Monday, March 11, 2024

TIẾNG VIỆT, CỦA MIỀN NÀO?

Trước khi bàn đề tài này, tôi xin thưa, và muốn mở đề “lung khởi”, “rào trước đón sau” cũng rứa. Cho nó chắc.  Nhưng thôi, nói cho mau: Mục đích bài viết không đào sâu chia rẽ Bắc-Nam.

Trước một thực tế có nhiều tên gọi khiến một số người Nam- thật ra là người Sài Gòn – không ưa. Ví dụ các tên gọi về các bảng (biển) báo hiệu giao thông. Cầu vượt hướng về bến xe Bình Triệu có chữ “Cầu vượt bằng thép”. Người Nam hay gọi sắt, không gọi thép, dù thép và sắt khác nhau. Bùng binh Bến Thành thành vòng xuyến (hay vòng xoay) Bến Thành. Giao lộ thay cho nút giao. Bịnh viện thành bệnh viện. Tân Sơn Nhứt thành Tân Sơn Nhất. Phi trường hay sân bay thành cảng hàng không. Ai là người “có quyền” gọi như thế? Có phải đây là tiếng miền Bắc?

Người miền Nam “mạnh miệng” bảo vệ “tiếng Miền Nam” nhiều nhất là ông Nguyễn Gia Việt. Ông viết: “Người Bắc lúc nào cũng nói văn học quốc ngữ của họ là chuẩn, lấy làm khuôn vàng thước ngọc, lấy Nam Phong tạp chí làm hình mẫu mặc dù Nam Phong tạp chí của xứ Bắc ra đời sau những tờ báo ở Nam Kỳ như Gia Định báo, Nông Cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn…và Nam Kỳ là nơi xiển dương chữ quốc ngữ đầu tiên ở VN”.

Ông viết tiếp: “Trong cuốn "Thi nhân Việt Nam" 1942, hai ông sĩ phu Bắc Hà Hoài Thanh, Hoài Chân liệt kê 45 thi sĩ VN hiện đại, duy nhứt ở Nam Kỳ có 2 vợ chồng Đông Hồ và Mộng Tuyết. Và kết luận: “Thi sĩ Đông Hồ là người Nam nhưng viết văn làm thơ theo cách thức kiểu Bắc”. Do đó: “Vì cùng chung "giọng văn" nên vợ chồng Đông Hồ và Mộng Tuyết được các nhà viết văn học sử gốc Bắc công nhận”.

Tôi chưa nghiên cứu về tác giả này. Nhưng đọc một số bài viết của ông trên facebook, tôi có nhận xét: Tri kiến của ông rất quảng bác về văn học, con người, đất đai, phong tục, tập quán Nam bộ (nhất là vùng lục tỉnh).

Nhưng cách nói về tiếng Việt như ông như thế sẽ gây sự chia rẽ nguy hiểm cho nền văn học nước nhà.  Không thể vì: “Nam đọc "linh đinh", Bắc đọc "lênh đênh". Nam đọc "bịnh", Bắc đọc thành "bệnh", Nam đọc "gành", Bắc chuyển qua "ghềnh". Nam có "Cầu Kinh", Bắc tự đổi thành "Cầu Kênh" mà chúng ta coi Nam Bắc như hai nước khác nhau có ngôn ngữ ắt phải không giống nhau.

Có một sự thật là các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, trong lĩnh vực văn học, văn nghệ, nói chung là văn hóa, “người Bắc” chiếm đa số.

Trước đây, sau 1954, những trí thức miền Bắc di cư gầy dựng ở miền Nam một gia tài văn học, văn nghệ vô cùng phong phú và đa dạng.

Trong cuốn Hồi Ký của nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh nói về văn học, ngoại trừ Bùi Giáng loáng thoáng một vài câu nhận xét, kỳ dư tất cả những nhân vật nổi tiếng, có khen có chê, thuộc những người (ngày xưa chúng tôi gọi là) “bên kia vĩ tuyến”.

Tôi có hỏi (qua một comment) một nhà nghiên cứu, ông Lại Nguyên Ân, người có công rất lớn trong việc tìm tòi và khôi phục “tài sản” văn học đồ sộ của học giả người Quảng Nam ông Phan Khôi, đại ý, vì sao ông không có những tác phẩm nghiên cứu về nền văn học Miền Nam (sau 1954). Ông đáp, “tôi không có điều kiện tiếp cận đầy đủ tư liệu”. Nói ngay, ông đâu có thời giờ mà nghiên cứu văn học miền Nam. Trong chiến tranh, văn học chắc chắn bị chia làm hai. “Bên nào lo bên nấy”.

Và như thế, những nhà nghiên cứu hải ngoại đang làm công tác nhận định nền văn học đó. Tôi biết một vài người làm công việc vĩ đại ấy có Võ Phiến, Nguyễn Hưng Quốc…

Là người sống qua hai chế độ, ưa đọc sách, mến văn chương, tôi yêu các nhà văn nhà thơ sống (và chết) ở cả hai miền với hai chế độ khác nhau. Tiếc là không có điều kiện đọc các tác phẩm xuất bản sau 1975 của người Việt nước ngoài. Nhưng tôi vẫn yêu họ.

Tôi cũng tiếc là không có một công trình nghiên cứu đồ sộ nào bao quát tất cả tinh hoa văn học của nước Việt từ hai miền Nam, Bắc, và hải ngoại. Hay là đã có, đang có, và sắp có mà tôi không biết? Văn học nói chung, có được, và lưu giữ được là qua chữ viết, ngôn ngữ. Các nền văn học- vì hoàn cảnh lịch sử - không là của chung.

Là một người trình độ i-tờ về văn học, tôi muốn hai nền văn học Nam- Bắc trong chiến tranh trở nên một và cái một đó có cả nền văn học hải ngoại. Và tôi cũng rất buồn khi có người hô hào phải dùng “tiếng nói” của miền mình, không dùng tiếng nói của “miền kia”. Nếu có sự phân biệt vùng miền như thế trong ngôn ngữ thì sự phân biệt “vùng miền” sẽ còn mãi trong văn học. Ông Nguyễn Gia Việt, và tôi đoan chắc còn một số người miền Nam nữa, sẽ tán đồng câu nói này của ông; “Tại sao nhiều chữ của Miền Nam bị thủ tiêu và đưa chữ của Miền Bắc lên làm "chuẩn"?

Nhưng tôi không có trong số người Việt đó. Vì sao?

Tôi là người Quảng Nam “hay cãi”. Cãi (tranh biện) là lẽ sống của những người không chấp nhận suy nghĩ một chiều. Sau “ngày giải phóng”, tôi “vấp” ngay sự khác biệt ngôn ngữ mà ông Nguyễn Gia Việt nói tới.

Xem ti vi bị tắt, một chặp lâu, tôi thấy hiện ra chữ “sự cố kỹ thuật”. Hồi đó “sự cố” rất lạ mắt. Chúng tôi gọi là “trở ngại kỹ thuật”. Sinh viên chúng tôi tràn vào dinh Độc Lập, khi lễ kỷ niệm ngay sinh ông HCM,19.5.1975 kết thúc, để “coi” mấy ông lãnh đạo Việt Cộng như Trần Văn Trà, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ…ra sao.  Họ ăn mặt tuềnh toàng, áo bỏ ra ngoài quần, mang dép râu, nhìn rất lè phè. Một giọng loa cực lớn phát ra: “Các em không được vào nhà lớn. Các em không được vào nhà lớn”. Nhà lớn là đại sảnh?

Rồi “đảm bảo” với “bảo đảm”; “chủ nghĩa xã hội” với “xã hội chủ nghĩa”. “Xây dựng gia đình” thay cho “lập gia đình”. “Quan hệ” thay cho “lấy nhau” (ăn ở, ngủ với nhau). “Đi lại” thay cho “di chuyển”. Chữ Thập Đỏ thay cho Hồng Thập Tự. “Lính thủy đánh bộ” thay cho “thủy quân lục chiến”. “Bộ đội” thay cho “quân đội”. “Mũ nồi xanh” để gọi binh sĩ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Đương nhiên, đế quốc Mỹ để gọi Hoa Kỳ (đúng ra là Hiệp Chúng quốc Hoa Kỳ). “Ngụy quân ngụy quyền” để chỉ quân đội và chính phủ Việt Nam Cộng hòa.

Sunday, March 10, 2024

CỤ RÙA VIỆT NAM NHÌN RA THẾ GIỚI.

(Vietnam Embalms a Sacred Turtle, Lenin-Style. Việt Nam ướp xác một con rùa thiêng, như  kiểu Lê Nin)

- Vladimir, Mao Trạch  Đông, và bây giờ: một con rùa khổng lồ.

VN đã ướp xác một con rùa mà nhiều người xem là biểu tượng của sự trường tồn và độc lập nước nhà cho đến khi nó chết năm 2016, theo tường thuật của truyền thông nhà nước.

Đó là động thái nâng một con vật, gọi là Cụ Rùa, hoặc Rùa  Tổ, vào chung với những nhân vật trọng vọng nổi tiếng được ướp xác và được các chế độ cộng sản trưng bày.

Danh sách gồm Lê Nin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật của Bắc Triều Tiên, và Hồ Chí Minh, vị anh hùng dân tộc của VN.

Một con rùa khổng lồ cực hiếm được tẩm nhựa và đặt trong một ngôi đền ở hồ Hoàn Kiếm, thủ đô Hà Nội, nơi một thời nó sinh sống, báo VNExpress tường trình hôm thứ ba. Tẩm nhựa (Plastination) một phương pháp bảo quản cơ thể bằng cách bơm vào những hạt nhựa được một nhà giải phẫu người Đức áp dụng vào thập niên 1970.

Tẩm nhựa nhìn như còn sống, Cụ Rùa mang một ý nghĩa văn hóa và tâm linh vô hạn ở Việt nam.

Một truyền thuyết VN nói rằng vào thế kỷ 15, một anh hùng dân tộc (Lê Lợi - người dịch chú thích) mượn kiếm thần, sử dụng nó đánh đuổi quân Tàu đang chiếm đóng, và trả lại cho một con rùa nổi lên ở hồ Gươm, sau đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm  (anh chàng tây này kể sơ sài quá, không hấp dẫn bằng truyền thuyết của chúng ta - NLC).

Đền thờ rùa xây giữa hồ thập niên 1880, và Rùa Tổ qua đời ở đó năm 2016, được tin tưởng rộng khắp là hiện thân nhập thế từ truyền thuyết cổ xưa.

Truyền thuyết trả gươm (hoàn kiếm) có lợi cho nhà cầm quyền VN như là biểu tượng chủ nghĩa dân tộc chống Tàu, một nước láng giềng phương bắc và từng đô hộ VN.

Cái chết của Cụ Rùa, xảy ra trong một cuộc tranh luận nóng bỏng toàn nước về sự phụ thuộc kinh tế và có vẻ cả chính trị vào Trung Quốc, đã dấy lên nỗi buồn khôn xiết.

Một số người Việt thấy cái chết Cụ Rùa như là một điềm gở cho đất nước và cho đảng Cộng sản cầm quyền trong mấy thập niên.

Người ta tin Cụ Rùa chết vì các nguyên do tự nhiên. Nhưng hồ Hoàn Kiếm quá ô nhiễm, và người ta thỉnh thoảng có thấy cụ rùa trồi lên mặt nước tìm kiếm oxy để thở nhiều năm trước khi cụ chết.

Cái chết cũng là một mất mát cho lịch sử sinh học bởi vì Cụ Rùa, cân nặng tầm 164 kg là con cuối cùng thuộc những loại rùa mai mềm khổng lồ từ sông Dương Tử.

Chủng loài rùa, được biết như Rùa mai mềm (Rafetus swinhoei, miền Nam gọi ba ba, cu đinh, Quảng Nam tôi gọi con trạnh-ND), một thời rất nhiều ở Đồng bằng sông Hồng nhưng bị săn bắt sạch trong thập niên 1970 và 1980.

Cái chết Cụ Rùa chỉ để lại 3 cá thể được biết đến – một cặp ở sở thú Tô Châu, Trung Quốc, và một con ở hồ Đồng Mô, ngoại thành Hà Nội, giống đực hay cái hiện chưa rõ mấy.

Cặp rùa Tô Châu chưa sinh sản con nào, Tim McCormack, giám đốc chương trình nghiên cứu rùa châu Á, một tổ chức bảo tồn đặt trụ sở tại Hà Nội, báo cáo vào tháng tư năm ngoái.

Nhưng ông cũng nói thêm một cá thể rùa thứ tư cùng chủng loại đã được phát hiện ở hồ Xuân Khánh, ngoại thành Hà Nội, dấy lên hy vọng giống rùa mai mềm có thể đem về nuôi dưỡng tập trung.

Một vài tháng sau đó, McCormack viết báo cáo chương trình của mình đã cơ bản tìm thấy một con rùa thứ hai cùng chủng loại với rùa Đồng Mô, nhưng cần điều tra thêm để xác quyết phát hiện này.

Ông cho biết hôm thứ tư rằng một tổ hợp tác “phục hồi chủng rùa”, gồm các quan chức VN và các nhóm hỗ trợ đời sống hoang dã quốc tế, đang làm việc với kế hoạch bắt giữ những cá thể rùa đã biết, tìm hiểu xác định giới tính và có thể là nuôi dưỡng chúng.

“Tìm ra con thứ hai khiến mọi người phấn khởi vào giống rùa một lần nữa, và chúng tôi tin nó có thể được cứu sống nếu chúng ta có thể gom chúng về một chỗ”, McCormack viết trong một e-mail.

Sau khi Cụ Rùa chết, xác cụ được bảo quản lạnh nhiều tuần tại Bảo tàng Thiên nhiên Quốc gia, ở 15 độ dưới không, trong khi đợi giới thẩm quyền tranh luận cách tốt nhất để bảo tồn cụ.

“Ướp xác một cụ rùa không phải đơn giản, xem xét cẩn trọng là điều khó tránh”, Nguyễn Trung Minh, giám đốc bảo tàng  phát biểu năm 2016.

Chính phủ cuối cùng bác bỏ kỹ thuật ướp xác truyền thống và quyết định chọn “ướp nhựa” với sự giúp đỡ của các chuyên gia người Đức.

Cụ Rùa “tẩm nhựa” này chiếm chỗ trong đền Ngọc Sơn với xác tẩm người “bà con” đã chết năm 1967.

Nay cụ được trưng bày trong phòng nhiệt độ thông thường, nhưng để tránh bụi, nấm mốc, ánh sáng, giới thẩm quyền đã đặt cụ trong 1 hộp kính.

CẤM XE MÁY?

Tình cờ đọc tin về hội thảo giao thông thành phố Sài Gòn, một phó giáo sư, tiến sĩ nêu tham luận đại ý: cấm hẳn xe máy, không thể để cái nghèo "đe dọa" chúng ta trong quy hoạch giao thông thành phố. Ông còn nói chính xe máy là thủ phạm gây tai nạn giao thông nhiều nhất. Cấm tiệt xe máy là tốt nhất. Trước cũng nghe một tiến sĩ khác hiến kế: cứ để xe máy thiệt nhiều , khi không lưu thông được người dân sẽ chọn lựa phương tiện công cộng.

Thật sự ngưỡng mộ những nhà thông thái.

Tôi không ý kiến nữa vì ý kiến cư dân mạng quá nhiều và quá đủ. Tôi không phải là phó giáo sư, chỉ là phó thường dân, đề xuất suy nghĩ mọn về vấn nạn giao thông thành phố.

Trước mắt phải xác định nếu không giải quyết nạn kẹt xe, Sài Gòn sẽ là một thành phố đáng sợ chứ không phải đáng sống. Hậu quả mỗi ngày, mỗi người chúng ta đều rõ: ô nhiễm, tốn kém thì giờ, công sức, và nhất là sức khỏe, có ý kiến cho rằng với lượng khí thải do xe cộ mỗi người dân già trẻ đều hít phải khí độc tương đương khói của 1 bao thuốc lá.

Giải quyết giao thông không thể chỉ giao cho sở giao thông, mà phải giao cho người đứng đầu thành phố, miễn ông ta được cấp cao hơn giao toàn quyền quyết định.

1- Phải tiến hành khảo sát: xã hội học (xem vì sao người ta chạy xe ra đường quá nhiều, chạy để làm gì, ai là người đi ngoài đường nhiều nhất...), dân số học (xác định mật độ dân số từng vùng của các quận, đẻ dễ nắm số lượng người giao thông), kinh tế học (xem việc chạy xe có liên quan đến hoạt động sản xuất không, nhiều hay ít...)...Để đề ra phương hướng điều tiết giao thông hợp lý. Và phải lập một ủy ban quản lý giao thông công đầy năng lực.

2- Xác định xe máy là cần thiết cho việc đi lại (đa số dân xử dụng) nhưng phương tiện công cộng (xe buýt, xe điện, ...) phải là chủ đạo. Hạn chế xe cá nhân để mở rộng xe công cộng. Thành phố phải chuẩn bị vốn để đầu tư thật cấp bách thật to lớn, cho phương tiện công cộng để dần dần phương tiện này nhận lãnh vai trò chính trong giao thông đô thị. Khuyến khích, tạo điều kiện cho nước ngoài vào đầu tư metro như ở Singapore.

3- Tuyên bố "tình trạng khẩn cấp" về giao thông, nghĩa là sẽ áp dụng một số biện pháp có thể phạm luật: chẳng hạn ngưng ngay việc cấp phép lưu thông mới cho xe hơi, xe máy. Tất cả xe không mang bảng số TP đều sẽ dần dần chấm dứt lưu thông khi thành phố cảm thấy phương tiện giao thông công cộng đảm nhận được vai trò của mình. Những cư dân ngoại tỉnh đều phải sử dụng phương tiện giao thông công cộng khi làm việc, sinh sống ở thành phố.(Dĩ nhiên, lúc này xe buýt phải nhiều).

Xe con từ 4 đến 7 chỗ lưu hành theo bảng số xe chẵn, lẻ theo ngày chẵn, lẻ. Trừ xe công vụ như chữa cháy, cảnh sát, cứu thương, hay những dịch vụ cấp thiết quốc gia. Ngưng ngay việc cấp mới giấy phép cho xe taxi, Uber, Grab. Nhưng khi thấy bí bách thì có thể nới lỏng chút đỉnh. Chỉ cho phép đổi xe cũ sang xe mới. Những xe cũ (xe hơi, xe máy) sẽ được chính phủ thu mua và bán lại cho những địa phương ít xe cộ hơn. Những phương tiện vận chuyển vật tư "rắn" như vật tư xây dựng, kể cả xe thô sơ, đều phải hoạt động ban đêm, từ 11 giờ tối đến 4 giờ sáng, trừ những khu vực, phương tiện sản xuất quan trọng, có cân nhắc cho phép lưu thông ngoài giờ đó.

4- Việc hạn chế giao thông trên chỉ thực hiện khi thành phố có đủ xe buýt, xe điện, và hệ thống xe công cộng này đã trải đều thành phố. Bắt buộc đi xe buýt đối với tất cả sinh viên, viên chức, công chức nhà nước, các học sinh từ tiểu học trở lên, hạn chế việc đưa đón bằng xe cá nhân, trừ những người có công việc đặc thù như cảnh sát, công an, hay các vị trí chóp bu của quận huyện, thành phố.

 Muốn có hệ thống xe buýt đều khắp thì vỉa hè cần giải quyết rốt ráo: thành lập một công ty quản lý vỉa hè trực thuộc thành phố. không thể có "cát cứ sứ quân cho vỉa hè. Nếu chưa sử dụng hết thì phân cho hộ dân có mặt tiền sử dụng một khoảng không gian nhất định, và phải đóng phí, tùy vị trí buôn bán. Những người bán hàng rong cần phải đăng ký, sử dụng một loại xe thô sơ có những mẫu quy định, và phân bổ ra các trục đường thuận tiện. Dần dần quy hoạch họ vào những khu nhất định.

Vỉa hè không thể là nơi muốn bán cái gì cũng được, muốn chiếm bao nhiêu cũng được, và muốn làm gì cũng được. Phải dành vỉa hè cho người đi bộ đến trạm xe buýt, xe điện... Nới rộng hàng năm số đường đi bộ ở khu vực trọng yếu. Các trạm xe buýt phải thoáng, rộng, mát, không thể để như hiện nay, người đi xe buýt như những kẻ nghèo bị gạt ra ngoài lề xã hội.

5- Dời ngay xe lửa ra ngoại thành, sử dụng chỗ của đường ray làm đường lộ, ga xe lửa thành bến xe buýt. Xe lửa chả lợi gì mà gây cản trở giao thông thành phố rất nhiều. Hàng trăm giao lộ xe lửa chạy qua là hàng trăm ách tắc giao thông. Dời tất cả cơ sở sản xuất có quy mô lớn, vừa ra khỏi trung tâm thành phố. Nhà nước xây nhà xã hội bán rẻ, cho thuê để công nhân khỏi phải dùng xe máy đi làm.

6- Mời nước ngoài đầu tư tàu điện ngầm, hoặc hợp tác, hoặc giao hẳn họ xây dựng, điều hành, chuyển giao. Sự có mặt của loại hình giao thông này phải là mục đích cuối cùng cho giao thông đô thị.

7- Về lâu về dài, tất cả các cơ quan hành chính thành phố đều phải tập trung về một chỗ, có nhà công vụ, nơi sinh hoạt cho viên chức, công chức. Hai cơ quan đảng, chính phủ nên nhập làm một, nhằm giảm biên chế, tăng lương gấp đôi, gấp ba, và đất, nhà, hiện đang sử dụng hoặc chuyển sang mục đích phục vụ công cộng như xây nhà mẫu giáo, công viên, hoặc bán đấu giá lấy tiền nộp ngân sách.

Khi tiến hành xây dựng những gì liên quan đến đường sá như đào cống, nới rộng đường, lắp đặt cáp quang, dựng trụ điện ... đều phải làm 3 ca, không nghỉ ngày nào kể cả ngày lễ.

8- Để người dân bớt căng thẳng khi lưu thông ngoài đường, đề nghị nghiêm cấm phát loa ầm ĩ, treo cờ phướn rợp đường, các bảng quảng cáo, bảng hiệu đều phải nằm dọc theo mặt tiền nhà, tức dọc lề đường, không được nằm ngang trên khoảng trống của vỉa hè. Việc dựng bảng tuyên truyền nên dẹp ngay vì không ai vừa chạy xe vừa ngó chúng bao giờ, ngoại trừ muốn gây tai nạn vì phải đọc những câu khẩu hiệu dài ngoằn. Chỉ có bảng chỉ dẫn đường được phép có mặt trên các lề đường để hướng dẫn giao thông mà thôi.

9- Nghiên cứu lưu lượng người lưu thông bằng tin học, quan sát xe cộ đi lại bằng vệ tinh để có biện pháp phân luồng, phân làn, thiết lập thêm đường một chiều, những điểm hay kẹt xe phải luôn luôn có cảnh sát túc trực điều hành.

10- Đẩy mạnh và phát triển giao thông đường thủy vì Sài Gòn có rất nhiều kênh rạch, thuận tiện cho loại hình vận chuyển bằng tàu thủy. Cần lập lại trật tự việc lấn chiếm bờ kênh, bờ rạch, nạo vét thông suốt, khuyến khích đầu tư vận chuyển đường thủy.

11- Ngày tết đường phố SG vắng tanh. Dân nhập cư về nhà ăn tết. Bảng số xe gần 1 phần 4 là của các tỉnh. Kinh tế SG phát triển nhờ công sức của lao động nhập cư. Nhưng chính sự có mặt của họ cùng với chiếc xe máy làm mật độ xe lưu thông tăng cao. SG cùng các tỉnh lân cận phối hợp tổ chức phát triển các ngành kinh tế phù hợp, thu hút và giữ chân họ "ly nông, bất ly hương", và đây là hướng tốt nhất để giúp SG tránh "bội thực" lao động.

12- Một điều cuối cùng là giáo dục văn hóa giao thông ngay lúc trẻ còn học mẫu giáo. Các em sẽ tập đi xe công cộng, các em sẽ ý thức được tính tập thể, lịch sự trật tự từ nhỏ. Và người lớn chúng ta nên gương mẫu trong việc lưu thông, nên tập quen với xe buýt, ý thức nhân đạo sẽ hình thành từng chút, người giàu sẽ đi xe buýt chứ không chỉ người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Khi số lượng xe cá nhân giảm đi, phương tiện công cộng sẽ chiếm chỗ cho việc đi lại cho xã hội, người dân thành phố sẽ đi bộ nhiều, tốt cho sức khỏe, sẽ kỷ luật hơn, lên xuống xe trật tự, lòng nhân ái được nhân lên, qua những việc nhỏ như nhường chỗ cho người già, trẻ em, phụ nữ có thai.

Đến một lúc nào đó, đi xe buýt nhanh hơn, đúng giờ hơn, rẻ tiền hơn, tiện nghi hơn là đi xe hơi, xe máy, người dân sẽ tự nguyện bỏ dần xe cá nhân thì thành phố sẽ bớt ô nhiễm, ra đường sẽ không còn cảnh đánh nhau vì va quẹt, thành phố không còn những con đường ngập tràn xe máy nhích từng chút, nhả khói xe đầy trời. Việc đi lại dễ dàng sẽ giảm đi rất lớn sự lãng phí cả tinh thần lẫn vật chất do kẹt xe gây ra.

Tất nhiên, những biện pháp trên chỉ áp dụng cho một số quận nội thành dân cư nhiều. Những quận khác có thể áp dụng biện pháp khác mềm dẻo hơn, miễn là việc chuyển đổi mô hình vận chuyển cá nhân sang công cộng không ảnh hưởng đến đời sống, sức sản xuất của thành phố to nhất nước, năng động nhất nước, và quan trọng là đóng góp ngân sách nhất nước.

Chỉ cần nhìn giao thông, người ta đánh giá trình độ phát triển của một thành phố, một đất nước. Lúc đó, cấm xe máy hay không cấm xe máy sẽ không quan trọng. Quan trọng là lựa chọn của người dân nhưng ngay bây giờ, quyết tâm của những nhà quy hoạch là quyết định cuối cùng.

NIỀM TIN, CẢ TIN VÀ TỰ TIN.

Nhân vụ chùa Ba Vàng dậy sóng, tôi xin "tám" một chút về mấy chữ trên, “mua vui cũng được một phài phút giây”.

Năm 1978, cha tôi mất lúc ông 73 tuổi, “năm tuổi”. Thời buổi khó khăn, ăn còn khổ, huống chi chết, khổ biết mấy. Tất nhiên, không coi ngày chôn, giờ chôn được cho cha tôi, một phần hồi ấy không ai dám hành nghề bói toán, một phần chôn sớm ngày nào hay ngày đó. Mọi người tắc mũi, đờ mắt vì đồng áng, vì cái ăn, năm ấy lại mất mùa, ai rảnh đâu mà “thăm tang”, “chia buồn cùng gia quyến”.

Giờ, ngày, tôi chôn bố đúng ngay ngày, giờ “trùng tang”, bác tôi “bấm độn” và trịnh trọng tuyên bố, ông thực sự lo lắng cho gia đình tôi. Bác rất thật tình và khuyên gia đình cần phải “nhương sao, giải hạn”, tất nhiên chỉ bằng bông hoa, nhang đèn, đơn giản vì bác cũng như chúng tôi, rất nghèo, tiền đâu mà mua gà, sắm xôi, các thứ như ngày nay.

Chúng tôi không làm theo ý bác, ông rất buồn theo hiểu biết của mình về “trùng tang”, có thể sẽ có 3 người thân chết liên tiếp sau đó hoặc mỗi năm một người. Lạnh sống lưng thật, mẹ tôi lo lắng nhất.

Nhưng mấy chục năm sau đó, nhà tôi vẫn bình an. Những người con, người cháu, vẫn phẻ re sống tốt, làm việc tốt. “Trùng tang” mà có em mô “chầu trời” đâu.

Xưa, ai lấy nhau, làm nhà, đi thi…đều coi ngày giờ rất cẩn thận, theo “sách ông bà để lại” nhưng có ai hạnh phúc 100% đâu, bỏ nhau, uýnh nhau hằm bà lằng, thậm chí vợ đôi, vợ ba, hoặc có ai tất cả “bách niên giai lão”, phu thê đời đời bên nhau đâu.

Nhà thì nhiều cái hoành tráng, có giữ được lâu mấy chục năm không, hay tất cả bị bom ăn mìn phá? Những mộ phần chôn theo ngày tốt, giờ tốt cực kỳ, nhưng “ký qui tam xích thổ, nan bảo bách niên phần”, đã 3  thước đất, ai giữ được mộ 100 năm đâu, biết bao nghĩa trang bị xóa sổ do quy hoạch.

Ngày đi thi cực tốt, 1000 người chưa đỗ một, ai cũng đỗ, làm quan chỗ ngồi đâu cho xiết?

Người bói được mệnh người khác không bói được mệnh mình nên cứ là…thầy bói cả đời, nghèo rớt mồng tơi, suốt đời coi bói, có thấy giàu có chi mô? (trừ thầy bói thời nay). Bà Yến chùa Ba Vàng bảo kiếp trước làm ác nên kiếp này trả báo, cô gái ship gà bị hiếp, giết dã man được Ms.Vong (bà vong) đem ra làm ví dụ, vừa nhẫn tâm nhưng lại vừa hiệu quả: ai muốn thoát kiếp nạn thì hãy đóng tiền cho Vong. Bạc tỷ chẳng xi-nhê chi nếu “tai qua, nạn khỏi”. Nghe nói có người đóng tiền gần tỷ để Vong cứu mạng. Một tỷ, hay 10 tỷ, cứu được mạng sống, có sá chi.

Nếu Steve Job nghe được vong Ba Vàng linh thiêng, ông ta sẽ đến để được cứu sống. Ông than thở “tôi có thể mua tất cả mọi thứ nhưng không mua nổi cái giường bệnh đang nằm”. Ổng giàu nức nở, đóng 100 tỷ VN chứ 100 tỷ tiền USD để được sống, chắc chắn ổng cũng ừ.

Chủ tịch nước vừa quá cố sẽ được cứu sống khỏi bệnh nan y nếu biết sớm nơi này, và ngôi chùa cứu sanh đang nức tiếng này sao chẳng đoái hoài  ông? Nhưng Vong Ba Vàng (qua giáo huấn của bà Yến) bảo kiếp trước những người chết “chưa phải số” đã làm điều thất đức nên kiếp này…nó thế.

Tôi không rành luân hồi bên phật giáo nhưng tôi nghĩ nhân quả là có. Kiếp này trả cho kiếp trước. Gieo chi gặt nấy.

Một người đầu thai tỷ tỷ lần, hẳn phải tỷ tỷ lần “báo ứng” theo luật nhân quả.

Tôi lại nghĩ đơn giản: luật nhân quả, kiếp này qua kiếp khác, chỉ để răn dạy chúng sinh và giải thích những hiện tượng nghịch lý.

Làm phước sẽ được hưởng phước kiếp sau. Tốt quá đi chớ. Hãy sống phước đức để có hậu về sau. Nhiều người bình phẩm kẻ khác gặp  nạn bất đắc kỳ tử “người nầy hết phước”.

Nhân quả cũng có thể dùng để giải thích nhiều người “ác” vẫn giàu có, vẫn công danh ngút ngàn, bởi kiếp trước họ làm việc thiện, việc tốt lành (phải chi mỗi kiếp phải viết bản lý lịch, để dễ tra cứu).

Tôi tin người nào bản chất đã ác thì kiếp nào cũng ác.  Thiện qua ác, ác qua thiện trong kiếp người, kiếp này, kiếp khác, thay đổi như sóng nước, xuống xuống lên lên?

Rồi chuyện ăn chay, sát sinh.

Tôi cũng không hiểu thâm sâu việc ăn chay, không sát sinh, nhưng rõ ràng những chất từ thực vật nếu sử dụng đúng, đủ, những dinh dưỡng của nó sẽ không khác chi những dinh dưỡng có từ động vật.

Nhiều vị tu sĩ, nhiều người ăn chay, vẫn có một sức khỏe cực tốt vì họ ăn chay đúng phương pháp.

Tôi nghĩ ngài Thích Ca khuyến khích ăn chay còn vì một lý do khác (tôi mới phát minh ra sáng nay khi uống cà phê) là để khỏi sát sinh.

Con gà, con vịt, con heo, con bò, ta không nên sát sinh vì là một “kiếp” nào đó của con người, thì ai mà đan tâm đi giết người?

Mỹ, Nga, Tàu, ngay cả chúng ta, sắm súng đạn làm chi nếu mục đích không phải là…giết người? Địch hay ta, cũng đều là người. “Giết người đi thì ta ở với ai?”.

Sự thâm sâu của giáo lý phật giáo tôi không am tường nhưng “nhân quả”, “không sát sinh” trong giáo lý này là rất hữu ích.

Cũng vì giáo lý phật giáo mênh mông quá, sâu xa quá, một số người lợi dụng, nhờ vào  cửa chùa để làm tiền, kinh doanh tâm linh, hay mỹ miều hơn, làm “du lịch tâm linh”.

10 triệu để giải oan, tránh kiếp nạn, chứ 10 tỷ, hay trăm tỷ con người cũng sẵn sàng.

Nhưng những người sẽ gặp kiếp nạn nghèo, không tiền, ít tiền, hay không đến được ngôi chùa Cứu Mạng Ba Vàng sẽ gặp nạn và chết đi hay sao?

Phật linh thiêng sao…bất công như thế? (Tôi nói “vị phật” ở chùa này).

Một hiện tượng tưởng như đơn giản xảy ra ở ngôi chùa này thật ra không đơn giản chút nào. Hiện tượng đó nói lên:

- Niềm tin tôn giáo chính đáng bị lợi dụng

- Dân chúng (một bộ phận) đã không thấm nhuần “đạo đức XHCN”mà tuyên giáo dày công "giáo dục" hơn nửa thế kỷ nay, còn mụ mị “tin vào những gì không có cơ sở khoa học” (Karl Max).

- Sự thờ ơ của những người cầm đầu tôn giáo (ở đây là phật giáo) trước hiện tượng báng bổ giáo lý chân chính của nhà Phật, làm hoen ố hình ảnh phật giáo đã chiếm vị thế trang trọng trong hành trình lập nước, giữ nước từ thời Lý, thời Trần.

- Sự tắc trách của một bộ phận quản lý chính quyền địa phương trong việc để những hành động mê tín, dị đoan này phổ biến và phát triển không phải mới đây, và số lãnh đạo đến thăm chùa bị vị sư ở đây lợi dụng “chụp hình chung” nhằm quảng bá hình ảnh (PR, public relation), tạo “chính danh” ngôi chùa tai tiếng của mình.

- Hiện tượng người  cả ngàn ngồi xếp hàng ngày đêm cầu nhương sao, giải hạn ở một ngôi chùa Hà Nội, nay đến hàng ngàn người khác chen chúc đến cầu vong giải oán ở chùa Ba Vàng, hình ảnh được quảng bá lên Internet ra cả thế giới; điều này chứng tỏ dân trí chúng ta đang có vấn đề.

- Và sau hết, không tin vào khoa học văn minh , không tin vào  khả năng vươn lên của chính con người trước mọi hoàn cảnh dẫu hiểm nguy; không tin chính mình, tức là không có tự tin, luôn dựa dẫm vào lý số xuất phát từ Tàu, rủi may theo thầy bói phán, phước họa từ kẻ lợi dụng tôn giáo moi tiền vì sự khốn khó của người cả tin.

Đây mới là tai hại lớn nhất và nguy hiểm nhất.

“Không tin nơi ta, thế ta định nhờ ai dẫn đầu?”

Một câu hát tôi nhớ đã hát hơn mấy chục năm trước.

Câu hát đơn giản nhưng phản ảnh một sự thật đất nước chúng ta “không tin nơi ta” bao thập kỷ, nay theo cái này, mai theo cái kia, mong “nhờ ai dẫn đầu”, tại sao ta không nhờ ta, mà cứ phải nhờ vong, cứ mãi hối lộ thánh thần?

Ba Vàng, hay "ngàn vàng", người VN hãy “Bái bai” (không phải Bái Đính), càng sớm càng tốt.