình.

Quy luật ở giao thông cũng có mặt ở sức khỏe con người. Có ai uống rượu mỗi ngày mỗi lít mà tuổi thọ nâng cao? Gan của người nghiện rượu sẽ nguy hiểm hơn người uống chừng mực và điều độ. Gan thương tổn vì người uống không theo quy luật: thái quá bất cập, cái gì nhiều quá cũng không tốt. Một chuyện nhỏ khi uống rượu và ăn lẩu. Món lẩu hấp dẫn khi ăn nóng. Ăn nóng nếu uống tý rượu thì phù hợp, tạo sự ngon miệng. Nhưng ăn nóng uống lạnh – với bia có đá chẳng hạn - răng người ăn sẽ dễ nứt. Lạnh của nước đá tác động vì nóng của nước lẩu – sai quy luật ăn uống– răng nứt, dễ hư hỏng… rất đúng quy luật!

                                          3*

Bây giờ tôi xin phép chuyển qua sức khỏe con người: cần quy luật để sinh tồn. Cơ thể con người theo quy luật không? Có, tôi luôn tin như thế. Đông y cho rằng, thời gian trong ngày, từ giờ tý cho tới giờ hợi, mỗi “múi” giờ tương ứng hoạt động cơ thể.

Theo kinh điển y học cổ truyền, nói đến kinh lạc qua thiên Kinh biệt sách Linh Khu viết: “Con người có 12 kinh mạch; khỏe mạnh bình an hay đau ốm bệnh tật đều bắt nguồn từ đó cả”.

Từ 3 - 5 giờ sáng (giờ Dần):  phế kinh hoạt động khiến các triệu chứng ho, sốt, đổ mồ hôi bộc phát dữ dội hơn, nếu có bệnh tại phế. Đây là thời điểm Phế kinh đẩy mạnh sức đề kháng để tự chữa lành

Từ 5 - 7 giờ sáng (giờ Mão): đại tràng co bóp mạnh nhất, lúc này nên đi tại tiện để thải chất độc.

Từ 7 - 9 giờ sáng (giờ Thìn): giờ thịnh Vị kinh, lúc dạ dày hoạt động tích cực nhất, đây là thời điểm lý tưởng để ăn sáng.

Từ 9 - 11 giờ sáng (giờ Tỵ): khi Tỳ kinh thịnh, có thể nói lá lách hoạt động và hấp thu tốt nhất.

Từ 11 giờ sáng - 1 giờ chiều (giờ Ngọ): Tâm kinh hoạt động, là thời gian âm dương thiếu cân bằng trong ngày nên con người dễ bị mệt mỏi, vì vậy cần nghỉ ngơi để tránh mắc bệnh (nghỉ trưa thật quý).

Từ 1 - 3 giờ chiều (giờ Mùi): có thể nói ruột non bài tiết và hấp thu tốt nhất, vì vậy nên ăn trưa trước 1 giờ chiều.

Từ 3 - 5 giờ chiều (giờ Thân): Bàng quang kinh hoạt động mạnh, cần uống nhiều nước hơn.

Từ 5 giờ chiều - 7 giờ tối (giờ Dậu): Thận kinh hoạt động tích cực, do vậy thích hợp để những người bệnh ở kinh Thận - Bàng quang xoa bóp bấm huyệt vị, tập dưỡng sinh, thả lỏng cơ thể.

Từ 7 - 9 giờ tối (giờ Tuất): Tâm bào kinh hoạt động. Lúc này thần kinh và tim hoạt động mạnh nhất.

Từ 9 - 11 giờ tối (giờ Hợi): Tam tiêu kinh hoạt động. Có thể ví như đây là thời gian hệ nội tiết hoạt động mạnh, nên cần đi ngủ để điều hòa cân bằng nội tiết tố trong cơ thể.

Từ 11 giờ tối đến 1 giờ sáng (giờ Tý) là Đảm kinh hoạt động.

Và từ 1 - 3 giờ sáng (giờ Sửu) là Can kinh hoạt động. Có thể xem như Can kinh - Đảm kinh như gan mật, là cơ quan khử độc bài tiết, miễn dịch quan trọng của cơ thể nên chúng ta cần nghỉ ngơi trong khoảng thời gian quý báu này, nhằm nâng cao chức năng điều tiết và phục hồi của kinh lạc sau 1 ngày làm việc

                                            4*

Đông y có những mặt tiến bộ siêu việt, nhiều cái không thể lý giải. Tại sao, thời xa xưa, không có khoa giải phẫu, người Trung Hoa cổ biết rõ kinh lạc trong cơ thể? Ngành châm cứu ra đời rất sớm. Đọc Tam quốc chí, thấy Quan Vân Trường để thầy thuốc mổ cắt bỏ thịt ở cánh tay bị tên độc làm hoại tử; chúng ta ngạc nhiên, ông này can đảm, chịu đau giỏi đến thế. Thực ra, Hoa Đà dùng kim phóng bế huyệt đạo cánh tay Quan Công, giống như đánh thuốc mê vào chỗ mổ, cảm giác đau không còn, xương nạo sồn sột, người bị mổ vẫn thản nhiên uống rượu, đánh cờ.

Năm 1972, Mao Trạch Đông khoe với tổng thống Mỹ Richard M. Nixon tiến bộ đông y cổ truyền Trung Quốc qua châm cứu. Dùng 2 cây kim mảnh dài 6 tấc, một bác sĩ châm cứu chích vào huyệt đạo nào đó của con voi trắng to lớn trong sở thú; con voi đứng bất động, không thể đưa vòi qua lại như thường thấy, trước sự thán phục của phái đoàn người Mỹ do Nixon và Kissinger dẫn đầu khi đến thăm Bắc Kinh. Như vậy, cái ta tưởng không quy luật nhưng lại có quy luật. Và bằng cách nào người Trung Hoa cổ tìm ra quy luật trong châm cứu, đó sẽ là đề tài hấp dẫn, nhưng đó nằm ngoài hiểu biết của người viết. Chỉ dẫn giờ giấc nào thì bộ phận nào trong cơ thể con người hoạt động, như ta đọc ở trên. Quy luật nằm ở đó. Thức khuya quá 1 giờ sáng thời gian dài, con người đối diện với sự xuống cấp của chức năng gan là điều có thật.

                                                5*

Tôi xin nói đến một thói quen phản quy luật sức khỏe: hút thuốc lá. Phổi cần không khí trong lành, chúng ta lại cho nó ám đầy khói thuốc lá. Hít càng sâu vào tận cùng ngóc ngách của lá phổi, người hút mới thấy…đã. Tôi từng chứng kiến sau năm 1975, lần đầu gặp các chú bộ đội từ miền Bắc vào hút “điếu cày” (hay điếu cầy?). Có người hút rất điệu nghệ, có người mới tập tò, nhất là các chú bộ đội đâu 16, 17 tuổi non tơ. Có anh bật ngửa ra giường nằm như bất tỉnh sau khi rít một hơi dài khói thuốc lào (hay Lào?). Tôi sảng sốt tưởng anh “đi” luôn, nhưng không, đôi ba phút sau, anh ta ngồi bật dậy, sảng khoái la to: quá thích, quá thích. “Thuốc lào bổ phổi, diệt trùng lao”? Tại sao phổi cần không khí trong lành, thì con người lại tẩm nó bằng khói thuốc? Tại khói thuốc quá hấp dẫn? Thuốc lá còn gọi tương tư thảo. Tương tư nghĩa là xa nó sẽ nhớ nhung, như nhớ người yêu, như nhớ vợ mới cưới. “Nhớ ai như nhớ thuốc lào. Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”. Nếu là tôi, nhớ ai thì nhớ nhưng điếu chôn dưới đất nên chôn luôn. Không chôn nó, nó sẽ chôn người hút. Ngày càng nhiều ca ung thư từ khói thuốc lá, theo dõi thống kê y tế, khắc thấy, tôi không nói ngoa.

Sống cần chất lượng, tại sao (một số người trong) chúng ta phải buông thả, bỏ qua những quy luật sống? Đê mê từ khói thuốc quan trọng hơn an bình với sức khỏe tốt hay sao? Tại sao phải đánh đổi sức khỏe để được “sảng khoái”?

Thời gian tôi điều trị, rất nhiều đàn ông trông khỏe mạnh, cũng vì yêu cảm giác “sảng khoái” cả đời, họ phải sắp hàng chờ đợi ở bệnh viện, để làm các thủ tục điều trị ung thư phổi. Họ cũng sẽ như tôi, phải chịu đựng nỗi đau đớn của hóa chất điều trị vì niềm sảng khoái đắt đỏ thế sao? Tuy nhiên, lỡ hút thì tùy, nhưng là bệnh nhân ung thư, dù là loại nào – không cứ ung thư phổi – tôi nghĩ bệnh nhân nên bỏ hẳn thuốc lá.

Friday, September 6, 2024

Sách "Ung thư và con đường tôi chữa khỏi". CHƯƠNG 16

                 ĂN, ĐÂU CÓ DỄ

Tôi có thói quen ăn rất đúng giờ. Trừ trường hợp bất đắc dĩ, giờ ăn có thể thay đổi. Khi còn trẻ, người ta không cần giờ giấc cho ăn uống. Lúc nào đói ăn lúc đó, khi còn thanh niên tôi cũng như thế. Cái ăn rất cần cho cuộc sống. Khi bệnh như ung thư, liệu trình chữa trị nhiêu khê, kéo dài, việc ăn uống do đó hết sức cần thiết. Bảy ngày liên tục uống thuốc, dù chỉ một viên, tôi không ăn nổi cơm, chỉ uống sữa từng ít một, để khỏi đói, khỏi ói. Ngày thứ tám, không phải uống nữa vì hết liều, tôi cảm thấy thoải mái. Không rõ do tinh thần hay do không còn thuốc, tôi thấy muốn ăn cơm.

Bước đầu, tôi cũng ăn nhỏ nhẻ, từng ít một. Tôi không dám ăn trọn chén cơm dù có thể ăn hết. Vợ tôi rang mè cho tôi ăn với cơm, theo đề nghị của chồng. Ăn cách này, ta phải nhai kỹ mới có thể nuốt. Lúc trẻ, tôi có quen một chú tiểu tu ở chùa. Chú ăn gạo lứt muối mè thường xuyên vì chùa chú tu, các thầy, các sư đều ăn như thế, nhưng có thêm các loại bí đỏ, bí đao, các loại củ, tương và các loại rau. Tôi thân với chú và vài chú nữa, thỉnh thoảng được ăn cơm Chùa, và tôi để ý, ăn cơm với muối mè dễ nuốt nhất: nhai càng kỹ, ăn càng ngon vì có mùi thơm của mè.

Khi “say sưa” với thuốc trị ung thư, tôi cũng bắt đầu ăn với cơm với muối mè. Rất dễ ăn hay là khi ăn tôi nhớ thời gian gần gũi các chú tiểu ở chùa? Thật thần kỳ, tôi ăn ngon miệng; sau đó tôi không ăn như thế nữa và bắt đầu ăn các thứ tôi thích. Lúc đầu, tôi tin ung thư không nên ăn thịt đỏ, tôi chuyển qua ăn cá biển, không ăn cá sông, cá biển không tanh như cá sông, dễ ăn hơn.

Miệng tôi lở loét nhiều chỗ, có thể nói là suốt thời gian điều trị, càng về sau các chỗ loét nhỏ hơn, có lẽ ít hơn nhưng vẫn xuất hiện. Loét miệng đôi ba hôm, bạn sẽ thấy dễ chịu khi hết nhưng cả mấy tháng, chắc chắn bạn sẽ rất khó chịu. Nhưng “chạy trời không khỏi nắng”, sự khó chịu vì miệng lở của tôi ngày càng trở nên “quen thuộc”, khó cũng phải chịu.

Tôi xem tài liệu thấy cá cũng bảo đảm đủ đạm và dễ tiêu hóa hơn thịt. Bụng dễ tiêu cơm là việc rất cần cho người bệnh. Ăn nhiều thịt, bộ máy tiêu hóa vốn bị đình trệ vì thuốc sẽ càng đình trệ hơn; đối với tôi ăn cá biển là một lựa chọn ưu tiên nhất. Tất nhiên các loại rau quả khác đều phải đa dạng. Ăn uống thời gian này rất cần đủ chất. Thức ăn đa dạng, tôi cần phải ăn dù nhiều loại thực phẩm, lúc trước tôi không ưa thích mấy.

Có một bất tiện: gia vị cho chế biến các món cá. Cá không ướp gia vị ban đầu là nỗi khó chịu cho tôi. Nhưng miệng tôi bị lở, có gia vị làm sao chịu được. Ngay cả bỏ củ hành nhỏ, để dễ ăn, tôi cũng không ăn được vì hành củ quá…cay. Tôi rất thích ăn hành củ và nhất là hành tây. Nay, trong món ăn “chủ đạo”, cá biển, hành tây bỏ vào tôi cũng không ăn được; nó cay còn hơn ớt những lúc tôi không lở miệng. Không ăn thì không đủ chất. Tôi buộc phải ăn. Quý vị thử các món ăn có cá không kèm gia vị để thấy nỗ lực của tôi như thế nào.

Một trở ngại nữa: cơm nóng, canh nóng, cá chế biến nóng – tôi không ăn được, các chỗ loét lúc nào cũng hiện diện, không chỗ này, cũng chỗ khác trong miệng, dù bệnh viện có bán pomade đặc trị để xức; lành chỗ này lở chỗ khác, chúng muốn lở đâu thì lở, chỉ có răng là không; nướu, lưỡi, vòm họng, chúng thích chỗ nào thì lở chỗ đó. Mọi người ăn xong, tôi còn phải chờ cho chiếc quạt chạy rò rò với tốc độ vừa phải không bay cơm, bay nước canh, nước cá. Các thức ăn nguội hẳn, tôi mới bắt đầu ăn. Cơm nóng, canh nóng, “ăn nóng mới ngon” như mẹ tôi thường nói khi xưa, không còn ngon nữa; tôi có ăn được đâu mà ngon!

Thói quen tưởng khó bỏ nhưng khi bạn đã bệnh như tôi, ung thư, thì thói quen phải bỏ, không “nghĩa địa” gì đối với tôi: ăn cá không gia vị, ăn cơm, canh không cần hâm nóng. “Ăn để sống chớ không phải sống để ăn” trong thời gian tôi chữa trị ung thư thật là đúng đắn. Có các loại thực phẩm lúc trước tôi không thích nhưng nay, đọc tài liệu thấy tốt cho việc “tiêu diệt” tế bào ung thư như cải bẹ xanh hay súp lơ Đà Lạt, tôi bắt đầu ăn, không thích, cũng phải thích.

Tôi có thói quen uống cà phê “ba trong một” (cà phê, đường, sữa), tức cà phê gói, mỗi buổi sáng. Và uống nóng cho ngon không còn là cách uống đúng cho món cà phê đối với tôi. Thói quen hình thành khó bỏ, cho tới bây giờ, tôi vẫn chưng cà phê trong nước thật nguội, trước khi uống, như thế, tôi lại thấy nó ngon, trái với thông thường, cà phê cũng như trà, uống nóng mới ngon. Thỉnh thoảng tôi uống trà và trà cũng phải nguội…mới ngon. Tôi tìm hiểu, uống trà thật nóng, nguy cơ ung thư vòm họng ở đàn ông cao hơn uống trà nóng vừa phải. Không biết tài liệu ấy thế nào nhưng nếu đúng thì “nguy cơ” ung thư vòm họng khó đến với tôi, vì tôi uống trà…nguội, cà phê… nguội.

Thói quen ăn uống có thể đóng góp phần nào cho việc hình thành các loại bệnh cho con người hay không? Tôi nghĩ là có. Nếu có thói quen ăn nhiều gỏi cá, tiết canh, biết đâu người ăn sẽ dễ bị nhiễm giun sán hơn người ít ăn, hay không ăn chúng? Nhiễm sán chó nghe nói rất khó phát hiện và rất khó chữa đối với người thích ăn tiết canh chó hay ăn thịt chó luộc chưa thật chín (có người còn ăn tiết canh chó sao trời?).

Khi tôi bệnh, tôi chú trọng đến ăn uống rất nhiều và tôi bỏ công tìm hiểu nhiều tài liệu - ăn thứ gì tốt cho người đang chữa trị ung thư; và tôi phải chắc, những thứ có trong bữa ăn hằng ngày của người Việt Nam; chẳng hạn, củ cải trắng (trước đây tôi rất ghét) hay cải bẹ xanh sống (vì rất hăng). Nay tôi lại rất thích ăn cải sống rửa sạch và thịt kho củ cải trắng. Tôi đọc đâu đó, cải bẹ xanh, củ cải trắng có thể tiêu diệt tế bào ung thư. Chưa biết cơ sở khoa học nhưng tôi vẫn ăn vì hai thứ này người ta vẫn ăn thường xuyên.

Tuy nhiên, không phải chỉ ăn cá, tôi thỉnh thoảng còn ăn thịt “trắng” như thịt gà, thịt vịt, và cố tránh món thịt bò. Lúc chưa bệnh, tôi rất thích và thường xuyên ăn thịt bò. Có tài liệu bảo thịt đỏ, nhất là thịt bò, không tốt cho người bị ung thư, tôi không dám đụng đến, cho tới khi tôi hỏi bác sĩ trị bệnh cho tôi, và được trả lời, nên ăn để có sức khỏe mà chống chọi lại bệnh, tôi mới dám ăn, và ăn rất đều đặn.

Trước 1975, tôi có mấy bạn học sinh viên cần tiền mua thêm sách vở; họ đến bệnh viện để… bán máu. Một lần nghe đâu 500 đồng (3000 đồng/ cơm tháng đối với sinh viên). Tôi nghe họ kể lại, bán máu xong, ngoài số tiền, bệnh viện mua máu còn mời một bữa cơm có 1 lát bít tết bò to như bàn tay, ăn với khoai tây chiên, để phục hồi cơ thể do máu bị lấy bớt. Như vậy, thịt bò rất tốt cho cơ thể người đang chữa ung thư, phải vô hóa chất, da xanh mét, có lẽ do mất nhiều hồng cầu.

Giáo sư Lập Thạch Hòa, người Nhật Bản, sáng chế công thức nấu nước gạo lứt (tôi có lần đề cập) và canh dưỡng sinh (*) có lập luận: Khi người Mỹ mang sữa bò (sữa đậu nành phổ thông ở Nhật) và thói quen ăn nhiều thịt bò qua Nhật, người Nhật bị ung thư nhiều hơn trước. Ông cho rằng sữa bò và thịt bò không gây ung thư cho người phương Tây vì ruột của họ dài hơn ruột của người Nhật (?). Vì vậy, có tin tưởng, những người ung thư không nên uống sữa bò hay ăn thịt bò? Tôi không kiêng thịt bò khi bị ung thư theo lời khuyên của bác sĩ chữa trị cho tôi. Bác sĩ nói: “Bây giờ ông cần ăn thịt bò để có sức. Nếu ông không ăn, bệnh sẽ “ăn” ông. Khi hết bệnh, ông muốn ăn hay kiêng là quyền của ông”. Và tôi nghe theo lời bác sĩ.

Nhưng khi khỏi bệnh, do tin vào một số tài liệu, tôi cữ ăn nó, đâu 2 hay 3 năm không dám đụng tới. Nay tôi ăn lại, ăn mạnh, nhưng có thấy ung thư ung thiết gì nữa đâu. Tôi cũng uống Ensure dành cho người bình thường cả 8 năm nay. Nhiều người ngạc nhiên, bảo tôi tại sao lại uống sữa, không sợ ung thư trở lại sao. Tôi cười lắc đầu. Sữa giúp tôi có gương mặt hồng hào từ khi khỏi bệnh cho đến nay. Người khác có uống sữa như tôi sau khi chữa khỏi ung thư hay không, tôi chưa rõ.

Hoàn cảnh mỗi người mỗi khác. Bệnh mỗi người cũng không giống nhau. Tốt với tôi nhưng lại không tốt với người khác, trong vấn đề ăn uống, ấy là vấn đề dinh dưỡng trong chữa trị ung thư. Nhiệm vụ của tôi là nói ra hoàn cảnh, trường hợp của mình, chia sẻ hay không chia sẻ, đó là sự chọn lựa của mỗi người, nhất là những người đang chữa trị hay đang mang trong mình căn bệnh ung thư cần quan tâm dinh dưỡng.

CHÚ THÍCH (*): Thành phần của canh dưỡng sinh gồm có: + Củ cải trắng cỡ trung bình: một phần tư củ. + Lá củ cải trắng (phần trên của củ cải): một phần tư chùm lá, bổ dọc xuống để có lá có cọng. + Củ cà rốt cỡ trung bình: nửa củ. + Nấm đông cô Nhật Bản (thứ có lằn nứt nẻ màu trắng, đừng lẫn lộn với thứ trơn của Trung Quốc): một cái. + Củ Ngưu Bàng (tiếng Anh: Burdock): củ lớn một phần tư, củ nhỏ phân nửa. Phương pháp nấu: Tất cả nguyên liệu đều còn trong trạng thái bình thường, chưa hề luộc qua lần nào. Đồ nấu phải sử dụng bằng thủy tinh có nắp đậy, loại chịu đựng được lửa nóng. Dừng gọt sạch vỏ và không nên cắt quá nhỏ. Phải đổ thêm nước gấp 3 lần phần vật liệu hợp lại. Khi sôi, phải vặn lửa thật nhỏ để nấu tiếp trong một tiếng đồng hồ mà không cạn nước. Dùng nước canh dưỡng sinh này thay thế nước trà để uống. Phần xác (cái) còn lại dùng để nấu canh ăn tùy thích, đừng bỏ uổng. Lưu ý: Đừng nghĩ rằng để thêm nhiều vật liệu chừng nào thì hiệu quả của canh dưỡng sinh càng hay chừng nấy.

Thursday, September 5, 2024

Sách "Ung thư và con đường tôi chữa khỏi". CHƯƠNG 15.

“ĐOẠN TRƯỜNG AI CÓ QUA CẦU MỚI HAY”

Chấn động đầu tiên của tôi là cầm trên tay tờ giấy kết quả xét nghiệm sinh thiết có chữ K to tướng. Ban đầu tôi nghĩ, có sự nhầm lẫn nào không. Biết đâu trong phòng thí nghiệm, người ta nhầm mẫu xét nghiệm của người khác vào mình. Cầm giấy hẹn trở lại bệnh viện làm thủ tục nhập viện chữa trị, tôi thầm cầu nguyện, biết đâu khi khám lại, tôi không phải mắc bệnh ung thư.

Ở bệnh viện, các bước xét nghiệm rất khoa học và rất chính xác theo tôi được biết, vì một bệnh nhân khi mắc bệnh, chắc chắn không thể xảy ra sai sót, ví dụ như đau lưng chẩn đoán thành đau thận, như suy nghĩ thông thường của tôi. Tâm lý hoang mang khiến đầu óc tôi mụ mị, suy nghĩ mông lung. Và khi lấy tủy sống để xác định chính xác loại ung thư, tôi mới tin chắc mình đã…ung thư.

Tìm hiểu rất nhiều và rất kỹ các tác dụng phụ của thuốc chữa trị loại ung thư đang mắc, tôi vẫn không hình dung nổi, mức độ chịu đựng mà tôi trải qua. Bây giờ nhớ lại, tôi không khỏi rùng mình. Không rõ các loại ung thư khác, các bệnh nhân gặp cảm tưởng có giống tôi không - về tác động của thuốc khi truyền vào người. Tôi cũng không rõ mấy. Một cảm giác cực kỳ khó tả nhưng khó mà quên đi mau chóng.

Khi y tá sạc thuốc vào bình chứa nước, nước trong veo bỗng chuyển qua màu đỏ, nhạt như máu trong thau nước sau khi đựng tiết heo. Và khi họ chích cây kim to vào mạch máu nơi bàn tay, một luồng hơi nóng, như xông nồi nước lá, ngấm dần dần vào cơ thể. Đầu tôi có cảm giác nằng nặng, bần thần, tôi hơi khó thở. Tôi chực muốn ói nhưng cố nén lại. Bệnh nhân ngồi cạnh tôi là một người Miên trẻ, to con từ Nam Vang qua Việt Nam chữa trị. Khi vô thuốc cùng thời gian, anh nhộn nhạo, mặt xanh mét như hết máu, rồi ói ngay ra áo, xối xả thức ăn, không kìm được. Cô bạn gái vội lấy khăn hốt lại chỗ cơm lẫn nước bọt, phần trên ghế, phần dưới nền nhà. Tôi nhìn anh một lúc nhưng không thấy anh nữa, mắt tôi như tối lại. Thật may mắn, hiện tượng ấy trôi qua có lẽ khá nhanh, nhưng tôi vẫn nghĩ là khá chậm. Mắt tôi sáng lại. Tôi nghe tiếng vợ tôi đứng ngoài trao đổi gì với nhân viên y tế. Té ra bà báo với y tá mặt tôi tái mét không một giọt máu lúc tôi thấy mắt mình tối sầm bất chợt.

Người y tá tiến lại chỗ tôi ngồi, hỏi tôi thấy thế nào. Tôi thẫn thờ trả lời không sao. Cô đứng một lúc bên tôi, quan sát bình nước treo trên cao, đưa tay vặn nhỏ lại, hình như cho các giọt nước thuốc chảy chậm hơn vào mạch máu trên mu bàn tay tê dại của tôi. Cơ thể người có đặc tính dễ thích nghi. Độ 15 phút sau, tôi bắt đầu hít thở thật sâu, theo dõi hơi nóng truyền đi khắp cơ thể, hơi khó chịu ban đầu, nhưng chịu đựng được về sau, sức nóng của thuốc.

Phải mất gần 4 tiếng cho lần truyền dịch đầu tiên. Các lần sau tôi thấy nhanh hơn nhiều; có lẽ cơ thể tôi cũng thích nghi khá tốt. Một điều khá hay, người ung thư, không phải mổ xẻ gì trước khi vô thuốc như tôi, có thể đứng dậy đi lại, tuy hơi váng đầu một chút. Tôi cũng không dám vào những chỗ bệnh nhân ung thư điều trị nội trú. Không rõ vì sao họ không đi lại được như chúng tôi mà phải nằm. Có lẽ sức khỏe họ quá yếu hay có những loại thuốc khi truyền xong, họ phải nằm lại, để bác sĩ theo dõi. Trong hành lang trước phòng tôi vô thuốc, việc đi lại khá khó khăn. Có quá nhiều người ngồi hoặc đứng san sát nhau.

Nhìn một vài người xanh xao, vàng võ, từ trong các phòng bệnh nhân nội trú bước ra, tôi không dám đến đó để quan sát theo thói quen, tìm tòi, mỗi khi đến một nơi nào mới. Khi đi về, tôi bước theo bà vợ, đi trước “mở đường”. Tôi có trông thoáng qua cửa sổ các phòng bệnh nhân đang nằm: dày đặc người, cả dưới gầm giường, những người nuôi bệnh.

Đông bệnh, đông người nuôi, quang cảnh trong bệnh viện không tránh được cái vẻ nhếch nhác, bẩn thỉu, một điều không thể có trong một bệnh viện, nhưng biết làm sao; đến đây để giành lại sự sống, mọi người cũng như tôi, thầm lặng chịu đựng, thầm lặng chấp nhận hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn chung của bệnh viện, nơi tôi điều trị.

Khi ra về tôi gặp một rắc rối. Gởi xe máy rất sớm vào buổi sáng; nhưng khi lấy xe lúc hai giờ chiều. Lượng xe gởi ở bệnh viện không lúc nào ngơi nghỉ. Xe được các nhân viên sắp xếp lại khi có người lấy ra để trống chỗ cho người mới đến gởi vào. Xe tôi đi cũng vậy. Ác nỗi, tôi quên mất số xe và vợ tôi cũng không nhớ, chỉ biết là loại xe Airblade. Ở bãi giữ xe này hàng ngàn chiếc chứ không phải hàng trăm chiếc như thế. Nhân viên ngỏ lời giúp đỡ khi thấy tôi lớ ngớ đi lại cả nửa tiếng đồng hồ ngoài trời nắng chang chang của thành phố Sài Gòn. Họ cũng bó tay. Lúc đó chúng tôi lại bỏ quên điện thoại ở nhà. Vợ tôi phải nhờ máy nhân viên gửi xe gọi về nhà để biết số xe và cỡ 15 phút sau, anh em giữ xe tìm ra chỗ xe tôi dựng.

Ấy là tôi chưa kể quý vị, người nóng như cục than của tôi phải phơi ngoài trời gần gần 1 tiếng đồng hồ. Khi tìm ra xe tôi mới để ý mình đang nóng rực vì thuốc, nó như nung trong thân thể khi tôi phơi ngoài nắng. Cái nóng của thuốc không thể so sánh với bất cứ cái gì cảm nhận từ trước. Tách trà nóng, bạn có thể uống được vì tách trà có quai cầm và nước ngụm từng hớp theo ý muốn. Hàng chục tách trà nóng nằm trong người tôi, làm sao tôi có chọn lựa nào khác. Chịu đựng và chịu đựng, vậy thôi.

Đêm đầu tiên ngày vô thuốc là một đêm kinh hoàng. Con trai tôi lắp máy điều hòa cho bố vì muốn tôi được “mát mẻ” trong giấc ngủ; cháu nghĩ tôi chắc sẽ nóng, trằn trọc không ngủ, nếu nằm phòng máy quạt, vì tôi không quen nằm phòng gắn máy lạnh. Sức bơm của tim tôi đo được 63%, nghĩa là, tim tôi cung cấp không đủ máu cho cơ thể, nhất là máu đi lên não. Khám tổng quát, bác sĩ cho biết tôi hở động mạch chủ 1/4 và van hai lá, ba lá chi đó cũng tương tự. Vì máu bơm không đủ lên não, tôi hay bị ngộp khi đi xe hơi có máy lạnh. Bất đắc dĩ tôi phải ngủ trong phòng điều hòa đóng kín. Không khí cũng dễ chịu hơn khi đi xe hơi có điều hòa nhờ không gian rộng hơn.

Nhiệt độ hạ xuống đâu 18 độ C vẫn không làm tôi bớt nóng. Nằm trằn trọc cả đêm, tôi cố thở thật sâu, ra vào đều đặn, và đếm hơi thở của mình. Đếm nhiều đến nỗi quên, không biết đếm tới bao nhiêu. Tôi bắt đầu đếm lại. Có lẽ con số đếm hơi thở nhiều hơn các lần đếm trước. Vẫn không ngủ được. Người tôi vẫn nóng rang như thiêu như đốt. Có lẽ 2 hay 3 giờ sáng chi đó tôi thiu thiu chút đỉnh, rồi thức giấc để nghe cơn nóng hoành hành. Tôi không hình dung dưới hỏa ngục, tội nhân bị bỏ vào các vạc dầu không biết có nóng như tôi bây giờ hay không. Thảy vô chảo dầu, tội nhân đâu còn biết nóng nữa như tôi!

Tôi có thói quen dậy sớm lúc 5 giờ để đi bộ mỗi ngày. Đến giờ, không cần báo thức, tôi dậy đúng boong. Đêm ngủ có hỏa ngục trong người, tôi khỏi cần dậy vì có ngủ được đâu. Tôi vịn giường gượng bước, lảo đảo đôi nhịp. Tôi muốn tập thể dục. Biết đâu sẽ đỡ hơn. Không được. Tôi không bước nổi ra khỏi phòng. Mọi người còn đang ngủ. Nằm trở lại trên giường, tôi hít thở thật sâu để đỡ choáng váng do mất ngủ.

Buổi sáng khi mặt trời lên tôi lò dò ra lan can. Tôi ở chung cư cùng con trai. Buổi sáng, tập thể dục xong, tôi hay ngồi ở đó đọc báo hoặc đọc sách. Nhưng vô thuốc (hóa trị) lần đầu, tôi không ra được nơi đó nữa. Ánh sáng ban mai làm tôi rất khó chịu. Tóc chưa rụng nhưng tôi có cảm giác chúng không còn nằm trên da đầu tôi nữa. Tóc như nung nóng ở đâu rồi dán lên đầu tôi: ánh nắng ban mai làm tóc tôi như thế. Tôi phải trở lại căn phòng của mình, bật đèn ngủ lên. Tôi có cảm tưởng ánh đèn neon cũng làm người tôi nóng thêm. Tôi tắt đèn, người vẫn nóng như thiêu đốt.

Những bệnh nhân khác như tôi họ có cùng cảm giác như tôi hay không, tôi không rõ. Người cùng bệnh như tôi trả lời là có. Các bệnh nhân mắc loại ung thư khác không vô cùng loại thuốc như tôi, không rõ họ có cảm thấy trong người như lửa đốt sau lần đầu vô thuốc đầu tiên; lúc đến nhà thương, tôi cũng không buồn hỏi họ. Đến bệnh viện, yên lặng chờ đợi tới phiên khám, phiên vô thuốc, buồn não nuột, lòng dạ đâu mà hỏi với han.

Mỗi lần vô thuốc, người ta cấp thêm 7 viên uống mỗi sáng khi về nhà. Cứ sau 21 ngày, bệnh nhân đến khám lại, kiểm tra cơ thể, xem có còn sức thích hợp vô thuốc tiếp hay không. Có trường hợp bệnh nhân yếu quá, bác sĩ ngưng hóa trị, chích loại thuốc gì đó, cấp thêm thuốc bổ, cho về một thời gian, sau đó họ trở lại vô thuốc tiếp. Tôi không rõ như thế có ảnh hưởng hiệu quả trị liệu hay không.

Các viên thuốc to bằng viên thuốc bổ con nhộng, uống 7 lần, bảy buổi sáng sau ngày hóa trị, cũng “công phá” không kém thuốc truyền qua mạch máu vào cơ thể bệnh nhân. Uống xong chừng 10 phút, bụng tôi có cảm giác nóng rang, càng về trưa càng nóng hơn, nhưng chịu đựng dễ hơn so với thuốc truyền trực tiếp vào máu. Hay do cơ thể bắt đầu thích nghi, tôi không rõ.

Đến mỗi bữa ăn, đó là một cực hình. Bụng tôi nóng như vừa uống phải một ly trà nóng; như ngồi trước mặt khách, lỡ nóng cũng phải nuốt vào, không dám phun ra cho đỡ nóng. Cái nóng từ viên thuốc này tỏa ra làm tôi không còn thiết gì ăn uống, dù vẫn biết, cần phải ăn để cơ thể không suy sụp thêm.

Tôi quậy một ly sữa Ensure để uống, loại dành cho người ung thư, thấy quảng cáo ở bệnh viện. Tôi cố gắng ngửa cổ nuốt vào chứ không phải uống vào. Một hai phút sau, tôi cảm thấy cồn cào trong bụng. Chỗ sữa kia ói ra sạch sẽ, có lẽ không còn chút nào trong dạ. Cái đắng do thuốc hay do mật chiếm trọn vị giác, khứu giác của tôi. Tôi uống thêm một tý nước sôi để nguội, và cũng ói ra nốt. Vợ tôi thấy thế, dìu tôi vào lại phòng ngủ; nằm nhìn trần nhà mà thấy căn phòng như quay cuồng. Sau đó tôi không biết gì nữa cả. Có lẽ tôi thiếp đi vào giấc ngủ do quá mỏi mệt hay ngất đi mà không biết. Trời đất đôi khi cứu giúp con người. Những khi con người quá đau đớn hay quá chịu đựng, giấc ngủ, không rõ giấc ngủ gì, xâm chiếm lấy họ. Giấc ngủ vùi sâu nỗi chịu đựng hay đau đớn ấy.

Không biết bao lâu, tôi tỉnh dậy, vợ tôi ngồi bên giường. Nhìn gương mặt vợ, tôi thấy tất cả nỗi lo âu đọng trên đôi mắt của bà, buồn rười rượi. Nhà tôi thoáng mừng khi thấy tôi tỉnh giấc. Mệt quá, nóng quá, đói quá, hay say thuốc quá, tôi chìm vào giấc ngủ một giấc ngủ vùi ngắn ngủi. Và thật tuyệt vời, tôi cảm thấy đói bụng, lúc đó gần 10 giờ trưa, con trai tôi đã đi làm từ sớm. Chỉ còn vợ tôi ở lại chứng kiến sự chịu đựng của chồng trong cái nóng của thuốc, cái mệt mỏi của mất ngủ; có lẽ bà muốn chia sẻ với tôi, vẻ mặt tuyệt vọng, nhưng cái nóng trong người tôi, có lẽ bà không thể chia sẻ được.

Wednesday, September 4, 2024

Sách "Ung thư và con đường tôi chữa khỏi". CHƯƠNG 13

RƯỢU, THUỐC LÁ VÀ NHÀ THƯƠNG

HAY NHÂN SINH QUÝ THÍCH CHÍ?

Tôi có thói quen hay để ý. Lúc ở bệnh viện ung bướu, tôi thấy số đàn ông bị ung thư ít hơn số phụ nữ, tôi không giải thích được hay tôi nhìn lầm như thế. Đàn ông thì mắc nhiều loại ung thư nhưng theo chỗ tôi biết, ung thư gan và phổi chiếm tỷ lệ khá cao. Việt Nam là xứ sở của hạnh phúc. Hai loại hóa chất thân thương rượu và thuốc lá đóng góp cho chỉ số hạnh phúc người Việt Nam, nhất nhì thế giới?

Mỗi buổi chiều tối, từ Ải Nam Quan cho đến Mũi Cà Mau, tôi tin là, khắp hang cùng ngõ hẻm, khắp phố thị làng mạc, nông thôn, thành phố, số lượng người uống bia rượu đều đông đúc, nhộn nhịp ở các quán xá, nhất là các quán cóc vệ đường. Tiếng “dzô, dzô” trở thành tiếng la của “quốc hồn, quốc túy”, có khi còn nhiều hơn tiếng hát quốc ca. Tôi thấy một số người Việt ít quý trọng thân thể, nhất là cánh đàn ông (tôi mong là không nhiều). Người theo đạo Kitô rất quý trọng thân thể. Tín hữu tự tử sẽ không được làm phép đưa tiễn trọng thể trong nhà thờ.

Tôi mạn phép nêu câu “thân thể là đền thờ Thượng Đế” dù không phải ai đọc tôi đều theo Kitô giáo (Công giáo hay Thiên Chúa giáo cũng nằm trong tín ngưỡng này). Tôi thấy ý nghĩa của câu này đối với cơ thể chúng ta, dù là câu trong kinh thánh tôn giáo. Đối với bệnh nhân ung thư, câu này rất hữu ích.

Thượng đế, theo tín lý Kitô, là nhân vật sáng tạo ra loài người. Vườn địa đàng với Adam và Eva là hai nhân vật khởi thủy của nhân loại. Thượng đế rất hiểu con người. Thấy người nam buồn bã một mình trong vườn Địa Đàng, ngài nảy lòng thương cảm. Lấy bớt một xương sườn của người đàn ông đang ngủ say (do đó, đàn ông thua đàn bà một xương sườn), ngài tạo ra một người đàn bà bầu bạn với người nam. Địa đàng nhiều hoa thơm cỏ lạ, chim muông sắc màu rực rỡ, có tình yêu nam nữ thì Địa Đàng mới có nhiều ý nghĩa.

Thân thể con cháu Adam và Eva nhờ đó trở thành cao quý - đền thờ của Thượng đế. Câu chuyện trong chương Sáng thế ký chỉ có người theo đạo Kitô mới tin như thế. Các vị có người không tin, phải không? Tin và không tin là quyền tự do nhận thức của con người. Chính quỷ Sa Tăng thuyết phục Eva dụ dỗ Adam “ăn trái cấm”, để sáng suốt như Thượng Đế, cũng chỉ để khẳng định sự nhận thức là một cái Thượng đế có muốn cấm cũng không được: trái cấm bị “con người nhận thức” ăn mất vì muốn sáng suốt như Thượng Đế. Nhưng có mấy ai xem thân thể mình là đền thờ, mà lại là đền thờ trang trọng dành cho Thượng Đế?

Thân thể là đền thờ không còn mang ý nghĩa tôn giáo: thân thể phải thanh khiết. Khi mới sinh, con người uống sữa mẹ, chất dinh dưỡng hết sức hoàn hảo. Khi bắt đầu ăn, trẻ sơ sinh tiếp nhận dinh dưỡng qua thức ăn. Không ai bảo đảm, đây là thức ăn dinh dưỡng an lành như sữa mẹ. Khi lớn lên, con người càng tiếp nhận thực phẩm, rất nhiều, từ bên ngoài. Đây, có lẽ là giai đoạn bệnh tật phát sinh: các chất đưa vào cơ thể, không ai chắc chắn có gì an toàn cho cơ thể. Đây, có thể là lý do người xưa nhận xét: Bệnh từ miệng mà vào?

Có hai thứ cơ thể hấp thu, bên cạnh các loại thức ăn: rượu (bia) và thuốc lá. Thân thể không còn là “đền thờ của thượng đế” nữa rồi. Nâng ly rượu lên miệng, hơi men chếnh choáng. Cầm điếu thuốc đưa lên môi, khói thuốc bay bay lãng mạn.

“Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé! /Ðể lòng buồn tôi dạo khắp trong sân, /Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần... /Tôi nói khẽ: Gớm, làm sao nhớ thế? (*) /Có đáng gì đâu, “Ôi, nhân sinh là thế ấy, /Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao”. (**)

Sống là phải tận hưởng thú vui cuộc sống: Hút thuốc và uống rượu. “Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy /Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười/ Thôi công đâu chuốc lấy sự đời Tiêu khiển một vài chung lếu láo/ Ðoạn tống nhất sinh duy hữu tửu (1) /Trầm tư bách kế bất như nhàn (2) /Dưới thiều quang thấp thoáng bóng nam quan/ Ngoảnh mặt lại cửu hoàn coi cũng nhỏ /Khoảng trời đất cổ kim, kim cổ /Mảnh hình hài không có, có không /Lọ là thiên tứ, vạn chung.” (***) (1)

Dứt bỏ một đời, chỉ có rượu (2) Suy tư trăm lối, không bằng nhàn.

Rượu và thuốc lá bị cho là hai tác nhân gây bệnh…ung thư, ung thư gan, ung thư vòm họng và ung thư phổi. Người không uống rượu, không hút thuốc cũng ung thư. Quy tội cho hai thú vui này sao? Có thể, chúng không trực tiếp gây ung thư nhưng chúng góp công làm dễ mắc ung thư. Hấp dẫn thường rình rập hiểm nguy. Rượu bia và thuốc lá quá là hấp dẫn. Nhưng rượu qua nhiều “thiên tứ, vạn chung” đâu không thấy, con người uống nó quá hớp phải “chung tiền” cho chữa trị ung thư. Hình ảnh lãng mạn: “Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần”, khi chàng đang chờ nàng trong buổi hẹn yêu đương. Cháy lụi dần có khi cháy cả cuộc đời người hút thuốc. Đâu ai biết được.

Ham muốn con người đầu tiên trên trái đất là ăn trái cấm để thông sáng như Thượng Đế. Ham muốn của con người ngày nay là hút thuốc và uống rượu, quá ngưỡng, quá mức: địa đàng, ngày xưa đi đến; ngày nay, bệnh viện mới là chỗ đến, nếu ham muốn con người quá mức dung nạp của cơ thể. Cá nhân tôi, tôi không nghĩ là con người tuyệt đối không đụng đến hai thứ ấy. Như quy luật cho tất cả, tiết chế hoặc điều độ sẽ là cách để con người không bỏ được thuốc hay từ chối được rượu. Nhân sinh quý thích chí. “Say sưa nghĩ cũng hư đời Hư thời hư vậy say thời cứ say” /“Một trà, một rượu, một đàn bà Ba cái lăng nhăng nó quấy ta/ Chừa được thứ nào hay thứ ấy /Có chăng chừa rượu với chừa trà”

Tú Xương làm một cuộc cách mạng về niềm vui, thú vui, táo bạo và “phàm tục” hơn ngày xưa tao nhã: cầm, kỳ, thi họa. Ngày nay, thú vui đa dạng hơn, hấp dẫn nhất là: uống rượu và hút thuốc. Tất nhiên thú vui Tú Xương ca tụng phải có, nhưng kín đáo, không tiện bàn ra đây.

Hút thuốc có hại nhưng thật trớ trêu lợi nhuận từ cái hại này ngất ngưởng, đến nhà nước cũng không muốn cấm, đúng ra không thể cấm. Một phát minh của con người nhưng lại làm hại con người: không thế, trên mỗi bao thuốc có ghi: hút thuốc có thể gây ung thư phổi. Chà, hai chữ có thể thật thông thái, khác hẳn chắc chắn, chắc chắn gây ung thư. Nhưng có người không hút thuốc, cũng không ngửi khói thuốc mà vẫn ung thư, hai từ có thể trên bao thuốc rất khéo mồm. Thuốc lá còn gọi tương tư thảo, loại lá khiến nhớ nhung: “Nhớ ai như nhớ thuốc Lào Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên.”

Tôi có bà mẹ vợ gần 90 tuổi nhưng thời gian bà hút thuốc 75 năm. Mẹ tôi người Quảng Nam. Thời xưa, con gái quê tôi nổi tiếng hút thuốc, đến nỗi có câu ca dao:

“Tiếng đồn con gái Quảng Nam Mất mùa thuốc lá chết năm trăm người.” (Có lẽ là chết thèm, không phải chết thiệt).

Tôi nhắc lại ấy là thời xưa, nay chỉ còn mỗi một mẹ tôi, thời gian hút của bà còn nhiều hơn tuổi của tôi. Sức khỏe bà rất tốt, phổi trong, không khi nào khó thở nhờ...hút thuốc lá. Tôi nói nghịch khoa học phải không? Nhưng mẹ tôi hút thuốc rất...khoa học: chỉ thật thèm mới hút. Thuốc lá Quảng không tẩm các hoá chất. Chúng có khói rất nặng nên người hút không thể hít trọn vào phổi như thuốc điếu. Hút tuỳ thích, đều đặn ngày mấy lần, y như lịch trực ban. Sau mỗi lần hút, tâm trạng bà khoan khoái. Rõ ràng khói thuốc đem lại hưng phấn cho bà, người mẹ mất chồng lúc 30 tuổi, một nách 5 đứa con dại. Tôi viết thế này không phải cổ vũ hút thuốc nhưng muốn nói: điều độ là chìa khoá để sung sướng mãn đời nếu không bỏ được thuốc lá. Nhưng không hút thuốc nên là lựa chọn hàng đầu.

Nhưng ai cũng không hút, ngành thuốc lá “sụm bà chè” tức thì. Uống rượu bia càng hấp dẫn hơn hút thuốc. Đây là lý do, các hãng bia ở Việt Nam làm giàu nhanh chóng. Số lượng bia sản xuất và tiêu thụ năm sau cao hơn năm trước, không cần có nghị quyết.

“Vô tửu bất thành lễ Nam vô tửu như kỳ vô phong”.

Ái chà, món tửu mà Phật đưa vào ngũ giới lại được đưa lên tầm cao trong ngôn ngữ tiếng Việt. Không biết uống rượu đừng làm cán bộ. Tôi từng nghe nhiều quan chức bậc trung cho biết như thế. Không có một thanh niên nào ở Việt Nam không uống được bia, rượu trừ những người uống vô bị dị ứng, ngứa ngáy hay thở không nổi vì tim đập loạn xạ. Trong bất kỳ một buổi tiệc nhỏ lớn, không bao giờ không có bia hay rượu. Uống cho tới bến, đó là xu thế thời đại! Không uống như thế không hết mình vì bạn hữu, vì đồng nghiệp. Đến đây, điều độ lại là cách người ta sống khỏe mấy chục năm để thưởng thức cái thú mà Tản Đà nói ở hai câu thơ tôi dẫn bên trên.

Uống rượu bia ở ngưỡng không hại sức khỏe mà vẫn hưng phấn là tài năng của những ai không muốn “Say sưa nghĩ cũng hư đời”. Tại sao người ta có thể “say” mà không thể “hư “? Đó là nhờ tiết chế trong việc uống rượu bia. Có sức khỏe để uống 20 năm so với không đủ sức khỏe (do quá chén) chỉ uống nổi 10 năm, bạn thích cái nào hơn? Tôi thích 20 năm để tận hưởng cái món mà Tú Xương xếp sau...đàn bà.

Rượu (bia) và thuốc lá “có hại” nhưng chúng luôn đi cùng cuộc sống. Nếu không bỏ được, điều độ, tiết chế là điều cần nghĩ tới. Nhưng đối với người ung thư, đang chữa, hay chữa khỏi, không hút thuốc, và uống rượu chừng mực chính là sự bắt buộc, chứ không còn là theo sở thích: người ung thư không như người khỏe. Làm cho phổi ô nhiễm bằng khói thuốc, khiến cho tim đập quá mạnh, đầu óc mê mẩn vì hơi men, thật sự không phải là cách cho bệnh nhân ung thư sớm trở nên khỏe mạnh hoàn toàn. Không ai trong chúng ta muốn bệnh nhất là mắc cái bệnh quái ác có thể kết thúc cuộc đời con người quá sớm, không đoái hoài đến ước nguyện của họ: ung thư. Khi biết uống rượu quá nhiều và hút thuốc quá dữ sẽ dẫn đến địa ngục, chứ không phải Địa Đàng, con người vẫn tự nguyện dấn thân. Tôi thật không hiểu vì sao.

Tất nhiên, không phải ai ung thư cũng vì uống rượu quá nhiều hay hút thuốc quá dữ. Những người cả đời không hút thuốc họ cũng ung thư phổi thì sao? Tôi không nói “hút thuốc tự động” tức hít khói thuốc người khác, nguy cơ ung thư không phải nhỏ. Những trẻ con năm bảy tuổi không uống rượu không hút thuốc, chúng cũng bị ung thư, tại sao? Khó trả lời nhưng không thể không suy nghĩ, môi trường sống, ảnh hưởng lối sống người lớn (cha, anh hút thuốc khi họ còn bé, hít biết bao là khói thuốc) gây ra tai họa cho các em. Có rất nhiều người mắc ung thư vì những nguyên do khác nhau, cho đến nay, chưa có ai giải thích thật cặn kẽ, vì sao Việt Nam lại nằm trong những nước có người mắc ung thư trong những nước cao nhất, “năm sau cao hơn năm trước”. Nhưng không vì không có lời giải thích mà chúng ta không quý trọng cơ thể mình trước nguy cơ có thể là nạn nhân của bệnh ung thư khi lạm dụng rượu bia, hút thuốc quá nhiều.

Không rõ nguyên do mà mắc bệnh ung thư là do môi trường và cơ địa mỗi người nhưng biết rõ nguyên do như hút nhiều thuốc lá, uống nhiều rượu bia gây ung thư, con người không tiết chế thì rõ ràng họ chuộng theo thị dục mà không quan tâm đến thân thể.

Có thời “vô tửu bất thành lễ” hay “nam vô tửu như kỳ vô phong” chi phối lối sống văn hóa xã hội. Biết nguy hại nhưng vẫn chấp nhận nguy hại, con người không có sức mạnh tinh thần khuất phục ham muốn có hại đến chính sức khỏe của mình hay sao? Tất nhiên, uống rượu chừng mực, hút đôi ba điếu khi thấy thích, tôi nghĩ không đến nỗi nào mà lại có cái hay: nhân sinh quý thích chí. Nhưng kìm chế ham muốn trước cám dỗ của rượu và thuốc biết đâu là người có ý chí mạnh mẽ và thông thường thành công cũng đến với những người có ý chí như thế?

Hãy nghĩ câu này không phải của riêng người Công giáo: “Thân thể là đền thờ của Thượng Đế” để có một cuộc sống lành mạnh, với thức ăn lành mạnh, thức uống lành mạnh, và những suy tư lành mạnh. Nơi đến để nghỉ ngơi lúc tuổi già không phải như tôi: 60 tuổi phải lấy nhà thương làm lẽ cứu mạng sống, phải lội qua lửa luyện ngục, để hôm nay, thư thả năm bảy năm nữa cho một đời người.

Thân thể không được là đền thờ Thượng đế (như suy nghĩ của người theo Kitô giáo) thì chúng ta cũng nên chú ý đến nó, coi nó như một người thân yêu, gắn bó với chúng ta cả cuộc đời người: một thân thể tráng kiện để có một tinh thần minh mẫn. Khi tôi mất sức khỏe vì ung thư, tôi trân quý nó vô cùng khi trở về với sức khỏe, dẫu có “tan nát” hơn xưa. Vậy khi có sức khỏe, tại sao chúng ta không bảo vệ nó?

Nói đi cũng phải nói lại. Khi con người xuất hiện, rượu và thuốc lá có lẽ không có. Không rõ đến lúc nào, hai món này xuất hiện. Men rượu và khói thuốc trở thành một trong các hưởng thụ nhân sinh.

Nếu không hấp dẫn, sao con người yêu thích chúng? Ai uống rượu, ai thuốc thuốc đều bệnh hết hay sao? Nếu uống xong một hớp rượu, hút xong một hơi thuốc, người uống, người hút té ngửa ra vì mắc bệnh, ai mà dám đụng tới. Biết không tốt, biết có hại, thuốc, rượu vẫn đi theo con người có lẽ cả mấy ngàn năm nay. Có thể kết luận: còn con người, sẽ còn thuốc, còn rượu. Uống nhiều hơn, uống ít hơn hay hút nhiều hơn, hút ít hơn – đó là sự chọn lựa.

Tôi quan sát và có một nhận xét: khi uống một đôi hớp rượu hay một vài ly bia hoặc năm bảy hơi khói thuốc, tâm tính người uống, người hút dễ chịu hơn, và có thể nói vui vẻ và hưng phấn hơn. Nhưng nếu uống quá nhiều, quá ngưỡng, người uống sẽ say xỉn, có lúc không kiểm soát nổi mình, phạm phải những việc làm, khi tỉnh rượu, họ cảm thấy ăn năn, hối tiếc. Người hút thuốc quá nhiều chắc chắn sẽ gặp vấn đề về hô hấp. Khói thuốc thay thế dưỡng khí trong phổi, liên tục ngày này sang ngày khác, liệu cơ thể có chịu nổi không

Nếu không bỏ rượu, không bỏ thuốc vì sức khỏe thì cũng vì sức khỏe mà uống điều độ, hút vừa phải. Thái quá luôn bất cập. Điều độ và chừng mực, biết đâu thuốc lá và rượu bia không làm cho con người yêu đời hơn, cuộc sống sinh động hơn, “nhân sinh quý thích chí”?

(*) Hồ Dzếnh. (**) Nguyễn Công Trứ (***) Cao Bá Quát