Monday, October 23, 2023

CÂY LỤT

"Ông tha mà bà chẳng tha.

Làm cho cây lụt hăm ba tháng mười" (Ca dao)

Ở vùng rừng núi tây Quảng Nam, ông bà chúng tôi thường gọi "cây" lụt mà không gọi trận lụt. Lụt kinh hoàng nhất, hàng ngàn người chết năm 1964 mới có tên Trận lụt năm thìn.

Cây lụt nghe hiền lành hơn, xảy ra vào tháng 9, 10 âm lịch, mùa thu hoạch hoàn tất. Thường sẽ có mưa liên tục 5, 7 ngày, nước sông dâng lên điềm đạm. Người dân quê xem lượng mưa, ngày mưa để quyết định có "dọn lụt" hay không.

Ở nông thôn, gia đình nào cũng bừa bộn vật dụng trong nhà; dọn lụt rất vất vả. Nếu nước không vào nhà, việc khuân vác các thứ từ trên gác xuống thật gian nan và mất rất nhiều thời gian. Vì sao, người dân quê "cân nhắc" việc dọn lụt? Vì họ có thể đoán lụt to hay lụt nhỏ tùy cảm nhận, quan sát lượng mưa, ngày mưa, hồi đó không có dự báo thủy văn ở nông thôn.

Nghe cha dự đoán "nước sẽ vô nhà", tôi khi 9,10 tuổi rất háo hức. Sẽ có nước ở đầu ngõ, trong sân, tha hồ chèo chống bè cùng các trẻ hàng xóm. Bè làm từ cây chuối chặt bằng nhau, kết lại nhờ que tre dài đóng vào thân chuối. Nhiều nhà có ghe đi lại, không bao giờ trẻ chúng tôi được cho đi nhờ để ra ngoài đồng rộng, xem nước lụt ngập mênh mông. Khi nước lên cũng như khi nước rút, trẻ con luôn theo dõi, bằng cách cắm 1 que tre có đánh dấu, xem nhanh hay chậm. Nước lên, trẻ hồi hộp chờ đợi, không khác những ngày chờ tết, sẽ có quần áo mới tinh tươm; nước xuống, lụt sắp hết, lòng man man buồn như khi thấy con dế yêu quý bỗng dưng lăn ra chết, không rõ nguyên do.

Lụt có nước ngâm lâu ngày, từ tốn, đồng ruộng thêm phù sa màu mỡ, mùn lá từ rừng cây bạt ngàn trôi theo dòng nước, đem tươi tốt lại cho mùa màng năm sau. Nước lụt giúp rửa sạch tồn đọng tích tụ mỗi năm; lụt làm bớt đi kẻ thù nhà nông: mấy ông Tý. Lụt giúp cá, tôm đi từ sông vô đồng, trú ẩn lại ở các ao đìa, sinh con đẻ cháu, đem lại nguồn thức ăn tươi cho người lao động.

Đó là "quá khứ" mấy chục năm trước. Giờ đây, theo dõi bão lụt quê nhà, tôi không còn mong lụt như thời còn bé. Chị tôi cho biết chỉ 5 ngày thôi đã có 3 trận (không phải cây) lụt. Vì sao lụt biến thành lũ? Ông thủy điện. Nước tích đầy, ổng phải xả; không xả, ổng vỡ ra thì "ăn cho hết". Lũ trở nên nguy hiểm vì nước dâng như vũ bão. Có lần về quê ngay mùa lụt, tôi mới thấy lũ nguy hiểm hơn lụt rất nhiều: không lường trước chuyện gì. Khi giúp người cháu ra vườn di chuyển độ 30 con heo choai choai bằng ghe nhôm phẳng đáy, nước chưa ngang đầu gối. Lúc các chú heo ụt ịt, an vị trên ghe chuẩn bị đưa lên gác, nước lên tới ngực tôi: thời gian chưa tới 30 phút. Tôi hỏi các năm nước lớn nhanh như vậy không, cháu tôi cười buồn "năm mô cũng rứa. Nước lụt cộng nước xả thành nước lũ, chú ơi!".

Thiếu điện phải cần thủy điện, rất hợp lý. Quê tôi và vài nơi miền Trung có địa thế dễ làm thủy điện nhờ có núi rừng lớp lớp.

Xưa: "Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù" nay: "Rừng gây lũ lụt, lũ quay dân lành". Phát triển phải hy sinh? Không có cuộc sinh đẻ nào không đau đớn (Lê Nin). Nay, có đẻ mổ không đau, liệu có nên bớt đẻ...thủy điện được không? Lựa chọn thay thế bằng điện gió, điện mặt trời, kể cả điện nguyên tử, sao lại không.

Tôi yêu "cây" lụt nhưng không yêu "trận" lụt. Trận lụt giống trận chiến, chết chóc nhiều, tang thương lớn.