Friday, January 19, 2024

CẦN MỘT NGHIÊN CỨU.

Tôi đắn đo rất nhiều khi đăng ảnh (bên dưới) vì có máu dính bức ảnh. Thảm trạng đau lòng: một người đang tâm cầm dao chém cả gia đình ruột thịt có cả một em bé mười mấy tháng tuổi.

Trừ trường hợp mắc bệnh tâm thần, hung thủ là người hết sức man rợ, táng tận lương tâm.

Ở Mỹ có giết người hàng loạt nhưng vũ khí sử dụng phạm tội là súng. Trong khi đó, ở VN vũ khí giết người hàng loạt bằng dao.

Chỉ cần một phút, hàng chục người chết trước họng súng nhưng phải cần ít nhất cả chục phút để giết 4, 5 người bằng dao. Khi hung thủ đang "tắm máu" người thân, nhiều kẻ đứng ngoài quan sát, chụp hình, quay phim…Tôi có thấy bức hình chụp kẻ giết người bình thản uống một ly nước, máu vấy trên người, trên tay.

Thời buổi bây giờ đã hết sạch Lục Vân Tiên "giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha"?

Nếu có một "hiệp sĩ đường quê" can thiệp kịp thời, hung thủ khó có thể liên tiếp giết người như thế. Dao đâm, chặt, ít khi làm chết chỉ với 1 nhát chém, nhát đâm.

Hung thủ  không giết người, hay giết ít người, sẽ biết ơn ai lúc đó "phang" anh ta một gậy vào chân, vào tay, dù có gãy, vẫn hơn y lãnh án tử hình, gia đình hung thủ, gia đình có người bị hung thủ giết, bớt đau đớn xiết bao. Con người bây giờ vô cảm? Không, họ không vô cảm. Họ đã từng vác gậy gộc xúm lại đánh đến chết những kẻ ăn trộm chó.

Việc giết người bằng dao ít có nhưng qua vụ thảm sát này, người Việt cần soi rọi lại mình, xem sự hung hãn: giết người vì mỗi một con chó thì đông người tham gia, xem sự vô cảm: kẻ giết người hàng loạt dã man, mọi người bàng quang đứng nhìn.

Nếu những hiện tượng ấy cá biệt thì không sao nhưng hiện tượng đó đã xảy ra và trong tương lai có thể xảy ra thì trách nhiệm nghiên cứu nguyên do vì sao người Việt lại như thế cần được các viện, học viện, tiến hành; giáo sư, tiến sĩ (rất nhiều ở VN) tìm một câu trả lời thỏa đáng, từ đó, mọi người biết, hiểu, với mục đích cuối cùng là để xã hội yên bình, tình thương lan tỏa, không vì đồng tiền che khuất lương tri, biến con người thành con thú.

Kiến tài ám mục. Thấy tiền lóa mắt, kể cả ruột thịt dòng máu cha con, anh em.Tôi vừa đọc 1 bài báo đăng sáng nay: con gái cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chối bỏ việc cha mình khai đã chuyển 3 triệu đô la ăn hối lộ cho con gái. Anh em dân quê vì tiền từ đất đai cắt đứt máu mủ đã đành, vị quan chức học hành chức vụ tót vời cũng bị con mình "cắt đứt" tình phụ tử. Tất cả cũng chỉ vì tiền.  Cần có kết luận khoa học ngay để trả lời: những hành vi khốn nạn ấy chỉ cá biệt, không phải sẽ "đại trà"?

Thursday, January 18, 2024

SỐNG CHẾT MẶC CHA

Đây không phải tác phẩm “Sống chết mặc bay” của Phạm Duy Tốn (bố của Phạm Duy). Đây là câu cảm thán ám chỉ chuyện con gái ông Nguyễn Bắc Son chối bỏ lời khai của cha đã đưa mình 3 triệu đô la tiền hối lộ. Khi khai như thế người cha nghĩ con mình sẽ “chia lửa” cho cha. Nếu không thì ông nhận hết cho mình chứ “dây” cho con làm chi. Người con sợ “tiêu thụ của phạm tội mà có” sẽ dính dáng tới lao lý. Cô quên rằng khi có nhận của cha ngần ấy tiền, tiền của cha cho con, làm sao con biết nguồn gốc mà không nhận. Không ai có thể kết tội cô và tội cha sẽ nhẹ hơn một chút nếu cô hoàn trả đủ số đó để “khắc phục hậu quả”.

Ở đây, tiền trao nhưng cháo không múc. “Tình nghĩa cha con có thế thôi” (nhại thơ Thế Lữ: Tình nghĩa đôi ta có thế thôi). Tình phụ tử ông không được con yêu thương, tình đất nước ông cũng không vẹn toàn. Đã làm là nhận lấy trách nhiệm việc mình làm: thà chết chứ không khai. Ở tù 10 năm hay 20 năm hay có khi phải án tử hình, một người từng là cán bộ cao cấp, “bất khuất” phải là phẩm chất: dẫu có đưa tiền phạm tội cho con mình cũng kiên quyết không khai ra. Đó mới là người “nghĩa khí”: chịu tội một mình. Cũng may chứ nếu chiến tranh, lỡ bị địch bắt, muốn nhẹ tội, ông ta sẽ khai ra tất tần tật, và sẽ có bao nhiêu người sẽ lãnh nạn vì thiếu “sự kiên trung” của mình.

Đất nước phải cần có những người kiên trung. Lao lý, thật may, sẽ giữ một người thiếu kiên trung ấy vào đó, mãi mãi.

Sự trung thực cũng phải cần, nhất là đối với quan chức. Trung với nước. Ông Trương Minh Tuấn không phải là người trung thực. Một mặt ông viết sách thuyết giảng “Chống diễn biến, chống chuyển hóa”, mặt khác ông tự diễn biến và tự chuyển hóa. Có người nói ông phạm tội hối lộ chứ không phạm tội “diễn biến, chuyển hóa”, khái niệm này thuộc về lĩnh vực chính trị.

Một cán bộ đạo đức không bao giờ làm chuyện sai quấy như hối lộ (ăn cắp của dân). Một bộ trưởng mà ăn cắp thì uy tín chính trị của chế độ bị mất mát biết chừng nào. Bỏ tù ông ta cũng chưa thể khôi phục nhanh chóng danh dự của một tổ chức chính quyền, sự công chính, và thanh liêm phải đặt hàng đầu.

Những quan chức cấp cao được tống vào lò cháy rụi sẽ làm những quan chức khác chùn bước trước cám dỗ vật chất (nhận hối lộ) lâu dài không? Không ai trả lời chắc chắn; không lẽ lò xây mỗi ngày mỗi to, củi đun vô mỗi ngày một nhiều khi cái cơ chế đẻ ra tham nhũng không bị đập ra để xây dựng lại?

Một trong những nguyên do lớn đẻ ra tham nhũng, theo suy nghĩ cá nhân, là ý tưởng “quốc doanh là chủ đạo”. Định hướng xã hội chủ nghĩa cho kinh thế thị trường đã hình thành một khái niệm như thế. Theo tôi, quốc doanh nên nhường vai trò chủ đạo cho dân doanh. Nhà nước tách khỏi “buôn bán, làm ăn”, việc đó để cho dân họ làm. Chúng ta đã thấy kinh tế dân doanh phát triển rất ngoạn mục dù họ không được ưu ái bằng quốc doanh. Quốc doanh là chủ đạo thì ai là người phụ trách nếu không phải là…quan chức?

Quan chức cũng là con người, họ không phải là thánh, giao cho họ khối tài sản khổng lồ (quốc doanh) làm sao mà họ có thể giữ được “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”? Những quả đấm thép, những đứa con cưng của chế độ đã đem lại những gì cho đất nước? Tôi không nhắc lại vì ai ai cũng rõ.

Quốc doanh là chủ đạo thì hai ngành như công an và quân đội phải là những ngành phụ trách cái khối tài sản khổng lồ của quốc gia bởi họ là hai người được tin tưởng nhất của chế độ. Giao cho họ làm ăn, nhà nước sẽ vô cùng an tâm – người nhà mà.

Nhưng Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm) là một ví dụ điển hình nhất cho quan điểm quốc doanh là chủ đạo. Ông ta làm việc cho bộ công an. Dù chức vụ chưa lớn (đại tá), anh ta đã làm đảo lộn biết bao nhiêu hàng ngũ quan chức đáng kính khác, một số đang dính vào lao lý. Một doanh nhân thành đạt, quen biết nhiều cấp quyền lực. Không phải là yếu nhân của công an nhưng đi tới đâu ông ta cũng được đón tiếp trọng thể như một bộ trưởng có khi còn hơn.

Vì sao? Ông ta "nhân danh" bộ công an. Vài hôm nữa ông ta sẽ ra tòa lãnh án nhưng qua vụ này chúng ta có chắc chắn sẽ không còn Vũ Nhôm nào nữa không? Con người, tôi nhắc lại, không phải là thánh. Nếu tách việc điều hành kinh tế ra khỏi điều hành quản trị quốc gia, bộ máy sẽ gọn nhẹ, chỉ chăm lo những việc thuộc tầm chiến lược, toàn tâm toàn ý vào việc ban hành pháp luật và thực thi pháp luật. Chuyện làm ăn kinh tế hãy để cho người dân đảm trách trừ những ngành quá đặc thù. Nhiều người sợ không quốc doanh là chủ đạo, đất nước sẽ đi chệch hướng phát triển.

Xin thưa, ở Mỹ, những ngành chế tạo hỏa tiễn, máy bay chiến đấu, thậm chí bom đạn, hầu như đều thuộc tư nhân quản lý, ngay cả ngành “giáo dục tuyên truyền” như báo chí, đài phát thanh, truyền hình cũng của tư nhân nốt.

Có người bảo Trung Quốc nhờ “quốc doanh là chủ đạo” đã giúp nước họ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Quốc doanh là chủ đạo VN đang theo đuổi là đúng đắn. Có mấy yếu tố để thấy Trung Quốc “thần kỳ” không phải nhờ mỗi quốc doanh, ngoài chuyện giỏi ăn cắp sở hữu trí tuệ : (1) Họ là dân tộc nổi tiếng giỏi làm ăn. Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, các Chinatowns trên thế giới…có quốc doanh chủ đạo đâu mà họ giàu nức nở. (2) “Rộng hồ dễ vét”, “đông cây sây buồng”: đất nước 1,4 tỷ dân. Mỗi người đổ đồng làm mỗi ngày 1 đô la thôi thì họ có 1,4 tỷ đô la. Họ giàu ư? Không, bình quân đầu người họ kém rất xa Đài Loan hay Hồng Kông. (3) “Bệnh sĩ diện” ưa bành trướng: tiền dân đóng thuế họ gom lại cho nhà nước để dương oai diễu võ làm tàu mua súng, đầu tư rất ít trở lại cho phúc lợi công cộng, dẫn đến “nước giàu, dân nghèo”.

Tôi đi xa vấn đề nhưng cũng xin lưu ý, “TQ quốc doanh là chủ đạo” nhưng họ không còn để công an và quân đội làm kinh tế nữa. Họ đã giúp đỡ và khuyến khích xây dựng những tập đoàn tầm cỡ quốc tế do tư nhân quản lý.

Quy trình xây dựng, bồi dưỡng, chọn lọc, đề bạt, một quan chức nhà nước, theo tôi nhận xét, là hết sức lâu dài, chặt chẽ, và “bài bản” nữa. Những đối tượng được chọn đã qua bao nhiêu là sàng lọc cam go, tốn kém sức người, tốn kém thời gian theo dõi, chưa nói đa phần họ là những “hồng phúc của dân tộc”. “Mất” cán bộ vì tham nhũng không phải không tổn thất cho chính quyền.

Chỉ vì “mỡ để gần mèo” mà ngày càng nhiều quan chức sai phạm. Dựng lò, nhóm củi, gom củi, đâu phải để chỉ thỏa lòng những người căm ghét tham nhũng mà việc này còn làm hao tốn công sức, thời gian của các ông chủ lò, hiện còn phải lo trăm công ngàn việc, trong thời gian đất nước đang dầu sôi lửa bỏng chuyện biển đảo và đối phó với đe dọa bị xâm phạm lãnh thổ bởi cường quốc anh em.

Nếu Nguyễn Bắc Son hay Trương Minh Tuấn không vì quốc doanh là chủ đạo, chỉ lo chuyên môn thông tin tuyên truyền của mình, trao trả cho dân vai trò “chủ quản” thì đâu đến nỗi bây giờ hai ông nẫu ruột đau đớn, một thì bị ngay cả con ruột cư xử tệ bạc, đang “gặm một mối u hoài trong cửa sắt” (không phải: "Gặm một nỗi căm hờn trong cũi sắt"), một bị nhân dân đàm tiếu, dạy người khác không diễn biến, chuyển hóa nhưng mình thì “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.

CÓ QUA CÓ LẠI MỚI TOẠI LÒNG NHAU

Câu tục ngữ này không hẳn chỉ mang ý nghĩa trao đổi vật chất, có cho thì mới có nhận; nó còn hàm ý hiểu nhau, “hiểu qua hiểu lại”.

Tôi viết status theo suy nghĩ của mình trước một sự kiện nào đó và không bao giờ có một chương trình hay kế hoạch trong việc nêu lên suy nghĩ của mình dành cho một số “bạn” trên facebook ghé đọc.

Tôi thấy xuất hiện hai xu hướng: thuận và chống (dù không nhiều) trước mỗi vấn đề tôi đưa ra.

Tôi không nói “thuận”, tôi muốn nói “chống”, bởi “thuận” thì dễ hiểu, có đa số người, “chống” cần giải thích nhiều hơn vì ít người hơn.

Chống xuất phát từ 2 nhóm (tạm phân loại): một, từ số người (có thể là) “dư luận viên”, một, là các bác “chống cộng” (tôi gặp vài nickname có tên Mỹ kèm như Andy Đỗ hay Johnny Nguyễn…).

Dư luận viên có thể nhận xét tôi: “chả làm gì, cả ngày lên mạng xuyên tạc nhà nước, già rồi nên an phận”. Ông Andy Đỗ nào đó thì: “Ca ngợi những thằng cộng sản là còn lặn ngụp trong vòng u tối không bao giờ tiến bộ, có già nhưng không có…khôn”.

Hai nhận xét (không nhiều) đều có nhắc đến cái “già” của tôi: làm như già là cái tội, và hai người trên sẽ trẻ mãi không già và cha mẹ họ cũng thế, sẽ không bao giờ già. Không phải già mới quan tâm thời sự, lúc trẻ, ngay cả mới vào lớp đệ thất (lớp 6) tôi đã quan tâm rất nhiều những việc xảy ra của đất nước. Mỗi sáng sớm hay mỗi tối, tôi đều nghe “ké” BBC hay VOA (học sinh chưa sắm được radio).

Khác quan điểm hay khác tư tưởng là điều hiển nhiên. Không ai sẽ bị tù tội khi tư tưởng không giống nhau. Điều này lại không đúng với thực tế lịch sử. Người ta đã "hy sinh" cả triệu mạng người vì không đồng tư tưởng.

Lúc nào cũng chia ra làm hai: đồng thì sống, chống thì chết (tư tưởng). Khi khác tư tưởng (nói trắng ra ý thức hệ cộng sản và không cộng sản) con người đã trả giá cho sự khác nhau đó, một cái giá quá lớn và quá thảm khốc.

Tôi tự hỏi tại sao trong những ngày đầu con người tham gia các tổ chức yêu nước chống lại thực dân Pháp lại không dung nhau. Có lúc người Việt “dung” nhau nhưng chỉ là “chiến thuật” không phải là chiến lược. Những sự kiện lịch sử xảy ra từ sau 1945 cho đến khi chấm dứt chiến tranh 1975 chứng minh cho thắc mắc của tôi là có cơ sở: dân tộc Việt Nam chia ra làm hai và cũng chia xẻ đất nước này làm hai, dẫn đến cuộc chiến đẫm máu, với sự tiếp tay của thế lực nước ngoài.

Người Việt giết nhau nhờ súng đạn của ngoại bang. Khẩu súng hai bên dùng để giết nhau có xuất xứ từ Nga, Tàu, Mỹ chứ không phải từ Hà Nội hay Sài Gòn. Tại sao người Việt không bao dung: cộng sản hay quốc gia (gọi vậy cho dễ hình dung, cộng sản cũng có quốc gia) không cùng chung sống?

Và người quyết định chọn ý thức hệ nào phải là đại đa số dân chúng chứ không phải là một nhóm người ở Hà Nội hay Sài Gòn. Suy cho cùng không phải người Việt không có lòng bao dung. Họ không đủ sáng suốt để thể hiện lòng bao dung.

Tôi lấy ví dụ chuyện đơn giản để thấy vì không hiểu nhau con người trở nên xa lạ nhau dẫn đến thù hận nhau.

Sau 1975, một người bà con của tôi, ông cụ nay đã khuất, từ miền Bắc trở về, với một ba lô nặng. Do mới chấm dứt chiến tranh, đường sá xe cộ không thể đi lại và cũng rất thiếu xe đò. Ông đi bộ từ Đà Nẵng về đến quê tôi gần 60 km. Khi gặp cháu mình (ông không cưới vợ khi tập kết ra Bắc vì đã có vợ năm 1952 ở quê) ông ứa nước mắt, mấy chục năm mới gặp lại người ruột thịt, và người cháu gọi chú ruột cũng không cầm được nước mắt khi nghe ông nói, trong ba lô có mấy ký gạo, một chục chén đất, một con rựa, một lưỡi cuốc con gà, “để đem về cho gia đình cháu sử dụng. Cháu ở miền Nam nghe đài nói “đói nghèo cơ cực, bọn Mỹ-Ngụy tàn ác lắm”.

Ông cụ sau đó rất vui vì gia đình cháu mình không như ông nghĩ trước khi gặp họ. Không rõ ông có nghĩ gì về những điều trước đây nghe tuyên truyền hay không. Không phải ông ở ngoài đó được nghe những thông tin không đúng. Gia đình tôi trong Nam, thật ra là gia đình bên vợ tôi, mấy đứa em vợ lúc “giải phóng” đã 14, 15 tuổi đang là học sinh trung học, cũng có những suy nghĩ sai lệch về những người… “cộng sản Bắc Việt”.

“Ngụy” tuyên truyền không lão luyện bằng “Cách mạng” nhưng cũng khá hiệu  quả. Bộ đội chiếm được Đà Nẵng, chuẩn bị lên đường Nam tiến, có một tiểu đội ở nhờ nhà mẹ vợ tôi. Em gái tôi, nay có cháu ngoại, một sáng hốt hoảng chạy vào chỗ vắng, gọi vợ tôi đến và nói nhỏ, giọng hết sức ngạc nhiên, “chị Hai, Việt Cộng họ cũng đánh răng”.

Ông cụ nói trên và em gái tôi đã không hiểu rõ những sự việc của nhau, một người Nam, một người Bắc, lẽ đáng cùng chung một nhà. Một nhà sẽ hiểu nhau, sẽ yêu thương nhau, nhưng họ không thể, vì đất nước chia đôi, lòng người do đó cũng chia đôi. Em tôi là học sinh suy nghĩ sai lạc như thế nhưng có một vị giáo sư (tôi không tiện nêu tên) đáng kính khác cũng suy nghĩ như em tôi, một trong những người chủ trương tờ báo đối lập tên Đối Diện (thân cộng) ở Sài Gòn. Ông nhận xét kinh tế miền miền Nam (VNCH) được điều hành rất tồi, lạm phát liên tục, một ký gạo năm 1956 giá cao gấp chục lần giá một ký gạo năm 1974 trong khi ở miền Bắc (VNDCCH) giá gạo lúc nào cũng khoảng 4 hào một thời gian dài không đổi.

Một giáo sư được Pháp đào tạo uyên bác nhưng cũng nhầm lẫn khi so sánh giá gạo “bao cấp” (mua theo tiêu chuẩn) với giá gạo mua theo giá thị trường. Có ai tự do mua được gạo giá “bèo” như thế không, hay mỗi người chỉ 19 hay 13 ký, dành cho công nhân viên chức, chứ không phải cho mọi người dân?

Chỉ vì không hiểu rõ và không hiểu nhau, người Việt lúc nào cũng dễ dàng chia ra làm hai “phe” ngay cả trong thời bình. Chính vì không hiểu rõ sự việc và không hiểu nhau, ngay trong không gian “mượn” của ông Mark người Mỹ, dân chúng Việt Nam cũng “chia” làm hai bên, thuận và chống, ngay cả đối với những suy nghĩ tản mạn của một người như tôi, một ông “già” vô dụng.

Khi nào người Việt có tầm suy nghĩ vượt ra khỏi định kiến quá khứ, chấp nhận những tư tưởng khác nhau, không thấy ai là “thế lực thù địch”, “bọn bưng bê bơ sữa nước ngoài”, lúc đó họ mới mạnh, mới có thể sánh vai cùng các dân tộc khác, chứ không phải trở thành rồng, thành hổ, khi mãi mãi “chống nhau” ngay cả những chuyện không đâu vào đâu, xảy ra hằng ngày trên mạng Facebook, một sân chơi “ảo” duy nhất của dân VN không bị định hướng, kiểm soát.

Nếu hiểu nhau người Việt sẽ yêu nhau không phải hận thù nhau vì quá khứ, vì khác tư tưởng, và nếu có “hận thù” thì sự hận thù ấy nên hướng vào kẻ thù truyền kiếp đang làm mưa làm gió ở bãi Tư Chính hiện nay. Khi nước mất về tay bành trướng, mọi người cũng chẳng còn tự do để yêu thương hay thù hận nữa. Bây giờ không yêu thương nhau, đợi đến khi nào, hay là người Việt quá bận bịu vì đang “chửi nhau”?

BÚN QUÁT, CHÁO CHỬI

Đây là đề tài rất cũ. Tôi không nêu nó ra để làm xấu hình ảnh một số ít người bán quán ăn ở Hà Nội.

Ở Sài Gòn, tôi chưa bao giờ gặp một chủ quán, người phục vụ nào chửi, quát thực khách.

Khách hàng là thượng đế, câu này đúng ở Sài Gòn. Tôi có một ví dụ. Trời mưa to, bất chợt, tôi ghé vào một tiệm bên đường hỏi mua một áo mưa. Chủ tiệm đi vắng, cô con gái tầm 15 tuổi bán thay mẹ. Tôi đưa tờ 500 ngàn vì không có tiền lẻ, chiếc áo khá tốt giá 40 ngàn. Cháu gái vào nhà lục tủ tìm tiền thối. Một lúc lâu trở ra bảo tôi, bác cứ lấy áo đi, vài hôm quay lại trả tiền, cháu không tìm ra chỗ mẹ cất tiền lẻ. Cô bé trả lại tiền cho tôi. Cả thành phố hàng triệu người, làm sao cháu bé ấy lại tin tưởng mà bán thiếu một món hàng cho một người lạ, dù cho giá trị món hàng không lớn? Tôi mặc áo vào khi trời càng mưa nặng hạt, tầm tã. Nếu không áo, tôi sẽ bị ướt nước mưa, gió lạnh thốc tháo nữa, chạy xe làm sao nổi trên con đường xe cộ vun vút như tên bắn. Cháu bé thấy việc tôi sẽ bị ướt mưa quan trọng hơn việc một món hàng của mình, chưa biết có được trả lại tiền sau này hay không.

Đây không phải là trường hợp cá biệt. Người Sài Gòn thường hay bon chen nhưng nghĩa tình trọn vẹn, đôi khi tính tình họ khá "sòng phẳng", đâu ra đó. Khi bạn lạc đường, ở Sài Gòn, bạn sẽ thấy như mình không bị lạc. Người Sài Gòn sẵn sàng bỏ thời gian hướng dẫn bạn đi nếu bạn quá lớ ngớ, được chỉ đường cặn kẽ nhưng mặt mũi mình vẫn lơ ngơ không rõ. Họ vừa nghĩa hiệp vừa trọng nghĩa khinh tài.

Con trai tôi làm việc rất nhiều với người nước ngoài. Một sếp người Nhật của nó cho biết ông ấy sống, làm việc gần 30 năm, ở khắp các thủ đô, thành phố lớn châu Á kể cả Hà Nội, và ông nhận xét  không nơi nào cung cách phục vụ bằng Sài Gòn. Thân như thầy trò, ông này không phải đẩy đưa vì lịch sự. Cung cách phục vụ của người Việt Nam sao có sự khác nhau giữa Sài Gòn và Hà Nội (điển hình bún quát, cháo chửi)? Nhiều người bảo dân Hà Nội họ thế.

Không, không đúng. Hà Nội nổi tiếng thanh lịch từ xưa. "Ở đâu thanh lịch bằng người Tràng An".

Tôi suy nghĩ sự khác nhau có thể mới có đây, độ vài chục năm thôi, một thời gian bao cấp, đặc trưng của một chế độ áp dụng ý thức hệ cộng sản.

Sài Gòn sống "xã hội chủ nghĩa" rất ngắn, từ 1975 đến đầu 1981, lúc "phá rào" kinh tế xảy ra, khi dân Sài Gòn sững sờ thấy bo bo cho ngựa ăn đi vào bữa cơm của họ. Hà Nội sống "xã hội chủ nghĩa" khá lâu, hơn cả 1 thế hệ. Thời bao cấp, mọi sinh hoạt đời sống đều quyết định bởi nhà nước và cô mậu dịch viên là người thay mặt nhà nước, "quyết định" đời sống của mọi người dân.

Thịt, cá, áo lót, băng vệ sinh, kem đánh răng, xà bông, gạo, mắm...những thứ thiết yếu đời sống ấy sẽ không có nếu thiếu mậu dịch viên, người đại diện tiêu biểu cho bao cấp; không có cô, ai sẽ "phân phối" cuộc sống ?

Làm việc ăn lương, cô hết sức tất bật. Lúc nào cũng tối mắt, tối mũi với đống hàng, trước một đám đông nghịt người, chen nhau đến lượt mình được mua hàng qua tem phiếu. Có ai thấy cô ấy cười không? Các bác lớn tuổi nhớ lại xem. Quát, la, to tiếng, thậm chí chửi...chắc chắn không tránh khỏi đối với mậu dịch viên "đầy quyền uy", dù là quyền uy thấp nhất trong guồng máy quyền uy (nắm đời sống người dân cả nước). Nhưng có ai nghe cô ấy quát, tức giận bỏ về... không thèm mua hàng nữa? Không mua có nước đói nhăn răng. Cái cảm giác được "ban phát" khiến người ta trở nên quan trọng.

"Không mua thì xéo". Câu này không khác chi câu " không ăn thì biến" trong các quán bún chửi, cháo quát. Vật chất quyết định tinh thần, áp dụng sơ sài vào đây nghe đúng quá, cái ông Mark râu dài (Không phải chú Mark đẹp trai của Facebook). Vì chủ những quán này nấu ăn quá đỉnh, người muốn được ăn ngon, phải cúi đầu chịu quát, chịu chửi, rứa thôi. "Nấu ăn đỉnh" ở đây được coi là "độc quyền". Không nơi nào có được. Độc quyền nên có quyền quát, có quyền chửi, những ai muốn ăn ngon, những ai không có quyền lựa chọn.

Độc quyền dẫn đến quan liêu, thật đúng, không phải chỉ có những bà chủ quán "quan liêu". Nếu Hà Nội có hàng chục, hàng trăm, hay hàng ngàn quán "nấu ăn đỉnh", liệu người ta có thèm đến những cái quán chửi, quán quát, để có được tô bún, tô cháo ngon hay không?

Độc quyền, ở đây là "độc quyền nấu ăn đỉnh", tác hại như thế đó đối với con người: Người ta chịu nhục vì miếng ăn, vì không có quán nào ngon hơn, không còn tự do chọn lựa khác. Chúng tôi một lần tò mò đến một quán ngon "độc quyền" nổi tiếng này khi tham quan Hà Nội. Đoàn có hơn 30 người đều bỏ về, không ăn, không phải đông người chờ mà vì nghe tiếng quát tháo của bà chủ với khách.

"Ăn vàng cũng chả cần, chứ ăn bún", vậy mà quán vẫn đông nghẹt thực khách. Chúng tôi nói với nhau như thế rồi lên xe về khách sạn ăn sáng. Hay là chúng tôi, trẻ có già có, người miền Nam, chưa bao giờ, hay ít có dịp, quen thuộc cung cách "mậu dịch viên" của chủ quán như thế, hậu quả "cửa quyền" thời bao cấp xuất hiện rất lâu ở miền Bắc XHCN?

THAY TÊN muốn là được?

Bà bộ trưởng y tế gây sôi nổi dư luận bằng việc đề nghị đổi tên một trường đại học ở Sài Gòn.

“Thay tên đổi họ” có chi đâu mà người ta ồn ào. Một nhân vật lịch sử thay đổi cả trăm tên họ vẫn được người ta quý trọng, huống chi đối với một trường đại học có hai tên: cũ là Y Dược, mới Sức Khỏe. Có gì to tát đâu mà bàn với luận.

Người ta giễu cợt khá nhiều việc thay tên trường, tôi thì không. Tôi nghiêm túc nói về đổi tên.

Quan chức - một số người - đôi khi nghĩ mình là những người quyền thế nhất đời. Cỡ như bộ trưởng, việc đổi thay tên gọi cho một sự việc quan trọng, đối với họ “nhỏ như con thỏ”. Bộ trưởng giao thông đổi tên “thu phí” thành “thu giá”, sau đó gãi tai, uống một ly nước mát, thư thái sửa lại như cũ “thu phí”. Có chết thằng tây nào đâu mà cư dân mạng la lối ỏm tỏi cho hao hơi, tổn sức.

Đường Tự Do ở Sài Gòn (trước 75) không biết có khuyết điểm chi không bỗng được đổi thành Đồng Khởi. Dinh Độc Lập vi phạm gì đó bị đổi thành dinh Thống Nhất.

Người ta cho rằng tên cũ do “Ngụy” đặt cần sửa lại cho văn hóa, chính trị hơn. Họ quên Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam có một dãy chữ hai ông Độc Lập và ông Tự Do ràng ràng ở dưới, bên cạnh ông Hạnh Phúc. Ngôn ngữ chế độ Sài Gòn và ngôn ngữ chế độ Hà Nội cũng đều là ngôn ngữ Việt Nam. Bà bộ trưởng yêu cầu trường đại học Y Dược cố gắng biến mình thành đại học tầm cỡ thế giới, đừng để thua hai “thằng em” Lào và Campuchia là hợp lý nhưng đổi tên trường không thể làm trường hơn hai người anh em đó.

Các báo lý luận đại học Sức Khỏe (viết hoa) gồm nhiều khoa hơn, y, dược, nha, điều dưỡng, y tế cộng đồng…Nếu đại học Sức Khỏe bao gồm những khoa như thế thì còn thiếu, cần thêm các khoa: mát-xa, xông hơi, đấm bóp, dịch cân kinh, pháp luân công, nhảy xa, nhảy cao, bơi lội, cử tạ… vào, bởi tất cả những môn, những thứ ấy, đều phục vụ sức khỏe con người.

Thay đổi, đó là một ý nghĩ tiến bộ; mọi vật đều phải thay đổi, phải diễn biến, phải chuyển hóa…

Nhưng thay một cái tên không làm thay đổi bản chất, thay đổi sự việc mang cái tên đó. Chúng ta có hàng vạn đơn vị thay đổi tên, thay đổi danh, từ chỗ thôn xã “kém văn hóa, không văn hóa”, đôi ba tháng, đôi ba năm, biến thành thôn văn hóa, xã văn hóa khắp nước. Liệu có thực sự 100% văn hóa không?

Nếu tên đại học Sức Khỏe ý nghĩa hơn tên đại học Y Dược thì đất nước này cần thay đổi rất nhiều.

Trung tâm huấn luyện quốc gia Nhổn, cái tên quá kỳ cục: đổi ngay. Sao lại có một địa danh Bà Quẹo trong thành phố mang tên Bác kính yêu: đổi gấp. Có vị liệt sĩ gắn tên đường lại nói về thức ăn trẻ em rất khoái là (Đoàn Văn) Bơ và (Huỳnh Văn) Bánh. Đổi, đổi tất cho thành những tên đẹp đẽ, xứng đáng nằm ở những nơi trang trọng như thủ đô Hà Nội, anh hùng như thành phố Hồ Chí Minh.

Tên mà mọi người gọi lâu đời được xem như là một danh hiệu, (nay người ta hay gọi “thương hiệu” (brand) không thể thay đổi dù nó không đẹp hay chưa đúng. Đại học Y Dược (Sài Gòn) cũng vậy.

Y Dược trong tên gọi là một danh hiệu, một “thương hiệu”, không còn là một danh từ chung, đã nức tiếng miền Nam. Nhắc đến đại học Y Dược, người dân miền Nam đều nể trọng: ở đó đào tạo bác sĩ, có cả bệnh viện, chữa bệnh rất khá, rất giỏi, rất tận tâm.  (Hiện nghe nói có một số chi nhánh bệnh viện thuộc đại học  Y Dược có mặt ở một số tỉnh).

Đại học Bách Khoa (Sài Gòn) từng có lần đổi thành Đại học Kỹ Thuật, sau trở lại tên cũ. Đại học Bách Khoa, một danh hiệu, một thương hiệu nổi tiếng, niềm hãnh diện của trí tuệ khoa học, kỹ thuật miền Nam. Trước 1975, người ta hay gọi trường kỹ sư Phú Thọ. Phú Thọ là một địa danh, không hàm ý chút nào về nội dung giảng dạy của trường; nhưng hễ ai được gọi kỹ sư Phú Thọ đều hãnh diện vô cùng, vì đã từng xuất thân từ một cái nôi kỹ thuật, khoa học của VNCH.

Cái tên Nguyễn Thị Kim Tiến vài năm nữa thôi sẽ không còn được nhắc đến nhưng cái tên đại học Y Dược sẽ còn mãi mãi, dù lúc đương chức, bà muốn đổi tên nó thành đại học Sức Khỏe.

Một danh hiệu, một "thương hiệu", của một ngôi trường danh tiếng hàng trăm năm nay không hề “bé”, thưa bà bộ trưởng.

Một thương hiệu tên Coca Cola, được ước tính hơn vài chục tỷ đô la Mỹ (theo Philip Kotler trong Marketing From A to Z, tôi đã dịch, đang xin phép in) có chắc lâu đời hơn “thương hiệu” đại học Y Dược (Sài Gòn) không? Đổi một cái tên mà đổi thành công chất lượng trường mang tên ấy, liệu có làm được không?