Wednesday, January 3, 2024

ÔNG THẦY TỘI NGHIỆP

Ấy là tôi nhắc đến những vị thầy dạy tôi trước 1975. Nếu trí nhớ còn tốt, tôi không hề nghe có ngày nào tuyên dương những người dạy học. Cần mẫn như con ong, cái kiến, họ miệt mài với nghề “gõ đầu trẻ” cả cuộc đời mà chẳng có ngày nào xã hội ca ngợi họ, chẳng hạn “Ngày Nhà Giáo Việt Nam”. Cũng chẳng có bài thơ hay bài ca, đại loại “khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi. Có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy". Nhưng học sinh vẫn quý trọng họ - cả cuộc đời mình – những vị thầy, cô từng dạy từ lớp “vỡ lòng”, tiểu học, đến trung học, và cả đại học. Không có một cánh hoa hay bó hoa nào “dâng lên” họ để ca ngợi “người thầy – kỹ sư tâm hồn”.

Mức sống của các vị thầy cô  thời VNCH như thế nào? Bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của một cư dân thành thị kể cả công chức nhà nước. Có sự khác biệt trong “đãi ngộ” (tôi ghét nhất hai từ này) thầy cô, các vị “giáo làng” dạy các lớp “vỡ lòng” sống bằng đóng góp của phụ huynh, khi là vài chục ký thóc – trả theo mùa gặt chứ không phải “mùa dạy” (học kỳ), khi là vài đồng bạc (thời ông Ngô Đình Diệm) hay vài chục đồng mỗi tháng (về sau này). Lương giáo viên tiểu học, trung học đệ nhất cấp (cấp 2), đệ nhị cấp (cấp 3) tính theo công chức, tức có ngạch trật hẳn hoi. Vì sắp làm “giáo sư trung học đệ nhị cấp” (lớp 10 đến lớp 12), tôi biết chắc “chỉ số lương” (quy định của chính phủ) là 470. Trong khi chỉ số lương của kỹ sư (Phú Thọ - Bách Khoa) là 450 cùng chỉ số với phó quận trưởng. Chúng tôi được xếp là công chức hạng A sau bốn năm học đại học sư phạm. Chỉ cần 4 hoặc 5 tháng, một “giáo sư” có thể “sắm” một chiếc Honda 67 cáu cạnh (chừng 6 lượng vàng Kim Thành). Vợ của các giáo sư thường ở nhà “cơm nước” cho chồng và được gọi là nghề “nội trợ”. Ở thành phố nhỏ như Hội An, gia đình nào có con gái gã cho một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học sư phạm, gia đình đó được xem “danh giá” lắm.

Thầy cô dạy tiểu học hay trung học không băn khoăn gì về đời sống vật chất. Dạy là nhiệm vụ thiêng liêng của họ. Không cần ai ca ngợi nghề của họ thiêng liêng nữa.

Ở trường, một người thầy “tiêu biểu” sẽ làm gì? Dạy, dạy, và dạy. Họ không phải nằm trong bất cứ tổ chức nào. Thầy giáo hầu hết không “hoạt động” chính trị vì nhà trường không phải là mái trường “xã hội chủ nghĩa”, phải có đội, có đoàn, có đảng. Không vị thầy nào nói chính trị. Không phải vì họ sợ “phạm chính trị”. Chính trị không giảng dạy trong lớp học.

Huynh trưởng của tôi, nhà giáo Nguyễn Anh Khiêm (tác giả cuốn Ký Ức Sơ Sài) là một ví dụ cho “hậu quả” khi nói đến “chính trị” trong học sinh. Xuất thân từ “gia đình cách mạng”, có bố là chủ tịch một huyện thời Việt Minh bị chết trong nhà tù VNCH, thầy – cũng như đa số sinh viên trước 1975 ở miền Nam – rất ghét chiến tranh. Thầy phân tích một bài thơ có “tính cách mạng” nhưng rất hay của một thi sĩ nổi tiếng đang sống ở miền Bắc. Thế là câu chuyện đến tai chính quyền, có lẽ qua một phụ huynh “chống cộng” nào đó. Mất chức khi “phạm chính trị”? Không. Thầy bị “trả” về bộ (giáo dục). Vị phụ trách phân công giáo sư toàn miền Nam than thở với Nguyễn Anh Khiêm “thầy ‘dính’ tới chính quyền làm gì”. Và một nhiệm sở khác (trường phổ thông của một tỉnh sát Sài Gòn) đón chờ thầy.

Tôi nói chuyện này để thưa với các vị trưởng thành dưới chế độ XHCN thấy rằng, việc chấm dứt giảng dạy đối với một thầy giáo không bao giờ xảy ra vì…chính trị, trừ phi vị thầy nào hoạt động “nằm vùng”, hồi đó tâm lý chiến (như tuyên giáo ngày nay) gọi là “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”.

Quan chức chính quyền có quyền uy với ngành giáo dục không? Tôi không rõ ở cấp bộ, nhưng cấp ty, tôi rất rõ. Bạn học tôi tên Nguyễn Đại Hùng, con trai của trung tá trưởng ty cảnh sát quốc gia tỉnh Quảng Nam, Nguyễn Đại Toàn. Vì hoàn cảnh thuyên chuyển công tác của bố, hay học không tốt, nó cũng như tôi, học tiểu học rất kém, không đậu vào đệ thất (lớp 6) trường công lập Trần Quý Cáp, Hội An. Nếu là ngày nay, nó sẽ vào trường công cấp kỳ bất kỳ lúc nào, chỉ cần một cú phone tới hiệu trưởng. Trường tư thục là nơi bố nó phải chấp nhận theo lẽ công bình. “Con ông cháu cha” không có chỗ đứng ở đây.

Thầy cô không dạy chính trị vì chương trình học không có “định hướng” chính trị. Không có một dòng nào, một bài học nào, một chương nào trong sách giáo khoa đại để, “Có 50 thằng Mỹ trong đồn. Du kích ta diệt 30 tên, hỏi đồn còn mấy tên?”.

Thầy giáo có bị hiệu trưởng “trù dập” không? Không hề. Hiệu trưởng không có quyền kể cả phê bình, kiểm điểm giáo viên. Hiệu trưởng chỉ theo dõi tiến trình giảng dạy của thầy cô. Họ hoàn toàn không phải bận tâm “nhắc nhở” bất kỳ một giáo viên nào bởi lòng tự trọng của một thầy giáo rất cao. Họ được đào tạo bài bản. Chỉ những học sinh xuất sắc mới có thể thi vào ngành sư phạm. Tôi chưa hề nghe câu cửa miệng “Nhất y, nhì dược, bách khoa tạm được, sư phạm bỏ đi” hay là “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.

Quan hệ thầy với trò thế nào: kính trọng. Thầy có “nhậu” với học trò nam không? Không bao giờ. Mời cà phê hay nước ngọt, thầy chưa chắc nhận lời trò, đối với học sinh trung học. Ngày nay, tôi từng chứng kiến thầy trò 100/100 “zô zô” khí thế. Mặt họ đỏ au, nghiêng ngã đi ra từ một quán nhậu, như Quan Công mất ngựa dẫn lính mất gươm.

Đã không có ngày tuyên dương họ, ông thầy VNCH của chúng tôi lại gặp cảnh “khóc hổ ngươi, cười ra nước mắt”. Sau năm 1975, những vị thầy đáng kính trở thành kẻ hàm ân chế độ mới – họ được “lưu dung”. Tội nghiệp. Họ có làm gì đâu mà cần tới lòng bao dung? Ôi, lưu dung.

Ở thành phố nhỏ Hội An, nhiều thầy của chúng tôi bị một ít đồng nghiệp “cách mạng 30” (tức 30/4, theo hùa giới chức giáo dục mới từ trong rừng ra) lên mặt “giáo dục” đồng nghiệp. Đúng là một bức tranh “vân cẩu“. Các giới chức từ miền Bắc vào có người giữ thái độ đúng mực, cảm thông “số phận” của người thầy “lưu dung”, trong lòng họ nể phục những người thầy miền Nam qua tư cách và lòng tự trọng của họ. Nhưng được mấy người. Từ chỗ là công chức hạng A các vị thầy của tôi nhận lấy 13 ký gạo, về sau có cả sắn và bo bo. Họ chịu được kham khổ của cái ăn, cái mặc nhưng họ rất đau lòng khi bị xếp vào hạng giáo chức “lưu dung”.

Ngày nay, “đồng nghiệp” của họ được tuyên dương cao quý mấy ngày trong năm? Hay chỉ là 20 tháng 11 hoành tráng, có các quan chức địa phương đến dự, trong những buổi lễ long trọng; cả buổi, thính giả chỉ nghe “kính thưa, kính thưa” dẻo cả loa phát thanh. Ác nỗi, kính thưa ấy dành cho…ai?. Các vị thầy cô ngồi trong đám đông cảm thấy hãnh diện trường ta có quan chức đến dự, thật long trọng. Thầy cô có cảm giác lâng lâng sung sướng. “Có bao giờ được như hôm nay”.

Tôi kết thúc bài viết này với câu hỏi: người thầy của học sinh thế hệ chúng tôi và người thầy của học sinh thế hệ sau 1975, người thầy nào mới thực sự được tuyên dương?

NGÔ HAY BẮP?

Lợn khác heo thế nào? Lợn thì ăn ngô còn heo ăn bắp. Vì vậy mới có "chỉ đạo" sửa ‘tinh bột bắp’ thành ‘tinh bột ngô’ gây sóng cười dư luận.

Vì sao như vậy? Ngô và bắp là tên gọi cùng một nông phẩm; người Bắc gọi ngô, người Nam gọi bắp. Phật giáo VN thống nhất cũng đang ‘đánh’ với Phật giáo VN thống nhứt. Tân Sơn Nhứt trở thành Tân Sơn Nhất cũng là câu chuyện. ‘Vòng xuyến’ dùng để chỉ ‘bùng binh’ (vòng xoay) cũng là "nỗi ấm ức" của những người Sài Gòn (không phải người thành phố Hồ Chí Minh đâu nghe).

Tiếng Bắc, tiếng Nam (gọi nôm na như vậy) cũng đều là tiếng Việt. Nhưng cách nói – và cách đặt địa danh - gây chia rẽ, vì sao? Nói tự đáy lòng, hầu hết người VN sống bên này vĩ tuyến 17 đều không thích được “giải phóng” bằng chiến tranh. Do đó, họ không thích bên "thắng cuộc" (chữ dùng của Huy Đức) hành xử như người chiến thắng "muốn nói gì, làm gì" cũng được. Đang ăn cơm chuyển qua ăn sắn. Đang ở phố chuyển về nông thôn. Đang tự do mua bán thì chuyển qua tem phiếu. Đang no chuyển thành đói. Đang học hành có học sinh phải nghỉ vì lý lịch của cha mẹ (trong khi học là quyền của mọi người dân).

Từ thực tế lịch sử ấy hiển hiện sự “bất mãn” trong văn hóa. Sài Gòn có tên hằng mấy trăm năm tại sao lại đổi thành thành phố Hồ Chí Minh? Để tri ân một lãnh tụ ư? Như vậy, nước Việt Nam nên đổi tên thành nước Ngô Quyền. Chính Ngô Quyền là người có công tái khai sinh ra đất nước “một ngàn năm nô lệ”. Hình thành dải đất này đâu có bắt đầu từ năm 1945. Việt Nam có từ mấy ngàn năm nay kia mà.

Thế thì ‘bắp’, ‘nhứt’, ‘chánh’…(chứ không phải ngô, nhất, chính) là "văn hóa" của người miền Nam. Vậy là Tân Sơn Nhứt thì phải giữ nguyên Tân Sơn Nhứt. Sửa lại một địa danh cho kêu hơn, cho đúng hơn, nhứt phải thành nhất? Vậy, tại sao quý ngài không sửa lại cái tên Nhổn đi? (trung tâm huấn luyện quốc gia Nhổn). Tiện thể sửa luôn tên “Bố Cái đại vương”. Tên quê tôi là Thường Đức cũng bị sửa thành Thượng Đức bởi tại đây có tới hai tượng đài chiến thắng.

Tên gọi theo tôi nên giữ đúng theo văn hóa địa phương trừ trường hợp tên ấy nhiều người không hiểu. Tiếng nói cũng vậy. Đố có ai nghe người Sài Gòn gọi ‘vòng xuyến’ thay ‘bùng binh’ hay ‘vòng xoay’ dù rành rành cái tên "vòng xuyến A, B, C" ?

Người Nam thật ra là người Bắc di cư vào qua nhiều giai đoạn lịch sử. ("Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long"). Tiếng Bắc cũng là tiếng Nam nếu người hai miền hiểu nhau. Hoàn cảnh lịch sử Nam Bắc cắt chia (từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh) khiến cho sự hòa giải dân tộc không thể một sớm một chiều mà hiển hiện . Cần cả hằng thế kỷ nữa để người ta không xem thường ‘bắp’ mà quý trọng ‘ngô’.

Cả người hai miền cần "tiếng nói chung", thì tiếng nói đó bắt đầu từ đâu? Từ ngôn ngữ. Đậu phộng (đậu phụng) tức là lạc. Lợn tức là heo. Không thể buộc heo phải ăn ngô, lợn phải ăn bắp. Cạc-vi -zit hay danh thiếp chứ không phải "thẻ thăm viếng xã giao" (trong bài báo của VN Express).

Khi buộc phải gọi tinh bột bắp là tinh bột ngô, người ta vô tình (hay cố ý) buộc người Nam phải nói tiếng của người Bắc. Tôn trọng bản sắc vùng miền (trong đó có ngôn ngữ) là tôn trọng nhau. ‘Nhất’ từ đây sẽ không uýnh lộn với ‘nhứt’ nữa. Việt Nam sẽ thật sự là một: Nam Bắc một nhà.

ĂN (TẾT), NÊN BỎ.

Tôi không rõ, ngôn ngữ nước nào diễn tả sự kiện trọng đại trong một đời người bắt đầu từ chữ ăn. Việt Nam tôi rất rõ ràng, ăn là trên hết. Dân dĩ thực vi tiên (hay vi thiên?). Ăn cưới, ăn giỗ, ăn thôi nôi, ăn đầy tháng, ăn mừng chiến thắng. Đất nước tôi giàu ngôn từ. Chỉ mang màu đen thôi, con mèo sẽ là mèo mun; con chó sẽ là chó mực; con ngựa sẽ là ngựa ô. Thế thì, các dịp trọng đại trong cuộc sống, tại sao lại phải bắt đầu bằng chữ ăn ‘tồi tàn’? (Miếng ăn là miếng tồi tàn/ Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu – ca dao).

Tôi không rành chữ Hán. Chỉ lom lem tiếng Anh, tiếng Pháp. Nhưng tôi không thấy có từ hay ngữ nào bắt đầu bằng chữ ăn để diễn tả những việc trọng đại cuộc đời. Tôi có biết “Il faut manger pour vivre, et non pas vivre pour manger". Ăn để sống chứ không phải sống để ăn. Ăn là phương tiện. Ăn không phải là mục đích. Sống để ăn có thể là mấy chú lợn (bây giờ không nên gọi là heo, đấy nhá).

Ngày xưa, hay là nửa thế kỷ trước, Tết là dịp để ăn. Không ăn thì ai làm các loại bánh làm gì. Bánh tét (nếu là miền Nam), bánh chưng (nếu là miền Bắc). Bên cạnh là bánh in, bánh cốm, bánh ít, bánh nổ (nếp rang bung lấy nhân trộn đường có gừng, in thành khối, cắt thành miếng), bánh giò (hay dò, rò) bánh tổ (hay bánh ổ) bánh da (ở Quảng Nam làm bằng bột nếp rang chín, trộn với đậu phộng rang, ngào với đường, quấn tròn thành đòn, xắt ra lát cho vào đĩa để ăn từng lát) …

Câu hát ân tình ngày Tết: “Trông bánh chưng chờ trời sáng, đỏ hây hây những đôi má đào”… Trông bánh chưng chín để ăn đó quý vị.  Ở miền Nam thì nồi bánh tét sẽ là dịp con cháu cha mẹ ông bà tụ họp để đun lửa cho nồi bánh chín chờ đón giao thừa.

Ngoài bánh còn gì nữa để…ăn Tết? Làm heo. Ý quên ‘mổ lợn’. Những ngày cuối cùng trong năm, bắt đầu sau ngày ‘đưa ông Táo về trời’, tiếng heo kêu ét ét từ đầu làng cuối xóm. Thịt heo tất niên. Ba bốn nhà huồng nhau mổ một con heo. Mọi thứ từ lòng, thịt, xương được chia đều. Cúng tất niên không thể thiếu miếng lòng, miếng thịt, cục xương. Chết cũng như sống. Con cháu ăn gì ông bà ăn nấy.

Thịt heo là món chính cho ngày Tết, chứ không phải gà, vịt, ngan, ngỗng. Mấy thứ này chẳng qua là để ‘bổ sung’ cho món thịt heo.

Cái ăn ám ảnh con người Việt Nam đến nỗi, trẻ con xem miếng thịt heo, miếng bánh, cây kẹo là niềm mơ ước của thời thơ ấu. Những ngày giáp tết, khí trời se lạnh (miền Trung và miền Bắc) trẻ con thường ngồi bên mẹ khi bà làm bánh, nhất là bánh in. Trời ẩm ướt, bánh in ra không thể phơi; một lò than đỏ hồng, bên trên là miếng thùng thiết, bánh in ra xếp ngay ngắn, khi khô, tức đã cứng, mẹ sẽ sắp những chiếc bánh ấy vào một hộp hay một thúng tròn có nắp: để dành cho Tết. Cho ăn Tết. Bánh in ra sắc sảo là niềm vui cho mẹ. Nhưng có những cái không sắc sảo, dễ bể không sấy được, nhất là bể đôi, chính là niềm vui cho con, những cô bé, cậu bé, ngồi bên ‘xem’ mẹ làm bánh. Ăn chực, ăn chờ…có thể gọi thẳng thừng như thế. Cái bánh ngon lành sẽ dành cho ngày trọng đại: mồng một, mồng hai, mồng ba. Thi thoảng, có đôi cái bể (vỡ) chính là dịp Tết cho những cô những cậu bé như tôi hồi năm bảy tuổi.

Ngày nay, trẻ con không thể hình dung tại sao cha mẹ chúng, có khi ông bà chúng, lại thèm…bánh như thế. Có ba cái làm nên bữa ăn: tinh bột, chất đạm, chất béo. Mấy chục năm trước hay một thế kỷ trước, ba cái cơ bản ấy làm chi có đủ. Trẻ con bây giờ từ chối ăn kẹo nếu đó không phải là chocolate nhập ngoại. Ông bà chúng – chúng tôi ngày xưa- từng nôn nóng cả buổi sáng để trông mẹ đi chợ về. Chắc chắn bà sẽ mua cho con mình những chiếc kẹo ú làm bằng bột nếp trộn đường, rải một lớp bột bên ngoài cho cây kẹo không dính vào nhau. Ngày thường đã vậy, huống hồ ngày Tết.

Cơm nếp, bánh ngọt, thịt heo trong những ngày Xuân… không còn là thiết yếu. Chúng trở thành niềm mơ ước:

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ.

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.

Chúng ta có lịch sử nghe đâu tới “4000 năm văn hiến”. Hai ngàn năm từ thuở hai bà Trưng tuẫn tiết là có ghi chép rõ ràng. Vậy, ăn Tết có từ thuở nào? Tôi chắc chắn ăn Tết bắt đầu từ khi người Tàu đô hộ, ngót 1000 năm.

Ngôn ngữ Hán – Việt Nam bị ảnh hưởng rất sâu nặng, có tới hơn 70 % chữ Việt có gốc Hán - có dành từ “ăn” nào cho ngày Tết? Tôi chưa rõ. Và tôi cũng không rõ. Thế thì tại sao dân tộc Việt lại dùng “ăn Tết” để diễn tả một sự kiện trọng đại nhất của cuộc sống con người  trong một năm?

Tết là dịp con cháu trở về tụ họp cùng gia đình khi họ làm ăn hay sinh sống nơi xa. Tết là dịp rảnh rỗi thăm viếng nhau giữa bà con, chòm xóm, láng giềng. Tết là dịp con cháu ra thăm viếng mồ mả những người đã khuất. Tết là dịp hội tụ đông đảo những người thân yêu. Tết là dịp con cháu đến nơi trang nghiêm như nhà thờ tộc họ,  thắp nhang mừng tuổi ông bà. Tết là dịp nhỉ ngơi. Tết là thời gian giúp con người tổng kết với tâm thế bình an những việc làm trong năm, vui buồn, sướng khổ, thành công, thất bại…

Thế thì tại sao lại phải ăn…Tết? Ăn không nên là nỗi ám ảnh cho mỗi người Việt Nam ngày nay. Ăn không còn là “ăn trên, ngồi trốc”. “Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”. Ăn không còn là “một miếng thịt làng bằng một sàng thịt chợ”. Ăn không còn là “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”. Ăn không còn là "ăn hối lộ", “ăn chẳng chừa thứ gì”…

Hãy bỏ tục ăn…(Tết). Mà nên thưởng thức Tết, hưởng Tết (như hưởng nhàn), chơi Tết, nghỉ Tết. Nếu là tiếng Anh, sẽ là “enjoy your Tết”. “Tết Holiday”. Không còn “Holiday for eating” (ăn tết).

KISSINGER BỎ RƠI VIỆT NAM NHƯ THẾ NÀO (How Henry Kissinger abandoned South Vietnam).

Lời người dịch:

Tôi còn nhớ, khi báo chí Mỹ hỏi ông ta, tại sao có hiệp định hòa bình  mà hai bên VN vẫn còn đánh nhau, ông ta đáp, đại ý: "Dân VN có truyền thống đánh nhau rất lâu đời; một văn bản không làm cho họ hết đánh nhau". Đọc bài viết này, tôi mới thấy đúng là cáo già nước Mỹ. Tổng thống Nixon còn bị lừa, huống hồ người khác. Và phải công nhận người cộng sản VN rất giỏi chiến tranh.

HENRY KISSINGER VÀ SỐ PHẬN SÀI GÒN

Thứ sáu này là ngày kỷ niệm 50 năm bản hiệp định hòa bình Paris của Henry Kissinger. Hiệp định tưởng có thể chấm dứt chiến tranh bằng sự khẳng định người Việt quốc gia có quyền hưởng một chế độ tự do và độc lập ở Miền Nam.

Tiếc thay, hiệp định của Kissinger không nhắm đến hòa bình mà nhắm đến đình chiến (truce), trong một thời gian, cộng sản Bắc Việt đồng ý sẽ ngưng cuộc chiến tranh xâm chiếm. Cho đến cuối tháng 12, cuối cùng tổng thống Nixon mới nhận ra những thất bại thương thuyết ngầm của Kissinger với Hà Nội. Ngày 14 tháng 12, một Kissinger tức tối mới buộc nói thật với Nixon, các điều khoản đề xuất điều chỉnh tới lúc đó là “không còn kịp”.

Vài phút sau, Nixon nhận xét, Hà Nội “đang dùng thương thuyết chỉ để tiếp tục chiến tranh, dưới một hình thức khác, chứ không phải… chấm dứt chiến tranh”.

Kissinger trả lời:

“Chúng ta miễn cưỡng đi đến kết luận – giờ, thì thưa tổng thống, ngài vừa nói rất đúng, đây không phải là văn kiện hòa bình. Đây là văn kiện để tiếp tục chiến tranh, mà họ (Hà Nội- ND) muốn tạo ra”.

“Chiến tranh tiếp tục ở miền Nam”.

Kissinger khẳng định: “Thưa, đúng”.

Nixon tiếp: “Và hòa bình thì ở miền Bắc. Có thể nói như thế”.

Kissinger: “Thưa, đúng như thế”.

Sau đó, Nixon tập trung vào việc Kissinger bỏ rơi miền Nam: “Hòa bình ở miền Bắc, chiến tranh tiếp diễn ở miền Nam, mà Hoa Kỳ lại hợp tác (với Hà Nội-ND)…áp đặt một chính quyền cộng sản ngược với nguyện vọng của dân chúng miền Nam”.

Về sau, Nixon hồi tưởng lại điều ông thực sự muốn: “Chúng ta là bên muốn có hòa bình cho hai phía. Chúng ta muốn đất nước nghèo khổ tan nát này được chính dân chúng họ quyết định, chứ không phải trên chiến trường”. Đó là đề nghị của chúng ta. Chúng ta kêu gọi miền Nam, kêu gọi miền Bắc chấp nhận điều này. Kêu gọi chấp nhận từ hai phía”.

ĐIỀU GÌ ĐÃ SAI?

Không được Nixon cho phép, và sau đó cũng không báo tổng thống, ngày 9 tháng giêng năm 1971, Kissinger gợi ý với đại sứ Liên Xô Dobrynin một kế hoạch, cho Hà Nội giữ quân trong lãnh thổ miền Nam sau khi ký hiệp định, và rồi sau đó, Hoa Kỳ sẽ không phản ứng, Hà Nội cứ tiếp tục cuộc chiến xâm lăng. Tường thuật cuộc trao đổi với Kissinger, Dobrynin còn báo cáo lên bộ chủ quản ở Mat-xcơ-va: “Kissinger đưa ra nhận xét khá kỳ lạ là cuối cùng, đây không phải là quan ngại của những người Mỹ, mà là quan ngại của chính những người Việt Nam, một khi Mỹ rút quân, họ sẽ lại đánh nhau”.

Trong báo cáo gửi cho tổng thống Nixon ngày 9 tháng giêng việc trao đổi với Dobrynin, Kissinger không nhắc đến đề nghị của ông ta về tương lai miền Nam. Quan điểm công khai của Nixon năm 1971 là Hoa Kỳ và quân đội Bắc Việt cùng rút khỏi miền Nam, để người miền Nam sống trong hòa bình.

Cuối tháng giêng, đại sứ Liên Xô tại Hà Nội chuyển đến thủ tướng Bắc Việt nội dung cuộc trao đổi của Dobrynin tới Mát-cơ-va. Những lãnh đạo cộng sản cho biết: “Nếu Hoa Kỳ chịu rút hết quân trong một thời gian nhất định và nếu không buộc quân đội Bắc Việt cùng rút quân khỏi miền Nam…Hà Nội sẽ tôn trọng ngừng bắn suốt thời gian Mỹ rút quân, thêm thời gian nếu có thể, nhưng không quá lâu, sau khi Mỹ rút quân. Sau đó có nổ ra chiến tranh giữa miền Bắc và miền Nam, xung đột ấy sẽ chẳng dính dáng gì đến Mỹ”. Như thế, cam kết của Kissinger – rằng Washington phủi tay trách nhiệm đối với những người quốc gia chống cộng -  cho thấy việc đối thoại với kẻ thù nằm trong tay người khác.

Hà Nội nhờ cựu viên chức thực dân, là Jean Sainteny, thông báo với Kissinger trong một bữa trưa ngày 25 tháng 5 năm 1971, rằng họ chấp nhận đề nghị của Kissinger. Kissinger cho Nixon biết ông có gặp Sainteny nhưng không nói rõ chi tiết cuộc chuyện trò.

Ngày 31 tháng 5 năm 1971, trong cuộc gặp kín với các nhà ngoại giao Bắc Việt ở Paris, Kissinger nói rõ đề nghị Hà Nội không cần rút quân khỏi miền Nam. Kissinger kết thúc nhận xét bằng câu nói: “Khi Hoa Kỳ rút quân hoàn toàn, tương lai chính trị miền Nam sẽ để cho người Việt Nam quyết định”. Nhận xét này không báo cáo cho Nixon.

Ngày 9 và ngày 10 tháng 7 năm 1971, Kissinger đang ở Bắc Kinh cùng với thủ tướng Chu Ân Lai bàn bạc chuyến đi lịch sử của tổng thống Nixon đến TQ để gặp Mao Trạch Đông. Nhân tiện, Kissinger nói với Chu đề xuất từng nói với đại sứ Liên Xô Dobrynin. Trang 5 tài liệu tóm tắt của Kissinger chuẩn bị với Chu có đoạn: “Nhân danh tổng thống Nixon, tôi long trọng cam kết với ngài thủ tướng rằng Hoa Kỳ chuẩn bị một thỏa thuận, theo đó, diễn tiến chính trị VN thực sự sẽ do nội bộ người Việt Nam giải quyết. Chúng tôi sẵn sàng rút quân vào một thời gian nhất định và để thực tại khách quan định hình tương lai chính trị”.

Kissinger không nói với tổng thống cam kết này của ông với lãnh đạo cộng sản TQ. Bên trái cùng trang, Kissinger viết “Chúng tôi cần một thời gian thuận tiện”.

Phía Nam Việt Nam và Nixon không biết gì về trò mèo này đối với Nam Việt Nam cho tận tháng 12 năm 1972, khi ông ta đi đến thỏa thuận với Hà Nội về văn bản hiệp ước hòa bình và đưa hiệp định đề xuất cho tổng thống Thiệu và tổng thống Nixon. Tại thời điểm đó, Nixon không thể rút lại nhượng bộ của Kissinger rằng Hà Nội có thể để quân tại miền Nam, trước tình thế chống chiến tranh dữ dội của các đảng viên Dân Chủ tại quốc hội Mỹ.

Nhưng trong tháng 11 và 12 năm 1972, với sự giúp sức của Alexander Haig, Nixon cố gắng trong tuyệt vọng điều chỉnh hiệp định hòa bình dự thảo theo hướng gia tăng sự sống sót của Nam Việt Nam, để hiệp định được thông qua và các dân biểu Dân Chủ sẵn lòng phê chuẩn ngân sách viện trợ quân sự cho Nam Việt Nam.

Nỗ lực của Nixon quá ít và quá muộn. Nước Mỹ dần dần thua một cuộc chiến đầu tiên.

Bài của Stephen Young trên Washington Examiner

Ngày 25 tháng giêng 2023.

THÍCH NHẤT HẠNH, CON NGƯỜI CÔ ĐƠN.





Những binh sĩ Mỹ tham dự chiến tranh ở Việt Nam về nước, một số người lại mắc những bịnh tâm lý, gọi là hội chứng “hậu chiến tranh”. Tôi thì muốn gọi đó là di chứng chiến tranh. Chiến tranh tàn phá một (hay nhiều) đất nước, giết chết nhiều nhân mạng, gây chia rẽ trầm trọng những ai tham chiến ở hai phe. Chiến tranh kết thúc sẽ có kẻ thắng (cuộc) người thua (cuộc). Thời gian bao lâu thì “hội chứng” hay “di chứng” chiến tranh chấm dứt, hay nguôi ngoai? Nội chiến Mỹ có lẽ là cuộc chiến tranh sớm kết thúc chia rẽ nhất. Tôi không hiểu vì sao. Nhưng có lẽ, cuộc chiến này nếu ở Việt Nam, thì nó sẽ không chấm dứt di chứng sớm như ở Mỹ.
Tôi tìm hiểu và thấy rằng người Mỹ rất ít nhìn về quá khứ. Họ là dân tộc phát triển nhờ nhìn nhiều về tương lai hơn quá khứ. Martin Luther King, Jr. là nhà hoạt động nhân quyền, dân quyền tại Mỹ. Ông bị chính đồng bào mình giết chết. Nhưng đa số dân Mỹ đều coi ông như thần tượng. Ông là nhân vật chống chiến tranh Việt Nam nổi tiếng thế giới. Năm 1961, qua bức thư của Thích Nhất Hạnh, ông càng chống chiến tranh mạnh mẽ hơn. Thích Nhất Hạnh, chống chiến tranh Việt Nam, khi đứng về phía Phật giáo “đấu tranh”, lại bị một số người VN gọi là “tội đồ” dân tộc. Họ cho vì ông, hay vì Thích Trí Quang, và một số thầy chùa xuống đường biểu tình, chế độ tốt đẹp VNCH bị sụp đổ. Có Phật giáo đấu tranh, hay không có Phật giáo đấu tranh, người Mỹ cũng phải “thay ngựa giữa dòng” khi thấy cần thiết.
Thái độ cương trực và đúng đắn của tổng thống Ngô Đình Diệm, không muốn Mỹ can thiệp bằng quân sự - bằng lính Mỹ- đưa đến cái chết của ông. Ông chết , và chế độ Việt Nam Cộng hòa, không vì thầy chùa của “Phật giáo đấu tranh”. Viên tình báo gạo cội người Mỹ mang một gói tiền hơn một triệu đô la để “tưởng thưởng” các tướng lãnh thành công trong cuộc đảo chánh 1.11. 1963. Mỹ ngạo mạn. Họ nghĩ, chỉ có họ mới tiêu diệt cộng sản miền Nam. Họ chính thức giành cuộc chiến chống cộng sản xâm chiếm Nam Việt Nam về mình. Họ trả giá đắt. Không phải phía cộng sản tài ba. Chính tinh thần dân tộc của người Việt – cả Nam lẫm Bắc – khiến Mỹ thất bại chiến tranh Việt Nam. Toàn dân miền Bắc hăng hái ôm súng "đánh Mỹ"; một bộ phận dân chúng miền Nam quay ra chống đối chính quyền vì nghĩ họ lệ thuộc Mỹ. Nội "công" ngoại kích, không sụp đổ chính quyền mới lạ. Trên thế giới, trong lịch sử nước Mỹ, họ không bao giờ thua bất cứ cuộc chiến tranh nào. Họ thất bại ở VN vì chính nhân dân họ: phản đối chiến tranh dù đó là cuộc chiến chống cộng sản. Tại sao họ thắng ở Triều Tiên nhưng thất bại ở Việt Nam? Rất dễ hiểu. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam từ thời Hai Bà Trưng trở về sau, Việt Nam không bao giờ mất nước, luôn có tinh thần chống ngoại xâm, không thời gian nào có mặt một đội quân nước ngoài trong các cuộc chiến tranh, dù phải “một ngàn năm đô hộ giặc Tàu”.
Trong chiến tranh, miền Bắc cộng sản, mọi mệnh lệnh của đảng đều được tuân thủ răm rắp. Không phải chỉ vì họ độc tài. Họ tuyên truyền rất giỏi. Miền Nam bị kìm kẹp bởi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Dân chúng miền Nam thống khổ. Khi “giải phóng” ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhiều người trong đoàn “quân giải phóng” mới té ngữa: dân miền Nam đâu có bị kìm kẹp và đói khổ. Không những không đói khổ, không bị kìm kẹp, một số bộ phận hiểu biết trong xã hội – tầng lớp trí thức và học sinh sinh viên – lại còn có quyền tự do biểu tình, xuống đường “đảo đảo” chính quyền VNCH và lên án quân đội viễn chinh Hoa Kỳ, sang VN chiến đấu cho tự do không cộng sản của Nam VN.
Thích Nhất Hạnh là một trong những trí thức chống chiến tranh thời đó. So với Thích Trí Quang, ông “nhuần nhuyễn” và “cao đạo” hơn nhiều. Ông chống chiến tranh VN và tiếng nói của ông rất mạnh mẽ đến nỗi mục sư nổi tiếng nước Mỹ, Martin Luther King đề cử ông nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1967 (không ai có giải này năm đó). Sự có mặt của quân đội viễn chinh nước ngoài tại VN – dù là chống cộng sản- không có thuận lợi nào trong cuộc chiến tranh giữa tư bản và cộng sản, giữa tự do và độc tài trong chiến tranh lạnh vừa qua, ở lãnh thổ Việt Nam.
Không lên án “cộng sản xâm lăng” nhưng chỉ lên án Mỹ - quân đội viễn chinh- Thích Nhất Hạnh với tác phẩm Hoa Sen Trong Biển Lửa có tiếng nói trọng lượng trong chính giới Mỹ. Chưa kể tác phẩm này và nhiều tác phẩm khác, được ông viết bằng một thứ tiếng Anh giản dị dễ hiểu. Chống chiến tranh VN đâu chỉ những người biểu tình ở VN. Chống chiến tranh mạnh mẽ và khốc liệt nhất là tại nước Mỹ. Richard M. Nixon từng nói : “Chúng ta thua cuộc chiến VN tại quốc hội Mỹ và nước Mỹ, không phải tai chiến trường Việt Nam”. Lý lẽ của vị tổng thống mất chức vì vụ Watergate rất đúng. Chính hành động ác liệt của ông, phong tỏa cảng biển miền Bắc bằng mìn, đánh bom Hà Nội 11 ngày đêm đã khiến VNDCCH xuống nước ký kết hiệp định Ba Lê năm 1973.
Có hay không có Thích Nhất Hạnh, Việt Nam Cộng hòa cũng sụp đổ như chế độ ở Afghanistan mới đây. Khi Mỹ muốn tách khỏi quá khứ, họ rất mạnh mẽ, không bao giờ nuối tiếc. Đây là bản chất giúp nước Mỹ tiến bộ: họ luôn nhìn về phía trước. Họ sẵn sàng dứt bỏ quá khứ dù cho dứt bỏ quá khứ ấy làm giảm đi danh giá nước Mỹ.
Khi Thích Nhất Hạnh - một nhân vật từng phản chiến - từ trần, một số người Việt ngợi ca ông. Một số khác phỉ báng ông. Dù nổi tiếng thế giới là nhà tu Phật giáo, ông vẫn là một con người mất tổ quốc. Bốn mươi năm không về quê hương. Có thể Huế đón tiếp ông những ngày cuối đời. Sài Gòn hay Hà Nội – đừng hòng. Cả hai, tuy cùng một nước nhưng hai tinh thần (trong chỗ thầm lặng, riêng tư) “quốc gia” và “cộng sản”.
Những người “quốc gia” lên án Thích Nhất Hạnh “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản” (xin lỗi – cơm của mỗi người làm ra – không phải cơm của chính phủ, dù là quốc gia hay cộng sản). Họ cho ông vọng ngữ. Tỉnh lỵ Bến Tre chừng 75 ngàn dân. Thích Nhất Hạnh “cương” lên 300 ngàn. Cả thành phố bị phá hủy chỉ vì chừng năm bảy du kích giương súng trường bắn máy bay Mỹ. Thành phố bị phá hủy bởi bom Mỹ không nhất thiết 300 ngàn người như thiền sư dẫn ra đều chết hết. Có thể họp báo, ông không nắm rõ sự việc, hay chỉ nghe người ta “nói lại” nên mới tuyên bố sai lệch số người như thế.
Trừ trường hợp là thánh, con người mới không vấp sai lầm. Thiền sư Nhất Hạnh có người cho là từng có vợ, có con. Nếu có, điều này không có gì là lạ. Đức Thích Ca – ngọn đuốc soi sáng của ông – cũng từng có vợ có con. Có vợ có con nhưng vẫn tu hành, đó mới là nỗ lực cao siêu của con người xác thịt, phàm trần.
Có người trách cứ ông không bênh vực nước Mỹ bị trùm Bin Laden khủng bố ngày 9 tháng 11. Ông nói nước Mỹ gây ra biết bao cái chết ở VN năm 1968. Thảm sát Mậu Thân ở Huế của phe cộng sản ông không nói tới. Hay có nói nhưng không ai để ý? Phải công tâm mà nói, nếu không có vũ khí tối tân của Mỹ, của khối XHCN, số người chết ở VN trong chiến tranh không thể lên mấy triệu người. Một khẩu súng cối, ca nông, súng AK hay AR16 giết chết nhiều hơn một quả bom? Ở VN, bom do ai thả? Có thể Thích Nhất Hạnh nóng ruột so sánh cái chết do Mỹ gây ra ở VN và cái chết do al-Qaeda gây ra ở Mỹ nên có so sánh hơi hồ đồ. Dân Mỹ chết không nhiều bằng dân nơi Mỹ gây chiến tranh? Nếu đúng như thế, thiền sư không nghĩ tới: mạng sống là quan trọng; không thể chết ít không quan trọng bằng chết nhiều. Tôi không tin một trí thức như Thích Nhất Hạnh, từng viết hàng trăm cuốn sách, trong đó có 40 cuốn bằng tiếng Anh, lại đi bênh vực khủng bố.
Thiền sư Nhất Hạnh là sư ông không sai lầm? Tôi không nghĩ như thế. Tôi có đọc cuốn Việt Nam Phật Giáo Sử Luận (toàn tập) của ông dưới bút danh Nguyễn Lang. Là người công giáo, tôi rất kính trọng ông, một tu sĩ Phật giáo. Trong cuốn sách gần 1200 trang này của ông, tôi hiểu rất rõ sự hình thành Phật giáo ở VN. Phật giáo thấm đẫm tư tưởng các vị vua quan nhà Trần. Nhờ đó, trong triều đại này, với Trần Quốc Tuấn, nước ta đánh thắng quân Nguyên Mông, từng thống trị cả Trung Hoa văn minh hơn họ và một số nước phương Tây.
Tất cả dữ liệu nêu ra trong cuốn sách đều rất thuyết phục với lối diễn tả gọn gàng và trong sáng đặc điểm Phật giáo – có đối chiếu Nho giáo. Nhưng qua chương Phật giáo hiện đại, nói ngay, Phật giáo ở miền Bắc và Phật giáo miền Nam, từ 1945 trở về sau, tôi thấy tác giả thiên vị. Tất nhiên, ông có nhận xét về Phật giáo Hà Nội nhưng, hoặc vì thiếu tài liệu hay có viết nhưng bị kiểm duyệt, tôi thấy có nhiều chỗ có ba dấu chấm và đóng ngoặc trong sách (phát hành năm 2014, nhà xuất bản Văn Học với lời giới thiệu của Nguyễn Huệ Chi).
Có mấy điểm tôi thấy nhận xét của Nguyễn Lang có phần cảm tính. Ví dụ. “Những người trung trung thành với chế độ Ngô Đình Diệm thường cho rằng sở dĩ miền Nam sụp đổ là vì chế độ ông Diệm không còn. Sự thực không phải như vậy: chính vì những tàn ác độc tài của ông mà miền Bắc đã xây được cơ sở chống đối võ trang ở miền Nam” (trang 1039).
Giải phóng miền Nam là một chủ trương lớn của đảng CSVN. Có hay không có Ngô Đình Diệm, họ cũng sẽ tiến hành chiến tranh với nghị quyết rõ ràng. Nguyễn Văn Thiệu ít “tàn ác” hơn Ngô Đình Diệm? Hà Nội có “tha” không “giải phóng miền Nam”?
Ngọn lửa bùng mạnh nhất cho Phật giáo đấu tranh chống chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm phát xuất từ Huế nhân cái chết của một số thường dân. “Khi thiền sư Trí Quang và ông tỉnh trưởng từ trong đài phát thanh ra tới thì máu đã đổ: tám người đã thiệt mạng vì lựu đạn và bốn người bị thương. Xe thiết giáp cán vỡ đầu một thiếu nhi, sọ em nát vụn. Một thiếu nhi khác bị cán mất nửa đầu và một em khác nữa mất hẳn đầu”.
Cái chết vì lựu đạn của tám nạn nhân nguyên do cho đến nay vẫn còn nhiều nghi vấn. Có người cho là lựu đạn của Việt Cộng. Có người cho là của Mỹ, họ muốn gây hỗn loạn để có cớ gạt bỏ Ngô Đình Diệm. Có người cho là lựu đạn của quân đội VNCH đàn áp biểu tình.
Chiến tranh luôn luôn tàn bạo nhưng tàn bạo không đến nỗi, lính lái xe tăng cán nát đầu trẻ con khi các em đã chết vì lựu đạn. Không bao giờ đối với lương tâm của một con người VN. Hơn nữa, thời điểm ấy, chính quyền Ngô Đình Diệm chưa phải đã rệu rã; chiến tranh thực sự xảy ra ác liệt khi quân Mỹ đổ bộ vào VN năm 1965.
Ở một chỗ khác, trang 1057, Nguyễn Lang viết”…một vị thiền sư ngồi xuống trong tư thế kiết già, lấy dầu xăng đổ lên áo cà sa mình đang mặc và châm lửa tự thiêu, biến mình thành bó đuốc”. Nhà sử học Phật giáo này nói đến hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu phản đối chế độ Ngô Đình Diệm hà khắc, đối xử bất bình đẳng với Phật giáo (chỉ dụ cấm treo cờ Phật ở một số nơi - chẳng hạn).
Nếu không xem bức hình tự thiêu của vị tu sĩ này, chúng ta tưởng là chính ngài đổ xăng lên người. Một tu sĩ sĩ khác làm giúp chuyện này. Ông đổ xăng lên áo quần ngài Thích Quảng Đức. Nếu ra tòa ở một nước dân chủ, vị sư này sẽ bi kết án "gián tiếp" giết người. Những vị tu sĩ nằm cản xe cứu hỏa tiếp cứu dập lửa cũng sẽ bị kết tội “cản trở người thi hành công vụ” hoặc “không cứu người bị nạn”.
Nhưng ông Nguyễn Lang viết tiếp: “…vị thiền sư mà từ đây mọi nguoi xưng tụng là Bồ Tát Quảng Đức. Ngọn lửa hỏa thiêu đã không đốt cháy được trái tim thiền sư. Trái tim này được đem thiêu lại lần thứ hai với sức nóng ngót 4.000 độ nhưng vẫn không cháy”. Nếu là nhà văn thì được nhưng nhà sử học thì không thể tin chuyện có vật gì của thân thể thể con nguoi mà còn ở nhiệt độ 4000 độ, kể cả mấy chiếc răng. Nhưng Nguyễn Lang vẫn viết rạch ròi khoa học.
Nhưng có một suy nghĩ, không biết nên buồn hay nên vui về Nguyễn Lang, khi ông nói, một cách hãnh diện và sung sướng trong một chương dài nhất nói về chế độ đệ nhất nền cộng hòa Nam VN, “Ta sẽ lật một trang sử có thể gọi là kỳ diệu nhất của Phật giáo Việt Nam: Cuộc Vận Động Bất Bạo Động để lật đổ chính quyền độc tài của ông Ngô Đình Diệm”. (Trang 1029). Thần quyền muốn làm thế quyền ư?
Tôi đọc khá nhiều tác phẩm của thiền sư Thích Nhất Hạnh trước và sau 1975. Ông là nhà sư thông tuệ, trầm tĩnh, ân cần, và nhân ái như nhận xét của báo chí quốc tế. Những nhận xét của ông về chế độ VNCH (thời Ngô Đình Diệm) trong cuốn VN Phật Giáo Sử Luận, và một vài chuyện như vụ 300 ngàn dân ở thị xã Bến Tre bị “hủy diệt” hay vụ khủng bố tòa tháp đôi tại Mỹ không làm cho tôi mất đi sự yêu kính và ngưỡng mộ vị thiền sư có giọng nói nhỏ nhẹ này.
Không phải tôi ngưỡng mộ “theo phong trào”, kể cả phong trào rầm rộ khắp thế giới đang ca tụng Thích Nhất Hạnh, “Master of mindfulness”, “Vị Thầy dạy phương pháp chánh niệm”. Tờ The Washington Post Mỹ giật tít: “How Thich Nhat Hanh taught the West about mindfulness” (Cách Thích Nhất Hạnh dạy phương Tây về chánh niệm). Ông Nhất Hạnh có ảnh hưởng nhất ở phương Tây và cả thế giới chỉ đứng sau đức Đạt Lai Lạt Ma (Tây Tạng). Nhưng ở VN và ở một số nước có người Việt, ông bị cho là ‘tội đồ dân tộc”. "Thầy chùa vọng ngữ". "Tu hành gì mà có vợ có con".
Bên Ky tô giáo, Jesus cũng một lần than thở khi ngài không được trọng vọng ở quê nhà: “Các nhà tiên tri không được hoan hỷ đón chào tại quê hương”. VN chúng ta cũng có câu “Bụt nhà không thiêng”. Thích Nhất Hạnh chưa phải là Bụt. Ông không thiêng trong mắt một số người là đúng. Nhưng với tôi, ông không phải là vị thánh. Ông là thiền sư. Ông đem triết lý Phật vào đời sống. Tinh túy của Phật không phải có nhiều làng Mai, có nhiều chùa hoành tráng - như Bái Đính ở VN. Phật chính tại nơi ta. Tôi yêu nhất câu ông nói: “Quá khứ là cái đã qua; tương lai là cái chưa đến; hãy khu trú nơi hiện tại bởi hiện tại chính là sự sống”.
“Mindfulness in the Present” (Tỉnh thức ở hiện tại). Ý niệm này ông đã dạy cho The World Bank, Google, đại học Harvard Mỹ và những nơi tiếng tăm khác trên thế giới (ở VN rất hiếm khi).
Tôi kính trọng ông vì ông có những cái thuộc về con người phàm tục, nhưng khoảng đời sau biến động chiến tranh, ông trở nên sốt sắng giương cao ngọn đuốc soi dẫn người khác biết thực hành chánh niệm, biết biến đau khổ thành niềm vui, biết an vui trong hiện tại, biết hy vọng ngày mai để chịu đựng đau khổ ngày hôm nay, biết những uyên áo của của triết lý Phật giáo qua những lời giảng đơn sơ và dễ hiểu. Ông không nêu cao đạo Phật của ông trên các đạo khác. Những người theo ông thuộc đủ các tôn giáo ở nước ngoài. Ông không tự tôn mình là sư ông, sư cụ, sư của mọi sư. Ông là Thích Nhất Hạnh.
Cuối đời, mong ước một Làng Mai ở VN của ông bị thẳng thừng chối bỏ ở Bát Nhã, Lâm Đồng. Thật cảm thương. Nhưng tôi thương cảm thiền sư hơn, ở chỗ: ông rất cô đơn – cả VNCH lẫn CHXHCNVN không xem ông là người VN thực sự "yêu nước".