Friday, January 19, 2024

“TÁM” VỀ YÊU NƯỚC

Nhân chuyện Hải Dương 8 của TQ trở lại Tư Chính

“Yêu nước là tình cảm thiêng liêng, cao quý không một thứ tình cảm nào có thể sánh bằng. Yêu cha yêu mẹ, yêu thầy yêu cô, yêu bạn yêu bè, yêu quê cha đất tổ, thậm chí “tử vì đạo” cũng không thể sánh được với lòng yêu nước”.

Tôi đọc tình cờ câu này đâu đó không nhớ rõ. Định nghĩa yêu nước là tình cảm thiêng liêng, cao quý nghe thuận tai nhưng khi nói “không một thứ tình cảm nào có thể sánh bằng” thì tôi thấy có gì đó chưa thuận tai, không dám nói là không đúng. Tình cảm là lẽ tự nhiên trong con người, có hay không có, và tình cảm thì không cân đong đo đếm, do đó không thể nói tình cảm này lớn tình cảm kia bé, bằng cách so sánh.

Tình cảm (yêu hay ghét) là một chọn lựa từ sự tự do, tự nguyện. Không ai bảo tôi phải ghét người này yêu người kia nếu tôi không muốn. Không ai bảo tôi phải yêu nước 99 % và yêu mình 1%, phải hy sinh để bảo vệ nước, nước sẽ mất vì không có ai yêu nước. Tình cảm yêu nước, do đó, phải giữ vị trí “thống soái” hơn các tình cảm khác? (Trật đường rầy 1 chút, Do Thái sống lưu vong gần hai nghìn năm, họ mất nước vì không ai yêu nước?)

Tình cảm dành cho cha mẹ không giống tình cảm dành cho thầy cô, càng không giống tình cảm dành cho bạn bè. Mỗi tình cảm có những sắc thái và biểu hiện riêng. Có một tình cảm “bao trùm” lên các tình cảm khác thì cũng khó nghĩ dù đó là tình yêu nước, thường gọi là ái quốc. Ái quốc, yêu nước, là một tình cảm thật ra không giống những tình cảm khác nhưng cũng là một tình cảm, một tình yêu, nó cũng cần thể hiện cụ thể, biểu hiện cụ thể, không thể mơ hồ, trừu tượng nhưng không vì thế mà cân đo nó được.

Yêu nước có nghĩa là yêu cái gì cụ thể, làm cái gì cụ thể, không thế thì đâu có khẩu hiệu: “đóng thuế là yêu nước" ?Tình yêu nước kiểu này cao hơn hẳn hay bao trùm hẳn thì ai đóng thuế nhiều sẽ yêu nước nhiều? Như vậy, ông ngoại quốc  Samsung sẽ chiếm đầu bảng yêu nước. Yêu nước là tình cảm xuất phát từ tình yêu cha mẹ, anh em, xóm giềng, xóm làng, bờ tre, con sông khi bé ta hay tắm mát…cho đến quê hương ta ở nói chung. Một tình yêu cụ thể.

Một người tham gia cách mạng trước đây lúc 18 tuổi cho đến khi trên 80, khi tôi hỏi lý do vì sao ông chọn lấy hiểm nguy, chọn lấy cái chết, không ở lại vùng “Mỹ, Ngụy” để tránh đạn, tránh bom, ông trả lời “tôi đi theo cách mạng vì cha tôi trước theo Việt Minh bị Pháp bắn chết. Mỹ thế chân Pháp, chúng cũng sẽ làm như thế đối với tôi. Tôi phải cầm súng chống Mỹ”.

Thời chiến tranh, tôi có người anh rể hoạt động cơ sở “cách mạng” trong lòng chế độ “quốc gia”, một tình huống cực kỳ nguy hiểm; ông rất giàu có, con ông ở Sài Gòn, học hành giỏi giang, sau này thành đạt, có người bác sĩ, dược sĩ, có người tiến sĩ, lý do yêu nước sâu xa… là vì vợ ông, tức chị ruột tôi, trước 1954 bị Tây giết khi đang mang thai gần ngày sinh nở cùng một lần với mẹ và em gái ông. Ông yêu chị tôi, yêu gia đình ông, do đó ông mới theo “cách mạng”, rồi mới dẫn đến yêu nước, dù đã trả giá bằng bản thân bị tù đày, tra tấn.

Rõ ràng, không phải vị cán bộ này, hay anh rể tôi, lúc đó được loa phường tuyên truyền lòng yêu nước, hay có một lòng yêu nước nồng nàn đang ấp ủ; ông đã yêu người cha của mình trước tiên cũng như anh tôi, ông yêu người vợ của ông trước tiên; người thì thể hiện tình cảm của mình với cha, người thì với vợ, bị bọn thực dân giết chết, trước khi họ thể hiện lòng yêu nước. Chưa có thống kê khoa học nói về lý do đầu tiên và chính yếu thúc đẩy nhiều người chấp nhận hiểm nguy đi theo "cách mạng", nhưng tôi có thể suy đoán họ yêu cha mẹ, gia đình, yêu xóm giềng, yêu làng xã, yêu quê hương họ ở, họ sẵn sàng xả thân để bảo vệ những cái đó, để tất cả con người và nơi chốn họ ở được bình yên, không bị giày xéo bởi quân xâm lược và chúng ta gọi đó là lòng yêu nước. Yêu nước xuất phát từ yêu một cái gì đó cụ thể, không thể yêu nước trừu tượng.

Chúng ta nghe câu chuyện về hai nhân vật nổi tiếng của Quốc Dân đảng: Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang. Vị thủ lĩnh đẹp trai này bị đưa lên đoạn đầu đài, trước sự chứng kiến (nhờ ngụy trang) của người yêu, cũng là người vợ, nỗi đau đớn pha lẫn căm thù trong lòng cô gái xinh đẹp tuổi đôi mươi này ngút ngàn, chất ngất.

 Người ta hy vọng sau đó, vị nữ chiến sĩ kiên cường trẻ tuổi này sẽ tiếp tục con đường chống Pháp, để báo thù cho cái chết của chồng và các đồng chí, thể hiện lòng yêu nước vô bờ bến của mình. Không, bà đã quyên sinh sau khi viết hai bức thư tuyệt mệnh gởi cho cha mẹ mình và cha mẹ chồng, bằng chính khẩu súng lục của Nguyễn Thái Học, trước khi biết bị bắt, đã trao cho. Bà yêu nước hay bà yêu chồng? Chúng ta không thể kết luận hồ đồ bà chỉ yêu chồng mà không yêu nước. Bà vì nước, và có thể, vì chồng mà yêu nước. Phận nước nổi trôi cùng số phận mỗi con người Việt Nam. Bà là người yêu nước. Tình cảm dành cho chồng của bà ngang hay thấp hơn tình cảm dành cho quê hương nếu người ta có thể “đo đếm” như câu nói ở đầu bài? Tình cảm về chồng, về tổ quốc đều trân quý như nhau, không thể kết luận yêu nước phải bao trùm lên tất cả các tình yêu khác.

Phan Châu Trinh với chủ trương bất bạo động (trong khi có những người thích chủ trương bạo động) có yêu nước không? Tôi hỏi ngây ngô quá? Phan Châu Trinh yêu nước theo cách của cụ. Cụ yêu nước nhưng không thể hiện lòng yêu nước đó bằng bạo động. “Bất vọng ngoại, vọng ngoại tắc ngu; bất bạo động, bạo động tắc tử”. (Xin nôm na: không vọng ngoại, vọng ngoại tất ngu; không bạo động, bạo động tất tử).

Chọn lựa bất bạo động của chí sĩ trong đấu tranh giành lại độc lập cho đất nước không thể bảo đó là lựa chọn…không đúng đắn, thiếu thức thời. Nếu đọc kỹ lịch sử phong trào chống sưu thuế, dưới tác động của cụ và các đồng chí, phát xuất từ huyện Đại Lộc (quê tôi - theo Lịch sử Quảng Nam của Nguyễn Q. Thắng) dấy lên và lan ra nhanh chóng khắp cả miền Trung, chúng ta thấy sức mạnh của bất bạo động mãnh liệt vô cùng, khi đoàn chống sưu thuế đi đến đâu, dân chúng ùn ùn kéo theo đó, như thác lũ (bây giờ gọi là biểu tình), chính quyền thực dân súng ống đầy mình và họ không dám đàn áp bằng vũ lực. Giả sử phong trào này xảy ra ở Thiên An Môn, hàng chục vạn người bị giết chứ không phải mấy ngàn như năm 1989. Tây bó tay, sau đó mới “bắt nguội” những người cầm đầu.

Đấu tranh bất bạo động này người Ấn áp dụng theo thánh Gandhi có thể xảy ra sau Phan Châu Trinh áp dụng ở Việt Nam.

Tôi đọc sử Quảng Nam và phát hiện ra một chi tiết tôi cũng ngạc nhiên mà nhiều người chưa biết: cha cụ Phan Châu Trinh bị giết dưới tay nhà lãnh tụ phong trào Cần Vương, ông Nguyễn Duy Hiệu, do một sự nhầm lẫn có nguồn tin báo ông theo…Tây.

Chí sĩ Phan Châu Trinh vĩ đại trong những người vĩ đại ở chỗ: không lấy cái chết của cha làm thù hận, quay lại chống những người đã giết cha ông;  và qua cái chết này của cha, Phan Châu Trinh (theo nhận định của riêng tôi) biết đâu đã chọn bất bạo động là phương pháp đấu tranh chống Pháp và rất tiếc cho lịch sử, đấu tranh bất bạo động của cụ không kéo dài được lâu vì cụ sớm qua đời, không người kế tục phương pháp này, và biết đâu, nếu còn sống thêm 10 năm, cụ cũng sẽ thành công như Gandhi, từng sách động biểu tình, và nhất là nhờ tuyệt thực non một tháng, đã giành lại độc lập cho Ấn Độ, và tiếng Anh, tiếng của Đế Quốc sau đó được dùng làm ngôn ngữ chính thức của đất nước hơn 1,4 tỷ dân với hơn mấy trăm ngôn ngữ, một lối vận dụng khôn ngoan, về bản chất, không khác chi chủ trương của Phan Châu Trinh “ỷ Pháp cầu tiến”, đã bị một số người lên án, họ cho rằng cụ muốn thỏa hiệp với Pháp.

Phan Châu Trinh yêu nước và sách lược bất bạo động, cũng là một cách yêu nước, nếu được vận dụng tốt hơn, được nhiều người ủng hộ hơn thời đó, nước Việt Nam biết đâu đã không hy sinh hàng triệu người cho 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ? Cái chết của người cha không ảnh hưởng, không tác động đến lòng yêu nước, đến quyết định chọn lựa đấu tranh bất bạo động đối với giặc Pháp của Phan Châu Trinh hay sao? Mọi tình yêu dành cho: cha mẹ, anh em, vợ chồng, bè bạn, cho mọi người thân và tình yêu dành cho quê hương ta gọi là tình yêu nước đều có những giá trị nền tảng riêng và không nên mang ra so sánh tình cảm nào cao, tình cảm nào thấp, như một vật chất cụ thể, có nặng có nhẹ.

Tôi đoan chắc người yêu nước là người yêu mình, yêu gia đình trước tiên. Mình được yêu nghĩa là chăm bồi bổ  sức khỏe, gia đình an tâm tiễn con lên đường, hun đúc thêm tinh thần yêu nước. Đau ốm, còi cọc, bước khỏi cửa thì lo nghĩ ai phụng dưỡng mẹ cha, làm sao thanh niên cầm nổi súng mà đánh bọn giặc đang lăm le ở bãi Tư Chính đây, nếu chúng bất ngờ tấn công trước?

CHỮ HIẾU

Lúc nhỏ ở miền Nam (tôi không rõ ở miền Bắc) ai cũng có học câu ca dao trong sách giáo khoa nói về hiếu thảo:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho trọn chữ hiếu mới là đạo con.

Lớn lên một chút vào trung học, trẻ được học đâu lớp đệ thất (lớp 6) những bài thơ giản dị gọi là Nhị Thập Tứ Hiếu, kể những tấm gương hiếu thảo đâu bên Tàu xa lắc, xa lơ, có câu chuyện cảm động chân thật nhưng cũng có câu chuyện khó tin và quá đáng như con róc thịt tay mình để làm thức ăn cứu cho mẹ khỏi chết đói.

Những bài học về đạo lý được giảng dạy từ nhỏ chắc hẳn có những tác dụng trong cuộc sống khi người ta lớn lên, chẳng hạn ở đây, nói về lòng hiếu đạo.

Quan niệm hiếu đạo phương Đông có lẽ không giống phương Tây, càng không giống những nơi khác trên quả đất này. Có câu chuyện về một bộ lạc châu Phi, ở đó con cái cư xử với người chết là cha hay mẹ khác hẳn, đối lập hẳn, cư xử của người VN với cha mẹ mình. Trong khi cha mẹ sẽ được chôn cất tử tế, với nghi thức thiêng liêng, mồ mả được xây dựng đường hoàng thì cha mẹ của những người bộ tộc này bị các con cháu họ…ăn thịt. Người cha hoặc mẹ già sắp chết được đưa lên một cành cây thật cao, họ phải bám vào đó cho đến khi rơi xuống, những người thân bên dưới đang ngóng chờ giây phút…làm thịt cha mẹ, trống chiêng gõ liên tục, các ché rượu kê la liệt gần chỗ ngồi.

Một giáo sĩ phương Tây đi giảng đạo đến đó, nói với tù trưởng, tập tục ăn thịt người thật dã man, ăn thịt cha mẹ càng dã man hơn, và ông khuyên bộ lạc này nên chấm dứt tập tục đó. “Thế ở xứ văn minh của ông người ta làm thế nào với cha mẹ gần chết?”. “Chôn, chúng tôi chôn cất họ khi chết trong lòng đất, để thể hiện lòng hiếu đạo”. Viên tù trưởng cười to, lắc đầu: “Như thế mà hiếu đạo à? Chôn cha mẹ xuống đất, bị những con mối đáng ghét kia ăn thịt, trong khi chúng tôi ăn thịt cha mẹ, họ trở thành máu thịt trong thân thể chúng tôi, sống mãi cùng con cháu. Các ông bỏ cha mẹ xuống đất, chúng tôi cất cha mẹ trong lòng, ai hiếu đạo hơn?”.

Câu chuyện có hoặc có thể không có, nhưng nó nói lên một điều: hiếu kính với cha mẹ không ai có thể quy định hay dạy cho nhau nếu trong lòng con cái không sẵn lòng yêu thương; giáo dục giúp con người hiểu biết hành vi hiếu kính chứ không biến cải, hay buộc phải có, hành vi này hay hành vi kia để chứng tỏ con người hiếu đạo.

Thật ra, dạy con người yêu thương, dẫu không biến họ thành yêu thương vẫn hơn hẳn dạy con người căm thù, rất dễ biến con người chất chứa căm thù, vì hiện diện trong con người luôn là con vật, không khéo giáo dục, vật sẽ lấn người trong đầu óc, con tim.

Ở xã hội ngày nay, con người tất bật với nhiều lo toan cuộc sống, có những cái được quan tâm nhiều trong khi có cái, ví dụ việc khảo sát tâm lý về lòng hiếu đạo, chưa được thực hiện - chúng ta chưa làm hay chưa nghe tới -  trong khi hiếu đạo với cha mẹ là phần quan trọng trong đạo đức con người Việt Nam.

Vì không ai dạy ai hiếu đạo, do đó, nói thế này mới hiếu, thế kia là bất hiếu là điều rất khó, không khéo sẽ bị phê phán “ông đã hiếu đạo chưa mà lên lớp hiếu đạo?”.

Trong quan hệ con người, nhất là người Việt Nam, hiếu đạo xưa kia chiếm bậc cao nhất, chỉ sau vua. “Trai thời trung hiếu làm đầu” (Nguyễn Đình Chiểu). Trung là trung với vua (hiền, không trung với độc tài,  bạo chúa), hiếu là hiếu với cha mẹ. Làm thế nào để tỏ ra hiếu đạo với cha mẹ không phải là khả năng chỉ dẫn của tôi cũng như tôi không có quyền dạy dỗ ai hiếu đạo. Tôi chỉ quan sát hiếu đạo trong hiểu biết của mình, với suy nghĩ cá nhân.

Tôi có quen và biết hai người tôi rất nể phục mỗi lần nhắc đến họ. Một người hiện ở Đà Nẵng, năm nay trên 80 tuổi nhưng sức khỏe vẫn tốt. Cha ông đã mất, nhưng lúc còn sống, những năm cuối đời đau yếu, được ông chăm sóc khi cha ông từ trại cải tạo về sau những năm giam giữ ăn uống kham khổ. Người cha yếu đuối chẳng may ngã té, không chết nhưng liệt toàn thân. Thân hình ông rất to lớn, việc chăm sóc người bất động thật nhiêu khê, phức tạp; ăn uống, vệ sinh, thay áo quần là những việc lặp đi lặp lại hằng ngày, đòi hỏi người chăm một sự nhẫn nại và chịu đựng vô vàn.

Không phải lúc nào cũng vừa lòng người bệnh vẫn còn ăn được, nói được dù nói khó, và vẫn còn bực dọc quở mắng con (vì bệnh và nằm quá lâu). Hai mươi năm như vậy, chúng ta có ai làm được như người con này không, có nhưng có lẽ không nhiều. Không một lần nào người con để việc chăm sóc cho vợ, cho con, ông muốn đích thân làm, để cha mình vui lòng. Khi đến thăm những người bệnh liệt giường, chúng ta thường nhận thấy có một mùi gì đó không rõ nhưng hơi khó chịu nếu ngồi lâu trong phòng người bệnh. Nhưng tôi không hề thấy có “mùi gì” trong căn phòng có người cha bệnh, người con kế bên chăm sóc, ngay những khi ghé thăm ông cụ bất chợt. Người con chăm sóc cha tuyệt vời trong việc vệ sinh của một người đại tiểu tiện một chỗ, không kiểm soát.

Một người nữa, người này là một phụ nữ, bà con gần trong họ Nguyễn tôi, hiện còn sống ở quê, tuổi năm nay là 70. Trường hợp nuôi mẹ bệnh của cô là một trường hợp quá đặc biệt. Thập niên 60, khi cô chỉ mới tầm 13,14 tuổi đang đi học, gương mặt dễ nhìn, rồi mẹ cô ngã bệnh, bán thân bất toại, không đi lại được, nằm liệt giường, việc chăm sóc mẹ chỉ duy nhất do cô. Người chồng không bỏ bê vợ nhưng lập gia đình khác khi mẹ cô bệnh mấy năm. Người mẹ vừa qua đời cách đây gần hai năm, như vậy, bà sống bất động cả thảy là 57 năm. Người bà con của tôi đã bỏ gần cả cuộc đời và cả tuổi thanh xuân để chăm sóc mẹ mình: cô không lập gia đình từ lúc nuôi mẹ cho đến khi bà mất, một quãng thời gian dài đằng đẵng. Niềm vui của cô bây giờ là vẫn sống một mình, mỗi ngày đi lễ Mi-sa sớm, tối, ngay cả những ngày mưa gió.

Qua câu chuyện, tôi nảy ra một suy nghĩ, những người hiếu đạo đó chăm sóc cha mẹ bệnh quá lâu đều ở lứa tuổi này khá lớn. Những người trẻ bây giờ có ai như họ không khi gặp hoàn cảnh tương tự? Họ được sinh ra trong một xã hội yêu thương, hay do bản thân họ sẵn lòng yêu thương, họ làm được một sự việc phải nói là vĩ đại và hết sức trân quý? Hay là người cha, người mẹ, được chăm sóc kia đã cư xử với con mình đầy tình thương, họ được “tình thương vun đắp tình thương” từ con cái họ? Tôi nghĩ là cả hai. Xã hội có thể làm thay đổi tư tưởng con người nhưng xã hội không thể thay đổi tình yêu con người dành cho con người khi họ thật sự yêu thương nhau.

Cho và nhận bằng tình yêu thương đã là quả ngọt trong câu chuyện hiếu đạo này chứ không hẳn những người hiếu đạo này đã được giáo dục tốt về lòng hiếu đạo.

Khi đã không có lòng nhân ái, yêu thương, trong một gia đình nhân ái yêu thương, giáo dục mãn đời (không nói đến giáo dục một chiều) chưa chắc hiệu quả. Xã hội chúng ta đã không từng nghe hai từ “giáo dục” được nhắc đi nhắc lại hàng triệu triệu lần từ năm 1945 cho đến nay, nhưng giáo dục ấy có hiệu quả như những người làm ra giáo dục mong muốn chưa?

Cha mẹ cũng đừng trách con cái phải yêu thương mình trước khi mình chưa yêu thương chúng. Không phải là sự đổi chác "có qua có lại" nhưng là sự yêu thương dành cho nhau.

VÚ MỘNG

Mượn chữ của nhà thơ Xuân Diệu. Xin tặng Hạ Quốc Huy.

Chính trị, hay chính chị, nói miết cũng ngán, nay nói chính em, không chính trị (chị) một bữa.

Tính dục hay sex là đề tài nhạy cảm đúng nghĩa, không phải nhạy cảm trong chính trị, dễ dẫn đến mất…nhạy cảm (hay tục hơn) mất hứng. Phương Tây có quan niệm phóng khoáng về tính dục do ảnh hưởng từ Kitô giáo. Ông chúa Jesus đóng đinh trên thập tự giá,  mặc có mỗi chiếc khăn quấn ngang lưng, ngực tay chân ở trần nằm chính diện đền lễ, trong nhà thờ hằng ngày được ngắm, không một tín đồ nữ nào nhìn ngài …ở trần mà nảy ý nọ kia. Một câu chuyện trong kinh thánh cho thấy Jesus rất tự do trong tư tưởng của ngài về…chuyện sex.

Nhiều tín hữu biết câu chuyện ném đá. Một phụ nữ bị bắt vì tội thông dâm, sắp bị trừng phạt bằng cách ném đá cho đến chết thì  chúa Jesus đi đến. Để cứu người phụ nữ tội lỗi, ngài hỏi ai trong đám người sắp ném đá không phạm tội lần nào, tiến lên trước để ném viên đá đầu tiên. Đám đông yên lặng suy nghĩ. Ai mà không phạm tội dẫu một lần và họ bỏ đá xuống lặng lẽ rời khỏi nơi “xử án”. Jesus bảo người đàn bà: hãy đi đi và đừng tái phạm. Một tội xấu xa nhất thời đó là lấy trai vẫn được vị chủ chiên thánh thiện xem…chẳng có gì.

Còn ông Khổng Tử, thủ lĩnh truyền thống Nho giáo thì sao? Nam nữ thọ thọ bất thân. Phụ nhân nan hóa (khó dạy). Người quân tử nên xa nơi bếp núc (chỉ đàn bà mới vào đó). Phụ nữ “đái”(xin lỗi, hơi tục) không qua ngọn cỏ. Không biết đây có phải xuất phát từ “Tử viết” của Trọng Ni hay không nhưng đúng là câu của mấy cụ đồ Nho đệ tử của ổng ở ta ngày xưa hay nói.

Cấm kỵ nhưng có cấm được không, những cái “nhạy cảm” trên cơ thể phụ nữ, hôm nay nói tới là…cặp vú? “Đôi gò Bồng Đảo sương còn ngậm/ Một lạch Đào Nguyên nước chửa thông/ Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt/ Đi thì cũng dở, ở không xong”. Ông quân tử này đang say sưa nhìn trộm  một thiếu nữ ngủ trưa, yếm trễ sâu xuống dưới, làn da trắng muốt hiện ra, bị bà Xuân Hương rắn mắt bắt được, bèn viết mấy câu thơ diễu cợt trên.

Gò bồng đảo và lạch đào nguyên, cái nào đẹp hơn, dù lạch đào nguyên là cửa dẫn đến…Thiên đường (Đào Nguyên, như Lưu Nguyễn nhập thiên thai) nhưng gò bồng đảo luôn được ngợi ca nhiều hơn. Những đấng mày râu, triệu người như một, lần đầu tiên tiếp xúc “nửa hồn” kia đều…đều sáp vô gò bồng đảo, úp mặt vào đó, giỡn đùa thỏa chí, sau đó mới ghé…lạch đào nguyên.

Nói về thẩm mỹ, đàn ông cũng có như phụ nữ nhưng phải nói thật, tôi cũng đàn ông, "gò bồng đảo" của mấy đấng trượng phu nhìn…quá xấu, trơ trẽn như hai đồng tiền cổ, rỉ sét, “có cũng như không”. Nhưng gò bồng đảo của giai nhân thì sao? Có ai muốn rời mắt ngắm vì nó đẹp, nó cuốn hút, nó hấp dẫn (còn hơn Huế - "không nơi nào có được")? “Trăng vú mộng suốt muôn đời thi sĩ/ Giơ hai tay mơn trớn vẻ tròn đầy”. Xuân Diệu đã có một sự so sánh tuyệt vời. Trăng là hình ảnh nên thơ đi vào văn học, vào giấc mộng của con người hàng ngàn năm nay, con người luôn ước mơ lên đó. “Cung quế đã ai ngồi đó chửa. Gian trần xin chị nhắc lên chơi” (Tản Đà).

Trăng xinh đẹp như thế được thi sĩ so sánh với gò bồng đảo đủ biết vị trí chứa hai gò này trên thân thể phụ nữ xinh đẹp xiết bao. “Giơ hai tay mơn trớn vẻ tròn đầy”. Tròn và đầy đọc lên thật là hình tượng, lại còn mơn trớn vẻ tròn đầy nữa chớ.

Tao nhân mặc khách - cả Tàu lần ta -  làm thơ, uống rượu, ngắm nguyệt, xem hoa nhưng ít ông nào mô tả đẹp đẽ về…gò bồng đảo như thi sĩ phụ nữ Việt Nam. Họ ý thức được cái tinh hoa xinh đẹp của cơ thể người con gái, và chỉ có Nguyễn Du, một người rất yêu phụ nữ, thán phục trước thân thể của họ: “ Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” .

Trong ngọc, trắng ngà là tả nước da người phụ nữ. Dày dày sẵn đúc là thân thể của họ, ba vòng lý tưởng của những hoa hậu ngày nay chưa chắc bằng “dày dày sẵn đúc” này. Tòa thiên nhiên, thi hào ý nói, chỉ có thượng đế mới tạo ra được một tuyệt tác cho nhân loại, nàng Eva của vườn Eden  huyền thoại.

Nhiều tác phẩm nghệ thuật hàng trăm năm nay vẽ về phụ nữ, hình ảnh dày dày sẵn đúc với đôi gò bồng đảo, to như quả bưởi nhỏ như quả trám, nhưng cái nào cũng tuyệt mỹ. Những họa sĩ tài ba ấy phải yêu cái đẹp ghê gớm lắm họ mới tạo nên những bức tranh khỏa thân, hàng trăm năm vẫn còn người ngắm: Cái đẹp ảo diệu của đôi gò bồng đảo.

Nhưng đối với những phụ nữ không có được đôi gò bồng đảo đẹp như trong tranh thì sao? Tôi nói ngay: bầu vú nào cũng đẹp vì bầu vú ấy hy sinh cho con, từ lúc nó lọt lòng cho đến khi ngưng bú, gò bồng đảo ấy đã tạo dựng một con người, đã vắt cạn những tinh túy của người mẹ cho một người con; không có tranh nào, tượng nào, được nhà họa sĩ, nhà điêu khắc tài hoa nào, làm được mà có thể đẹp bằng hay sánh bằng; tranh hay tượng chỉ để ngắm nhìn mà không thể cho con người một dòng sữa mẹ như suối nguồn lai láng.

Nhưng có chắc là gò bồng đảo ấy không đẹp, không hấp dẫn như tranh đối với người yêu của người phụ nữ? Cái này phải hỏi mấy "người trong cuộc" (không hỏi "bên thắng cuộc"); không đẹp, không hấp dẫn, không “dày dày sẵn đúc”, tại sao lần đầu tiên mới nhớn nhác thấy, gò bồng đảo đang còn thấp thoáng, nửa che nửa mở, như e ấp đợi chờ, mấy ổng đã say mê xáp lá cà, áp má vào ngay, rồi ghé môi thưởng thức, hạnh phúc còn hơn Xuân Diệu “giơ hai tay mơn trớn vẻ tròn đầy”.

HOA KỲ CHO RẰNG TRUNG QUỐC GIƯƠNG OAI DIỄU VÕ TRÊN BIỂN NHẰM BẮT CHẸT VIỆT NAM

(China Seeks to Coerce Vietnam With Sea Maneuvers, U.S. Says)

(Lời người dịch: Đế quốc Mỹ xâm lược nhưng chẳng có miếng đất nào lận lưng, trong khi bạn vàng lý tưởng tương thông đang muốn cướp thêm lãnh thổ của cha ông mình. "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". "Chọn bạn mà chơi". Những câu đơn giản mà chân lý ở Việt Nam. Cần học chi xa xôi ông râu dài, ông hói tóc ở Đức, ở Nga).

Hoa Kỳ nói Trung Quốc đang có những “bước đi khiêu khích” cưỡng ép các quốc gia Đông Nam Á dừng khai thác chung với các công ty dầu khí quốc tế ở trong vùng biển giàu dầu mỏ của Việt Nam.

Morgan Ortagus, phát ngôn viên bộ ngoại giao Mỹ, tuyên bố trong một thông cáo hôm thứ năm: Việc triển khai tàu quốc gia có hải quân yểm trợ “là sự leo thang của Bắc Kinh trong nỗ lực đe dọa các bên tuyên bố chủ quyền không được khai thác nguồn năng lượng trên biển Nam Trung Hoa (Biển Đông, theo VN) và ép buộc họ “chỉ được hợp tác với các công ty quốc doanh Trung Quốc”.

Biển Đông vẫn còn là nguồn cơn gây căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, ngay cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đấu nhau trong chiến tranh thương mại gay cấn. Hôm thứ năm, Việt Nam tuyên bố sẽ tham gia với hải quân Hoa Kỳ vào tháng tới trong các cuộc tập trận với các nước Asean lần đầu tiên, vì họ muốn tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế trong tranh chấp với Trung Quốc.

Việt Nam từ lâu phản đối sự hiện hiện của tàu khảo sát TQ kèm tàu chiến hộ tống trong những vùng biển có triển vọng dầu khí ngoài khơi Việt Nam. Những tàu Trung Quốc này, từng đối mặt nhau trong vài tuần với tàu Việt Nam, rút đi đầu tháng trước, đã quay trở lại vùng tranh chấp hôm 13 tháng 8, theo bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên của bộ Ngoại giao Việt Nam.

Mỹ đang cố “chia rẽ Trung Quốc với những quốc gia khác”. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Ánh phát biểu trong một cuộc họp báo hôm nay tại Bắc Kinh. “Mục đích của họ là tạo sự rối loạn trong tình hình biển Đông, phá hoại hòa bình và ổn định ở khu vực này”.

Vào tháng năm, “Việt Nam đơn phương tiến hành hoạt động khai thác dầu khí thuộc quyền tài phán của Trung Quốc trên biển Nam Trung Hoa”, bà Oánh phát biểu. “Đây là lý do gây ra tình trạng như hiện nay. Tàu Trung Quốc đang hoạt động trong vùng biển liên quan thuộc quyền tài phán của TQ chỉ mới tháng bảy năm nay”.

Trong khi đó, Việt Nam đang yêu cầu Trung Quốc rút tàu về nước.

Bà Hằng nói với phóng viên ở Hà Nội hôm thứ năm, Trung Quốc “phải chấm dứt ngay việc vi phạm, rút về tất cả tàu thuyền của mình, không được có thêm những hành động phương hại quyền chủ quyền của chúng tôi trong khu vực”. Bà nói thêm, Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế “có những đóng góp cụ thể và thiết thực nhằm duy trì trật tự, hòa bình và an ninh khu vực”.

Theo bộ ngoại giao VN, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố trong buổi họp báo sáng thứ bảy với người đồng nhiệm Úc Scott Morrison tại Hà Nội, Việt Nam “quan tâm sâu sắc” đến những hành động của Trung Quốc ngoài khơi bờ biển Việt Nam.

Morrison nói ông và thủ tướng Phúc thảo luận “những nguyên tắc liên quan đến tự do hàng hải, tự do hàng không” và bảo đảm để các quốc gia có thể theo đuổi những cơ hội phát triển trong những vùng kinh tế đặc quyền, theo bản tin đăng trên website thủ tướng Úc.

“An ninh năng lượng”

Hoa Kỳ “cực lực phản đối mọi nỗ lực của TQ nhằm đe dọa hoặc cưỡng ép các quốc gia đối tác duy trì hợp tác với những công ty không phải của Trung Quốc nếu không, họ (TQ) sẽ gây rối các hoạt động hợp tác đó”. Bà Ortagus phát biểu. “Hoa Kỳ cam kết tăng cường an ninh năng lượng của những đối tác và đồng minh chúng tôi trong vùng Ấn Độ Thái Bình dương và trong việc bảo đảm sự sản xuất dầu khí khu vực không bị ngăn trở cho thị trường thế giới”.

Carl Thayer, giáo sư danh dự đại học New South Wales của Úc nói, Việt Nam đang làm việc để chứng tỏ họ có sự ủng hộ của quốc gia Asean cùng những cường quốc  hàng hải, kể cả Hoa Kỳ

Ông Thayer nói: “Thế đứng Việt Nam đang thay đổi bởi vì tình hình đang trở nên nghiêm trọng hơn”. "Những tuyên bố của họ còn mơ hồ, Việt Nam dù sao cũng đang từng bước chống lại Trung Quốc”.

Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đã ghé cảng Đà Nẵng năm ngoái, đánh dấu một quan hệ đang phát triển giữa hai cựu thù trong quá khứ. Hải quân Việt Nam, từng tham gia tập trận với Trung Quốc và các nước, chưa bao giờ tham gia tập trận với Hoa Kỳ, bà Hằng cho biết.

Bài của Glen Carey và Nguyễn Diệu Tú Uyên, Báo Bloomberg ngày 23 tháng 8, 2019. Nguyễn Long Chiến chuyển ngữ.