Saturday, December 2, 2023

XÓA HẾT

Tôi ít khi viết bài phê phán cá nhân trừ những trường hợp quá đặc biệt, chẳng hạn lần này về Trần Long Ẩn, vì câu nói hay ý nói của ông: “Toàn bộ nền văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975 là độc hại, cần phải xóa bỏ hết”.

Bây giờ, trên mạng tin thật và tin giả lẫn lộn khó phân, tôi nghĩ đây có thể không phải câu nói của một người trưởng thành trong nền giáo dục VNCH (ông học trường công giáo La San, Qui Nhơn và đại học văn khoa Sài Gòn). Vì mấy lý do như sau:

• Trần Long Ẩn là một nhạc sĩ, không phải là nhà phê bình văn học tiếng tăm, nhận định của ông về một nền văn học như thế là hồ đồ, nếu không nói là sai quấy. Ông cũng không phải là người phụ trách văn hóa, văn học, nghệ thuật… đầy quyền năng. Văn học, nghệ thuật miền Nam ông hiểu gồm những gì, nếu không phải là tác phẩm văn học, nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, điêu khắc…

Những tác phẩm ấy độc hại, tại sao lãnh đạo văn hóa, văn học, nghệ thuật của ông cho in lại, cho phát hành lại, phổ biến lại, một số tác phẩm tiêu biểu ở miền Nam? Họ không có trí tuệ bằng ông hay sao? Trí tuệ ông siêu việt hơn họ hay sao?

• Văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975 nghĩa là sao? Từ khi xuất hiện nền văn học phôi thai ? Những tác phẩm của Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Đình Chiểu, Trương Vĩnh Ký, Hồ Biểu Chánh… có nằm trong “bản án” của Trần Long Ẩn hay không? Nếu cẩn trọng, phải nói gói gọn thời gian nền văn học xuất hiện và phát triển. Câu nói của ông có thể thể tất nếu do ông đang uống rượu quá say, trên vỉa hè, sôi nổi lên án "ngụy quyền" Sài Gòn trong đám bạn nhậu của ông, chứ không thể là câu kết luận nông nổi, đầy cảm tính, và rất hời hợt,  gây chấn động, trên mạng người ta đang bàn luận xôn xao hổm rày.

• Nền văn học, nghệ thuật độc hại, tôi nghĩ ông ám chỉ “văn hóa đồi trụy phản động của Mỹ-Ngụy”, sau 1975 đau đớn với cảnh tịch thu sách, đốt sách, một số tác giả tiểu thuyết, văn học…đi vào chốn lao tù, thân phận trí thức trở thành thân phận những tù nhân chính trị. Nền văn học nghệ thuật đó không giống nền văn học nghệ thuật miền Bắc cùng thời gian: nó không được ai “lãnh đạo”, nó không có định hướng, không mang nhiệm vụ chính trị nào. Trần Long Ẩn xuất thân từ đại học văn khoa hiểu rất rõ điều đó. Như vậy, có thể nói nền văn học từ nhân dân mà sản sinh ra chứ không phải được chính quyền VNCH chỉ đạo thực hiện cho nhiệm vụ tuyên truyền.

Nếu nền văn học, nghệ thuật đó độc hại, hóa ra những công dân tác giả đẻ ra những tác phẩm hình thành nền văn học nghệ thuật, tất cả đều độc ác? Độc ác mới đẻ ra độc hại.Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, kim Định, Lê Hữu Mục, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Thanh Lãng, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy…và những nhân vật đáng kính khác, tôi không nhớ hết, am hiểu hết, vì tôi không phải là nhà nghiên cứu, đều là những người sản sinh ra những tác phẩm độc hại, trong một nền văn học nghệ thuật độc hại?

• Chiến tranh đến với dân tộc này có thể nói là liên miên và hết sức ác liệt. Sau chiến tranh đánh nhau thời Trịnh-Nguyễn, có ông nào ở Thăng Long bảo rằng nền văn học nghệ thuật Đàng trong đáng phải bị xóa bỏ vì nó thù địch, hay ngược lại, có ông nào ở Phú Xuân, Huế, bảo nền văn học Đàng ngoài cần xóa bỏ vì nhà Trịnh đem quân vô đánh nhà Nguyễn không thôi?

Hình thái chính trị thay đổi, chế độ thay đổi, chủ nghĩa nay còn chưa chắc mai không mất, nhưng đất nước và nhân dân không bao giờ thay đổi. Sản phẩm của đất nước, của nhân dân, “nền văn học, nghệ thuật” ấy cũng trường tồn cùng dân tộc, trừ trường hợp nền văn học đó, nền nghệ thuật đó, chỉ có tính cách minh họa, tô hồng, nhất thời, không phản ảnh những giá trị nhân bản, sâu thẳm của tâm hồn, có chiều sâu văn hóa dân tộc.

• Gần nửa thế kỷ, vết thương chiến tranh còn chưa lành, lòng người Nam Bắc chưa hẳn tất cả đã bao dung, yêu thương, đoàn kết, tuyên bố như vậy khác chi cầm lưỡi dao sắc cứa sâu vết thương đau đớn vẫn còn. Tâm địa người nói ra câu đó thế nào, ở đây không xét về mặt học thuật, nghiên cứu, vì người nói không xứng đáng thuộc hạng ấy, khi nhận định một vấn đề quá lớn với một câu kết luận nông cạn, cảm tính nhất thời, gây bất bình và chia rẽ, không chỉ trong những người trưởng thành ở miền Nam thời VNCH mà cả những người học thức, lương tri, trưởng thành trong chế độ XHCN miền Bắc.

Nếu không kết luận người nói câu này thuộc hạng “ăn cháo đá bát” thì cũng không đúng. Đâu có thiếu những người trưởng thành trong chế độ cũ, hoạt động cách mạng lâu dài, không hề có ai nổi tiếng trong số họ có một câu kết luận “sắt máu” như thế. Nhà trường VNCH nuôi dạy ông, tạo điều kiện cho ông trở thành một nhạc sĩ tiếng tăm, để ông hoạt động cách mạng, trở về “giải phóng” nơi ông học là trường đại học văn khoa, nơi ông ở với tuổi thanh xuân hoa mộng là Sài Gòn, sau khi vô bưng chịu cực khổ chỉ có 3 năm từ 1972 đến 1975; so với những nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ, mấy chục năm theo cách mạng, có người bỏ xác nơi chiến trường, ông có bằng họ không và họ có tuyên bố hùng hồn như ông không? Với danh vọng xênh xang chủ tịch hội nọ, hội kia, ông không có gì xuất sắc về âm nhạc như Phạm Duy hay Trịnh Công Sơn ngoài duy nhất một bài hát “Một đời người, một rừng cây”. Nhiều người yêu bài hát và yêu ông nhưng nay, không biết trong lòng họ có còn giữ những tình cảm vô tư, trong lành ấy nữa không, tôi không rõ. Nói tóm lại, chỉ có một câu nói thôi, ông tự đổ đi những tình cảm của những người “mến mộ” dành cho bài hát rất hay của ông.

Và tôi không tin chính ông nói ra lời:“Toàn bộ nền văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975 là độc hại, cần phải xóa bỏ hết”;  nội hàm câu nói đó chỉ có thể của người không văn hóa, không có tình người, không bao dung, và sâu xa hơn, đó là câu nói của một người không yêu nước, người ấy vẫn còn thù oán, luôn muốn trả thù, có tâm địa chia rẽ đoàn kết dân tộc này, chưa nói đã xúc phạm những người làm văn học, nghệ thuật còn sống hay đã chết, những người đã hình thành ra nền văn học nghệ thuật mà ông rắp tâm xóa bỏ.

Và liệu có xóa nổi không?

NHẬN XÉT TRONG HỌC BẠ: Tương lai học sinh

Tôi lại không thích mừng Ngày nhà giáo. Tôi thích mừng nhà giáo nhân ngày 20 tháng 11.

Nhìn vào hình trích dẫn bên dưới, quý vị sẽ thấy lời phê của 2 giáo viên. Tôi thích gọi giáo sư trung học, như trước 1975, ở Sài Gòn. Xin lạc đề một chút. Mấy thằng thầy cúng tào lao cũng có tên pháp sư. Đánh võ giỏi, dạy môn sinh, gọi là võ sư.  Một sinh viên học sư phạm, tức giáo dục, đại học (4 năm) không đáng gọi giáo sư (trung học)? Chưa kể, sinh viên học kỹ thuật 4 năm, gọi là kỹ sư. Tốt nghiệp giáo dục thì nhận cái tên "giáo viên", nghe tội nghiệp quá!.

Lời phê quý vị thấy có 2 ý chính cần nêu ra, cái phụ, thôi bỏ đi: chê bai học sinh và xem mê đọc sách là tính xấu (kỷ luật chưa cao). Gạt qua trình độ nhận thức của 2 giáo viên, không trách họ được đào tạo nặng thành tích, "ai cũng phải khá, giỏi" (kém toán, Anh là..."sỉ nhục"!), kỷ luật phải trên hết, trên cả "mê đọc truyện" (sách), chúng ta nên để ý "tác động" của lời phê ở đây trở thành "tác hại" trong suy nghĩ của học sinh cầm cái học bạ này hành trình cả chục năm ở học đường, thậm chí, cả cuộc đời, mỗi khi lấy học bạ hồi còn trẻ ra để hồi tưởng thời đi học.

Monday, November 6, 2023

Chùa CŨ khác chùa MỚI ?

Thiền viện BẢO CHÂU, Hội An, nằm cạnh chùa Phật giáo “nguyên thủy” Theravada trên đường đi bãi biển Cửa Đại; ngôi chùa trông khá đơn sơ so với hầu hết các ngôi chùa khác ở Hội An.

Nhưng nó không đơn sơ chút nào đối với tôi, vì vị trụ trì chùa sư cô Giải Thiện, tức cô Bê, là bạn học cùng lớp với tôi khoá tú tài 1972. Bạn cùng học khác là sư cô Hạnh Phước, tức cô Tân, phó trụ trì chùa Viên Chiếu tỉnh Đồng Nai.

Do ảnh hưởng tiểu thuyết Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng, lớp học sinh chúng tôi rất có thiện cảm với các…ni cô. Hai ni cô trên lại…xinh xắn, mới “ác” chớ. Chúng tôi liên tưởng mối tình trong sáng, thánh thiện, giữa Ngọc và Lan, một sinh viên và một ni cô (giả làm chú tiểu). Hai ni cô cùng lớp là hình ảnh của Lan trong tiểu thuyết. Tuy nhiên, do cả hai không bao giờ giao tiếp với học sinh nam, nên lũ nghịch ngợm chúng tôi không dám “hó hé” chọc trêu (dù “nhứt quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”). Tất cả chúng tôi chỉ lợi dụng lúc hai cô trả bài hay đi vào sân trường, là trố mắt ra nhìn (công khai).

Một lần tôi hỏi sư cô Hạnh Phước, có gương mặt thanh tú hơn lúc còn là tên Tân , khi cô bước vào tuổi 60. “Có lúc nào cô lay động trước một chàng đẹp trai khi cô còn đang đi học.”Cô mỉm cười: “chưa hề”. Sư nói những ai phát nguyện đi tu lúc 9, 10 tuổi, dù sau này có xinh đẹp, họ cũng không bao giờ nghĩ ngợi gì ngoài kinh kệ và tu hành. Và sư nói thêm, những ai thất tình, đau khổ, rồi xuống tóc đi tu, họ sẽ phải tự động rời chùa, không chóng thì chầy. Tu cần có căn duyên. Tôi chẳng hiểu mô tê nhưng thấy rằng, 60 năm nay, qua rất nhiều biến cố, một số chú tiểu bạn tôi có người ra đời cưới vợ thì hai ni cô xinh như Lan trong tiểu thuyết trở thành hai vị tu sĩ đáng kính, phụ trách hai ngôi chùa có hằng mấy trăm ni (Viên Chiếu).

Là tín đồ Ky tô giáo, tôi lại “có duyên” với Phật giáo khá nhiều. Lúc tỵ nạn chiến tranh, là học sinh vùng quê, tôi học không ra gì; tha thẩn từ sông ra đồng ruộng, tắm sông, sắm ná bắn chim là chính, nên không thi đỗ vào trường công lập, buộc phải học trường tư thục Bồ Đề.

Do học khá rồi giỏi, tôi có một số bạn yêu mến đó là các chú tiểu trong chùa. Và sau này là hai ni cô kể trên, khi tôi được tuyển thẳng vào trường công lập Trần Quý Cáp nhờ đứng thứ hạng cao (từ 1 đến 3 thì phải). Gác chuông và gác trống của chùa Pháp Bảo (chùa Tỉnh hội) là nơi tôi và các chú tiểu leo lên đó để…ôn bài, chỉ bài tập cho nhau. Có lần tôi cũng được “chọn” làm người gõ khánh, một dụng cụ ngắt câu kinh của một hồi tụng (lâu quá, không rõ có phải thế không).

Friday, November 3, 2023

NHƯ CỔ TÍCH

Chú voi biểu tượng (hình) ở đất nước Kenya vừa mới qua đời, tuổi phỏng đoán từ 60 đến 65. Voi ở Việt Nam còn lại bao nhiêu con? Tôi không rõ. Nhưng ở vùng quê “cổ tích” của tôi (Tây Quảng Nam), chúng nhiều đến nỗi làm sợ hãi dân làng. Đi thành bầy, thường xuyên, chúng xuất hiện phá hại lúa ở những thửa ruộng sát bìa rừng (ruộng lúa gieo cấy bằng nước “trời” - nước mưa, nước khe suối). Đó là những năm tôi chưa sinh ra. Đầu thế kỷ 20 khi núi rừng còn là thế giới huyền ảo, cọp gọi là “ông Hổ”, voi gọi bằng “ông Bồ”.

Không sợ hãi chúng, một nông dân gan dạ - ông Bốn- rắp tâm “trả đũa”. Dựa vào thói quen voi đầu đàn hay cạ mình vào thân cây ‘dừng’ (lộc vừng) cổ thụ, gốc hai người ôm khi ‘đàn em’ say sưa quậy phá, ông Bốn leo lên cao, với một mo cau chứa đầy ‘dầu rái’ (lấy từ cây dầu dùng để trét ghe nan, thúng, mũng…) đang đốt cháy. Thấy lưng như tấm phản của con voi ở ngay bên dưới chỗ ngồi an toàn trên cao, ông đổ chất lỏng đang bốc cháy của dầu rái xuống, lửa cháy theo dầu lan ra, ngọn bốc lên cao. Voi đầu đàn rống lên nhiều tiếng thảm thiết vang động núi rừng tịch mịch trong đêm tối. Vốn thông minh, những con voi khác dung vòi nhổ những bụi lách (một loại lau sậy) có rễ dính bùn vất lên lưng vị đàn anh gặp nạn. Dầu không phải là xăng. Nó cháy dai dẳng rất lâu. Cả đàn voi bỏ chạy. Bẵng thời gian, đàn voi không xuất hiện nữa. Những thửa ruộng Ông Bốn và dân làng xanh tốt hơn xưa.

Dân làng mừng rỡ. Càng mừng rỡ hơn, có người kể đã từng thấy con voi cháy lưng đang ở một vùng rừng núi khác. Những cây lách vẫn ‘tươi tốt’ trên lưng nó. Đây là dấu hiệu chắc chắn cho biết ‘thành tích’ của vị nông dân gan dạ. Không rõ, lách sống trên lưng voi bao lâu nhưng câu chuyện con “Voi Lách” vẫn còn trong kho ‘cổ tích’ của những vị bô lão còn sống cho đến ngày nay.

Câu chuyện trên chỉ nghe kể lại nhưng câu chuyện này có thật. Nhân vật chính là ông nội tôi. Tuổi ông có lẽ ngang ngửa với thân sinh cụ Nguyễn Sinh Cung. Ông tôi có võ nghệ khá thuần. Sở thích là bẫy thú rừng. Nai, mang (mễnh), heo rừng… cứ năm bảy ngày hay lưng nửa tháng bắt một con. Có một lần - và cũng là lần duy nhất, ông bị buộc từ bỏ đam mê bẫy thú rừng- bẫy ông mắc một con…beo (hai ‘đòn khiêng’ – nghĩa là 4 người khiêng bằng 2 đòn cây).

Ngày xưa không có đồng hồ, đi ‘thăm bẫy’ dựa vào tiếng gà gáy. Không rõ ngứa miệng hay sao, hôm đó con gà gáy quá sớm. Ông tôi thức dậy, rút chiếc mác dài vác lên vai rồi một mình lặng lẽ vô rừng “làm nhiệm vụ”.

Dưới bóng trăng mờ bìa rừng, ông mừng rỡ ngỡ con beo là con cáo khổng lồ dính bẫy. Đến gần, con beo gầm to một tiếng chồm tới, ông tôi trụ người ở tư thế phản công, mũi mác chĩa tới trước; chiếc cần bẫy tre đực dẻo dai bật mạnh, sợi dây thừng cột trên đỉnh thít chặt chân trước quật ngược lại do trớn nhảy của con thú. Thú bật ngửa phơi bụng trắng nhờ trên đất. Đây là thời điểm mũi mác phóng vào ngực nó. Với phản xạ cực nhanh, con thú chụp lấy cán mác giật mạnh, mác gãy đôi, mũi mác văng ra, phần cán dài hơn 1 mét vẫn còn trên tay ông tôi nhờ nắm chặt. Thế là, mỗi lần nhứ, con thú chồm tới, sợi dây thừng giật ngược, thú té ngửa ra sau, miệng gầm dữ dội sau mỗi cú đánh vào ngưc của ông. Không rõ bao lâu thì con báo chết và ông tôi cũng ngất đi vì sợ và vì mệt: ông hiểu mình đang đánh một con… beo, điều ông không hề nghĩ tới vì cứ ngỡ là con cáo khổng lồ dưới ánh trăng nhờ nhờ mờ ảo.

Mặt trời lên ‘một sào’ (tầm 9 giờ, cách đo đếm thời gian hồi xưa ở quê tôi), cha tôi không thấy ông về. Biết là gặp nguy. Thời đó, cọp ra bắt người, bắt heo tha vào rừng là chuyện thường xuyên vì làng mạc ít người ở lại nằm gần bìa rừng thâm u. Bác tôi kêu thêm một vài thanh niên lực lưỡng, vũ trang rựa rìu, cùng vào rừng nơi ông nội thường đặt bẫy trong tâm trạng lo lắng sợ hãi.

Thấy ông nội và con beo nằm bất động, cả hai dính đầy máu, cha tôi sụp xuống ôm lấy ông, khóc nức nở. Con beo giết cha mình rồi sao. Ông tôi bỗng mở mắt. Nhìn mọi người chung quanh, ông mỉm cười, chắc thầm nghĩ ‘mình hãy còn sống sao’.

Thịt beo chia ra cho hàng xóm và bà con, ăn lấy lộc. Da beo phơi khô độn trấu, nhìn như con thú còn sống. Hiện nay, cháu đích tôn của dòng họ nhà tôi vẫn còn giữ được một chiếc vuốt khá to của con beo. Dân làng lầm lẫn beo (báo?) với cọp. Từ đó, ông tôi có biệt danh “ông Thắng đánh cọp”.

Tôi kể hai câu chuyện trên cho dài dòng để nối tiếp câu chuyện nữa: cũng là bẫy thú rừng.

Những năm sau 1954, quê tôi vẫn còn rất nhiều thú rừng. Cọp thi thoảng mới thấy ở rừng sâu; voi cũng vậy. Ông Phạm Hùng từng săn một con cọp ở tả ngạn sông Bung (giờ có thủy điện sông Bung). Voi cũng bị chết dưới tay ông vài con. Thời đó chưa thấy ai cấm bắn cọp bắn voi. Nhưng mang (mễnh) và heo rừng thì nhiều “vô kể”. Súng không dễ gì có; người ta sử dụng phương tiện khác để bắt thú rừng. ‘Hầm heo’ là phổ thông nhất.

 NGười ta chọn một khoảng đất khá trống trải đầu bìa rừng để đào hầm bẫy heo rừng. Hầm dài 5 mét, rộng 1 mét, sâu 3 mét. Đáy hầm nhỏ lại ở dưới như hình tam giác, miệng hầm là đáy, đáy hầm là đỉnh của tam giác ấy. Đáy hầm hẹp có mục đích, heo rơi xuống đó không lấy được trớn để nhảy lên khỏi miệng hầm. Chung quanh hầm 1 mét có một hàng rào tre vót nhọn cao 1,5 m. Đầu hầm chừa khoảng trống làm cửa. Tại đây sẽ có một tấm ‘giá khổ’ chừng 3 mét cao 1,5 treo lên cao, cài bằng một then nối với một sợi dây. Khi vướng dây, giá khổ rớt xuống, heo rừng hốt hoảng nhảy tới theo hướng hầm đào sẵn, miệng hầm che bằng lá bật cật ngụy trang (giống lá kè miền Nam). Heo thích rau lang và nhất là sắn. Rau và sắn trồng quanh miệng hầm, giới hạn trong một hàng rào, để dẫn dụ heo vào. Giá khổ làm bằng cây tốt, rất nặng phải hai người hợp lực mới có thể nâng lên để ‘giăng bẫy’.

Khi rớt xuống hầm, chúng sẽ bị đâm chết nếu heo lớn, bắt trói nếu heo con. ‘Tiết canh’ heo rừng nghe đâu rất đặc biệt vì rất ngon.

Nhưng làm sao biết có heo sa vào hầm? Rất dễ. Người ta chừa một cành cây cao gần đó, nối giá khổ với một khung màu trắng (làm bằng lá bật cật) bằng một sợi dây rất mảnh. Khi giá khổ đóng, heo nhảy xuống hầm, chiếc dây nhỏ kia sẽ kéo theo khung màu trắng. Mỗi sáng, ‘chủ hầm’ đều đứng ở đầu làng căng mắt nhìn vào nơi có hình dáng chiếc khung. Không thấy nó, người ta chắc chắc hầm ‘sụp’ và heo đang ở bên dưới. Khi thăm hầm, ít nhất phải hai người, trang bị một hay hai lưỡi mác, phòng gặp heo ‘đực chiếc’ (lợn lòi) có con cực lớn, thịt móc hàm không kể xương có thể tới 1 tạ. Đông người mới có thể lôi heo lên khỏi miệng hầm sâu 3 mét. Có khi, chiếc hầm dài 5 mét ấy chứa cả một bầy heo, một con mẹ và hơn chục con con.

Ngày nay, quê tôi còn nhiều thú rừng không? Heo rừng cũng được. Không. Nói cho gọn. Không một thú nào tìm thấy nữa, kể cả: nhím, cheo, chồn, mang (mễnh), chứ chưa nói tới nai. Cọp, beo, voi…chỉ còn trong ký ức.

Những câu chuyện về thú rừng trở thành cổ tích dù chưa quá 100 năm. Ngày nay, còn heo rừng thiên nhiên không? Còn. Nghe đâu phải qua tận đất Lào để bẫy lén. Khi con thú dính bẫy, việc đầu tiên là chích phot môn rồi xẻ thịt. Trên các bàn tiệc dành cho các ‘’đại gia” ham đặc sản núi rừng, thịt rừng thật (không phải nuôi) và phot môn cũng rất thật. Thiên nhiên tạo ra cây rừng và thú rừng. Con người ngày nay tiệt diệt thú rừng và tàn phá cây rừng. Không hẳn chỉ ở quê hương tôi đâu. Có lẽ là quê hương của rất nhiều quí vị.

Quê hương có thú rừng và cây rừng chỉ còn là câu chuyện “hồi xưa”, một ngày nào đó không còn nghe ai kể nữa…

Wednesday, November 1, 2023

VIỄN KIẾN CỦA MỘT NHÀ LÃNH ĐẠO

1.11.1963 là ngày đảo chánh tổng thống Ngô Đình Diệm. Cuc diện chiến tranh Việt Nam đi qua bước ngoặt quan trọng: Sự can thiệp ra mặt của người Mỹ vào nội tình chính trị miền Nam Việt Nam, một trong điều ông Ngô Đình Diệm lo lắng và không muốn: Mỹ đưa quân vào VN.

Tầm nhìn này được cựu đại sứ VNCH tại Mỹ, ông Bùi Diễm (con trai cụ Bùi Kỷ, cháu Trần Trọng Kim), vừa qua đời ở tuổi 95, chia sẻ trong cuốn hồi ký Trong Gọng Kìm Lịch Sử (bản tiếng Anh chính ông viết: In The Jaw Of History):https://nhatbook.net/gong-kim-lich-su-bui-diem-2019/

“Nếu chỉ nhìn bề mặt của miền Nam Việt Nam vào mùa thu 1967, thì quả thực về cả hai phương diện chính trị và quân sự, tình hình chung đã được cải thiện nhiều so với hai năm về trước, và cuộc bầu cử năm ấy có thể được coi như một cao điểm của cả một giai đoạn. Biểu tình, xáo trộn, đảo chính, tất cả đã nhường chỗ cho những hoạt động chính trị bình thường, một chính phủ hợp hiến, một tình trạng ổn định, ngoài ra cũng không còn mối đe dọa bị tràn ngập bởi một cuộc tấn công của đối phương. Thế nhưng chiến tranh cứ kéo dài, vì vậy mà dưới bề mặt phẳng lặng, người ta vẫn thấy ẩn hiện một số vấn đề phức tạp mà nhiều người cho rằng đã bắt nguồn ngay từ bản chất của cuộc chiến.

Vì mặc dầu sự can thiệp của Hoa Kỳ có giúp nhiều cho Việt Nam, chính sự can thiệp đó cũng lại tạo nhiều khó khăn. Chiến tranh càng kéo dài bao nhiêu, thì sự có mặt của gần nửa triệu quân đội Hoa Kỳ và hàng ngàn cố vấn đủ loại, càng làm cho nhiều người Việt Nam thắc mắc. Họ nhận thấy là người Mỹ có mặt gần như ở mọi lãnh vực trong đời sống hàng ngày của họ. Họ không mấy vui lòng vì Việt Nam phải lệ thuộc quá nhiều vào Hoa Kỳ. Tuy người Mỹ không hống hách như người Pháp thời Việt Nam còn là thuộc địa Pháp, nhưng họ vẫn tự hỏi làm thế nào giữ được chủ quyền, nếu người Mỹ lúc nào cũng đứng đằng sau nắm giữ mọi việc từ cách soạn thảo các chương trình phát triển kinh tế cho đến việc điều động chiến cuộc” (trang 257).

Người Việt Nam vốn "dị ứng" với người ngoại bang, dù đó là ngoại bang Mỹ. Tổng thống Ngô Đình Diệm nhận định đúng: Cần viện trợ Mỹ, không cần quân đội Mỹ. Sự có mặt của họ là cái cớ để đối phương tuyên truyền "chống Mỹ cứu nước". Sau Ngô Đình Diệm không có gương mặt chính trị nào ở Sài Gòn tương xứng tầm vóc của ông. Người Mỹ trả giá đắt vì không hiểu văn hóa VN, người Việt Nam.

Monday, October 23, 2023

CÂY LỤT

"Ông tha mà bà chẳng tha.

Làm cho cây lụt hăm ba tháng mười" (Ca dao)

Ở vùng rừng núi tây Quảng Nam, ông bà chúng tôi thường gọi "cây" lụt mà không gọi trận lụt. Lụt kinh hoàng nhất, hàng ngàn người chết năm 1964 mới có tên Trận lụt năm thìn.

Cây lụt nghe hiền lành hơn, xảy ra vào tháng 9, 10 âm lịch, mùa thu hoạch hoàn tất. Thường sẽ có mưa liên tục 5, 7 ngày, nước sông dâng lên điềm đạm. Người dân quê xem lượng mưa, ngày mưa để quyết định có "dọn lụt" hay không.

Ở nông thôn, gia đình nào cũng bừa bộn vật dụng trong nhà; dọn lụt rất vất vả. Nếu nước không vào nhà, việc khuân vác các thứ từ trên gác xuống thật gian nan và mất rất nhiều thời gian. Vì sao, người dân quê "cân nhắc" việc dọn lụt? Vì họ có thể đoán lụt to hay lụt nhỏ tùy cảm nhận, quan sát lượng mưa, ngày mưa, hồi đó không có dự báo thủy văn ở nông thôn.

Nghe cha dự đoán "nước sẽ vô nhà", tôi khi 9,10 tuổi rất háo hức. Sẽ có nước ở đầu ngõ, trong sân, tha hồ chèo chống bè cùng các trẻ hàng xóm. Bè làm từ cây chuối chặt bằng nhau, kết lại nhờ que tre dài đóng vào thân chuối. Nhiều nhà có ghe đi lại, không bao giờ trẻ chúng tôi được cho đi nhờ để ra ngoài đồng rộng, xem nước lụt ngập mênh mông. Khi nước lên cũng như khi nước rút, trẻ con luôn theo dõi, bằng cách cắm 1 que tre có đánh dấu, xem nhanh hay chậm. Nước lên, trẻ hồi hộp chờ đợi, không khác những ngày chờ tết, sẽ có quần áo mới tinh tươm; nước xuống, lụt sắp hết, lòng man man buồn như khi thấy con dế yêu quý bỗng dưng lăn ra chết, không rõ nguyên do.

Lụt có nước ngâm lâu ngày, từ tốn, đồng ruộng thêm phù sa màu mỡ, mùn lá từ rừng cây bạt ngàn trôi theo dòng nước, đem tươi tốt lại cho mùa màng năm sau. Nước lụt giúp rửa sạch tồn đọng tích tụ mỗi năm; lụt làm bớt đi kẻ thù nhà nông: mấy ông Tý. Lụt giúp cá, tôm đi từ sông vô đồng, trú ẩn lại ở các ao đìa, sinh con đẻ cháu, đem lại nguồn thức ăn tươi cho người lao động.

Đó là "quá khứ" mấy chục năm trước. Giờ đây, theo dõi bão lụt quê nhà, tôi không còn mong lụt như thời còn bé. Chị tôi cho biết chỉ 5 ngày thôi đã có 3 trận (không phải cây) lụt. Vì sao lụt biến thành lũ? Ông thủy điện. Nước tích đầy, ổng phải xả; không xả, ổng vỡ ra thì "ăn cho hết". Lũ trở nên nguy hiểm vì nước dâng như vũ bão. Có lần về quê ngay mùa lụt, tôi mới thấy lũ nguy hiểm hơn lụt rất nhiều: không lường trước chuyện gì. Khi giúp người cháu ra vườn di chuyển độ 30 con heo choai choai bằng ghe nhôm phẳng đáy, nước chưa ngang đầu gối. Lúc các chú heo ụt ịt, an vị trên ghe chuẩn bị đưa lên gác, nước lên tới ngực tôi: thời gian chưa tới 30 phút. Tôi hỏi các năm nước lớn nhanh như vậy không, cháu tôi cười buồn "năm mô cũng rứa. Nước lụt cộng nước xả thành nước lũ, chú ơi!".

Thiếu điện phải cần thủy điện, rất hợp lý. Quê tôi và vài nơi miền Trung có địa thế dễ làm thủy điện nhờ có núi rừng lớp lớp.

Friday, October 6, 2023

SÀI GÒN DỠ PHONG TỎA

(Tản mạn sau 5 ngày Sài Gòn “cởi trói”)

Có thể là hơn 40 năm, lần đầu tiên tôi nghe lại tiếng rao “bánh mì đây” của một người đi bán bánh mì. Bây giờ, chỉ có xe bánh mì hoặc tiệm bánh mì, không có người đi rao bán bánh mì ổ.

Với trẻ con thời xưa, nhất là ở thôn quê, bánh mì là món ăn Tây lạ lẫm. Các bà mẹ quê có dịp ra phố mới có thể mua về cho con: những ổ bánh mì mà chính người mẹ chẳng mấy ai dám ăn vì mọi điều tốt nhất đều dành cho con. Ở miền Nam, thập niên 1950 và 1960, bán bánh mì ổ (không thịt) là một nghề hẳn hoi, chỉ những người nghèo khổ nhất ở thị trấn lớn hay thành phố mới làm. Bánh mì bỏ vào trong một bao vải đã đựng bột mì giặt sạch. Đi gần hết các con phố, bánh mì của người bán vẫn còn nóng nhờ lớp vải dày của bao vải. “Bánh mì nóng dòn đây”. Đó là tiếng rao quen thuộc chỉ những người có tuổi như tôi mới còn nhớ.

Thời tân tiến, không còn những tiếng rao từ những người đi bán dạo. Một vài lời rao hàng thôi, tiếng rao lảnh lót kéo dài có khi cả ngày nhờ một thiết bị nho nhỏ lớn hơn nắm tay.

“Bánh mì đây”, những ngày Sài Gòn trong không khí ngưng đọng, nặng nề, khó thở, ngột ngạt - “ai ở đâu, ở yên đó”; tiếng rao từ một con người, không phải từ máy lại làm tôi sửng sốt. Những ngày tháng chưa có “bình thường mới”, có ai ăn bánh mì không thịt, không chả, không rau mùi, không ớt và không dưa leo?

Đất nước gần 100 triệu dân, nơi nào có cái gì, thì Sài Gòn đều có cái đó. Những ngày phong tỏa, ai có được một ổ bánh mì “vừa nóng, vừa dòn” lấy ra từ một cái túi vải dày, bên trong thêm một lớp túi ni lông? Cầm trên tay, bánh nóng như mới ra lò, thơm phưng phức. Tôi mua một ổ và cắn từng miếng, từng miếng mì dòn rụm, bánh mì không thịt, không nước sốt. Có lẽ như phở Hà Nội thời chiến tranh: phở không người lái (phở không thịt) nhưng cực ngon. Vừa nhai từng tý, chậm rãi, từ tốn, nhảnh nha, tôi vừa thở rất nhẹ, sợ mùi thơm thoang thoảng của ổ bánh mì sẽ tan biến vào thinh không.

Tôi ăn từng miếng như chưa từng ăn một ổ bánh mì trong đời. Gần 4 tháng tóc bạc cứ dài ra. Những ước ao giản dị cũng dài ra theo tóc bạc. Lúc bị hốt vào khu cách ly, mọi cái đều phụ thuôc “nhà nước”, chẳng hạn chỉ một phần tư quả ớt, tôi cũng ước ao. Có hôm, nhận phần cơm, người nấu ăn nào đó “tốt bụng” hay “sơ ý” bỏ vào phần ăn của tôi hơn phân nửa trái ớt đỏ, nỗi mừng vui như vô hạn.

Khi “mất tự do”, chỉ một ánh sáng hay làn không khí lọt qua khe cửa, người ta cảm thấy đất trời đáng yêu vô kể, huống hồ gì một mẩu ớt, thức ăn tôi yêu từ tuổi dậy thì. Ổ bánh mì nóng dòn còn ngon hơn thế.

Vì sao người phụ nữ chưa qua tuổi 30, gương mặt cháy sạm, chỗ không cháy nắng nơi cổ vẫn còn nõn nà, lại có thể liều lĩnh đi bán bánh mì trong thời như giới nghiêm chiến tranh? Tôi thắc mắc và hỏi nhưng cô không đáp, vừa quan sát vừa nở nụ cười (tôi đoán thôi, khẩu trang che mất nụ cười). Khi thắng chiếc xe đạp phía sau là túi đựng mì ổ trước nhà tôi, cô lo lắng nhìn trước, nhìn sau, đôi mắt đầy sợ hãi, như một người sắp sửa phạm tôi. Cô vội vã lôi ra một ổ bánh mì nóng hổi, mùi thơm phưng phức. (Một ổ vì vợ tôi đang nằm nhà thương chữa Covid). Lúc đó chỉ tầm 5.30 sáng, tôi “len lén đi bộ tập thể dục chừng trăm bước tới lui trên lề đường trước nhà.

Sau ngày “giải phóng” 1/10/2021, tôi mới có dịp tìm hiểu lý do. "Khó như thế, cô không sợ bị đóng phạt hay sao?". “Chồng cháu bị kẹt làm công nhân ở Bình Dương, cháu ở Sài Gòn, thường ngày bỏ mối bánh mì cho các xe bán bánh mì. Nay các xe bánh mì không còn, cháu bèn đi bán dạo bánh mì không”. “Lò bánh mì có hoạt động sao?”. “Dạ còn, nhưng rất ít, chỉ đủ cho ba bốn người như chúng cháu- sống qua ngày. Số bột bánh còn dôi ra của họ”.

Người làm (lò) bánh mì kiếm sống hay chỉ muốn giúp những người gắn bó với họ kiếm sống, tôi không rõ; nhưng ăn được ổ mì nóng dòn, thơm, người bán rao kia làm sống trong tôi ao ước giản đơn: ăn một ổ bánh mì trong những ngày Sài Gòn như “chết lâm sàng” vì dịch bịnh, không một thứ gì được bán rong.

Sài Gòn năng động, có tiếng. Sài Gòn bao dung, có tiếng. Sài Gòn “xé rào”, có tiếng. Nếu để ý, quý vị sẽ thấy, kiếng chống giọt bắn ra đời đầu tiên ở Sài Gòn. Các ATM gạo nảy sinh, các cách thức tiếp cận của những người “nghĩa hiệp” đối với đồng bào khốn khó trong những căn nhà tối tăm, lụp xụp, những ngõ hẻm ngoằn ngoèo, có cái sâu hun hút…xuất hiện đầu tiên và rộng khắp, cũng ở Sài Gòn – tuy có lúc người làm từ thiện phải chật vật vì quy định nghiêm ngặt của các cấp thẩm quyền.

Khi đi đến chỗ cho phép tập thể dục ngoài trời sau ngày “giải phóng”, tôi lại phát hiện thêm chuyện “hớt tóc tại nhà” (xin gọi số.... viết nguệch ngoạc trên cửa tiệm hớt tóc bình dân). Bán bánh mì dạo và hớt tóc tại nhà trong thời phong tỏa: phạm luật. Chẳng may bị bắt, họ sẽ chịu phạt, nhân đạo đạo lắm cũng bằng thu nhập một tháng làm chui.

Nhờ có người bán bánh mì rao bất hợp pháp; nhờ bác thợ hớt tóc không tuân thủ quy định giãn cách, những người như tôi mới có được ổ mì để ăn mà nhớ bánh mì trong lúc không một xe bánh mì hay tiệm bánh mì nào có mặt ở thành phố 10 triệu dân; đầu tóc của những người mỗi tháng ra tiệm hớt một lần mới không trở thành tổ quạ.

Những người “phá rào” này thật năng động. Họ sống nhờ “phá rào” và chúng tôi cũng sống nhờ sự liều lĩnh phá rào của họ. Đứng bên lề đường, cả hai người mua, người bán đều mang khẩu trang, đứng cách xa nhau hơn một mét, cả hai đều lấy bình cồn ra xịt vào tiền trả, tiền thối, vào tay, và túi chứa ổ bánh mì nóng hổi, có lẽ cô Vy cũng thương tình không “bắt” con người lao động bé mọn trong trận chiến khổng lồ “chống dịch như chống giặc”.

Người bán bánh mì dạo và người hớt tóc thuộc giới nghèo khổ, có thể nói ít học nhưng cả hai đều rất “năng động” bươn chải cho cuộc sống éo le của họ trong dịch bịnh ở Sài Gòn. Tôi nghĩ, thành phố có rất nhiều giới tinh hoa. Sài Gòn chẳng lẽ không năng động hơn gấp trăm, gấp ngàn lần người bán bánh mì và bác hớt tóc dạo trong lúc ngặt nghèo?

Sài Gòn như một gã khổng lồ, sức khỏe vô song, làm ra 10 đồng chỉ cần tiêu 2 đồng thôi, cũng vui vẻ, nhưng bị trói chặt lại để “đập” con vi rút Vũ Hán - bằng hàng rào, bằng phong tỏa. Bị đập dữ dội như thế mấy tháng, con Covid chẳng xi-nhê, chàng khổng lồ thì xấc bấc, xang bang, tối tăm mặt mũi. Cũng may mắn, nhờ bề trên sớm "diễn biến", chàng mới được cởi trói; Corona vì thế lụi dần (thống kê sau ngày 1/10, các ca nhiễm càng về sau càng ít, tôi tin là con số đúng).

Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi. Chỉ sau năm ngày khởi sắc nhờ mở trói..