Thursday, January 18, 2024

BÁNH TRÁNG ĐẬP

Hội An có món ăn dân dã này từ rất sớm. Chưa nhìn, chỉ nghe "bánh tráng đập", người ta không hình dung ra món ăn quen thuộc bất kỳ ai từng sống ở Hội An đều có kỷ niệm về nó.

Ở Sài Gòn, một quán ăn người Quảng (Ngãi), giới thiệu món này với tên "bánh tráng ráo ướt", muốn giải thích món ăn này gồm một bánh tráng ráo (bánh nướng) phủ bằng một bánh ướt mới ra lò đang nóng.

Cả hai tên gọi đều nói lên những đặc điểm của món ăn. Bánh tráng đập nghe...ấn tượng hơn. Đập là động tác gây ra âm thanh, và đúng đối với món ăn, phải dùng tay đập nhẹ, bánh nướng bể ra những miếng vừa cầm để chấm mắm đưa vào miệng. Bánh sẽ chẳng thành đặc sản nếu không có nước chấm, mắm chấm.

Mắm chấm chắc chắn quyết định phần hồn của bánh tráng đập. Màu mắm thường hơi sẫm nâu, nước hơi đặc, sóng sánh ít mỡ cá từ con mắm, dầu phộng chiên thơm, ít ớt bột rắc bên trên.  Khi ăn, ngoài hương vị thúc dục cồn cào, người ta còn thưởng thức âm thanh rôm rốp trong miệng, giòn giã, vui tai như tiếng cười của các cô con gái. Hương mắm nồng nàn, không thể diễn tả làm sao, cứ nhớ mãi như nhớ mùi mồ hôi dìu dịu của thiếu nữ là người yêu đang xuân hay mùi mồ hôi mặn một nắng hai sương của người mẹ quê kham khổ.

Ăn xong, khi ra về, nếu là dân "sành điệu" không ai uống nước sau đó. Hãy lẳng lặng thưởng thức mùi thơm của mắm, không phải chỉ trên đường về nhà, còn cả trên con đường đời khi ai đã xa Hội An.

Tôi đôi lần ăn lại món này khi có dịp trở lại Cẩm Nam, cái nôi của bánh tráng đập Hội An.

Ngon thì có ngon đối với khách vãng lai, nhưng đối với dân Quảng tâm hồn "mắm cái" như tôi, mắm đã làm mất đi phần hồn cốt bánh tráng đập nổi tiếng: ngọt quá. Chất ngọt của đường đang hủy hoại tinh túy hầu hết món ăn hiện nay không chỉ ở miền Nam. Vâng, chén mắm pha đường ngọt không ngon bằng chén mắm mặn mà nguyên chất. Tôi có bảo thủ quá không? Hay tại tôi là “dân mắm cái”?

TRUNG QUỐC DÙNG NHIỀU CHIÊU THỨC BẮT NẠT MỚI Ở BIỂN ĐÔNG

(China is resorting to new forms of bullying in the South China Sea)

“Họ muốn các nước ven biển chấp nhận một bộ quy tắc ứng xử thiên lệch”.

Những ngày gần đây đã ít nghe nói những hoạt động rầm rộ quy mô khủng của Trung Quốc ở Biển Đông, từng gây bấn loạn không những các nước láng giềng mà ngay cả nước Mỹ. Im ắng không có nghĩa Trung Quốc bớt khẳng định vùng biển 1,4 triệu cây số vuông hầu hết thuộc chủ quyền của họ dựa trên những cơ sở mỏng manh nhất. Trái lại, TQ xem ra coi những đảo bồi đắp đã cho họ cái quyền mở ra một giai đoạn mới, tự khẳng định đối mặt với những nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên biển.

Khởi sự từ 2013, 7 đảo bồi đắp nhân tạo mọc lên từ những bãi đá ngầm xa xôi TQ kiểm soát. Các nước khác, gồm Việt Nam, Philippines và Đài Loan, cũng sử dụng đất trên đảo ở biển Đông, xây các phi đạo và căn cứ. Nhưng quy mô những nỗ lực của họ thật nhỏ bé so với TQ. Chủ tịch Tập Cận Bình thề thốt  những hoạt động của họ trên biển là nhằm một lợi ích chung, một khẳng định bị phá hỏng, bằng việc tàn phá hệ sinh thái diện rộng với những công trình xây dựng, và bằng việc lắp đặt sau đó những tên lửa, các dàn ra đa và những boongke vững chắc chứa máy bay chiến đấu.

Những cải tạo to lớn ấy không còn tạo ra "tít báo" bởi lẽ chúng gần như hoàn tất. Các chỉ huy quân đội Mỹ nói rằng những căn cứ mới này cho phép TQ kiểm soát hoàn toàn biển Đông trong bất kỳ kịch bản xảy ra chiến tranh toàn diện nào với Mỹ. Hải cảng mới cùng những căn cứ tiếp tế giúp TQ triển khai sức mạnh ngay cả tại chỗ. Những tàu thăm dò TQ đang tìm dầu khí trong những vùng biển đang tranh chấp. Họ điều tàu tới lui “không khác chi điều khiển máy cắt cỏ”, Bill Hayton, thuộc “túi khôn” (thinktank) Chatham House của Anh nhận xét.

Đặc biệt, chỉ có Việt Nam là cảnh giác cao. Năm 2014, Trung Quốc hạ đặt một giàn khoan dầu ngay vùng đặc quyền kinh tế VN, kích hoạt một cuộc đối đầu giữa dân quân biển TQ và VN, và những cuộc biểu tình rộng khắp chống TQ. Giàn khoan dầu lập tức kéo đi nhưng mới đây lại lộ ra một giàn khoan khác, còn "khủng" hơn trước.

Lấn sâu vào thực địa, hơn một chục tàu cảnh sát biển tuần tra tới lui chung quanh hai bãi đá ngầm, chìm sâu dưới nước, nơi trước đây, TQ chẳng hiện diện thường xuyên: Bãi cạn Thomas thứ hai, phía tây Philippines, nơi lực lượng nhỏ người Phi duy trì sự có mặt của mình trên một sườn tàu rỉ sét; và bãi cạn Luconia, bên ngoài phần thuộc Malaysia của Borneo. Những hoạt động khẳng định chủ quyền: tuần tra thường xuyên, và những nước khác cuối cùng phải chấp nhận sự kiểm soát đã rồi (de facto) của Trung Quốc. Cùng lúc, một số những tàu đó đã đe nẹt những giàn khoan (có khi là những tàu tiếp tế) đang khoan dầu trong những vùng biển của Việt Nam và Malaysia.

Tuy nhiên, không phải mọi thứ thuận buồm xuôi gió cho TQ. Có những đồn đoán bóng gió về lớp bê tông của những đảo mới bồi đắp đang vỡ ra, nền móng của chúng biến thành bọt biển vì thời tiết không thuận lợi. Ấy là trước khi lượng định nếu có một trận siêu bão tác động trực tiếp không biết sẽ như thế nào.

Càng đáng để ý hơn, những nước láng giềng đang hợp tác chống lại sức ép của TQ muốn khai triển những bãi dầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Ngay cả việc Philippines đồng ý trên nguyên tắc cho việc khai thác chung, một hiệp ước chính thức cuối cùng vẫn chưa được ký kết. Trung Quốc cũng chưa ngăn được các công ty ngoại quốc đang làm việc với những quốc gia ven biển trong vùng. Giàn khoan mà TQ quấy nhiễu trong vùng biển VN là do một công ty quốc doanh Nga điều hành, Rosneft, dù cho Nga được coi như là người bạn thân thiết của TQ.

Trong lúc đó, sự bắt nạt của TQ đang cản trở việc chuẩn thuận một bộ “quy tắc ứng xử” giữa họ và các nước Đông Nam Á – dù chính TQ đề xuất năm 2021 là hạn chót cho việc đi đến thỏa thuận. Ian Storey thuộc viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore, thấy ra hàng tá trở ngại. Một trở ngại là làm sao bộ quy tắc ấy có tính ràng buộc pháp lý – ví dụ như là trình ra Liên Hiệp Quốc. TQ sẽ chống đối chuyện đó. Trở ngại khác là xác định phạm vi địa lý của hiệp ước.  TQ sẽ nhấn mạnh vào đường “chín đoạn mênh mông mà mơ hồ, bao phủ gần như hoàn toàn biển Đông. Hầu như mọi người sẽ chống đối điều đó.

Vậy thì, có một câu hỏi là những hành vi nào phải bị cấm đoán. TQ sẽ chống đối những lệnh cấm về việc không được bồi đắp nữa, không được quân sự hóa thêm. Và các nước khối Asean chắc chắn bác bỏ đề nghị ma mãnh chống lại việc tập trận chung với những nước (ngụ ý Hoa Kỳ -ND)  không nằm trong bộ quy tắc, hậu quả sẽ cho TQ quyền phủ quyết về việc tập trận giữa các nước Asean và Hoa Kỳ. Những yêu sách của TQ đối với bộ quy tắc ứng xử, nói theo Teodoro Locsin, bộ trưởng ngoại giao Phi “là sách hướng dẫn…chăm sóc một con rồng ở trong phòng khách nhà bạn” (ý nói rước hổ vào nhà, còn cho nó ăn -ND).

Bài của Banyan đăng trên The Economist ấn bản châu Á Ngày 3 tháng 10 năm 2019. Nguyễn Long Chiến dịch.

Lại nói về ĐẤT ĐAI THUỘC SỞ HỮU TOÀN DÂN

Những hình ảnh sau là nhà hàng Mã Pì Lèng (sống mũi ngựa). Rất ngoạn mục. Có người bênh vực việc có mặt của nhà hàng này. Dẫn chứng, luận lý, của họ đưa ra rất hợp lý: nhà hàng rất hữu ích, có chỗ nghỉ thuận tiện trên một con đường đèo cao ngất, ở đó, lúc nào cũng kín khách đặt phòng.

Tôi nhất trí với nhận xét của anh Hữu Thọ. Tôi chỉ muốn nói thêm một ý: những thắng cảnh đất nước này có ai được quyền là sở hữu và sở hữu chính danh? Tất nhiên là sở hữu toàn dân, nhà nước thay mặt người dân thống nhất quản lý.

Nhà hàng trên đèo Mả Pí Lèng (馬鼻梁).

Những sự việc nóng bỏng, các thắng cảnh thiên nhiên có người quản lý không phải là nhà nước, đang nổi lên, một phóng viên  báo Phụ Nữ đang nói tới, dũng cảm dù không ít hiểm nguy đang rình rập ngòi bút của cô. Ví dụ rõ nhất tôi muốn đề cập như một điển hình - sở hữu toàn dân thành sở hữu "toàn riêng" - với quý vị: Bà Nà, Đà Nẵng. Chừng hơn mười mấy năm, tôi chở vợ bằng xe máy lên đây, gần đến đỉnh, phải đi cabin cáp treo, vì đường dốc đứng khá nguy hiểm, xe không thể đi tiếp. Quang cảnh Bà Nà thời ấy còn rất hoang sơ; các công trình cũ thời Pháp hình như đang được phục hồi, một số cơ ngơi nghỉ dưỡng đang được xây dựng. Từ Bà Nà, bạn có thể nhìn thấy rõ mồn thành phố Đà Nẵng, với những bãi biển sóng đánh trắng xóa, màu xanh thẫm của dãy núi Sơn Trà, tất cả như một bức tranh sơn thủy, đẹp vô cùng. Cây cối ở đây xanh ngát, lối đi đầy hoa dại. Khí hậu cực kỳ dễ chịu, gió lành lạnh, se sắt mưa phùn lất phất dù là mùa hè, không thua gì khí hậu Đà Lạt.

Nay, nếu muốn tham quan, tôi không thể tự chạy xe lên đó được nữa.

THEO ĐUỔI LỊCH SỬ ĐÁNH TRÁO VÀ VŨ KHÍ ĐÁNG SỢ CỦA TẬP CẬN BÌNH ĐANG GÂY LO LẮNG.

(Xi’s embrace of false history and fearsome weapons is worrying)

(Lời người dịch: Những người cầm quyền VN nên cảnh giác, chiến tranh không hề xa khi TQ biểu lộ ý chí của họ qua cuộc diễu binh kỷ niệm 70 năm cộng sản cầm quyền.

Phân tích tư tưởng Tập Cận Bình và ê-kíp của nhà báo này, tuy đăng trên báo ít ai quan tâm, là những phân tích không hẳn không có cơ sở thuyết phục: giải thích sai lệch lịch sử để khởi động lòng tin đảng cộng sản TQ luôn luôn sáng suốt, không hề phạm sai lầm và vũ khí ngút ngàn, hỏa tiễn gắn đầu đạn hạt nhân như là niềm kiêu hãnh, hai yếu tố có thể gây bùng phát chiến tranh. Tất nhiên Tàu sẽ không gây chiến với Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Độ, Nga…nhưng có thể là Việt Nam nếu “trên bảo dưới không nghe”. Tự chủ, sáng suốt, chọn bạn mà chơi chưa hề là những từ ngữ sáo rỗng).

Nhà lãnh đạo TQ đang châm ngòi cho một chủ nghĩa dân tộc chực bùng phát với quan điểm của mình cho rằng đảng Cộng Sản không bao giờ phạm sai lầm.

Khoảnh khắc tiết lộ rõ nhất lễ diễu binh mừng quốc khánh trên quảng trường Thiên An Môn hôm 1 tháng 10 kéo dài vài giây. Đó là khoảnh khắc những tên lửa hạt nhân DF-41 đáng sợ, có thể bắn phá bất kỳ thành phố nào ở Mỹ, đến gần chỗ ngồi dành cho giới báo chí trên đại lộ Vĩnh Hòa. Những chiếc loa khủng cất tiếng khi những chiếc xe nhiều bánh hóa trang chở chúng gầm gừ hướng về cổng chính hùng vĩ của Tử Cấm Thành, chỗ chủ tịch Tập Cận Bình và những lãnh đạo TQ ngồi đợi trên một lễ đài. Những giọng nói không rõ từ đâu giải thích loại vũ khí có năng lực răn đe, nhờ đó bảo đảm được hòa bình. Như tiếng hát, giọng nói ví von tên lửa này là những con rồng vĩ đại, có thể ẩn mình trên núi rừng trùng điệp, trong biển cả mênh mông, trước khi giáng những cú đánh long trời lở đất. Đám đông đồng loạt giơ tay nhất loạt tung hê rân trời.

Những tiếng tung hê kia phản ảnh hai thông điệp ló mặt nhân kỷ niệm 70 năm cai trị của cộng sản. Thứ nhất, TQ sử dụng sức mạnh hỏa lực mạnh đến mức không nước nào an toàn khi thách thức họ. Thứ hai, TQ vĩ đại trở lại nhờ Đảng Cộng Sản đã và hiện luôn luôn là một sức mạnh muôn năm (for good).

Thông điệp thứ hai được tải đi trong nước với phân nửa cuộc diễu binh dân sự, bắt đầu bằng những chiếc xe buýt không mui, sơn vàng, chở những “thái tử đỏ” cùng con cháu những người sáng lập TQ cộng sản và các anh hùng liệt sĩ. Có một cháu nội Mao Trạch Đông nai nịt bó sát trong trang phục một vị tướng lĩnh. Trọng tâm được nhấn mạnh với những người diễu hành ăn mặc như những nông dân, chiến sĩ, công nhân thời Mao, múa may và ca hát cổ vũ những phong trào vinh danh đảng thập niên 1950, 1960, 1970; nào là chinh phục thiên nhiên, nào là phát động quần chúng, nào là biến TQ thành một cường quốc công nghiệp. Cách “tẩy rửa” (sanitizing) những năm cầm quyền của Mao như thế thật chẳng đàng hoàng.

Nói cho đúng, những thập kỷ qua đi đó đã để lại cái chết hàng chục triệu người TQ, do nạn đói con người gây ra, do đấu tranh giai cấp, do những cuộc thanh trừng vì khác tư tưởng. Tuy nhiên dưới sự lãnh đạo của Tập, những nỗi quằn quại, những lúc bẻ ngoặc, những hướng đi đến ngõ cụt do sự cai trị của đảng được khéo léo thêu dệt thành câu chuyện vinh quang vì bước tiến của đất nước. Lãnh tụ TQ đã không giấu giếm những mục tiêu của mình. Ông ta nối kết sự sụp đổ của khối Liên Xô với giai đoạn các nhà lãnh đạo Nga chối bỏ những tội ác gây ra bởi Stalin và những cựu lãnh đạo cộng sản. Tập Cận Bình chọn một lối đi khác, tước bỏ sự khoan thứ có mức độ từ trước của đảng về tính trung thực lịch sử.

Những cuộc diễu binh trước đây đều “cúi đầu” theo những cuộc tranh luận trực tiếp. Ngày quốc khánh năm 1984, Đặng Tiểu Bình, lúc đó là lãnh tụ TQ, tuyên bố nhiệm vụ hàng đầu của đất nước là cải cách kinh tế, dẹp bỏ những cản trở để tăng trưởng. Cuộc diễu binh đó gồm những tượng bán thân những lãnh đạo bị Mao thanh trừng hay phế truất, và một xe hoa từ thành phố Thâm Quyến, đặc khu kinh tế tiên phong, những người phê phán khuynh tả gọi là thành phố tư bản.

Ở cấu trúc thượng tầng, hầu hết nhằm tạo ích lợi cho người trong cuộc, Tập Cận Bình đã chối bỏ những sai lầm quá khứ của những thành phần cực tả từng bị Đặng Tiểu Bình coi là đi chệch đường lối của đảng. Vinh danh những anh hùng cách mạng trước ngày quốc khánh năm nay, ông Tập có nhớ đến Zhang Zhixin, đảng viên cộng sản bị hành quyết năm 1975 vì cất lên tiếng nói chống lại những lăng nhục thời Mao, không lâu trước khi cô bị cắt cổ để ngăn cất tiếng với các bạn tù khi cô chết.

Sự thật lịch sử như thế không được đưa ra cho quần chúng. Câu chuyện thực về TQ hồi sinh từ sự đổ nát do Mao được hàng trăm triệu cá nhân người TQ chép lại. Dân chúng tự mình nâng lên khỏi đói nghèo nhờ làm việc cật lực và đánh đổi hiểm nguy sau khi Đặng thực dụng áp dụng sức mạnh thị trường. Tuy nhiên, trong cuộc diễu binh năm nay, một bức tranh lớn của Đặng trong y phục kiểu Mao được hộ tống bằng những diễn viên múa trang phục đặc trưng, phất những lá cờ hình hạt lúa, làm như ông ta là chủ nhiệm chuyên nghiệp của một hợp tác xã hơn là một người giúp nông dân tự trồng lấy lúa, làm thay đổi cuộc đời họ nơi thôn dã.

Sau đó là những xe hoa, ngợi ca thời đại Tập Cận Bình, trình bày những vinh quang trung ương vạch ra với hình ảnh những chiếc tàu lửa cao tốc và những hỏa tiễn không gian. Một vài đại diện thấy được về doanh nghiệp tư nhân là những tài xế giao hàng trên những chiếc xì-cút-tơ, một hạng người thu nhập thấp, có lần được Tập khen họ như những con ong cần mẫn. Tôn trọng rõ ràng cho sự so sánh này, những tài xế chở hàng trong diễu binh đội nón vàng đen với sợi râu ong, hệt những anh hùng trong sách trẻ con. Như muốn xua tan những bóng ma trong các cuộc nổi dậy Thiên An Môn, sinh viên từ một số đại học bước đều dưới cờ hiệu của trường, khi thấy ông Tập, họ phấn khích nhảy múa tưng tưng, trong làn không khí nặng mùi khói xe tăng đang diễu hành.

Chủ nghĩa dân tộc của TQ là vấn nạn của thế giới:

Có thể hiểu được, dù thật sự không tránh được, một TQ giàu có hơn muốn trở thành cường quốc quân sự. Cái không tránh được đó là ông Tập ấp ủ một chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hướng về quá khứ, phất cao ngọn cờ hồng trong khi bỏ qua những sai lầm khủng khiếp của đảng. Theo truyền thống, những ai thúc đẩy TQ nghĩ suy chân thành về quá khứ tự họ đã cầu mong lợi ích cho chính đất nước. Những người tự do can đảm, cùng chiến tuyến, đã kêu gọi những cuộc thỏa thuận công khai về phong trào Đại Nhảy Vọt, Cách Mạng Văn Hóa, nhằm ngăn ngừa những sai lầm tương tự không bị tái diễn. Thảo luận ấy có vẻ yếu ớt ngày nay. Tập không phải là nhà cách mạng như Mao nghiêng về việc phá vỡ đảng. Trái lại, Tập là một nhà toàn trị, ám ảnh bởi sự ổn định, quyết tâm khẳng định uy quyền tuyệt đối của đảng. Để đạt mục tiêu đó, ê kíp của Tập khai thác lối tuyên truyền theo Mao, hoài niệm về một Trung Quốc giản dị, nhẹ về vật chất, và niềm kiêu hãnh chính đáng trong sự chịu đựng những gian khó ở quá khứ. Nhận xét một cách yếm thế, sự tuyên truyền như vậy là đường lối chính trị xảo quyệt trong nước. Hệ thống cai trị độc tôn kiểu Mao còn là một hiểm họa, nhưng không có nguy cơ nhỏ nào về sự trở lại hỗn loạn thời Cách Mạng Văn Hóa.

Những nước khác có nhiều điều để sợ hãi hơn do cách theo đuổi một lịch sử đánh tráo của Tập Cận Bình. Bằng cách bảo với dân chúng rằng Trung Quốc cộng sản không bao giờ đi chệch hướng, ông ta khơi dậy chủ nghĩa dân tộc đang nôn nóng chực bùng phát mà mọi phê phán từ bên ngoài đều coi như thù địch.

TQ không phải là cường quốc đang lên đầu tiên tìm đến những vũ khí đáng sợ. Chủ nghĩa yêu nước của nhân dân họ không thể bị coi là sự tẩy não. Rất nhiều người sáng suốt và đủ luận lý khi họ yêu tổ quốc mình và đi theo Tập Cận Bình. Nhưng khi vũ khí trang bị tận răng, chủ nghĩa dân tộc tự tôn ấy có thể phát nổ các cuộc chiến tranh. Cả Trung Quốc lẫn phần còn lại của thế giới có chút gì an toàn hơn nếu những lãnh đạo đảng phái phải hiểu rằng họ có thể sai lầm. Và việc Tập Cận Bình đang đi một hướng khác sẽ là một cảnh báo đối với mọi người.

Bài của Chaguan trên the Economist, Ngày 3 tháng 10 năm 2019

TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM, ĐẶC CÔNG ĐÁNH CHÌM MỘT TÀU SÂN BAY MỸ

(Lời người dịch: Một mảnh của lịch sử. Anh hùng Nguyễn Văn Bảy tự nhận: “Tao toàn gặp số bảy: Tên Bảy, con thứ 7, đi bộ đội lúc 17 tuổi, học văn hóa 7 ngày lên 7 lớp, 7 lần bắn rơi 7 máy bay Mỹ bằng máy bay MiG-17, được phong Anh hùng năm 1967...”Trên là tuyên truyền của Việt Cộng. Dưới là tuyên truyền của “đế quốc” Mỹ. Mượn câu chuyện tàu bị đánh chìm để nói tính ưu việt của tàu sân bay Hoa Kỳ. Mỹ tuyên truyền khéo hơn)

(During the Vietnam War, Commandos Sunk a U.S. Aircraft Carrier).

Một cú đánh quá sốc.

Điểm chính: Với thuốc nổ và đồ lặn, hai đặc công đánh chìm một tàu sân bay hộ tống (escort carrier). Ngay sau nửa đêm, hai đặc công Việt Cộng bò ra từ ống cống cảng Sài Gòn, mỗi người mang 40kg bộc phá cực mạnh và các thứ cần cho hai quả bom hẹn giờ.

Mục tiêu của họ là một chiếc tàu Mỹ cực lớn đang đậu ở cảng, tàu USNS Card. Một hộ tống hạm có một dịch vụ đặc biệt, như là đội săn tàu ngầm ở bắc Đại Tây Dương trong thế chiến II, trong những giờ đầu ngày 2 tháng 5 năm 1964, Card nằm trong bộ Chỉ huy hải vận quân đội Hoa Kỳ.

Hạm đội hỗ trợ cam kết quân sự đang leo thang cho chính phủ Nam Việt Nam khá lâu trước sự kiện Vịnh Bắc bộ. Từ 1961, Card vận chuyển máy bay cánh quạt và trực thăng đến những quốc gia bị bao vây cũng như những phi công và chuyên viên hỗ trợ đi theo để điều khiển chúng.

Những đặc công bơi về hướng tàu Card, chừng một giờ đồng hồ dưới nước để gắn thuốc nổ trên mực nước, gần đáy tàu và khoang động cơ bên hông tàu. Họ cài bộ phận hẹn giờ và bơi đi.

Những quả mìn phát nổ. Năm nhân viên dân sự trên tàu thiệt mạng, vụ nổ xé toạc một lỗ hổng lớn trong khoang chứa động cơ và chiếc tàu đầy kiêu hãnh từng sống sót sau những đợt tấn công của Đức đang chìm dần xuống đáy – một tàu sân bay sau chót trong lịch sử quân đội Hoa Kỳ cho đến lúc đó bị đánh chìm bởi hành động của kẻ thù.

Tàu Card bị đánh chìm là một kỳ công cho Việt Cộng, tuy nhiên, ngày nay ít được nhớ tới. Nó chứng tỏ những tàu hải quân dễ bị tấn công thế nào ngay khi đối mặt với kẻ thù có vũ khí thô sơ…và duy trì an ninh ở cảng khó khăn thế nào trong một cuộc chiến không có giới tuyến thực sự.

Nhưng điều đó cũng chứng tỏ lực lượng hải quân Hoa Kỳ kiên cường thế nào. Trong vòng 17 ngày, toán cứu hộ vớt tàu Card ra khỏi nước sâu hơn 15 m (50 feet), sáu tháng sau, chiếc tàu trở lại nhiệm vụ thêm 6 năm nữa.

Không mấy ngạc nhiên, Bắc Việt tưng bừng ăn mừng việc đánh chìm tàu Card, coi đó như là một thắng lợi hàng đầu cho việc tuyên truyền. Chính phủ Hoa Kỳ phủ nhận tàu bị đánh chìm, họ nói với công chúng tàu sân bay chỉ bị hư hại.

Chính quyền miền Bắc còn kỷ niệm biến cố bằng cách trưng bày chiến dịch trên tem phát hành năm 1964.

Đội tàu hải quân Hoa Kỳ luôn gắn mình với những câu chuyện bí ẩn – chúng nhìn thật dữ dội với những loại vũ khí và máy bay chiến đấu, có khả năng triển khai sức mạnh đất nước đến bất cứ nơi nào trên trái đất. Đặc biệt, những tàu sân bay là biểu tượng của một quốc gia đang chiếm giữ vị trí “cường quốc”.

Nhưng chúng lại dễ bị tấn công. Lấy ví dụ, có rất nhiều lý do tại sao ngay việc các tàu sân bay có nhiều tàu hộ tống - khu trục hạm, tuần dương hạm có tên lửa hành trình, thậm chí cả tàu ngầm – để bảo vệ tàu sân bay cũng như bao vây kẻ thù.

Chúng ta không quá ngạc nhiên khi kẻ thù nhắm tới tàu thủy khi đánh nhau, ngay cả một đặc công với mìn hẹn giờ, nhà phân tích và một sử gia hải quân, ông James Holmes nói trong cuốn “War Is Boring” (Chiến tranh chán ngắt).

“Chúng ta không bỏ được suy nghĩ tàu chiến là những ‘lâu đài thép’, hay như bây giờ gọi là pháo hạm thiết giáp, hay gì gì nữa”, Holmes viết. “Một lâu đài là một công sự có những bức tường có thể bị “trừng phạt” nặng nề (enormous punishment), trong khi hầu hết tàu chiến tối tân nhất đều có bề hông mỏng – tàu sân bay chạy bằng nguyên tử là một ngoại lệ đáng nể. Vì vậy, một anh chàng chỉ với quả mìn cũng có thể gây hại rất lớn”.

Holmes còn nói việc đánh chìm tàu Card là “bản xem trước” cho sự tấn công tàu USS Cole năm 2000 – một trường hợp như sách giáo khoa mô tả một cuộc tấn công với vũ khí thô sơ, một ví dụ điển hình đối với sức mạnh hải quân Hoa Kỳ.

Những thành viên Al Qaeda thực hiện một cuộc tấn công tự sát vào tàu Cole, một khu trục hạm có tên lửa dẫn đường, với chiếc thuyền nhỏ chứa đầy chất nổ nhắm tới tàu Mỹ đang neo đậu ở vịnh Aden. Vụ nổ xé toang lỗ hổng lớn thân tàu, sát hại 17 lính hải quân và làm bị thương 39 người – một cuộc tấn công chết người nhiều nhất vào tàu Mỹ trong lịch sử gần đây.

Sức công phá của vụ nổ ảnh hưởng tới bếp ăn trên tàu, giết và làm bị thương nhiều người đang xếp hàng ăn trưa. Các nhà điều tra sau đó không nhận định việc mìn hẹn giờ tấn công là chuyện ngẫu nhiên.

Năm chục năm trước, xâm nhập an ninh trên cảng là mối lo lớn ngay cả đối với những kẻ tạo ra cuộc tấn công vào tàu Card.

Lâm Sơn Não, 79 tuổi, chỉ huy đặc công Việt Cộng, làm nhân viên bảo trì cảng vào thời điểm có cuộc đánh phá tàu. Lợi dụng công việc ông ta thu thập tin tình báo, giấu chất nổ, và lên kế hoạch hành động.

Mặc  dù nhiều cảnh sát biển với tàu tuần tra, Não và đồng đội có thể tiến hành tấn công nhờ lên kế hoạch chu đáo.

“Sứ mạng đánh tàu Card, tôi và một đồng đội giả vai người đánh cá”. Não nói trong lần phỏng vấn với Thông tấn xã VN ngày 22 tháng 4 năm 2015. “Khi thuyền chúng tôi gần cập bến Nhà Rồng, cảnh sát đuổi theo đến bờ bán đảo Thủ Thiêm. Tránh thuyền bị kiểm tra, chúng tôi đẩy nó vào một đầm lầy, để cảnh sát không tiếp cận được”.

Não nói với cảnh sát cảng ông ta muốn đi chợ để sắm ít đồ dùng ở một nơi gần đó như áo quần vải vóc cùng một cái radio – và họ để cho ông ta đi.

Hậu quả cuộc tấn công vào tàu Card thu hút những toán cứu hộ người Mỹ đối phó với một khủng hoảng nghiêm trọng. Các tướng lãnh chóp bu và tổng thống Lyndon Johnson muốn giữ kín bưng hậu quả của cuộc tấn công.

Tuy nhiên, trục vớt tàu Card đã là một chiến dịch cứu hộ lớn lao.

Năm người nhái hải quân lặn xuống xem xét thiệt hại của tàu Card. Một người nói ông ta tìm thấy một ít chất nổ còn lại do Hoa Kỳ sản xuất – rõ ràng, Việt Cộng có thể đã ăn cắp đạn dược của Mỹ.

Trong lúc đó, Hải quân Hoa Kỳ phái tàu trục vớt USS Reclaimer và tàu kéo USS Tawakoni đến cảng Sài Gòn tiến hành hút nước ra khỏi chiếc tàu bị đắm. Dù phương tiện kém và một vài hỏng hóc thiết bị, đội cứu hộ đã kéo tàu Card lên mặt nước không tới hai tuần.

Ngay sau đó, hai tàu Reclaimer và Tawakoni kéo tàu Card ra khỏi hải cảng Sài Gòn trên đường đến cảng hải quân Subic ở Philippines để sửa chữa.

Những tàu hải quân Mỹ thường rất cơ động nên dễ phục hồi khỏi tình trạng hỏng hóc nặng nề sau tấn công. Hiển nhiên, tàu Card không phải ngoại lệ - ông Holmes nói, những chiếc tàu thường “chỉnh lại tính năng” trong hải quân Hoa Kỳ để phục vụ lâu dài

“Tàu sân bay Midway đi từ tàu sân bay thời đệ nhị thế chiến đến một siêu tàu trong suôt đời hoạt động, kéo dài cho đến thập niên 1990”. Ông nói tiếp: “Triết lý ấy – chủ ý chế tạo tàu dễ dàng thay đổi và nâng cấp trong suốt hành trình hoạt động – đang trở lại”

Ngay cả tàu Cole vẫn hoạt động lại sau đợt tấn công. 14 tháng sửa chữa, tàu xuất bến ngày 19 tháng 4 năm 2002, và đã trở về cảng nhà của mình ở Norfolk, Virginia.

Tàu được triển khai nhiệm vụ 2003. Cole vẫn hoạt động cùng Đệ Lục hàng không mẫu hạm Mỹ.

Tàu sân bay từng bị đánh chìm Card ngừng hoạt động năm 1970.

Bài của Robert Beckhusen, trên National Interest, ngày 9 tháng 10, 2019

Wednesday, January 17, 2024

NHÌN THẲNG VÀO SỰ THẬT

Đây là câu người ta hay nghe nhất thời đổi mới ở Việt Nam. Sự thật khó vậy sao, phải cố nhìn thẳng. Xưa nhìn xiên, nhìn xéo nó nhiều quá, nay nhìn thẳng cho đỡ áy náy? Có sự thật thì cũng có "sự giả".

Đây là một tin giả, không phải ở VN nhưng ở Nga từ Baltnews, do Kremlin tài trợ, phụ trách tuyên truyền đến sắc dân Nga vùng Baltic, từng nằm trong liên bang Xô Viết. Năm 2015, EU phát hiện hàng ngàn fake news đến từ nước có bác Putin cả đời khoái làm tổng thống. Mới đây, một tin trên trang web này: “Mein Kampf” (Đời chiến đấu) của Hitler là sách được đọc nhiều nhất ở Latvia, còn hơn Harry Potter.

Tác phẩm của trùm phát xít Đức từng là nguồn cảm hứng, thúc đẩy hàng chục triệu dân Đức gây chiến tranh cho các nước trong đệ nhị thế chiến, hàng chục triệu người bị giết, hậu quả thế giới chia hai phe, sau đó là chiến tranh lạnh ghê hồn.

VN chiến tranh liên miên cũng là kết quả sau sự phân chia 2 khối XHCN và tư bản chủ nghĩa.

BBC thường trú ở Moscow qua Latvia điều tra tin tức này. Họ đến một tiệm sách lớn nhất thủ đô, hỏi người chủ, tiệm đã bán cuốn nào chưa, kết quả không bán được cuốn nào cả. Phóng viên bèn đến thư viện quốc gia, hỏi số thống kê người mượn sách "Đời chiến đấu" của Hitler, kết quả trong 3 năm có 139 người mượn, trong khi cuốn Harry Potter có 25000 lượt người mượn.

Anh chàng BBC này tìm đến người quản lý trang web Baltnews hỏi xem lượt người truy cập nói đã đọc 2 tác phẩm trên. Kết quả các lượt bấm chuột (click) nói đã đọc sách Hitler là 69 phần trăm (không rõ ai, unregistered users, tức là dấu tên), chỉ có 31 phần trăm có tên). Lượng người click có đọc Harry Potter là 70% nhưng có tên tuổi hẳn hoi. Mục tiêu của tin giả này nhằm gây chia rẽ và nghi ngờ giá trị dân chủ ở những nước thoát khỏi ảnh hưởng Nga, khi nói một tác phẩm của trùm phát xít được dân Latvia đổ xô tìm đọc, nguy hiểm lắm, chủ nghĩa phát xít trở lại.

Rõ ràng, có một chiến dịch được tiến hành bởi ai đó trong bóng tối, kiểu “đánh giá” trang web như thế không khác chỉ có một lực lượng hùng hậu ở Việt Nam, nhảy vào hạ thấp hạng một App đã cho kết quả đo mức độ ô nhiễm nhất thế giới (có lúc) là Hà Nội. Chiến dịch "đánh" quy mô này dưới tác động của một thầy giáo nào đó tôi không nhớ tên, có facebook mấy trăm ngàn người theo dõi. Sức mạnh của lực lượng này dũng mãnh, hiệu quả gớm ghê. Kết quả  tấn công của “các chiến sĩ” mang mặt nạ đã khiến trang đánh giá thời tiết kia gỡ App ra khỏi Việt Nam. Nhờ vậy, không khí thủ đô Hà Nội, Sài Gòn hết sức trong lành, đồng bào ta cứ ra đường thoải mái, lý do có ai đo đâu mà biết ô nhiễm.

Hàng triệu người cao huyết áp VN sẽ vui mừng biết bao, nếu họ không biết căn bệnh sẽ giết chết mình vì không có máy…đo huyết áp. Sự thật là có bệnh cao huyết áp, có ô nhiễm không khí, nhưng vì không có máy đo, mọi người an tâm, vui sống, VN là nước người dân có chỉ số hạnh phúc cao nhất nhì thế giới. Có câu nói ai cũng biết “Sự thật mới cứu rỗi nhân loại”.