Thursday, January 18, 2024

THAY TÊN muốn là được?

Bà bộ trưởng y tế gây sôi nổi dư luận bằng việc đề nghị đổi tên một trường đại học ở Sài Gòn.

“Thay tên đổi họ” có chi đâu mà người ta ồn ào. Một nhân vật lịch sử thay đổi cả trăm tên họ vẫn được người ta quý trọng, huống chi đối với một trường đại học có hai tên: cũ là Y Dược, mới Sức Khỏe. Có gì to tát đâu mà bàn với luận.

Người ta giễu cợt khá nhiều việc thay tên trường, tôi thì không. Tôi nghiêm túc nói về đổi tên.

Quan chức - một số người - đôi khi nghĩ mình là những người quyền thế nhất đời. Cỡ như bộ trưởng, việc đổi thay tên gọi cho một sự việc quan trọng, đối với họ “nhỏ như con thỏ”. Bộ trưởng giao thông đổi tên “thu phí” thành “thu giá”, sau đó gãi tai, uống một ly nước mát, thư thái sửa lại như cũ “thu phí”. Có chết thằng tây nào đâu mà cư dân mạng la lối ỏm tỏi cho hao hơi, tổn sức.

Đường Tự Do ở Sài Gòn (trước 75) không biết có khuyết điểm chi không bỗng được đổi thành Đồng Khởi. Dinh Độc Lập vi phạm gì đó bị đổi thành dinh Thống Nhất.

Người ta cho rằng tên cũ do “Ngụy” đặt cần sửa lại cho văn hóa, chính trị hơn. Họ quên Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam có một dãy chữ hai ông Độc Lập và ông Tự Do ràng ràng ở dưới, bên cạnh ông Hạnh Phúc. Ngôn ngữ chế độ Sài Gòn và ngôn ngữ chế độ Hà Nội cũng đều là ngôn ngữ Việt Nam. Bà bộ trưởng yêu cầu trường đại học Y Dược cố gắng biến mình thành đại học tầm cỡ thế giới, đừng để thua hai “thằng em” Lào và Campuchia là hợp lý nhưng đổi tên trường không thể làm trường hơn hai người anh em đó.

Các báo lý luận đại học Sức Khỏe (viết hoa) gồm nhiều khoa hơn, y, dược, nha, điều dưỡng, y tế cộng đồng…Nếu đại học Sức Khỏe bao gồm những khoa như thế thì còn thiếu, cần thêm các khoa: mát-xa, xông hơi, đấm bóp, dịch cân kinh, pháp luân công, nhảy xa, nhảy cao, bơi lội, cử tạ… vào, bởi tất cả những môn, những thứ ấy, đều phục vụ sức khỏe con người.

Thay đổi, đó là một ý nghĩ tiến bộ; mọi vật đều phải thay đổi, phải diễn biến, phải chuyển hóa…

Nhưng thay một cái tên không làm thay đổi bản chất, thay đổi sự việc mang cái tên đó. Chúng ta có hàng vạn đơn vị thay đổi tên, thay đổi danh, từ chỗ thôn xã “kém văn hóa, không văn hóa”, đôi ba tháng, đôi ba năm, biến thành thôn văn hóa, xã văn hóa khắp nước. Liệu có thực sự 100% văn hóa không?

Nếu tên đại học Sức Khỏe ý nghĩa hơn tên đại học Y Dược thì đất nước này cần thay đổi rất nhiều.

Trung tâm huấn luyện quốc gia Nhổn, cái tên quá kỳ cục: đổi ngay. Sao lại có một địa danh Bà Quẹo trong thành phố mang tên Bác kính yêu: đổi gấp. Có vị liệt sĩ gắn tên đường lại nói về thức ăn trẻ em rất khoái là (Đoàn Văn) Bơ và (Huỳnh Văn) Bánh. Đổi, đổi tất cho thành những tên đẹp đẽ, xứng đáng nằm ở những nơi trang trọng như thủ đô Hà Nội, anh hùng như thành phố Hồ Chí Minh.

Tên mà mọi người gọi lâu đời được xem như là một danh hiệu, (nay người ta hay gọi “thương hiệu” (brand) không thể thay đổi dù nó không đẹp hay chưa đúng. Đại học Y Dược (Sài Gòn) cũng vậy.

Y Dược trong tên gọi là một danh hiệu, một “thương hiệu”, không còn là một danh từ chung, đã nức tiếng miền Nam. Nhắc đến đại học Y Dược, người dân miền Nam đều nể trọng: ở đó đào tạo bác sĩ, có cả bệnh viện, chữa bệnh rất khá, rất giỏi, rất tận tâm.  (Hiện nghe nói có một số chi nhánh bệnh viện thuộc đại học  Y Dược có mặt ở một số tỉnh).

Đại học Bách Khoa (Sài Gòn) từng có lần đổi thành Đại học Kỹ Thuật, sau trở lại tên cũ. Đại học Bách Khoa, một danh hiệu, một thương hiệu nổi tiếng, niềm hãnh diện của trí tuệ khoa học, kỹ thuật miền Nam. Trước 1975, người ta hay gọi trường kỹ sư Phú Thọ. Phú Thọ là một địa danh, không hàm ý chút nào về nội dung giảng dạy của trường; nhưng hễ ai được gọi kỹ sư Phú Thọ đều hãnh diện vô cùng, vì đã từng xuất thân từ một cái nôi kỹ thuật, khoa học của VNCH.

Cái tên Nguyễn Thị Kim Tiến vài năm nữa thôi sẽ không còn được nhắc đến nhưng cái tên đại học Y Dược sẽ còn mãi mãi, dù lúc đương chức, bà muốn đổi tên nó thành đại học Sức Khỏe.

Một danh hiệu, một "thương hiệu", của một ngôi trường danh tiếng hàng trăm năm nay không hề “bé”, thưa bà bộ trưởng.

Một thương hiệu tên Coca Cola, được ước tính hơn vài chục tỷ đô la Mỹ (theo Philip Kotler trong Marketing From A to Z, tôi đã dịch, đang xin phép in) có chắc lâu đời hơn “thương hiệu” đại học Y Dược (Sài Gòn) không? Đổi một cái tên mà đổi thành công chất lượng trường mang tên ấy, liệu có làm được không?

THIẾU NHI SAO ĐỎ

Sáng nay thời sự trên BBC, thủ tướng Anh ghé thăm một trường tiểu học, chuyện trò với các học sinh. Có học sinh hỏi ông, thủ tướng giải quyết thế nào về Brexit (Anh rời khỏi EU), có thỏa thuận hay không thỏa thuận. Ông ta cười trả lời, tôi vừa ở Ái Nhĩ Lan về, sắp tới sẽ qua Brussels để giải quyết việc đó (thủ phủ của EU ở Bỉ; EU: Cộng đồng chung châu Âu). Ông nhìn một lượt các học sinh và hỏi chúng, có ai ý kiến gì nữa không. Hàng loạt cánh tay dễ thương của học sinh tiểu học đưa lên. Học sinh nhỏ như thế đã quan tâm chính trị, những việc lớn của quốc gia như Brexit.

Học sinh VN chúng ta có sinh hoạt chính trị trong học đường không, tôi không rõ, nhưng có rõ một chuyện, thấy các em đội viên Sao đỏ (tôi phải viết hoa) hẳn là có…“chính trị” rồi. Nhiệm vụ của các đội viên Sao đỏ này là gì? Giúp thầy cô giữ gìn trật tự trong lớp, ngoài lớp (giờ ra chơi), ghi tên em nào vi phạm nội quy, như nói tục chửi thề khi không có thầy cô chủ nhiệm? Chắc chắn những em đội viên này là học sinh có “quyền uy”, ngoài việc học, các cháu còn làm nhiệm vụ của một “người cảnh sát”, theo dõi bạn nào vi phạm.

Có trường hợp nào các thành viên đội này “lợi dụng chức quyền,cố ý làm trái” cái gì đó trong lớp học; giả dụ, “thằng” A này đáng ghét quá”, mày sẽ biết tay ta; thằng A đương nhiên sẽ nằm trong “tầm ngắm” của đội viên “lạm dụng chức quyền” này. A sẽ bị ghi vào sổ kỷ luật vì đã chửi thề, trong khi trò B, trò C thì “lọt sổ” do là người “quen thân” với đội viên này. Trẻ con cũng là người, người thì ai cũng có tình cảm riêng tư. Công việc của Sao đỏ (trong trường hợp này) đã làm méo mó nhân cách của một công dân tương lai: thiên vị, cá nhân, trù dập, một điều vô cùng tai hại trong môi trường giáo dục con người.

Những học sinh trong lớp chắc chắn luôn e dè, sợ sệt, lo lắng “phạm tội” như lỡ miệng chửi thề hay nói chuyện trong lớp, trước các đội viên “cảnh sát” Sao đỏ này. Trẻ em là búp trên cành. Hãy tạo môi trường trong lành trong học đường. Hãy cho các em tung tăng vui chơi trong một không khí không bị “theo dõi”, “giám sát”, “kiểm tra”. Đánh nhau, chửi tục, nói chuyện ồn trong lớp…đó là những việc muôn đời trong giáo dục học đường, không phải bây giờ mới có. Ông bà ta kết luận: “Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò”.    

Nhiệm vụ cao cả của một người thầy, người cô, là giáo dục học sinh chứ không phải theo dõi để quở phạt chúng, qua sự góp tay của một đội Sao đỏ, hình thành trong các trường tiểu học.  

Tôi có 5 đứa con từng là học sinh tiểu học hàng mấy chục năm trước. Trong một lần họp phụ huynh, có vị phát biểu, nhà trường nên đuổi học những học sinh quá ngỗ nghịch như luôn nhảy qua cửa sổ khi lớp chưa bãi, kéo rách áo bạn để chòng ghẹo trong giờ viết bài, chửi thề văng tục, ảnh hưởng học sinh ngoan khác…Vị hiệu trưởng cười: Chính những học sinh như thế mới cần được giáo dục. Đuổi hết chúng thì trường học lập ra để làm gì, thầy cô làm gì, chẳng lẽ chỉ để dạy những em nào ngoan ngoãn?

Tôi ao ước quý thầy, quý cô, đang dạy học, nên suy nghĩ như thầy hiệu trưởng, hãy tự mình giáo dục học sinh, không nên sử dụng “lực lượng Sao đỏ” hỗ trợ mình trong giáo dục.

Và ngành giáo dục cũng nên chấm dứt vai trò của tổ chức này nếu thực sự đang có nó trong các trường tiểu học khắp cả nước.

TẠI SAO TRUNG QUỐC CHỌN ĐÁNH VIỆT NAM

Lời người dịch: Chiến tranh không nước nào muốn - kể cả TQ. Nhưng đọc bài viết này để thấy “muốn có hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh”.

(Why China is picking a fight with Vietnam)

Các nhà phân tích xem Việt nam như trận đánh “hâm nóng” được chọn của Trung Quốc trước một mặt trận lớn hơn với Mỹ ở biển Đông.

Nếu những căng thẳng âm ỉ trở thành xung đột toàn diện ở biển Đông gia tăng thì những phát súng đầu tiên hình như sẽ là giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Hai nước, đều tuyên bố chủ quyền về bãi Tư Chính giàu dầu mỏ, đang đối mặt nhau hàng mấy tuần nay, không thấy bên nào xuống nước. Trong lúc TQ chống đối mọi bước tiến của các bên tuyên bố (chủ quyền) khai thác tài nguyên năng lượng ở những vùng tranh chấp, cuộc đối đầu hiện nay với Việt Nam được xem như "một mũi tên hai mục đích".

Một nhà phân tích quân sự cấp cao của tập đoàn RAND, một Think Tank (túi khôn) có trụ sở tại Washington, ông Derek Grossman, lập luận nếu Trung Quốc phát động một cuộc tấn công quân sự ở biển Đông, đối thủ nhắm tới có lẽ là Việt Nam.

Ông ta viết vào đầu năm nay, trước cuộc đối đầu ở bãi Tư Chính, Việt Nam sẽ được chọn như một trận đánh hâm nóng, (“preferred warm-up fight) với lý luận rằng họ là “một lực lượng tầm trung dễ bị quân đội Trung Quốc đánh bại”.

Mặc dù chưa có xung đột nhưng Bắc Kinh đang đẩy mạnh xâm lấn và thực thi “ngoại giao pháo hạm” (gunboat diplomacy) bằng cách ép buộc Hà Nội chấm dứt khai thác dầu khí trong những vùng biển tranh chấp.

Vào tháng bảy, tàu thăm dò Hải Dương 8 Trung Quốc, cùng với đội tàu vũ trang, có mặt hàng mấy tuần liền gần bãi Tư Chính, ngay trong vùng hàng hải thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam (EEZ).

Vào giữa tháng 8, dường như tàu thăm dò trở về Trung Quốc, nó xuất hiện trở lại trong vùng biển Việt Nam, nơi các công ty năng lượng Nga và VN đang thăm dò dầu mỏ.

Năm ngoái, một sức ép tương tự buộc Hà Nội hủy bỏ hợp đồng khai thác 200 triệu đô la Mỹ với công ty dầu khí Repson, Tây Ban Nha. Trung Quốc tuyên bố sở hữu 90% biển Đông với cái gọi là bản đồ 9 vạch, một phân định ranh giới bao la; tuyên bố bị tòa trọng tài The Hague bác bỏ tháng  bảy năm 2016.

Một tường thuật của đài BBC hôm ngày 3 tháng 9 cho biết, tàu cần cẩu Lam Kim của tập đoàn dầu khí TQ được đưa vào vùng biển Việt Nam, một động thái rõ ràng là gây thêm căng thẳng.

Nếu đúng như thế, Trung Quốc và Việt Nam có thể lặp lại cuộc đối đầu chớp nhoáng năm 2014, khi tập đoàn dầu mỏ ngoài khơi của TQ hạ đặt tàu giàn khoan nổi Hải Dương 981, cùng dân quân biển ở vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền, gần quần đảo Trường Sa.

Động thái được cho là Trung Quốc đưa tàu cẩu Lam Kim vào vùng biển Việt Nam trong lúc VN và chín thành viên khác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tham gia các buổi diễn tập hải quân cùng với Hoa Kỳ tuần này.

Sự việc xảy ra một tháng trước cuộc công du cấp nhà nước dự kiến đến Washington của tổng bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tại đó có thể nâng cao mối quan hệ hai bên lên cấp “đối tác chiến lược” giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Quân đội Trung Quốc và Việt Nam có trận đánh sau cùng năm 1988 trong một cuộc giao tranh quanh đảo Gạc Ma, 64 binh sĩ Việt Nam bị giết hại. Đó là trận đánh sau một cuộc chiến chớp nhoáng nhưng đẫm máu ở biên giới năm 1979, gây tổn thất hàng chục ngàn sinh mạng binh sĩ của hai bên.

Thời gian đã thay đổi từ những xung đột ngắn ngủi trước đó. Quân đội Nhân dân TQ (PLA) bây giờ là một trong những quân đội lớn nhất, trang bị tốt nhất. Năm 2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi  quân đội nhân dân chuyển mình hoàn toàn đến tầm cỡ thế giới năm 2050. Tuy nhiên, người ta cũng còn lo ngại sâu xa, liệu quân đội có chuẩn bị tư thế nào để chiến đấu trong một cuộc xung đột có quy mô lớn.

Tập từng nhận xét quân đội đang mắc một “căn bệnh hòa bình” (“peace disease”) bởi vì họ chưa bao giờ ở trong tình trạng xung đột thực sự, hàng mấy thập niên. Với sự thay đổi luân phiên những sĩ quan cao cấp kể từ cuộc xung đột thực sự năm 1979, hầu hết họ chưa từng tham dự một cuộc chiến đấu nào.

Một nhà quan sát nổi tiếng về quân đội TQ, ông Dennis Blasko, lập luận hôm tháng giêng rằng, mặc cho có đầu tư thật lớn lao vào vũ khí và kỹ thuật, cũng như cải tổ cơ cấu toàn diện, vẫn còn “một sự thiếu tự tin trong năng lực của PLA và sự thất bại trong những hệ thống giáo dục và huấn luyện của quân đội nhân dân TQ, để có thể đào tạo những vị chỉ huy và hàng ngũ tham mưu cho chiến tranh tương lai”.

Ông ta nói thêm “vì vậy, giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc không muốn hay ít muốn thể hiện nhiệt tình giao cho quân đội trách nhiệm chiến đấu chống lại một đối thủ trang bị hiện đại, họ lại thích đạt những mục tiêu quốc gia bằng sức mạnh răn đe và hành động không phải từ chiến tranh, bằng việc thực hiện sự kết hợp giữa các sức mạnh dân sự, chính quyền, bán quân sự, và quân sự”.

Nỗi bất an này là yếu tố đối với ai Trung Quốc coi như là đối thủ tiềm năng. Grossman viết: Đánh với Ấn Độ trên đất liền và trên không ở dãy Hy mã lạp sơn “chẳng tốt lành nhiều” cho PLA trong công tác chuẩn bị cuộc chiến trên không, trên biển. Xung đột ở bán đảo Triều Tiên sẽ quá khốc liệt và quá gần lãnh thổ mình. Chiến tranh với Nhật Bản, Phi Luật Tân, hay Nam Hàn có thể liên can đến quân đội Mỹ, bởi nước nào cũng liên minh an ninh với Hoa Kỳ. "Đạo luật về các mối quan hệ" khiến Washington phải cam kết  bảo vệ Đài Loan nếu xảy ra cuộc xâm lược quân sự của Trung Quốc.

Grossman lập luận: Bắc Kinh sẽ “chọn một cuộc  xung đột có thể thắng được” và “Việt Nam căn bản không có khả năng chịu nổi các cuộc tấn công so với Trung Quốc, lý do họ có nhiều điểm yếu trong các năng lực, sự huấn luyện, và nguồn nhân lực”.

Những phân tích đầy đủ về mặt học thuật không có được để đánh giá quân đội nhân dân Việt Nam (VPA) đang ở vị trí nào. Hà Nội có khuynh hướng giữ bí mật hơn Bắc Kinh trong khi giới học thuật của họ còn kín tiếng hơn nữa. Bộ quốc phòng đã xuất bản “sách trắng quốc phòng” của mình một thập niên trước, đánh dấu kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân VN.

Tuy nhiên, các nhà phân tích đồng ý với nhau rằng Hà Nội đang xem xét các vấn đề nghiêm túc hơn khi những căng thẳng trên biển Đông cứ leo thang hằng năm.

Nguồn tin của giới doanh nghiệp tường thuật hôm tháng 4 rằng chính quyền Việt Nam dành ra 5,1 tỷ đô la cho chi tiêu quân sự trong tài khóa năm nay, khoảng một phần ba số đó để mua sắm thiết bị quốc phòng. Một số nhà phân tích ước tính chi tiêu quân sự của Hà Nội có thể lên tới 7,9 tỷ đô la vào năm 2024.

Cũng có những dấu hiệu quan ngại nhất định về tính sẵn sàng chiến đấu của quân đội – và sự cần thiết phải làm nhiều việc hơn nữa. Hồi tháng sáu, tờ Quân đội nhân dân của bộ Quốc phòng đăng một bài luận đề về công tác huấn luyện và nguồn nhân lực quân đội.

Bài viết cảnh báo: “Công tác huấn luyện cán bộ trong quân đội không đều đặn và cân đối; chương trình và nội dung huấn luyện vẫn còn chậm đổi mới; việc cập nhật kiến thức và kỹ thuật quân sự mới chưa được nâng cao”.

Rõ ràng, Việt Nam có một quân đội yếu hơn quân đội Trung Quốc.

Việt Nam chi tiêu khoảng 5 tỷ đô la mỗi năm cho quân đội. Trung Quốc chi tới 220 tỷ. Trung Quốc có nguồn nhân lực hiện dịch lớn gấp 5 lần Việt Nam, số lượng máy bay gấp 10 lần (3.187  chiếc so với 318 chiếc) và tàu hải quân gấp 11 lần (714 chiếc so với 65 chiếc). Trung Quốc có những thiết bị tốt hơn rất nhiều; Hải quân giải phóng nhân dân có tàu sân bay và tàu khu trục, những thứ Việt Nam không có.

Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng, với sự bất cân xứng này, chọn lựa chiến lược duy nhất của Việt Nam sẽ là phòng thủ trong trường hợp xảy ra xung đột. Tuy nhiên, vẫn có vẻ chưa có đồng thuận nào về vấn đề này ở Hà Nội.

Trong một bài báo viết cho tờ Quân đội nhân dân hôm 30 tháng 8, bộ trưởng thông tin truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng – một thiếu tướng trong quân đội và là cựu chủ tịch tập đoàn Viettel – viết rằng “trong tương lai, nếu chiến tranh xảy ra cho đất nước chúng ta, đó sẽ là cuộc chiến tranh nhân dân, bảo vệ đất nước phát triển chống lại sự xâm lược của kẻ thù”.

Ông tiếp: Tuy nhiên, ông nhấn mạnh “ trong các cuộc chiến tranh chống lại tổ tiên chúng ta trước đây, và Đảng ta sau này, đất nước chúng ta thường đối mặt với kẻ thù với sức mạnh và tiềm lực quân sự hơn hẳn, nhưng chúng ta đã chọn tấn công như là một tư tưởng chủ đạo, thay vì sự bị động hay phòng thủ bị động”.

“Tư tưởng tấn công” ông ta nói thêm, tạo ra sự đoàn kết trong nhân dân, và một niềm tin rằng nhân dân không đầu hàng dù cho kẻ thù hùng mạnh cỡ nào. Tuy nhiên, ông ta cũng sử dụng cụm từ “phòng ngự tích cực”, một khái niệm giống của người Trung Hoa là “phòng ngự phản công” – một thuật ngữ sử dụng thập niên 1980 của Đặng Tiểu Bình trong ý nghĩa “phòng ngự chiến lược nhưng hành động thì tấn công” (strategically defensive but operationally offensive).

Điều này chắc là ngầm ý các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản đang nghiêm túc cân nhắc khả năng xảy ra chiến tranh, và cách thức họ có thể đối phó. Không thể ngẫu nhiên mà Đảng Cộng sản đã cho báo chí tự do hơn để viết được nhiều hơn, nhân ngày kỷ niệm năm nay về những cuộc chiến biên giới Việt – Trung.

Những báo cáo đầu năm nay cho biết Việt Nam đang âm thầm mở rộng dân quân biển và vũ trang nhiều hơn lực lượng cảnh sát biển trong việc chuẩn bị đối phó nhiều hơn những chiến thuật lấn lướt trước những binh chủng cùng loại của Trung Quốc.

Với điều kiện bất xứng về quân sự, sự răn đe lớn nhất của Việt Nam có lẽ là tìm đến các đối tác quốc tế. Hà Nội đang tất bật tìm kiếm những người bạn mới. Lấy ví dụ, VN đồng ý tháng vừa rồi mở rộng quan hệ quân sự với Nam Phi, trong lúc thủ tướng Úc Scott Morrison tái xác định hợp tác quân sự giữa hai bên trong một cuộc viếng thăm hoạch định trước tới Hà Nội.

Việt Nam cũng đã ký nhiều thỏa ước quân sự với Cộng đồng chung châu Âu và Nhật Bản năm nay. Tuy nhiên, cái quan trọng nhất, nếu như Hà Nội có được nhiều bảo đảm chiến lược của cựu thù chiến tranh là Hoa Kỳ.

Cái này còn tùy vào chuyến đi sắp tới của ông Trọng đến Washington. Trong khi dễ dàng nhất – quan hệ của Hoa Kỳ đối với Việt Nam còn đi xa hơn những ngữ nghĩa bày tỏ - nó sẽ gởi đi một tín hiệu mạnh mẽ rằng Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam, và đóng vai  như một đối trọng với Trung Quốc, nếu hai bên đồng ý nâng tầm quan hệ chiến lược với nhau.

Chắc rằng sẽ không có chuyện ký kết quốc phòng, vì nguyên tắc nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam – gọi là nguyên tắc “Ba Không” – ngăn cản họ ký kết hiệp ước quân sự với các quốc gia khác. Tuy nhiên, quan hệ đối tác được nâng cấp có thể cho phép các chuyến ghé thăm nhiều hơn các tàu hải quân Mỹ đến Việt Nam – điều Washington mong muốn – và có lẽ một cam kết của Hà Nội sẽ mua nhiều khí tài quân sự của Mỹ.

Việt Nam hiện mua khoảng 4 phần năm khí tài quân sự của Nga và một phần mười như thế của Israel. Đổi lấy việc mua sắm thêm, Washington có thể đề nghị rõ ràng hơn về chuyện VN sẽ bị cấm vận hay không vì đạo luật dài dòng quy định những kẻ đối đầu với Mỹ (gọi là CAATSA), đạo luật cấm vận các quốc gia nào mua vũ khí của Nga.

Việt Nam tạm thời được miễn áp dụng đạo luật CAATSA, và cựu bộ trưởng quốc phòng James Mattis đã dành một miễn trừ cho Việt Nam. Nhưng để làm cho việc miễn trừ này kéo dài, Hà Nội phải chứng minh họ đang cắt giảm sự phụ thuộc vào những khí tài quân sự nhập khẩu của Nga.

Bằng cách mua nhiều khí tài quân sự Mỹ, Việt Nam sẽ giảm đáng kể thặng dư mậu dịch với Hoa Kỳ, một điều được biết từng làm chính quyền Donald Trump lấy làm khó chịu.

Washington đã tỏ ra cứng rắn với những hành động mới nhất của Bắc Kinh, mà bộ ngoại giao mô tả như là “sự cản trở có tính  bắt nạt trong các hoạt động thăm dò dầu khí lâu đời của Việt Nam”. Bộ ngoại giao Mỹ cũng lưu ý tháng vừa rồi, rằng Trung Quốc đang cản trở việc tiếp cận nguồn dầu khí chưa khai thác ước tính 2500 tỷ đô la trong những vùng ở biển Đông.

Bộ quốc phòng Mỹ trong khi đó lưu tâm trong một báo cáo năm ngoái rằng Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ nhì thế giới và là nước tiêu thụ lớn thứ ba thế giới về khí thiên nhiên. Tuy nhiên, phụ thuộc của TQ vào khí ga nhập khẩu, chiếm 67 % nhu cầu của mình năm 2017, sẽ tăng lên 80% vào năm 2035, do đó, họ đang nâng lên tầm quan trọng nguồn nguyên liệu chưa khai thác ở biển Đông.

Hoa Kỳ cần chứng minh họ thật nghiêm túc trong việc bảo đảm sự an ninh của Việt Nam đối với Trung Quốc. Hà Nội còn nhớ đinh ninh tổng thống Mỹ năm nào, Barack Obama, từ chối bảo vệ đồng minh khi Trung Quốc chiếm bãi Scarborough của Phi Luật Tân năm 2012. Obama cũng chẳng có ủng hộ nào đối với Việt Nam trong đối chọi với Hải Dương 981 hồi năm 2014.

Trump tiếp tục phần lớn theo cùng cung cách, ông chỉ ra các thông báo cứng rắn nhưng không hỗ trợ bằng hành động khi Trung Quốc bắt nạt thành công Việt Nam hủy bỏ những thương vụ khai thác dầu năm ngoái và vào năm 2017 trong những vùng tranh chấp ở biển Đông.

Hành động dương oai diễu võ bắt nạt gần bãi Tư Chính của TQ, và việc được cho là di chuyển tàu cẩu vào vùng biển VN, đúng là nguy hiểm hơn rất nhiều so với việc các tàu bè của họ tiếp cận các phương tiện mới của hải quân, không quân, trên những thực thể bồi đắp nhân tạo họ đã triển khai trên biển.

Điều này hàm ý những tàu bè không còn cần phải trở về đất liền Trung Quốc nữa để nạp nhiên liệu và bảo trì trong những chuyến hải hành trên biển Đông. Nó cũng hàm ý họ có thể tuần tra gần hơn bờ biển Việt Nam trong những quãng thời gian lâu hơn.

Hải Dương 8, đang đối mặt với các tàu hải quân Việt Nam ở bãi Tư Chính, được cho là đi đến một căn cứ hải quân mới được xây dựng trên Rặng đá Chữ Thập gần đó (Fiery Cross Reef?) không phải trong lục địa TQ, để tiếp dầu trước khi trở lại thực thể (feature) đang tranh chấp.

Nếu sự đối đầu với Việt Nam leo thang thành một cuộc đối đầu quân sự, nó có thể giúp cho Trung Quốc một "ca" thử nghiệm cho sự sẵn sàng của họ đối với một cuộc chiến to lớn hơn trong vùng biển tranh chấp trong những năm sắp đến.

Bài của DAVID HUTT đăng trên Asia Times.

SAO LẠI GỌI ''HOT GIRL''?

Năm nào ở Thanh Hóa cũng có hotgirl trưởng phòng, nổi đình đám, nay thêm một hotgirl cũng trưởng phòng ở Đắc Lắc. Giai nhân nan tái đắc (mỹ nhân khó gặp lại -Cao Bá Quát) nhưng hai tỉnh này đâu có khó gặp chuyện giai nhân.

Trước hết báo chí dùng từ hotgirl, cũng như tôi, là không đúng. Khi đã là một quan chức nhà nước  thì không thể gọi như thế, phải ông hay bà...Cô trưởng phòng này xuất thân từ một thợ gội đầu, uốn tóc nhưng làm đến trưởng phòng hành chính quản trị của văn phòng một tỉnh ủy to đùng, có cái gì đó sai sai ư? Khối chi người xuất thân từ vị trí tầm thường nhưng phấn đấu lên làm lãnh đạo. Ở Tàu ngày xưa, anh chàng đan giày, bán chiếu Lưu Bị lên làm vua, dưới tay là Khổng Minh mưu lược phi thường. Một anh chàng hoạn lợn, tức thiến heo, làm đến nguyên thủ quốc gia, có ai dám chê bai đâu. Nghề uốn tóc, gội đầu không phải là nghề xấu. Thợ gội đầu làm đến trưởng phòng ở cấp tỉnh ủy, lại có bằng thạc sĩ, phải là tấm gương học tập cho thanh niên Việt Nam.

Qua tìm hiểu, cô trưởng phòng này chỉ học đến lớp 9, mượn bằng của chị ruột để nộp đơn đi học trung cấp kế toán, đăng ký học hàm thụ (từ xa) đại học Đà Nẵng, tốt nghiệp vào làm thư ký của một công ty du lịch, sau xin vào bộ phận tiếp tân tỉnh ủy, từ đó được điều chuyển qua văn phòng tỉnh ủy, đi học thạc sĩ, nắm chức trưởng phòng quản trị hành chính, một cơ quan trọng yếu của tỉnh ủy.

Báo nói cô xài bằng giả của chị là nói chưa đúng. Bằng thật nhưng là bằng của người khác, không phải bằng giả hay bằng mua. Giả làm bằng của cô chứ bằng không giả.

Có hai hướng suy nghĩ. Hướng thứ nhất : Có thể do hoàn cảnh, cô lúc nhỏ không thể học hết cấp ba vì nhà khó khăn, có đến 11 anh chị em. Cô bèn “mượn” bằng của chị để học lên trung cấp, đại học, cao học. Một người có tài năng, có ý chí phấn đấu, không bằng lòng với số phận “thất học” trong một xã hội đòi hỏi bằng cấp. Phụ nữ như thế cần phải biểu dương, làm điển hình tiên tiến, đưa lên ti vi, lên báo, nếu cái bằng cấp 3 không phải là bằng mượn.

Hướng thứ hai: Cô thật sự… “không có học” nhưng “có sắc đẹp”, ai đó mạnh khỏe như Hercule nâng đỡ cô, một cách trong sáng…Không thể nói “nâng đỡ không trong sáng” vì trong một môi trường nghiêm mật như văn phòng tỉnh ủy, mọi cái xảy ra phải minh bạch, có cặp mắt sáng suốt của biết bao nhiêu là thành phần ưu tú nhất của một tỉnh. Chẳng lẽ trong đơn vị, những đồng chí nhiều năm tuổi đảng, nhiều cống hiến cho đất nước, nhiều người tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, đào tạo gian khổ trong những trường chính trị từ sơ cấp cho đến cao cấp…lại chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của một phụ nữ quá trẻ với “trình độ nguồn” là lớp 9, chân ướt chân ráo bước ra từ một tiệm gội đầu, uốn tóc?

Họ hiền lành thấm nhuần đạo đức cho đến khi có đơn tố giác của ai đó bảo trưởng phòng của họ xài bằng 12 của người khác thì tất cả mới ngã ngửa ra bứt tóc than thầm họ “phò” lầm minh chủ?

Họp báo của tỉnh Đắc Lắc đã giải thích vụ việc và trọng tâm họp báo là sẽ “kỷ luật” người “gian dối” kia (không thể khắc phục) một cách nghiêm khắc đồng thời sẽ rà soát lại công tác xác minh, kết nạp đảng viên, có chỗ nào “mỏng” sẽ xem xét trách nhiệm, và sau đó có thể như thông lệ “rút kinh nghiệm sâu sắc” như đã làm với vụ 9 người trong đoàn quốc hội trốn lại Hàn Quốc.

Tội của cô trưởng phòng xinh đẹp duy nhất: xài bằng người khác, nhẹ hơn là xài bằng giả, vì bằng lớp 12 không thể giúp cô “lừa” hệ thống tổ chức ngoạn mục như thế; cô sẽ bị tội nặng hơn nếu bằng đại học, bằng thạc sĩ là giả. Hơn nữa, chúng ta nên lưu ý chỗ này: tất cả giấy tờ của chị đều thành của em, tức của cô, từ chứng minh nhân dân, ngày sinh tháng đẻ, nghĩa là hồn Trương Ba nhưng da Hàng thịt. Mục đích ban đầu của cô là để đi học, để đi xin việc, chắc chắn không phải xin vô văn phòng tỉnh ủy. Dư luận nên chiếu cố điểm này, không nên gọi cô ta là hotgirl nữa với ngụ ý lợi dụng “vốn tự có” để tiến thân (tôi gọi theo nghĩa khác của ý riêng).

Đến đây, ta thấy một vấn đề khác lớn hơn: có cái gì khiếm khuyết trong công tác đề bạt cất nhắc cán bộ hay không, vì ngay trong một tổ chức đầu não của đảng cấp tỉnh, nơi con muỗi cũng không thể lọt vào chứ đừng nói chuyện  người “man khai lý lịch” đường đường thăng tiến. Ông Sếp của đảng CS đang chống chạy chức chạy quyền, liệu có chống nổi không khi cấp dưới của ông "như ông trời con" trong trường hợp này?

Hệ thống an ninh nhà nước phải nói là hùng mạnh nhất thế giới. Có thằng Việt Tân nào đó ở Mỹ về vừa bước xuống sân bay là bị tó tức thì. Còn ở đây, văn phòng tỉnh ủy, một người không lấy tên mình, lấy tên người khác mấy năm trời mới có người (không phải là công an) phát hiện? Câu hỏi lớn hơn, với sự lỏng lẻo như trường hợp trên, trong hàng ngũ quan chức hiện nay, có ai là “hồn Trương Ba da hàng thịt” nghĩa là hồn của tình báo Hoa Nam mà da thì của cô gái thanh tú Hà Nội, chưa bị phát hiện không?

Tôi nghĩ là không hề có như thế. Đây là dẫn chứng sự quản lý chặt chẽ của chính quyền.

Con gái tôi tên Nguyễn Hồng Đức, hơn chục năm trước khi chưa nhập khẩu về Sài Gòn, có giấy gọi nghĩa vụ quân sự. Vi nhầm lẫn là con trai, trong sổ hộ khẩu, chỗ giới tính, cán bộ hộ tịch ghi là Nam. Tôi lên xã khiếu nại. Nhân viên xã bảo tôi: “Con gái, sao chú không đặt tên lót là ‘thị’ cho khỏi nhầm lẫn”. Tôi cười không trả lời vì câu hỏi ngây ngô và nhờ anh ta chữa giúp lại thành Nữ. “Chú phải làm đơn đem lên huyện, mang theo giấy tờ người này, họ sẽ chỉnh lại. Cấp xã chúng tôi không có quyền điều chỉnh”.

Một sự nhầm lẫn không phải của người dân mà là của nhân viên chính quyền, nhưng người dân muốn điều chỉnh phải làm đơn nhờ chính quyền. Nguyên tắc nghiêm ngặt này nếu áp dụng với hồ sơ cô trưởng phòng kia thì bây giờ đâu có chuyện lùm xùm để "thế lực thù địch" nó bêu riếu. Người ta đâu có cơ hội để dè bỉu cô, thật tội nghiệp; tội đâu phải hoàn toàn chỉ mỗi mình cô, cô chỉ mỗi cái tội sử dụng giấy tờ của chị nhằm phấn đấu thăng tiến trong xã hội, một cái xã hội cô nghĩ rằng bằng giả, bằng mượn, hay bằng thiệt, tất cả đều hết sức quan trọng.