Wednesday, January 17, 2024

VIỆT NAM, ĐẢO QUỐC (ĐƠN ĐỘC CHỐNG TRUNG QUỐC

(Vietnam a lonely island of resistance to China).

Lời người dịch: Bài khá dài, quý vị cố gắng đọc để hiểu tình hình khó khăn của VN trong khi ở quốc nội "Mặt trận biển Đông vẫn yên tĩnh" (nhại theo đề cuốn sách Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh, tiếng Đức Im Westen nichts Neues là một cuốn tiểu thuyết viết về đề tài chống chiến tranh của Erich Maria Remarque, một cựu binh Đức từng tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất)

Hà Nội khéo léo sử dụng chiến lược ba hướng (three-pronged)  đáp trả và ngăn chặn động cơ Bắc Kinh bá chủ biển Đông.

Bị kẹt hàng tháng trong cuộc đối đầu hải quân với Trung Quốc về một bãi đá ngầm giàu dầu khí, Việt Nam hiện được cho là nước có tuyên bố chủ quyền sau chót, chủ động chống lại hành động lấn lướt của Bắc Kinh muốn bá chủ Biển Đông.

Hầu hết khối Asean, từ Philippines đồng minh của Mỹ, Malaysia có cùng tranh chấp, cho đến nước chủ tịch khối hiện nay là Thái Lan, tất cả đều sử dụng đối sách hòa hoãn với hy vọng dễ thấy cho tới nay là cố đòi những nhượng bộ từ TQ.

Trái lại, VN đã công khai và thường xuyên phê phán việc quân sự hóa của TQ về những thực thể lãnh thổ tranh chấp trên biển, cùng lúc cắt giảm sự lệ thuộc kinh tế vào TQ thông qua những quan hệ thương mại với các cường quốc phương Tây, bao gồm mới đây nhất là khối EU.

Trong màn trình diễn khôn ngoan về sự cân bằng đa phương, Hà Nội đã khéo léo lôi kéo hàng tá cường quốc, cả Mỹ và Nga, nhằm giúp ngăn chặn các cuộc xâm phạm của TQ vào những vùng biển tuyên bố, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 28 tháng 9, bộ trưởng ngoại giao VN Phạm Bình Minh kêu gọi TQ “thực hiện sự kiềm chế và từ bỏ những hành động đơn phương, có thể làm phức tạp hay gây leo thang căng thẳng trên biển, và giải quyết các tranh chấp bằng phương tiện hòa bình” (sao không bảo chúng rút đi, giải quyết tranh chấp là giải quyết cái gì)

Ông ta nói thêm: “VN đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về những diễn biến  phức tạp gần đây trên Biển Đông, kể cả những sự cố nghiêm trọng vi phạm chủ quyền VN”.

Có nhiều tiếng nói cất lên, thường thường bị đàn áp trong một thể chế bưng bít và toàn trị ở VN (Vietnam’s closed and authoritarian political system), kêu gọi quốc tế hóa mạnh mẽ hơn về những tranh chấp của đất nước với Trung Quốc.

Một nhóm các chuyên gia Việt Nam đề xuất VN nên kiện TQ vi phạm chủ quyền theo luật quốc tế tại tòa án La Haye, một động thái có thể dấy lên sự “đánh cược” (the odds) ngoại giao về bãi Tư Chính và các thực thể đang tranh chấp khác.

Viện Nghiên cứu về chính sách, luật pháp, và phát triển của VN đã tổ chức một hội thảo công khai hiếm có hôm ngày 5 tháng 10 tại Hà Nội, thẳng thắn phê phán hành động của TQ ở bãi Tư Chính và khuyến cáo cần một hành động pháp lý “để xác định ai phải ai trái trong vấn đề này”.

Đòi hỏi tương tự của Philippines được xử thắng kiện TQ ở tòa trọng tài thường trực La Haye tháng 7 năm 2016, một phán quyết phơi bày ra những đòi hỏi quá mức của TQ, chiếu theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển.

TQ bác bỏ phán quyết, họ cho là “vô lý” và Philippines đã không đẩy mạnh thắng lợi, dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte, người trái lại, chấp nhận đối sách hòa giải đối với TQ và những tranh chấp vẫn đang âm ỉ giữa họ.

VN cũng công khai đón nhận sự ủng hộ của Mỹ, kể cả sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ trong khu vực. Người ta biết Hà Nội đang lo âu về những báo cáo TQ được độc quyền trong 30 năm ra vào một hải cảng ở Campuchia nước láng giềng, mở ra một mạn sườn chiến lược mới ở phía nam trong tranh chấp hàng hải với VN (Nguy hiểm quá, “tứ bề” thọ địch – ND).

Chính quyền Donald Trump công khai chỉ trích hành động của Bắc Kinh chống lại những nước nhỏ có cùng yêu sách chủ quyền.

Đáp lại, Hoa Kỳ đang làm sâu sắc hơn gắn kết chiến lược với VN, một quan hệ nếu được đẩy mạnh như trông đợi, tổng bí thư đảng cộng sản, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ viếng thăm Hoa Kỳ trong những tuần sắp tới.

Một chuyên gia về biển, ông Hoàng Việt, nhắc tới những thảo luận ở hội thảo ngày 5 tháng 10, theo đài FRA tường trình: “Hầu hết những người tham dự đều nhất trí VN cần thay đổi chính sách ngoại giao, kể cả việc tiến tới đề nghị phát triển thêm mối quan hệ với Hoa Kỳ nhằm tránh khỏi ảnh hưởng của TQ”.

Thật sự, Hà Nội cần sự giúp đỡ tất cả trên biển nếu có thể được, gồm ở bãi Tư Chính, một thực thể nằm ở mé tây dãy đảo Trường Sa đang tranh chấp, đúng trong vùng đặc quyền kinh tế của VN.

Hà Nội đã tìm cách khai thác những nguồn năng lượng trong vùng, gần với những bãi dầu khí ngoài khơi khác. TQ tuyên bố những khu vực trồi lên khi thủy triều hạ xuống và những vùng biển quanh đó là một phần trong yêu sách chín đoạn bao la, chiếm 90% cả biển Đông.

Cuộc đối mặt tại bãi Cỏ Rong (Reed bank) đánh dấu sự leo thang nguy hiểm nhất giữa 2 nước láng giềng năm 2014, khi Tập đoàn dầu khí quốc gia ngoài khơi của TQ (CNOOC) hạ đặt giàn khoan khủng Hải Dương 981 sát đảo Tri Tôn, những thực thể lãnh thổ ở cực Tây Nam đảo Hoàng Sa đang tranh chấp.

Biến cố ấy kích động những phản kháng dân tộc cực đoan chống TQ khắp cả nước, kết quả là những cuộc bạo loạn giết chết công dân TQ và các cuộc tấn công vào các công ty người TQ sở hữu. Bắc Kinh buộc phải di tản hàng trăm kiều dân trong những cơn bạo loạn.

Nhưng TQ đang rõ ràng chơi ván bài lâu dài, bao vây, siết chặt những yêu sách lãnh thổ của VN trên biển, với nhiều chiêu rút lui chiến thuật và những trò dương đông kích tây (misdirection tactics), có lẽ để thăm dò phản ứng đối với những khiêu khích đó của Hoa Kỳ và những cường quốc khu vực.

Hình ảnh từ vệ tinh chụp đảo chữ Thập TQ kiểm soát (Planet Labs).

Có một dạo im ắng tạm thời trong căng thẳng ở bãi Tư Chính khi tàu khảo sát Hải Dương 8 của TQ rời khỏi vùng đầu tháng 8, nhiều người cứ tưởng đối mặt đã chấm hết.

Nhưng tàu trở lại vài ngày kế tiếp, sau khi tiếp nhiên liệu ở bãi Chữ Thập gần đó, khơi ngòi trở lại nỗi sợ một cuộc chạm trán nẩy lửa và lan rộng mà nhiều người có cảm tưởng cuối cùng sẽ lôi kéo Hoa Kỳ vào.

Sự đối đầu được nhấn mạnh không chỉ là quyết tâm của TQ hạn chế và cấm ngăn hoạt động khai thác dầu khí của những nước nhỏ có cùng yêu sách mà còn trải rộng mạng lưới các căn cứ quân sự của họ, cũng như những cơ sở hải quân tối tân nhất trong vùng biển.

Bắc Kinh, hiện nay, rõ ràng có thể tái tiếp tế và tái tiếp dầu những đội tàu khổng lồ, cả những lực lượng hải quân, lực lượng dân quân biển, sau những năm bồi đắp và quân sự hóa những thực thể lãnh thổ đang tranh chấp trên biển.

Ngoài lực lượng hải quân đang nhanh chóng hiện đại hóa, TQ còn có 54 tàu nghiên cứu đại dương và hàng ngàn chiếc tàu hải cảnh và dân quân biển. Dưới chiến lược “Chiến tranh nhân dân trên biển”, TQ triển khai những chiếc tàu này theo hướng hoạt động phối hợp hỗ trợ nhau.

Những chiếc tàu cảnh hải đồ sộ của TQ, có tên hải cảnh 37111 (2200 tấn) và hải cảnh vũ trang 3901 (12000 tấn), có một tàu trực thăng và đội ngũ nhân sự võ trang đi kèm, theo hộ tống tàu Hải Dương 8 ở bãi Tư Chính.

Vào đỉnh điểm của cuộc đối mặt bãi Tư Chính tháng rồi, có tới 200 chiếc tàu có vũ khí, gồm một khinh tốc đỉnh tuần duyên 3901 “quái vật” của TQ, thuộc loại lớn nhất thế giới, những chiếc tàu của VN chả bõ bèn gì. Cả hai bên đều tỏ ra không ai có ý muốn lùi bước.

Đối phó với lợi thế quân sự áp đảo, VN đã áp dụng phương sách mà các nhà phân tích thấy như là “đáp trả ba hướng” đối với TQ.

Thứ nhất, VN áp dụng ngoại giao chủ động, tìm kiếm sự ủng hộ từ những tổ chức, quốc gia, khu vực và thế giới, cũng như đẩy mạnh việc lên án quốc tế về những đe dọa thực sự và thấy được của TQ cho tự do lưu thông hàng hải, hàng không trên vùng biển Đông.

Thứ hai, VN làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược với nhiều cường quốc khu vực, kể cả Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ và Nhật Bản – tất cả những nước giúp đẩy mạnh những năng lực nhận thức an ninh và chủ quyền của VN.

Nước Nga từng có truyền thống liên minh rất quan trọng cho khả năng đáp trả của VN, với việc Hà Nội đang tìm kiếm những thiết bị quân sự tiên tiến từ Moscow, kể cả những tàu ngầm lớp kilo và máy bay chiến đấu có thể triển khai trên biển Đông để ngăn chặn TQ.

Hà Nội cũng đã khuyến khích các công ty dầu khí Nga, cả Rosneft, Gazprom  và Zarubezhneft, đảm nhận việc khai thác trong những vùng Hà Nội tuyên bố thuộc vùng đặc quyền kinh tế  của họ trên biển.

Lời mời gọi các công ty Nga sau khi TQ ép buộc công ty khổng lồ Repsol từ bỏ vùng dầu họ đang thăm dò vì một nhượng bộ của VN. Những bước đi còn có mục đích tận dụng mối gắn kết Nga, với hy vọng tránh xa tính mạo hiểm của TQ trong những vùng biển giàu dầu khí tuyên bố của mình.

Thứ ba, VN đang tích cực tìm cách giảm bớt lệ thuộc kinh tế của mình vào Trung Quốc, hiện là đối tác thương mại lớn nhất. Cho đến nay, VN là nước dẫn đầu hưởng lợi trong thương chiến Mỹ - Trung, vì các công ty phương Tây, Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan chuyển địa chỉ ra khỏi những đặc khu kinh tế TQ về Việt Nam.

Thành viên của VN trong hiệp ước tự do thương mại mới ký kết TPP-11 và hiệp ước thương mại tự do với EU sẽ thúc đẩy mạnh mẽ VN trong việc thiết lập đa dạng nền thương mại của mình.

Kết hợp sự nhạy bén chiến lược và sự bền bỉ với tên tuổi của mình sẽ giúp VN trở thành một quốc gia duy nhất chống lại hữu hiệu sự quyết đoán của Trung Quốc, cho đến nay có một mức độ thành công nào đó.

Ảnh từ bài báo gồm:

Bãi Tư Chính nằm trong vòng tròn màu đỏ (Wikimedia Commons).

Tổng thống Donald Trump và chủ tịch, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại dinh chủ tịch ở Hà Nội, ngày 27 tháng 2 năm 2019 (TTX Việt Nam).

BÀI ĐIỂM SÁCH KHÁ HAY.

Cuốn sách China’s Vision of Victory (Trung Quốc, Nhìn về chiến thắng) của Jonathan D.T. Ward, xuất bản tháng 3 năm 2019.

Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa bước lên từ sức mạnh đến sức mạnh. Năm nào họ cũng giàu lên, mạnh lên so với thế giới. Lãnh đạo của họ kỳ vọng gì với quyền lực mới nổi của mình?

Trả lời cho câu hỏi “Trung Quốc muốn gì?” thật đơn giản: Trung Quốc muốn bá chủ.

“TQ, Nhìn về chiến thắng”  là câu chuyện truyền kỳ cho một ảo giác phổ biến rằng các nhà lãnh đạo TQ theo đuổi không gì ngoài chuyện đánh bạt bá quyền Mỹ ở Tây Thái Bình Dương – để họ hỉ hả (sated) trở thành một cường quốc thống lĩnh Đông Nam Á.

Mặc dù bày tỏ tham vọng khiêm nhường và hòa bình đối với người nước ngoài, lãnh đạo đảng Cộng sản TQ rõ ràng lan truyền tham vọng của mình thành nước bá chủ đối với người trong nước. Bằng cách dẫn dắt người đọc qua hàng đống tư liệu chính thống, trích dẫn tự do đầy rẫy trong cuốn sách, Ward (tác giả- ND) chỉ trình bày các phạm vi to lớn của những tham vọng này.

Bắt đầu chuyện quân đội Nhân dân TQ (PLA) luôn tự nhận nó là một lực lượng hải quân “trải rộng hai đại dương” (“two-ocean navy”). Nhu cầu về năng lượng đã khiến PLA vươn rộng tới Pakistan, Châu Phi, và những vùng biển tranh chấp biển Đông. Sách trắng nêu rõ tham vọng người TQ phải duy trì theo chiến lược bá chủ không chỉ ở phạm vi Đông Nam Á mà còn ở Châu Phi, Ấn Độ dương, và Nam Thái Bình dương. Lãnh đạo TQ tuyên bố họ có những lợi ích cốt lõi xa tít tận châu Âu, Châu Mỹ la-tinh, Bắc Cực, và những không gian bên ngoài. Đi với những lợi ích về kinh tế là bản đồ những con đường bảo đảm các mối quan hệ hay sự hiện diện của họ ở mỗi vùng.

Đến năm 2050, mục tiêu của TQ có một quân đội không còn là hạng nhì (“second to none”), trở thành trung tâm trái đất về sáng tạo công nghệ, và đóng vai trụ cột một thể chế có cơ sở hạ tầng và thương mãi thật sự của thế giới – một khối kinh tế chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Trong những bài diễn văn và tài liệu, các nhà lãnh đạo TQ gọi đây là tầm nhìn về một tương lai TQ đóng vai hạt nhân, một tương lai mà thể chế Hoa Kỳ dẫn dắt sẽ vỡ vụn, vất bỏ đi – “một cộng đồng định đoạt vận mệnh chung cho nhân loại”.Tham vọng phá tan huyền thoại một tương lai đa cực (multipolar): TQ chiếm vai thống lĩnh, chứ không phải là cùng chia phần miếng bánh (not just a share of the pie).

Tác giả Ward dõi theo tham muốn định hình tương lai toàn nhân loại của TQ (chứ không chỉ là phần Đông Nam Á) bằng câu chuyện như huyền thoại quốc gia, được giảng dạy cho học sinh toàn nước. Theo câu chuyện đó, TQ ngày xưa là trung tâm thế giới; TQ là mẹ đẻ ra các phát minh, cái nôi của sự giàu có thế gian, và là ngọn hải đăng của nền văn minh.

Đây là vai trò của TQ trong trật tự thế giới – một vai trò bị ngăn trở bởi “một thế kỷ tủi nhục” (“century of humiliation”) giữa các cuộc chiến tranh Nha Phiến và Đệ Nhị Thế Chiến, lúc TQ bị đọa đày dưới bàn tay cường quốc ngoại bang. Nhưng bây giờ, thời đại đọa đày đã chấm dứt. Theo các nhà lãnh đạo, vận mệnh TQ là phải lấy lại chỗ đứng tự nhiên, như trước đó từng là lực lượng dẫn đầu nền văn minh nhân loại. Đây cũng là một câu chuyện quen thuộc của các chuyên gia TQ và là câu chuyện phù hợp với đảng Cộng sản, lợi dụng chủ nghĩa dân tộc để duy trì quyền lực.

Tuy nhiên, Ward (tác giả) nhấn mạnh nhiều lần sự phổ biến lý tưởng “quốc gia hồi sinh” (“national rejuvenation) bên ngoài đảng. Ông ta viết: “Quần chúng nhân dân TQ đón nhận ý thức về vận mệnh này. Nhưng đây không phải chỉ cái nhìn của một mình đảng Cộng Sản. Đây là cái nhìn nằm trong trọng tâm của một TQ hồi sinh – lý do không biết bao công dân và những người yêu nước TQ hy sinh cuộc đời mình – một lý do đảng Cộng Sản duy nhất đã biểu lộ”.

Nhưng nhiều vấn đề với cuốn sách nổi lên. Niềm xác quyết của Ward rằng đảng Cộng Sản không phải là động lực đằng sau những ưu tiên về chính sách ngoại giao của TQ đã dẫn đến những nguồn tư liệu làm yếu đi luận điểm của mình.

Ward rắc những chất gia vị vào sách bằng những mẩu chuyện ông có được với những người bán buôn ở phố Thượng Hải và những tài xế xe tải ở Thanh Hải. Ông thêm vào những câu chuyện này bằng những đoạn trích dịch trong sách Tàu và những lời của các nho sĩ (think tank) hỗ trợ cho những nhận xét mở rộng của mình về người TQ. Nhưng TQ lại mênh mông. Nếu nhìn kỹ, cuối cùng quý vi sẽ thấy một người TQ sẽ muốn nói cái quý vị cần họ nói. Ward không có cách nào chứng minh mình không khỏi “cởi ngựa xem hoa” (Ward has no way to prove he has not cherry-picked).

Vấn đề gây rắc rối một phần cuốn sách đề cập về “một hệ thống các nước chư hầu” (“tributary system”) xưa , theo đó, các nước phụ thuộc như Triều Tiên đã thường xuyên triều cống để đổi lấy sự che chở, với giả định còn tranh cãi là nền ngoại giao nhà Minh và nhà Thanh cho chúng ta một quan điểm rõ ràng về những ý định của người TQ. Ward dựa vào một mô thức của hệ thống chư hầu triển khai đầu tiên những thập niên từ 1940. Mô thức bị hầu hết các nhà sử học nghiên cứu vấn đề này ngày nay phản bác. Trong khi người ta hoan nghênh Ward về luận cứ rằng sự đồng thuận lịch sử đương đại là lầm lẫn, vấn đề quan trọng không phải là các nhà sử học phương tây tin tưởng cái gì về thuật trị nước của Tàu xưa, nhưng là những bộ óc của Trung Nam Hải , nơi ở của lãnh đạo đảng, tin tưởng cái gì về quá khứ đất nước và những liên hệ của nó đến tương lai. Ward chẳng có cái gì để nói về điều này.

Nơi này nơi kia, Ward càng rời xa những phát ngôn chính thống, những sách trắng, những luật pháp, và những tuyên bố của đảng Cộng Sản, ông càng dễ dàng bị các nhà phê bình công kích khi không chuẩn bị đối mặt thực tại mà những tài liệu này phơi bày ra. Tuy nhiên, ở đây, có một vấn đề nghiêm trọng hơn trong nhận thức một thách đố mà sức mạnh đang lên của TQ đưa ra, theo những thuật ngữ thuần túy trong nước. Vấn đề ẩn dấu đưa ra trong suốt cuốn sách của Ward là không rõ Hoa Kỳ có nên thừa nhận cái nhìn chiến thắng của TQ hay không.

Người Mỹ có thể sống trong một thế giới mà người TQ có một nền kinh tế lớn nhất, một nền tảng công nghiệp rộng nhất, một quân đội hùng mạnh nhất, và có những trung tâm phát minh công nghệ và khoa học hạng nhất? Về mặt kỹ thuật, có thể. Hoa Kỳ là một quốc gia có vũ khí hạt nhân chẳng có kẻ thù nào ở gần. Nó được bao bọc hai bên bằng hai đại dương mênh mông và trực tiếp kiểm soát các phương tiện đi đến lục địa bắc Mỹ. Nó có một dân số đông đảo, việc di dân được kiểm soát tốt. Trong thời gian khủng hoảng, Hoa Kỳ có thể hoàn toàn dựa vào nguồn lực nội tại để lo cho dân mình cái ăn, cái mặc, cái giữ ấm. Không một quốc gia nào khác được có một cánh tay đắc lực đến thế. Ngay cả một Trung Quốc khống chế quân sự, kinh tế ở Âu Á, châu Phi hay châu Mỹ la-tinh cũng không thể gây đe dọa địa chính trị như thế đối với đất Mỹ.

Với nhiều người Mỹ, lặng lẽ nhường chiến thắng cho những người Tàu có thể là cái giá chấp nhận được cho việc ngăn ngừa hàng thập kỷ đứng bên miệng hố chiến tranh nguyên tử (ý nói tới chiến tranh lạnh – ND)

Nhưng cái logic này cũng có vấn đề của nó. Nó tránh trớ cái nguyên do căng thẳng quyết định trong quan hệ Trung-Mỹ. Các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản tin họ đang mắc kẹt trong cái mà Tập Cận Bình gọi là sự “đấu tranh khốc liệt…trong phạm vi ý thức hệ” với phương Tây. Họ xác quyết rằng đấu tranh ý thức hệ sẽ đe dọa sự hiện hữu của đảng, gây nguy hiểm cho con đường phục hưng quốc gia. Họ mô tả những sử gia, các nhà nghiên cứu, những kẻ bất đồng, và những cơ quan báo chí tiếng Hoa ở các nước Úc, Đức, và Mỹ là những hiểm họa không khác chi những gì mà bộ chỉ huy Mỹ ở Ấn Độ -Thái Bình Dương có thể tống vào họ. Đó là những động lực chính đằng sau những gì đang được gọi là những hoạt động “can thiệp” và “tạo áp lực” ở những nước phương Tây.

Đây là một điểm mù trong phân tích của Ward: Cụm từ “Mặt trận thống nhất” (một cái tên ưa thích của đảng về những tổ chức tập họp hay khiến người dân phục vụ những mục tiêu của đảng) lại không xuất hiện trong cuốn "TQ, Nhìn tới chiến thắng". “Những chiến dịch tạo áp lực” hiện ra hai lần, với sự giải thích những chiến dịch này là “nhằm xuyên tạc diễn ngôn của đất nước về TQ và hạn chế hành động chống Bắc Kinh”. Giới hạn những chiến dịch này thuần túy về ngữ nghĩa địa chính trị đã diễn dịch sai lệch thách thức mà chúng tạo ra. Những chiến dịch này không những định hình những suy nghĩ của tầng lớp tinh hoa chính sách đối ngoại mà còn kiểm soát và cưỡng ép những người thù địch của chế độ cộng sản sống ở ngoài biên giới TQ.

Họ là phần của cùng một nỗ lực dẫn tới thắt chặt kiểm duyệt; đẩy mạnh đàn áp các công ty luật, các cơ sở truyền thông, và các tổ chức tôn giáo; đưa hơn triệu người Duy Ngô Nhỉ tới các trại tập trung bên trong TQ. Những chiến dịch gây áp lực như thế được nhắm tới những người thù nghịch mà lãnh đạo TQ sợ hãi nhất: những người tạo ra đe dọa ý thức hệ, chứ không phải địa chính trị, đối với đảng Cộng Sản. Những người này là những thế lực thù địch đe dọa sự an nguy của chế độ cộng sản, nhiều người trong số đó – từ những người theo đạo Thiên Chúa và Duy Ngô Nhỉ trốn khỏi bức hại tôn giáo đến những người Đài Loan, Hồng Kông, và những người dòng dõi TQ khác, cả gan dám tưởng tượng ra tương lai  cho dân tộc mình – đang sinh sống ở Mỹ. Khi những nhóm người này còn an toàn tập họp và tự do lên tiếng trong nước Mỹ thì Hoa Kỳ sẽ bị xem như mối đe dọa cho quốc gia-đảng trị TQ. Những nỗi sợ tương tự cũng đã dẫn đến việc Bắc Kinh đòi hỏi “thề bồi ý thức hệ” của những ai vay nợ họ. TQ không đòi hỏi khách hàng của mình thay đổi thể chế chính trị nhưng bóp nghẹt những chỉ trích chủ nghĩa cộng sản TQ trong biên giới nước mình.

Do vậy, các lãnh tụ các nước có đa số dân theo Hồi giáo tưởng là niềm tin tôn giáo của họ không bị đàn áp ở Tân Cương, và chính phủ Thái làm ngơ cho an ninh TQ bắt cóc những người bất đồng trong lãnh thổ họ. Giới lãnh đạo TQ không bắt buộc hành động tương tự từ Hoa Kỳ lý do vì họ không đủ quyền làm thế.

Điều chỉnh những tham vọng địa chính trị của người TQ tương đối dễ dàng. Làm nhẹ đi những bất an về ý thức hệ của giới tinh hoa Cộng Sản đòi hỏi những thay đổi to lớn đến nền chính trị và xã hội Hoa Kỳ.

Ward hỏi người đọc họ có muốn sống trong một thế giới nơi TQ là một cường quốc kinh tế quân sự siêu hạng. Đó là câu hỏi hay, nhưng câu hỏi khó nhất có thể là chúng ta có sẵn lòng hay không, sống trong một thế giới, nơi một cường quốc kinh tế quân sự khống chế, được điều khiển bởi một chế độ bất ổn mà những lãnh đạo của họ tin rằng những biện pháp toàn trị tương tự, được sử dụng trong xã hội của họ phải được đem ra để theo dõi, cưỡng bức, và hủy hoại những kẻ thù địch đó ở bên ngoài.

Giá trị Mỹ không thể tồn tại nơi những người sở hữu sức mạnh như thế, xem thể chế và xã hội dân sự Hoa Kỳ như là một hiểm nguy mang lại bất ổn.

Cuốn sách “Trung Quốc, nhìn tới chiến thắng” đặt câu hỏi cho độc giả xem xét những tham vọng giới tinh hoa TQ. Tuy nhiên, để khắc họa một chính sách có chiều sâu, chúng ta nên khôn ngoan, quan tâm nhiều đến những nỗi sợ hãi của họ.

Bài của TANNER GREER

Nguyễn Long Chiến dịch.

TINH THẦN TỰ CHỦ.

Xin bàn thêm.

Nói thì dễ nhưng làm thì khó. Ai cũng muốn tự chủ nhưng đâu có dễ. Sinh ra đã phụ thuộc nhiều, con người khó mà tự chủ nếu không được hun đúc từ nhỏ.

Trẻ con phương Tây được giáo dục tự chủ sớm. Ta thấy cách trả lời hay nói chuyện của trẻ con xứ họ trước đám đông rất tự tin, rất đĩnh đạc.

Chúng ta xem “trẻ em là búp trên cành, rất mỏng manh.

Con cái các cặp vợ chồng trẻ có học bây giờ được giáo dục phương pháp tự chủ sớm ngay khi trẻ nhận biết, không giống thế hệ chúng ta, ông bà cha mẹ luôn bên mình, luôn đưa tay ra cầm chặt và dẫn dắt, có khi cả cuộc đời. Những bà nội bà ngoại, rồi những bà mẹ, cầm chén cháo chạy bám theo con, dỗ dành mớm đút, mong cho trẻ vui mà ăn, không được…tự do cầm muỗng xúc ăn, vấy đổ dơ dáy khắp  bàn.

Trẻ em 5, 6 tuổi luôn được ông bà, bố mẹ đi theo, cầm hộ, mang hộ, những vật dụng của chúng, chẳng hề để chúng tự cầm, tự mang mỗi khi đi đâu. Có lần tôi lên cầu thang bộ cùng 1 trẻ cỡ 4 tuổi người nước ngoài; cháu đang khệ nệ với cái  ba lô trên tay. Tôi bảo để  mang phụ cho thì nghe mẹ nó đã ở đầu cầu thang nói xuống: "cám ơn, ông nên để cháu tự mang".

Cháu đi cùng mẹ nhưng vì ba lô nặng nên đi chậm hơn. Tính tự chủ không dễ có nếu không được giáo dục từ nhỏ. Trẻ con chúng ta có được dạy dỗ từ nhỏ như đứa trẻ  này không?

Tất cả những việc như mang dép, lấy áo quần, tìm mũ đội, cả cặp sách, đều được ông bà cha mẹ lãnh làm tất cho cháu cho con. Tính tự chủ đâu có được khuyến khích. Tự chủ ở trẻ con cần gắn liền với tự chịu trách nhiệm.

Ta từng chứng kiến trẻ con ngã té khóc thét, được người lớn dỗ dành bằng cách chỉ và đập tay xuống đất, không giải thích cho trẻ hiểu tự nó bất cẩn, chớ cái nền nhà không thể "lãnh tội” thay.

Chưa kể luân lý Á đông từ Trung Hoa cả mấy ngàn năm còn  là dòng máu đang chảy trong huyết quản, “truyền nhân” là người Việt…chúng ta. Tự chủ sao được khi trẻ mới mấy tuổi đã khép vô khuôn.

Để trẻ tỏ ra lễ phép, ta bắt chúng vòng tay cúi đầu chào người lớn. Thậm chí còn bảo thấy ai lớn tuổi phải chào hỏi, khiến những trẻ bối rối ngẩn tò te khi bất ngờ gặp đám đông người lớn tuổi. Những bậc cha mẹ thậm chí còn phạt quỳ gối quay mặt vô tường khi con cái sai phạm.

Họ còn khoe khoang con mình rất "ngoan ngoãn", bảo im thì im, bảo nói thì nói, rất “lễ phép”. Trong lớp học rất hiếm hoặc không bao giờ trẻ được chất vấn hay bắt bẻ thầy cô, trong khi việc đó phải là động lực cần khuyến khích để trẻ làm quen phản biện, làm quen sự hoài nghi, một trong động lực giúp khả năng sáng tạo phát triển.

"Biết vâng lời" thầy cô…là tiêu chí hàng đầu. Cãi là vô lễ, dù cãi đúng. Người lớn, cha mẹ, thầy cô…luôn luôn là hình mẫu mà con cái, học sinh phải noi theo nếu muốn…thành công, thành người.

Ông Hồ Ngọc Đại bị chửi bới không tiếc lời vì nói rằng cha mẹ không nên là hình mẫu cho con cái noi theo. Hình mẫu đẹp thì không sao nhưng không đẹp thì sao? Tính tự chủ không hề có được khi cá nhân chỉ là một sinh vật bé mọn trong một tập thể hoành tráng.

Tập thể mạnh khi cá nhân mạnh. Nhưng tập thể đã quay lại…hạn chế cá nhân, xem cá nhân chỉ là… “bộ phận cỏn con ” của tập thể. Vai trò cá nhân không được đề cao, làm sao cá nhân có được tự chủ khi cá nhân không có quyền tự khẳng định mình? Tập thể luôn được coi là sức mạnh trong khi cái cấu tạo tập thể đó là cá nhân thường  bị xem mờ nhạt.

Chính cá nhân không được đề cao nên có những sai phạm tày trời xảy ra mà không định được ai là người chịu trách nhiệm trực tiếp.

Vinashin, Vinaline gì đó trong quá khứ là thí dụ rõ ràng nhất. Không thể có tinh thần tự chủ khi cá nhân không đóng vai trò quyết định. Không có tinh thần tự chủ khi không có trách nhiệm cá nhân. Không có tinh thần tự chủ khi cá nhân không suy nghĩ tự do, không hành động độc lập.

Chúng ta có thể thay đổi được hiện tại, có thể thay đổi được tương lai nhưng chắc chắn không thể thay đổi được quá khứ, nhất là “quá khứ huy hoàng", bị "đánh đồng" với lịch sử, với truyền thống, với văn hóa, ngấm sâu trong dòng máu con người chúng ta, không thể một sớm một chiều mà gột rửa những cái thứ quá khứ đã và đang kiềm hãm tương lai của chính chúng ta.

Yêu cầu tự chủ chỉ là một ước vọng, và nói cho chí tình, ước vọng cũng như giấc mơ, êm đềm và không hề có thực. Nhưng bi quan như vậy, chúng ta không thể bắt đầu ngay từ bây giờ xây dựng cho bản thân, chứ chưa cầu mong người khác, tinh thần tự chủ "tên là VN"  hay sao?

THƯƠNG CHIẾN MỸ-TRUNG

Mỹ sẽ thắng Trung: nhờ thịt heo (lợn).

Nhiều người nghĩ Mỹ sẽ “đánh” Tàu…sụm bà chè, một nước Trung Hoa dân chủ sẽ ra đời, thế giới thoát nỗi sợ hãi sự trỗi dậy của bá quyền, và Hà Nội không còn chỗ “học tập và làm theo”, VN cũng sẽ tự do dân chủ. Còn lâu. Kinh tế của Tàu mà tan tành, thế giới sẽ mất ngủ, Mỹ cũng méo mặt: 1,4 tỷ dân là chỗ Mỹ “vắt sữa” bị banh chành.

Mỹ đánh Tàu về kinh tế mục đích đem lại “công bằng” trong thương mại: không ăn cắp tài sản trí tuệ, không cưỡng ép chuyển giao công nghệ đổi lấy việc làm ăn, không trợ cấp công nghiệp, điều mấu chốt, Mỹ không cần làm phương hại quyền độc tôn lãnh đạo của đảng cộng sản. Những hờ hững về nhân quyền, hay đề cập vấn đề nhân quyền chỉ là cái cớ Mỹ nêu ra để nhằm đạt thỏa thuận thương mại, cái thương mại vốn đã làm Mỹ thiệt thòi mấy chục năm nay.

Mỹ đã hiểu ra tâm tính người Tàu chưa? Có lẽ đã.

Con gái Tập Cận Bình rời Mỹ khi cha mình lên cầm quyền, để tránh thành “con tin” khi ông ta muốn “chơi” Mỹ. Nay cô ta trở lại tiếp tục học ở Harvard. Thỏa thuận bước 1 được thống nhất giữa Mỹ và TQ: Tàu sẽ mua 20 triệu tấn đậu nành, 700 nghìn tấn thịt heo, 700 nghìn tấn cao lương, 230 nghìn tấn bột mì, và 320 nghìn tấn sợi cotton.

Hai chỉ dấu trên cho thấy sẽ có thỏa thuận thêm để hòa hoãn trong chiến tranh thương mại, và Tập Cận Bình đã hiểu Donald Trump, bản chất con buôn, “nơi nào đồng đô la lăn tới, nơi đó có chính quyền Mỹ” (“ranh ngôn” của Nguyễn Long Chiến). Kinh tế là trên hết đối với Trump cũng như đối với Mỹ chứ không phải chính trị. Kẻ nào mong Mỹ đánh sập chế độ toàn trị của Tàu nên suy nghĩ lại.

Thịt heo sẽ là vị cứu tinh giúp Mỹ thắng Tàu trong thương chiến. Khi khan hiếm, chúng ta thấy dân Tàu chen chúc nhau giành giật thịt heo, có chàng quân tử cao ráo trên mạng, đeo một khổ thịt heo trên cổ, trang trọng như dây chuyền vàng.

Miếng ăn sẽ chiến thắng chứ không phải dân chủ thắng độc tài. Hầu hết người VN đều ghét Tàu (kể cả lãnh đạo) nhưng những dự án lớn của quốc gia đều về tay họ (nhờ “thắng thầu” không trong sáng?). Dân tộc Trung Hoa (cộng sản) vốn thông tuệ nhưng họ không phát triển như các dân tộc phương Tây (chưa hẳn thông tuệ hơn họ) vì họ còn đặt nặng miếng ăn lên trên hết (giá trị vật chất nói chung, lấy biểu trưng: thủ lĩnh Nho giáo Khổng Tử, vì không được chia phần thịt, bỏ khỏi xứ lưu lạc khắp phương).

Đúng như nhà văn Lâm Ngữ Đường nhận xét người dân của ổng: Đường đến trái tim gần nhất là đường đi qua bao tử. Bác Trump, tôi là người không thích bác so với Hillary Clinton khi hai người tranh chức tổng thống.

Nay, tôi hết sức khâm phục bác, hãy tiếp tục lấy “thịt heo” làm vũ khí đánh nhau, Tàu sẽ vì cái ăn, tương lai không xa, bác sẽ thấy họ nhượng bộ; và tất nhiên, Tập, Tè, hay bất kỳ ai cầm đầu TQ, dân chủ lục địa có bị bóp chẹt hay nới lỏng, người Mỹ sẽ chẳng màng, miễn họ bán được hàng cho 1,4 tỷ dân kia là OK.

CHỐNG

Chống là chữ thường thấy nhất trong xã hội VN mấy chục năm nay. Chống thường gắn liền với “cách mạng”: chống giặc dốt, giặc đói, chống Pháp, chống Mỹ, chống bành trướng, chống thế lực thù địch… Chống còn đi vào đời sống chính trị: chống quan liêu bao cấp, chống cửa quyền hách dịch, chống tham nhũng, chống suy thoái đạo đức, chống diễn biến, chống chuyển hóa…

Nhưng cái chống cao như tháp Babel trong cựu ước ky-tô-giáo “thời thượng nhất”: chống chạy chức chạy quyền. Bà chủ tịch quốc hội bảo sẽ loại kẻ nào chạy chức chạy quyền nếu phát hiện; ông đô trưởng Sài Gòn bảo đại hội tới sẽ không còn chạy chức chạy quyền; vị nguyên thủ tóc bạc đáng kính thì khẳng định, kiên quyết chống chạy chức chạy quyền. Người ta sống là chiến đấu, người Việt sống là chống.

Ông Trương Minh Tuấn khai “ký bậy” thương vụ MobiFone-AVG là do được ông sếp Nguyễn Bắc Son hứa tạo điều kiện để làm bộ trưởng. Lời hứa được thực hiện trót lọt, chẳng mấy khó khăn khi nhiều thứ trưởng khác cũng có cơ hội như ông Tuấn nhưng không được biệt đãi vì thiếu bác Washington (mấy triệu đô ông Son ẵm trọn). Chức bộ trưởng chắc chắn phải được cấp tót vời quyết định, chứ ông bộ trưởng sắp về hưu lại quyết định được sao? Nhưng không hẳn đúng như lý thuyết: việc cất nhắc một chức vụ hẳn phải qua biết bao cơ man nào cơ chế sàng lọc, quy định bởi nghị quyết, làm sao ông phó lên trưởng lại “đúng chốc” như “cơ cấu” của một ông trưởng sắp về hưu?

A, lại thằng cơ chế? Quy hoạch, cơ cấu, sắp xếp cán bộ, từ cấp xã đến cấp bộ diễn ra theo một trình tự thế nào, chỉ có người trong tổ chức biết, người dân không rõ. Nhưng nếu cho người dân tham gia hay được “ngó” chút tới quy trình ấy, biết đâu không giúp nhà nước hạn chế mấy bác chạy chức chạy quyền gây vấn nạn đau đầu cho bác Tổng? Nói vui thôi chứ dân ta nhàn nhã lắm, mọi việc đã có đảng, có nhà nước lo, họ chỉ có việc cầm một lá phiếu, chịu khó đến đầy đủ, đúng giờ phòng phiếu, thực hiện quyền công dân theo hiến pháp là OK rồi. Ai ra ứng cử các cấp là không tài không đức, không hồng không chuyên? Danh sách ứng cử viên vị nào cũng ngời sáng, vị nào cũng sẽ là công bộc nhân dân, phục vụ tổ quốc.

Có một bác facebooker tâm tình với tôi ông ta là đảng viên (cộng sản) nhưng không rõ “tập trung dân chủ” và “dân chủ tập trung” ý nghĩa thế nào. Hẳn bác này thấy tôi người Quảng Nam giỏi cãi nên mới nhờ trả lời câu hỏi hóc búa như thế. Ổng là đảng viên nhưng đi hỏi tôi là người ngoài đảng. Tôi bó tay sau khi bó gối và bó tóc, không nghĩ ra.

Tôi không tìm hiểu kỹ sinh hoạt đảng bởi đảng ở VN có vị trí đặc biệt, dân hạng hai như tôi không dễ gì được phép nói tới chứ đừng nói tìm hiểu. Kính nhi viễn chi là thượng sách. Nhưng tôi có một vài dịp may chứng kiến cung cách bầu cử (không phải trong đảng) của một vài tổ chức “ngoại vi”, những cánh tay đắc lực của đảng, không rõ cung cách ấy có giống trong tổ chức đảng hay không.

Trong cuộc bầu cử ấy, các bạn sẽ được nghe “đoàn chủ tịch” (gồm các vị sếp bên đảng, bên quản lý (hay gọi là chính quyền), một hay hai vị của đoàn thể) giới thiệu “đại biểu được bầu” in sẵn theo danh sách ABC. Vị thay mặt đoàn chủ tịch sẽ đọc tên từng đại biểu ra cho “đại hội”, và hỏi ý kiến  đại biểu ngồi bên dưới, có ai thống nhất danh sách đưa ra, có phải thêm hay bớt đại biểu nào nữa không. Tất nhiên đại hội sẽ không có ai lắc đầu, xin ý kiến thêm bớt ai trong danh sách ứng cử ấy. Thật sự, đây là danh sách trước đó được họp kín đâu trong đảng ủy quyết định, những đại biểu đi dự đại hội chúng tôi chỉ có việc nghiêm nghị giơ tay nhất trí, 100%. Có ai có ý kiến khác không? Vị chủ tọa sẽ hỏi câu này theo như “thông lệ”, chứ đố ông bà nào dám “có ý kiến khác”. Đại hội thành công tốt đẹp và quý vị, nếu tinh ý, sẽ thấy trên đất nước này mấy chục năm nay, hàng nghìn nghìn đại hội lớn nhỏ, có đại hội nào thất bại không?

Ông Trương Minh Tuấn khai với người điều tra vì ước muốn làm bộ trưởng nên phải nghe lời ông Nguyễn Bắc Son làm điều phạm luật. Tôi có thể suy luận thêm, với quyền là người cao nhất của bộ, ông Son đã lèo lái một cuộc họp nội bộ để cơ cấu cho được một “ân nhân” của mình toại nguyện, và đúng theo lời “hứa” của mình. Tập thể bộ, quan trọng hơn, trên bộ  dễ dàng bị qua mặt như thế hay sao, khi đề cử một người không đạo đức, tức không “hồng” (dù có “chuyên” với tác phẩm Chống diễn biến, chống chuyển hóa)? Và bản thân ông Nguyễn Bắc Son một con người được trọng vọng, kính nể, hóa ra chỉ là bên ngoài, bên trong không ra gì, thậm chí tư cách không có, đổ vấy đã đưa tiền hối lộ cho con gái, gieo nguy hiểm cho núm ruột của mình (tội tiêu thụ của gian), và nếu là người tự trọng, mình làm mình chịu, đừng kéo gia đình bị tội theo. Cách thức thế nào mà một người như thế leo lên chức bộ trưởng, lại kéo theo một người cùng “giuộc” với mình? Cái cơ chế sàng lọc người tài người đức có lỗ thủng nào không?

Có vị sẽ vặn tôi, các nước bầu cử tự do, đâu có thiếu người xấu lọt vào chức vụ cao cấp, ngay cả chức tổng thống, đâu phải chỉ VN. Tôi hoàn toàn nhất trí. Nhưng so với VN, số lượng những quan chức phạm tội nước nào (tự do ứng cử, bầu cử) có nhiều như ở ta không?  Nước nào có cái lò to tướng ngùn ngụt lửa, đủ chỗ đun “rác”, nào cỏ khô,cỏ tươi, nào củi cành, củi nhánh, củi vừa, củi to khắp nếu có cuộc “tổng thu gom” cả nước không?

Người VN không phân biệt ra hai cái: guồng máy hành chính quốc gia và các hoạt động chính trị (tổ chức đảng, tổ chức chính phủ, tổ chức quốc hội...). Ở Mỹ hoặc một số nước theo tổng thống chế có tam quyền phân lập, ngay cả ở Nhật theo nội các chế có vua, nguyên thủ thay đổi xoành xoạch, nền hành chính, kinh tế của họ không thay đổi, không bị ảnh hưởng nhiều, ngay cả Thái có lúc liên miên đảo chính,  vì guồng máy được thiết lập trên nền tảng chuyên nghiệp của mỗi ngành, mỗi cơ quan.

Ở ta, phó thủ tướng phụ trách văn hóa giáo dục cũng có thể làm y tế. Thống soái quân đội cũng có thể phụ trách sinh đẻ có kế hoạch. Cơ chế không được tách bạch thêm chỗ: guồng máy “nắm luôn” kinh tế, thông thường, việc này của người dân, chính phủ điều hành bằng chính sách, thu thuế  dân đóng, chính phủ khỏe re, không phải nay bắt ông này, mai nhốt ông kia, tội “cố ý lạm dụng chức vụ gây hậu quả nghiêm trọng", thất thoát hàng chục, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng.

Chức vụ thường mang lại những ưu ái tùy vị trí người nắm giữ. Lương theo quy định của nhà nước ngay cả chủ tịch nước liệu có giúp họ an tâm sống, phục vụ mà không băn khoăn phải “chạy thêm” để đảm bảo cuộc sống bản thân, gia đình quan chức? Một trong những cách làm quan chức thanh liêm là họ phải được trả lương cao như ở Singapore, một thời gian cũng ngắc ngư với nạn tham nhũng.

Nhưng được trả tiền nhiều có làm cho việc phục vụ của quan chức tốt hơn không? Lý tưởng một người quan chức phải là phục vụ. Tổng thống Mỹ không phải giàu nên không nhận lương tổng thống. Ông ta yêu cái việc làm tổng thống. Ông muốn làm tổng thống. Ông muốn thay đổi nước Mỹ, đồng thời đang thay đổi thế giới. Từ chỗ là “sen đầm quốc tế”, người Mỹ hiểu ra “tự cứu mình là trên hết” (America first). Ông ta có niềm đam mê phục vụ nước Mỹ.

Ở Việt Nam, các quan chức từ nhỏ chí lớn, có thăm dò nào cho biết, lý tưởng phục phụ nhân dân, phục vụ đất nước của họ là chính, lý tưởng ấy ấp ủ trong lồng ngực, nằm sâu trong tim, ở trong khối óc không? Hẳn họ không phải bề bộn 4 năm một lần, cả đảng rồi cả nước, bấn loạn chuyện “sắp xếp nhân sự” với khẩu hiệu “chống chạy chức chạy quyền”? Thay đổi nhân sự cần làm thường xuyên, liên tục, không đợi cứ đến hẹn lại lên, guồng máy quốc gia mới vận chuyển gọn gàng, hiệu quả.

Chống chạy chức chạy quyền khác với chống HIV. Bệnh có những điều kiện phát sinh, có phác đồ điều trị, liệu trình dùng thuốc. Chống chạy chức chạy quyền rất khó ở chỗ người có thể cho chức, cho quyền như ông Nguyễn Bắc Son thực hiện cho chức cho quyền trong bóng tối, chuyện sẽ không ai biết nếu không có nhân dân (ông này rất tội nghiệp) xầm xì việc quấy quá AVG nhưng ông nhân dân cũng ngán nói tới việc buôn bán khuất tất ấy bởi nó "thuộc bí mật quốc gia", đụng tới rầy rà lắm.

Đến đây, có thể thấy ra một điều đơn giản: công khai cho dân biết, và cạnh tranh lành mạnh (qua ứng cử, bầu cử tự do) tất cả các sắp xếp nhân sự nếu sự sắp xếp ấy hết sức cần thiết. Chủ Lò sẽ ngồi uống  trà tàu ngắm giang sơn thay đổi; huyết áp cụ sẽ ổn định; cụ sẽ không còn lao tâm khổ tứ “lấy lại lòng tin”, “lấy lại tình thương” của dân chúng.

Người nói vì muốn “làm quan lớn” nên tôi phải “làm bậy” sẽ không còn. Ông ta sẽ bắt chước Trump: tôi muốn làm bộ trưởng để phục vụ đất nước. Đất nước này sẽ bớt CHỐNG.  Nếu có chống thì hãy tập trung chống kẻ xâm lược  bãi ngầm Tư Chính. Rứa hỉ.