Wednesday, January 10, 2024

BÓNG PHÍA SAU

(Phiếm luận nhân xem ảnh bên dưới)

Có câu “phía sau thành công của một người đàn ông có bóng dáng của một ngừơi đàn bà”. Tôi sửa lại, “phía sau sự thất bại của một người đàn ông có bóng dáng của một người đàn bà”. Không những thất bại mà còn “thân bại danh liệt”. Ví dụ điển hình: vị cựu bí thư huyện ủy Cô Tô, vừa mới bị cách tuột mọi thứ, đảng viên cũng bị khai trừ. Một tiến sĩ còn trẻ, đẹp trai, hoạn lộ đang thênh thang, chỉ vì “quan hệ bất chính” mà phải “gặm một nỗi” u hoài theo năm tháng. Nhưng không hẳn lỗi đàn bà. Tất cả tại người chọn đàn bà.

Ở Trung Quốc, mấy năm trước không thiếu những quan chức tham nhũng, xộ khám, đều thấp thoáng “bóng hồng”. “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách. Sắc bất ba đào dị nịch nhân” (Mưa không trói buộc nhưng giữ được khách. Sắc đẹp chẳng ba đào nhưng dễ níu chân ai). Không phải thời nay đàn ông khổ lụy vì đàn bà (đẹp). Thời xưa còn lắm lắm. Khi người đàn ông có công danh - cái mà nhiều người đàn ông khác ao ước - chính họ cũng ao ước một thứ: giai nhân. Trai tài, gái sắc. Đó là ước nguyện của đa phần con người trần thế. Trai tài mà gái không sắc có nhiều lý do. Một là, trai đó không yêu đàn bà đẹp (hơi bất thường, nghe); hai là, có yêu nhưng không tìm được giai nhân làm vợ; ba là, nghèo rớt mồng tơi, chẳng thị Nở nào ngó tới.

Đàn ông thành đạt thường cưới vợ đẹp trừ trường hợp lúc chưa thành đạt có cô vợ không “nguyệt thẹn, hoa nhường”. Các doanh nhân đàn ông ngày nay có khuynh hướng lấy các hoa hậu hay người mẫu làm bạn đời để “nâng khăn sửa túi”.Các quan chức còn trẻ, có địa vị trong guồng máy quốc gia, có lẽ mong muốn cũng không khác. Chỉ có khác, doanh nhân cưới vợ không hỏi ý kiến chi bộ chứ đảng viên phải “báo cáo tổ chức”. Yêu mùi mẫn say đắm nhưng tổ chức “lắc đầu” thì “em đi đường em, anh đường anh – nếu còn muốn danh phận (bất cứ quan chức lớn nhỏ đều đảng viên).

Có vợ hay có người yêu thuộc dạng “hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” không những là diễm phúc cho người đàn ông mà còn là một quyền lợi – ngang ngửa với quyền tự do biểu đạt hay quyền biểu tình chống xâm lược.

Nhiều người quan niệm làm chính trị không nên để “đàn bà” (đẹp, nguy hiểm lắm!) xen vào. Không xen vào việc triều chính nhưng xen vào đời sống quan chức, không được hay sao? Những lãnh tụ toàn diện (Mao Trạch Đông không phải là lãnh tụ tôi muốn nói) trên thế giới đều có vợ, nghĩa là có một gia đình đầm ấm. Căng thẳng triều chính khi về nhà gặp phu nhơn “ăn cục nói hòn”, tính tình lãnh tụ có ảnh hưởng không? Tôi chắc là có. Nếu có người vợ nhỏ nhắn xinh xắn, ăn nói nhỏ nhẹ, biết săn sóc đàn ông, lãnh đạo như thế tôi bảo đảm sẽ mang lại hạnh phúc cho dân chúng nước mình.

Những quan chức tham nhũng có nhiều bồ nhí ở TQ vướng tù tội, có lẽ vợ họ hoặc không đẹp người hoặc không đẹp nết, hay là cả hai. Không có thì kiếm chứ sao? Kiếm bồ nhí.

Nhu cầu tình yêu (kèm tình dục) ở con người rất đa dạng và phức tạp. Những người giàu có hay quyền lực còn sức sống thì nhu cầu ấy cũng đa dạng và cũng rất phức tạp. Nhu cầu muốn có trai tài, trai giàu, có gái sắc, gái ngoan là nhu cầu chính đáng. Người dân quèn cho chí lãnh tụ, ai cũng là người, do đó đều có nhu cầu ấy. Chẳng qua vì điều kiện, vì hoàn cảnh, vì cơ duyên, có kẻ không thỏa nguyện nhu cầu đó mà thôi.

Đàn ông muốn có giai nhân, đàn bà không được phép?

Ảnh hưởng Nho giáo lâu dài, vai trò người phụ nữ không được coi trọng. “Nhứt nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một trai cho là có, mười gái cũng bằng không). Có một phụ nữ xinh đẹp quyền thế một thời, vang danh một triều đại, nổi lên chống lại quan niệm cổ hủ lạc hậu ngày nước có ông Khổng Tử, đó là bà Võ Tắc Thiên. Công tích của bà lớn đến nổi khi bị truất phế, những người nổi loạn không chém đầu bà như thông lệ các vì vua chúa Trung Hoa thuở xưa. Một vị vua khác người.  Bà còn khác người ở chỗ: tự do hưởng thụ xác thịt ( và cả tình yêu nữa- ai biết?).

Lịch sử hầu hết đều do đàn ông viết; nhận xét về một vị vua nữ đem “trai khỏe đẹp” vào cung theo ý thích luôn luôn là ác ý và thiên lệch. Chỉ có một người Việt Nam nhận xét bà với thái độ cảm thông và công bình. Đó là học giả Phan Khôi, sinh ra rau bà Võ Tắc Thiên hàng chục thế kỷ. Ông viết trong bài “Thân oan cho Võ hậu” do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tầm: “Các ông vua nhốt trong cung đến những mấy ngàn đàn bà, hoang dâm vô độ, ấy là cái quyền của các ổng. Vậy thì bà vua Võ hậu chọn cung nhân bằng đàn ông để mua vui trong lúc “vạn cơ chi hạ”, cũng là cái quyền của bả. Như nói Võ hậu làm như vậy là thương luận bại lý, thì các ông vua làm như kia cũng thương luân bại lý. Không trách thì thôi; đã trách thì nên trách hết thảy”.

Một học giả nghiêm túc có tư tưởng tự do trong vấn đề luyến ái như thế kể ra rất hiếm và chính ông là người “khai sinh” ra thơ mới với bài “Tình già”, trong đó có một đoạn cho thấy, tự do luyến ái nhưng không buông tuồng, lơi lả.

“Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng,

      mà lấy nhau hẳn đà không đặng:

Để đến nỗi tình trước phụ sau,

      chi bằng sớm liệu mà buông nhau!”

- “Hay nói mới bạc làm sao chớ!

      buông nhau làm sao cho nỡ?

Thương được chừng nào hay chừng ấy,

      chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!

Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng,

      mà tính chuyên thuỷ chung!”

Tình yêu trai gái, và cả tình dục, thời nào cũng có. Nhưng tình yêu và tình dục có trái tim thì phải có khối óc. “Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng, mà tính chuyện thủy chung”. Chàng trai và cô gái trong một đêm tối, suy nghĩ rất chín chắn sau khi “Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi, con mắt còn có đuôi".

“Liếc đưa nhau đi rồi”, trai gái có gia đình không đi về nhà, lại đi vào nhà hát (Karaoke), quan hệ “chính đáng” trên-dưới ở cơ quan trở thành “bất chính” "trai trên gái dưới" ở giường ngủ,  dù "kẻ quan hệ" từng học tập đạo đức gì đó còn nhuyễn hơn sôi kinh nấu sử để trở thành tiến sĩ. Học mà không hành. Tiên, chẳng có lễ - hậu, văn cũng tiêu. Bỏ “tiên học lễ hậu học văn” là "tiến cùng thời đại".

HƯƠNG CÀ PHÊ

“Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình “.

Ngẫm đi ngẫm lại mới thấy ngài Nguyễn Du là bậc thầy tâm lý. Tâm lý gái trai, tình trai, tình gái. Người ta bảo, đàn ông yêu bằng mắt, phụ nữ yêu bằng tai. Bởi thế, nhiều giai nhân nguyệt thẹn hoa nhường có nàng lại yêu chết bỏ những nam nhân “tệ hơn thằng Đậu”. Thằng Đậu dẻo mồm, lời lời mật ngọt, hàng hàng gấm thêu.

Tôi lại thấy đàn ông còn yêu bằng mũi- hai lỗ mũi, yêu mùi, hương. Các bà các cô tiếp xúc với quý ông có khi nào thấy họ nín thở khi má áp má, vai kề vai?

Hương gây mùi nhớ, ôi, bốn từ thôi, chàng trai Nguyễn Du “đi guốc” trong bụng đàn ông. Hương cà phê gợi nhớ những người thân quen thuở nào trong một chỗ yên ả mà rộn ràng: tiếng cười giòn giã sau một câu chuyện hài hước đơn sơ. Hương cà phê còn gợi lại nhiều kỷ niệm, bên chiếc phin những giọt màu nâu rơi tí tách, như chờ đợi một lời tỏ tình thời mới quen nhau “bên tách cà phê”. Vì sao trong bữa rượu- trai gái ngày nay đều có thể uống, đề huề- chẳng ai tỏ tình khi men lên chếnh choáng, men tình, men rượu. Người ta gọi mùi rượu, không ai kêu hương rượu. Phụ nữ lần đầu nghe đàn ông tỏ tình qua mùi rượu, tôi đoan chắc, 100% sẽ bái bay lời yêu nồng nặc hơi men.

Hương cau, hương (bông) bưởi, hương (hoa) chanh, hương hoa hồng, hoa huệ, hoa lài…chưa nói đến hương lan, giúp bao chàng thi sĩ sáng tác những áng thơ trác việt. Hương mà chuyển thành mùi thì như Cao Bá Quát “ Ngán thay cái mũi vô duyên. Câu thơ thi xã con thuyền Nghệ An”. (*)

Chính vì “hương gây mùi nhớ” nên nhân loại có cả ngàn loại nước hoa khác nhau và hàng tỷ phụ nữ trên thế giới yêu dùng. Không có thống kê nhưng chắc chắn đàn ông tất cả đều trở thành nạn nhân hạnh phúc của mùi hương từ người phụ nữ họ yêu hay chỉ mới gặp lần đầu.

“Hương gây mùi nhớ”! Chỉ có một mùi trong 4 chữ này là gây mùi nhớ, thật buồn cười, lại là mùi mồ hôi. Có ai chê chồng, chê vợ vì mồ hôi của họ hay không, khi thật sự vợ chồng, không nhất thiết đã sinh con đẻ cái? Không ai yêu mùi mồ hôi của nhau trừ cha mẹ với con cái và vợ chồng với nhau.

Ai đọc Bướm Trắng của Nhất Linh đều không quên một chi tiết nhà văn mô tả mối tình giữa Truong và Thu manh nha do mùi mồ hôi từ chiếc áo của cô gái. Thu đi khỏi phòng, bỏ trên giường chiếc áo đang khâu dở, Truong bèn cầm lên áp vào má và mũi chậm rãi hôn tưởng tượng như da thịt người con gái. Thu bất ngờ quay lại phòng thì thoáng thấy chiếc áo của mình trong tay Trương. Nàng vừa sợ hãi vừa sung sướng như chàng trai đang ôm mình vào lòng lần đầu tiên trong đời. Nàng lẳng lặng nhẹ nhàng bỏ đi. Mối tình nảy nở và hình thành từ đó, hai người trở thành của nhau, có lẽ từ mùi mồ hôi trong chiếc áo của Thu?

Ảnh: Bên tách cà phê.

Hương và mùi đi vào thơ ca và hình tượng văn học rồi chăng? Hương cà phê  sinh sau đẻ muộn nhưng thật lãng mạn tiếp bước vào nếp sống văn hóa VN.

(*) Thi xã Mạc Vân của Tùng Thiện vương Miên Thẩm Cao Bá Quát xếp sau (mùi cá) con thuyền Nghệ An.

Monday, January 8, 2024

UKRAINE, TIẾNG GỌI LƯƠNG TRI.

Cuộc chiến tại quốc gia sát nách nước Nga sẽ còn nhiều khốc liệt. Putin đang áp dụng chiến thuật - trước đây rất thành công - với Ukraine: bẻ gãy và đè bẹp tình thần đối phương bằng sự hủy diệt của bom, đạn pháo và tên lửa. Thủ đô của Chesnia và Aleppo, Syria, trở thành “bình địa”. Những hình ảnh các khu dân cư bị đánh bom những ngày qua không phải là “sơ ý” tên bay đạn lạc. Liệu sự tàn bạo của chiến tranh có khuất phục được tinh thần nhân dân Ukraina? Có thể một phần hay toàn bộ lãnh thổ Ukraina sẽ rơi vào tay quân xâm lược nhưng dứt khoát kẻ thù không khuất phục tinh thần người dân đất nước Ukraina.

Phần còn lại của thế giới sẽ đứng về ai? Rất rõ, câu trả lời, đó là đứng về phía lương tri.

Có mấy cái làm cho đại đế Putin đau đầu: Dân chúng Nga, nhất là thành phần trí thức, không ủng hộ chiến tranh với một nước từng “anh em ruột thịt”. Ukraina đứng cùng chiến hào với những người Nga đồng chí, đánh trả quân xâm lược phát xít. Lý tưởng “phi quân sự hóa”, “phi phát xít hóa” Ukraina chỉ là đường lối tuyên truyền ấu trĩ không lừa gạt những người lương thiện nước Nga. Xua quân qua đánh một nước độc lập có chủ quyền không phải là hành xử văn minh trong thời đại công nghiệp, lấy chất xám làm đầu chứ không phải cậy nhờ cơ bắp làm chân đi.

Do độc tài, tầng lớp tinh hoa nước Nga không ai dám “nói thật, nói thẳng” với đại đế. Những thông tin sai lạc, “làm vừa lòng lãnh đạo” mà không làm vừa lòng sự thật, khiến đại đế hiểu không đúng tình hình thế sự. Không một người Ukraina nào đón chào quân Nga như những người giải phóng, theo suy nghĩ của đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc. Chẳng có một quân nhân nào theo lời kêu gọi của Putin tham gia vào quân đội đứng lên làm đảo chánh lật đổ “thằng hề” Zelensky. Không một chính phủ thân Nga nào ra mắt để Putin đặt vào chức tổng thống sau ba ngày chiến tranh, quân Nga chiếm giữ thủ đô Kiev, theo suy đoán của Putin. Sự kháng cự ngoan cường của Ukraina làm cho Putin hối hận, và đang trả giá đắt, đã đánh giá sai lầm đối phương, chắc cũng “xìu xìu ểnh ểnh” như năm 2014, khi Crimea bị cướp về tay Nga.

Nhưng cái Putin bất ngờ nhất là sự phản ứng của các nước trên toàn thế giới. Trung Quốc là chỗ dựa lớn nhất và an toàn nhất, “hợp tác không giới hạn”, lại bỏ phiếu trắng, chứ không phải là phiếu ủng hộ Putin phát động chiến tranh toàn diện với Ukraina. Tập Cận Bình thấy ra, Nga của Putin không phải là gấu. Với quân lực hùng hậu, lợi thế áp đảo, nhưng đã 21  ngày, không chiếm được Kiev. Gấu bông dính máu.

Đoàn xe tăng thiết giáp kéo dài 63km nhìn như đồ chơi của trẻ con, chững lại hàng tuần không tiến nổi vào trọng điểm chiến tranh: đầu não của đối phương. Putin cứ nghĩ Zelensky sẽ chạy trốn theo Mỹ khỏi thủ đô. Nhưng ông ta lại trở nên biểu tượng của bất khuất và kiên cường, thà chết chứ không chịu đầu hàng. Putin đánh giá thấp đối phương. Thỏ Zelensky bất ngờ trở thành gấu, gấu Putin lại thảm thương trở thành thỏ.

Nước Đức là chỗ Putin tin tưởng nhất. Có vài cựu thủ tướng Đức từng cọng tác với công ty dầu khí lớn nhất nước Nga khi họ về hưu. Quan hệ Đức-Nga về dầu khí là nỗi lo âu cùng với bực dọc của Mỹ. Nhưng Đức quay ngoắt 180 độ, cắt đứt làm ăn 10 tỷ đô la với Nga khi Putin xua quân tiến chiếm Ukraina. Đức hiểu ra, một ngày nào đó, biết đâu Đức sẽ không trở thành Ukraina? Ngay cả những nước có thái độ chính trị trung lập lâu đời hằng mấy trăm năm như Thụy Sĩ, Thụy Điển, Phần Lan…đều quay lưng, không phải với nước Nga, mà với Putin.

Sức mạnh của quân đội Nga và phản ứng “lấy lệ” của phương Tây không đúng với dự tính của hoàng đế điện Kremlin. Một tép riu nằm trên thớt mà không băm cho nát ra một hai ngày, đó là nỗi sỉ nhục cho đại đế. Những tuyên bố “vũ khí hạt nhân sẵn sàng” sau khi không chiếm được thủ đô Kyiv, không dựng lên một chính phủ bù nhìn thân Nga, không lường trước phản ứng của thế giới chỉ là tuyên bố: một là hù dọa, hai là liều mạng cùi nếu bị bí đường. “Cấm vận tương tự như khiêu khích chiến tranh”, là câu nói tỏ ra, Nga đang thấm đòn cấm vận.

Nền kinh tế gấp 10 lần Nga là Trung Quốc khi bị cấm vận chưa hẳn tránh bế tắc. Nhưng kinh tế Nga dưới sự lãnh đạo “tài tình “ của Putin sẽ chết đứng vì cấm vận. Không ai mua vũ khí, không ai mua lúa mì, không ai mua dầu khí, Nga của Putin sống bằng cái gì? Nhờ Trung Quốc viện trợ vũ khí nhất là drones và vũ khí “trình diễn” trên chiến trường tới nay làm cho thế giới tự hỏi, có thật sự Nga là “cường quốc quân sự” đúng nghĩa hay chỉ còn là huyền thoại? Cường quốc quân sự là dựa vào kho đạn hạt nhân "ăn mày quá khứ" của Liên Xô  cũ? Hay chỉ có "vũ khí siêu việt" qua tuyên truyền để chào bán cho các nước ham vũ khí rẻ tiền dễ dàng phết phẩy?

Hai triệu rưỡi dân chúng Ukraina chạy qua biên giới các nước đi lánh nạn. Họ quay lưng với  “quân giải phóng” của Putin. Các chí nguyện quân các nước tham gia chiến trận thể theo lời kêu gọi của đất nước bị Nga xâm lược. Những công dân yêu nước Ukraina sống yên bình ở các nước tiến bộ đang hối hả trở về quê hương cầm súng chiến đấu. Hàng ngàn tổ chức cứu trợ quốc tế hình thành tự nguyện chuyển về Ukraina những túi hàng nhu yếu phẩm và thuốc men. Nhiều nước mở cửa biên giới sẵn sàng đón nhận hàng triệu người tìm nơi trú ẩn an toàn. Hễ ai có căn cước Ukraina đều được đón nhận.

Những người Nga yêu chuộng hòa bình vẫn được chào đón ở nước giáp ranh Nga khi họ vội vã chạy ra khỏi nước, khi có tin đồn Putin sẽ tuyên bố tình trạng thiết quân lực nhằm đối phó sự nổi dậy của nhân dân chống chiến tranh do Putin phát động.

MẤY SUY NGHĨ VỀ HỌP MẶT

(Riêng kính gởi: Anh, chị cựu học sinh TRẦN QUÝ CÁP, HỘI AN,

Niên khóa 1965-1972)

Ngày xưa, cuộc sống cơ cực, người ta thường hay giấu mặt, ít khi chường mặt, nói chi họp mặt. Ngày nay, cuộc sống khá hơn, họp mặt thường xảy ra, có khi “tối mặt” vì: họp mặt đồng hương, họp mặt đồng chí, họp mặt đồng nghiệp, họp mặt đồng môn…

Trong các loại “họp mặt”, họp mặt cựu học sinh có lẽ phổ biến nhất. Ai cũng phải qua thời gian cắp sách đến trường; hầu hết là tiểu học, trung học; một số là đại học hoặc du học sinh. Họp mặt để nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu, thời thanh thiếu niên, thời đi học. Ý nghĩa xiết bao. Có nhiều bạn 60 năm mới gặp lại. Thấy nụ cười của họ ta mới nhớ tên. Gương mặt có thể gìa đi theo năm tháng nhưng nụ cười thì không, trừ khi cười móm mém, hàm răng “chiếc rụng, chiếc lung lay”.

Ý nghĩa họp mặt ban đầu là gặp gỡ để hàn huyên sau nhiều năm xa cách nhau. Về sau, “gặp nhiều cũng ngán” chuyện hàn huyên cạn dần, có khi mất hẳn. Họp mặt là chuyện “chẳng đặng đừng” vì nể nhau hay tránh mang lấy tiếng “chơi không đẹp”.

Họp mặt trở thành một sự kiện, ở đó, có nhiều sự kiện “ăn theo”. Người ta lập quỹ tương tế; quỹ khuyến học; quỹ tham quan du lịch (nếu bạn học có cuộc sống khá giả hơn). Có những cuộc họp mặt, ý nghĩa chính là hàn huyên tâm sự sau thời gian xa cách (thường là một năm). Nhưng có những cuộc họp mặt để một số người có dịp hãnh diện với đồng môn sự thành đạt của mình trong cuộc sống: thể hiện danh vọng và sự giàu có. Đến với bạn bè cùng lớp, cùng trường, họ như là những ngôi sao sáng của sự thành công.

Nhưng ở đời, đâu có phải ai ai cũng thành công. Có bạn gần thất thập cổ lai hy vẫn còn bươn chải mưu sinh. Họp mặt để bạn học thuở xưa cảm thấy gần gũi lại trở thành xa cách. Ý nghĩa ban đầu của họp mặt dần dần phai nhạt. Đây chính là lý do các cuộc họp mặt cựu học sinh gặp cảnh “đầu voi, đuôi chuột” hay tệ hại hơn, “sớm nở tối tàn”.

Không khí họp mặt của những người qua tuổi sáu mươi lẽ ra năm sau đầm ấm hơn năm trước nếu các lần họp mặt không bị chi phối bởi các lý do chẳng ăn nhập đến họp mặt: lập quỹ này quỹ nọ hay sự xuất hiện như các ngôi sao của một số ít người hãnh tiến.

Chưa kể có những dịp tổ chức họp mặt “hoành tráng” như một đại hội. Suốt thời gian họp mặt, cựu học sinh chỉ ngồi nghe “kính thưa” và “kính thưa”. Có trường hợp, người ta còn mời “cựu” học sinh là quan chức đương nhiệm lên diễn đàn phát biểu. Họ say sưa nói như đang chỉ đạo. Các đồng môn ngồi bên dưới nhìn lên vị cựu học sinh danh giá ấy như là niềm hãnh diện cho một ngôi trường mà họ từng học ở đó!

Họp mặt trở thành một diễn đàn…trang trọng không có chỗ cho “mày tao, mi tớ”. Suốt “đại hội", chẳng ai có thời gian tâm sự một câu gì về tình bạn, tình học trò, tình thầy cô.

Sau các phần “kính thưa” là phần ăn nhậu. Tửu nhập ngôn xuất, ai cũng hồ hởi phát ngôn. Ban đầu là mi nói tau nghe; tau nói mi nghe; sau đó phần ai nấy nói, chẳng biết có ai nghe.

Có cuộc họp mặt biến thành “đại nhạc hội”. Có đàn có hát để cuộc gặp gỡ thêm sinh khí. Nhưng đàn địch, hát hò quá nhiều, âm thanh quá mức làm không khí họp mặt trở nên ngột ngạt. Nhiều bạn ra về có cảm giác vừa bước ra khỏi phòng tra tấn chứ không phải phòng họp mặt. Và năm sau, những cựu học sinh này không còn tên trong những người họp mặt.

Không hiếm cuộc họp mặt cựu học sinh gặp phải tình trạng như thế. Những điều tôi nói ở trên giải thích lý do tại sao các cuộc họp mặt thường ít có trường hợp “năm sau học sinh đi dự nhiều hơn năm trước”.

Nhưng cũng có trường hợp họp mặt thành công khi người tổ chức không lặp lại những điều tôi nói ra ở trên và tâm thái những người đến buổi họp mặt có tấm lòng chân thật: hãy nói với nhau những gì mang lại niềm vui và tránh làm cho nhau bị thương tổn vì so sánh thành đạt, sang giàu.

Tôi viết những dòng này gởi đến các bạn tôi, cựu học sinh, đang chuẩn bị bước vào tuổi bảy mươi. Các bạn, cũng như tôi, có trước mắt một số năm không nhiều nữa. Chúng ta đến với nhau với tâm thế của những người bạn học cùng một mái trường. Mỗi năm gặp gỡ một lần không phải là nhiều.

Chúng ta còn có dịp gặp nhau bao nhiêu năm nữa? Họp mặt của chúng ta ở Hội An rất nhiều năm không có những gì đáng tiếc như thường thấy ở trên, đó là điều trân trọng.

Nguyễn Khuyến rất đúng khi nhận định: “Duyên kỳ ngộ là duyên tuổi tác” (*). Tuổi tác chúng ta chất đầy, tại sao chúng ta không “kỳ ngộ”? Ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Sài Gòn và các nơi khác, học sinh Trần Quý Cáp, Hội An, các năm học từ 1965-1972 hãy hát câu của Trịnh Công Sơn “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ?”

UKRAINE LÀ VIỆT NAM CỦA PUTIN

(Lời người dịch: So sánh luôn khập khiễng nhưng so sánh ở bài viết cũng đáng quan tâm dù rằng bản chất chiến tranh VN rất khác bản chất chiến tranh Ukraine: Cuộc chiến ý thức hệ cộng sản và không cộng sản. Nga khác Mỹ. Mỹ không mở rộng lãnh thổ nhưng Nga thì có. Mỹ có nhiều đồng minh nhưng Nga thì cô độc. Mỹ là cường quốc thật sự cả kinh tế lẫn quân sự, Nga thì không, ngoại trừ vũ khí hạt nhân của quá khứ. Mỹ có kẻ chống người không nhưng Nga thì hầu như toàn thế giới lên án. Mỹ theo chế độ dân chủ có cơ hội sửa sai nhưng Nga thì không, chỉ độc tài nên đất nước lãnh đủ. Mỹ có tự do tư tưởng –như tác giả này dám vạch trần sai trái của chính quyền nước Mỹ - nhưng Nga thì không; ai gọi Nga xâm lược là xâm lược sẽ bị tù 15 năm. Tất cả các báo không theo Putin đều bị đóng cửa, Mỹ thì không, nhà báo nào cũng có thể chỉ trích tổng thống mà không ai bị nhốt tù).

“Sự tàn bạo do tổng thống Nga Vladimir Putin gây ra ở Ukraine được xem như một Afghanistan của ông ta. Việt Nam là so sánh đúng hơn. Tại sao?” (Russian President Vladimir Putin’s outrage in Ukraine has been called his Afghanistan. A better analogy is Vietnam. Why?).

Một, Bắc Việt thắng nhờ không thua. Ukraine cũng thế nếu không thua và đang đẩy Nga đến chỗ thất bại vì mất máu. Có lẽ một khác biệt lớn, đó là: Ukraine đang chiếm lợi thế đánh nhau trên bộ.

Hai, lý lẽ “chiến dịch đặc biệt” của Putin còn kém cỏi và thêu dệt nhiều hơn lý do gây chiến của Mỹ ở VN. Putin tố cáo Ukraine là mối đe dọa trực tiếp cho Nga; nào là chính phủ tân phát xít, cầm đầu bởi một tổng thống người Do Thái, đang tấn công người Ukraine nói tiếng Nga vô tội, nào là giết chết công dân Nga, rồi ông ta dựng lên các tin giả để minh họa.

Dựa vào Thuyết domino Đông Nam Á sai quấy, cho rằng một quốc gia rơi vào chủ nghĩa cộng sản vô thần sắt máu thì các quốc gia khác sẽ đổ theo, nên năm 1961, chính quyền Kennedy bắt đầu xây dựng sức mạnh quân sự ở Nam VN. Để trả đũa, Việt Cộng đẩy mạnh tấn công vào lực lượng Mỹ đóng ở đó. Đầu tháng 8 năm 1964, tàu tuần tra gắn ngư lôi của Bắc Việt tiến về khu trục hạm USS Maddox ở vịnh Bắc bộ. Không thấy có báo cáo thiệt hại.

Maddox và tàu USS Turner Joy được lệnh quay lại tuần tra. Cả hai tàu đều tố cáo hải quân Bắc Việt khai hỏa vào họ. Sự thật thì chẳng có cuộc tấn công nào. Nhưng điều đó chẳng thay đổi gì. Người Mỹ đều tin hải quân của họ bị tấn công.

Quốc hội cũng tin như thế. Chỉ hai phiếu chống ở lưỡng viện, quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết Vịnh Bắc bộ ngày 7 tháng tám năm 1964, được tổng thống Lyndon Johnson ký thành luật. Hoa Kỳ sa lầy vào cuộc chiến hàng chục năm trời.

Ba, Nga tiến hành chiến dịch khủng bố bằng bom đạn lên thường dân và giết hại bừa bãi ở Ukraine. Nhớ lại thật đau lòng nhưng Hoa Kỳ đổ xuống Đông Nam Á số bom đạn còn nhiều hơn ở đệ nhị thế chiến. Các mục tiêu được cho là “quân sự”. Ở miền Nam, chiến lược “tìm và diệt” để quét sạch kẻ thù với việc “đếm xác người” thật kinh khủng.

CIA tiến hành chương trình thủ tiêu gọi là chiến dịch Phượng Hoàng. Chừng 50.000 cán bộ VC “nằm vùng” bị sát hại vì các định kiến cực đoan. Chẳng ai biết có bao nhiêu người Việt bị chết trong trong cuộc chiến tranh mở rộng. Con số có khi hàng triệu.

Nếu thông tin hiện đại ngày nay tràn ngập như hồi chiến tranh VN, hình ảnh sẽ không khác những gì đang xảy ra ở Ukraine ngày nay, cũng như trong mọi cuộc chiến. Hồi đó, phim quay bỏ trong các hộp nhôm gởi về Mỹ để biên tập và phát hình rất nhiều tiếng đồng hồ sau đó. Chiến tranh mọi cấp độ đều là sự gom lại hàng triệu nỗi kinh hoàng, sự bi thương, các hành động anh hùng, và sự tuyệt vọng, của mỗi cá nhân được ghi bằng hình ảnh.

Bốn, dân chúng Nga vẫn còn trung thành với tổng thống và chính phủ của mình trong khi chứng cớ các cuộc tàn sát do quân đội Nga gây ra tràn lan là điều không còn chối cãi. Câu trả lời thật đơn giản. Quần chúng cậy dựa vào lãnh đạo và tập họp cùng nhau khi đất nước trong cơn khủng hoảng.

Hãy coi lại quốc hội và quần chúng Mỹ tin tưởng bao lâu “ánh sáng ở cuối đường hầm” kéo dài (trong chiến tranh) ở Việt Nam. Hoặc giả, bao lâu quần chúng Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ cuộc chiến hai thập kỷ ở Afghanistan một khi rõ ràng là không thể thắng nổi. Và có bao nhiêu người Mỹ thách thức xác quyết “mười mươi” (“slam dunk”) của chính phủ George W. Bush rằng I rắc có vũ khí hủy diệt hàng loạt năm 2003?

Năm, có độc giả thấy liên hệ chiến tranh của Putin với VN đáng ghét vì có so sánh với Hoa Kỳ. Nhưng rất rõ sự giống nhau: Nước nào khơi mào chiến tranh nước đó đều thua.  Câu đó nên được khắc lên trần nhà tòa Bạch Ốc và văn phòng điện Kremlin để hai tổng thống có thể nhìn lên mỗi ngày.

Cuối cùng, khi VN từng làm uy quyền và danh tiếng Mỹ giảm sút thời gian dài thì Ukraine sẽ làm điều này khủng khiếp hơn đối với Putin và Nga. Điều này sẽ tạo ra bất ổn lớn và sự hỗn loạn vô cùng cho một siêu cường hạt nhân. Hoa Kỳ và phương Tây cần những bước đi cẩn thận trong cách ứng xử với Nga khi cuộc chiến chấm dứt. Ký ức sau đệ nhất thế chiến với nước Đức không thể bị bỏ qua.

Về ngắn hạn, NATO sẽ tiếp tục gắn bó. Chi phí quốc phòng tất thảy sẽ lên cao. Trước bối cảnh đó, Hoa Kỳ cần phải hết sức tránh sai lầm chết người trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 2003: không hỏi và trả lời “Sau đó sẽ là gì”. Cuộc chiến ở Ukraine có thể đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn khác biệt: không phải chiến tranh lạnh hay chiến tranh nóng mà là chiến tranh tàn tệ.

Hoa Kỳ không giữ lại những gì họ học từ chiến tranh Việt Nam. Nếu thế giới phải an toàn hơn và bảo đảm hơn, nước Nga cần bị buộc không lặp lại thất bại này. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để thực hiện được như thế.

(*) Harlan Ullman là tiến sĩ, cố vấn cấp cao ở Hội đồng Đại Tây Dương, Washington DC.

Nguyễn Long Chiến dịch từ nguồn https://thehill.com/.../598954-ukraine-is-putins-vietnam

NGƯỜI THAY ĐỔI: Đời thay đổi.

Nhiều bạn bè người miền Nam ngưỡng mộ quê tôi Quảng Nam, xứ sở có bà mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất nước. Tôi là người Quảng Nam, từ lời ăn tiếng nói, đến suy nghĩ việc làm. Nghĩ sao nói vậy.

Thật anh dũng ở một vùng quê chỉ một quận lỵ VNCH, quân đội nhân dân VN hy sinh non một ngàn người để đánh chiếm sau 11 ngày giao tranh. Số thương vong của “quân nguỵ” chưa ai thống kê nhưng chắc chắn không thể ít. Và số thường dân bỏ mạng trong khi hai bên giao tranh cũng chẳng ai nắm được. Chiến tranh luôn tàn khốc.

Các địa phương khác trên đất nước này có nơi nào khốc liệt trong chiến tranh như ở quê tôi không? Viết những dòng chữ này, tôi không muốn gợi lại quá khứ đau thương. Tôi muốn viết vài dòng để lòng mình vơi đi: quê hương tôi đang mỗi ngày thay đổi.

Không phải nhiều đường sá bê tông, nhiều trường học, nhiều khu vui chơi, nhiều cầu xây mới, nhiều chợ có các gian hàng kiên cố, khang trang, hay nhiều nhà đúc, nhà tầng, nhiều điểm tham quan du lịch sinh thái, nhiều chùa chiền, hay mỗi giờ tan học, xe máy của cách em học sinh cấp 3 chạy ngập đường; hoặc là cán bộ cấp xã, và những chủ nhà buôn, mỗi sáng tập thể dục , hay vào sân đánh quần vợt, vũ cầu. Nông dân không còn nai lưng gánh lúa. Họ chẳng phải bán mặt cho đất, phơi lưng cho trời. Làm ruộng không còn khổ cực, nhọc nhằn. Nam thanh nữ tú đi làm ở các khu công nghiệp nơi thị trấn, sáng xe buýt đón, chiều xe buýt đưa họ về nhà. Số thanh niên nam nữ khác thì vào tận Sài Gòn để làm ăn, sinh sống, có người chọn ở hẳn nơi phồn hoa đô thị.

Không phải chỉ có thế: sự thay đổi cuộc sống vật chất và tinh thần. Sự thay đổi “suy nghĩ”  của giới chức chính quyền về cuộc sống, đó là điều tôi muốn nói tới. Có lẽ hơi dài dòng.

Sau cách mạng tháng 8, làng tôi xảy ra thảm cảnh; một người anh và một người em rể bị VM bắt đi mất dạng và họ không bao giờ trở về nhà với gia đình. Người anh gây nhiều oan trái cho dân làng vì cậy vào gia đình địa chủ, có người là lý trưởng (xã trưởng). Người dân rất hài lòng khi tay ‘cường hào ác bá’ bị “trừng trị” nhưng nhiều người bùi ngùi vì người em là “thầy giảng”, một ‘tu xuất , nghĩa là chưa thành ‘cha’ (linh mục) đã ra đời cưới vợ. Thầy Năm (có lẽ tu được 5 năm) tên Cảnh là người Bình Định, rất am tường “thuốc tây”. Ông từng theo dân quân tham dự các trận đánh Pháp ở đèo Hải Vân với tư cách một y tá chiến trường. Thành tích đánh Tây không giúp ông tránh khỏi cái chết vì… bị nghi ngờ: theo đạo công giáo, nghĩa là theo Tây, lại là rể của một gia đình địa chủ.

Thực dân Pháp có một thời bị coi có liên đới với các giáo sĩ đạo Công giáo. Pháp thực dân và các giáo sĩ truyền giáo là một. Nhiều người không hiểu, các giáo sĩ Tây Ban Nha ( Spain) Bồ Đào Nha (Portugal) thậm chí Ý Đại Lợi lại là những nhà truyền giáo đến Việt Nam trước người Pháp.

Sau thời Việt Minh, người hành đạo công giáo ở quê tôi cũng là nạn nhân của một sự hiểu lầm. Ở vùng quê sáng nay tôi đi đưa tang một người thân theo công giáo vừa quá cố, quan tài chở từ Đồng Nai về nguyên quán để gửi gắm nắm xương nơi quê cha đất tổ.  Nơi tôi dự lễ an táng trước đây là một địa danh thảm nạn. Vị cha sở nhiều người yêu mến tên Ngợi bị “cách mạng” bắn chết trong đêm tối trời lúc vừa bước ra khỏi nhà thờ chừng non 200 mét vì có người gọi đi xức dầu thánh ‘ cho kẻ liệt, tức giáo dân hấp hối. Năm 1962, cái chết của ông là một chấn động ở một vùng quê tưởng yên bình. Nhiều giáo dân yêu mến ông ở tuổi đăng lính đồng lòng nhập ngũ về phía VNCH. Xác ông được trực thăng Mỹ chở về quê quán. Hồi ấy tôi còn bé nhưng vẫn nhận thấy người dân khóc lóc thảm thiết khi đứng chật gần sân bay để tiễn đưa vị chủ chăn ‘miệng lúc nào cũng bõm bẽm miếng trầu “, không chỗ khó khăn nào của giáo dân vùng quận lỵ chúng tôi ở mà không có bóng dáng ông. Những người chưa theo đạo cũng được ông thăm hỏi.

Sau 1975, quê tôi cũng còn nghi kỵ những vị linh mục công giáo. Cha giáo xứ duy nhất còn lại sau 3 giáo xứ khác không còn hoạt động ở vùng quê của tôi không tránh khỏi hiềm nghi. Giáo dân bỏ đạo rất nhiều không phải vì bị cấm đạo mà vì ít nhà thờ và vì đời sống quá khó khăn sau chiến tranh: cái ăn hằng ngày quan trọng hơn đức tin tôn giáo, hạt lúa quý hơn hạt ‘Mân côi.

Ông bị kết án tù vì vi phạm hoạt động tôn giáo: hành lễ nơi không phải là nhà thờ. Khi bị bắt, ông cực lực phản đối nhà chức trách. Lời lẽ chỉ trích chính quyền dẫn đến án tù cho ông. Ra tù, ý nguyện trở lại giáo xứ cũ không được chấp nhận. Ông chết với nỗi buồn trong sự cưu mang của đức cha giáo phận.

Điều tôi muốn nói, cái địa phương cách đây hơn 40 năm, một vị linh mục bị án vì phạm luật “hành lễ ngoài nhà thờ và chống đối nhà nước “ lại có một nghi lễ đưa tiễn người quá cố, vị linh mục tự do hành lễ không phải trong nhà thờ đạo mà lại trong nhà thờ tộc. Người có đạo, người không đạo (trong gia tộc người mất) đều tham dự nghi lễ của một tôn giáo, trước đây trong chiến tranh, tôn giáo này còn gây nhiều nỗi hoài nghi.

Ảnh: Vị linh mục làm nghi lễ cho người chết trong nhà thờ tộc, điều mà trước đây khó có thể xảy ra.

Mọi thay đổi đều không đáng kể nếu thay đổi ấy thuộc về vật chất. Tôi rất ngạc nhiên quê mình, tôn giáo tôi theo được chính quyền tạo điều kiện hoạt động tự do;  nghi thức tôn giáo dành cho người quá cố không phải thực hiện ở nhà thờ, trước đây có vị linh mục đã đổ máu vì tự do theo đuổi niềm tin. Mọi tôn giáo ở VN đều đồng hành cùng dân tộc. Trước là Nho, Phật, Lão . Sau hàng chục thế kỷ là kitô giáo và Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo. Chỉ có chủ nghĩa cộng sản ngoại lai mới có thể chia rẽ dân tộc và tôn giáo. Không thế lực nào làm nổi điều đó. Có thể nói, tôn giáo ảnh hưởng văn hoá và văn hoá phát triển đa phần nhờ tôn giáo.

Sunday, January 7, 2024

MỘT LÀNG QUÊ

Làng là tên gọi có lẽ xuất hiện rất lâu trong xã hội Việt Nam, không biết tự bao giờ. Ở một số địa phương, người ta vẫn còn gọi nơi họ sinh ra mình là ‘làng’. Làng Hà Dục Đông, chẳng hạn. Đây là một ngôi làng trong hàng chục ngôi làng ở quê tôi Thường Đức (Quảng Nam). Quê có thể là nơi ‘chôn nhau cắt rốn’ nhưng cũng có thể là một vùng, từ còn bé cho đến lúc trưởng thành, người ta ‘sinh sống’ và ‘đi lại’ rồi coi đó như là ‘quê’ của mình.

Ngày nay, ngôi làng tên Hà Dục Đông – một anh em song sinh với Hà Dục Tây, ‘có họ hàng’ với mấy làng bắt đầu bằng chữ “Hà”, ví dụ: Hà Thanh, Hà Nha, Hà Tân…

Ảnh tác giả: Cổng làng.

Theo tôi thấy, Hà Dục (Đông và Tây) không hẳn là vùng chuyên canh cây lúa. Dưa hấu, thuốc lá, bắp, đậu phộng, đậu xanh, đậu đen…là ‘đặc sản’ của các làng này. Quí vị nhìn hình sẽ thấy cánh đồng ‘màu’ rộng mênh mông những rãnh cày như ta thấy trong tác phẩm “Gone With The Wind” (Cuốn Theo Chiều Gió) của Mỹ. Những thửa đất màu ‘vòng 1’ (đất cấp không thời hạn) của những hộ trong làng không có ‘ranh giới’. Ranh giới chỉ là những que tre ‘cắm’ trên đất vẫn không hề bị ‘lấn chiếm’ bởi người canh tác bên cạnh. Tinh thần ‘hợp tác’ tự nguyện khác xa với ‘hợp tác xã’ ngày xưa – làm nhiều nhưng ăn ít.

Làng Hà Dục (Đông và Tây) có một con sông lớn chảy qua. Nước lụt (chứ không phải lũ) đem lại màu mỡ và sự trù phú cho cánh đồng phù sa bát ngát. Khi đi qua, tôi thấy những chú chim to như nhồng, sáo, cổ cao hơn, đang kiếm mồi trên những luống cày, đồng loạt ngẩng đầu lên, người dân gọi là chim “mỏ nhát”. Đứng đằng xa, tôi nhìn chúng giống như những con ‘chàng nghịch’ – một loại vịt nước hoang dã – người ta hay bán trên đường đi từ vùng sông nước Bình Dương qua Củ Chi. Đồng loạt ngừng tìm mồi và dỏng cao cổ, chiếc mỏ dài của con chim ‘nhát cáy’, chúng có tên là chim “mỏ nhát”?