Saturday, February 3, 2024

KHỦNG HOẢNG CORONA CHỨNG TỎ THẤT BẠI CỦA GUỒNG MÁY ĐIỀU HÀNH TRUNG QUỐC

Chuyện lạ nhưng rất quen.

Trông người mà ngẫm đến ta. Bài dài nhưng nên đọc.

(Coronavirus Crisis Shows China’s Governance Failure)

Một khi đảng Cộng sản thắt chặt kiểm soát, nhiều quan chức lo lấy lòng cấp trên hơn là lo cho dân. (As the Communist Party cements control, more officials worry about pleasing their bosses than taking care of the people).

Thị trưởng Vũ Hán đổ lỗi cho cấp trên. Quan chức kiểm soát dịch bệnh cấp cao đổ lỗi cho cơ chế hành chánh. Chuyên gia hàng đầu của chính phủ đổ lỗi cho quần chúng, ông tuyên bố, người dân đơn giản chẳng hiểu ý ông.

Trong khi TQ đối phó với sự bùng phát vi rut Corona chưa lường hết, giết chết 490 người, hàng chục ngàn người nhiễm bệnh, 1,4 tỷ dân chúng tự hỏi không biết chuyện gì đang xảy ra. Các quan chức cấp cao lại sa vào việc thẳng thừng đùn đẩy trách nhiệm thật bất thường.

Nhiều quan chức chối bỏ trách nhiệm khiến trên mạng có người giễu cợt họ đang đá bóng về chân người khác (người Hoa thường gọi “gắp lửa bỏ tay người”, “tossing the wok”)

Người dân hiếm có cái nhìn cho rõ hệ thống hành chính khổng lồ thiếu minh bạch của Trung Quốc vận hành thế nào – cũng như chẳng hiểu nó hỏng hóc ra sao. Rất nhiều quan chức trở thành hàng ngũ lãnh đạo chính trị (political apparatchiks), sợ hãi khi quyết định những gì làm nổi giận cấp trên, dễ bị mất chức, nhưng lại quan liêu với dân, không chịu chấp nhận sai lầm, học hỏi quần chúng.

Xu Kaizhen, một tác giả có sách bán chạy nhất - best seller, nổi tiếng với các tác phẩm phơi bày hệ thống rối rắm về nền chính trị, hành chính của Trung Quốc, có nhận xét: “Vấn đề quan trọng nhất sự bùng phát dịch bệnh phơi ra là chính quyền địa phương thiếu vắng hành động và e ngại hành động”.

“Trong hoàn cảnh bị áp lực nặng nề vì chiến dịch chống tham nhũng, hầu hết mọi người, kể cả các quan chức cấp cao của chính quyền, chỉ quan tâm cho bản thân được trụ vững”, ông Xu tiếp: “Họ không muốn mình là người đầu tiên cất lên tiếng nói. Họ trông chờ cấp trên quyết định và chỉ chịu trách nhiệm với cấp trên thay vì với nhân dân”. Chính quyền trung ương có vẻ nhìn ra vấn đề. Lãnh tụ Đảng Cộng sản nhìn nhận, trong một cuộc họp hôm thứ hai, rằng “đại dịch là một phép thử quan trọng trắc nghiệm hệ thống cũng như năng lực quản lý của Trung Quốc”.

Ngày càng nhiều người dân thắc mắc các quyết định của chính quyền khi Trung Quốc đang đi vào một giai đoạn phong tỏa thực sự. Lúc vi rút mới phát tán, các quan chức ở Vũ Hán và trên khắp nước, ngăn chặn thông tin phê phán, hạ thấp nguy cơ đe dọa, khiển trách các bác sĩ cố gắng đưa ra cảnh báo. Theo sơ đồ tái tạo sự lây lan dịch bệnh do The New York Times đưa ra, không công bố cảnh báo sớm, chính quyền TQ rõ ràng đã đánh mất cơ hội ngăn chặn bệnh trở thành đại dịch.

Sự bùng phát dịch bệnh đánh tan một huyền thoại rằng giới chóp bu chính trị Trung Quốc được giao trọng trách và thăng tiến hoàn toàn dựa vào thành tích. Trung Quốc quảng bá hệ thống chính trị ấy như là phát minh độc đáo của họ. Các nước đang phát triển gởi hàng ngàn quan chức chính phủ đến Trung Quốc để học tập mô hình quản lý, một hệ thống chính trị đem lại sự ổn định và tăng trưởng với điều kiện tuân thủ nguyên tắc toàn trị.

Nhân dân Trung Quốc bây giờ đang nghi vấn mô hình đó. Họ trút nhiều tức giận của mình vào Tập Cận Bình, lãnh tụ đảng, một nhân vật mà nhiều người quy trách đã tạo ra một văn hóa sợ hãi và quỵ lụy (culture of fear and subservience) trong chính quyền trung ương.

Không ai dám chất vấn công khai họ Tập vì lo sợ bị kiểm soát hay đối mặt với công an. Nhưng khi ông Tập không còn xuất hiện công khai mấy ngày gần đây, một số người sử dụng mạng bắt đầu thắc mắc với giọng điệu bỡn cợt “Nhân vật đó đang ở đâu?”. Họ cũng đăng lên mạng rồi chia sẻ hình ảnh những vị cựu lãnh đạo trước đây có mặt ngay trong những địa điểm xảy ra khủng hoảng.

Một số người nói chỗ riêng tư, dưới thời Tập Cận Bình, đảng bắt đầu cất nhắc những cán bộ chính trị ưu tiên hơn các nhà kỹ trị - tức là những chuyên gia và các nhà quản trị tài năng, xương sống của chế độ trong thập niên 1990, 2000, thời đất nước phát triển nhanh nhất.

Những quan chức ấy có thể thường ăn hối lộ, nhưng ngay cả những người phê phán kịch liệt nhất trong đảng vẫn cho rằng đôi lúc họ đã làm được việc. Liu Zhijun, cựu bộ trưởng đường sắt, đang thụ án chung thân do hối lộ và lợi dụng quyền hạn. Chính ông ta đã giúp khai sinh ra hệ thống đường sắt cao tốc, nhanh chóng cải thiện đời sống nhân dân cả nước.

Đùn đẩy trách nhiệm ở Trung Quốc một phần bắt nguồn từ sự căng thẳng giữa các nhà kỹ trị, nắm một số lớn các vị trí ở các trung tâm kiểm soát dịch bệnh cấp tỉnh, cấp quốc gia, với các nhà chính trị như thị trưởng, tỉnh trưởng, bí thư tỉnh ủy. Sự bùng phát và che giấu dịch chứng tỏ các nhà chính trị thắng thế. Thực tế thì ngay cả các nhà kỹ trị cũng đang trở thành cán bộ vì họ không có ai can đảm nói với quần chúng những điều họ biết về vi rút.

Các quan chức TQ dành một phần ba thời gian của họ để hội họp, nghiên cứu các bài phát biểu của Tập Cận Bình. Lập trường chính trị có sức nặng hơn các đánh giá thực hiện công tác như trước kia. Giờ đây, quy luật chỉ đạo trong nền hành chánh Trung Quốc có vẻ là biểu tỏ lập trường kiên định, càng công khai càng tốt, mọi cái khác đều mờ nhạt, bằng mọi cách trốn lánh trách nhiệm khi có sự cố xảy ra.

Người dân Trung Quốc nhận lãnh mọi thứ. Hệ thống chính quyền gần như thất bại.

Thị trưởng Vũ Hán, Zhou Xianwang, nói ông ta không công khai quy mô và sự nguy hiểm của dịch bệnh bởi vì ông chờ sự cho phép của cấp trên. Nhưng ông ta đã có thể làm được cái gì đó mà không sợ để lộ thông tin như: thông báo cho dân đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay, ngưng các cuộc tụ tập cùng nhau ăn tất niên trong số 40 ngàn hộ chỉ  trước một vài ngày khi thành phố 11 triệu dân này bị phong tỏa.

Khi tin tức lọt ra nhỏ giọt, thông tin thành mơ hồ và sai lệch. Trong một loạt thông báo trực tuyến do quan chức địa phương công bố từ ngày 31 tháng 12 đến ngày 17 tháng giêng, họ nói đang đối phó với các bệnh nhân viêm phổi nhưng không nói là khi nào và bao nhiêu người mắc bệnh.

Ủy ban y tế quốc gia, bộ có thẩm quyền công bố dịch bệnh khẩn cấp, lại không phát đi thông báo của bộ về sự bộc phát cho mãi đến ngày 19 tháng giêng. Nhưng thông báo chủ yếu đổ trách nhiệm trở lại cho các giới chức địa phương. Câu đầu của thông báo nêu ra nguyên tắc đòi hỏi ủy ban phải phối hợp với quan chức địa phương trong công tác ngăn ngừa dịch bệnh.

Quan chức cố vấn chính phủ hàng đầu về y tế, ông Wang Guangfa, trấn an quần chúng, bệnh có thể kiểm soát được khi mắc, sau này nói trong một cuộc phỏng vấn, rằng ông rút lại tuyên bố vì ông có ít thông tin vào thời gian đó. Ông ta cũng biện hộ cách diễn đạt của mình gây “hiểu lầm” trong dân chúng, ý ông muốn nói hầu hết các đợt dịch cuối cùng đều dập tắt được.

Các quan chức địa phương có vẻ không đặt dân chúng ở đầu bảng ưu tiên. Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình quốc gia, bí thư đảng thành phố Vũ Hán, ông Ma Guoqiang, nhìn nhận rằng người dân Vũ Hán “hơi lo lắng và hơi sợ hãi” (“are a little anxious and a little nervous”); ông còn nói sẽ huy động toàn đảng bộ động viên an ủi họ.

Ông nói thêm: “Nhưng sự an ủi động viên quan trọng nhất là từ tổng bí thư Đảng Tập Cận Bình”.

Nhà văn Xu nói, những phát biểu của ông bí thư Ma cho thấy các quan chức quan tâm đến việc làm hài lòng cấp trên hơn là chăm lo đến nhân dân lẽ ra cần được phục vụ. Ông Xu tiếp: “Nếu các quan chức có trái tim trong lòng, chúng ta sẽ thấy lề lối quản trị sẽ khác xa ngay”.

Khi cố ngăn chặn lây lan dịch bệnh, các quan chức giỏi tỏ ra bận rộn hơn là tìm kiếm một giải pháp. Nhiều quan chức tìm mọi cách theo dõi và ngay cả trục xuất cư dân ra khỏi tỉnh Hồ Bắc nhằm ngăn ngừa vi rút lây lan thêm. Theo dõi người nguy cơ lây lan bệnh là một chính sách hay, nhưng kỷ luật hoặc xử phạt họ tạo nguy cơ làm họ trở thành người trốn lánh, thậm chí sẽ làm cho việc dập tắt dịch trở nên khó khăn hơn.

Ngay cả bên ngoài vùng dịch hoành hành, quan chức địa phương, trong tâm trí, cũng không hề đối xử công bằng theo luật sự an nguy của dân chúng. Một video lan tràn trên mạng khắp Trung Quốc cho thấy một cặp vợ chồng mắc kẹt ở một cây cầu nối liền tỉnh Quý Châu với thành phố Trùng Khánh. Cả hai chính quyền địa phương đều ngăn chặn việc giao thông hai nơi, và đôi vợ chồng – người vợ ở Quý Châu, người chồng ở Trùng Khánh – chẳng biết nơi nào đến để hai người dung thân.

Trên phương tiện truyền thông, các cán bộ cấp cơ sở phàn hà rằng họ nhận quá nhiều các chỉ thị của cấp trên, đến nỗi phải bỏ quá nhiều thì giờ để viết báo cáo thay vì thực hiện công tác thực tế. Trong một bài đăng có tựa “Chủ nghĩa hình thức trá hình” (Formalism Under the Mask), tác giả viết: “Hầu hết mọi người trong thể chế không làm việc để cho xong vấn đề. Họ chỉ làm việc để cho xong trách nhiệm”.

Sau đại dịch, lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải trừng phạt một số quan chức, thậm chí rất nặng, để lấy lại danh dự và vực dậy niềm tin. Nhưng đối với dân chúng, những người chịu đớn đau vì nạn dịch và sự tắc trách trong quản lý, đảng Cộng sản sẽ trải qua một thời gian khó khăn để chuộc lại nhân tâm.

Một người dân Vũ Hán viết trên mạng Weibo: “Tôi biết không bao lâu nữa đất nước này sẽ trở lại một xã hội yên bình, thịnh vượng. Chúng ta sẽ nghe nhiều người la hét tự hào biết bao cuộc sống giàu có, nhiều quyền uy. Nhưng sau những gì tôi đã chứng kiến, tôi không muốn nhìn thấy ai vỗ tay và ca ngợi.”

Bài của Li Yuan, trên báo The New York Times. Ngày 4 tháng 2 năm 2020. Nguyen Long Chien dich.

Friday, February 2, 2024

SỰ THẬT VÀ NỖI SỢ HÃI

Tôi vừa có chuyến về quê Quảng Nam và Đà Nẵng. Ở Sài Gòn, khi định mua vé đi, con cái và bạn bè đều khuyên: ngoài đó “nguy hiểm” lắm, Corona đang theo chân du khách Trung Quốc. Ra “vùng nguy cơ” dịch, tôi mới thấy nỗi sợ hãi không như lúc chưa đi. Corona có chi mà khiếp sợ. Tôi thầm nghĩ.

Sân bay Tân Sơn Nhất vắng chưa từng thấy. Mọi khi tôi cần phải đến trước chừng 3 tiếng để khỏi trễ chuyến bay; nay, chưa đầy 10 phút để gởi hành lý, hoàn tất thủ tục, kiểm tra an ninh, ngồi lướt mạng trong phòng chờ trống hoác. Máy bay có khách ngồi ghế chừng 1/5 . Mọi người đều giấu mặt sau những khẩu trang đa phần xám màu tro. Không còn thấy những nụ cười tươi trên gương mặt xinh đẹp của các tiếp viên nữ: ám ảnh của vi rút Corona vô hình, nó như bám trên lưng ghế, gác tay, đường ray cầu thang máy, trong không khí tù túng khoang hành khách …và trong tâm trí mỗi người.

Không sợ hãi sao được. Giám đốc bệnh viện Vũ Hán, nơi tâm dịch, vừa mất do nhiễm Corona, trước đó là cái chết của vị bác sĩ anh hùng, một trong những người khốn đốn với an ninh vì cảnh báo đầu tiên hiểm họa, chưa kể hàng ngàn nhân viên y tế trang bị áo quần bảo hộ như phi hành gia cũng bị nhiễm bệnh, hàng chục người chết.

Không hốt hoảng sao được. Gần 60 triệu người Hồ Bắc và một số thành phố TQ bị phong tỏa, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Ai có hành vi chống lại “dập dịch” hay làm lây lan bệnh như nhổ nước bọt vào mặt bác sĩ, bôi nước giải vào tay nắm cửa, cản trở thiêu xác bệnh nhân…có nguy cơ nhận án tù thậm chí bị tử hình.

Phản ứng của thế giới trước sự bùng phát dịch như cấm người TQ đến nước họ, ngừng các chuỗi cung ứng (đa phần các hãng nổi tiếng thế giới đều ở TQ), du thuyền có người nhiễm vi rút bị từ chối cập cảng…đã cô lập lục địa mênh mông với hơn 1,4 tỷ dân số. Những động thái ấy đã làm cả thế giới e dè bất kể cái gì “phảng phất” chút China… “Trung Quốc mộng” dường như thành ác mộng Trung Quốc.

Sự thật vi rút này có “nguy hiểm” như loài người suy nghĩ? Tỷ lệ chết của người nhiễm Corona không cao bằng dịch SARS trước đây. Chỉ có 4 người chết ngoài lãnh thổ Trung Quốc so với trên 1800 người ở đại lục, đa phần tại Vũ Hán. Nếu con vi rút giấu mặt “khủng khiếp” đem lại những cái chết kinh hoàng ngay cả cho y bác sĩ (người hiểu biết nhất về nó) và nguy hiểm như suy nghĩ của nhân loại, thì Việt Nam, với điều kiện vệ sinh hiện nay, sự có mặt có thể nói không kiểm soát được của người TQ, lại có lãnh thổ “núi liền núi, sông liền sông”, sẽ khủng hoảng vì dịch bệnh mức độ có thể còn hơn Vũ Hán. Hiện ở VN chưa có ai chết vì vi rút trong khi Mỹ, Nhật, Hồng Kông, Đài Loan…những nước tiên tiến y khoa đã có người bỏ mạng. VN là nước “chống dịch” khoa học nhất thế giới hay sao? Không hẳn.

Hunsen cho tàu du lịch có du khách nhiễm vi rút Corona cập cảng nước mình trong khi nhiều nước từ chối, và rất chịu chơi, bắt tay với một cụ bà sau này phát hiện đã “nhiễm” vi rút. Nghe đâu, để lấy lòng lãnh tụ Tập, ông ta tuyên bố muốn đến Vũ Hán để “thăm” Covid 19! Nếu đúng nguy hiểm, Hunsen cần phải bị cách ly 14 ngày, ngay lập tức, và nếu là lãnh đạo TQ, ông ta sẽ được dự họp bộ chính trị khi sức khỏe còn OK sau thời gian cách ly. Lý Khắc Cường thay mặt Tập Cận Bình đến ngay vùng dịch; chắc chắn là phòng xa cho sức khỏe lãnh tụ; các cựu lãnh đạo TQ trong quá khứ đều xuất hiện ở những nơi “dầu sôi lửa bỏng”, Tập Cận Bình thì không.Tập “lặn” khá lâu, chỉ xuất hiện đâu đó tại một phố ở thủ đô. Bức hình chụp ông ta mang khẩu trang nói chuyện với các bác sĩ đứng cách ông hơn 2 mét. Có lẽ ông hiểu nước miếng có thể bắn xa dưới khoảng cách đó.

Nhiều nơi, nhiều nước, có người nhiễm vi rút tai quái, nhưng không nguy hiểm như tưởng tượng, nghĩa là số người nhiễm ít, số chết vì vi rút càng ít hơn.

Nhưng tại sao người ta lại sợ hãi nó đến thế? Lý do: thiệt hại vật chất, tinh thần, do Covid 19 này gây ra không thể đo đếm vì tầm vóc quá lớn. Nhiều người trong chúng ta cười cợt, sung sướng mong thằng bạn vàng “nghẻo củ từ”, cho bõ ghét thói bành trướng nhưng không thấy rằng, theo ước đoán, TQ mất 10 tỷ đô do ảnh hưởng dịch thì thế giới mất 7 tỷ. Nền kinh tế VN hầu như dựa vào nền kinh tế TQ. Bắc Kinh mà chao đảo, Hà Nội cũng sẽ rung rinh.

Không gây cái chết hàng loạt cho thế giới nhưng thế giới đều sợ hãi, vì sao? Vì giấu diếm:TQ không dám hay không muốn nói lên sự thật. Hiện nay, có ai, có tổ chức nào, kể cả WHO hiểu cặn kẽ chuyện gì đang xảy ra ở Vũ Hán, ở Hồ Bắc không? Hay chỉ “nghe” nhà chức trách địa phương tại tâm dịch công bố, trước đây con số chết rất “ổn định” khoảng 2,1 % so với người nhiễm bệnh, ngày này sang ngày khác. Khi lãnh đạo Vũ Hán và Hồ Bắc bị cách chức, con số người nhiễm bệnh, người chết có “tiến bộ” hơn trước, nghĩa là nhiều hơn lúc hai ông thần kia làm lãnh đạo.

Corona cũng thấm nhuần chủ trương như thế hay sao?

Tuy nhiên, đến nay TQ vẫn có thái độ khiến người ta nghi ngờ “những con số ấy chỉ là đỉnh nổi của tảng băng”. Vì sao? Nếu thật lòng muốn dập dịch hiệu quả, đem lại an sinh cho người dân, họ phải có thái độ cầu thị, “không giấu dốt” (mượn chữ của ông Hồ), đón nhận tức thì lời ngỏ ý giúp đỡ của người Mỹ đôi ba lượt đưa ra. Nếu có sự góp tay của họ và các nước, nạn dịch sẽ sớm được chặn đứng (theo suy nghĩ cá nhân). Phát ngôn Tàu: các nhà khoa học người Mỹ nếu đến TQ cần phải được “kiểm soát”.  Sợ chi hung rứa?

Thái độ lấp liếm ban đầu, chậm công bố dịch và ngần ngừ sau thời gian đối phó không xiết, “bí quá” mới chấp nhận sự có mặt của người Mỹ đã làm người ta suy diễn có gì khuất tất ở đây, họ mới “sợ” Mỹ như thế.

Sự sợ hãi vi rút càng lan rộng khi bên ngoài người ta thấy các biện pháp áp dụng hết sức khắc nghiệt tại nơi xảy ra dịch. Có thể đây là biện pháp triệt để, hữu hiệu, của nhà chức trách TQ trong công tác chống dịch. Nhưng tại sao lại “bưng bít” những sự việc đang xảy ra nơi đó. Nếu có tự do báo chí, tự do ngôn luận, họ đâu có sợ ai khi mời các nhà báo, các chuyên gia thế giới, cùng với họ chung tay dập dịch? Chính sự giới hạn hay bóp nghẹt ngôn luận đã làm người ta thêm hồ nghi: TQ đang khủng hoảng dữ dằn lắm. Thật tâm, con người thế gian sẽ thấy rằng, nếu người Trung Hoa (tôi không dùng từ người Trung Quốc) bị chết quá nhiều do dịch thì bản thân họ, nước họ, một ngày nào đó sẽ không khác chi số phận người Trung Hoa.

Việc dập dịch không còn là việc riêng của TQ. Tại sao họ lại ngại ngùng khi có ai muốn đến đó để tìm hiểu cội nguồn phát dịch, mức độ bùng phát, cách thức đối phó…để từ đó, áp dụng cho các nơi khi dịch tấn công như nước họ?

Khi sự thật không được cất lên, “sự giả” sẽ làm thay sự thật: đồn đoán, suy diễn, đầy dẫy thuyết “âm mưu”. Một trong đồn đoán đó: Corona là vũ khí sinh học của phòng nghiên cứu ở Vũ Hán “sổng” ra ngoài. Nhiều người tin sái cổ. Họ đâu thấy rằng nếu “thế giới” (ở đây ngầm chỉ Mỹ) mà ngủm vì vũ khí đó, Bắc Kinh bán hàng cho ai khi Mỹ là nước gắn bó kinh tế với họ còn hơn môi với răng, chưa kể, trình độ khoa học của Mỹ luôn luôn đi đầu; Tàu chế vũ khí sinh học được (Corona) thì Mỹ chẳng lẽ “bó tay” trong khi phát triển hiện nay của TQ hầu hết đều nhờ “cuỗm” sở hữu trí tuệ của Mỹ.

Khi không có được sự thật thì giả dối sẽ lên ngôi.

Sự thật đối với một số nước XHCN sao mà khó khăn đến thế. Chernobyl ở Liên Xô nếu cho biết sự thật sớm, đâu đến nỗi dân Nga và nhân loại chịu ảnh hưởng phóng xạ nguyên tử chưa từng có trong lịch sử. Corona ở Trung Quốc cũng vậy, nếu sớm biết sự thật từ 8 vị bác sĩ đầu tiên phát hiện, các biện pháp cách ly áp dụng sớm, thế giới chung tay cấp kỳ, biết đâu TQ hiện nay không phải thất điên bát đảo, thế giới phải lo sợ ngả nghiêng.

Sự thật sao mà khó quá, khó đến nỗi ông Nguyễn Văn Linh “can đảm” tuyên bố lúc “đổi mới”: chúng ta hãy nhìn thẳng vào sự thật. Trước nay, nhìn “xiên xiên” hay sao.

LĂN TĂN

Nếu chỉ có 16 người nhiễm vi rút Vũ Hán trong cơn "đại dịch" được chữa khỏi là đúng thì VN phải là một đất nước kỳ diệu. Khách Trung Quốc vào Việt Nam như đi chợ, người Việt Nam chẳng có ai nhiễm thêm vi rút tai quái Corona, không hẳn nhờ hiệu quả của phòng chống dịch, mà nhờ sẵn trong cơ thể có đồng chí kháng thể tuyệt vời, hình thành trong quá khứ sống 1000 năm đô hộ không bị đồng hóa?

Thứ đến, "thiệt cùi" có sợ chi "hủi" (xin lỗi phải dùng câu này), cơ thể người Việt hằng ngày tiêu thụ hàng chục hóa chất ẩn mình trong thực phẩm, chưa tính thời gian trước đây lúc nghèo khó, gà dịch, vịt toi, heo bệnh...người ta ăn không bỏ, cộng thêm vẫn tì tì xơi tiết canh khi cúm H5N1 giết chết khá nhiều người, chưa kể sức mạnh vô địch hình thành từ "thuốc lào bổ phổi diệt trùng lao" và hàng trăm triệu lít "nước mắt quê hương" cho vào bao tử cùng 5 tỷ lít bia mỗi năm.

"Ăn bẩn sống lâu" là tên cuốn sách đọc khá lý thú. Nhờ tiếp xúc nhiều vi trùng, các loại vi rút thế giới sợ hãi, chúng ta là một tiền đồn, luôn nổ súng đánh giặc mỗi ngày, lâu dần thành một chiến binh can trường không sợ chết, chứ đừng nói sợ vi rút. Ví dụ: một số Việt kiều chỉ qua Mỹ 5 năm khi trở về thăm nhà luôn kè kè chai nước suối La Vie. Hỏi ra mới rõ họ rất dễ tiêu chảy nếu uống nước dù đun sôi ở VN. Kháng thể ở họ kém đi khi qua Mỹ, tiếp xúc thức ăn hầu như mọi thứ đều "vô trùng".

Nghèo trước đây là một cái tội nhưng nay "nghèo cũng là một...lợi thế" (có người nói, không phải tui). Nghèo nên ở ăn phải bẩn, vi trùng sợ, ít ghé thăm. Coi thống kê thấy rõ, dân Vũ Hán 20 ngàn đô la/đầu người. Dân Việt trên 2 ngàn nên Corona nó thương không ngó tới. Hàn Quốc thu nhập trên 30 ngàn, dịch đang tấn công là vì họ...giàu. Nước Mỹ đang lo sốt vó cũng tại họ giàu quá hay chăng?

Ngoài yếu tố trên, còn một yếu tố nữa khiến người Việt không nhiều người nhiễm Covid-19: ít tập trung đông người sau tết. Nhờ chỉ thị 100 đo nồng độ rượu, quán xá vắng tanh, không nhậu hay thưa nhậu, tửu không nhập nên ngôn không xuất, nước miếng lỡ có mầm bệnh do đó cũng không văng xa quá 2 mét.

Dịch bùng nổ ở TQ lại đúng vào dịp học sinh VN nghỉ tết. Các hội hè tháng giêng (là tháng ăn chơi) bị đình chỉ. Ấn đền Trần không được cướp mà chỉ gởi qua bưu điện đủ thấy người Việt  thông thái. Đường sá vắng vẻ, các nơi như quán nhậu (đang kêu trời), quán cà phê, các tụ điểm ăn chơi ít người lui tới không hẳn ý thức chống dịch cao mà một phần cũng nhờ...tin đồn gây sợ hãi Cô Vi 19. Chỗ nầy đồn chỗ kia có người bị khống chế cách ly do ôm chầm lấy cổ. Sài Gòn đồn Đà Nẵng nhiều người nhiễm do đông người TQ du lịch (tôi về đó mùa dịch, sinh hoạt có nhẹ đi nhưng không khí khá bình yên. Ở đây cũng có tin đồn phường nọ, phường kia có người nhiễm dịch nữa là).

Chưa biết Corona có thay đổi quan điểm tiếp cận dân Việt hay không, tôi vẫn luôn luôn rửa tay mỗi khi ra ngoài trở về nhà, không sờ lên mắt, mũi, miệng, không đến quán nhậu, không đi uống cà phê (lỡ uống ngay môi cô (rona) nào in lên miệng tách thì lúa đời); ăn uống đủ chất, thể dục thường xuyên, thỉnh thoảng xông nhà bằng tinh dầu sả...đeo khẩu trang khi phải đến chỗ quá đông người...

Tôi học thuộc câu từ bé: "Hãy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu".

Nhưng một cái còn lăn tăn: có nhất thiết để cháu con mình đi học sớm trong khi chưa lường hết sự "thay đổi thái độ" của Covid-19 ở Việt Nam hay không. Sao tụ học không đợi đến đầu tháng 4 nắng nóng và để thăm dò dịch bệnh?

Tôi để ý điều này. Dịch bùng phát ở Vũ Hán ban đầu do tập trung 40 ngàn gia đình liên hoan tập thể trước tết. Một nhà thờ ở Hàn Quốc tụ tập dày đặc tín đồ ngồi sát nhau mỗi khi nghe giảng, số người nhiễm từ giáo phái này chiếm đa số người nhiễm ở xứ sở kim chi. Chiếc tàu bị cô lập và cấm cập cảng ở Yokohama bên Nhật có số lượng người nhiễm ngày càng chóng mặt do đông người, tù túng trong không gian giới hạn.

Các lớp học của chúng ta trung bình 50 học sinh một phòng, liệu có gọi là đông người không? Lăn tăn thật lòng.

VI RÚT CORONA ĐANG GIẾT CHẾT HÃNG XƯỞNG TRUNG QUỐC (VÀ GÂY XÁO TRỘN KINH TẾ)

(Coronavirus Is Killing China’s Factories (And Creating Economic Chaos)

Lời người dịch: VN không thoát nổi Trung thì cũng nên "bớt dính" Trung, tôi mạo muội nghĩ. Thêm Google và Microsoft (làm smart phone) chuẩn bị rời TQ qua Việt Nam. Mỹ còn sợ Tàu huống chi ta. Họ đối phó một bá quyền trong sự chuẩn bị chín chắn, không phải theo "tính khí sáng mưa chiều nắng" của Trump, tiết lộ của bài viết (hơi dài). "Time and tide wait for no man" (Dịp may không đến hai lần).

Bài của  Gordon G. Chang, trên National Interest ngày 24 tháng 2, tác giả cuốn sách nổi tiếng The Coming Collapse of China (Trung Quốc trên đường sụp đổ). NLC dịch.

Hình như đây là một dấu chấm hết cho vai trò trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu của Trung Quốc. Một con vi rút – cùng sự ứng phó của một chính quyền toàn trị - đang kết liễu chuỗi cung ứng.

Những người Mỹ nổi giận. “Tôi liên hệ qua điện thoại với một số giám đốc bệnh viện ở New York, họ bảo đã có những hợp đồng với các công ty Trung Quốc và chờ những thứ  như găng tay, khẩu trang y tế, các cái, đang trên tàu đến Mỹ, nhưng chính quyền Trung Quốc lại bảo ồ “không, không, quay tàu lại, nước ta đang cần những thứ ấy”. Đó là lời của Maria Bartiromo, trên truyền hình Fox Business hôm 19 của tháng này. “Làm sao người ta có thể tin nổi Trung Quốc giữ chữ tín nữa trong giao dịch làm ăn?”  

Người phụ trách một kênh truyền hình có tầm ảnh hưởng lớn đang gióng lên hồi chuông lo lắng trên toàn nước Mỹ mấy ngày gần đây. Peter Navarro (tác giả cuốn Chết về tay Trung Quốc – ND) xuất hiện trên kênh truyền hình Fox News ngày 23, đưa ra nhiều lý do cho việc cắt đứt liên hệ với các nhà cung ứng Trung Quốc. Vị giám đốc phụ trách thương mại và các chính sách sản xuất của tổng thống Donald Trump, khi nhắc tới khẩu trang N95 dùng ngăn cản vi rút Covid-19 phát biểu: “Trung Quốc hạn chế xuất khẩu các mặt hàng khẩu trang và đã quốc hữu hóa một xưởng sản xuất của Mỹ về mặt hàng này ở nước họ”.

Vi rút Corona phơi bày ra một lỗ hổng cực lớn. Người Mỹ hiện nay đang hút khẩu trang N95. Đó không chỉ là một sản phẩm họ cần. Các hãng xưởng ở Trung Quốc không thể mở cửa vì thiếu khẩu trang, trong nhiều lý do khác, vì vậy Bắc Kinh tiến hành giữ lại những sản phẩm họ sản xuất loại này trong nước. “Khẩu trang bảo hộ công nghiệp đã bị cấm xuất khỏi Trung Quốc”, ông Jonathan Bass, chủ nhân PTM Images có trụ sở ở Los Angeles nói với tôi như thế tuần trước.  

“Trung Quốc cho thấy họ sẽ cấm xuất khẩu trang để bảo vệ dân chúng họ hơn là bảo vệ tất cả người dân khác”, ông Bass nói tiếp: “Điều này cho thấy Mỹ cực kỳ dễ tổn hại vì sự trở mặt (whim) của TQ trong việc cắt mất mặt hàng xuất khẩu liên quan đến an toàn, sức khỏe. Rồi chuyện gì sẽ không xảy ra tiếp theo? Thuốc men cứu mạng sống? Đất hiếm? Giày dép?

Hàng hóa gì đi nữa, sự gián đoạn trong cung ứng sẽ kéo dài hơn rất nhiều trong suy nghĩ của các nhà phân tích. Những chuyến tàu chở container khổng lồ không xuất từ cảng biển Trung Quốc, hoặc nếu có, cũng chỉ chừng 10% tải trọng. Ông Bass nói với tôi, “tại cảng sầm uất Long Beach, mật độ chuyển container giảm xuống còn 40%. Đó là hậu quả đóng cửa các hãng xưởng đặt tại Trung Quốc.

Các xưởng sản xuất của Trung Quốc dự trù mở cửa lại vào ngày 9 tháng 2, 10 ngày sau tết nguyên đán. Tuy nhiên, theo Simina Mistreanu , người viết về lãnh vực sản xuất của TQ cho tạp chí Forbes, nhận thấy rất nhiều nhà máy còn đóng cửa.

Chị trưng dẫn tình trạng quanh Thành Đô, chính quyền buộc các nhà máy phải bắt một công nhân sản xuất 2 khẩu trang mỗi ngày. Để khởi động sản xuất, một nhà máy phải chứng minh họ có dự trữ hai tuần khẩu trang trong kho. Khẩu trang không có, vì vậy, trong một cụm nhà máy sản xuất bên ngoài thành phố, chỉ có 5  trong 50 công ty trở lại hoạt động.

Có lẽ duy nhất một ngoại lệ là sự chậm trễ hoạt động thuộc công nghiệp quốc phòng.

Dù các hãng xưởng đang mở có thể hoạt động hết công suất, việc vận chuyển thì không thể. Các kho chứa hàng đóng cửa, sự vận chuyển cực kỳ khó khăn. Bass còn chỉ rõ thêm, các container đang bỏ ở bến cảng Thiên Tân và Ninh Ba còn kéo dài nhiều thời gian. Các container chuẩn bi đi Mỹ đang chất hàng, trễ hơn thường lệ 4 tuấn lễ.

Một số người tin rằng sự thiếu hụt sẽ rất dễ nhận thấy ở các cửa hàng bán lẻ nước Mỹ trong giữa tháng 4, nhưng những cửa hàng bán các sản phẩm có khối lượng lớn sẽ đặc biệt bị ảnh hưởng bởi chúng thông thường chỉ được dự trữ thời gian cực ngắn. Một người bạn nói với tôi, Walmart (hãng bán lẻ lớn nhất thế giới -ND) một số điểm bán lẻ sẽ không có hàng trong tháng tới.

Và mùa xuân này mua được một Iphone cũng phải cố lắm. Ngày 17 tháng 2, Apple thông báo họ không đạt được dự đoán doanh thu quý đầu năm nay, một phần cũng vì sự thiếu thốn sản phẩm danh giá này.

Sự suy sụp kinh tế của Trung Quốc nghiêm trọng hơn suy nghĩ của nhiều người. Nhìn lại dịch cúm SARS năm 2002-2003, các nhà phân tích dự đoán điểm “V” – nhanh chóng – hồi phục.

Lần này, sự hồi phục có thể như điểm “L”, một phần sự đổ vỡ lần này lớn hơn nhiều ở biến cố trước. Ngay cả những công ty quản trị tốt nhất, họ cũng hết sức ngỡ ngàng. Apple đã dựa vào thị trường lục địa TQ, cùng nhịp đập với kinh tế Trung Quốc, nhưng công ty phát hành một chỉ dẫn lạc quan thái quá hôm 28 tháng giêng, đã phải công bố hơn ba tuần sau đó, một thông báo không đạt được con số doanh thu vào ngày 17 tháng 2. Điều này là chỉ dấu cho thấy sự xói mòn nhanh chóng của nên kinh tế Trung Quốc.

Và như thế, sự tùy thuộc của Mỹ lần nữa trở lại đối với những sản phẩm thiết yếu. Còn quan trọng hơn điện thoại thông minh, những rối loạn của Trung Quốc thiết nghĩ sẽ dẫn đến hậu quả không có đủ 150 loại dược phẩm bán theo toa, một số thuốc không thể có “dược phẩm thay thế”.  Tuy nhiên, Bắc Kinh tuần rồi tuyên bố họ muốn trở thành một phần quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng sản phẩm y tế. Dịch Corona rõ ràng đã mách bảo chúng ta phải đi một hướng khác. Sau hết, tại sao người ta lại muốn chuốc lấy nhiều hiểm họa hơn vì phải dựa vào một nước cung ứng không đáng tin cậy?

Xét về mặt chiến lược, người nước ngoài thực sự không có tầm nhìn khi dựa dẫm vào một chế độ hiếu chiến, kém bền vững nội tại, ở Trung Quốc để có sự cung ứng hàng hóa, dẫu cho sự dựa dẫm ấy có lúc gây rắc rối. Navarro nói với Bartiromo hôm chúa nhật: “Chúng ta không có đồng minh trong những khủng hoảng như thế này. Trở lại thời 2009 trong vấn đề dịch cúm gia cầm, những người bạn tốt nhất của chúng ta ở Úc, Anh, và Canada rõ ràng đã từ chối những cái chúng ta cần họ. Úc không chịu gởi cho chúng ta 35 triệu liều vaccine”.

Như Navarro nói, chính phủ đang làm việc “Thời của Trump” muốn giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng (supply-chain). Tổng thống Trump suy nghĩ rất sớm những vấn đề này một thời gian khá lâu. Vào ngày 21 tháng 7 năm 2017, ông ban hành một sắc lệnh hành chánh về công tác Lượng định và tăng cường sức sản xuất, nền tảng công nghiệp quốc phòng, sự chống trả (Resiliency) của Mỹ trước một Trung Quốc có lợi thế về cung ứng.

Nghiên cứu Nền tảng công nghiệp quốc phòng, như được biết, giúp thúc đẩy chính phủ áp thuế quan lên thép và nhôm năm 2018, theo đúng khoản 232 của điều luật Mở rộng giao thương 1962, nhằm duy trì nền tảng công nghiệp Hoa Kỳ. Thuế quan bị nhiều chỉ trích này là một bước đi hiệu quả, một biện pháp trước tiên và trên hết cho an ninh quốc gia.

Vì vậy, trong một ý nghĩa nào đấy, thuế quan mà Trump áp đặt  lên Trung Quốc theo đúng điều khoản 301 của điều luật thương mại ban hành năm 1974.

Dĩ nhiên, các công ty có thể cung ứng hàng hóa giá rẻ một khi họ thiết lập các hãng xưởng ở Trung Quốc, nhưng giờ đây, thế giới tốt hơn nên thấu hiểu cái giá của hàng hóa rẻ. Dịch chuyển về hướng tự cung sẽ làm sản phẩm có phần mắc hơn, nhưng chí ít hàng sẽ không bị khan hiếm hơn.

“Walmart chủ trương bắt buộc các nhà cung ứng phải sản xuất tại Trung Quốc từng nói với khách hàng là để ‘tiết kiệm tiền, làm cuộc sống khá hơn’. Tuy nhiên, làm sao họ sống khá hơn nếu kệ bán trống trơn hàng hóa?”

Anh trong bai.

DỐT CHUYÊN TU, NGU TẠI CHỨC

Đây là câu thường nghe khi nhận xét những ai không được đào tạo giáo dục hệ chính quy.

Câu nói này không những sai mà còn kỳ thị nếu không nói là "hằn học".

Học, học cả đời, đó là hoài bảo, nguyện vọng chính đáng của con người chuộng tiến bộ. Chuyên tu, tại chức, là cách thức nuôi dưỡng ý muốn học hỏi, nâng cao hiểu biết, áp dụng trong công việc, đời sống xã hội, nói chung là một việc làm đáng trân trọng. Nhưng bản chất (nếu có) của  chuyên tu, tại chức là để "hợp thức hóa" một chức vụ, hay là một "đường tắt" dẫn đến một vị trí cao hơn trong công việc lại là vấn đề cần suy nghĩ.

Học để biết mà phục vụ và học để hợp thức hóa chức vụ, hai động lực này rất khó nhận biết.

Cách giải quyết vấn đề duy nhất: học tại chức nhưng phải thi "chính quy", nghĩa là khác cách học nhưng cùng một đánh giá kết quả: sinh viên "tại chức" thi chung với sinh viên "chính quy".

Đây là cách làm của giáo dục VNCH trước 1975.

Muốn "lên lon"(lên chức) rất nhiều sĩ quan quân đội có mặt trong các kỳ thi tú tài; muốn lên lương, các công chức chính phủ có mặt trong các cuộc thi đại học, chung phòng thi với các sinh viên.

Không tổ chức thi riêng cho binh sĩ quân đội, công chức chính phủ. Một anh đạp cyclo có thể cùng phòng thi cấp đại học với một anh công chức muốn được lên ghế trưởng phòng. Học "hàm thụ" tức người học không phải có mặt ở trường, chỉ có mặt khi thi tốt nghiệp. Bằng cấp sẽ không phải ghi hệ "tại chức" (hàm thụ) hay hệ "chính quy". Công bình: mọi người ai cũng có thể học thi lấy bằng cấp, từ một công nhân làm giày dép đến người đang là quận trưởng (hay tại chức).

Liệu cách học, cách thi như hiện nay đối với ai "tại chức" có được gọi là công bằng không khi tốt nghiệp, một sinh viên miệt mài bốn năm đại học hao tốn biết bao công sức của mình, tiền bạc của cha mẹ, cũng có một cái bằng "y chang" vị quan chức vừa có lương, vừa có chức, đôi khi "đi học" có xe đưa đón, vì: