Friday, February 2, 2024

“CÀNH PHƯỢNG VĨ em cầm là tuổi tôi mười tám”.

(Trả lời bạn về giáo dục VNCH)

Một bạn hỏi tôi trên facebook “Anh nên dành chút thời giờ viết lại cho tường tận. Tôi dân Bắc, không hiểu mấy về giáo dục thời ấy trong Nam! Tiếc rằng mình dân Việt mà ngu ngơ!” Minh Như Khuê Văn.

Tôi cảm kích khi được bạn hỏi trong một “ý kiến” (comment) trên một status tôi viết, có nhắc đến một chút sắc thái giáo dục VNCH. Dù trải qua thời gian không dài, nền giáo dục ấy để lại nhiều dấu ấn khó phai cho những ai đi qua các bậc học, nhất là thời trung, tiểu học – thời của tuổi thơ, của thiếu niên, của chập chững vào đời. Bạn nói: “Tiếc rằng mình dân Việt mà ngu ngơ!”. Tôi thì không dám nói như vậy.

Một trong những điều làm cuộc chiến Nam-Bắc kéo dài và đẫm máu là thiếu đối thoại giữa con người ở hai “trận tuyến”, và đây là lý do chính, các cường quốc đã nhảy vào khuynh đảo đất nước, biến chúng ta thành hai “tiền đồn” của 2 thế giới tư bản và cộng sản.

Sau chiến tranh, xã hội hình thành một “trận tuyến” mới: bên thắng cuộc và bên thua cuộc. Những người bên “thắng trận” hiếm có ai như anh: muốn hỏi chuyện người ở miền Nam chúng tôi, bỏ đi thái độ “Ngụy” luôn xấu và “Ta” luôn tốt. Nền giáo dục chúng tôi được hấp thu bị vứt đi không thương tiếc vì tội “vong bản, đồi trụy, phản động, hình thành tinh thần nô dịch ngoại bang”

Tôi không đủ kiến thức để giải thích cặn kẽ bản chất nền giáo dục ấy, và điều này, trên internet có lẽ còn nhiều tư liệu dễ tìm, bạn sẽ hiểu rõ hơn. Tôi chỉ trao đổi với bạn những gì tôi trải qua thời trung học mà tôi hiểu được, và những bậc huynh trưởng nếu có đọc status này họ sẽ bổ sung hoặc đính chính giúp tôi rõ hơn về giáo dục VNCH, nhất là cấp trung học.

Cấp tiểu học hoàn toàn miễn phí và bắt buộc, mỗi ngày học hai buổi, thứ năm, chủ nhật nghỉ. Cấp trung học chia ra làm hai: đệ nhất cấp (cấp 2) và đệ nhị cấp (cấp 3). Bên cạnh trường phổ thông, trường của các tôn giáo lập ra, còn có trường trung học kỹ thuật vừa dạy văn hóa vừa dạy nghề ở mỗi tỉnh; nếu học sinh không vào được đại học, xã hội cũng có những người có tay nghề kỹ thuật dành cho thời hậu chiến.

Thập niên 1950 còn duy trì thi bằng tiểu học, trung học (lớp 9), về sau bãi bỏ, chỉ còn duy trì thi tú tài 1 (lớp 11, bỏ năm 1973) và tú tài 2 (tốt nghiệp). Năm 1974, thi tú tài hoàn toàn trắc nghiệm chấm bằng computer của hãng IBM, nên gọi tú tài IBM (ngoại trừ môn triết, ngoại ngữ ban C, có thêm bài viết).

Tỷ lệ đậu cho tú tài 1: thường từ 15 đến 30% thí sinh; tú tài 2:30 đến 45% thí sinh.

Học sinh đậu tú tài 1 nếu gia nhập quân đội, sau 9 tháng huấn luyện, sẽ ra trường cấp bậc “chuẩn úy” (dưới thiếu úy), chỉ huy chừng 1 trung đội lính. Đậu tú tài 2 cũng vậy, trường hợp đủ sức khỏe, giỏi, học sinh có thể thi vào trường Võ bị quốc gia Đà Lạt, sau 4 năm sẽ là thiếu úy, 18 tháng sau nếu không bị kỷ luật, đương nhiên vinh thăng trung úy. Thi vào trường này rất khó, chỉ dễ hơn khi thi vào lớp đào tạo phi công. Tôi muốn nói cụ thể vì hồi đó chiến tranh, đi học và đi lính là hai lựa chọn, không học thì sẽ đi lính khi đủ tuổi 18.

Năm 1972, “mùa hè đỏ lửa”, Quảng Trị bị quân Bắc Việt chiếm đóng, miền Nam ra lệnh tổng động viên, ai “dư tuổi” học phải đăng lính (nghĩa là tuổi nào được học lớp nào, nếu lớn hơn sẽ được động viên vào quân đội).

Thi tú tài (thời tôi học) chia làm hai đợt. Đợt đầu, ai đậu sẽ ghi danh (không thi) vào một trong ba trường: đại học văn khoa, đại học khoa học, và đại học luật khoa (4 năm). Nhiều sinh viên học một lần 2 trường vẫn được. Tôi học sư phạm vẫn ghi danh qua học bên trường văn khoa. Các trường cần thi vào: Y khoa, dược khoa, kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, nông lâm súc, sư phạm (2 năm, 4 năm), quốc gia hành chánh (đào tạo cán bộ) và kỹ sư Phú Thọ (nay đại học Bách khoa).Thống kê từ năm 1950-1960, cứ 4 kỹ sư ra trường ở Đông Nam Á thì 3 đào tạo từ trường này.

Bậc đại học cũng như trung học hoàn toàn miễn phí và học sinh, sinh viên không đóng bất kỳ khoản nào cả. Vì trường công lập không đủ cho học sinh toàn nước nên có thêm những đại học tư thục, tuyển những sinh viên đậu tú tài kỳ 2, hoặc những sinh viên đậu kỳ 1, học những ngành mà trường đại học công lập không có, hoặc có ít.

Các trường trung học tư thục đón nhận những học sinh không thi đậu vào trường công lập, học sinh thường miễn giảm học phí nếu đứng thứ hạng từ 3 hoặc 5 trở lên mỗi tháng (tùy trường). Học phí cấp trung học rất nhẹ nhàng, người lao động bình thường cũng có thể cho con đi học. Hầu hết trẻ em đều đến trường ở các điểm tập trung dân cư (gọi là trại tạm cư tránh chiến tranh - bên “cách mạng” gọi là khu dồn) ở đơn vị hành chánh cấp quận, thị trấn, thành phố, tỉnh lỵ, trừ những vùng chiến sự liên miên xảy ra ở nông thôn hẻo lánh.

Chương trình học gọn nhẹ không quá nhiều môn như các em học sinh bây giờ. Cấp 2 chúng tôi học các môn: ngoại ngữ (Anh hoặc Pháp), toán, văn, vạn vật (sinh), lý, hóa, sử, địa, công dân, vẽ, nhạc, thể dục. Cấp 3 thì không còn vẽ, nhạc vì tập trung học sâu hơn các môn chính. Ở cấp này, bắt đầu lớp 10 đã phân ban: ban A chuyên về vạn vật, sinh học; ban B chuyên về toán, lý, hóa); ban C chuyên về văn chương, ngoại ngữ, riêng cuối lớp 12, thi tú tài, môn triết thay môn văn. Triết học gồm: tâm lý học, luận lý học, siêu hình học, và đạo đức học (trừ tâm lý học, sách dày khoảng 400 trang, ba môn kia chừng 200 trang/cuốn). Thầy cô không phải làm giáo án. Họ chỉ nghiên cứu trước bài dạy, lên lớp, có vị chẳng mang theo sách, sách nằm trong bụng chữ của họ. Sách giáo khoa được nhiều tác giả soạn, dựa vào đề cương của bộ, thường thầy dạy cấp nào soạn sách cấp đó, không có chuyện giáo sư đại học đi soạn sách lớp 1. Nhà trường và thầy có quyền chọn loại sách giáo khoa dạy cho học sinh.

Đặc điểm phân ban: môn chính của ban sẽ có hệ số 4, nghĩa là bạn sẽ được nhiều điểm trung bình nếu môn chính điểm cao, môn chi phối nhờ hệ số cao chi phối. Ví dụ, ban C tôi học, môn triết hệ số 4, ngoại ngữ 1 hệ số 3, ngoại ngữ 2 hệ số 2, các môn còn lại đều hệ số 1, điểm trên 20 chứ không phải điểm trên 10 như bây giờ. Và cũng từ lớp 10, đầu cấp 3, bạn sẽ học thêm một ngoại ngữ (Pháp nếu cấp 2 học Anh và ngược lại).

Tú tài 1 hay 2 đều thi đủ môn, học môn nào thi môn đó, vài ba tỉnh chung một trung tâm thi. Chung quanh trường thi bảo vệ nghiêm ngặt, bên ngoài khuôn viên trường là cảnh sát, bên trong trường là các giám thị, giám thị phòng 2 người phát đề thi, coi thi; giám thị hành lang đi kiểm soát vòng ngoài. Đề thi được chở bằng máy bay từ Sài Gòn về các tòa tỉnh trưởng, gần đến giờ thi, xe quân đội có hộ tống chở đề thi đến trung tâm thi. Chỉ có hiệu trưởng cấp 3 mới được đi chấm thi, tỉnh này qua tỉnh kia chấm, không chấm tại nơi mình dạy. Trường đại học tự tổ chức thi, học sinh thường chỉ thi một môn chính trừ trường kiến trúc, mỹ thuật. Có trường còn cho thi thêm orale, vấn đáp, một dạng như phỏng vấn. Hồi đó không có hệ tại chức. Người không đến trường như quân nhân, công chức, thường dân, có thể học hàm thụ, nghĩa là mua tài liệu, sách giáo khoa về nhà tự học, gọi là thí sinh tự do, cuối cấp tham gia thi chung cùng sinh viên, nhận bằng như nhau.

Trong trường học không được giảng dạy hay nói về chính trị đối với học sinh. Tất cả các sách giáo khoa không có chỗ nào nhắc đến hay lên án cộng sản, dù học sinh đều hiểu rằng Việt cộng (địa phương, bộ đội chính quy miền Bắc) từng pháo kích vào thành phố gây tang tóc, giết chết cha mẹ họ trong chiến trận, đánh phá các doanh trại quân đội đang bảo vệ họ được bình yên sinh sống, học tập.

Các cuộc xuống đường của học sinh, sinh viên không được khuyến khích, chủ yếu tại thủ đô Sài Gòn, và cũng không bị đuổi học bởi nhà trường trừ phi học sinh hay sinh viên bị cảnh sát bắt vì phát hiện theo hay cộng tác với Việt cộng, số này rất ít, có lẽ chỉ một vài người.

Học sinh tham gia biểu tình duy nhất tôi được biết là năm 1972 tại Sài Gòn ở trường Petrus Ký (Lê Hồng Phong), đối diện Tổng nha cảnh sát VNCH. Các em nêu khẩu hiệu chống luật tổng động viên của tổng thống Thiệu “đem thanh niên vào chỗ chết” (có lẽ có bàn tay của Việt cộng). Cảnh sát dã chiến (cơ động) bao vây trường ba bốn ngày, bắc loa kêu gọi các em ngưng biểu tình, và cuộc biểu tình chấm dứt, vì các em ở bên trong quá đói. Sau đó học sinh vẫn đi học bình thường. Trường sư phạm của tôi ở rất gần trường này nên tôi biết khá rõ. Trừ năm 1963 (ở Sài Gòn) và năm 1966 (một vài tỉnh miền Trung) có học sinh, sinh viên biểu tình, ngoài các năm đó ra, nhất là khi cuộc chiến đi vào khốc liệt, học sinh, sinh viên chỉ học là chính, không bị lôi kéo vào các trò chơi chính trị nữa (dù chỉ là một số, không phải tất cả).

Học sinh trung học có nhiều thời gian hơn khi đi học. Họ không hề học thêm, cũng không có thầy cô nào dạy thêm, trừ các lớp thi tú tài 1, tú tài 2, các môn chính được một hay hai thầy giỏi có tiếng dạy như toán, lý…Không hề dạy thêm môn văn hay ngoại ngữ (tự học là chính).

Thầy giáo cấp 2, 3 gọi là giáo sư trung học đệ nhất cấp, đệ nhị cấp. Lương của họ đủ nuôi cả gia đình. Chỉ số lương của thầy dạy cấp 3 ra trường là 470 cao hơn chỉ số lương của phó quận trưởng chỉ có 450; họ được gọi là công chức hạng A. Vị thầy của tôi cho biết, lương ông dạy mỗi tháng đổ hơn một cây vàng 4 số chín. Một chiếc xe Honda dame (nữ) giá khoảng 4 cây vàng vào năm 1967. Những học sinh giỏi mới có thể thi đỗ vào trường sư phạm (đào tạo thầy giáo).

Khi đi dạy, thầy chịu trách nhiệm dạy, không bị ảnh hưởng bởi hiệu trưởng. Tất cả công việc đều chú tâm đến chuyên môn. Hiệu trưởng chỉ phân lớp, phân giờ dạy, không can dự vào nội dung dạy của thầy giáo và không được phép phê bình hay nhắc nhở các giáo sư khác. Các giáo sư rất tự trọng không hề làm điều gì để người khác phải nhắc nhở họ dù đó là hiệu trưởng. Ngoài hiệu trưởng, thầy cô không phải chịu trách nhiệm với phòng giáo dục, sở giáo dục, hay các cấp chính quyền. Họ hiểu vai trò của nhau và tôn trọng nhau. Thường vị hiệu trưởng là thầy dạy giỏi nhất môn nào đó, ngoài công việc hành chánh như ký học bạ, bảng danh dự (giấy khen), tổ chức họp hội đồng giáo sư, đi họp ở cấp trên (rất ít). Trường học thời tôi (65-72) không hề thấy có hội phụ huynh học sinh, quan chức chính quyền, tổ chức liên hoan trống dong cờ mở khi khai trường hay bế giảng.

Trường cấp 2,3 trực thuộc nha học chánh, nha này phụ trách một số tỉnh. Hồi đó mỗi tỉnh thường có 1 trường cấp 3 và trường cấp 2 ở mỗi quận. Năm 1971, tỉnh Quảng Nam, cùng các tỉnh thành lập sở học chánh, quản lý từ tiểu học đến trung học, trước đây chỉ có ty tiểu học ở mỗi tỉnh. Hệ thống quản lý hàng dọc, nghĩa là không bị chi phối bởi chính quyền địa phương.

Chính quyền tỉnh, quận, xã không có quyền hành gì đối với các trường học. Do đó, trường hợp con tỉnh trưởng, quận trưởng…ở lại lớp do học dở (không được lên lớp) là chuyện thường xảy ra. Vị hiệu trưởng và các thầy cô không hề bị chi phối bởi chính trị (chính quyền) nên sự giáo dục hết sức độc lập trong trường.

Thầy dạy Pháp văn của tôi, ông Phan Khôi (trùng tên học giả Phan Khôi), một “nhân sĩ trí thức”, năm 1966, sau biến cố Phật giáo đấu tranh ở Hội An, được mời đứng ra giữ chức tỉnh trưởng Quảng Nam nhưng ông từ chối vì điều kiện yêu cầu của ông là không ở nhà công vụ, không đi xe nhà nước, chỉ đi xe đạp như đi dạy. Điều này nói lên trình độ giáo sư, tư cách của họ rất được trọng vọng, hơn nữa vì họ không bị chi phối bởi chính trị, chính quyền.

Thưa bạn, chuyện hơi dài, tựu trung giáo dục VNCH đã hình thành cho học sinh thế hệ chúng tôi hai tính cách dễ thấy nhất (nếu có dịp trò chuyện với lớp người này, bạn sẽ thấy tôi không nói ngoa): luôn giữ lòng tự trọng và nêu cao danh dự cá nhân. Một đặc điểm nữa: thường tự do và độc lập trong suy nghĩ, không một chủ nghĩa, một triết thuyết độc đoán nào, chi phối học sinh chúng tôi từ lúc cắp sách đến trường cho đến lúc ra trường.

Hoài niệm về nền giáo dục đó luôn canh cánh trong lòng mỗi người chúng tôi. Cám ơn bạn Minh Như Khuê Văn đã khơi lại trong tôi một tình cảm hết sức thiêng liêng: được hồi tưởng lại giáo dục VNCH.

P/S: Tôi xin phép quý vị đăng “bằng tú tài” của mình để minh họa bài viết. Tuy học khá tốt, thi đậu vào sư phạm Sài Gòn hệ 4 năm, ban Anh văn (là 1 trong 2 học sinh duy nhất tỉnh Quảng Nam) nhưng tôi không đạt nổi hạng “Bình” (ban C khó có điểm cao như ban A, B) để đi du học năm 1972 như bạn cùng lớp Nguyễn Thị Thanh Tú đang định cư ở Úc.

THẦY GIÁO Ở ĐẦM DƠI

“Sau khi lập biên bản xác minh thông tin từ đường dây nóng về việc "thầy giáo bán khẩu trang với giá cao", Cục Quản lý thị trường Cà Mau đã bàn giao vụ việc cho ngành giáo dục”. (Báo Zin.Vn đăng lúc 19.02 ngày 03.03.2020. Lưu ý “đường dây nóng”).

“Tuy nhiên, thầy T. đã thành thật nhận vi phạm của mình và cam kết không tái phạm trong thời gian tới. Do đó, các thành viên cuộc họp thống nhất kiểm điểm thầy giáo này và đề nghị nghiêm túc rút kinh nghiệm, không được tái phạm”. (Báo Giáo dục thời đại lúc 15:19 ngày 4.3.2019).

Nhiều người bảo đây là “chuyện bé xé ra to”. Không thể bé được, chuyện bán khẩu trang, khi lướt qua hai đoạn “tường thuật nóng bỏng” của hai tờ báo trích dẫn (trong nhiều bản tin ở các báo khác). Bé sao được khi truyền thông chính thống nói tới? Trước đó cũng có cả “hệ thống chính trị” vào cuộc như quản lý thị trường tỉnh, sở giáo dục, ủy ban nhân dân huyện, hiệu trưởng và tất cả thầy cô giáo trường trung học cơ sở, nơi thầy giáo “phạm tội” (lũng đoạn thị trường, làm sai chủ trương chống dịch của chính phủ…?)

Có người không hiểu vấn đề nên cho là “bé”: trên đường ra thành phố Cần Thơ về, thầy giáo T. mua một hộp khẩu trang (50 cái), giá 2600 đồng/cái, về thầy bán lại cho học sinh giá 3000 đồng/cái, lợi nhuận (Các Mác căm thù cái này lắm) 400/cái. “Hàng hóa” tiêu thụ 20 cái trong 2 ngày (kỷ lục bán hàng qua mạng còn thua xa); tổng số lãi sau thương vụ là 8.000 đồng (gần một vạn đồng!).

Thầy giáo “thành khẩn” nhận sai phạm sau khi được kiểm điểm “tận tình” của các đồng nghiệp cấp trên cũng như cán bộ có liên quan.

Dư luận của thế lực thù địch (?) biết được chuyện đã lên tiếng dữ dội (cũng tại cái thằng Facebook nhiều chuyện), phê phán cán bộ ở Cà Mau lấy dao mổ trâu mần thịt gà (biếm họa Tuổi Trẻ Cười), và lên án ông hiệu trưởng, người đầu tiên “phát hiện” một “thương vụ” mà giáo viên của ông tham gia. Nhiều bác biện lý lẽ, người ta bán một cái khẩu trang mấy chục ngàn đồng; nhiều tiệm thuốc tây ở Hà Nội thẳng thừng “không có khẩu trang, đừng hỏi”, có ai “vào cuộc” chưa? Người dân xếp hàng rồng rắn để mua khẩu trang mà không có thì người mua được ở xa mấy chục cây số nơi “tiêu thụ sản phẩm” về nhường lại cho học sinh, lời 400 đồng/ cái là quá lớn hay sao? Hơn nữa bây giờ đâu có tờ 200 đồng để thối. Học sinh ở cái Đầm Dơi này không có khẩu trang để hạn chế lây lan bệnh quan trọng hơn hay chênh lệch 400 đồng quan trong hơn?  Ôi thôi, “thế lực thù địch” trên mạng này quả là rỗi hơi, lo toàn chuyện bao đồng.

Thầy giáo nghèo kia được dư luận khắp nơi bênh vực, cho rằng thầy không sai, giá 1 khẩu trang toàn nước chính thức là bao nhiêu, mua 2600 bán lại 3000 đồng/cái là phạm pháp? Cơ quan kỷ luật thầy là sai vì hành động quá đáng. Ông hiệu trưởng làm luôn việc của quản lý thị trường, của cảnh sát kinh tế? Đồng nghiệp nghèo phải bị nêu tên cả nước có đáng là “thành tích” cho trường, cho  ông, cho huyện, cho cả tỉnh Cà Mau? “Tình nghĩa” thầy với thầy như vậy làm sao mà đòi hỏi tình nghĩa người được thầy dạy là trò với trò?

Thầy giáo nghèo tội nghiệp còn lãnh búa rìu nặng nề hơn khi cho rằng mình…sai, các quan chức định kỷ luật thầy là đúng, trong khi xã hội, những người lương thiện, đều cho thầy không sai và ra sức bênh vực thầy. Họ cảm thấy hụt hẫng và cho rằng thầy…hèn nhát, không dũng cảm, đã phụ lòng của họ. Nhà cháy lại còn đạp đinh. Tội nghiệp cho thầy, có cái gì đó bất nhẫn ở đây chăng.

Thầy giáo nghèo không có chọn lựa nào hơn ngoài đi dạy, cả người vợ của mình.Thầy sống và cảm nghiệm trong môi trường giáo dục, người thầy không phải làm tròn trách nhiệm với học sinh là đủ. Thầy còn phải có trách nhiệm với ông hiệu trưởng, với phụ huynh, với các “hệ thống chính trị” khác nữa. Đời sống của thầy chỉ có một chọn lựa duy nhất: chấp hành, chấp hành, và chấp hành. Thầy thấy nhãn tiền, chỉ với 8000 đồng, chưa tới một ly nước uống, cuộc đời của thầy như bão nổi mấy ngày nay, huống hộ chuyện “lớn hơn” trong tương lai, nếu thầy không chấp hành tổ chức công nhận mình đã…sai (dù có thể trong lòng thầy đầy ấm ức). Thầy có lẽ đã hình dung câu “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh” nên vui lòng chấp nhận mình hoàn toàn sai. Thầy là người không dũng cảm?

Nhiều người bảo hèn nhát là phân bón cho độc tài. Hết sức đúng. Nhưng thử hỏi gần 100 triệu dân (tôi tính luôn 4 triệu đảng viên) có ai dám làm khác thầy trong hoàn cảnh ở Đầm Dơi? Nếu có, ngoài số vô tù vì đấu tranh cho mục tiêu dân chủ, tôi đoán chỉ đếm được vài ngàn (trong đó coi chừng không có tôi!). Đến những vị chức vụ nằm tóp tót vời khi về hưu, lúc gần gặp Lê Nin, Các Mác, mới dám “thỏ thẻ” những điều ruột gan chân thật của mình, tôi nhấn mạnh, chỉ “thỏ thẻ” thôi, huống hồ những người khác?

Phải nhìn nhận người ta rất thành công khi hình thành một xã hội mà sự sợ hãi là cách thức quản trị ưu tiên nhất chứ không phải luật pháp ưu tiên nhất (thượng tôn luật pháp, Rule of Law).

Võ Nguyên Giáp, người hùng của chiến tranh chống Pháp, cho chúng ta thấy, nếu không biết sợ hãi, thì ông đã không nhận công việc đại tướng phụ trách “sinh đẻ có kế hoạch”.

“Nhỏ” hơn là các người trí thức như Xuân Diệu lúc tham gia cách mạng, cùng với nhiều văn sĩ, thi sĩ khác, nếu có dũng cảm đã không “đoạn tuyệt” các tác phẩm ruột gan của mình như Thơ thơ, Gửi hương cho gió, vì chúng bị lên án quá “ủy mị, lãng mạn, sặc mùi tiểu tư sản, toàn than mây khóc gió”…(trong khi đời thơ của ông thật sự gắn liền với hai tác phẩm đó). Nguyễn Tuân tâm sự: tôi còn đến bây giờ cũng nhờ tôi biết sợ. Ông lẩy Kiều “Bắt ở trần phải ở trần. Cho may-ô (áo lót phân phối) mới được phần may-ô” (Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao- Nguyễn Du).

So với thầy giáo ở Đầm Dơi, dũng cảm của các vị trên hẳn cao muôn trượng. Mắng thầy “hèn nhát” e sẽ mang tội quá nóng nảy không.

Trong một xã hội pháp luật thống lĩnh, ông thầy tội nghiệp kia sẽ không còn phải sợ hãi ai khi mình không làm gì phạm pháp chứ không phải chỉ nghe 2 từ "kiểm điểm" thôi, thầy đã "hồn phi, phách tán".

COVID-19 VÀ KINH TẾ NGƯNG TRỆ Ở TRUNG QUỐC

(COVID-19 And Its Disruption Of Chinese Economy)

Bài phân tích của Kamal Madishetty, nhà nghiên cứu làm việc cho CRP, IPCS. NLC dịch.

Sự bùng phát tác hại của COVID-19 bắt đầu tại thành phố Vũ Hán, một trung tâm công nghiệp và hậu cần lớn, có ý nghĩa kinh tế quan trọng đối với Trung Quốc cũng như các khu vực rộng lớn hơn. Tác động đáng kể nhất là sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng sản xuất và lĩnh vực hậu cần. Do đó, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý đầu năm 2020 sẽ chậm lại đáng kể, đồng thời cũng kéo theo sự ì ạch tốc độ tăng trưởng cả năm.

TÁC HẠI ĐẾN SẢN XUẤT

Tỉnh Hồ Bắc - có thủ phủ Vũ Hán - là nguồn sản xuất thép, hóa chất, điện tử và phụ tùng ô tô, đóng góp hàng thứ bảy cho GDP của Trung Quốc. Sau khi dịch bệnh bùng phát, các đơn vị sản xuất ở Hồ Bắc đã hoàn toàn đóng cửa, trừ một số ít ngoại lệ.

Tỉnh bị phong tỏa từ ngày 23 tháng giêng, chính quyền nghiêm cấm các tuyến vận chuyển. Việc ngăn trở các chuyến chở hàng phát xuất từ Vũ Hán đến các nơi trong nước và quốc tế đã làm tê liệt hoạt động kinh tế toàn vùng. Một số lớn công nhân về quê ăn tết đã bị kẹt lại vì hạn chế giao thông dẫn đến thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực.

Do dịch bệnh tràn lan, chính quyền gia hạn thêm thời gian nghỉ tết từ 31 tháng giêng đến 10 tháng 2. Nhưng sự gián đoạn vẫn không dứt, bởi các công ty vẫn lo ngại việc khởi động lại các hoạt động sản xuất. Trong khi giao dịch ở các trung tâm tài chính như Thượng Hải và Bắc Kinh nối lại hoạt động từ ngày 10 tháng 2, hoạt động kinh tế vẫn còn lặng tờ trong những khu tập hợp sản xuất ở hậu phương. Các công ty trong những khu vực này lo lắng lây lan dịch rộng lớn trong đội ngũ công nhân làm việc sát cạnh nhau.

Chuỗi cung ứng ngành sản xuất điện thoại thông minh bị ảnh hưởng nặng nề nhất, sau khi đã quay cuồng với nhu cầu toàn cầu sụt giảm trong vài năm qua. Hầu như tất cả các thương hiệu điện thoại thông minh lớn trên thế giới đều lấy đầu vào từ các nhà cung cấp ở Trung Quốc. Sản xuất trong các đơn vị như vậy đã ngừng trệ thê thảm.

Nhà cung ứng hàng đầu cho Apple, và cũng là nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, Foxconn, vẫn còn đang đóng cửa. Cũng không rõ khi nào nó phục hồi hoạt động sản xuất. Theo dự báo của công ty International Data, các chuyến hàng điện thoại thông minh của Trung Quốc rơi xuống 30% trong quý đầu năm nay. Các chuyến hàng khác, theo nghiên cứu của công ty Canalys, sự sụt giảm tương tự còn ác liệt hơn. Do bản chất tích hợp của chuỗi cung ứng hàng điện tử, sự gián đoạn mới nhất không chỉ tác động đến đầu ra ở Trung Quốc mà còn làm hại chuỗi giá trị toàn diện và các kênh phân phối ở rất nhiều quốc gia khu vực.

NGÀNH VẬN CHUYỂN HẬU CẦN VÀ DU LỊCH: CÚ ĐÁNH CHOÁNG VÁNG

Bùng nổ dịch cũng tác động xấu lên vận chuyển hàng và du lịch. Giống dịch SARS, giới chức TQ áp đặt các hạn chế đi lại nghiêm ngặt, làm tê liệt ngành vận tải. Các công ty hoạt động đường bộ, vận chuyển hàng hóa, và đường thủy bị thiệt hại nghiêm trọng. Mặc dù một số đã bắt đầu hoạt động nhưng mức độ vẫn ở dưới mức bình thường. Theo bộ giao thông, tính đến ngày 22 tháng 2, chưa tới 30% các công ty ngành vận tải nối lại hoạt động, trong khi giao thông trên đường cao tốc chỉ bằng phân nửa lúc bình thường.

Những hạn chế đi lại hàng không đến và đi từ TQ dẫn đến nhiều chuyến bay bị hủy. Khi ảnh hưởng này tác động rõ nhất lên các hãng bay nội địa, sự thiệt hại đối với các hàng không một số nước cũng rất đáng kể. Theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế, tổn thất do dịch bệnh gây ra cho doanh thu hàng không ở vùng Châu Á Thái Bình Dương dự kiến khoảng 27,8 tỷ đô la Mỹ, trong đó có 12,8 tỷ thiệt hại doanh thu đối với các hãng bay trong nước của TQ. Vì tổn thất cố định liên quan đến lao động, máy bay, và hoạt động mặt đất khó mà giảm xuống, các công ty hàng không trong khu vực thật sự đối mặt với nguy cơ phá sản.

Ngành du lịch có lẽ cũng tác hại đến châu Á và Đông Nam Á do hệ quả của giới hạn đi lại. Một số nước sống nhờ du lịch trong vùng tùy thuộc khá lớn vào khách du lịch TQ để có doanh thu. Theo IHS Markit, khách TQ chiếm ít nhất 30% các cuộc viếng thăm của người ngoại quốc đến Thái Lan, Nhật Bản, và Việt Nam. Họ cũng đóng góp đáng kể vào các quốc gia khác trong vùng như Singapore, Australia, và Campuchia. Sụt giảm mạnh mẽ các chuyến đến thăm của khách, như đã ước lượng trong trường hợp Singapore, sẽ là sự báo hiệu tác động nguy hại lên hoạt động kinh tế trong tất cả các nước này.

KẾT LUẬN

Tóm lại, tác động lây lan dịch lên sản xuất và dịch vụ sẽ làm chậm tăng trưởng trong quý đầu năm 2020 một cách đáng kể. Theo thăm dò mới đây của Reuters, các nhà kinh tế tiên đoán tăng trưởng trong thời gian này sẽ giảm từ 6 xuống còn 4,5 % theo so với quý trước. Tuy nhiên, tác động rộng lớn hơn cho tỷ lệ tăng trưởng cả năm vẫn còn chưa thấy rõ. Trong lúc tỷ lệ tăng trưởng cả năm (5,5% theo thăm dò của Reuters) chắc chắn thấp hơn 6,1% đạt được trong năm 2019, công việc còn tùy thuộc rất lớn vào chính quyền có sớm khống chế được dịch hay không.

Như vậy sẽ không có dấu hiệu chắc chắn nào cho thấy khủng hoảng đã chạm đáy. Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế cho rằng sự lây lan COVID-19 có thể được kiểm soát trong thời gian nhanh hơn đối với SARS từng kéo dài 6 tháng. Dù một kịch bản lạc quan như thế báo hiệu cho sự phục hồi kinh tế TQ vào cuối năm nay, điều đó cũng không chắc bảo đảm giảm bớt sợ hãi với cảm giác làm ăn bất an kéo dài trong rất nhiều tháng nữa.

CHIẾN HAY CHẠY?

“Fight-or-flight” là một thuật ngữ trong một cuốn sách tôi vừa dịch cho nhà xuất bản Phương Nam. Theo đó, con người từ khi xuất hiện trên trái đất đã áp dụng phương thức này để sinh tồn. Triết lý: lúc cần “chiến đấu” mà “bỏ chạy” sẽ chết không khác chi lúc cần “bỏ chạy” mà lại “chiến đấu”.

Một con virus mắt thường không thấy nhưng lại gần như “vô địch”, một đất nước 1,4 tỷ dân cũng phải lao đao, khốn khổ vì nó. Chỉ với chừng hơn 2 tháng số người nhiễm lên hơn 107 ngàn, và số người chết là 3600. Từ chủ tịch nước Trung Quốc, tổng thống Donald Trump, 2 cường quốc hàng đầu, cho đến người dân khố rách áo ôm trên trái đất đều đang sống trong lo lắng sợ hãi.

Hà Nội hoảng loạn đua nhau mua hàng hóa thức ăn dự trữ khi chỉ nghe có thêm mỗi một ca bệnh thứ 17. Một vài thành phố phát hiện thêm một hai người nhiễm (không phải chết) dân cả nước cuống cuồng như sắp động đất.

Nhiều nguyên do cho nỗi sợ. Virus không phân biệt chủ tịch nước với người dân quèn, lây lan lặng lẽ, không kể biên giới, vô hình, mau lẹ nhất trong máy bay, tàu thủy du lịch. Một người nhiễm vi rút hàng trăm người bị theo dõi, cách ly. Chỉ có 6 người nhiễm bệnh ở một xã miền Bắc mà cả số dân 11 ngàn bị “cô lập”. Chính sự cô lập do vi rút làm mọi hoạt động xã hội, nhất là hoạt động kinh tế ngưng trệ. Không rõ bao người chết, người nhiễm mà gần 60 triệu dân Hồ Bắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập”; Một nước có GDP chỉ kém có Hoa Kỳ bây giờ đối diện với tăng trưởng âm vì dịch. Không hốt hoảng sao được.

Hốt hoảng hay sợ hãi là bản năng sinh tồn. Chính bản năng này giúp con người sống sót. Nhưng sợ hãi rồi “bỏ chạy” trong tình hình “nguy cập” hiện nay sẽ ích lợi gì trong khi “chạy trời không khỏi cô Vy”.

Fight or Flight, chiến đấu hay bỏ chạy? Chiến đấu làm sao khi chưa có vũ khí diệt vi rút như thuốc đặc trị hay vaccine chích ngừa? Chỉ có một cách duy nhất mọi người đều biết: tránh nơi đông người, nhất là trong không gian đóng kín, nếu cần phải đến nơi đó nhất thiết phải đeo khẩu trang, không đứng gần ai có dấu hiệu bệnh hắt hơi sổ mũi, ăn uống đủ chất, năng tập thể dục, nhà cửa thoáng đãng, nếu có dấu hiệu sốt, ho khan, liệu mà đến ngay y tế…và quan trọng hàng đầu: KHÔNG SỜ TAY LÊN MẶT.

Các nhà khoa học nhận thấy vi rút lây chủ yếu qua màng nhầy ở vòm miệng, hốc mũi và mắt. Vật trung gian đưa cô Vy lên   nơi đó là bàn tay. Tay luôn sờ lên mặt. Không nên sờ lên mặt, nói dễ nhưng làm rất khó.

Năm 2015, một đại học ở Sidney quan sát 26 sinh viên y khoa bằng camera trong ngày, thì thấy rằng trung bình một giờ, các bác sĩ tương lai này sờ tay lên mặt 23 lần, và 44% những lần sờ đó nhắm vào mắt, mũi, miệng.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy chỉ một lần tiếp xúc thì Corona trên các ngón tay đã chui vào cơ thể qua đường mũi, mắt, và miệng. Vi rút tấn công hệ hô hấp được tìm thấy ở ba nơi này. Tay mất vệ sinh (không rửa bằng xà phòng sát khuẩn, dung dịch 60% cồn) khiến con người dễ dàng nhiễm bệnh.

Sờ tay lên mặt là thói quen cả đời của con người, không dễ gì bỏ hay hạn chế số lần sờ mặt. Một chuyên gia y tế đang giảng giải cho khán giả cách thức phòng bệnh Corona , bằng cách không sờ tay lên mặt, chạm vào mũi, miệng, mắt nhưng khi lật sách tham khảo qua chương khác, bà ta đã đưa ngón tay lên miệng thấm nước miếng để dễ lật trang giấy. Donald Trump tuyên bố, ông là người chúa ghét vi trùng (germaphobe): “Tôi cả mấy tuần rồi không sờ lên mặt. Tôi quên nó rồi” (ổng “hề” thôi) khi tiếp các chuyên gia chống Corona trong tòa bạch ốc nhưng tức thì một bức ảnh chụp ông ta đang tỳ một ngón tay lên mặt ngay sau đó (ảnh).

Vì sao người ta hay sờ tay lên mặt? Ngay khi năm bảy tuổi, con người đã luôn sờ tay lên mặt. Một nghiên cứu cấp liên bang (Mỹ) năm 2014 cho biết sờ tay lên mặt liên quan đến stress. Sờ tay lên mặt giúp người ta giảm bớt lo lắng, bất an, hay khó chịu. Cử chỉ sờ tay lên mặt xảy ra cả ngày không phải là một động tác tạo cảm thông, và thường ít được hay không được ý thức.

Không bỏ được thói quen sờ tay lên mặt không phải là “bó tay chấm com”. Sau đây là vài gợi ý cho quý vị có thể giảm bớt nguy cơ lây nhiễm khi phải sờ tay lên mặt.

Hãy nhớ chú ý đến thói quen này khi bạn sổ mũi, hắt hơi, nên luôn có khăn giấy bên mình. Có chúng bạn sẽ không phải dùng đến các ngón tay để chạm vào nơi nhạy cảm là màng nhầy ở mũi, miệng. Kế đến hãy rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn, nếu không có thì rửa bằng cồn 60% ít nhất 20 giây (phải rửa đúng cách).

Rồi quý vị cũng phải chú ý đến các “vật trung gian truyền bệnh” khác ta tiếp xúc cả ngày như điện thoại, chìa khóa xe, nắm cửa ra vào, thang máy…kể cả tiền mặt, thường “trôi nổi” thập phương. Hãy chú ý chúng có thể dính vi rút và chuyển mầm bệnh vào cơ thể mình qua các màng nhầy ở mũi, mắt, miệng, và có khi qua vết xước nhẹ ở mặt, cổ. Nếu muốn "bắt tay" thì dùng tạm cái chân, đá vào nhau như dân Vũ Hán vừa sáng tạo khi chào hỏi nhau mùa dịch.

Chiến đấu là đây: hãy rửa tay thường xuyên, cố gắng tránh đưa tay sờ mặt, và nếu có muốn “yêu đương tha thiết” hoa khôi du lịch từ ổ dịch ở nước Ý trở về, thì hãy đợi đến hết mùa dịch hay qua 14 ngày cách ly,  sẽ ôm nhau, hôn nhau, sờ vào nơi nhạy cảm có cấu tạo màng nhầy (mucous membrane) –  không có gì phải vội để rồi hoảng hốt.

Chú thích ảnh: TQ có nguy cơ tăng trưởng âm. Giáo phái Tân Thiên Địa nguồn gây bệnh vì tín đồ ngồi sát nhau, "đông đen". Tổng thống Donald Trump và hoàng đế đỏ Tập Cận Bình.