Câu tục ngữ này không hẳn chỉ mang ý nghĩa trao đổi vật chất, có cho thì mới có nhận; nó còn hàm ý hiểu nhau, “hiểu qua hiểu lại”.
Tôi viết status theo suy nghĩ của mình trước một sự kiện nào đó và không bao giờ có một chương trình hay kế hoạch trong việc nêu lên suy nghĩ của mình dành cho một số “bạn” trên facebook ghé đọc.
Tôi thấy xuất hiện hai xu hướng: thuận và chống (dù không nhiều) trước mỗi vấn đề tôi đưa ra.
Tôi không nói “thuận”, tôi muốn nói “chống”, bởi “thuận” thì dễ hiểu, có đa số người, “chống” cần giải thích nhiều hơn vì ít người hơn.
Chống xuất phát từ 2 nhóm (tạm phân loại): một, từ số người (có thể là) “dư luận viên”, một, là các bác “chống cộng” (tôi gặp vài nickname có tên Mỹ kèm như Andy Đỗ hay Johnny Nguyễn…).
Dư luận viên có thể nhận xét tôi: “chả làm gì, cả ngày lên mạng xuyên tạc nhà nước, già rồi nên an phận”. Ông Andy Đỗ nào đó thì: “Ca ngợi những thằng cộng sản là còn lặn ngụp trong vòng u tối không bao giờ tiến bộ, có già nhưng không có…khôn”.
Hai nhận xét (không nhiều) đều có nhắc đến cái “già” của tôi: làm như già là cái tội, và hai người trên sẽ trẻ mãi không già và cha mẹ họ cũng thế, sẽ không bao giờ già. Không phải già mới quan tâm thời sự, lúc trẻ, ngay cả mới vào lớp đệ thất (lớp 6) tôi đã quan tâm rất nhiều những việc xảy ra của đất nước. Mỗi sáng sớm hay mỗi tối, tôi đều nghe “ké” BBC hay VOA (học sinh chưa sắm được radio).
Khác quan điểm hay khác tư tưởng là điều hiển nhiên. Không ai sẽ bị tù tội khi tư tưởng không giống nhau. Điều này lại không đúng với thực tế lịch sử. Người ta đã "hy sinh" cả triệu mạng người vì không đồng tư tưởng.
Lúc nào cũng chia ra làm hai: đồng thì sống, chống thì chết (tư tưởng). Khi khác tư tưởng (nói trắng ra ý thức hệ cộng sản và không cộng sản) con người đã trả giá cho sự khác nhau đó, một cái giá quá lớn và quá thảm khốc.
Tôi tự hỏi tại sao trong những ngày đầu con người tham gia các tổ chức yêu nước chống lại thực dân Pháp lại không dung nhau. Có lúc người Việt “dung” nhau nhưng chỉ là “chiến thuật” không phải là chiến lược. Những sự kiện lịch sử xảy ra từ sau 1945 cho đến khi chấm dứt chiến tranh 1975 chứng minh cho thắc mắc của tôi là có cơ sở: dân tộc Việt Nam chia ra làm hai và cũng chia xẻ đất nước này làm hai, dẫn đến cuộc chiến đẫm máu, với sự tiếp tay của thế lực nước ngoài.
Người Việt giết nhau nhờ súng đạn của ngoại bang. Khẩu súng hai bên dùng để giết nhau có xuất xứ từ Nga, Tàu, Mỹ chứ không phải từ Hà Nội hay Sài Gòn. Tại sao người Việt không bao dung: cộng sản hay quốc gia (gọi vậy cho dễ hình dung, cộng sản cũng có quốc gia) không cùng chung sống?
Và người quyết định chọn ý thức hệ nào phải là đại đa số dân chúng chứ không phải là một nhóm người ở Hà Nội hay Sài Gòn. Suy cho cùng không phải người Việt không có lòng bao dung. Họ không đủ sáng suốt để thể hiện lòng bao dung.
Tôi lấy ví dụ chuyện đơn giản để thấy vì không hiểu nhau con người trở nên xa lạ nhau dẫn đến thù hận nhau.
Sau 1975, một người bà con của tôi, ông cụ nay đã khuất, từ miền Bắc trở về, với một ba lô nặng. Do mới chấm dứt chiến tranh, đường sá xe cộ không thể đi lại và cũng rất thiếu xe đò. Ông đi bộ từ Đà Nẵng về đến quê tôi gần 60 km. Khi gặp cháu mình (ông không cưới vợ khi tập kết ra Bắc vì đã có vợ năm 1952 ở quê) ông ứa nước mắt, mấy chục năm mới gặp lại người ruột thịt, và người cháu gọi chú ruột cũng không cầm được nước mắt khi nghe ông nói, trong ba lô có mấy ký gạo, một chục chén đất, một con rựa, một lưỡi cuốc con gà, “để đem về cho gia đình cháu sử dụng. Cháu ở miền Nam nghe đài nói “đói nghèo cơ cực, bọn Mỹ-Ngụy tàn ác lắm”.
Ông cụ sau đó rất vui vì gia đình cháu mình không như ông nghĩ trước khi gặp họ. Không rõ ông có nghĩ gì về những điều trước đây nghe tuyên truyền hay không. Không phải ông ở ngoài đó được nghe những thông tin không đúng. Gia đình tôi trong Nam, thật ra là gia đình bên vợ tôi, mấy đứa em vợ lúc “giải phóng” đã 14, 15 tuổi đang là học sinh trung học, cũng có những suy nghĩ sai lệch về những người… “cộng sản Bắc Việt”.
“Ngụy” tuyên truyền không lão luyện bằng “Cách mạng” nhưng cũng khá hiệu quả. Bộ đội chiếm được Đà Nẵng, chuẩn bị lên đường Nam tiến, có một tiểu đội ở nhờ nhà mẹ vợ tôi. Em gái tôi, nay có cháu ngoại, một sáng hốt hoảng chạy vào chỗ vắng, gọi vợ tôi đến và nói nhỏ, giọng hết sức ngạc nhiên, “chị Hai, Việt Cộng họ cũng đánh răng”.
Ông cụ nói trên và em gái tôi đã không hiểu rõ những sự việc của nhau, một người Nam, một người Bắc, lẽ đáng cùng chung một nhà. Một nhà sẽ hiểu nhau, sẽ yêu thương nhau, nhưng họ không thể, vì đất nước chia đôi, lòng người do đó cũng chia đôi. Em tôi là học sinh suy nghĩ sai lạc như thế nhưng có một vị giáo sư (tôi không tiện nêu tên) đáng kính khác cũng suy nghĩ như em tôi, một trong những người chủ trương tờ báo đối lập tên Đối Diện (thân cộng) ở Sài Gòn. Ông nhận xét kinh tế miền miền Nam (VNCH) được điều hành rất tồi, lạm phát liên tục, một ký gạo năm 1956 giá cao gấp chục lần giá một ký gạo năm 1974 trong khi ở miền Bắc (VNDCCH) giá gạo lúc nào cũng khoảng 4 hào một thời gian dài không đổi.
Một giáo sư được Pháp đào tạo uyên bác nhưng cũng nhầm lẫn khi so sánh giá gạo “bao cấp” (mua theo tiêu chuẩn) với giá gạo mua theo giá thị trường. Có ai tự do mua được gạo giá “bèo” như thế không, hay mỗi người chỉ 19 hay 13 ký, dành cho công nhân viên chức, chứ không phải cho mọi người dân?
Chỉ vì không hiểu rõ và không hiểu nhau, người Việt lúc nào cũng dễ dàng chia ra làm hai “phe” ngay cả trong thời bình. Chính vì không hiểu rõ sự việc và không hiểu nhau, ngay trong không gian “mượn” của ông Mark người Mỹ, dân chúng Việt Nam cũng “chia” làm hai bên, thuận và chống, ngay cả đối với những suy nghĩ tản mạn của một người như tôi, một ông “già” vô dụng.
Khi nào người Việt có tầm suy nghĩ vượt ra khỏi định kiến quá khứ, chấp nhận những tư tưởng khác nhau, không thấy ai là “thế lực thù địch”, “bọn bưng bê bơ sữa nước ngoài”, lúc đó họ mới mạnh, mới có thể sánh vai cùng các dân tộc khác, chứ không phải trở thành rồng, thành hổ, khi mãi mãi “chống nhau” ngay cả những chuyện không đâu vào đâu, xảy ra hằng ngày trên mạng Facebook, một sân chơi “ảo” duy nhất của dân VN không bị định hướng, kiểm soát.
Nếu hiểu nhau người Việt sẽ yêu nhau không phải hận thù nhau vì quá khứ, vì khác tư tưởng, và nếu có “hận thù” thì sự hận thù ấy nên hướng vào kẻ thù truyền kiếp đang làm mưa làm gió ở bãi Tư Chính hiện nay. Khi nước mất về tay bành trướng, mọi người cũng chẳng còn tự do để yêu thương hay thù hận nữa. Bây giờ không yêu thương nhau, đợi đến khi nào, hay là người Việt quá bận bịu vì đang “chửi nhau”?
1IWPA8-HjLmqQkrwAYg7k9KuhtJcIh9glMPDIszA-wCQ