Ấy là tôi nhắc đến những vị thầy dạy tôi trước 1975. Nếu trí nhớ còn tốt, tôi không hề nghe có ngày nào tuyên dương những người dạy học. Cần mẫn như con ong, cái kiến, họ miệt mài với nghề “gõ đầu trẻ” cả cuộc đời mà chẳng có ngày nào xã hội ca ngợi họ, chẳng hạn “Ngày Nhà Giáo Việt Nam”. Cũng chẳng có bài thơ hay bài ca, đại loại “khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi. Có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy". Nhưng học sinh vẫn quý trọng họ - cả cuộc đời mình – những vị thầy, cô từng dạy từ lớp “vỡ lòng”, tiểu học, đến trung học, và cả đại học. Không có một cánh hoa hay bó hoa nào “dâng lên” họ để ca ngợi “người thầy – kỹ sư tâm hồn”.
Mức sống của các vị thầy cô thời VNCH như thế nào? Bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của một cư dân thành thị kể cả công chức nhà nước. Có sự khác biệt trong “đãi ngộ” (tôi ghét nhất hai từ này) thầy cô, các vị “giáo làng” dạy các lớp “vỡ lòng” sống bằng đóng góp của phụ huynh, khi là vài chục ký thóc – trả theo mùa gặt chứ không phải “mùa dạy” (học kỳ), khi là vài đồng bạc (thời ông Ngô Đình Diệm) hay vài chục đồng mỗi tháng (về sau này). Lương giáo viên tiểu học, trung học đệ nhất cấp (cấp 2), đệ nhị cấp (cấp 3) tính theo công chức, tức có ngạch trật hẳn hoi. Vì sắp làm “giáo sư trung học đệ nhị cấp” (lớp 10 đến lớp 12), tôi biết chắc “chỉ số lương” (quy định của chính phủ) là 470. Trong khi chỉ số lương của kỹ sư (Phú Thọ - Bách Khoa) là 450 cùng chỉ số với phó quận trưởng. Chúng tôi được xếp là công chức hạng A sau bốn năm học đại học sư phạm. Chỉ cần 4 hoặc 5 tháng, một “giáo sư” có thể “sắm” một chiếc Honda 67 cáu cạnh (chừng 6 lượng vàng Kim Thành). Vợ của các giáo sư thường ở nhà “cơm nước” cho chồng và được gọi là nghề “nội trợ”. Ở thành phố nhỏ như Hội An, gia đình nào có con gái gã cho một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học sư phạm, gia đình đó được xem “danh giá” lắm.
Thầy cô dạy tiểu học hay trung học không băn khoăn gì về đời sống vật chất. Dạy là nhiệm vụ thiêng liêng của họ. Không cần ai ca ngợi nghề của họ thiêng liêng nữa.
Ở trường, một người thầy “tiêu biểu” sẽ làm gì? Dạy, dạy, và dạy. Họ không phải nằm trong bất cứ tổ chức nào. Thầy giáo hầu hết không “hoạt động” chính trị vì nhà trường không phải là mái trường “xã hội chủ nghĩa”, phải có đội, có đoàn, có đảng. Không vị thầy nào nói chính trị. Không phải vì họ sợ “phạm chính trị”. Chính trị không giảng dạy trong lớp học.
Huynh trưởng của tôi, nhà giáo Nguyễn Anh Khiêm (tác giả cuốn Ký Ức Sơ Sài) là một ví dụ cho “hậu quả” khi nói đến “chính trị” trong học sinh. Xuất thân từ “gia đình cách mạng”, có bố là chủ tịch một huyện thời Việt Minh bị chết trong nhà tù VNCH, thầy – cũng như đa số sinh viên trước 1975 ở miền Nam – rất ghét chiến tranh. Thầy phân tích một bài thơ có “tính cách mạng” nhưng rất hay của một thi sĩ nổi tiếng đang sống ở miền Bắc. Thế là câu chuyện đến tai chính quyền, có lẽ qua một phụ huynh “chống cộng” nào đó. Mất chức khi “phạm chính trị”? Không. Thầy bị “trả” về bộ (giáo dục). Vị phụ trách phân công giáo sư toàn miền Nam than thở với Nguyễn Anh Khiêm “thầy ‘dính’ tới chính quyền làm gì”. Và một nhiệm sở khác (trường phổ thông của một tỉnh sát Sài Gòn) đón chờ thầy.
Tôi nói chuyện này để thưa với các vị trưởng thành dưới chế độ XHCN thấy rằng, việc chấm dứt giảng dạy đối với một thầy giáo không bao giờ xảy ra vì…chính trị, trừ phi vị thầy nào hoạt động “nằm vùng”, hồi đó tâm lý chiến (như tuyên giáo ngày nay) gọi là “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”.
Quan chức chính quyền có quyền uy với ngành giáo dục không? Tôi không rõ ở cấp bộ, nhưng cấp ty, tôi rất rõ. Bạn học tôi tên Nguyễn Đại Hùng, con trai của trung tá trưởng ty cảnh sát quốc gia tỉnh Quảng Nam, Nguyễn Đại Toàn. Vì hoàn cảnh thuyên chuyển công tác của bố, hay học không tốt, nó cũng như tôi, học tiểu học rất kém, không đậu vào đệ thất (lớp 6) trường công lập Trần Quý Cáp, Hội An. Nếu là ngày nay, nó sẽ vào trường công cấp kỳ bất kỳ lúc nào, chỉ cần một cú phone tới hiệu trưởng. Trường tư thục là nơi bố nó phải chấp nhận theo lẽ công bình. “Con ông cháu cha” không có chỗ đứng ở đây.
Thầy cô không dạy chính trị vì chương trình học không có “định hướng” chính trị. Không có một dòng nào, một bài học nào, một chương nào trong sách giáo khoa đại để, “Có 50 thằng Mỹ trong đồn. Du kích ta diệt 30 tên, hỏi đồn còn mấy tên?”.
Thầy giáo có bị hiệu trưởng “trù dập” không? Không hề. Hiệu trưởng không có quyền kể cả phê bình, kiểm điểm giáo viên. Hiệu trưởng chỉ theo dõi tiến trình giảng dạy của thầy cô. Họ hoàn toàn không phải bận tâm “nhắc nhở” bất kỳ một giáo viên nào bởi lòng tự trọng của một thầy giáo rất cao. Họ được đào tạo bài bản. Chỉ những học sinh xuất sắc mới có thể thi vào ngành sư phạm. Tôi chưa hề nghe câu cửa miệng “Nhất y, nhì dược, bách khoa tạm được, sư phạm bỏ đi” hay là “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.
Quan hệ thầy với trò thế nào: kính trọng. Thầy có “nhậu” với học trò nam không? Không bao giờ. Mời cà phê hay nước ngọt, thầy chưa chắc nhận lời trò, đối với học sinh trung học. Ngày nay, tôi từng chứng kiến thầy trò 100/100 “zô zô” khí thế. Mặt họ đỏ au, nghiêng ngã đi ra từ một quán nhậu, như Quan Công mất ngựa dẫn lính mất gươm.
Đã không có ngày tuyên dương họ, ông thầy VNCH của chúng tôi lại gặp cảnh “khóc hổ ngươi, cười ra nước mắt”. Sau năm 1975, những vị thầy đáng kính trở thành kẻ hàm ân chế độ mới – họ được “lưu dung”. Tội nghiệp. Họ có làm gì đâu mà cần tới lòng bao dung? Ôi, lưu dung.
Ở thành phố nhỏ Hội An, nhiều thầy của chúng tôi bị một ít đồng nghiệp “cách mạng 30” (tức 30/4, theo hùa giới chức giáo dục mới từ trong rừng ra) lên mặt “giáo dục” đồng nghiệp. Đúng là một bức tranh “vân cẩu“. Các giới chức từ miền Bắc vào có người giữ thái độ đúng mực, cảm thông “số phận” của người thầy “lưu dung”, trong lòng họ nể phục những người thầy miền Nam qua tư cách và lòng tự trọng của họ. Nhưng được mấy người. Từ chỗ là công chức hạng A các vị thầy của tôi nhận lấy 13 ký gạo, về sau có cả sắn và bo bo. Họ chịu được kham khổ của cái ăn, cái mặc nhưng họ rất đau lòng khi bị xếp vào hạng giáo chức “lưu dung”.
Ngày nay, “đồng nghiệp” của họ được tuyên dương cao quý mấy ngày trong năm? Hay chỉ là 20 tháng 11 hoành tráng, có các quan chức địa phương đến dự, trong những buổi lễ long trọng; cả buổi, thính giả chỉ nghe “kính thưa, kính thưa” dẻo cả loa phát thanh. Ác nỗi, kính thưa ấy dành cho…ai?. Các vị thầy cô ngồi trong đám đông cảm thấy hãnh diện trường ta có quan chức đến dự, thật long trọng. Thầy cô có cảm giác lâng lâng sung sướng. “Có bao giờ được như hôm nay”.
Tôi kết thúc bài viết này với câu hỏi: người thầy của học sinh thế hệ chúng tôi và người thầy của học sinh thế hệ sau 1975, người thầy nào mới thực sự được tuyên dương?