Friday, March 8, 2024

MẮM CÁI

Trong bài “Gạo Cần Đước nước Đồng Nai”, Sơn Nam mô tả một loại mắm mà người Quảng Nam từng ăn và ăn ngon một thời: Mắm cái. “…mắm nêm còn nguyên xác (mắm cái) là món ăn người Chăm mà xưa kia khi chung sống trong xóm, ông cha ta đã tiếp thu vì bổ dưỡng, rẻ tiền mà ngon”.

Do khác biệt vùng miền, người Quảng phân biệt mắm nêm khác mắm cái. Mắm cái làm từ con cá nục. Mắm nêm có thể làm từ mắm cá cơm và mắm không còn con cá, chỉ có nước và xác cá đã “nghéo” (nghếu?) tức là rục nát. Có nhiều cách làm mắm cái (từ cá nục) nhưng công thức chung là “ba muối, bảy mắm”, tức tỷ lệ 30% muối (hột, không iod) và 70% cá nục.

Tôi đồng ý với học giả Sơn Nam ở chỗ: người Việt yêu mắm cái của người Chăm. Đặc sản, ai mà không thích. Tây có biết bao thức ăn đẳng cấp. Họ lại thích phở Hà Nội hay cao lầu Hội An. Mắm cái vừa rẻ, vừa ngon, người Việt nào không thích. Theo Sơn Nam, mắm cái còn bổ dưỡng. Mắm cái từ con cá nục phải có thịt màu hồng thắm, mắm tươi, nghĩa là có thể ăn trọn, không bỏ bất cứ bộ phận nào. Xương cá mềm được nghiền nhỏ bởi hàm răng chắc khỏe của người Quảng Nam. Sữa Enlene bổ xương, một lon gần một triệu đồng,  chưa hẳn cung cấp lượng canxi đầy đủ bằng lượng canxi trong mỗi bữa ăn của người Quảng khi họ ăn mắm cái, hai hay ba lần trong bữa cơm mỗi ngày.

Người Quảng Nam không nhiều người béo tốt. Họ nhìn có vẻ gầy gò. Tôi không nói người Quảng Nam ở thành phố Đà Nẵng. Họ, tôi muốn nói, những người từng ăn mắm cái như là món ăn chính, có thể gọi là “chủ đạo”, theo ngôn ngữ ngày nay.

Người Việt có thể yêu thích món ăn mới, yêu mắm cái của người Chăm. Điều đó không lý giải người Việt bị ảnh hưởng bởi người Chăm.

Tôi tìm hiểu nghiên cứu của nhà ngôn ngữ học Mỹ, Andrea Hoa Pham. Giáo sư cho hay người Quảng có giọng “đặc biệt”, khác thường, do ảnh hưởng giọng nói của những người ở một vùng nào đó, thuộc tỉnh Thanh Hoá, nhóm người “mở cõi “ ở Đàng Trong thời chúa Nguyễn. Trong khi cây đa Trần Quốc Vượng nhận xét tiếng Quảng, giọng Quảng, ảnh hưởng bởi giọng Chăm. Tôi không là nhà ngôn ngữ, nhà nghiên cứu. Nhưng tôi suy luận, về văn hóa, trong đó có ngôn ngữ, kẻ chinh phục- người Việt, cụ thể là người Quảng, không thể bị nhiếp phục bởi người bị chinh phục- trừ trường hợp của người Mãn Thanh, bị nhiếp phục bởi người Hán, vì nền văn minh của họ không bằng người Hán.

Giọng Quảng ảnh hưởng bởi giọng Chàm: vô lý. Kẻ thắng không thể bị ảnh hưởng bởi người thua trừ trường hợp người thua có tầng văn hóa cao hơn. Tại sao người Việt có ngôn ngữ phát xuất từ chữ Hán trên 70 %? Bởi người Hán từng đô hộ người Việt gần 1000 năm.

Nhưng món mắm cái, một thời, người Quảng coi như “quốc hồn, quốc tuý “ lại là sản phẩm của người Chăm. Giao thoa ẩm thực nhạy bén, phổ cập, tiếp cận nhanh hơn giao thoa văn học. Dĩ thực vi tiên, mà.

Mắm cái đi vào cuộc sống người Quảng Nam như giọng nói hay tính cách. Nhiều người cho rằng giọng Quảng “nặng” vì vi mặn của mắm cái. Tôi từng ở quê và từng ăn mắm cái. Mắm cái ngày xưa xuất hiện ở vùng xa biển. Cá không ướp đá để đi được xa. Hấp cá để giữ chất không bảo quản lâu dài. Mắm là cá dự trữ dài lâu. Mắm là thức ăn dân dã, rẻ tiền, dễ vận chuyển; xóm làng xa xôi, cả vùng cao, mắm cái luôn có mặt.

Mắm cái là những con cá nục to bằng ngón tay giữa, có khi như ngón cái. Màu sắc con mắm đỏ au. Mắm có vị ngọt của cá, vị mặn của nước biển, mùi thơm của cá lên men. Mặn mà ngọt chính là đặc trưng của mắm cái. Mặn “ quắn”, tức mặn chát, mặn chúa, không phải là đặc trưng của mắm cái. Tại sao mắm cái lại…thơm? Mùi thơm của mắm cái không thể diễn tả. Chỉ có cảm nhận. Mà người Quảng mới có thể cảm nhận cũng như người Nhật cảm nhận mùi thơm của cá ngừ đại dương chấm mù tạt, mà đối với một số người các nước, cá sống mà thơm nỗi gì. Người Nhật cảm giác cá ngừ sống có mùi thơm không khác người Quảng có cảm giác mắm cái có mùi thơm.

Mùa đông giá buốt. Da trời lành lạnh; ngoài, mưa phùn lất phất. Giữa chén cơm nóng của những hạt gạo trắng đầu mùa là con mắm cái đỏ au. Hơi nóng chén cơm làm mùi thơm con mắm thoảng lên mùi thơm chan hòa, ngào ngạt. Vừa ăn cơm vừa cắn một miếng vào con mắm nục lấm tấm  trên mình ớt khô giã nhuyễn; bữa ăn với mắm cái trong cái đói réo rắt mùa đông, không có món nào mà sánh nổi: cơm với (mắm) cá. Không gì bằng con với mạ (má), không gì bằng cá với cơm.

Mắm cái đi theo cuộc sống của người Quảng Nam từ khi giao hòa với văn hóa người Chăm cho đến cuối thập niên 1970. Cá, thịt còn khan hiếm thì mắm cái giúp bữa ăn có thể nói là đầy đủ “đạm”, mắm cái, tức là mắm cá nục.

Những năm sau 1975, ở quê tôi, mắm cái hay mắm cá nục là món ăn “đẳng cấp”. Khi thiếu đói, cái gì cũng đẳng cấp. Một con mắm, có khi là nửa con, cũng giúp bữa ăn trở nên thấm thía.

Tôi có kỷ niệm về mắm cái. Có thời gian tôi về quê. Vợ sinh, mẹ tôi  “chuẩn bị” cho con dâu một hũ mắm cái Hội An, nổi tiếng ngon. Chẳng may, con heo thả rông của hàng xóm phát hiện mùi thơm của mắm. Nó ủi hũ mắm đổ ra và chõ mõm vào. May mắn là tôi phát hiện kịp, vội vã “cướp” lại tài sản. Mỗi bữa ăn trong những ngày tiến nhanh, tiến mạnh lên “chủ nghĩa xã hội “, con mắm cái kho rắc hạt tiêu để…quẹt là thực đơn chính, dinh dưỡng, ngon miệng cho phụ nữ nông thôn vừa mới sinh con. Tôi cũng lợi dụng vợ đẻ để “quèo quẹt” của vợ chút mắm cái kho tiêu. Khi mắm gần cạn, tôi phát hiện dưới đáy hũ là một lớp đất bùn. Hỡi ôi, trong hoàn cảnh đói khổ do hợp tác, vợ tôi, con tôi (qua sữa mẹ), tôi, và con heo hàng xóm, tất cả cùng ăn chung một món: mắm cái.

Ngày nay, mắm cái (tôi nhấn mạnh: mắm cá nục) dường như mất dạng. Cuộc sống nâng cao. Mùi  mắm cái không còn thơm nữa. Có khi hôi là đằng khác. Mắm cái của người Chăm trong bữa ăn người Quảng Nam trở thành kỷ niệm. Mắm cái được nhà văn Sơn Nam nhắc tới chỉ còn trong sách vở. Mắm cái trở nên xa lạ. Món ăn “quốc hồn, quốc túy” một thời của người dân Quảng, nay còn đâu!

CHIẾC ÁO ẤM LEN.

Mưa trên phố Huế có bài hát nhưng mưa trên phố Hội thì không. Hội An có nhiều thi sĩ hơn nhạc sĩ. Thơ về thành phố cổ này nhiều nhưng nhạc thì không thấy bài nào hay nói về mưa Hội An, tôi muốn nói mưa phùn.

Mưa đẹp nhất phải là mưa phùn, kèm gió bấc (hay bắc?) ắt đẹp hơn nữa. Mưa như mưa dầm, mưa bão, mưa lụt…ngày này qua ngày khác, tuần này (có khi) qua tuần khác, mưa như thế buồn chết đi được.

Mưa phùn lất phất không làm ướt áo len, hay áo măng tô, hay pạc-đờ-xuy…những loại áo ấm thường thấy ở Hội An thời tôi còn đi học thập niên 1960.

Y phục đôi khi làm lộ sự xuất thân: giàu nghèo, sang hèn, quý phái, dân dã. Ở các cô cậu học sinh, sự phân biệt ấy không có, hay có mà không nhiều. Ở Hội An thời xưa không thấy xã hội phân chia ‘giai cấp’ qua y phục.

Mưa như sương rớt, những hạt nhỏ li ti, kèm theo giá lạnh mùa đông, hạt mưa trở nên dễ thương, hiền lành. Hạt mưa rơi trên tóc ai. Hạt mưa rơi trên má ai. Hạt mưa như trêu cợt những thiếu nữ xuân thì, chân nhè nhẹ bước, áo dài bay bay, bên trên là chiếc áo len cổ tròn, màu đỏ, màu hường, màu vàng…có chiếc đan len kim tuyến lung linh.

Bước đi thư thả của các nữ sinh đến trường làm mấy chàng đi sau bỗng thấy tương tư bời bời trong dạ. Bài hát “em tan trường về” không chỉ mỗi tên là Ngọ. Nào Lan, nào Hồng, nào Thúy, nào Đào, nào Mai…Mỗi cô mỗi sắc trong những chiếc áo ấm không che hết cơ thể rào rạt xuân thì. Mưa làm ướt áo không phải là mưa phùn.

Trong không gian trầm lặng của một thành phố cổ trầm tư, mưa phùn lất phất, từng chập từ trên không rơi xuống, bóng người “trong mộng” đi như “mờ mờ hơi sương”, không phải để “vấn đầu soi gương” mà là để đến ngôi trường yêu thương.

Đố một chàng trai nào ở Hội An không để ý một cô gái nào mặc áo ấm mùa đông, mùa mưa phùn gió bấc, mùa của những hạt nước bay bay li ti trong giá lạnh gần xuân. Áo len đan giản dị ôm trọn cơ thể người mặc, thường là một màu, không xen kẽ trang trí nhiều hoa văn như các loại áo len đời nay. Mặc áo len giữ ấm. Mặc áo len không phải để khoe sắc. Do đó, áo len luôn giản dị, nhu hòa, và gọn ghẽ: áo len học trò.

Mùa hè, mùa thu, các cô chỉ mặc toàn là áo dài màu trắng. Thanh thoát và dịu dàng. Nhưng chỉ mùa đông, các nàng mới có chút ‘điệu đàn’ nhờ màu sắc của những chiếc áo len. “Người đẹp nhờ lụa, lúa tốt nhờ phân”. Đố cô nào đẹp mà không mặc … áo quần.

Càng đẹp hơn khi tan trường, chàng nào có duyên tiền định, được cô bạn thân  nhờ “cầm giúp chiếc áo len màu tím” khi trời không còn lạnh. Có câu thơ nào, có đoạn văn nào, diễn đạt hết nỗi lòng rộn rã của một chàng trai, vừa ôm giúp áo, vừa nghĩ ngợi lung tung “thương nhau cởi áo cho nhau” không? Thưa các bạn, tôi là người may mắn đó.

Nhưng thói đời “có mới nới cũ “. Hay: “ Bao giờ quen thuộc cũng khinh khi” (Xuân Diệu). Một ngày khác, một bạn khác, chứ không phải tôi, được “người đẹp” nhờ cầm giúp áo ấm len màu tím, nàng cởi ra vì nóng lúc tan trường vào trưa.

Không vì mất lòng tin mà tôi không còn yêu những chiếc áo len màu khi nhớ về mỗi mùa đông “mưa phùn lất phất” thuở còn đi học. Hội An đẹp biết bao với những chiếc áo ấm len nhiều màu, lấm tấm những hạt mưa phùn cuối đông.

Ngày nay, thi thoảng tôi có về thăm thành phố “di sản” này vào mùa giáp Tết. Nhưng thật thất vọng, những chiếc áo len màu ngày xưa không còn nữa trên các con phố lất phất mưa khi vắng khách thăm thú, vãng lai. Con hẻm cuối đường Nhị Trưng (nay là Hai Bà Trưng), con hẻm đẹp nhất; nó chứa trong tôi biết bao là kỷ niệm thời niên thiếu. Kỷ niệm của những lần, “anh theo Ngọ về, tóc dài lặng lẽ” đường đi.

Nhưng biết đâu, không tìm thấy những chiếc áo len màu mùa đông, tôi lại càng yêu mến Hội An hơn. Ai mà không yêu tuổi hoa niên kia chứ. Càng yêu tuổi hoa niên, tôi càng yêu chiếc áo ấm len màu tím năm nào.

Tuesday, March 5, 2024

CÂY GẠO HÀ NHA (*)

Hà Nha là tên gọi cũ của một ngôi làng nằm trong huyện Đại Lộc, thuộc tỉnh Quảng Nam.  Quê tôi có nhiều ngôi làng bắt đầu bằng chữ Hà rất dễ nghe. Hà Tân, Hà Thanh, Hà Dục Đông, Hà Dục Tây, Ha Vi…Hà có lẽ là sông. Những làng quê ấy đều có con sông Vu Gia chảy qua. Tổ tiên chúng ta ngày xưa lập làng gần sông để dễ dàng đi lại và vận chuyển chăng? “Nhất cận thị, nhị cận giang” (nhất gần chợ, nhì gần sông).

Khi đặt một địa danh, ông bà chúng ta cân nhắc rất kỹ: Tên phải hay và vừa ý nghĩa; gọi lên còn nghe êm ái như tên một người thân yêu, ruột thịt.  Có như thế, khi đi xa người ta mới canh cánh bên mình một quê hương.

Hà Nha không phải là nơi tôi chôn nhau cắt rốn. Hà Nha nằm trên con đường về nơi tôi sinh ra. Nhưng nơi này gây cho tôi ấn tượng.

Có hai  cái ai cũng để ý khi đi qua nơi này: Cầu và cây gạo Ha Nha. Không biết bao nhiêu người qua đây dừng lại để ngắm cảnh và chụp hình. Một cây cầu dài vắt qua một con sông rộng. Đứng trên chỗ cao nhất giữa cây cầu, quý vị sẽ thấy dòng sông như dang tay ra hai bên bờ sông rộng, muốn đón lấy những “nà” (cánh đồng) bắp vừa trổ cờ, thân bắp xanh hết chỗ. Nếu là ngày đẹp trời, trên cao sẽ có những dải mây trắng không muốn bay đi. Làn gió trên sông thổi mát. Cái không khí lành lạnh khác rất xa cái lành lạnh phát ra từ một máy điều hòa. “Gió mùa hè trên cầu phơ phất tóc ai bay”.

Nhưng cây cầu đẹp sẽ giảm đi ý nghĩa nếu chúng ta dừng lại chụp hình mà không nhìn, chếch về phía Tây Nam, một cây gạo xa xa, nhưng cảm giác rất gần vì nó khá to. Nếu đo luôn những dè đóng quanh gốc, bề vòng có thể là  sáu bảy mét.

Giống như đào hay mai, gạo chỉ ra bông mỗi năm một lần. Chẳng cần rứt lá hay bón phân, gạo nở hoa rực rỡ, mạnh mẽ, không cần chớm nụ. Hoa phủ cả thân cây như một chùm pháo hoa bắn lúc cao trào: Đỏ rực. Người ta nói hoa gạo đỏ một góc trời là nói đúng đó. Khi gạo ra hoa, lá dường như biến mất. Cành nhánh tới đâu hoa bung tới đó. Khác với hầu hết các loại hoa, hoa gạo khi rụng vẫn còn tươi nhanh như chưa rụng. Không có vẻ gì là héo hắt khiến hoa phải lìa cành. Hoa rụng khẳng khái, dứt khoát, không hối tiếc. Hoa gạo lìa cành khi màu đỏ vẫn tươi để chứng tỏ cho con người thấy, hoa luôn giữ mình son sắt.

Cây gạo cao như một ông già sống lâu trăm tuổi. Thân mình xù xì đầy gai góc. Những chiếc rễ to như thân người có chỗ trồi lên mặt đất. Cây gạo cổ thụ chẳng vì tuổi tác mà không đem lại hoa thắm đỏ cho cuộc đời.

Hầu hết các loại hoa quý như mai hay đào đều ra hoa vào đầu xuân. Gạo thì không 'bộp chộp' như thế. Hết tháng Giêng “ăn chơi”, gạo mới chịu ra hoa. Người ta ngắm hoa đào chứ ít ai xem hoa gạo. Chỉ những người có làng quê thì mới có dịp nhìn gạo ra hoa. Hoa gạo do đó rất khiêm nhường. Gạo chỉ còn và chỉ ra hoa ở những làng quê xa lắc xa lơ.

Rất nhiều bài thơ ca ngợi hoa gạo mà ít khi để ý tới thân cây. Các thi nhân còn đặt hẳn cho gạo một cái tên sang trọng: Mộc Miên. Có một thi sĩ người Quảng Nam viết về mộc miên:

"Rất điệu đàng

Như làn môi con gái

vô tình bay

Giữa cây cỏ xanh non

Nhớ ơi cố lý-

bây giờ xa ngái

Nhớ Tháng Ba

họa gạo rụng ven đường

(…)

(Nhớ là cái gì-

mà sao lại nhớ

Nhớ ai-

nhớ quay nhớ quắt

suốt một đời

Hoa gạo đỏ-

nụ hôn thầm bữa đó

Người đi rồi

sao nhớ chẳng đi theo!)

Con sông quê

đã buồn bã đổi dòng

Cây gạo cũ chơ vơ

bên phố mới

Ở phương xa

chắc gì em còn nhớ

Tháng Ba về

hoa gạo đỏ rưng rưng… (**)

Tôi không nói sai. Hoa gạo đi vào thơ ca không chỉ “điệu đàng” “như làn môi con gái” hay “Hoa gạo đỏ- nụ hôn thầm bữa đó”.

Hoa gạo đi vào văn học vì nó còn là biểu tượng của một quê hương.

Có thể nhiều người chưa biết cây gạo. Họ biết nó qua thi ca. Nhưng chúng tôi, những người con vùng thôn quê, cây gạo là dấu ấn, in vào tâm thức rất sâu khi chúng tôi còn nhỏ. Ít ai đặt tên cho một loài cây tầm thường. Nhưng gạo lại có tên ghép với tên làng. Quê tôi, có những tên như: cây gạo Hà Tân, cây gạo Trúc Hà, và đây là cây gạo Hà Nha. Còn rất nhiều cây gạo khác chỉ còn trong ký ức cây gạo ông Tuân, cây gạo Nà Sằm, cây gạo Non Tiên, cây gạo Đoài Sơn…

Gạo gần như không phải là loại gỗ gia dụng. Gạo có tán lá rất to nên chiếm rất nhiều diện tích. Nhưng tại sao người ta vẫn trồng gạo?

Những cây gạo của làng. Đời này sang đời khác, có những cây gạo có tuổi đời bằng năm ba thế hệ; có khi hơn. Gạo cho trái có bông, gọi là bông gạo như bông gòn. Bông gạo lấy từ trái có màu trắng nõn như tuyết. Bông gạo thường dùng độn vào gối nằm rất êm; hoặc làm tim đèn dầu, tim hộp quẹt.

Có lẽ vì tuổi thọ cao – không biết là mấy trăm năm- ông bà chúng tôi trồng nó để có một cái biểu tượng của làng quê mình sinh sống. Cây gạo càng to lòng tin vào sự linh thiêng càng mạnh. Khi được cho là linh thiêng, cây gạo lại có thể sống rất lâu đời.

Khi đi đâu xa về, ngày xưa toàn là đi bộ, ông bà chúng tôi sẽ thấy gần đến nhà, nếu xa xa, cây gạo đầu làng hiện ra. Tôi không hiểu tại sao gạo lại thường trồng ở đầu làng. Mỗi làng đều có cây gạo cổ thụ. Có khi nhiều cây là đằng khác. Nhưng chắc chắn có một cây to nhất và “linh thiêng” nhất. Bên gốc sẽ có một hai bát nhang. Chân nhang luôn thấy mới.

Cây gạo là nơi làm tổ của các loài chim, nhất là chim cưỡng – loài chim bay rất xa và làm tổ rất cao. Loài chim thật thà (“Uổng công cà cưỡng tha mồi. Nuôi con tu hú lớn rồi bay đi”). Trên những cây gạo vươn lên trời cao sẽ có tiếng chim cưỡng kêu vang mỗi ngày. Buổi sáng và mùa hè tiếng chim kêu rất nhiều. Và luôn luôn rộn rã.

Từ dưới đất nhìn lên cao, gạo có rất nhiều tổ chim. “Thánh địa” an toàn. Không ai trèo lên gạo vì thân cành chúng đều có gai nhọn phủ đầy. Đất lành chim đậu. Ở đây là cây lành chim đậu.

Có một thế giới của những sinh vật xem bầu trời là nhà, không gian là chỗ bay, cành cây gạo là nơi trú nắng trú mưa, nơi sinh con đẻ cái. Vì vậy, tổ tiên chúng tôi từ Thanh Hóa, Nghệ An vào lập nghiệp đã nghĩ đến việc trồng cây gạo? Cây gạo đi vào đời sống tinh thần của người nông thôn. Nghe tiếng chim kêu trên cành; nhìn cánh chim bay vào ra; xem hoa gạo nở đỏ giữa mùa xuân; từ xa trông thấy cây gạo là thấy “về nhà”; cây gạo không là đời sống tinh thần của người thôn quê nghèo thời xưa? Vì lý do đó mà làng nào cũng trồng cây gạo?

Khi con người bị cái ăn đè nặng, họ trở nên cộc cằn và thô bạo. Cái ăn ám ảnh. Những năm chấm dứt chiến tranh, cái ăn còn ám ảnh hơn. Người ta chẳng ai quan tâm tới những cây gạo già "vô tích sự". Những cây gạo có tàn lá to lại choáng đất. Đất cần cho sản xuất. Người ta cắt bỏ những cây gạo, có những cây tuổi thọ hằng mấy trăm năm để lấy gỗ làm ván đóng hòm cho người chết. Thời ấy, cây gỗ đâu ai vào rừng khai thác. Trên các cánh đồng, người nông dân mãi vật lộn với cái ăn.

Trong chiến tranh, số phận cây gạo cũng không khác con người. Bom đạn làm chết người. Cây gạo cũng thành nạn nhân. Có tán lá to tạo bóng mát, đồng thời gạo cũng là chỗ trú ẩn của du kích. Hoặc dùng dây leo lên cao quan sát sự dịch chuyển của đối phương, gạo trở thành mục tiêu của bom, cả mìn đặt dưới gốc, nếu bom không đánh gãy được cây gạo mấy người ôm. Sau chiến tranh, người ta phát hiện có xác người chôn bên gốc gạo; gạo bị giết chết thì người còn sống sao?

Cây gạo sống cùng người dân quê, như tôi biết, đời này sang đời khác, tôi muốn nói đời người, nay còn lại được bao nhiêu, ở một vùng quê có thể nói chiến tranh ác liệt nhất của tỉnh Quảng Nam.

Do đó, mỗi lần về quê, thấy một hay hai cây gạo còn sót, lòng tôi bồi hồi khôn tả. Cây gạo đầu làng tôi không còn. Nhưng cây gạo ở làng khác làm tôi cảm thấy bớt trơ vơ. Đầu tháng ba (như tả trong bài thơ) là thời gian hoa gạo nở hoa, sáng cả một góc trời. Khung trời kỷ niệm.

Cây gạo Hà Nha ở xa làng tôi cả chục cây số đường chim bay. Nhưng nhìn thấy nó, nhất là mùa nó ra hoa, tôi như nhìn thấy làng tôi từ thuở chưa có chiến tranh. Cây gạo nhắc tôi nhớ đến thời gian yên bình. Con chim trên cành không sợ ná. Chim không trở thành món nhậu. Cây gạo là giá trị tinh thần của dân làng tôi không biết là mấy trăm năm về trước. Cây gạo xưa hiện về nhờ tôi thấy cây gạo Hà Nha.

Khi gạo ra hoa đỏ rực, người ta nhớ đến thi ca. Người ta đến đó để chụp ảnh với áo quần thật đẹp. Còn tôi, tôi nhớ về quá khứ. Thấy nó tôi như thấy quê hương.

Ước chi cây gạo cổ thụ đẹp nhất ở vùng quê chúng tôi vẫn trường tồn cùng năm tháng. Người ta có cuộc sống khá hơn xưa. Tại sao cây gạo cổ thụ này không được mọi người quý mến. Ở châu Âu, tôi thấy cây sồi. Cây sồi có nhiều huyền thoại. Đối với tôi, cây gạo còn huyền thoại hơn cây sồi. Nước tôi có cây gạo. Nước tôi không có cây sồi. Cây gạo Hà Nha - ước chi là mãi mãi.

(*) Thật ra cây gạo này nằm trên địa phận Ngọc Kinh nhưng tôi gọi nó bằng cái tên Hà Nha. Đứng trên cầu Ha Nha, cây gạo nhìn mới đẹp rực rỡ.

(**) Nhớ Tháng Ba Hoa Gạo thơ của Nguyễn Văn Gia đăng trên một tờ báo ở Hoa Kỳ.

Vài hình ảnh về cây gạo cổ thụ của Nguyễn Ngọc Vinh.

Friday, March 1, 2024

GA TÀU THỦY

Cái tên gọi dậy sóng; không hẳn nó sai văn phạm hay sai ý nghĩa. Nếu có ga hàng không thì tại sao không có ga hàng hải (có tàu thủy)? Ga xuất xứ từ gare tiếng Pháp. Người Pháp xâm lược nhưng có người Pháp chúng ta mới có đường xe lửa xuyên Việt. Ga do đó rất thân thương. Ga (Gare) là chỗ dừng và đi của tàu lửa. Chỗ diễn ra trùng phùng và chia tay. Người ta “nổi lửa” với mấy chữ Ga Tàu Thủy, một phần vì không ai gọi như vậy, nhưng phần chìm, chính là phân biệt Nam-Bắc. Bực dọc từ lâu cho cái chuyện Tân Sơn Nhứt thành Tân Sơn Nhất.

Vì sao lòng người Nam-Bắc không thống nhất dù đất nước thống nhất gần nửa thế kỷ nay? Vì trước đây, miền Nam không theo cộng sản; miền Bắc thì ao ước “thế giới đại đồng”. Chiến tranh.

Bây giờ mà nói Nam-Bắc “phân tranh”, không khéo người nói sẽ sa vào tội “gây chia rẽ dân tộc”. Nam-Bắc phân làm hai không hẳn do chiến tranh Trịnh-Nguyễn. Thời Pháp thuộc, thực dân rất am hiểu nội tình. Họ khôn ngoan khi chia Việt Nam thành ba kỳ: Bắc kỳ, Trung kỳ, và Nam kỳ. Mỗi kỳ có một chế độ chính trị riêng. Chia để trị. Thời 1954-1975, ba kỳ dồn thành hai: Nam kỳ và Bắc kỳ, phân chia ở vĩ tuyến 17, bởi sông Hiền Lương (một sông Gianh thời Trịnh Nguyễn).

Sau tháng 7, 1954, Bắc (kỳ) vẫn còn là anh em với Nam (kỳ). Gần một triệu người bỏ nhà cửa, ruộng vườn, dòng tộc, mồ mả cha ông, gồng gánh vào Nam (kỳ). Một cuộc chia ly chưa từng có trong lịch sử lập quốc và giữ nước của dân tộc Việt. Lý do, ai ai cũng biết: Trốn chạy cộng sản. Cộng sản là lý tưởng. Không còn bóc lột. Không còn giai cấp. Mọi người bình đẳng. Có những cuộc “san bằng” giai cấp: Đấu tố địa chủ, phú nông- giai cấp bóc lột.

Vì sao người dân Việt Nam, hàng triệu người,  một lòng từng đứng dưới  ngọn cờ dân tộc, Hồ Chí Minh giương cao, lại trốn chạy thể chế cộng sản? Một thể chế mà cả cuộc đời của ông, không vợ, không con, hy sinh cả tuổi thanh xuân để phấn đấu nhằm mang lại cho dân tộc Việt Nam,  bị dày xéo dưới gót giày thực dân Pháp, một cuộc sống ấm no, độc lập, tự do và hạnh phúc.

Những người miền Bắc di cư vào Nam không hề mê muội. Không hề nghe theo luận điệu “Chúa đã vào Nam”.  Họ rất tự do: Không ai ép họ bỏ quê hương miền Bắc thân yêu để vào một nơi xa lạ miền Nam. Họ rất sáng suốt. Họ sáng suốt quyết định vì họ quý trọng tự do, hơn mạng sống.

Những người Bắc di cư được người Nam đón nhận, chan hòa. Không hề phân biệt Nam-Bắc. Họ thương đồng bào mình- những người trốn chạy cộng sản, trốn chạy độc tài. Người Bắc nắm giữ những chức vụ quan trọng trong chế độ VNCH ở miền Nam.

Không hẳn họ là những người theo đạo công giáo. Họ thuộc thành phần trí thức. Hầu như nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, kỹ sư, bác sĩ và thành phần trí thức khác đều có gốc Bắc kỳ. Họ nổi trội. Đó là sự thật. Nếu thống kê nguồn gốc xuất thân, người gốc Bắc, trong đó đa phần là người di cư- đều nằm trong hàng ngũ hay tầng lớp ưu việt sinh sống ở miền Nam sau 1954.

Nhiều nhóm dân cư “Bắc kỳ” đóng góp rất nhiều trong sự phát triển của miền Nam, không phải chỉ có tầng lớp trí thức. Không có sự phân biệt Nam-Bắc trong thời kỳ VNCH (đệ nhất cũng như đệ nhị). Vì sao? Người Nam là người Bắc. Người Nam không thể là người Chiêm Thành, người Chân Lạp. Dù hai dân tộc này đóng góp vào sự phát triển của người miền Nam.

“Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ

Này cô em tóc demi garcon,

Chiều hôm nay xuống đường đón gió,

Cô có tình cờ,

Nhìn thấy anh không?

Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ

Này cô em có nụ cười ngây thơ

Thành khi không quãng đường im gió,

Không gió lấy gì lang thang,

Cô có thương thầm anh không?

Nếu coi những người Bắc vào Nam sau 1975 như người Bắc vào sau 1954, thì sẽ không có tình tự yêu thương như những câu hát Phạm Duy phổ từ thơ của một thi sĩ miền Nam.

Vì sao? Cô Bắc kỳ nho nhỏ này không phải là đoàn viên thanh niên CS HCM. Nếu cô là đảng viên, đố ông nội thi sĩ, đố ông ngoại nhạc sĩ nào dám giỡn mặt.

Ý thức hệ cộng sản và không cộng sản chia rẽ dân tộc Việt Nam. Đó là một bi kịch lịch sử của đất nước.

Trở lại câu chuyện ban đầu: Ga tàu thủy (Bạch Đằng). Hầu như mọi người đều cho, cái tên này không do người Sài Gòn đặt. Ở Sài Gòn, từ nhỏ chí lớn, từ trẻ tới già, từ bình dân đến trí thức, không ai gọi ga (Bạch Đằng). Họ gọi là bến. Bến Bạch Đằng.

Như tôi nói ở đầu bài, ga tàu thủy cũng không khác ga hàng không. Ga là gare trong tiếng Pháp. Ga xe lửa hay ga tàu lửa (sau này). Tàu lửa, tàu bay, tàu thủy có ga được không? Tại sao tàu lửa, tàu bay có ga mà tàu thủy lại không? Bất công đấy chứ. Ngôn ngữ do con người chế ra mà.

Nhưng trong chỗ thầm kín, người miền Nam- thực ra là người Sài Gòn- không thích hay không chấp nhận những cái họ cho là bị “áp đặt”. Tại sao không gọi là giao lộ (như ngã tư) mà gọi là nút giao? Tại sao không gọi bùng binh hay vòng xoay mà gọi là vòng xuyến? Có thể người đặt những danh xưng đó có thẩm quyền: đặt theo suy nghĩ của họ. Nếu người có thẩm quyền ấy không phải là người Nam, người Sài Gòn, thì nút giao, vòng xuyến là thể tất. Nhưng cách đặt tên ấy rất “trái tai “ người Sài Gòn.

Bao đời nay, người dân Sài Gòn không quen với những cái tên ấy. Phản ứng của họ có thể hiểu được. Bên “Thắng cuộc” muốn đặt sao tùy ý. Nhưng bên “thắng cuộc” thì nghĩ từ ngữ quen thuộc với họ là OK?

Tôi gây ra chia rẽ vùng miền ư? Không. Trong sâu thẳm, người miền Nam (đa phần) vẫn nghĩ người miền Bắc là “kẻ chiến thắng”. Mặc cảm “kẻ thua cuộc” vẫn còn- đó là sự thật. Chỉ một tên gọi thôi cũng dấy lên trong lòng người “thua cuộc” mặc cảm ấy. Có thể nhiều người cho tôi giàu tưởng tượng. Không đâu. Đó là sự thật.

Phân chia Nam-bắc hay Trung kỳ- Bắc kỳ- Nam kỳ không phải chỉ có trong tư tưởng của bọn thực dân. Nó có trong tư tưởng của những người lãnh đạo cộng sản- không phải bây giờ mà là thời xửa thời xưa.

Tôn Đức Thắng là nhà lãnh đạo kiệt xuất sau Hồ Chí Minh? Không. Tôi tìm hiểu và thấy ông cũng “thường thường bậc trung” nếu so với Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng hay Võ Nguyên Giáp.

Tại sao cụ Hồ giao ông chức vụ phó chủ tịch nước, chỉ sau cụ Hồ Chí Minh? Không phải Tôn Đức Thắng là nhà cách mạng kỳ cựu mà vì ông là người miền Nam lớn tuổi.

Phân chia Nam, Bắc, Trung thấy rất rõ trong cơ cấu guồng máy chính phủ. Không lúc nào, những chức vụ quan trọng trong đảng, trong chính phủ không “chia đều” cho ba “kỳ”. Chẳng lẽ, ba kỳ đều có những người thông tuệ như nhau? Hoặc Bắc, hoặc Trung, hoặc Nam. Thành phần ưu tú nhất VN lại ở đều ba vùng hay sao?

Phân chia như thế, những vị cầm giữ vận mệnh đất nước này thấy ra, có khác biệt thật sự trong ba miền, mà thật ra, khác biệt ấy rất rõ trong hai miền Nam-Bắc.

Có sự phân chia “trí tuệ” đồng đều giữa người của hai miền Nam-Bắc? Tôi cho là không.

Khi có dịp vào những nơi trọng yếu như cơ quan công an, viện kiểm sát, hải quan, sân bay... ở một số nơi, nhất là Sài Gòn, tôi thấy người nói giọng Bắc nhiều hơn người nói giọng Nam. Cũng phải thôi. Trước đây, sau 1954, những người nắm trọng trách trong guồng máy chính phủ ở miền Nam, hai phần ba, hay hơn phân nửa, là người miền Bắc.

Lịch sử tạo ra sự chênh lệch văn minh, văn hóa. Những người xuất xứ từ Thăng Long chắc chắn sẽ vượt trội hơn những người vùng khác, kể cả Thanh Hóa, Nghệ An- đất vua chúa, đất học. Thăng Long như cửa nước. Nó thu hút những con cá lớn về đó. Huế cũng thế. Nếu là thủ đô 1000 năm tuổi, chắc gì Hà Nội qua mặt nó. Sài Gòn cũng vậy. Nó là cửa ngõ thu hút nhân tài dù sự hình thành của nó chỉ là “đàn em” của Hà Nội, Huế.

Sự giao thoa văn hóa bắt đầu từ sự giao thoa chính trị. Những người tỵ nạn cộng sản- Bắc kỳ- được chào đón ở Nam kỳ. Nam kỳ và Bắc kỳ “di cư” thương nhau vì lý tưởng Tự Do.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, có tình thương nào giữa người Bắc và người Nam? Không. Người miền Nam có cảm giác bị người miền Bắc đánh ngã. Người miền Bắc mang sứ mệnh giải phóng người miền Nam. Nhưng, nói cho thật thà, người nghèo giải phóng người giàu? Người đói giải phóng người no? Người sống ràng buộc giải phóng người phóng khoáng? Có ai dám đả đảo chính phủ của mình như người miền Nam? Ai đả đảo chính phủ miền Bắc mà không khỏi vô tù?

Người miền Nam có cảm giác “thất thế”. “Thế” mà người Mỹ giương ra để bảo vệ miền Nam không cộng sản chấm hết. Mỹ qua VN để ngăn chặn Trung Cộng. Nay Mao bắt tay với Nixon. Miền Nam đâu có là “nghĩa địa” gì với chính quyền Mỹ. Mỹ bỏ rơi người miền Nam là hiểu được; tính cách của mấy chú Sam rất thực dụng.

So với sự phát triển kinh tế, những năm chiến tranh, miền nào hơn miền nào? Câu trả lời rất dễ. Ai ai cũng hiểu.

Hàng triệu người vượt biên, hàng trăm người bỏ mạng, nơi biển cả, giữa rừng sâu. Nỗi đau mất nhà, mất đất, mất tài sản, mất quyền sống, mất quyền công dân vẫn còn hằn sâu trong những gia đình có người sống dưới hai nền cộng hòa. Đó là sự thật. Đó là cái nhà đương cục, nay cũng như mai, cần để ý. Do hoàn cảnh lịch sử, bên nào cũng không nhìn bên nào như sự thực vốn có. Nam “quốc gia” nhìn Bắc “cộng sản” như hiểm họa dân tộc. Bắc (thắng cuộc) coi Nam (thua cuộc) như tay sai bán nước.

Ông Võ Văn Kiệt vì sao hiểu thấu và cảm thông VNCH? Vì gia đình ông bị đối phương giết chết vợ và các con. Chiến tranh gây tổn thất. Sau chiến tranh, người cộng sản này không lấy sự thù hận làm cách xử thế. Ông lấy tình thương đồng loại mà đối đãi với nhau: "Chiến thắng 1975 làm hàng triệu người vui; nhưng nó cũng làm hàng triệu người buồn”. Ai buồn, nếu đó không phải là người miền Nam?

Chiến tranh Việt Nam vẫn còn là một vết thương chưa lành. Tôi thành thật nhận xét. Mọi sự có thể gây hiểu nhầm đều nên hết sức tránh. Chữ “Ga tàu Bạch Đằng” có thể gây thêm một “Bạch Đằng giang" nữa. Vì sao? Vì Nam-Bắc chưa thật tâm hiểu nhau. Do đó, Nam-Bắc chưa thương nhau.

Hãy trân trọng tình cảm của nhau. Không ai thắng ai thua. Chiến tranh là điều bất hạnh cho dân tộc. Chia rẽ mới là sự thất bại. Chia rẽ mới là kẻ thù. Dẫu đó là chia rẽ rất nhỏ, trong cách gọi "Bến tàu thủy Bạch Đằng" hay "Ga tàu thủy bạch Đằng".