Wednesday, September 4, 2024

Sách "Ung thư và con đường tôi chữa khỏi". CHƯƠNG 14

TRI KỶ, TRI BỈ: BIẾT MÌNH, BIẾT BỆNH

Tôi lấy ý từ câu nói của cổ nhân: “Tri bỉ tri kỷ, bách chiến bách thắng”, biết mình biết người, trăm trận trăm thắng. Mắc bệnh ung thư thì có chi là biết mình, biết người? Tôi thì cho có liên quan; biết ta và người đồng nghĩa “biết mình biết bệnh”. Bệnh còn nguy hiểm vì nó coi như địch. Muốn thắng địch, phải hiểu địch, trước khi chiến đấu chống lại nó.

Ung thư có hàng mấy chục loại. Tôi không phải là nhà nghiên cứu ung bướu nên không thể nói rõ đặc tính các loại bệnh ung thư, nhưng quý vì thì có thể. Khi bác sĩ cho tôi biết mình mắc loại ung thư nào, tôi liền lên mạng internet tìm hiểu.

Tất nhiên, những trang mạng khả tín có địa chỉ hẳn hoi, chúng ta phải để ý tới trước. Hằng hà sa số các mô tả về tất cả các loại bệnh ung thư. Tha hồ mà tìm hiểu. Mỗi loại ung thư đều có những đặc tính khác nhau, ảnh hưởng khác nhau, tùy tuổi tác, tùy giai đoạn bệnh. Nếu tôi không lầm, ung thư chia làm bốn giai đoạn và mỗi giai đoạn sẽ cho biết khả năng sống kéo dài bao lâu khi mắc và cả khi chữa khỏi, nghĩa là bệnh đã lui.

Các bước hướng dẫn chữa trị ở bệnh viện, chúng ta không cần nói tới, chỉ có việc tuân thủ các phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên môn. Tìm hiểu bệnh để biết người bệnh ở giai đoạn nào, tâm thế chuẩn bị ra làm sao. Có nhiều chỗ khiến tôi thảng thốt khi đọc trên mạng, thời gian sống của bệnh nhân theo loại bệnh ung thư, chưa chữa cũng như chữa lành.

Khi nghĩ ngợi, 6 tháng hay 1 năm, 2 năm, nhiều năm hơn, mình sẽ từ giã cõi đời, theo y văn đọc trên mạng, tôi ban đầu thấy thất vọng và buồn bã vô cùng. Không phải là sống sung sướng hạnh phúc mới nuối tiếc. Sống bôn ba cũng như mọi người, nghe đến phải chết vào một thời điểm nào đó, chỉ có Phật hay Thánh mới không dao động tâm can, chúng ta là con người mà, “một ngày dương gian bằng một vạn ngày âm phủ”.

Có quá nhiều triết lý, đời là bể khổ, đời là cõi vô thường, đến rồi đi “như gió thổi như mây nổi như chiêm bao”. Về với nước Chúa là diễm phúc về nước Thiên Đàng. Chết là sự sắp xếp của Thượng Đế. Con người phó thác vào bàn tay của Chúa…Chết là hết, chết là cát bụi, trở về với cát bụi. Nhưng người bệnh như tôi làm sao cầm được nước mắt khi nghĩ tới cái chết (tôi xin nhắc lại, tâm trạng ban đầu của một người phát hiện mình mắc ung thư, và không phải bị ung thư thì mọi người phải chết):

“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Để một mai tôi về làm cát bụi

Ôi cát bụi mệt nhoài

Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi” (Trịnh Công Sơn)

“Gõ nhịp khôn nguôi” khiến tôi tưởng tượng ra tiếng gõ nhịp cốc cốc, cốc cốc, của vị chủ đòn, điều khiển các phu khiêng quan tài trên đường đi về nghĩa địa. Nhưng tôi nhắc lại, y văn, dù đúc kết tiến bộ y khoa hằng thế kỷ, cũng không phải là…”nghị quyết” của Nam Tào trên thượng giới, nắm vận mệnh con người, ngày tháng nào ai chết, đối với các loại bệnh ung thư

Tôi biết một thông gia của tôi khi ông 82 tuổi đã mắc ung thư tuyến tiền liệt ở Đà Nẵng. Bác sĩ nói với gia đình, thôi không chữa trị hóa chất vì ông quá già. Đôi ba tháng, cùng lắm nửa năm ông sẽ mất, bệnh ở giai đoạn cuối. Ông rất minh mẫn và rất ao ước sống dù bà đã đi trước ông một năm. Tinh thần ông sảng khoái như một thanh niên. Ông được điều trị ở một phòng dịch vụ của bệnh viện vì ông muốn chữa lành ung thư. Con cái thay phiên ở với ông tại bệnh viện. Đôi ba tháng khỏe, ông về nhà vui vẻ, “bố hết bệnh rồi, bác sĩ nói thế”. Quý vị biết ông sống bao nhiêu năm sau đó? Gần 10 năm dù mỗi năm phải vào bệnh viện sống đôi ba tháng trong căn phòng dịch vụ riêng ở bệnh viện.

Rõ ràng, y văn không phải là đúng tất cả cho mọi trường hợp. Một người già 82 tuổi mắc ung thư tuyến tiền liệt, sống thêm gần 10 năm, có y văn nào ghi nhận điều đó? Tôi không nói, tinh thần yêu cuộc sống của mình giúp cụ ông kéo dài thời gian sống; tôi muốn nói: cơ thể mỗi người mỗi khác, phản ứng cơ thể họ đối với căn bệnh dù là ung thư cũng phải khác.

Khi tìm hiểu bệnh của mình, thấy những tư liệu nêu ra thời gian sống của các loại bệnh ung thư, chưa chữa hay đã chữa, người bệnh không nên hốt hoảng mất tinh thần: cơ địa mỗi người mỗi khác; y văn kia biết đâu đúc kết từ nghiên cứu ở những người phương Tây chứ không phải nghiên cứu ở những người Việt Nam và y văn phải cập nhật mỗi năm. Biết đâu y văn ta đọc trên mạng là kết quả của nghiên cứu y khoa hơn thập kỷ trước, lúc đó trình độ khoa học không tiên tiến như hiện nay.

Có ai giải thích vì sao người Việt không nhiễm Covid-19 nhiều như các nước châu Âu? Tất nhiên, nỗ lực của nhà chức trách là chủ yếu nhưng tính đề kháng trên thân thể người Việt phải nói là rất tốt trước các dịch bệnh, tôi không thể hiểu vì sao nhưng rõ ràng là có. Người Việt khi ở Mỹ, tôi có người bà con chết vì Covid-19, rất sợ dịch bệnh này trong khi ở Việt Nam, người Việt rất gan và rất “chịu chơi” (xơi tiết canh gia cầm khi đang có cúm gia cầm), và chính cái “chịu chơi” đó giúp người Việt chống chọi lai nhiều thứ từ thiên nhiên như bão lũ, chiến tranh, địch họa, và bệnh tật. Trong 5 nước thường trực Liên Hiệp Quốc thì có ba nước bị Việt Nam đánh “sấp mặt”: Mỹ, Tàu, Pháp. Corona mà ăn nhằm? Tôi nói vui vậy thôi chứ không phải đánh thắng đế quốc “đầu sỏ” được thì cái gì cũng đánh thắng.

Khi hiểu bản chất của loại bệnh ung thư mình mắc, người bệnh sẽ không còn bị dao động bởi những người đến thăm. Ôi thôi, cơ man nào lời khuyên, lời tham vấn, có khi còn thuyết phục hơn lời bác sĩ chưa kể những “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” (Nguyễn Du) kia làm bệnh nhân mất ngủ cả tuần vì tưởng chúng là sự thật, sự thật hiển nhiên: “bệnh này dễ chết lắm”.

Nếu bệnh nhân tự tìm hiểu bệnh tình của mình không được vì họ không tiếp cận internet, người nhà như con cháu nên bỏ công ra tìm hiểu và cố gắng giải thích cho họ nhất là những người lớn tuổi, cha, mẹ, ông, bà… của mình. Hành động nhiệt tình như thế cũng là liều thuốc bổ về tinh thần cho người thân mắc ung thư trong gia đình.

Khi hiểu được bệnh, hiểu được quy trình điều trị, người bệnh có lẽ sẽ an tâm hơn. Họ không còn bối rối khi có ai đó “uy tín” cho biết bệnh họ thế này, bệnh họ thế kia, sẽ thế này, sẽ thế kia, trong khi những người “uy tín” đó không phải tất cả đều uy tín, nghĩa là họ biết tất mọi loại bệnh, rắc rối như ung thư.

Khi biết rõ, người bệnh sẽ không còn sợ hãi, mù mờ không biết cặn kẽ bệnh tình của mình. Ngày xưa, các bác sĩ có khuynh hướng “giảm nhẹ” sự trầm trọng của bệnh; ngày nay, nói thật với bệnh nhân tỉnh táo là xu hướng tiến bộ, sự thật chỉ nói một lần; nói dối phải nói nhiều lần. Tất nhiên, chỉ nói thật với những bệnh nhân minh mẫn, có khi đối với bệnh nhân tinh thần không có, nói thật bệnh tình có khi lại tai hại còn hơn nói dối như “bác khỏe rồi, mai xuất viện nha”, gia đình họ biết đó là cách để đưa bệnh nhân về nhà yên bệnh đón chờ ngày rời cõi thế.

Biết sự thật sẽ làm tan biến sự sợ hãi. Tôi kể câu chuyện nhỏ. Nhà cũ tôi ở Đồng Nai, gần nhiều rừng cao su, mênh mông bát ngát. Già như tôi, một mình cũng không dám vào rừng ban ngày chứ đừng nói ban đêm. Phía sau nhà tôi là ông hàng xóm vui tính. Thỉnh thoảng khi còn sống, ông đứng sát hàng rào nói chuyện với tôi, có khi những đêm tối trời hay có trăng chiếu sáng. Một buổi tối trời chập choạng, ánh trăng mờ ảo, tôi ra sau nhà, và thấy người hàng xóm đã chết hiện ra, đứng sát hàng rào như đưa tay hướng về phía tôi, vẫy vẫy.

Người chết đôi khi rất linh thiêng nhưng dù thân với ông tôi cũng không dám lại gần; ông hiện giờ là bóng ma. Tôi lạnh người trở vào nhà, sắp đóng chặt cửa, định chui vô chỗ phòng riêng của vợ “cho đỡ sợ”. Nhưng tôi suy nghĩ, vô lý, không lẽ có ma? Tôi lấy can đảm trở ra, cầm theo đèn pin, với con rựa bén, và đúng là ma thật: tàu lá chuối rách hai bên phất phơ như cánh tay vẫy vẫy. Tôi thở phào nhẹ nhõm, đi vô nhà, không thèm vô phòng của vợ. Nếu tôi không quyết tâm tìm hiểu sự thật, chắc chắn tàu lá chuối kia sẽ là con ma, và câu chuyện gặp ma của tôi sẽ được kể ra với nhiều người, người hàng xóm kia sẽ “linh thiêng” lắm.

“Sự thật”, người ta nói, “sẽ cứu rỗi loài người”, nghe to tát quá; nhưng đối với người bệnh ung thư, họ cần biết rõ sự thật về căn bệnh của mình, có thể biết là chữa được hay khó chữa, thậm chí không chữa được, và đó là điều thân nhân cần nên lưu ý. Tôi cho đó là lý do tôi vượt qua hiểm nghèo bệnh tật, bởi tôi tìm hiểu rất kỹ, tôi muốn biết sự thật của nó. Khi biết sự thật về bệnh của mình, tinh thần tôi luôn ở tư thế “sẵn sàng”, dẫu là sẵn sàng đón nhận một số phận hẩm hiu. Là người ai cũng phải chết. Đức Phật, đức Chúa, thánh Mohamed… tất cả đều phải chết. Với tinh thần như thế, tôi cảm thấy nhẹ nhàng, và biết đâu, chính cái tinh thần ấy giúp tôi vượt qua căn bệnh ung thư giai đoạn ba.

Sunday, August 25, 2024

Sách "Ung thư và con đường tôi chữa khỏi". CHƯƠNG 12

UNG THƯ, TÔI ĂN GÌ?

Lão Tử: Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra. Đông y: Bách bệnh do tỳ. Dân gian Việt Nam: Tham thực cực thân. Ăn là cách duy trì sự sống. Ngay cả ăn để duy trì đạo đức: Có thực mới vực được đạo.

Ăn quan trọng và thiết yếu cho đời sống và ăn quan trọng và thiết yếu hơn rất nhiều đối với người bệnh, mà bệnh đó lại là ung thư. Có lẽ ở các nước tân tiến, chữa trị bằng thuốc có thể kèm chữa trị bằng ăn uống. Tôi có nghe một bệnh nhân nữ chữa trị tại Singapore về nói, bên đó, bệnh viện chỉ định khẩu phần ăn cho từng bệnh nhân, với từng loại bệnh. Tôi không qua đó nhưng tôi tin bà nói thật. Ăn hỗ trợ rất nhiều cho việc chữa trị một bệnh cần thời gian dài như chữa trị ung thư.

Khi tôi theo đuổi chữa trị ở bệnh viện gần 6 tháng, tôi chưa bao giờ nghe bác sĩ bảo tôi cần ăn uống như thế nào đối với bệnh ung thư hạch bạch huyết của mình. Tôi không rõ các bệnh nhân có loại ung thư khác tôi có được hướng dẫn cách thức ăn uống hay kiêng cử gì không.

Có lẽ đây là thiếu sót đối với bệnh nhân Việt Nam nói chung, bệnh nhân ung thư nói riêng. Thức ăn chắc chắn sẽ hỗ trợ việc điều trị bệnh của bệnh nhân. Có lẽ các bệnh viện quốc tế ở Việt Nam có chú trọng vấn đề này. Năm 2012 tôi ở chỗ bệnh viện ung bướu Sài Gòn thì chưa nghe nói tới.

“Cố gắng ăn uống đủ chất”, bệnh nhân sẽ nghe bác sĩ điều trị khuyên một câu chung chung như thế. Tôi chưa thấy có một tài liệu in phát không cho từng bệnh nhân với từng loại bệnh đang điều trị ung thư cần theo cách ăn uống do chuyên môn bên y tế khuyến cáo. Có lẽ hiện nay đang có mà tôi không biết?

Ăn uống khó khăn, đó là nhận xét chung của những ai từng điều trị ung thư mấy tháng dài. Nhiều người ăn vào vài miếng thì ói ra ngay. Có bệnh nhân bảo tôi họ cố nuốt thức ăn trôi qua khỏi miệng để giữ sức khỏe chiến đấu với bệnh tật. Có người mua thêm các loại thực phẩm chức năng, theo giới thiệu trên báo in hay báo mạng. Có người uống thêm loại sữa như Ensure Mỹ dành cho bệnh nhân ung thư; nhưng sữa này giá khá đắt, người thu nhập bình dân khó mà có tiền mua đủ để uống 2 lần mỗi ngày theo khuyến cáo trên hộp sữa.

Nhiều người nghèo nói chuyện với tôi lúc khi ngồi vô thuốc. Có bệnh nhân lấy các loại đậu (đỗ) nhiều màu như đậu xanh, đậu đỏ, đậu trắng, đậu nành, đậu đen, mỗi thứ một muỗng canh, nấu ăn hằng ngày, “cho nó đủ chất”. Ngày nào cũng ăn, chắc chắn sẽ ngán tận cổ; ngán nhưng có ích, cũng phải ráng. Cô gái 25 tuổi cùng bệnh với tôi ở Sóc Trăng tiết lộ, nhờ ăn đều đặn như thế mà cô vẫn giữ sức khỏe, tiếp tục chiến đấu kiên cường với các đợt điều trị hóa chất.

Khi mắc một bệnh cho là nan y, người bệnh cảm thấy tuyệt vọng. Có ai đưa ra cái phao nào, họ đều vội vã chộp lấy, không cần biết, phao đó có cứu sống mình hay làm mình chìm luôn. Các loại thức ăn được người tốt bụng “giới thiệu” với lời “cam kết” như đinh đóng cột, “bà A, ông B nhờ ăn nhiều, ăn hằng ngày, món này, thức ăn này, mà khỏi bệnh. Có khi người bệnh còn nghe câu “tôi từng ăn cái này, cái kia, nhờ thế mà tôi hết bệnh”. Người bệnh luôn dễ tin bởi nghe những lời “tham vấn” chân tình của những người “tin cẩn”, “thân yêu”.

Có thể loại thức ăn này tốt cho người khác nhưng lại không tốt cho ta, nghĩa là, không phù hợp cho từng cơ địa mỗi người và cũng từng loại bệnh đang mắc. Công thức dinh dưỡng cho người này không. thể áp dụng cho người khác; nhưng nếu thấy công thức ăn uống nào phù hợp với truyền thống thì cứ áp dụng, nghĩa là, từ trước đến nay ông bà ta từng dùng đến, và không thấy cơ thể phản ứng với thức ăn đó. Thức ăn nào được cho là “chữa” lành hay hỗ trợ chữa lành bệnh nhưng phản ứng đối với cơ thể mình, tốt nhất là không nên ăn. Và, tôi xin nhắc lại, khi thắc mắc về loại thực phẩm nào muốn ăn, câu trả lời chính là từ bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho người bệnh.

Có xu hướng cho rằng, đối với người ung thư, thịt đỏ như thịt bò, thịt heo, thịt trừu…không tốt bằng thịt “trắng” như thịt gà, thịt vịt, thịt ngan. Tôi lúc chữa bệnh lại nghiêng về cá biển, có thể nói là ăn thường xuyên. Thỉnh thoảng tôi có đi ăn phở bò, hủ tíu heo, lẩu dê…

Cũng có người nghiêng hẳn qua ăn chay; theo suy nghĩ của một số người, ăn chay có thể chữa lành ung thư. Ăn chay đủ chất tôi thấy tốn kém không thua ăn mặn. Tôi chưa gặp tài liệu nào nói ăn chay chữa lành ung thư. Ăn chay sẽ không bị ung thư cũng chưa chắc đúng: tôi có gặp đôi ba ni cô điều trị ung thư trong bệnh viện trong thời gian gần nửa năm đến đó.

Ăn uống đối với một người bệnh rất quan trọng. Họ cần một sức khỏe tốt để chống chọi sức tác động của hóa chất trong thời gian điều trị. Nhưng tôi thấy thế này: ăn thế nào cảm thấy ngon miệng, món nào mình thích là tốt nhất; tuy nhiên, phải bảo đảm cung cấp đủ dinh dưỡng. Ăn cảm thấy ngon đối với một người đang chữa trị ung thư sẽ là yếu tố giúp họ sớm vượt qua cơn bệnh. Và tôi thật may mắn, trừ vài tuần đầu, còn là thời gian về sau, tôi ăn rất ngon miệng, dù các món tôi ăn không có gia vị như tiêu, ớt, hành…Kể cả canh hay cơm, tôi để chúng thật nguội mới dám ăn; ăn nóng không được vì miệng lúc nào cũng rát bỏng, như vừa uống phải nước trà quá nóng.

Có một điều người chữa ung thư hay nghe nói: chớ ăn đường, đường sẽ nuôi lớn tế bào ung thư. Bỏ đói chúng bằng cách không ăn đường, các tế bào sẽ bị tiêu diệt. Tôi thì không tin như thế. Tôi có sử dụng đường khi uống cà phê nhưng là loại đường đen không trắng toát như đường bày bán. Tôi có đọc tài liệu nói chất làm trắng đường có thể tác hại cho cơ thể. Cũng khả tín. Chúng ta từng thấy, một thời gian có loại thuốc sử dụng rất phổ biến; năm mười năm sau, có nghiên cứu phát hiện nó…nguy hiểm, và có lệnh thu hồi thuốc. Hàng triệu người nuốt chúng vô bụng, làm sao đây? Đường trắng và đường đen, tôi chọn loại sau. Bỏ đói tế bào ung thư cho nó chết, tôi thấy ngờ ngợ. Có bao thức ăn khác chứa đường, các loại tinh bột như gạo, bắp. Không ăn gạo thì chịu sao nổi? Tôi thích sử dụng mật ong thay cho đường, thường để pha chanh hay thêm vào cam uống mỗi ngày trước 11 giờ. Mật ong ngày xưa rất quý, thường dành cho vua chúa. Ngày nay, công nghệ nuôi ong phát triển, lấy mật thay đường cũng không quá đắt.

Tuy nhiên, khi tiếp cận các tài liệu nói về ăn uống cho người ung thư, quý vị cần cẩn thận chọn lựa. Những lý thuyết về thức ăn có chứng minh khoa học hay có thể chứng minh phải hiệu quả. Tuyệt đối không nên nghe theo người bày chúng ta sử dụng thứ nào làm thức ăn trước nay chưa ai dùng hay không dám dùng.

Khi ở bệnh viện, tôi từng nghe một bệnh nhân “bày” bí quyết chữa loại ung thư tôi đang mắc bằng huyết con…kỳ đà! Tìm đã khó, tôi làm gì có con kỳ đà để lấy huyết mà uống? Có người còn bảo nuốt mật trăn, tế bào ung thư sẽ bị tiêu diệt. Có người còn bảo uống lá bồ công anh, lá cây lược vàng, hay lá đu đủ để chữa hết ung thư. Có người nghe nghiên cứu nào đó, không nên uống sữa đậu nành; sữa đậu nành nuôi tế bào ung thư. Xin thưa, Nhật Bản là nước sử dụng đậu nành và chế phẩm đậu nành có thể nói nhiều nhất trên thế giới, số người ung thư không ở nhóm cao các nước, tuổi thọ bình quân nước này cao nhất thế giới. Có thể họ ăn nhiều cá biển và nhờ sử dụng nhiều đậu nành?

Nước Việt Nam ta được cho có quá nhiều “thần dược”, nhưng bệnh viện mọc ra không đủ chứa giường bệnh, thiếu cơ ngơi cho bệnh nhân đến khám nhanh chóng. Hãy tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Và có tham khảo thì cũng tham khảo những ai có chuyên môn y tế về loại bệnh chúng ta đang mắc. Tin tưởng tào lao sẽ “tiền mất, tật mang”. Ăn uống “trên trời dưới đất” như thế kia, làm sao mà cơ thể người mình dung nạp cho được? Hãy ăn uống theo hiểu biết tham vấn từ chuyên môn, nhưng nói chung, có bổ dưỡng và lành mạnh là tốt nhất, không “bạ đâu nghe đó” nạp vào cơ thể bất cứ thứ gì.

Người có điều kiện sẽ ăn thêm yến, loại tốt, hoặc uống thêm thực phẩm chức năng, loại dành cho bệnh ung thư, mua trong nước hay của thân nhân từ nước ngoài. Tôi thì không giàu không nghèo. Thời gian chữa bệnh, tôi sử dụng cả thảy 6 hộp sâm Cao Ly gởi mua trực tiếp từ Hàn Quốc. Mỗi hộp khoảng 10 con sâm. Sắc sâm đúng theo hướng dẫn trên hộp, bỏ tủ lạnh uống dần hai ba hôm thì sắc một “con” khác. Loại sâm này chứa trong 1 hộp giấy bạc, bên ngoài là hộp gỗ, ngoài cùng là hộp thiếc, in hình ông tiên và tiểu đồng màu đỏ rất đẹp, rất “cổ kính”. Có lẽ nhờ loại sâm này, da mặt tôi mau đỏ lại sau 1 tuần vô thuốc, và có thể nhờ chúng, tôi ăn ngon miệng và ngủ đẫy giấc sau một tháng “vật vờ” mất ngủ vì người lúc nào cũng như nung nấu bởi lửa.

Theo tôi, nếu có uống thứ gì gọi là “bổ”, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ trực tiếp điều trị cho mình, không tự động ra tiệm thuốc tây, tự mua hay mua theo lời giới thiệu của ai đó “từng kinh nghiệm”. Thời gian điều trị, bất kỳ thứ gì đưa vào cơ thể, gọi là tẩm bổ, cũng cần hỏi ý kiến chuyên môn. Nếu tự tìm hiểu trên mạng nhưng phải chắc chắn đó là nguồn tham khảo chính thống; không phải bạ đâu tham khảo đó, trên mạng hàng ngàn thứ “hỗ trợ” chữa ung thư, người bán không chứng minh họ được phép bán của ngành y tế. Bộ gan “luộc” hóa chất chữa ung thư sẽ không chịu nổi các chất khác nạp vào quá nhiều thứ. Đó là điều bất cứ người bệnh, người nhà, cần lưu ý khi muốn nâng đỡ cơ thể. Trước khi bệnh, tôi thích ăn thịt. Tôi rất ghét ăn cá, chúng hơi tanh nếu chế biến không kỹ. Trong thời gian chữa bệnh, thỉnh thoảng tôi có ăn thịt bò bíp-tết, dù không yêu thích lắm; ăn cho bổ máu (theo lời bác sĩ). Thức ăn của người bệnh như tôi rất đa dạng, nhiều loại rau củ, nhất là rau cải, súp-lơ Đà Lạt (nghe nói tốt cho chữa ung thư) và cá biển nhiều hơn thịt. Tôi nhận các loại cá biển từ người thân ở Đà Nẵng gửi vào, hết thùng này đến thùng khác. Cá dễ tiêu hóa hơn thịt nhưng vẫn bảo đảm lượng đạm gần tương đương.

Khi hóa chất vô thân thể, ngoài các tác dụng phụ tôi nói ở các phần trước, cơ thể chúng ta cần thức ăn dễ tiêu hóa, bảo đảm dinh dưỡng. Trái cây cần ăn thường xuyên mỗi ngày; tôi chuộng nhất mãng cầu Xiêm, nghe nói là diệt tế bào ung thư rất tốt (có thể chưa chứng minh nhưng các loại trái cây thì không có hại gì nếu ăn vừa đủ, đều đặn). Tôi hay dùng cây lô hội, nước rau má, sắn dây (từ miền Bắc ông sui gia gửi vào) để “giải nhiệt” cơ thể.

Tôi hằng ngày vẫn dùng các thứ (đến nay vẫn duy trì): một ly Ensure buổi sáng bụng đói; trong ngày có một quả chuối, một quả cam vào buổi sáng (nếu không cam thì một quả chanh nhỏ), mươi hột đậu phộng tự rang (mua rang sẵn sẽ gặp phải đậu mốc, rất nguy hiểm). Lúc vô thuốc, tôi uống nước mỗi ngày 2,5 lít hơi nhiều hơn trọng lượng lúc chữa bệnh (49 ký lô). bình thường, 10 ký lô trọng lượng cơ thể cần 0,4 lít nước. Nếu ăn canh nhiều, lượng nước có thể giảm tương ứng. Lúc chữa ung thư, luôn luôn chú ý đến nước. Các chai thủy tinh đựng đủ số lượng nước, đặt chỗ nào dễ thấy, để khỏi quên uống đủ mỗi ngày.

Trên mạng có rất nhiều thông tin về các loại thực phẩm, thức uống, thức ăn… “chuyên” chữa ung thư ! Tôi không phải là chuyên gia dinh dưỡng. Tôi tin và sử dụng thứ nào hằng ngày chúng ta có sử dụng trong mỗi bữa ăn. Cũng đừng tin ăn loại trái A, loại rau B, loại củ C… sẽ chữa hết ung thư. Nếu muốn ăn các thứ đó, phải chắc chắn chúng là những thứ chúng ta từng ăn từ nhỏ đến lớn và phải có liều lượng vừa phải. Không cứ trái cây nào, rau củ nào “diệt” tế bào ung thư, người bệnh chăm chú ăn quá nhiều, quá thường xuyên. Tôi xin nhắc lại: bất kể “nạp” cái gì vào cơ thể lúc điều trị, bệnh nhân phải hỏi ý kiến bác sĩ, người trực tiếp điều trị cho mình. Bữa ăn cho người bệnh, tôi nghĩ cần đủ dinh dưỡng, đủ chất, và đa dạng.

Tôi có nghe nói, người ăn gạo lứt muối mè có thể chữa khỏi ung thư. Tôi không phản bác nhưng tôi thì không theo, bởi có thử 1 tuần nhật, và bỏ cuộc: ngán quá, nuốt không nổi. Hơn nữa, bác sĩ trực tiếp chữa tôi có lời khuyên rằng: “Ông già rồi, ông cần ăn đủ chất; ăn gạo lứt muối mè không bảo đảm sức khỏe cho ông. Ông mạnh thì bệnh dễ lui; ông yếu bệnh sẽ giết chết ông”. Từ đó, tôi không theo đuổi phương pháp ăn gạo lứt muối mè nữa. Cũng có một số người tin, cách ăn như thế có thể chữa ung thư. Và, điều thật sự, chưa có chứng minh khoa học nào về vấn đề này, ngoài một số tài liệu trôi nổi.

Tôi có biết phương pháp ăn gạo lứt muối mè Ohsawa Nhật Bản. Cách ăn này không chỉ có 2 thứ muối mè, gạo lứt. Cách chọn thức ăn cũng rất phức tạp; phải phân biệt thức ăn nào âm, thức ăn nào dương; thức ăn dương phải đi kèm thức ăn âm; màu rau trái đỏ (dương) đi kèm màu rau xanh (âm). Nếu ăn theo phương pháp này, người bệnh cần phải ăn cho đúng bài bản, đúng phương pháp chính thống; không thể “nghe nói” tốt lắm là cứ áp dụng, trong khi bệnh nhân ung thư cần duy trì sức khỏe, để chống chọi không những với tế bào ung thư mà còn chống đỡ hóa chất tiêu diệt tế bào ung thư.

Tôi có tìm thấy một tài liệu tiếng Anh (có lẽ nhiều người biết) nói về tác dụng của rau ăn sống. Rau sống tốt hơn rau luộc càng tốt hơn rau nấu canh. Tài liệu cho biết, khi ăn rau sống, 15 phút sau, trong ruột, nhờ phản ứng hóa học, rau tạo ra một loại enzyme có thể tiêu diệt vi trùng, vi khuẩn, cả tế bào ung thư. Nếu đúng như thế, việc ăn rau sống của người Việt rất phổ thông ngày xưa, khi chưa có tâm lý e sợ thuốc bảo vệ thực vật hay hóa chất bảo quản. Có thể nhờ thế mà ông bà chúng ta ít ai bệnh ung thư chăng?

Quảng Nam quê tôi, món rau sống luôn có mặt trong bữa ăn quê thời trước; ngày nay cũng còn nhưng ít được sử dụng thường xuyên vì có thịt cá thay vào. Rau sống ghém: lá cải con, lá hành, lá tỏi, ngò rí, ngò gai, tần ô (cải cúc), giá sống, rau quế, rau húng, củ hành tươi, chuối chát thái mỏng, cà dĩa trắng xắt lát (loại dẹp như cái đĩa, giờ gần mất giống). Dân Quảng ăn món rau “cầu kỳ” như thế nên họ rất nhiệt huyết, khi cần tranh cãi họ ít chịu thua ai chăng? Và cũng nhờ ăn nhiều rau sống ghém, sức khỏe họ rất tốt. Chiến tranh thời kỳ nào, họ cũng tham gia đánh giặc, rất hăng hái.

Nhiều loại rau sống sẽ có nhiều enzyme, tôi nghĩ là rất tốt; ăn mỗi ngày rau sống đâu có hại gì đối với bệnh nhân ung thư. Và, trong thời gian chữa trị, mỗi bữa ăn của tôi đều có món rau sống. “Không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”. Người xưa có nói: đói ăn rau, đau uống thuốc.

Thức ăn cho người già 60 tuổi, lúc tôi mắc bệnh, không thuận lợi như người trẻ, do đó, người nào lớn tuổi, dinh dưỡng cần hết sức chú ý. Ngoài ăn uống đa dạng các thức ăn dễ tiêu hóa, dinh dưỡng, đủ các loại vitamin, tôi còn sử dụng thường xuyên 5 năm sau khi chữa hết bệnh: nước gạo lứt. Cách thức làm nước gạo lứt theo hướng dẫn của giáo sư Lập Thạch Hòa, người Nhật Bản.

Công thức tôi hay làm nước gạo lứt: 1 chén gạo lứt tốt / 8 chén nước. Gạo rang đều lửa trên nồi đất (tốt nhất) hoặc nồi inox, nồi nhôm (nếu không có hai nồi kia); phải là nồi chuyên để rang gạo, không lấy nồi đã qua sử dụng. Ngưng rang khi gạo trở nên màu vàng sẫm, nhưng không để cháy (hãy lưu ý chỗ này). Sau đó, gạo rang sẽ bỏ vào nồi nước (lường đủ 8 chén) đang sôi; để sôi đúng 5 phút, nhấc nồi ra, gạn lấy hết nước cho vào lọ chai (không dùng vật dụng nhựa, nhôm). Bắc một nồi nước với 8 chén nước, nấu sôi; khi sôi mới bỏ chỗ gạo vớt ra lần trước vào; sau đó cũng để đúng 5 phút, nhưng lần này cho lửa nhỏ xuống, không to lửa như lần trước. Sau đó, chắt lấy nước, hòa vào nước gạo nấu lần đầu, ta có một dung dịch nước màu nâu nhạt, hơi đục do lớp lụa nâu ở hạt gạo và hạt gạo mềm ra.

Để nước nguội, chúng ta cho vào tủ lạnh, ngăn mát, không để bên ngoài, nước rất dễ thiu. Quý vị để ý nước nào dễ thiu nước đó dinh dưỡng. Hãy quan sát nước trà thì biết. Chúng rất dễ thiu nếu để lâu. Tôi thì dùng 1 lít mỗi ngày. 16 chén nước (8 chén hai lần nấu) có dung tích chừng 3,5 lít. Uống hết lần này, chế biến lần khác. Ông giáo sư người Nhật kia từng nghiên cứu rất lâu mới tìm ra cách chế biến nước gạo lứt này. Dùng chung với “canh dưỡng sinh”, ông cho rằng nước gạo lứt có thể trị hết ung thư. Bản thân ông tự chữa ung thư cho mình, sau cái chết của cha và anh ông cũng mắc ung thư. Gạo lứt chúng ta thường ăn, bao đời không có hại, nước gạo lứt chế biến như thế, hẳn sẽ chẳng hại gì. Tôi dùng nó suốt thời gian chữa trị ung thư và gần 5 năm sau đó.

Nhưng thưa quý vị, loại bệnh ung thư của tôi có cách điều trị riêng và cách ăn uống của tôi cũng riêng, do đó, không thể lấy cách ấy làm chuẩn cho các bệnh nhân mắc các loại bệnh ung thư khác, trong khi tuổi tác không bằng nhau, cơ địa mỗi người không giống nhau. Tôi kể ra cũng chỉ để tham khảo, nếu thấy phù hợp với những bệnh nhân khác.

Tôi trao đổi để quý vị đang chữa trị, hay có thân nhân ung thư, một kinh nghiệm tham khảo. Điều rất đúng: không có cách ăn uống nào phù hợp cho tất cả mọi người, nhất là những người ung thư. Người bệnh ăn cốt sao cho bổ dưỡng, hợp khẩu vị, nhất là ngon miệng. Ăn ngon miệng, điều đó giúp tôi chóng lành bệnh, như thế, ăn dinh dưỡng nhưng phải ngon miệng: đúng với tôi và có lẽ sẽ đúng với người khác.

Saturday, August 24, 2024

Sách "Ung thư và con đường tôi chữa khỏi". CHƯƠNG 11

SỐNG CHUNG VỚI LŨ KHÔNG CÓ NGHĨA BÓ TAY VỚI LŨ

Có một điều ai cũng biết, lần đầu tiên phát hiện mình mắc bệnh, bất cứ bệnh gì, người bệnh rất lo lắng và sợ hãi. Phát hiện bị ung thư, nỗi lo lắng và sợ hãi sẽ không cùng. Tôi cũng vậy. Một thời gian hoang mang và đau khổ. Cuộc sống ngắn ngủi vậy sao. Tôi sẽ từ giã gia đình, người thân, bạn bè…sớm như vậy sao, dù ai cũng biết con người không phải đều 100 tuổi, chứ chưa nói tới trăm năm hạnh phúc.

Tạo hóa ban cho con người một tính năng tôi thấy rất đặc biệt: thích nghi. Có lẽ nhờ thích nghi, con người mới còn sống sót sau bao nhiêu là dâu bể, hàng triệu năm nay trên mặt đất. Động đất, núi lửa, đại hồng thủy, từng tiêu diệt giống nòi lớn nhất hành tinh: khủng long. Nhưng biết bao tai tai họa thiên nhiên không tiêu diệt nòi giống loài người nhờ cái “cây sậy” này biết “suy nghĩ” (Con người là một cây sậy, nhưng là cây sậy biết suy nghĩ” - Pascal). Biết suy nghĩ nên con người dễ thích nghi để sinh tồn trước bao nhiêu hiểm họa, tôi xin nói ở đây, hiểm họa mắc ung thư.

Lo lắng, sợ hãi cũng chết tại sao không lo lắng, không sợ hãi để “chống chọi” với ung thư; nói một cách khác, tại sao tôi không thể sống chung với căn bệnh quái ác từng giết chết rất nhiều người? Khi vô thuốc lần thứ ba, tôi không còn sợ ung thư nữa. Có lẽ tôi làm quen với lò lửa nung cháy gan, tim, phèo, phổi của tôi? Không. Chỉ một phần thôi. Các cơn hành hạ mấy hôm đầu của các lần vô thuốc vẫn như trước: ói mửa, nuốt không nổi hớp sữa chứ đừng nói ăn cơm, miệng lở loét, không ăn được cá kho ngót bỏ một hai lát hành tươi, chứ chưa nói cá cần phải tiêu phải ớt mới tránh khỏi tanh. Ngay cả bước ra hiên để nhìn ra cảnh vật bên ngoài, tôi cũng không dám: ánh sáng mặt trời như lò lửa phả hơi nóng vào mặt vào đầu vào da thịt tôi. Một cái nóng tôi chưa từng cảm nhận mà cũng không thể tả ra cho người khác cảm nhận.

Suy nghĩ “sợ cũng chết, không sợ cũng chết” trong tôi hình thành càng vững, càng rõ rệt, những tháng về sau trong thời gian chữa bệnh. “Thôi liều nhắm mắt đưa chân. Thử xem con tạo xoay vần đến đâu”. Hai câu thơ trong truyện Kiều rất thích hợp tâm trạng của tôi những ngày điều trị gian nan ấy. Tôi có thể cười sảng khoái khi ai đó đùa “hòa thượng thích đủ thứ” khi đầu tôi không một cọng tóc. Tôi không còn tha thiết uống bia dẫu một lon mỗi bữa ăn tối (Tôi có thói quen như thế cả chục năm nay). Tôi không còn cảm thấy thương thân trách phận, nước mắt chực trào ra như một vài lần đầu vô thuốc, khi ai đó nhận xét, liệu tôi có sức để chịu nổi hóa trị đủ thời gian hay không.

Sợ cũng chết, không sợ cũng chết, nói như ngôn ngữ bây giờ, là khẩu hiệu tôi hô vang mỗi ngày trong tâm trí. (Ấy là suy nghĩ của người bệnh ung thư như tôi; đâu phải mắc ung thư ai cũng chết). Tôi tìm đọc các sách về Phật giáo. Trong cái uyên áo của Phật pháp, có cái suy nghĩ, duyên hợp thì có, duyên tan thì mất; sự có mặt của tôi cũng là duyên hợp lại của cha, của mẹ, của ông bà tôi. Bây giờ duyên không còn hợp thì thân này phải tan, nghĩa là phải chết. Có chi đâu mà sợ.

Tuy nhiên, trong vài trường hợp “sợ quá” hóa “gan” (dạ). Tôi xin kể câu chuyện của mình. Một lần tôi bất đắc dĩ phải ở lại trong rừng một mình, cho đến gần tối không thể ở nữa để chờ đồng bạn. Quê tôi núi rừng nhiều hơn đồng bằng. Những năm đói khổ vì hợp tác thì núi rừng cứu đói nông dân trong đó có tôi.

Tôi vắt cơm gói bằng lá chuối, rìu rựa, đi theo các bác trong làng thành thạo núi rừng vào núi đẽo cây về bán. Núi chúng tôi đồi dốc rất đứng. Để giữ sức khỏe, vào rừng người ta sẽ theo lối đi lượn theo đồi dốc, xa hơn nhưng khỏe hơn; lúc ra người ta thả cây theo các dốc đứng ở lối khác, lần đó tôi chưa biết. Người ta níu gốc cây nhỏ tụt xuống, không phải vác cây trên vai nặng nhọc. Lần đầu tiên đi rừng theo họ, tôi không rõ có hai cách đi vào đi ra, khác nhau như thế.

Trên đường đi không ai lưu ý cho tôi biết điều đó. Thế là tôi ở chờ họ cùng ra cho đỡ sợ nếu đi một mình khi đẽo xong một khúc cây rừng. Chờ đến khi trời tối; trong rừng trời rất mau tối. Khi thấy tối hẳn, tôi buộc rìu lên vai, vác cây đi bộ, theo lối vào ban sáng.

Ở quê tôi, người ta bảo trong rừng không có ma mà có cọp. Xứ tôi sau các năm 1975, người đi núi vẫn còn thấy cọp; chúng rất dạn dĩ, khi đói có thể tấn công cả người hoặc bắt chó đi theo. Tôi lấy rựa bén cầm tay, vai vác cây đã đẽo; cây khá nặng nhưng lúc đó quá sợ nên quên cả nặng. Đi từng bước, chân đạp lên lá, tiếng động xào xạc; lúc đầu, tôi tưởng có cọp bước theo. Đi trong bóng tối, lần theo đường mòn, chốc chốc tôi quay lưng lại quan sát. Độ một tiếng sau, quá mệt, tôi không còn sợ cọp như lúc đầu. Trong đầu óc lóe lên suy nghĩ: cọp tấn công, tôi sẽ đáp trả, với chiếc rựa của mình trên tay. Nghĩ thế tôi không còn sợ nữa. Sợ quá hóa gan.

Không biết là mấy tiếng, thay cây vác từ vai này sang vai kia, và khi quá mỏi, đổi vai vác ngược lại. Rồi cũng tới đích, trước mắt là dòng sông, tôi ra đến bờ sông, bên kia bờ là lối đi về nhà. Trời tối đen như mực trừ trên mặt sông mênh mông, sóng nước chấp chóa, có đôi chút ánh sáng. Buổi sáng, sông cạn nước; buổi tối vì có mưa lũ từ nguồn đổ về, nước sông mênh mông. Một mình bơi qua sông trong đêm, không có gì sợ hãi bằng.

Câu chuyện về con ma-da tôi nghe lúc bé, một loại hà bá sống dưới sông, thường kéo người dìm xuống nước chết đuối, hiện ra trong đầu óc tôi. Nhưng gần khuya, không bơi qua sông tôi phải nhịn đói, chịu rét một mình cho đến sáng. Biết đâu có một con cọp nào đó theo dấu chân người đi kiếm ăn, tôi là mồi cho nó thì sao. Thế là tôi quyết định bơi qua sông.

Nỗi sợ hãi không còn. Sợ cọp, sợ ma-da biến mất. Bản năng sinh tồn làm tôi gan dạ. Tôi vừa bơi, vừa dìu cây cột chặt rựa rìu, đến bờ sông bên kia. Khi về đến nhà tôi thấy nhiều người hàng xóm còn đang lao xao trước cổng, kẻ đuốc người đèn, sáng cả khu vực; ba tôi nhờ họ vào núi tìm tôi nhưng không ai dám lội qua sông vì nước quá sâu. Sợ hãi cũng phải tìm lối sống. Lúc trẻ như thế, lúc già gần 60, không lẽ tôi chịu bó tay trước nỗi sợ ung thư?

Thích nghi với bệnh, các tác dụng phụ khắc nghiệt của thuốc, ngày càng nhiều nhưng ngày càng chịu đựng. Ý tưởng “sợ cũng chết, không sợ cũng chết” có lẽ giúp cơ thể tôi hình thành một sức mạnh nào đó; giống như khi vui vẻ cơ thể chúng ta tiết ra hormone “hạnh phúc” Dopamine.

Tôi nghĩ cái ý tưởng “thách thức” ung thư của tôi cũng na ná câu chuyện “đề kháng” của những người Việt qua Mỹ sống một thời gian dài. Ở xứ văn minh, có lẽ họ ít tiếp xúc với vi trùng. Trở về nước thăm quê, đi đâu họ cũng cầm theo chai nước lọc: họ sợ tiêu chảy. Lúc còn ở Việt Nam, tiêu chảy không bao giờ đến với họ. Người Việt có sức đề kháng cực tốt: gỏi cá, tiết canh vịt, tiết canh heo, có người còn ăn, trong lúc H5N1 làm chết biết bao nhiêu người. Và có bao giờ họ bị đau bụng?

Môi trường sống ở Việt Nam giúp họ làm quen với đủ các loại vi trùng, từ vi trùng con, vi trùng cháu đến vi trùng cha, vi trùng ông nội, ông cố, ông tổ… Họ không bao giờ sợ chúng. Nhưng khi qua Mỹ sống một thời gian, các thứ đều “vô trùng” tuyệt đối, họ rất ghê sợ tiết canh vịt và cũng không bao giờ thấy tiết canh vịt; họ sợ hãi vi trùng vì người Mỹ cũng rất sợ vi trùng. Chế vắc xin covid còn thử tới thử lui tùm lum, an toàn 95% cũng còn người sợ huống hồ vi trùng. Đó là lý do, mấy bác Việt kiều đi đâu cũng kè kè chai nước khoáng khi trở về “xứ sở của vi trùng”.

Con Corona giết chết cả triệu người trên thế giới cũng chẳng là cái đinh gì đối với đồng bào họ ở Việt Nam. “Sợ cũng chết không sợ cũng chết” biết đâu đã tiết ra cái chất giúp mấy bác Việt kiều khi còn ở Việt Nam chống lại vi trùng tiêu chảy, khi qua Mỹ cái chất ấy “ở lại” quê nhà; và biết đâu “khẩu hiệu” này cũng giúp tôi có sức đề kháng cái ông nội ung thư kia? Đến giờ này, gần 8 năm, tôi vẫn còn “chạy tốt” mà không còn sợ ổng đeo theo đe dọa. Hãy sống chung với ung thư như bà con sống chung với lũ; tất nhiên phải ở trên ghe, phải ở chỗ cao, đối với bệnh nhân ung thư là chữa trị và bồi dưỡng cơ thể, đặng tránh nước lũ nhấn chìm ghe. Sống chung với ung thư không có nghĩa phó mặc số mệnh mình cho nó.