Saturday, January 20, 2024

CHẲNG CÓ CÁCH NÀO THẮNG CUỘC THƯƠNG CHIẾN VỚI TRUNG QUỐC.

Lời người dịch: Báo chí Mỹ rất ghét Trump. Họ đã từng hùa nhau tấn công ông ta trước bầu cử Mỹ với dự báo Trump thất bại. Họ đã sai. Lần này không biết họ có đúng không. Một nước Mỹ cái gì cũng không giấu được dân, khác hẳn ở Trung Quốc, “trên dưới một lòng”, mọi lời nói của lãnh đạo cả tỷ người vâng dạ vang trời, được phóng to bởi loa tuyên giáo với những điệp khúc hùng hồn.

Đâu có như Trump, “bốn bề thọ địch” nhưng ông ta vẫn chiến thắng. Qua kết quả bầu cử đầy kịch tính ở Mỹ, chúng ta mới thấy một lãnh đạo cần phải tài năng xuất chúng mức nào, chứ không phải chỉ qua vài cuộc họp như hội kín, nhờ “cơ cấu” là nắm ngay quyền lãnh đạo như ở TQ và các nước độc tài.

(This is No Way to Win a Trade War with China)

Chẳng cần tranh cãi chuyện TQ đang có những hành vi xâm nhập và không công bằng nhằm bảo vệ và phát triển các ngành công nghiệp nước họ.

Tuy nhiên, nếu phân tích của chính quyền Trump về quan hệ kinh tế Hoa Kỳ - Trung Quốc là đúng, biện pháp để khắc phục đã bị bỏ lỡ.

Hầu hết các nhà quan sát tin rằng sử dụng thuế quan đơn phương của HK sẽ thất bại, không đạt được những mục đích đề ra và sẽ gây thiệt hại nền kinh tế cả Hoa Kỳ lẫn TQ.

Hơn nữa, sự việc này có thể tác động xấu lâu dài cho việc củng cố niềm tin của TQ rằng họ sẽ thắng trong tương lai với các thử thách thuộc về ý chí.    

Trong những buổi thảo luận công khai về quan hệ thương mại Hoa Kỳ và TQ, tổng thống Donald Trump đã chú trọng vào thặng dư khổng lồ trong thương mại song phương – 419 tỷ đô la năm 2108 – như là chứng cớ người Trung Quốc đã “lừa” và “cưỡng bức” (cheating and raping) nền kinh tế Mỹ.

Nhiều nhà kinh tế chỉ trích Trump quá sức đơn giản nếu không nói là sai lầm: việc xác định cân bằng mậu dịch mới là vấn đề trụ cột trong quan hệ kinh tế song phương.

Nhiều cố vấn cao cấp của Trump, như đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, ngược lại, nhấn mạnh mục tiêu lớn hơn khi bắt TQ phải giải quyết những vấn đề thuộc cấu trúc như: bảo hộ mậu dịch, chống các ngành dịch vụ nước ngoài, bao cấp hầu hết trong nền kinh tế, do thám công nghệ được nhà nước bảo trợ, ăn cắp sở hữu trí tuệ, chuyển giao kỹ thuật bắt buộc, như là cái giá người nước ngoài phải trả để làm ăn tại TQ.

Cách tiếp cận này được các doanh nghiệp Mỹ và các nơi khác nhất tâm ủng hộ khi muốn xâm nhập vào thị trường TQ.

Để đối phó với cán cân chênh lệch giao thương, HK năm 2108 đã áp đặt thuế quan lần lượt trên ba “nhóm” hàng xuất từ TQ, ban đầu 34 tỷ đô la hàng nhập hằng năm, sau là 16 tỷ, cuối cùng thêm 200 tỷ.

Khi tranh cãi kéo dài, thuế suất HK tăng lên, và hiện nay Trump đe dọa trừng phạt hầu hết hàng nhập khẩu từ TQ.

Bắc Kinh đáp trả bằng các trừng phạt của mình, và họ nói sẽ tăng thuế quan từ 10 % lên 20 -25 % trong khoảng 60 tỷ đô la hàng xuất khẩu từ Mỹ đến TQ đã đánh thuế.

Tổng thống Trump phát biểu ông tin tưởng chiến tranh mậu dịch “là tốt và dễ thắng”.

Thật sự thì tất cả các chuyên gia đều không đồng ý.

Quỹ tiền tệ quốc tế kết luận người tiêu dùng Hoa Kỳ và Trung Quốc “dứt khoát là những kẻ thua” trong một chiến tranh mậu dịch.

Viện kinh tế quốc tế Peterson ước tính thuế quan hiện nay áp lên hàng nhập của TQ gây tổn thất cho gia đình Mỹ 550 đô la, số này sẽ tăng lên 2200 nếu chính phủ tăng thuế quan lên 25 % đánh vào 500 tỷ hàng TQ nhập khẩu như đã đe dọa.

Một nghiên cứu khác ước tính mất mát thật sự trên 2.2 triệu việc làm nếu tất cả thuế quan cứ tiếp diễn và gây ra giảm sút doanh thu.

Một chỉ dấu cho tác động ở Mỹ là chính quyền Trump đã trả 8,5 tỷ đô cho các nông dân, bù lỗ do hậu quả chiến tranh thương mại và hứa sẽ trả nhiều tỷ những đợt trợ cấp khác.

Goldman Sachs (ngân hàng đầu tư toàn cầu – ND) tiên đoán chiến tranh thương mại đang xảy ra sẽ giảm tăng trưởng kinh tế Mỹ 0,4 %, và nhiều hơn nếu nó tác động lên thị trường chứng khoán.

Văn phòng Thương mại Hoa Kỳ dự báo sẽ mất 1000 tỷ đô la nếu cuộc chiến tranh này kéo dài một thập kỷ.

Trung Quốc đương nhiên cũng phải thiệt hại.

Giá thực phẩm tăng vọt trên diện rộng từ khi chiến tranh mậu dịch khởi đầu.

Có nhiều bằng chứng cho thấy công nhân đang bị sa thải và sức tiêu thụ giảm thấp.

Theo mô phỏng của Viện Phát triển Kinh tế Nhật Bản, trong một cuộc chiến thương mại kéo dài 3 năm gồm 25 % thuế quan tăng thêm lên tất cả hàng hóa nhập khẩu đánh vào nhau, nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ bị tác động giảm 0,4 %; Trung Quốc bị nặng hơn ở mức 0,6 %.

Trái với những tuyên bố của tổng thống Trump, thật chẳng dễ gì khiến TQ dỡ bỏ tất cả thương mại không công bằng và những chủ trương đầu tư vì sự áp đặt của thuế quan, thật sự sẽ cực kỳ khó.

Đáp ứng những đòi hỏi của Mỹ về thay đổi cấu trúc sẽ phải thỏa hiệp một số đòn bẫy chủ yếu nhờ đó đảng Cộng sản Trung Quốc mới độc quyền sức mạnh chính trị tại nước họ.

Duy trì kiểm soát của đảng lên xã hội là lĩnh vực các nhà lãnh đạo TQ không thể thỏa hiệp, như thế giới đã thấy quá rõ từ 30 năm trước.

Tập Cận Bình buộc phải lo lắng duy trì hình ảnh của ông ta trong nước như là người bảo vệ lợi ích và danh dự của người Trung Quốc trong cuộc đấu, và hầu hết dân chúng họ tin rằng đòi hỏi của Mỹ là bất công, đơn giản phản ánh ý của  Mỹ không muốn chấp nhận thành công của TQ.

Tập có lẽ chịu gánh nặng kỳ vọng quá cao trong quần chúng rằng ông ta phải thắng cuộc đấu với Mỹ hơn các vị tiền nhiệm của mình.

Ông chủ trì một thời đại Trung Hoa “quyết đoán” sau Đặng, dân chúng ngày càng tin sẽ thắng một khi bị ngoại bang thách thức.

Sự sùng bái cá nhân ông ta từng ấp ủ khi lên nắm quyền sứt mẻ trong những trận chiến chính sách đối ngoại đang hiển hiện.

Hậu quả, chính quyền TQ đang phát động sức đối kháng mạnh mẽ.

Trong khi phản ứng chính thức chính quyền TQ là làm nhẹ đi tác động của cuộc chiến mậu dịch – điển hình là nhận định của Wang Zhijun, thứ trưởng bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, nhấn mạnh tác động do thuế quan Hoa Kỳ sẽ “có thể xử lý” – những hành động khác của chính quyền lại tỏ ra ngược lại.

Ngân hàng Trung ương (TQ) tiếp tục cắt giảm những yêu cầu dự trữ để bảo đảm cho người vay có được tiền nếu nền kinh tế đi xuống.

Bắc Kinh đã thành lập lực lượng đặc nhiệm, Nhóm Lãnh đạo Công tác Việc làm Hội đồng Quốc gia, theo dõi mất việc làm gây ra bởi chiến tranh thương mại.  

Bộ Thương mại loan báo họ đang phát triển “danh sách đen gây hồ nghi (“unreliable entity list”) về những tổ chức và cá nhân được coi là gây hại cho các công ty TQ hay có thể đe dọa an ninh quốc gia.

Hăm dọa cắt bỏ xuất khẩu đất hiếm, cho đến nay được đưa ra truyền thông trên Nhân dân Nhật báo, là dấu hiệu rõ ràng của tình hình nghiêm trọng.

Nhiều doanh nghiệp Mỹ ở TQ báo cáo họ đang chịu quấy nhiễu hành chính – một trò thường thấy của giới quan chức TQ – như là hậu quả của chiến tranh quan thuế.  

Ngược với những bảo đảm sai lệch của Trump với quần chúng Mỹ, chính quyền TQ đang chuẩn bị cho dân chúng họ sẵn sàng với gian khó và giải thích sự cần thiết của cuộc chiến đấu chống Mỹ lâu dài trong cả nước.

Tuyên bố cao giọng của thứ trưởng ngoại giao Zhang Hanhui đã thẳng thừng khi ông ta gọi hành động của Mỹ  là “khủng bố kinh tế lộ liễu, chủ nghĩa nước lớn kinh tế, và bắt nạt kinh tế”. Điều đó đáp ứng lời kêu gọi của chủ tịch Tập Cận Bình về một “Tân Trường chinh” trong một xuất hiện gần đây – tại nhà máy chế biến đất hiếm, không khác chi – hiệu triệu toàn nước chống lại sự bắt nạt của ngoại bang.

Và nếu như thế còn quá tế nhị thì truyền hình quốc gia đang cho chiếu những bộ phim về chiến tranh Triều Tiên, khi TQ cuối cùng đã “đánh bại’ quân xâm lược Mỹ.

Xã luận của Tân Hoa Xã nhắc nhở độc giả “Nhân dân Trung Quốc tất cả đều có tinh thần chiến đấu ngoan cường. Lịch sử đã chứng minh gian khó chỉ làm cứng rắn quyết tâm của nhân dân Trung Quốc chiến đấu và nuôi dưỡng năng lực chiến thắng…Hãy nhận thức rõ, không thế lực bên ngoài nào có thể ngăn cản TQ vươn tới Giấc Mơ Trung Hoa của 1 quốc gia tái hồi sinh”.

Những khoa trương lòng yêu nước của truyền thông TQ nêu bật lợi thế chiến tranh tâm lý Bắc Kinh ưa thích với tư thế một quốc gia độc tài với một nền báo chí bị kiểm soát nhằm phục vụ cho ý đồ của chính quyền.

Truyền thông Mỹ thì tự do tường thuật thuế quan tai hại thế nào cho dân Mỹ trong lúc không có gì đối chứng từ phía TQ. Một xã luận của Nhân Dân nhật báo giải thích “Bước nhảy bất cẩn của Washington vào bóng tối đã đổ xuống cùng với sự chống đối và lên án dữ dội từ trong nước”.

Hiệp hội Đậu nành, May mặc và Giày dép, Kỹ Thuật Tiêu dùng, Hội Bán lẻ Quốc gia và nhiều giai tầng đời sống đang hoang mang trên thị trường, gây tổn thất lợi ích người tiêu dùng, công nhân, nông dân và các công ty, phương hại nghiêm trọng nền kinh tế Hoa Kỳ.

Cuối cùng, chiến tranh quan thuế rộng khắp mỗi bên có thể cố gắng chịu thật giỏi nỗi đau cả hai đều phải hứng chịu.

Trung Quốc hầu hết đều giấu kín, trong khi Mỹ thì tự do thoải mái luận bàn như để làm suy sụp tinh thần dân tộc.

Người ta kỳ vọng TQ sử dụng mục tiêu tái đắc cử năm 2020 để dụ ông ta (Trump) đi đến một dàn xếp tương đối ít tổn thất cho Bắc Kinh.

Tìm kiếm một khủng hoảng để kết thúc với việc TQ đáp ứng yêu sách tối thiểu của Hoa Kỳ - giải quyết quan tâm chính của Trump – bằng cách hứa hẹn mua vài trăm tỷ đô la hàng xuất khẩu thặng dư của Mỹ và (giả bộ, insincerely) hứa xem xét các vấn đề cấu trúc (của nền kinh tế TQ -ND)

Điều này sẽ cho phép Trump bỏ túi (pocket) “một chiến thắng” trước bầu cử 2020, kêu gọi ngừng chiến trong chiến tranh mậu dịch, và quay trở lại làm ăn như thường.

Điều đó còn cho phép Bắc Kinh làm ngơ những yêu sách đòi hỏi tư nhân hóa nền kinh tế, dứt khoát mở cửa cho cạnh tranh nước ngoài trong những lĩnh vực hiện nay bị bảo hộ, và từ bỏ hành vi ăn cắp (stealing), cướp giật (extorting) công nghệ tiên tiến.

Chính quyền Trump đã đúng khi đối phó với sự thôn tính kinh tế có hệ thống (systematic economic predation) nhưng sách lược thực thi của mình lại ít cơ hội thành công có ý nghĩa.

Bắc Kinh có thể nổi lên nhờ kinh nghiệm này, tệ hơn nó còn chứng tỏ Hoa Kỳ không thể bảo vệ lợi ích của mình bởi sức hút không gì cưỡng nổi thị trường TQ và sự bất lực của những người Mỹ không chịu nổi ngay cả những khó khăn ngắn hạn.

Hệ quả này có thể củng cố cái nhìn của người Trung Hoa về Hoa Kỳ như là một đất nước đang suy yếu và hỗn loạn (weakening and dysfunctional).

Đồng thời, nó còn khuyến khích sự liều lĩnh của Bắc KInh thách thức Washington qua hàng loạt vấn đề.

Một hy vọng thực sự duy nhất cho thành công của Hoa Kỳ là hãy điều chỉnh chính sách, có thể dễ trong lý thuyết nhưng nan giải trong thực tế.

Washington phải bỏ qua trừng phạt đơn phương chống TQ và thay vào đó, tập trung xây đắp liên minh đa phương để đập bỏ hành vi thương mại bất hảo của TQ.

Chỉ có một mặt trận thống nhất các quốc gia thương mại tầm cỡ mới có cơ may thay đổi mãi mãi và hiệu quả hành vi của người Trung Quốc, và đó vẫn còn là một bước khá xa.

Chính quyền Trump phải cần từ bỏ những tấn công lầm lạc vào các đối tác lớn như EU, Nhật Bản, Mexico và Canada. Chính phủ phải quay về phương sách ngoại giao đa phương và cần tin tưởng ít nhiều vào các định chế quốc tế như WTO.

Mọi lời khuyên này đều đi ngược lại quán tính của chính quyền Trump, và thất bại trong kiểm soát những xung lực kể trên sẽ gây tai hại cực lớn cho nước Mỹ.

Bài đăng trên National Interest 10-6-19 của  Brad Glosserman Denny Roy, thành viên cao cấp tại East-West Center (Trung tâm Đông Tây), Honolulu.

CHẤT KEO GẮN KẾT.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khiến 2 nước đang chao đảo, nhất là Trung Quốc. Vì sao Mỹ phát động cuộc chiến? Rõ ràng, ngoài cáo buộc gian lận thương mại, ăn cắp sở hữu công nghệ...thì sự trỗi dậy của con sư tử vừa thức vài chục năm nay là lo âu sâu xa nhất của Mỹ.

Trở thành người đua tranh với một nước sau đệ nhị thế chiến bá chủ thế giới là chuyện "khó mà chấp nhận". Nhưng thực tế rõ ràng, với số dân gần 1/4 thế giới, tiếng nói của Bắc Kinh không như trước nữa. Một TQ hùng mạnh xuất hiện. Nhiều nước phương Tây thán phục phát triển thần kỳ của đất nước chỉ mới 5 thập kỷ trước đây là đất nước của đói nghèo và hỗn loạn với " Đại nhảy vọt" và "Cách mạng văn hóa".

Những người Việt từng coi TQ là mẫu mực phát triển càng mừng rỡ: "Chủ nghĩa cộng sản mang màu sắc TQ" là chọn lựa đúng đắn. Nhờ có đảng cộng sản, TQ mới mau chóng trở nên đối trọng người Mỹ còn phải sợ hãi. Tôi thì không nghĩ như thế.

Trung Hoa vốn là dân tộc thông tuệ, biết làm ăn, giỏi chịu đựng gian khó. Khắp thế giới có mặt người Trung Hoa. Ngay cả Mỹ cũng có những Chinatowns.

Trước 1975, người Hoa Chợ Lớn thật sự đã nắm yết hầu kinh tế miền Nam. Tiến sĩ kinh tế Phạm Kim Ngọc tốt nghiệp tại Mỹ về làm bộ trưởng cũng "ná thở" với các chú Ba Tàu Chợ Lớn. Nguyễn Cao Kỳ "thủ tướng" trước đó cũng sử dụng nguyên lý "cải cách ruộng đất" để lấy mạng sống tài phiệt Tàu khuynh đảo kinh tế với mục đích "hại một người, cứu muôn người". Kết cuộc, kinh tế miền Nam cũng vẫn bị chi phối bởi người Hoa Chợ Lớn.

Những phi công đầu tiên lái Boeing khi xuất hiện tại Sài Gòn trước 1970 đa phần là người Hoa, Đài Loan. Những người Hoa ở Singapore, Đài Loan, Hương Cảng, và những phố Tàu ở các nước tiên tiến… Tất cả họ có được lãnh đạo bởi đảng cộng sản trong lục địa đâu mà họ vẫn phát triển vượt bực hầu hết trên nhiều phương diện.

Người Hoa không phát triển được dưới thời Mao Trạch Đông nhưng phát triển vượt bật từ thời Đặng Tiểu Bình "cải cách mở cửa", "mèo đen, mèo trắng, mèo nào bắt được chuột  là tốt(khi được hỏi liệu ông ta có bỏ chủ nghĩa cộng sản để theo chủ nghĩa tư bản không). Sự trỗi dậy của TQ nếu hòa bình thì tại sao Mỹ và các nước phương Tây ngày càng e ngại ?

Rõ ràng TQ "chơi chẳng giống ai". Trong khi Huawei của mình thì vào được phương Tây mà Facebook, Google...thì phải cuốn gói khỏi Trung Quốc. Chơi "dậy" thì chơi với "dế" à?

Nếu Tập Cận Bình không đi theo con đường sùng bái lãnh tụ, không tự tách Trung Hoa ra khỏi thế giới, không làm chủ tịch (vua) mãn đời, không càn lướt bắt nạt ở Biển Đông, không làm ăn bá đạo " đi tắt đón đầu", những "tập tính cộng sản", TQ đâu phải xính vính vì anh chàng tóc vàng "sáng nắng chiều mưa", chưa từng một ngày làm "cán bộ" mà trở thành tổng thống. Chính lề thói độc đoán phát sinh từ chủ nghĩa cộng sản đã khiến thế giới sợ hãi cả 1.4 người TQ trong khi họ là dân tộc giỏi giang không đáng phải bị sợ hãi như thế.

Chủ nghĩa cộng sản đã được khai thác để "con vua thì được làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa". Tôi không xuyên tạc. Ba đời cha con ông cháu Kim Jong- un là ví dụ sinh động nhất.

Anh em Fidel Castro cũng là ví dụ nhỏ nhưng thú vị. Ở VN không nổi trội nhưng không phải không có. Các hổ tử Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Bá Cảnh...cũng là ví dụ nhỏ hơn.

Một chủ nghĩa, một triết thuyết, khuynh đảo, làm méo mó phát triển bình thường của xã hội như thế có đáng phải hy sinh nhiều thế hệ để đeo đuổi không? Điều này nhắc nhớ quá khứ, VN xem Nho giáo là lẽ sống. Một ngàn năm đô hộ là quá dài. Mọi cái gọi là văn hóa, truyền thống trong quá khứ, cả hiện nay của VN không khác văn hóa, truyền thống của Trung Hoa nhiều lắm. Ảnh hưởng (mặt tiêu cực) của Nho giáo lên đời sống người Việt Nam không dễ một sớm một chiều mà phai nhạt.

Số phận đất nước VN trong lịch sử bi thương không phải chỉ vì ta ở sát nách ông khổng lồ mà chính là ta không thoát khỏi cái bóng đen bao trùm từ phương Bắc.

Mấy thế kỷ trước, người Nhật đã thoát ra cái bóng ấy thật dứt khoát và ngoạn mục. Quá khứ như thế, hiện tại, nước VN lúc này, có làm được như người Nhật đã làm, hay lại dính chặt bởi chất keo "lý tưởng tương thông", để mấy chục năm nay ì ạch trên con đường phát triển, chỉ tiêu 2020 là nước "công nghiệp cơ bản phát triển" đạt được không?

"Kinh tế phát triển thần kỳ" của TQ liệu có còn thần kỳ nữa không khi ăn cắp là chiến lược, là bản chất, được phát triển bởi Tập Cận Bình, nhờ chủ thuyết cộng sản, sẽ là lãnh tụ muôn đời, áp đặt lối chơi "không giống ai" ra thế giới, và liệu thế giới dẫn đầu bởi Mỹ có để ông ta mãn đời "múa gậy vườn hoang"? Câu trả lời có lẽ không khó và cũng không lâu. "Keo gắn kết", nếu khôn, thì nên bong ra thật sớm.

TIẾNG ANH THÀNH... TIẾNG EM.

Quốc hội đã bỏ phiếu không công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, bác bỏ cố gắng của luật giáo dục muốn tiếng Anh được xếp sau tiếng Việt Chúng ta không rõ lý do sâu xa vì sao như vậy. Ngoại ngữ là môn học hết sức quan trọng. Biết một ngoại ngữ là biết thêm một thế giới mới với nhiều nền văn hóa mới.

Chế độ VNCH buộc học sinh từ lớp 10 (đệ tam) phải học thêm một ngoại ngữ thứ 2 bên ngoại ngữ thứ nhất bắt đầu từ lớp 6 (đệ thất). Ở VN, do hoàn cảnh chiến tranh, đất nước chia cắt, ngoại ngữ được giảng dạy khác nhau, miền Bắc đề cao tiếng Nga, tiếng Trung; miền Nam thì tiếng Anh, tiếng Pháp. Các nhà làm giáo dục thời ấy không rõ quan niệm học ngoại ngữ vì mục đích mở rộng tầm nhìn hay học ngoại ngữ vì mục đích chính trị -  nó là thứ tiếng nói của các đàn anh, các cường quốc dẫn đầu?

Nếu vì mục đích chính trị mà chọn ngoại ngữ nào thì thật sự tầm nhìn quá hạn hẹp nếu không nói là vô minh.Tiếng Anh có phải là thứ tiếng được mọi nước trên thế giới sử dụng vì nó là thứ tiếng của Mỹ, một cường quốc hàng đầu thế giới? Ngôn ngữ được nhiều người nói nhất trên thế giới là tiếng Trung chứ không phải tiếng Anh.

Tại sao người ta không sử dụng tiếng Trung mà sử dụng tiếng Anh trong khi Trung Quốc đang trên đà muốn thay thế Mỹ ?

Rất dễ hiểu, không phải thứ tiếng của Mao Trạch Đông khó viết, khó nhớ mà vì những tiến bộ làm thay đổi thế giới lại phát sinh từ xứ sở của Washington.

Những tiến bộ khoa học kỹ thuật nhiều nước thủ đắc nhưng Mỹ là nước thủ đắc nhiều nhất.

Chỉ những ai biết tiếng Anh mới có thể tìm hiểu và học hỏi thành quả khoa học xuất phát từ xứ sở nhiều chủng tộc sinh sống này.

Các nước tiên tiến khác có những phát minh khoa học thay đổi thế giới không kém Mỹ nhưng muốn trao đổi thành tựu với nhau dứt khoát họ sẽ sử dụng ngôn ngữ chuẩn là tiếng Anh.

Chúng ta chưa nói đến tiếng Anh đã ở…khắp mọi nơi, từ một cái bao cao su ngăn ngừa sinh đẻ  cho đến những sản phẩm tối tân như máy bay, tàu ngầm, tên lửa…tất thảy đều có bảng hướng dẫn  sử dụng bằng tiếng Anh.

Lý Quang Diệu của Singapore thú nhận một trong yếu tố giúp nước ông phát triển vượt bật là nhờ đã chọn lựa tiếng Anh làm ngôn ngữ chính. Ấn Độ dưới thời thuộc địa Anh thừa hưởng di sản văn hóa từ những tay đô hộ mình đó là tiếng Anh, một ngôn ngữ chính thức của Ấn Độ hiện hơn tỷ người và nhờ đó, nước Mỹ xa xôi đã trao đổi những thành tựu công nghệ thông tin với họ một cách dễ dàng (Ấn Độ là một cường quốc CNTT) qua outsourcing.

Tiếng Anh là thứ tiếng chuyên chở tri thức, tạo giao tiếp thuận lợi, chứ không phải  thứ tiếng của “đế quốc Mỹ”.

Mong rằng quốc hội bác bỏ tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai ở VN vì lý do nào đó mà không phải là lý do chính trị. Nếu vì lý do chính trị thì tiếng Trung là chọn lựa tốt nhất, thể hiện tình cảm gắn bó “núi liền núi, sông liền sông, chung một biển Đông, dưới ngọn một cờ hồng”. Nhưng không công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, sắp tới quốc hội sẽ chọn thứ tiếng nào, hay không cần ngôn ngữ nào cả ngoài tiếng Việt? Nếu tiếng Trung mà được chọn, chắc chắn VN sẽ trở thành chảo lửa.

TRẺ NGƯỜI NON DẠ.

Trẻ thì kinh nghiệm ít hơn già, ông bà ta đã đúc kết ngắn gọn mấy từ như thế. Guồng máy hành chính khổng lồ của VN ngày nay, lớp trẻ hay người trẻ khó chen chân với người già về số lượng cũng như "chất lượng". Yêu cầu kinh qua thực tiễn trui rèn, nghĩa là ngoi từ cấp nầy lên cấp khác cả quá trình rèn luyện thử thách đầy gian nan, khổ ải. Do đó, trông mong người trẻ tham gia vào điều hành đất nước đã khó, càng khó hơn khi có vị tiền bối bảo rằng: "xóa nỗi nhục nước nghèo là sứ mạng lịch sử của người trẻ".

Như thế nào là nước nghèo? Nợ nần chồng chất, mới đẻ ra cũng lãnh phần trả nợ là nghèo rồi.

Nghèo phải mượn, phải nợ, không thắc mắc lôi thôi. Nhưng những người trẻ như ông ấy nói là người trẻ nào? Có phải là những người tuổi 18 đến 30, từ các vùng quê nghèo làm ruộng không đủ ăn, lên các thành phố lớn, mỗi chiều tan tầm, họ là những công nhân làm chủ đất nước, chen chúc nhau trên đường về nhà, ghé tạt vỉa hè mua vội vã vài cọng rau, đôi con cá, ít miếng tóp mỡ heo, để có bữa ăn tối vội vàng, rồi lên giường ngủ sớm, trong những gian phòng năm sáu người thuê chung, đặng ngày mai tiếp tục "lao động vinh quang"?

Hay những người trẻ cặm cụi 12 năm trời chen chân vào cao đẳng, đại học, ra trường thất nghiệp cả trăm ngàn người, rất nhiều cử nhân tham gia vào đội ngũ xe ôm, phố nào cũng có, như Grab, GoViet...? Hay là những người trẻ, không vào được đại học, hoặc đã ra trường, phải cầu cạnh đi lao động hợp tác nước ngoài, hay là người trẻ nữ phải làm ôsin xa xứ, đặng gửi tiền về nhà nuôi sống cả bầy con trong nước?

Hay là ông nhắm đến người trẻ con nhà giàu có, quyền thế, may mắn du học những nước tư bản giãy chết, mai đây họ sẽ về xóa đi nỗi nhục nghèo khó mà ông hồ hởi trao trọng trách? Những người trẻ, rốt cuộc họ ai có được vinh dự đó? Chắc chắn không phải người trẻ tôi vừa mới nói, làm ra đồng lương chưa đủ nuôi sống gia đình, làm sao bảo họ xóa đi nỗi nhục nghèo khó cho cả nước? Bó tay, tôi không biết người trẻ ông nói tới là người trẻ nào.

Thôi, tạm thời, tôi nghĩ người trẻ có thể thay đổi vận mệnh đất nước, hiện phải là những người trong guồng máy quốc gia. Nhưng khi "ngoi" lên cấp trung ương, nghĩa là cấp có thể thay đổi vận mệnh đất nước, liệu họ còn...trẻ nữa không? Chưa kể, nếu còn trẻ họ cũng khó chen chân nổi với người già khi (nghe đâu) tuổi hưu quan chức cao cấp được nâng lên mấy tuổi.

Tôi xin có "mẹo" nhỏ để giải quyết vấn nạn này. Mẹo, không phải phát minh, bởi nó có từ hồi VNCH.

Người quản trị quốc gia được đào tạo 4 năm hoặc 6 năm tùy năng lực, trình độ,  và ý muốn thăng tiến của học viên (giờ có thể gọi như "ham muốn quyền lực"). Cả miền Nam, hay chế độ VNCH, được điều hành hầu như toàn bộ từ một trường đại học, gọi là Quốc gia Hành chánh.

Cấp quận cho đến tỉnh, nha, bộ đều được những học viên tốt nghiệp tại đây điều hành, số mới ra trường làm cấp quận, số ra lâu có thâm niên làm việc cấp cao hơn. Học viên là những sinh viên cực kỳ ưu tú có ham muốn "làm chính trị" để điều hành đất nước. Đầu vào tuyển lựa rất khắt khe gồm những sinh viên sức khỏe tốt, học lực xuất sắc. Hồi đó không ai nói đến tiêu chuẩn đạo đức.

Bởi hàng ngũ ấy có thiếu đạo đức đâu mà phải yêu cầu...đạo đức.

Sinh viên sư phạm học bổng 3000 đồng/ tháng (đủ sống) trong khi sinh viên quốc gia hành chánh là 15.000 đồng/tháng (duy nhất 2 loại sinh viên này được chính phủ cấp học bổng, mức lương ra trường đại học ngang ngửa, nghĩa là 3 tháng lương mua được chiếc Honda khoảng 6 cây vàng). Họ ăn ở sinh hoạt như công chức thực thụ. Ra trường tối thiểu làm phó quận trưởng (quận trưởng do quân đội nắm, cấp bậc đại úy hoặc thiếu tá). Viên quận trưởng có quyền đề nghị thuyên chuyển quận phó nếu 2 người kình chống nhau (phạm tội thì khác) và không có quyền trù dập cấp phó.

Nền hành chính do đó không bị méo mó bởi sự lạm dụng quyền thế, cấp trên "đì" cấp dưới. Nền hành chính, một lẽ nữa, đều thống nhất toàn nước do tất cả được điều hành bởi những người cùng một "lò" mà ra. Giỏi như thế sao không thắng cộng sản trong rừng xuống, chẳng cần đại học vẫn quản lý ào ào? Hỏi rứa, tôi cũng bó chưn chứ đừng nói bó tay.

Ấy là tôi muốn đội ngũ có thể thay đổi vận mệnh đất nước- từ nghèo sang giàu-  là giới trẻ nếu được đào tạo theo kiểu VNCH. Có người nói không được. Đào tạo như thế lỡ có mua điểm, gửi gắm thì sao? Chưa kể, chỉ có 4 năm, thời gian thử thách không dài, lỡ "thế lực thù địch" cài người vào thì..."chết cha" cả đám. Thôi, y cũ, cứ tuần tự nhi tiến, nhi tiến, nhi tiến.

Nhưng thằng Quảng tui xin cãi: người như cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng, ủy viên trung ương đảng Trương Minh Tuấn,  đã qua trui rèn gian khổ, thử thách mấy chục năm, mấy ổng đã thấm nhuần đạo đức cách mạng chưa mà lo lắng cho trẻ 4 năm là thử thách quá ngắn? Muốn người trẻ làm giàu đất nước như ước vọng của ông Vũ Khoan kể ra thật nan giải. Trẻ người non dạ ư?