Friday, January 19, 2024

BIỂU TÌNH

Thế giới đang theo dõi hừng hực cuộc biểu tình sôi động của dân Hồng Kông, tổ chức bởi  các công dân trẻ, bản lĩnh và kiên trì. Người ta nóng lòng vì lo sợ ở nơi bé nhỏ đó sẽ có thể là Thiên An Môn thứ hai. Chỉ có dân thuộc địa cũ này biểu tình thôi sao? Không, giới trẻ Brazil cũng đang hừng hực xuống đường như sức nóng của rừng Amazon đang cháy. Họ lên án thái độ của chính phủ, nhất là của tổng thống nước này, đã không có những biện pháp thích đáng để ngăn ngừa và đối phó hỏa hoạn đang thiêu rụi “lá phổi của trái đất”.

Vì sao lại biểu tình? Không giải thích nhưng ai cũng hiểu đó là phản ứng tức thời của dân chúng khi họ bất lực và bức bối chính quyền trước những sự kiện trọng đại của quốc gia; họ không thể quyết định bằng lá phiếu ngay tức thì, vì phải đợi 4 hoặc 5 năm tới mùa bầu cử (đây là nói trong các nước đế quốc), vì vậy, họ chỉ có thể “biểu quyết” bằng những bước chân xuống đường, những tiếng la hét phản đối chính quyền, những tiếng la hét được đáp trả bằng hơi cay, vòi rồng, thậm chí cả đạn nổ, sau đó là những chiếc còng số 8.

Biểu tình sẽ có kết quả như mong muốn của người tham gia không? Khó có trả lời như trường hợp Hồng Kông, khi Tập nguyên soái đang dàn hàng trăm xe tăng, hàng chục ngàn binh lính đằng đằng sát khí, ngay biên giới với lãnh thổ nhỏ bé. Nhưng rõ ràng, hình ảnh về biểu tình của dân chúng nơi đây đang đánh động lương tâm nhân loại.

Đây là thuộc địa hàng trăm năm của thực dân Anh, chứ nó nằm dưới sự bảo bọc của ông cha uy quyền Bắc Kinh từ 1949 đến nay, đố có mà…lộn xộn, biểu tình nọ kia. Sài Gòn trước 1975 có nhiều cuộc biểu tình cũng…lộn xộn không kém, vì lúc đó nó đang nằm trong vòng “kìm kẹp” của đế quốc Mỹ, và “bè lũ tay sai”. Buồn cười, “Mỹ - Ngụy” này cũng khốn đốn với biểu tình của những công dân Sài Gòn, nhất là giới học sinh, sinh viên trẻ.

Năm 1972, tôi học ở trường sư phạm nằm cùng đường với trường trung học Petrus Ký (nay, Lê Hồng Phong). Mỗi lần đi qua đây, những ngày học sinh biểu tình phản đối luật tổng động viên của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, tôi rất nể lớp “đàn em” (so tuổi tác); họ chất bàn ghế trước sân trường, đốt cháy, bên trên là khẩu hiệu có chữ (đại khái) “Đả đảo luật tổng động viên đưa người ra chỗ chết”.

Tổng nha cảnh sát (như bộ công an bây giờ) cũng đóng đối diện bên kia trường, trên đường Cộng Hòa (cũ). Họ phải huy động cả đại đội cảnh sát dã chiến, không phải đến đàn áp biểu tình, chỉ để bao vây trường, không cho người ra vào cơm nước, kêu gọi bằng loa phóng thanh, khuyên các em chấm dứt biểu tình, bằng không sẽ dùng pháp luật truy tố nếu bị bắt sau này. Cuộc biểu tình chấm dứt không xô xát hay đổ máu dù trường này học sinh nam rất đông, khởi đầu bằng "bạo lực" (đốt bàn ghế). Có người bảo cuộc biểu tình này bị Việt Cộng giật dây. Tôi không tin, các em đỗ vào trường này hầu hết là con em những thành phần khá giả, công chức, chính quyền, không phải do ưu tiên, nhưng do họ học giỏi, học xuất sắc. Đây là trường nổi tiếng nhất Sài Gòn. Thường thì “con nhà giàu học giỏi, ít có “con nhà nghèo học giỏi”, học sinh nghèo có điều kiện đâu mà học tập bằng học sinh giàu, hay có điều kiện. Họ chắc chắn không ai theo…cộng sản.

Họ theo một nếp sống “dân chủ” dù lúc đó là nền dân chủ VNCH còn phôi thai, trong điều kiện chiến tranh. Họ theo dân chủ, theo ý tôi muốn nói tới, đó là có quyền biểu tình, thường thấy trong các chế độ của "bọn đế quốc". Họ biểu tình nhằm bày tỏ thái độ chống đối chính quyền Sài Gòn, đã ban hành luật tổng động viên, theo luật (học sinh, sinh viên chỉ được hoãn dịch đúng năm sinh quy định, thi rớt, học quá tuổi, sẽ đi lính), có rất nhiều thanh niên sẽ phải cầm súng, điều luật nhắm tới nguồn nhân lực phục vụ chiến tranh, đang hồi khốc liệt sau trận Hạ Lào và "mùa hè đỏ lửa", quân đội VNCH tổn thất rất lớn trước sự tấn công ngày càng ác liệt của đối phương khi người Mỹ đang có ý định bỏ rơi Nam VN.

Trước đó, kể từ thời tổng thống Ngô Đình Diệm thập niên 60, ở miền Nam, nhất là Sài Gòn, liên tiếp xảy ra những cuộc biểu tình với cái chết nổi tiếng của Thích Quảng Đức, gián tiếp dẫn đến cái chết của anh em tổng thống NĐD, và nền đệ nhất cộng hòa.

Biểu tình…nguy hiểm như rứa đó. Biểu tình thường dẫn đến những kết quả không mong muốn đối với chính quyền, họ có thể mất quyền lực, nếu họ không kiểm soát được, bằng cách đàn áp thật mạnh tay, đôi lúc thật dã man, như cuộc đàn áp biểu tình đẫm máu năm 1989 ở Bắc Kinh.

Tại sao, cũng là những công dân VN, trước 1975, ở Sài Gòn (tôi không rõ ở miền Bắc) người dân, nhất là giới trẻ học sinh, sinh viên lại hay xuống đường biểu tình nhưng nay…không có, hay có mà rất ít, rất nhỏ lẻ, chủ yếu là biểu tình chống “Trung Quốc xâm lược” chứ chưa thấy “chống”…chính quyền (như trước đây ở Sài Gòn)?

Rất nhiều lý do nhưng tôi thấy có mấy cái. Sự quan tâm của giới trẻ không còn nhiều vào những chuyện "thời sự", vào những câu chuyện của quốc gia, như giới trẻ chúng tôi ở thời VNCH. Nói thế cũng chưa đúng, tôi nghĩ họ có quan tâm, nhưng những quan tâm khác như học hành, tìm việc làm, nuôi sống bản thân, gia đình…là những quan tâm lớn hơn. Họ có rất nhiều niềm vui, không như lớp chúng tôi chỉ có học, đọc sách, không có được một chiếc smartphone, rảnh là lên mạng chát chít, có khi cả buổi không có việc gì thì miệt mài trên Facebook, nơi có thể nói là một thế giới, thế giới ảo nhưng làm con người lúc nào đó quên đi thế giới thực, xã hội thực, con người thực đang sống.

Nhà nước rất khôn ngoan khi cho dân chúng “xả stress” trên mạng ảo này. Thanh niên rường cột nước nhà nếu có bực dọc thì cứ lên face chửi bới chính phủ, chửi bới cán bộ họ ghét, lên án họ thoải mái, từ A đến Z, miễn đừng có tụ tập biểu tình trái phép là được. Chửi có chết thằng Tây nào đâu, chửi để dân chúng bớt phẫn uất, đó là cách suy nghĩ hết sức khôn ngoan.

Tôi nói trên cơ sở lý luận: không tin, nhà nước thử dẹp cái Facebook này đi, tuổi trẻ, nhất là giới học sinh sinh viên sẽ…xuống đường tức thì cho mà coi ! Như vậy, không dám xuống đường biểu tình phản đối một cái gì đó dân không thích dù chính phủ cứ ban hành, lý do thanh niên bây giờ…nhát gan hơn thanh niên miền Nam trước 1975? Không, họ không nhát gan nhưng họ chỉ sợ hãi.

Cậu nào tham gia biểu tình sẽ được ghi tên nếu biểu tình đó có thể gây mất an ninh trật tự, lớn hơn, có thể đe dọa uy quyền chính quyền địa phương. Nhẹ thì cảnh cáo, nặng thì đuổi học, nặng nữa có khi vô khám ngồi gỡ lịch. Thôi, cuộc sống thanh niên ngày càng phải bươn chải, cần yên thân, ổn định mà "tuần tự nhi tiến", giỏi thì làm công ty nước ngoài, không giỏi lắm thì tham gia đội ngũ xe ôm Grab, GoViet, hoặc làm thuê cho Samsung , Toyota…hơi đâu lo chuyện bao đồng, "nguy hiểm" đến tương lai.

Đó có thể là suy nghĩ chung của giới trẻ ngày nay: Mọi cái đã có nhà chức trách lo, các cậu, các cô hãy lo học, không học thì lên face tán gẫu, hay kéo nhau ra quán  bia, dô dô inh ỏi 100%, như thế không hạnh phúc hơn, an toàn hơn hay sao?

Vì an nguy của chính quyền, biểu tình không được phép, năm lần bảy lượt đem ra, cất vào ở quốc hội? Hiến pháp đã có ghi quyền biểu tình cơ mà.

Ở đây, chúng ta cần “thấu hiểu” một chút, đối với chính quyền. Họ muốn ổn định xã hội. Mọi sự xáo trộn do biểu tình quá mức dẫn đến đình trệ sản xuất, gây mất trật tự an toàn xã hội, nên mọi chính quyền trên thế giới đều không muốn có…biểu tình, chứ không phải chỉ có chính quyền VN.

Ở các nước, như Mỹ hay một số nước có tam quyền phân lập, chính quyền của họ thay đổi chóng vánh sau một nhiệm kỳ 4 năm hay 5 năm. Dân chúng sẽ tham gia “lật đổ” chính quyền nếu thấy bất tín nhiệm họ, bằng lá phiếu trong các cuộc bầu cử toàn nước.

Trump hả? Chơi được, đánh bành trướng, đánh gian lận thương mại thật OK, “tao” (ông chủ, không phải đầy tớ) bầu tiếp you 4 năm nữa.  Nói mà không làm, hoặc làm dở hơn nói, a lê hấp, xuống ngay, thằng đầy tớ khác lên thay. Lá phiếu của tao đây, nghe mậy?

Ở các nước như TQ hay VN, chính quyền là của dân, do dân, vì dân, anh không được phép “lật đổ” dù chỉ bằng lá phiếu (nhưng có muốn cũng không được vì "đảng cử dân bầu"). Đầy tớ sẽ nhốt tù ông chủ nếu ông chủ muốn lật đổ đầy tớ. “Lật đổ” chính quyền của dân, do dân, vì dân, ở tù là đúng đắn.

Nhưng tôi ví dụ, thời ông NTD là thời VN suy yếu nhanh chóng về kinh tế. Sai lầm do ông đứng đầu, không nói nữa, không nói nhiều, gây hậu quả trầm trọng đến nỗi những người kế nhiệm ông đang “ná thở” khắc phục. Nếu dân chúng có được quyền biểu tình, họ sẽ tập trung tại quảng trường Ba Đình, với những khẩu hiệu, chẳng hạn: Không khai thác bô xít, không cho Formosa có mặt tại Hà Tĩnh, không giao rừng đầu nguồn, những vị trí quan trọng cho “kẻ thù mang danh bạn vàng”…biết đâu ông ấy không xét lại, coi lại, và có những quyết sách đúng đắn hơn? Hồi đó, chống ông thủ tướng có mà vô tù, bây giờ ổng về hưu , “hổ lạc bình nguyên trư khuyển khinh”, nhiều người to tiếng với ổng, lúc ổng đương chức, sao không to tiếng cho dân nhờ?

Không nói biểu tình bị lợi dụng (thường là bị lợi dụng cho mục đích chính trị nào đó) sẽ gây khó khăn cho nhà chức trách, biểu tình là cách duy nhất bày tỏ thái độ của dân chúng khi biểu tình ôn hòa, trật tự, có tổ chức, có ý thức của những người tham gia biểu tình. Họ không có quyền lực thứ tư là báo chí tư nhân. Họ chỉ còn có mỗi quyền biểu tình được ghi trong hiến pháp.

Một cơn nước lũ tràn qua con đập, ví như biểu tình, sẽ không gây phá hủy, hư hại, nếu con đập được xây một cái van xả lũ chắc chắn, vận hành có quy trình. Biểu tình dẫu được pháp định cũng chất chứa những hiểm nguy khôn lường cho chế độ, nếu biểu tình đó không kiểm soát được, ví như lũ tràn qua đập không có van xả lũ, cực kỳ nguy hiểm.

Nhưng có chắc là trong tương lai sẽ không còn những cơn lũ (như biểu tình chống dự luật đặc khu kinh tế) như thế? Cách khôn ngoan nhất, hãy xây "cửa van" xả lũ, hãy cho phép biểu tình. Khi đã có phép mà có người "không xin phép”, hay “làm theo phép”, luật pháp sẽ xử lý họ. Thượng tôn pháp luật. Nhà chức trách sẽ không bị mang tiếng thích chơi ...“bàn tay sắt” với đồng bào của mình.

Người ta có thể theo luật để phản đối kẻ đang ức hiếp Việt Nam bằng biểu tình. Sức mạnh quần chúng nằm ở những người xuống đường phản đối kẻ xâm lược bãi Tư Chính, sức mạnh đó không chỉ nằm ở những người biểu tình trong phòng họp. Khi biểu tình hợp pháp chống kẻ hà hiếp mình, người ta không e sợ phạm pháp, biểu tình sẽ rất có tiếng vang, đối phương không dễ không thấy, thế giới không dễ bỏ qua, không chú ý.

Nhưng Luật biểu tình, bao giờ mới có? Thôi đành hát câu “em ơi, em ơi, em đâu rồi, làm sao anh ôm làn tóc rối”?

(Biểu tình, "nguy hiểm lắm"?: chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ vì biểu tình. Ảnh biểu tình ở địa điểm sau này gọi là công viên Quách Thị Trang, trước chợ Bến Thành).

DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN

Ai cũng biết mấy chữ này, cụ Hồ Chí Minh đã nói khi dặn dò cụ Huỳnh Thúc Kháng lĩnh nhận trách nhiệm, thay mặt cụ ở nhà, trước khi qua Pháp dự hội nghị Fontainebleau. Chúng ta không bàn về ngữ nghĩa nhưng bàn về suy nghĩ, liệu lúc nào cũng phải “bất biến” để ứng phó với “vạn biến” hay không?

Trước hết, ta hãy xem vài sự kiện lịch sử để thấy việc có nên áp dụng, một cách kiên định, quan điểm “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Hoạt động của vị tiền bối cộng sản Nguyễn Ái Quốc có thời gian rất bí mật. Cụ có trên 100 bí danh sử dụng từ khi qua Pháp, đi các nước, qua Trung Hoa, và 1943, về Việt Nam. Cụ đã áp dụng quy tắc “vạn biến” thành công, luôn thay tên đổi họ trong hoạt động cách mạng. Nếu đi đâu cụ cũng giữ(bất biến) cái tên Nguyễn Ái Quốc thì mật thám Pháp sẽ để cụ tự do được sao?

Lúc đối phó tình huống “một cổ hai tròng”, thực dân Pháp, và lực lượng giải giới Nhật của quân đội Tưởng Giới Thạch, từ vĩ tuyến 16 trở ra, cụ đã thay mặt chính phủ lâm thời ký “hiệp ước sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946”,  trong đó có điều khoản gây tranh cãi, là VN được độc lập nhưng phải nằm trong liên hiệp Pháp, và đồng ý để quân Pháp thay quân Tưởng đổ bộ vào miền Bắc giải giáp quân Nhật; thành phần đảng phái không cộng sản lúc đó trong nội các chính phủ chống đối quyết liệt nhưng cụ vẫn cố thuyết phục họ đi đến đồng thuận.

Giải pháp của cụ rất khôn ngoan: tống ông Tàu về, chỉ còn mỗi ông Pháp dễ đối phó hơn, vì cụ đã ở Pháp, rất am hiểu người Pháp. Rồi tháng 11 năm 1946, cụ đã ký lệnh giải tán đảng Cộng sản Đông Dương, đổi tên thành hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác- Lênin; ban đầu tổng bí thư Trường Chinh không chịu nhưng cụ đã giải thích tỏ tường tư tưởng “lùi một bước, để tiến nhiều bước”.

Hai việc làm trên của cụ đã thể hiện rất sát ý nghĩa của lấy “vạn biến” để ứng với “bất biến”. Nếu cứ “bất biến”, không “vạn biến”, cố chấp, không linh hoạt, phong trào cách mạng đâu có đi đến thắng lợi Điện Biên Phủ 1954.

Lịch sử thế giới gần đây cũng đã chứng minh phải lấy “vạn biến” để ứng phó với “bất biến”. Mao Trạch Đông đã không thay đổi “thế giới xã hội chủ nghĩa” là gì, khi ngả về Mỹ để chống lại Liên Xô, khởi đầu từ “ngoại giao bóng bàn”, gần 1 giờ nói chuyện với tổng thống Mỹ Richard Nixon, và đến thời “mở cửa”, Đặng Tiểu Bình đã thực hiện “mèo trắng, mèo đen, mèo nào cũng được, miễn mèo bắt được chuột”?(Khi giải đáp kẻ hỏi ông ta, đã từ bỏ chủ nghĩa cộng sản để theo chủ nghĩa tư bản hay sao). Những người cộng sản kiên định của Trung Hoa đã “vạn biến” ngoạn mục chứ còn chi nữa?

Nếu “bất biến” thì thế giới cộng sản bao la 1 tỷ 4 dân phải được trang bị cuốc xẻng đầy đủ để “đào mồ chôn” chủ nghĩa tư bản (tuyên ngôn cộng sản của Các Mác) chứ đâu có “sát cánh” cùng đế quốc đầu sỏ mà làm ăn buôn bán (nhưng nay đang “ngất ngư con tàu đi” với đòn “vạn biến” của Donald Trump đánh tan lập trường “bất biến” của Tập Cận Bình).

Xem ti vi thời sự thế giới thỉnh thoảng thấy tổng thống Putin…làm dấu thánh giá, trong những lễ trọng đại ở nhà thờ, như một tín đồ Công giáo (Nga theo Chính thống giáo nhiều); không ai ngờ một đảng viên cộng sản kỳ cựu, (từng nắm KGB tình báo hải ngoại của Liên Xô) lại “diễn biến, chuyển hóa” lạ đời như thế. Putin đã không “vạn biến” là gì?

Tóm lại, thế giới hiện nay đang biến chuyển khôn lường. Nếu có áp dụng những nguyên lý nào, hay chủ nghĩa nào, dẫu có cho là tốt đẹp nhất, vào cuộc sống của dân VN,  cũng phải lưu ý một cái đơn giản nhất: Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong. (Thiên ở đây còn hàm nghĩa là quy luật vũ trụ)

“Bất biến” hay “vạn biến” cũng không nằm ngoài quy luật; cái nào mang lại lợi ích cho nhân quần xã hội thì áp dụng, một cách “kiến cơ nhi tác”(tùy cơ ứng biến, chẳng nên cứng nhắc mần chi).

( Xin có mấy lời: “Cãi” chút chơi, Quảng Nam mà, nhưng bài có đề cập đến nhân vật lịch sử VN, cả thế giới đều biết, hiện có chỗ đã đặt lên nơi thờ phượng, với sự tôn kính của một số người. Nếu có nhận xét, xin vui lòng tránh điều “cấm kỵ”. Và cũng đâu khác Thái Lan, có người đã ở tù vì đụng chạm đến nhà vua)

TAY LÁI NGHỊCH

Giờ ít nghe nói đến các loại xe tay lái bên phải này nữa. Bên phải thường đúng nhưng cũng bị gọi "nghịch", như "tay lái nghịch". Xe tay lái "nghịch" này lại là "thuận" ở các nước ảnh hưởng thực dân Anh như Mỹ, Singapore… Người ta chạy xe sát phía bên trái lề đường. Qua Singapore, tôi bị dân ở đây nhìn mình như thằng ngố, khi tôi đi trên lối dành cho khách bộ hành, phía bên phải, lẽ ra đi bên trái mới đúng.

Nhưng ở Việt Nam, cái gì trái cũng...xấu. Chạy xe bên trái, không những "xấu" mà còn nguy hiểm. Truyền thông lề phải thì rất tốt, truyền thông lề trái thì rất xấu, thường là bị thế lực thù địch sử dụng xuyên tạc, nói xấu chính phủ.

Cách đây, hơn 30 năm, kẻ nào không chịu hợp tác hóa nông nghiệp, hay tham gia buôn bán lén lút ở chợ đen, sẽ bị coi là..."thế lực thù địch". Ai bênh vực họ sẽ bị coi đó là "luận điệu sai trái".

Bây giờ, hợp tác xã nông nghiệp tan rã, nông dân nào gom đất hàng trăm mẫu sản xuất lớn, sẽ được vinh danh "làm giàu đất nước". Nhà đại tư bản Phạm Nhật Vượng là hình mẫu của thành công, niềm hãnh diện của đất nước, với những cái tên sáng chói Vingroup, Vinmart, Vincom, Vinfast...

Trước đây, ai cổ vũ cho lối làm ăn này của bác nông dân,  của ông trùm tư bản, sẽ mang "xú danh" luận điệu sai trái. Nghe nói, hiện giờ có bọn thù địch nào đó, thường sử dụng "luận điệu sai trái" để chống phá nhà nước. Tôi không rõ "bọn này" đã có những luận điệu về cái gì mà bị lên án dữ vậy.

Tôi ao ước 30 năm nữa, luận điệu sai trái này sẽ... sai trái mãi mãi. Chúng cần bị lên án đời đời. Đừng có như trước đây, ban đầu "trái" 30 năm sau thành "phải". Thời gian trôi nhanh, người Việt cứ "phải rồi trái, trái rồi phải", đa đoan quá, có uổng phí không?  "Thời gian, con nước, có chờ đợi ai" (Time and tide wait for no man).

Nếu những gì bây giờ bị lên án "sai trái", ngày nào đó (30 năm sau) lại..."hết sai trái" như trước đây chúng ta chứng kiến, hóa ra người Việt phung phí thời gian bởi chúng ta hiện đang quá giàu? (Thời gian là vàng). Vàng đang bị tiêu xài vô tội vạ?

TIN VỊT

Hai chữ này, trước 1975, ở Sài Gòn báo chí dùng để gọi tin không đúng hoặc không chính thống. Giờ, dân mạng hay gọi tin giả, tin bịa đặt, (Tây hơn) gọi là fake news. Tin giả bùng nổ thời thông tin bùng nổ. Chả ai để ý fake news này ông cha ta là các bậc thầy sử dụng chúng. Ngon ăn nhất là thời Lê Lợi kháng chiến, "trùm" tuyên truyền Nguyễn Trải đã tạo ra tin giả " Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần" bằng cách lấy mật viết mấy chữ ấy trên lá khô, mối ăn mật, làm thủng lá theo chữ, tạo nên câu "khẩu hiệu" dân chúng răm rắp tin theo, xem đó là mệnh trời, thiên mệnh.

Nói dối nhưng có lợi nói dối lại tốt. Bác sĩ cũng vì an ủi bệnh nhân mà nói dối sắp khỏi bệnh trong lúc họ sắp...chết. Nhưng hiện nay, tin giả có làm được nhiệm vụ "cao quý" ấy không, trong thế giới ảo Internet, ảo mà thực? Thông tin "chính thức" ít hoặc chậm, thông tin "giang hồ" sẽ chiếm trận địa.

Facebook chứa rất nhiều fake news dù nó chỉ có một mình; trong khi 800 đài báo nói, ít người tin nhưng cái anh Mark FB này nói có nhiều người tin, dù chẳng thấy tổng biên tập, thư ký tòa soạn, phóng viên nào.

Nhiều tin vịt vẫn gây sốt, gây bão, vì sao? Chàng khổng lồ truyền thông kia phải đợi một bác duy nhất cho phép, ảnh mới dám cất tiếng nói, và cất tiếng lên rồi, ảnh cũng phải ngó về mặt Hồ Gươm "lung linh mây trời" dò xét, "nói thế" có "phạm" chính trị gì không, phạm sẽ bị tuýt còi tắp lự, có khi đổ nồi cơm. Trong khi đó các tướng trên facebook, trừ vài vị thông thái, cũng có nhiều tướng "thánh" lắm, nói nửa đúng nửa sai, cũng có một số người xúm lại xem và like nức nở.

Người đọc thiếu trình độ nhận thức sao? Không, người nghe, người xem, người đọc, bây giờ đã có nhận thức rất cao. Họ thích nghe trên mạng  hơn trên truyền thông chính thống vì họ thích biết sự thật, muốn tìm sự thật, và đôi khi, vì ham mê đi tìm chân lý, họ vớ những fakenews có vẻ như thật, rồi hí hửng như bắt được vàng, share ra nhanh như chớp.

Truyền thông chính thống ví như...phở. "Phở" ăn riết ngán quá, facebooker phải ăn cơm cà pháo chấm mắm tôm, mộc mạc, giản dị mà ngon, dù cho "phở Hà Nội" được cho là "cái thế". Tin giả chỉ phát triển ở môi trường mọi thông tin bị định hướng, bưng bít? Không. Ở Mỹ có ai định hướng, bưng bít dư luận đâu, fake news cũng tràn.

Vì sao? Vì ghét. Ghét ai, người ta tung nhiều tin giả: "thương người thương cả lối đi. Ghét người ghét cả tông ty họ hàng" (Ca dao). Donald Trump tài năng không phải ở chỗ, không thể làm cán bộ nhưng lại làm được lãnh tụ. Ông ta tài năng ở chỗ chiến đấu chống tin giả rất cao bồi Mỹ (cowboy), nghĩa là rất tốt. Ông còn "chửi" cả đám báo chí Mỹ quyền lực (như CNN) chống lại ông ta.

Fake news, ngay cả trong thăm dò thường gần đúng 100% trước các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Trump lúc nào cũng đội sổ, Hillary lúc nào cũng đứng đầu. Thống kê như thế  có fake, có xạo không?

Ở VN, người ta sợ tin giả như sợ ma. Thường những tin giả, fake news, được tặng cho cái tên mỹ miều " luận điệu xuyên tạc" của " thế lực thù địch". Làm sao được như Trump, thiệt vàng sợ chi lửa. Hàng ngàn fake news mỗi năm chả làm ông ta chùn bước. Trump tuy là người Mỹ nhưng ông ta đã học được câu danh ngôn của người Việt "tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn ba ngày đường".

Không sợ tin giả nhưng chúng ta cũng cần sáng suốt tiếp nhận thông tin. Một con người có nhận thức sẽ không bao giờ tin "một em bé tẩm xăng đầy người, tự quẹt diêm, rồi chạy vào kho xăng của địch, đốt sạch cả kho".Khi con người đã có nhận thức thì fake news, hàng triệu tin giả, cũng chả ảnh hưởng đời sống báo chí chân chính của họ.

(Tôi viết status này như một trả lời cho một người đọc của tôi khuyên "chú nên công tâm" đừng vì tin bịa đặt có nhiều).

TRI ÂN: Có mấy loại tri ân?

Biết ơn là tình cảm sâu đậm nhất của mọi người Việt Nam. Tỏ lòng hiếu đạo với cha mẹ là biết ơn công sinh thành dưỡng dục. Thông thường, người Việt thể hiện lòng biết ơn cha mẹ rõ rệt nhất là khi cha mẹ qua đời. Các nghi lễ kính trọng nhất được thể hiện, và việc làm lớn nhất sau đó là xây dựng mồ mả. Sống cái nhà, già cái mồ. Nhiều ngôi mộ hoành tráng như lăng tẩm, đền đài được xây, thậm chí còn cho người trông coi.

Không phải ai cũng giàu có như những người ấy. Có phải lăng tẩm nguy nga là đã hiếu đạo, đã tỏ lòng biết ơn cha mẹ? Đúng nhưng chưa đủ. Khi còn sống, con cái phụng dưỡng cha mẹ bằng những việc làm nho nhỏ, cho cụ một miếng trầu nếu cha mẹ già còn giữ thói quen này. Ngay cả thuốc lá, nếu cha mình, mẹ mình yêu thích, dù biết có hại, con cái cũng nên thỏa mãn yêu cầu ấy. Đó tôi cho là hiếu đạo.

Nhân ngày 2 tháng 9, ngày quốc khánh, cũng là ngày ra đi của chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi tình cờ đọc bài cũ  ở báo công an Nghệ An, kể câu chuyện dựa theo hồi ký Vũ Kỳ, người giúp việc tận tụy cho chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc cụ (lẽ đáng nên gọi là chủ tịch) sắp ra đi có yêu cầu được nghe một bài hát yêu thích. Lần thứ 1, cụ hỏi có ai biết hò Huế, nơi trải qua thời niên thiếu của mình. Yên lặng. Không ai biết. Lần thứ 2, cụ hỏi ai biết hát ví dặm quê nhà của mình. Yên lặng. Cũng không ai biết. Lần thứ 3, cụ hỏi ai biết hát quan họ không. "May sao", đó là chữ dùng trong bài báo, bỗng có cô gái nhỏ, y tá quân y Ngô Thị Oanh, lên tiếng. Khi hát đến câu: "Người ơi, người ở đừng về...", trên đôi mắt sâu thẳm của một cụ già sắp lìa trần, những giọt nước rưng rưng, cụ khóc và mọi người đều khóc.

Một lãnh tụ vĩ đại sắp ra đi không có lấy một người anh, người chị, người con, người cháu...bên giường, ai mà không rơi nước mắt khi nghe thêm câu: Người ơi, người ở đừng về. Tôi, tôi cho rằng giọt nước mắt ấy của cụ còn hàm chứa một niềm mãn nguyện, đã hy sinh cả cuộc đời vì nước vì non, yêu cầu nghe hát của mình được đáp ứng. " Vui sao nước mắt lại trào?". Tôi còn một thắc mắc, tại sao trước khi vĩnh biệt cõi đời, mong ước được nghe một câu hát, một bài hát, nhắc nhớ thời ấu thơ ở Huế, Nghệ An của cụ, "chung quanh đều vắng lặng như tờ" (lời bài hát)? Không ai biết các bài ấy.

Văn nghệ miền Bắc tuy chiến tranh đâu thiếu những ca sĩ nổi tiếng, hát những bài về đề tài cụ yêu cầu, trước lúc đi xa? Yêu cầu cuối đời đơn giản, sâu nặng tình yêu nhà, yêu quê, của một vị lãnh tụ, không ai đáp ứng được hay sao? Thỏa mãn yêu cầu giản dị ấy, đó mới thực sự biết ơn lãnh tụ.

Biết ơn còn thể hiện ở việc làm theo những điều lãnh tụ ra đi đã dặn.

Trong di chúc, cụ yêu cầu xác cụ được hỏa táng, tro cốt chia ra 3 miền, đặt trên một ngọn đồi; ai đến viếng sẽ trồng một cây, nhiều người viếng sẽ có nhiều cây, nhiều cây sẽ thành rừng. Di chúc viết trước 1969 vài ba năm, đến bây giờ khoảng 55 năm, hơn nửa thế kỷ. Vào lúc đó, suy nghĩ của một lãnh tụ chính trị phải nói là hết sức tiến bộ.

Truyền thống Việt Nam là người chết phải được chôn cất tử tế, "mồ yên mả đẹp"; nhưng xuất thân Nho giáo nề nếp, cụ vẫn muốn mình được hỏa thiêu. Hơn nửa thế kỷ, cụ có được tầm nhìn thế kỷ: đất hẹp, người đông, chết như cụ cần làm một cái lăng mấy hectare cũng xứng đáng, nhưng cụ muốn chọn một chỗ nằm dung dị, trong một hũ nhỏ đựng tro cốt của mình. Ai chết cũng xây mộ, xây lăng hoành tráng, liệu 100 năm sau còn đất để chôn, để xây, hay lúc ấy phải quay lại nghe theo lời cụ: hỏa táng?

Một suy nghĩ lớn nữa của cụ ít ai để ý, hoặc để ý nhưng cứ giả ngơ: trồng cây. Trong chiến tranh, rừng bị hủy hoại rất nhiều. Sau 1975, nhiều người được đi máy bay kể lại, nước VN nhìn từ trên không có 2 màu rõ rệt: màu xanh bên kia vĩ tuyến 17, màu "loang lổ" bên Nam vĩ tuyến. Bom, chất độc khai quang đã hủy diệt rừng rất nhiều ở miền Nam.

Miền Bắc xanh ngát màu rừng, có chắc chắn nhờ ý tưởng gây rừng của ông Hồ Chí Minh? Tôi chắc chắn là có. Ngoài đó mỗi tết đều trồng cây, gọi là "trồng cây nhớ ơn Bác". Mỗi người đến thăm trồng một cây, cây nhiều thành rừng, ông cụ đã nhìn thấy trước, con cháu mình sẽ phá trọc núi rừng, lời dặn trong di chúc là một lời tiên tri: hãy trồng rừng.

Hậu sanh của cụ cho rằng không nên làm theo lời di chúc (hỏa táng), một tác phẩm viết cẩn thận mấy năm trời, xóa đi, viết lại nhiều câu, nhiều chữ, chứng tỏ giá trị lịch sử di chúc rất cao; đó là kết tinh sự suy nghĩ thấu đáo của một người từng trải hiểm nguy, hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp chính trị của mình.

Người ta xây dựng lăng Lê Nin để lưu giữ thân xác vị lãnh tụ cộng sản này, Việt Nam không làm được như người Liên Xô hay sao? Vâng, để biết ơn một vị lãnh tụ xuất sắc, một cái lăng nguy nga,  có xác ướp của cụ được canh phòng cẩn mật, nằm ở vị trí trang trọng giữa thủ đô, hằng ngày dòng người vào ra thăm viếng, là lòng tri ân đối với vị anh hùng cả đời hy sinh cho nền độc lập nước nhà.

Lòng tri ân thể hiện nhiều cách, cách nào chân thành cũng đều trân quý. Làm lăng tẩm to không hẳn là tri ân lớn.

So sánh cảm xúc khi bước vào ngôi nhà tranh (phục chế) của gia đình ông Nguyễn Sinh Sắc ở quê Nghệ An với cảm xúc khi vào lăng viếng chủ tịch Hồ Chí Minh ở thủ đô Hà Nội, bản thân tôi thấy, cảm xúc ở ngôi nhà tranh kia dạt dào hơn cảm xúc ở lăng tẩm nguy nga. Sự giản dị của ngôi nhà tranh nói lên một cái gì đó vĩ đại. Cô gái phụ trách thuyết minh ngôi nhà, rơm rớm nước mắt chỉ vào chiếc giường cũ bị cắt ngắn do hỏa hoạn: nơi nằm của cậu bé mồ côi mẹ Nguyễn Sinh Cung hồi 5 tuổi. Chiếc giường đơn sơ nhưng gây xúc động nhiều hơn cái lồng kính trang trọng, bao bọc thân xác cụ ở Ba Đình rất nhiều, đối với tôi.

Làm lăng tẩm nguy nga để thể hiện lòng tri ân của dân tộc Việt Nam đối với một vị "cha già" có khác việc "không thấy" tri ân  một vị "cha già" khác của Singapore dù chỉ một tượng đài be bé, bằng xi măng, cát sạn? Dân đảo sư tử bội bạc với vị cha già của họ hay sao? Không, vị khai sáng quốc gia ấy cũng có tượng đài, tượng đài ẩn trong mỗi quả tim người dân. Cách tri ân nào cũng đáng trân trọng do nền tảng văn hóa, hoàn cảnh chính trị, mỗi nước mỗi khác nhau.

Mọi sự so sánh đều "khập khiễng". Ở đây tôi muốn nói: trong di chúc chủ tịch Hồ Chí Minh không căn dặn xây lăng. Việc làm không đúng di chúc cũng là một cách thể hiện lòng tri ân vị lãnh tụ?

Dù sao người ta cũng đã xây lăng cho cụ rồi, việc bảo quản thi hài, bảo vệ chỗ nằm, hẳn là rất tốn kém mỗi năm. Nhưng xây lăng, học tập và làm theo tư tưởng HCM, thể hiện lòng tri ân đủ chưa? Ngôn hành cần hợp nhất.Nói đi đôi với làm. Làm theo, đơn giản là "theo" và "làm". "Thắng giặc Mỹ ta xây dựng hơn mười ngày nay", hậu duệ của cụ đã làm được chưa?

Có người bảo đời sống bây giờ cao gấp chục, gấp trăm lần trước đây. Đúng. Trước ăn độn nay ăn cơm trắng. Trước cơm vắt (gói bằng lá chuối hơ lửa) nay có KFC gà rô ti. Trước rượu mía, rượu gạo, rượu bắp nay có Whisky, Sake, Soychu... Trước đi bộ nay đi xe hơi bóng lộn. Đó là một phần. Ý của chủ tịch Hồ Chí Minh "xây dựng hơn mười ngày nay", có nghĩa rộng hơn là: giáo dục không mất tiền, vào bệnh viện không lo sợ " thủ tục đầu tiên".

"Xây dựng hơn mười ngày nay", có nghĩa sân bay Long Thành, đường bộ, xe lửa, cao tốc Bắc Nam, xây dựng bằng công sức, tiền bạc của người dân, của nhà nước, không phải đi vay, đi mượn, mướn những bác mũi lõ, mắt xanh hoặc các bác "nị ngộ" đứng giám sát những công trình xây dựng trọng yếu trên chính đất nước chúng ta. Không phải chỉ tổ chức những chương trình ti vi kể những câu chuyện cảm động, hay hợp xướng những lời ca tụng về lãnh tụ là tri ân lãnh tụ.

Thực hiện đúng di chúc của lãnh tụ với đầu óc sáng suốt, bằng đôi tay can trường, và nhất là trên đôi chân vững chãi của chính mình, không dựa cậy người, là thể hiện lòng tri ân chân thành và sâu xa nhất.