Thế giới đang theo dõi hừng hực cuộc biểu tình sôi động của dân Hồng Kông, tổ chức bởi các công dân trẻ, bản lĩnh và kiên trì. Người ta nóng lòng vì lo sợ ở nơi bé nhỏ đó sẽ có thể là Thiên An Môn thứ hai. Chỉ có dân thuộc địa cũ này biểu tình thôi sao? Không, giới trẻ Brazil cũng đang hừng hực xuống đường như sức nóng của rừng Amazon đang cháy. Họ lên án thái độ của chính phủ, nhất là của tổng thống nước này, đã không có những biện pháp thích đáng để ngăn ngừa và đối phó hỏa hoạn đang thiêu rụi “lá phổi của trái đất”.
Vì sao lại biểu tình? Không giải thích nhưng ai cũng hiểu đó là phản ứng tức thời của dân chúng khi họ bất lực và bức bối chính quyền trước những sự kiện trọng đại của quốc gia; họ không thể quyết định bằng lá phiếu ngay tức thì, vì phải đợi 4 hoặc 5 năm tới mùa bầu cử (đây là nói trong các nước đế quốc), vì vậy, họ chỉ có thể “biểu quyết” bằng những bước chân xuống đường, những tiếng la hét phản đối chính quyền, những tiếng la hét được đáp trả bằng hơi cay, vòi rồng, thậm chí cả đạn nổ, sau đó là những chiếc còng số 8.
Biểu tình sẽ có kết quả như mong muốn của người tham gia không? Khó có trả lời như trường hợp Hồng Kông, khi Tập nguyên soái đang dàn hàng trăm xe tăng, hàng chục ngàn binh lính đằng đằng sát khí, ngay biên giới với lãnh thổ nhỏ bé. Nhưng rõ ràng, hình ảnh về biểu tình của dân chúng nơi đây đang đánh động lương tâm nhân loại.
Đây là thuộc địa hàng trăm năm của thực dân Anh, chứ nó nằm dưới sự bảo bọc của ông cha uy quyền Bắc Kinh từ 1949 đến nay, đố có mà…lộn xộn, biểu tình nọ kia. Sài Gòn trước 1975 có nhiều cuộc biểu tình cũng…lộn xộn không kém, vì lúc đó nó đang nằm trong vòng “kìm kẹp” của đế quốc Mỹ, và “bè lũ tay sai”. Buồn cười, “Mỹ - Ngụy” này cũng khốn đốn với biểu tình của những công dân Sài Gòn, nhất là giới học sinh, sinh viên trẻ.
Năm 1972, tôi học ở trường sư phạm nằm cùng đường với trường trung học Petrus Ký (nay, Lê Hồng Phong). Mỗi lần đi qua đây, những ngày học sinh biểu tình phản đối luật tổng động viên của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, tôi rất nể lớp “đàn em” (so tuổi tác); họ chất bàn ghế trước sân trường, đốt cháy, bên trên là khẩu hiệu có chữ (đại khái) “Đả đảo luật tổng động viên đưa người ra chỗ chết”.
Tổng nha cảnh sát (như bộ công an bây giờ) cũng đóng đối diện bên kia trường, trên đường Cộng Hòa (cũ). Họ phải huy động cả đại đội cảnh sát dã chiến, không phải đến đàn áp biểu tình, chỉ để bao vây trường, không cho người ra vào cơm nước, kêu gọi bằng loa phóng thanh, khuyên các em chấm dứt biểu tình, bằng không sẽ dùng pháp luật truy tố nếu bị bắt sau này. Cuộc biểu tình chấm dứt không xô xát hay đổ máu dù trường này học sinh nam rất đông, khởi đầu bằng "bạo lực" (đốt bàn ghế). Có người bảo cuộc biểu tình này bị Việt Cộng giật dây. Tôi không tin, các em đỗ vào trường này hầu hết là con em những thành phần khá giả, công chức, chính quyền, không phải do ưu tiên, nhưng do họ học giỏi, học xuất sắc. Đây là trường nổi tiếng nhất Sài Gòn. Thường thì “con nhà giàu học giỏi, ít có “con nhà nghèo học giỏi”, học sinh nghèo có điều kiện đâu mà học tập bằng học sinh giàu, hay có điều kiện. Họ chắc chắn không ai theo…cộng sản.
Họ theo một nếp sống “dân chủ” dù lúc đó là nền dân chủ VNCH còn phôi thai, trong điều kiện chiến tranh. Họ theo dân chủ, theo ý tôi muốn nói tới, đó là có quyền biểu tình, thường thấy trong các chế độ của "bọn đế quốc". Họ biểu tình nhằm bày tỏ thái độ chống đối chính quyền Sài Gòn, đã ban hành luật tổng động viên, theo luật (học sinh, sinh viên chỉ được hoãn dịch đúng năm sinh quy định, thi rớt, học quá tuổi, sẽ đi lính), có rất nhiều thanh niên sẽ phải cầm súng, điều luật nhắm tới nguồn nhân lực phục vụ chiến tranh, đang hồi khốc liệt sau trận Hạ Lào và "mùa hè đỏ lửa", quân đội VNCH tổn thất rất lớn trước sự tấn công ngày càng ác liệt của đối phương khi người Mỹ đang có ý định bỏ rơi Nam VN.
Trước đó, kể từ thời tổng thống Ngô Đình Diệm thập niên 60, ở miền Nam, nhất là Sài Gòn, liên tiếp xảy ra những cuộc biểu tình với cái chết nổi tiếng của Thích Quảng Đức, gián tiếp dẫn đến cái chết của anh em tổng thống NĐD, và nền đệ nhất cộng hòa.
Biểu tình…nguy hiểm như rứa đó. Biểu tình thường dẫn đến những kết quả không mong muốn đối với chính quyền, họ có thể mất quyền lực, nếu họ không kiểm soát được, bằng cách đàn áp thật mạnh tay, đôi lúc thật dã man, như cuộc đàn áp biểu tình đẫm máu năm 1989 ở Bắc Kinh.
Tại sao, cũng là những công dân VN, trước 1975, ở Sài Gòn (tôi không rõ ở miền Bắc) người dân, nhất là giới trẻ học sinh, sinh viên lại hay xuống đường biểu tình nhưng nay…không có, hay có mà rất ít, rất nhỏ lẻ, chủ yếu là biểu tình chống “Trung Quốc xâm lược” chứ chưa thấy “chống”…chính quyền (như trước đây ở Sài Gòn)?
Rất nhiều lý do nhưng tôi thấy có mấy cái. Sự quan tâm của giới trẻ không còn nhiều vào những chuyện "thời sự", vào những câu chuyện của quốc gia, như giới trẻ chúng tôi ở thời VNCH. Nói thế cũng chưa đúng, tôi nghĩ họ có quan tâm, nhưng những quan tâm khác như học hành, tìm việc làm, nuôi sống bản thân, gia đình…là những quan tâm lớn hơn. Họ có rất nhiều niềm vui, không như lớp chúng tôi chỉ có học, đọc sách, không có được một chiếc smartphone, rảnh là lên mạng chát chít, có khi cả buổi không có việc gì thì miệt mài trên Facebook, nơi có thể nói là một thế giới, thế giới ảo nhưng làm con người lúc nào đó quên đi thế giới thực, xã hội thực, con người thực đang sống.
Nhà nước rất khôn ngoan khi cho dân chúng “xả stress” trên mạng ảo này. Thanh niên rường cột nước nhà nếu có bực dọc thì cứ lên face chửi bới chính phủ, chửi bới cán bộ họ ghét, lên án họ thoải mái, từ A đến Z, miễn đừng có tụ tập biểu tình trái phép là được. Chửi có chết thằng Tây nào đâu, chửi để dân chúng bớt phẫn uất, đó là cách suy nghĩ hết sức khôn ngoan.
Tôi nói trên cơ sở lý luận: không tin, nhà nước thử dẹp cái Facebook này đi, tuổi trẻ, nhất là giới học sinh sinh viên sẽ…xuống đường tức thì cho mà coi ! Như vậy, không dám xuống đường biểu tình phản đối một cái gì đó dân không thích dù chính phủ cứ ban hành, lý do thanh niên bây giờ…nhát gan hơn thanh niên miền Nam trước 1975? Không, họ không nhát gan nhưng họ chỉ sợ hãi.
Cậu nào tham gia biểu tình sẽ được ghi tên nếu biểu tình đó có thể gây mất an ninh trật tự, lớn hơn, có thể đe dọa uy quyền chính quyền địa phương. Nhẹ thì cảnh cáo, nặng thì đuổi học, nặng nữa có khi vô khám ngồi gỡ lịch. Thôi, cuộc sống thanh niên ngày càng phải bươn chải, cần yên thân, ổn định mà "tuần tự nhi tiến", giỏi thì làm công ty nước ngoài, không giỏi lắm thì tham gia đội ngũ xe ôm Grab, GoViet, hoặc làm thuê cho Samsung , Toyota…hơi đâu lo chuyện bao đồng, "nguy hiểm" đến tương lai.
Đó có thể là suy nghĩ chung của giới trẻ ngày nay: Mọi cái đã có nhà chức trách lo, các cậu, các cô hãy lo học, không học thì lên face tán gẫu, hay kéo nhau ra quán bia, dô dô inh ỏi 100%, như thế không hạnh phúc hơn, an toàn hơn hay sao?
Vì an nguy của chính quyền, biểu tình không được phép, năm lần bảy lượt đem ra, cất vào ở quốc hội? Hiến pháp đã có ghi quyền biểu tình cơ mà.
Ở đây, chúng ta cần “thấu hiểu” một chút, đối với chính quyền. Họ muốn ổn định xã hội. Mọi sự xáo trộn do biểu tình quá mức dẫn đến đình trệ sản xuất, gây mất trật tự an toàn xã hội, nên mọi chính quyền trên thế giới đều không muốn có…biểu tình, chứ không phải chỉ có chính quyền VN.
Ở các nước, như Mỹ hay một số nước có tam quyền phân lập, chính quyền của họ thay đổi chóng vánh sau một nhiệm kỳ 4 năm hay 5 năm. Dân chúng sẽ tham gia “lật đổ” chính quyền nếu thấy bất tín nhiệm họ, bằng lá phiếu trong các cuộc bầu cử toàn nước.
Trump hả? Chơi được, đánh bành trướng, đánh gian lận thương mại thật OK, “tao” (ông chủ, không phải đầy tớ) bầu tiếp you 4 năm nữa. Nói mà không làm, hoặc làm dở hơn nói, a lê hấp, xuống ngay, thằng đầy tớ khác lên thay. Lá phiếu của tao đây, nghe mậy?
Ở các nước như TQ hay VN, chính quyền là của dân, do dân, vì dân, anh không được phép “lật đổ” dù chỉ bằng lá phiếu (nhưng có muốn cũng không được vì "đảng cử dân bầu"). Đầy tớ sẽ nhốt tù ông chủ nếu ông chủ muốn lật đổ đầy tớ. “Lật đổ” chính quyền của dân, do dân, vì dân, ở tù là đúng đắn.
Nhưng tôi ví dụ, thời ông NTD là thời VN suy yếu nhanh chóng về kinh tế. Sai lầm do ông đứng đầu, không nói nữa, không nói nhiều, gây hậu quả trầm trọng đến nỗi những người kế nhiệm ông đang “ná thở” khắc phục. Nếu dân chúng có được quyền biểu tình, họ sẽ tập trung tại quảng trường Ba Đình, với những khẩu hiệu, chẳng hạn: Không khai thác bô xít, không cho Formosa có mặt tại Hà Tĩnh, không giao rừng đầu nguồn, những vị trí quan trọng cho “kẻ thù mang danh bạn vàng”…biết đâu ông ấy không xét lại, coi lại, và có những quyết sách đúng đắn hơn? Hồi đó, chống ông thủ tướng có mà vô tù, bây giờ ổng về hưu , “hổ lạc bình nguyên trư khuyển khinh”, nhiều người to tiếng với ổng, lúc ổng đương chức, sao không to tiếng cho dân nhờ?
Không nói biểu tình bị lợi dụng (thường là bị lợi dụng cho mục đích chính trị nào đó) sẽ gây khó khăn cho nhà chức trách, biểu tình là cách duy nhất bày tỏ thái độ của dân chúng khi biểu tình ôn hòa, trật tự, có tổ chức, có ý thức của những người tham gia biểu tình. Họ không có quyền lực thứ tư là báo chí tư nhân. Họ chỉ còn có mỗi quyền biểu tình được ghi trong hiến pháp.
Một cơn nước lũ tràn qua con đập, ví như biểu tình, sẽ không gây phá hủy, hư hại, nếu con đập được xây một cái van xả lũ chắc chắn, vận hành có quy trình. Biểu tình dẫu được pháp định cũng chất chứa những hiểm nguy khôn lường cho chế độ, nếu biểu tình đó không kiểm soát được, ví như lũ tràn qua đập không có van xả lũ, cực kỳ nguy hiểm.
Nhưng có chắc là trong tương lai sẽ không còn những cơn lũ (như biểu tình chống dự luật đặc khu kinh tế) như thế? Cách khôn ngoan nhất, hãy xây "cửa van" xả lũ, hãy cho phép biểu tình. Khi đã có phép mà có người "không xin phép”, hay “làm theo phép”, luật pháp sẽ xử lý họ. Thượng tôn pháp luật. Nhà chức trách sẽ không bị mang tiếng thích chơi ...“bàn tay sắt” với đồng bào của mình.
Người ta có thể theo luật để phản đối kẻ đang ức hiếp Việt Nam bằng biểu tình. Sức mạnh quần chúng nằm ở những người xuống đường phản đối kẻ xâm lược bãi Tư Chính, sức mạnh đó không chỉ nằm ở những người biểu tình trong phòng họp. Khi biểu tình hợp pháp chống kẻ hà hiếp mình, người ta không e sợ phạm pháp, biểu tình sẽ rất có tiếng vang, đối phương không dễ không thấy, thế giới không dễ bỏ qua, không chú ý.
Nhưng Luật biểu tình, bao giờ mới có? Thôi đành hát câu “em ơi, em ơi, em đâu rồi, làm sao anh ôm làn tóc rối”?
(Biểu tình, "nguy hiểm lắm"?: chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ vì biểu tình. Ảnh biểu tình ở địa điểm sau này gọi là công viên Quách Thị Trang, trước chợ Bến Thành).

17nwn-Gu1H1DZjGJD7m5B4zIaAu8t7A1GOGxPOkHmJ8k