Trước khi bàn đề tài này, tôi xin thưa, và muốn mở đề “lung khởi”, “rào trước đón sau” cũng rứa. Cho nó chắc. Nhưng thôi, nói cho mau: Mục đích bài viết không đào sâu chia rẽ Bắc-Nam.
Trước một thực tế có nhiều tên gọi khiến một số người Nam- thật ra là người Sài Gòn – không ưa. Ví dụ các tên gọi về các bảng (biển) báo hiệu giao thông. Cầu vượt hướng về bến xe Bình Triệu có chữ “Cầu vượt bằng thép”. Người Nam hay gọi sắt, không gọi thép, dù thép và sắt khác nhau. Bùng binh Bến Thành thành vòng xuyến (hay vòng xoay) Bến Thành. Giao lộ thay cho nút giao. Bịnh viện thành bệnh viện. Tân Sơn Nhứt thành Tân Sơn Nhất. Phi trường hay sân bay thành cảng hàng không. Ai là người “có quyền” gọi như thế? Có phải đây là tiếng miền Bắc?
Người miền Nam “mạnh miệng” bảo vệ “tiếng Miền Nam” nhiều nhất là ông Nguyễn Gia Việt. Ông viết: “Người Bắc lúc nào cũng nói văn học quốc ngữ của họ là chuẩn, lấy làm khuôn vàng thước ngọc, lấy Nam Phong tạp chí làm hình mẫu mặc dù Nam Phong tạp chí của xứ Bắc ra đời sau những tờ báo ở Nam Kỳ như Gia Định báo, Nông Cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn…và Nam Kỳ là nơi xiển dương chữ quốc ngữ đầu tiên ở VN”.
Ông viết tiếp: “Trong cuốn "Thi nhân Việt Nam" 1942, hai ông sĩ phu Bắc Hà Hoài Thanh, Hoài Chân liệt kê 45 thi sĩ VN hiện đại, duy nhứt ở Nam Kỳ có 2 vợ chồng Đông Hồ và Mộng Tuyết. Và kết luận: “Thi sĩ Đông Hồ là người Nam nhưng viết văn làm thơ theo cách thức kiểu Bắc”. Do đó: “Vì cùng chung "giọng văn" nên vợ chồng Đông Hồ và Mộng Tuyết được các nhà viết văn học sử gốc Bắc công nhận”.
Tôi chưa nghiên cứu về tác giả này. Nhưng đọc một số bài viết của ông trên facebook, tôi có nhận xét: Tri kiến của ông rất quảng bác về văn học, con người, đất đai, phong tục, tập quán Nam bộ (nhất là vùng lục tỉnh).
Nhưng cách nói về tiếng Việt như ông như thế sẽ gây sự chia rẽ nguy hiểm cho nền văn học nước nhà. Không thể vì: “Nam đọc "linh đinh", Bắc đọc "lênh đênh". Nam đọc "bịnh", Bắc đọc thành "bệnh", Nam đọc "gành", Bắc chuyển qua "ghềnh". Nam có "Cầu Kinh", Bắc tự đổi thành "Cầu Kênh" mà chúng ta coi Nam Bắc như hai nước khác nhau có ngôn ngữ ắt phải không giống nhau.
Có một sự thật là các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, trong lĩnh vực văn học, văn nghệ, nói chung là văn hóa, “người Bắc” chiếm đa số.
Trước đây, sau 1954, những trí thức miền Bắc di cư gầy dựng ở miền Nam một gia tài văn học, văn nghệ vô cùng phong phú và đa dạng.
Trong cuốn Hồi Ký của nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh nói về văn học, ngoại trừ Bùi Giáng loáng thoáng một vài câu nhận xét, kỳ dư tất cả những nhân vật nổi tiếng, có khen có chê, thuộc những người (ngày xưa chúng tôi gọi là) “bên kia vĩ tuyến”.
Tôi có hỏi (qua một comment) một nhà nghiên cứu, ông Lại Nguyên Ân, người có công rất lớn trong việc tìm tòi và khôi phục “tài sản” văn học đồ sộ của học giả người Quảng Nam ông Phan Khôi, đại ý, vì sao ông không có những tác phẩm nghiên cứu về nền văn học Miền Nam (sau 1954). Ông đáp, “tôi không có điều kiện tiếp cận đầy đủ tư liệu”. Nói ngay, ông đâu có thời giờ mà nghiên cứu văn học miền Nam. Trong chiến tranh, văn học chắc chắn bị chia làm hai. “Bên nào lo bên nấy”.
Và như thế, những nhà nghiên cứu hải ngoại đang làm công tác nhận định nền văn học đó. Tôi biết một vài người làm công việc vĩ đại ấy có Võ Phiến, Nguyễn Hưng Quốc…
Là người sống qua hai chế độ, ưa đọc sách, mến văn chương, tôi yêu các nhà văn nhà thơ sống (và chết) ở cả hai miền với hai chế độ khác nhau. Tiếc là không có điều kiện đọc các tác phẩm xuất bản sau 1975 của người Việt nước ngoài. Nhưng tôi vẫn yêu họ.
Tôi cũng tiếc là không có một công trình nghiên cứu đồ sộ nào bao quát tất cả tinh hoa văn học của nước Việt từ hai miền Nam, Bắc, và hải ngoại. Hay là đã có, đang có, và sắp có mà tôi không biết? Văn học nói chung, có được, và lưu giữ được là qua chữ viết, ngôn ngữ. Các nền văn học- vì hoàn cảnh lịch sử - không là của chung.
Là một người trình độ i-tờ về văn học, tôi muốn hai nền văn học Nam- Bắc trong chiến tranh trở nên một và cái một đó có cả nền văn học hải ngoại. Và tôi cũng rất buồn khi có người hô hào phải dùng “tiếng nói” của miền mình, không dùng tiếng nói của “miền kia”. Nếu có sự phân biệt vùng miền như thế trong ngôn ngữ thì sự phân biệt “vùng miền” sẽ còn mãi trong văn học. Ông Nguyễn Gia Việt, và tôi đoan chắc còn một số người miền Nam nữa, sẽ tán đồng câu nói này của ông; “Tại sao nhiều chữ của Miền Nam bị thủ tiêu và đưa chữ của Miền Bắc lên làm "chuẩn"?
Nhưng tôi không có trong số người Việt đó. Vì sao?
Tôi là người Quảng Nam “hay cãi”. Cãi (tranh biện) là lẽ sống của những người không chấp nhận suy nghĩ một chiều. Sau “ngày giải phóng”, tôi “vấp” ngay sự khác biệt ngôn ngữ mà ông Nguyễn Gia Việt nói tới.
Xem ti vi bị tắt, một chặp lâu, tôi thấy hiện ra chữ “sự cố kỹ thuật”. Hồi đó “sự cố” rất lạ mắt. Chúng tôi gọi là “trở ngại kỹ thuật”. Sinh viên chúng tôi tràn vào dinh Độc Lập, khi lễ kỷ niệm ngay sinh ông HCM,19.5.1975 kết thúc, để “coi” mấy ông lãnh đạo Việt Cộng như Trần Văn Trà, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ…ra sao. Họ ăn mặt tuềnh toàng, áo bỏ ra ngoài quần, mang dép râu, nhìn rất lè phè. Một giọng loa cực lớn phát ra: “Các em không được vào nhà lớn. Các em không được vào nhà lớn”. Nhà lớn là đại sảnh?
Rồi “đảm bảo” với “bảo đảm”; “chủ nghĩa xã hội” với “xã hội chủ nghĩa”. “Xây dựng gia đình” thay cho “lập gia đình”. “Quan hệ” thay cho “lấy nhau” (ăn ở, ngủ với nhau). “Đi lại” thay cho “di chuyển”. Chữ Thập Đỏ thay cho Hồng Thập Tự. “Lính thủy đánh bộ” thay cho “thủy quân lục chiến”. “Bộ đội” thay cho “quân đội”. “Mũ nồi xanh” để gọi binh sĩ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Đương nhiên, đế quốc Mỹ để gọi Hoa Kỳ (đúng ra là Hiệp Chúng quốc Hoa Kỳ). “Ngụy quân ngụy quyền” để chỉ quân đội và chính phủ Việt Nam Cộng hòa.