Friday, October 6, 2023

SÀI GÒN DỠ PHONG TỎA

(Tản mạn sau 5 ngày Sài Gòn “cởi trói”)

Có thể là hơn 40 năm, lần đầu tiên tôi nghe lại tiếng rao “bánh mì đây” của một người đi bán bánh mì. Bây giờ, chỉ có xe bánh mì hoặc tiệm bánh mì, không có người đi rao bán bánh mì ổ.

Với trẻ con thời xưa, nhất là ở thôn quê, bánh mì là món ăn Tây lạ lẫm. Các bà mẹ quê có dịp ra phố mới có thể mua về cho con: những ổ bánh mì mà chính người mẹ chẳng mấy ai dám ăn vì mọi điều tốt nhất đều dành cho con. Ở miền Nam, thập niên 1950 và 1960, bán bánh mì ổ (không thịt) là một nghề hẳn hoi, chỉ những người nghèo khổ nhất ở thị trấn lớn hay thành phố mới làm. Bánh mì bỏ vào trong một bao vải đã đựng bột mì giặt sạch. Đi gần hết các con phố, bánh mì của người bán vẫn còn nóng nhờ lớp vải dày của bao vải. “Bánh mì nóng dòn đây”. Đó là tiếng rao quen thuộc chỉ những người có tuổi như tôi mới còn nhớ.

Thời tân tiến, không còn những tiếng rao từ những người đi bán dạo. Một vài lời rao hàng thôi, tiếng rao lảnh lót kéo dài có khi cả ngày nhờ một thiết bị nho nhỏ lớn hơn nắm tay.

“Bánh mì đây”, những ngày Sài Gòn trong không khí ngưng đọng, nặng nề, khó thở, ngột ngạt - “ai ở đâu, ở yên đó”; tiếng rao từ một con người, không phải từ máy lại làm tôi sửng sốt. Những ngày tháng chưa có “bình thường mới”, có ai ăn bánh mì không thịt, không chả, không rau mùi, không ớt và không dưa leo?

Đất nước gần 100 triệu dân, nơi nào có cái gì, thì Sài Gòn đều có cái đó. Những ngày phong tỏa, ai có được một ổ bánh mì “vừa nóng, vừa dòn” lấy ra từ một cái túi vải dày, bên trong thêm một lớp túi ni lông? Cầm trên tay, bánh nóng như mới ra lò, thơm phưng phức. Tôi mua một ổ và cắn từng miếng, từng miếng mì dòn rụm, bánh mì không thịt, không nước sốt. Có lẽ như phở Hà Nội thời chiến tranh: phở không người lái (phở không thịt) nhưng cực ngon. Vừa nhai từng tý, chậm rãi, từ tốn, nhảnh nha, tôi vừa thở rất nhẹ, sợ mùi thơm thoang thoảng của ổ bánh mì sẽ tan biến vào thinh không.

Tôi ăn từng miếng như chưa từng ăn một ổ bánh mì trong đời. Gần 4 tháng tóc bạc cứ dài ra. Những ước ao giản dị cũng dài ra theo tóc bạc. Lúc bị hốt vào khu cách ly, mọi cái đều phụ thuôc “nhà nước”, chẳng hạn chỉ một phần tư quả ớt, tôi cũng ước ao. Có hôm, nhận phần cơm, người nấu ăn nào đó “tốt bụng” hay “sơ ý” bỏ vào phần ăn của tôi hơn phân nửa trái ớt đỏ, nỗi mừng vui như vô hạn.

Khi “mất tự do”, chỉ một ánh sáng hay làn không khí lọt qua khe cửa, người ta cảm thấy đất trời đáng yêu vô kể, huống hồ gì một mẩu ớt, thức ăn tôi yêu từ tuổi dậy thì. Ổ bánh mì nóng dòn còn ngon hơn thế.

Vì sao người phụ nữ chưa qua tuổi 30, gương mặt cháy sạm, chỗ không cháy nắng nơi cổ vẫn còn nõn nà, lại có thể liều lĩnh đi bán bánh mì trong thời như giới nghiêm chiến tranh? Tôi thắc mắc và hỏi nhưng cô không đáp, vừa quan sát vừa nở nụ cười (tôi đoán thôi, khẩu trang che mất nụ cười). Khi thắng chiếc xe đạp phía sau là túi đựng mì ổ trước nhà tôi, cô lo lắng nhìn trước, nhìn sau, đôi mắt đầy sợ hãi, như một người sắp sửa phạm tôi. Cô vội vã lôi ra một ổ bánh mì nóng hổi, mùi thơm phưng phức. (Một ổ vì vợ tôi đang nằm nhà thương chữa Covid). Lúc đó chỉ tầm 5.30 sáng, tôi “len lén đi bộ tập thể dục chừng trăm bước tới lui trên lề đường trước nhà.

Sau ngày “giải phóng” 1/10/2021, tôi mới có dịp tìm hiểu lý do. "Khó như thế, cô không sợ bị đóng phạt hay sao?". “Chồng cháu bị kẹt làm công nhân ở Bình Dương, cháu ở Sài Gòn, thường ngày bỏ mối bánh mì cho các xe bán bánh mì. Nay các xe bánh mì không còn, cháu bèn đi bán dạo bánh mì không”. “Lò bánh mì có hoạt động sao?”. “Dạ còn, nhưng rất ít, chỉ đủ cho ba bốn người như chúng cháu- sống qua ngày. Số bột bánh còn dôi ra của họ”.

Người làm (lò) bánh mì kiếm sống hay chỉ muốn giúp những người gắn bó với họ kiếm sống, tôi không rõ; nhưng ăn được ổ mì nóng dòn, thơm, người bán rao kia làm sống trong tôi ao ước giản đơn: ăn một ổ bánh mì trong những ngày Sài Gòn như “chết lâm sàng” vì dịch bịnh, không một thứ gì được bán rong.

Sài Gòn năng động, có tiếng. Sài Gòn bao dung, có tiếng. Sài Gòn “xé rào”, có tiếng. Nếu để ý, quý vị sẽ thấy, kiếng chống giọt bắn ra đời đầu tiên ở Sài Gòn. Các ATM gạo nảy sinh, các cách thức tiếp cận của những người “nghĩa hiệp” đối với đồng bào khốn khó trong những căn nhà tối tăm, lụp xụp, những ngõ hẻm ngoằn ngoèo, có cái sâu hun hút…xuất hiện đầu tiên và rộng khắp, cũng ở Sài Gòn – tuy có lúc người làm từ thiện phải chật vật vì quy định nghiêm ngặt của các cấp thẩm quyền.

Khi đi đến chỗ cho phép tập thể dục ngoài trời sau ngày “giải phóng”, tôi lại phát hiện thêm chuyện “hớt tóc tại nhà” (xin gọi số.... viết nguệch ngoạc trên cửa tiệm hớt tóc bình dân). Bán bánh mì dạo và hớt tóc tại nhà trong thời phong tỏa: phạm luật. Chẳng may bị bắt, họ sẽ chịu phạt, nhân đạo đạo lắm cũng bằng thu nhập một tháng làm chui.

Nhờ có người bán bánh mì rao bất hợp pháp; nhờ bác thợ hớt tóc không tuân thủ quy định giãn cách, những người như tôi mới có được ổ mì để ăn mà nhớ bánh mì trong lúc không một xe bánh mì hay tiệm bánh mì nào có mặt ở thành phố 10 triệu dân; đầu tóc của những người mỗi tháng ra tiệm hớt một lần mới không trở thành tổ quạ.

Những người “phá rào” này thật năng động. Họ sống nhờ “phá rào” và chúng tôi cũng sống nhờ sự liều lĩnh phá rào của họ. Đứng bên lề đường, cả hai người mua, người bán đều mang khẩu trang, đứng cách xa nhau hơn một mét, cả hai đều lấy bình cồn ra xịt vào tiền trả, tiền thối, vào tay, và túi chứa ổ bánh mì nóng hổi, có lẽ cô Vy cũng thương tình không “bắt” con người lao động bé mọn trong trận chiến khổng lồ “chống dịch như chống giặc”.

Người bán bánh mì dạo và người hớt tóc thuộc giới nghèo khổ, có thể nói ít học nhưng cả hai đều rất “năng động” bươn chải cho cuộc sống éo le của họ trong dịch bịnh ở Sài Gòn. Tôi nghĩ, thành phố có rất nhiều giới tinh hoa. Sài Gòn chẳng lẽ không năng động hơn gấp trăm, gấp ngàn lần người bán bánh mì và bác hớt tóc dạo trong lúc ngặt nghèo?

Sài Gòn như một gã khổng lồ, sức khỏe vô song, làm ra 10 đồng chỉ cần tiêu 2 đồng thôi, cũng vui vẻ, nhưng bị trói chặt lại để “đập” con vi rút Vũ Hán - bằng hàng rào, bằng phong tỏa. Bị đập dữ dội như thế mấy tháng, con Covid chẳng xi-nhê, chàng khổng lồ thì xấc bấc, xang bang, tối tăm mặt mũi. Cũng may mắn, nhờ bề trên sớm "diễn biến", chàng mới được cởi trói; Corona vì thế lụi dần (thống kê sau ngày 1/10, các ca nhiễm càng về sau càng ít, tôi tin là con số đúng).

Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi. Chỉ sau năm ngày khởi sắc nhờ mở trói..

Saturday, September 30, 2023

CHO MƯỢN CÁI THANG

Ngày nay, bánh trung thu không còn là niềm mong ước của trẻ thơ. Không rõ ở thôn quê, trẻ em thành thị bây giờ rất hờ hững với những chiếc bánh đựng trong những hộp giấy sang trọng và lấp lánh sắc màu. Hai chất cần thiết cho sự sống là đường và tinh bột không còn cần thiết nữa trong những chiếc bánh trung thu đầy đủ dưỡng chất, quá ngon và quá ngọt ấy.

Nhưng đối với chúng tôi – tuổi ‘xưa nay hiếm’ – bánh trung thu là một ước mơ của tuổi thơ. Cơm là thức ăn hằng ngày mà (cơm) nếp lại là hàng ‘đẳng cấp’. Ngày trọng đại như Tết hay kỵ giỗ, trẻ con mới được dịp ăn…xôi. Xôi là loại cung cấp tinh bột rất quý. Người lớn còn thích huống hồ trẻ con. “Chập chập rồi lại cheng cheng. Con gà trống thiến để riêng cho thầy. Đơm xôi thời đơm cho đầy. Đơm mà vơi đĩa thòi thầy không ưa”. Xôi nấu từ nếp quan trọng lắm lắm. Không quan trọng người ta đâu có ghép hai chữ xôi và thịt thành “xôi thịt”, xôi luôn ngon khi ăn kèm với thịt; chỉ có ‘bọn xôi thịt’ mới không khen ngon.

Dông dài để nói cái quan trọng của một loại bánh trung thu hồi nhỏ chúng tôi được phát trong đêm rằm tháng tám: Bánh ú. Bánh ú là đơn vị nhỏ nhứt nhưng ăn có thể ấm bụng nhứt. Trẻ em tập trung đầy đủ ra “nhà hội” – một loại ‘nhà văn hóa’ ngày nay, hay là đình trung ngày xưa. Các em sẽ ngồi sắp hàng như xếp hàng vào lớp. Ngồi mà không đứng vì các em phải chờ rất lâu để ‘ổn định trật tự’. Khi thấy số lượng khớp hay gần khớp với số bánh ú có sẵn thì người ta bắt đầu phát bánh. Còn nhỏ, tôi không nhớ là ai nấu bánh nhưng chắc chắn ở quê không ai ‘mướn’ nấu hay mua bánh ú để làm quà trung thu. Mỗi năm chỉ có một lần. Chắc chắn có một hay hai mạnh thường quân nào trong làng muốn đem lại niềm vui cho tuổi thơ và có thể cho con cháu của họ. Những năm tháng yên bình chưa có khói súng chiến tranh.

Điều đáng nói bánh ú trung thu ấy không em nào nhận ‘thêm’ một chiếc 'ngoài' tiêu chuẩn. Có thể ngồi cuối hàng rồi chạy qua hàng khác nhân lúc chộn rộn lãnh bánh để ‘nhận’ thêm một cái bánh quý giá. Trẻ con rất ngây thơ, trong sáng. Chúng không ‘nghĩ’ ra ‘mưu đồ’ giành lấy phần hơn. Có em lột bánh ra ăn ngay nhưng có em cầm lấy trên tay như là niềm hãnh diện- để ‘dành’ mang về nhà chia phần cho anh chị hoặc em nhỏ chưa nằm trong tuổi nhận bánh ‘theo quy định’ của thôn làng.

Ở miền Trung, tháng tám là tháng mưa dầm. Chẳng thà mưa thật to nước ngập mọi nhà. Người ta chèo ghe đến từng gia đình để phát bánh ú trung thu. Chứ mưa dầm rả rích, đêm trung thu trở thành ‘đêm không ngủ’ vì thao thức mong được cùng nhau ra ‘đình’, nghe tiếng trống lân giục giã ‘tiếng’ trung thu, đón mừng vầng trăng sáng vành vạnh trên bầu trời trong xanh, cao vút.

Người miền Nam sẽ rầu thúi ruột nếu vô phước tham quan miền Trung nhằm những tuần (không phải ngày) mưa dầm ‘thúi đất’. “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm”, huống chi mưa dầm! Lũ lụt có ảnh hưởng đến trung thu không? Vô vàn. Hãy tưởng tượng cảnh lầy lội khi ban đêm, ở quê trời rất tối, không đèn điện, trẻ con phải lục tục đến nhà hội để lãnh quà trung thu. Vậy là, bánh ú trung thu sẽ mang đến từng nhà. Cầm chiếc bánh ú còn nóng trên tay mà lòng đứt từng đoạn ruột: Bóng trăng chìm trong bóng mây. Ánh trăng là ánh đèn ‘bóng hột vịt’ trong nhà leo lét. Tiếng trống trung thu lẫn chìm mất hút trong tiếng mưa dầm nẫu ruột, nát gan. Còn đâu:

Bóng trăng trắng ngà có cây đa to

Có thằng Cuội già ôm một mối mơ

….

Mười lăm tháng Tám trời cho

Một ông trăng sáng thật to

Các em thích cười muốn lên cung trăng

Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang (*)

Trung thu ngày nay có nhiều quà bánh hơn nhưng trẻ em (có thể là) ít háo hức hơn chúng tôi thời con nít ở một vùng quê heo hút xa xăm. Niềm vui trẻ con bây giờ phong phú và đa dạng. Mùi vị của những chiếc bánh đắt tiền không làm cho chúng ‘ngẩn ngơ’ như chúng tôi: Mùi nếp chin tỏa ra nhẹ nhàng từ chiếc bánh vừa tháo dây buộc và tước từng mảnh là chuối thơm phưng phức. Mùi của bánh trung thu.

“Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang

Cho mượn cái thang ...”

“Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang

Cho mượn cái thang ...”

(*) Nhạc sĩ Lê Thương.

DẠY THÊM, THỜI VNCH CÓ KHÔNG?

Xin trả lời ngay: Có. Ở một thành phố tiêu biểu ‘hiếu học’ của tỉnh Quảng Nam, Hội An, việc học thêm diễn ra “xưa như trái đất”. Có trường học là có học thêm.

Vì sao học thêm? Có hai lý do: Học để nâng cao môn nào đó học sinh yêu thích hoặc khó tự học và học để đi thi, hay gọi là học ‘luyện thi’. Các môn khó hay thích thường là ngoại ngữ, toán, lý, hóa. Không ai dạy thêm cũng như học thêm các môn: Văn, công dân giáo dục, triết, vạn vật (môn sinh?), nữ công gia chánh, thể dục…Còn luyện thi (lấy bằng tiểu học, trung học, bỏ rất sớm, và tú tài 1- lớp 11- cũng bỏ nốt trước 1975, một năm thì phải) thì học các môn: Toán, Lý, Hóa và nhất là ngoại ngữ.

Ai là người dạy thêm? Có thể là người chưa hề đi dạy nhưng rất giỏi ngoại ngữ (Anh, Pháp) muốn mở lớp ‘dạy thêm’. Và những giáo viên nổi tiếng muốn dạy thêm; tất nhiên không ai nổi tiếng đều dạy thêm; nghề dạy học lúc đó có thể nuôi cả gia đình (lương một giáo viên cấp 3 cao hơn lương phó quận trưởng, hay kỹ sư Phú Thọ).

Không ai cho phép hay cấm dạy thêm. Có cung ắt phải có cầu. Học sinh muốn học thêm ắt có thầy sẽ dạy thêm. Khi chuẩn bị thi tú tài 1 và tú tài 2, học sinh mới chịu khó ôm vở đi học thêm. Học thêm diễn ra mỗi buổi tối hoặc ngày nghỉ như thứ bảy hay chúa nhật. Tất nhiên, không phải học sinh nào thi tú tài đều đi học thêm. Tự học tại nhà hoặc ‘cặp bạn’ một hai học sinh xuất sắc để cùng nhau học tập. Toán, lý, hóa thì toán là có người học thêm nhiều nhất, tôi không hiểu tại sao. Kế đến mới là ngoại ngữ.

Có ‘trung tâm’ luyện thi không? Không. Đâu có nhiều học sinh học thêm mà lập trung tâm. Như vậy, toàn tỉnh (nói cho rộng ra) chỉ có một hay đôi ba chỗ dạy thêm. Nơi dạy thường là trong nhà thầy (ít thấy cô dạy thêm;có lẽ họ còn lo việc bếp núc và chăm sóc gia đình). Thầy dạy có tiếng, học sinh học thêm đông, thì mượn chỗ dạy; có thể đó là hội quán người Hoa hay các đình bỏ trống (ít khi thuê; dân khá giả Hội An thường không lấy tiền chỗ dạy học trò).

Học phí học thêm có nhiều không? Nhẹ hều. Học thêm không nghe phụ huynh nào than vãn đắt đỏ. Miễn con có ‘đôi ba chữ’ là cha mẹ vui lòng rồi. Tiền có sá là bao. Dân Quảng chúng tôi nghèo… mà rất hiếu học. Tôi muốn nói học thêm để thi tú tài (1,2). Tú tài là cái bằng ngốn công sức rất lớn của học sinh và cha mẹ. Tỷ lệ đậu tú tài 1 chừng 35-40%; tú tài hai chừng 15-25%. Có câu “Rớt tú tài anh đi trung sĩ (chỉ huy chừng 1 trung đội). Em đi làm sở Mỹ nuôi con”. Hay câu hát “Ta hỏng tú tài, ta hụt tình yêu…Đau lòng ta muốn khóc. Đau lòng ta muốn khóc”. Viễn cảnh thê thảm như rứa nên học thêm để thi là việc làm ‘dầu sôi lửa bỏng’ ảnh hưởng đến tương lai. Ai rớt một năm thì phải nhập ngũ.

Có một trường hợp duy nhất, học thêm không tốn tiền. Đó là những năm sau 1971 hay 1972 gì đó. Thầy dạy thêm không hề dạy học là (đại đức, thượng tọa?) Thích Tuệ Không. Gần như phân nửa học sinh thi cuối cấp đều học ông. Sự “uyên bác” trong mọi môn học của vị thầy giúp rất nhiều việc nâng cao tỷ lệ học sinh đỗ tú tài. Học thêm với thầy đông như đi xem phim hay coi hát. Điều lạ lùng, có lớp trên 50 em nhưng họ im phăng phắc mỗi lần ông cất tiếng bắt đầu giảng bài. Những năm thầy Tuệ Không dạy, một số lớp dạy thêm khác đều ‘giải tán’ vì không ai theo học, không phải học sinh sợ tốn tiền, mà vì muốn học với “siêu” thầy trước nay chưa từng dạy học.

Lấy tiền ít hay không đáng kể hoặc không lấy tiền…trong các lớp học thêm chứng tỏ: Học thêm là tự nguyện của người thầy, người trò. Học thêm là một nhu cầu có thực nhẹ tựa ‘lông hồng’.

Ngày nay, học thêm đang là vấn đề nóng bỏng, nặng nề. Thái Hạo, người rất nặng lòng với giáo dục nước nhà, phân tích: “Dạy thêm - học thêm do đâu?”. Thầy đưa ra lý lẽ và giải thích:

“1-Chương trình nặng?”.

Đây là nguyên nhân nhiều người nêu ra nhưng theo thầy: “Nội dung chương trình giáo dục của Việt Nam không phải nặng mà là khô cứng, cách dạy thì nhàm chán, máy móc, nặng tính văn mẫu...”

“2- Do thi cử?”.

“Đúng, thi cử nặng nề cả về nội dung lẫn sự khốc liệt trong “tỉ lệ chọi” đã dẫn đến một cuộc đua và đẩy học sinh vào con đường học thêm”. Nhưng thầy nói nếu quan sát kỹ thì sẽ thấy: “…học sinh Tiểu học, đâu có thi cử gì, nhưng chính ở cấp học này nạn học thêm dường như lại trầm trọng nhất”. Thầy dẫn chứng thêm: “Áp lực thi cử chủ yếu là đối với học sinh lớp 9 chuyển cấp lên lớp 10 và học sinh 12 thi vào đại học”. Áp lực thi theo thầy: “Cái áp lực thi vào công lập là do đâu? Do thiếu trường. Vậy giải pháp đơn giản là xây thêm trường. Nhà nước không thể phó mặc cho dân tự bơi tìm trường trong khi trường lớp thiếu nghiêm trọng như hiện nay”.

“3- Vì thành tích của nhà trường?”.

“Có, và khá nặng, nhất là đối với những trường THPT chuyên, trường chất lượng cao. Nhưng các trường phổ thông bình thường thì không hoặc không đáng kể”.

“4- Vì tiền?”.

Thái Hạo thẳng thắn:” Theo tôi, đây mới là nguyên nhân chính”. Thầy giải thích: “Nếu vì chất lượng, vì sự phát triển của học sinh thì các nhà trường sẽ thực hiện đầy đủ và hiệu quả chương trình Giáo dục Quốc dân”. “Giáo dục Quốc dân”: Như vậy thì đâu cần học thêm, cứ theo chương trình của bộ đưa ra, tự khắc, học sinh sẽ học tốt ở trường.

Thái Hạo dứt khoát: “Bên cạnh đó là ép học sinh học thêm bằng đủ các mánh khóe chiêu trò, như viết đơn tự nguyện, chèn vào giờ chính khóa, đưa tiết chính khóa cài vào buổi học thêm, trả bài chính khóa trong buổi học thêm, phân biệt đối xử, cố tình gây khó dễ bằng điểm số; liên kết với bên ngoài và gắn những cái tên rất kêu như STEM, STEAM, Tin học Quốc tế, Tiếng Anh Bản ngữ, Kỹ năng sống, v.v…”

Thời đại nào cũng có học sinh. Thời đại nào cũng có học thêm. Thời VNCH cũng thế. Học thêm nhẹ nhàng và chưa hề là “vấn nạn” dù thi tú tài thời đó rất “sát phạt”, rất cam go, không kém phần gian khổ. Chỉ có thời nay, sao học thêm lại cần thuốc chữa nhức đầu nhiều như thế.

Wednesday, September 27, 2023

MỘT BỨC ẢNH

Tôi vừa đăng, để thay đổi không khí, một bức ảnh, chụp từ cuốn sách của ký giả Mỹ, Catherine Karnow, tặng cho tôi mấy năm trước. Hình như năm ngoái, trên mạng cũng có ai đăng ảnh này, và status ấy đón nhận hàng trăm lời nhận xét (comment) khác nhau, hầu hết là ‘chống đối’ nhau – giông giống như với bức hình tôi đăng (tuy còm ít hơn).

(Ảnh của Catherine Karnow).

Với câu hỏi, phụ nữ trong ảnh đến từ vùng nào, thì có một số bảo, cô ấy là người miền Nam; số khác cho là người miền Bắc. Tất cả đều không đúng: Cô ta không ở “vùng” nào cả. Nguyễn Phương Anh, một người Mỹ gốc Việt, về Sài Gòn mở quán Q Bar năm 1992 – những năm VN bắt đầu mở cửa mạnh mẽ. Cách ăn bận ‘mát mẻ’, đi xe xịn (thời đó đã sắm Vespa là oai lắm), không bước xuống xe và nắm cổ con gà, thay vì nắm chân dốc ngược, chắc chắn không có người Việt nào ở vùng nào mà như thế. Quan sát nhiều khách đi đường trố mắt nhìn cô gái mua gà, chúng ta thấy ‘sự khác biệt’ giữa một số người Việt Nam với nhau.

Khác biệt là bản chất sự sống. Cuộc sống giống nhau sẽ là ‘sống mòn’, sống như máy, sống ‘không hồn’. Nhưng có một sự khác biệt -dù rất nhỏ đi nữa- dễ dàng gây chia rẽ, đó là ‘khác biệt’ Nam- Bắc. Chiến tranh chấm dứt gần nửa thế kỷ nhưng hậu quả của nó vẫn chưa chấm dứt. Ở đây, xin đơn cử một số còm trong một status ngắn của tôi về một bức ảnh (Tôi xin mạn phép người có comment)

Tuesday, September 26, 2023

Ký ức tuổi thơ:QUẢ XOÀI

Trẻ em ngày nay nhìn những quả xoài chín không như chúng tôi gần 60 năm trước; ao ước của một đứa trẻ thơ: cầm một quả xoài tròn trĩnh, nhìn màu vàng ươm, ngửi mùi thơm dịu, với cả sự trân quý và lòng háo hức, rồi “cạp” một miếng rõ to, cho "đã", cho thỏa ước mơ, không phải ăn từ tốn theo cách thông thường.

Chiến tranh làm mất đi những cây xoài cổ thụ họa hoằn lắm mới có trong những ngôi làng cũ thời xa xưa ở vùng quê rừng núi Quảng Nam, nơi tôi trải qua một thời thơ ấu. Ông bà chúng tôi không hẳn không yêu cây ăn quả nhưng những vùng quê thường ngập lũ vào mùa mưa, trồng cây rất khó, nhất là cây ăn trái. Chỉ những cây "hữu dụng" tre, cau, chuối, mít (ăn quả non luộc trộn rau răm với đậu phộng rang, ăn quả chín, và dùng lấy gỗ về sau)…được để ý trồng; xoài, ổi, mận…những thứ “ăn chơi” ít được quan tâm.

Xoài rất hiếm là thế. Hiếm không có nghĩa là không có. Những cây xoài nổi tiếng tôi còn nhớ mang những tên cúng cơm như “Xoài quỳ” (một khoảng đất rộng sát bờ sông, có vài ba cây xoài, trong đó có một cây xoài cổ thụ dáng nghiêng như sắp đổ ở thế “quỳ” sống cả trăm năm). Xoài “ông Hiến” là cây xoài khá to, tán lá rộng bát ngát, thân cây hai người ôm, cao như một chàng khổng lồ trong chuyện cổ tích, nằm trên đất người chủ cùng tên. “Xoài Miếu” là tên gọi đôi ba cây xoài trồng trên sân Miếu Ông, một tòa miếu khá đồ sộ theo lời kể, nằm giữa một cánh đồng bao la lúa và lúa, nay chỉ còn là bãi đất rộng trồng cây tràm. Lúc còn bé trước 1960, tôi thấy nền miếu xây gạch vữa vẫn còn, một hai trụ vôi cao trên sân miếu, có những chữ Hán loằng ngoằng, và một tấm bình phong bề mặt còn dấu vết một con hổ đắp bằng chén bể loang lỗ. Miếu đã bị đốt cháy cả tuần lễ thời Việt Minh tiêu thổ kháng chiến.

Ấn tượng của tôi không nhiều về những cây xoài bề thế, đa phần của công cộng như thế. Bởi chúng là của chung, mỗi trận mưa có gió to, lũ trẻ con hay chạy đến, tụ tập dưới gốc, tranh nhau những quả chín rụng xuống, lắm khi chờ cả buổi phải ra về tay trắng, mấy cây xoài to lớn, không thấy một quả rơi, dù gió khá mạnh, những quả xoài đong đưa trên cao như trêu tức, "nhém thèm" lũ trẻ, đang dán mắt và dán niềm hy vọng vào chúng.

Chỉ cây xoài nằm trên đường dẫn về nhà tôi trở thành kỷ niệm in đậm nét nhất trong tâm trí một cậu bé nhà quê.

Mỗi chiều gần tối, ăn cơm xong, tôi "biến” rất nhanh khỏi nhà, “lánh nạn” lau bàn, hay phụ chị tôi mang chén bát ra rửa; nhà có nhiều người ăn, có cả bác trai cày, anh giữ trâu, và vài người giũ rơm, lúc nào cũng dùng cơm với gia đình trong mùa gặt, thường là đầu hạ mùa xoài ra quả.

Cây xoài này là nỗi ám ảnh trong suốt thời gian của tuổi thơ tôi. Ra khỏi nhà lúc mặt trời hãy còn chưa tắt hẳn, và khi về nhà đi ngủ, không rõ mấy giờ mỗi đêm, tôi sợ hãi cái bóng sừng sững của cây xoài cao, tán lá sum suê, che phủ một đoạn đường, nhìn tối om như một thế giới ma quái. Gió thổi rít qua khe lá của những cành cây trên cao, như tiếng hú kéo dài của một bầy “ma con nít”.

'Ma con nít', cha tôi kể, thường đu ở những cành cây cao ban đêm, hoặc chạy nhảy trên ấy, chuyên nhát những đứa trẻ nào đi qua đó quá khuya. Cây xoài ấy thỉnh thoảng có một con ma tinh nghịch, thè lưỡi dài đỏ chót, liếm vào đầu hay thò cánh tay dài hơn đòn gánh, chộp tóc đứa nào đi một mình qua đó, khi mọi người đã đi ngủ.

Lớn thêm một hai tuổi, tôi mới hiểu, những lời kể của cha là để "hù dọa, răn đe": tôi hầu như đi chơi về rất khuya lúc bé. Những trò chơi đêm nào cũng có, từ trò chơi này đến trò chơi khác, hết với đứa này, thì với đứa kia, hết với trẻ xóm trên thì với trẻ xóm dưới. Đi… vui, về… sợ, hằng đêm như thế, mỗi tháng, mỗi năm, trừ những ngày mưa bão, hay lũ lụt. Sợ ma nhưng vẫn đi chơi buổi đêm, tính tôi lạ lùng quá.

Ma luôn luôn là nỗi sợ hãi đối với trẻ con khi vùng quê chưa có đèn điện; những bóng đèn quả trứng sáng le lói hiện diện trong mỗi gia đình thôn quê, trong một không gian tĩnh mịch thỉnh thoảng có những tiếng cú kêu văng vẳng, rợn người.

Trên những cây xoài, ma còn nhiều hơn ở những cây ăn trái khác. Trẻ con hay leo hái trộm ban đêm, có thể ngã té gây họa lây, xoài hay bị hái trộm, những người chủ thường thêu dệt câu chuyện “có ma” nhằm mục đích răn đe.

Có ma nhưng chắc chắn học trò không ngại, vì học trò chỉ sau ma một hạng: Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò. Đây là ví dụ.

Làng tôi có một chủ vườn trồng tương đối nhiều các giống xoài ngon đặc biệt nhờ mang hạt ở miền Nam về. Ông là mục sư thường đi giảng đạo, luôn luôn vắng nhà, chỉ còn người vợ tên là bà Lẫm (thực ra là một cái tên khác). Xoài bà Lẫm, một “thương hiệu” nổi tiếng trong giới trẻ con chúng tôi.

Vườn nhà bà rất rộng, xoài lại trồng sai “quy hoạch”, một vài cây đầu sân vườn, một vài cây cuối vườn, cách nhau hơn 200 mét. Nhà neo người (mỗi một bà, con bà đi học xa ở Sài Gòn) là một ưu tiên cho những “phi vụ” trộm xoài của chúng tôi, mỗi đêm trăng tỏ, nhất là vào mùa hè nghỉ học, có đêm trăng đẹp còn sáng hơn gương.

Kế hoạch tác chiến thảo ra chi tiết. Một vài đứa cầm đất cục ném vào trước sân, gây tiếng động để “dụ” gia chủ mở cửa ra quan sát. Bà đóng cửa khi vào nhà, đạn đất tiếp tục “nã” dồn dập hơn. Khi chủ nhà cầm cây đèn dầu trở ra lần nữa, không thấy ai, bèn trở vào ngủ tiếp, yên tâm, chẳng có gì lo ngại, "mặt trận miền Tây, ý lộn, trên sân vẫn yên tĩnh".

Mặt trận nghi binh đang thực thi thì mặt trận “tập hậu” thực hiện thành công: đã chiếm mục tiêu, những cây xoài sau nhà, các chiến hữu đã hoàn thành nhiệm vụ. Xoài được “tập kết” (khoảng gần mười trái) vào một vị trí “hiểm yếu” không ai có thể phát hiện, trong một mảnh vườn hoang gần đó, sau khi mỗi "chiến sĩ" gặm vội một trái, mừng công.

Sáng hôm sau, khi kéo nhau ra sông, quà ăn chơi của chúng tôi sẽ là một hai quả xoài chiến tích, mỗi đứa cầm gặm, với ít muối đem theo. Xoài thường chua nhưng chua sao nổi với những thằng thèm chua chúng tôi. Tắm xong mạnh ai về nhà nấy. Vài ngày hôm sau, “bổn cũ soạn lại” trong suốt mùa xoài ra trái nhưng "khổ chủ" sẽ là những chủ xoài khác, kiểu "luân chuyển cán bộ".

Nguyên tắc tác chiến của đội quân trong mặt trận trộm xoài là tuyệt đối bí mật: không kể lại, không cho ai biết, không chia sẻ chiến lợi phẩm cho người không nằm trong “tổ chức”. Kỹ lưỡng như thế nhưng...Thiên bất dung gian.

Thủ lãnh của đội quân thiện nghệ, tôi là người nhận quả báo trước tiên, của cái ông Trời có tên Thiên "nhiều chuyện" đó. Địa bàn như cũ nhưng thời gian "đánh quả” thực hiện buổi sáng, không phải buổi tối như mọi lần. Thay đổi thời gian "nguy hiểm" như thế cũng có lý do. Đi ngang qua những cây xoài, chúng tôi nhìn một đôi quả chuyển qua màu vàng hấp dẫn, những quả xoài có cuống dài, đong đưa trong gió, đã thôi thúc chúc tôi gấp rút "ra tay", vì sợ có nhóm khác “phỗng tay trên” , ân hận sẽ tràn trề. Thời cơ chín muồi: chủ nhà đi vắng, theo nguồn tin tình báo đáng tin cậy của một nhóc bạn có nhà gần đó.

Thể hiện mình là thủ lĩnh, tức lãnh đạo như bây giờ, tôi xung phong leo trước cây xoài có những quả đong đưa như đã tả. Đang say sưa với mấy quả xoài ấn tượng, tai tôi vang lên mấy tiếng thét như có người bị điện giật dưới gốc xoài “Bà Lẫm”, “Bà Lẫm”…Mỗi lúc tiếng thét càng to, rồi đột ngột im bặt. Tiếng chân chạy thình thịch bên dưới không to bằng những tiếng đập thình thịch trong lồng ngực của tôi. Tôi rụng rời tay chân, những quả xoài rụng theo, lả tả như mưa thu, rơi khỏi người, nằm sóng soài vô tư trên mặt đất. Nhảy xuống thì sợ gãy chân, tụt xuống thì chủ nhà đang ở dưới gốc, trên tay lăm lăm một con dao phát cỏ, lưỡi loang loáng như gươm. Bà chỉ hù dọa thôi. “Anh hùng khi gấp cũng khoanh tay” chứ đừng nói là tôi. Tôi không còn giữ phong độ thủ lĩnh hay lãnh đạo nữa. Bộ dạng tôi lúc đó có lẽ còn thiểu não hơn những bị cáo cán bộ trước tòa rất nhiều. Tôi vừa tụt xuống đất thì bàn tay rắn chắc của bà chủ nhà như còng sắt, lạnh tanh, kẹp cứng lấy bàn tay non nớt của một cậu bé mới qua 10 tuổi, mà cũng đòi làm lãnh đạo, chỉ đạo đi ăn trộm.

Tôi "vinh dự" được bà cột chặt bằng cọng chuối khô mềm của tàu lá chuối. “Lạt mềm buộc chặt” thật là ác nghiệt. Cọng tàu lá chuối thật mềm kia đã thít chặt tay tôi vào gốc cây xoài, quá khốc liệt.

Tội lỗi chúng tôi được chủ nhà kể ra dài như sớ, đương nhiên chỉ mỗi một mình tôi nghe tuyên đọc. Mấy thằng kia có lẽ đã cao chạy xa bay. Thật áo não vì tổ trác; có lẽ chúng tôi khởi hành nhầm giờ xấu, đúng là họa vô đơn chí. “Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”, huống hồ là hùm con vừa bị trói.

Nhưng ông trời còn thương, hùm hết thiêng nhưng không hết hên.

Sau này khi "họp rút kinh nghiệm", tôi lu loa hãnh diện đã chọn những người phò tá mưu trí, bây giờ gọi là những tham mưu thông minh. Bà chủ lườm lườm nhìn tôi đang giả bộ "quằn quại" với gốc xoài ở cuối vườn thì đầu vườn xa tít có tiếng la oai oái: “Ăn trộm xoài. Ăn trộm xoài, bà ơi”. Tiếng la thất thanh như có nhà cháy làm bà chủ bỏ dao xuống, vội vã chạy ra trước vườn quan sát. Bà chạy chừng 10 bước dài thì một thằng trong đội quân tinh nhuệ của tôi xuất hiện, trên tay là con dao xếp (loại dao cắt cau trái để ăn trầu) xông ngay đến gốc xoài.

Nhoáng một cái, tôi và đôi tay tê dại, đã đến bến bờ tự do. Lòng chất ngất hân hoan, tôi co giò cút khỏi chiến trường, trên con "đường thênh thang tám thước", chứ không còn là con đường làng nhỏ hẹp.

Hai chúng tôi chạy thục mạng ra phía nà (đất trồng màu sát sông) "lặn sâu" vào một vườn chuối kín mít còn hơn núi rừng Trường Sơn."Rừng vây 'quân địch', rừng che quân mình”. Thằng la to “trộm xoài”, và thằng cầm dao giải thoát tôi, đã thông thái nghĩ ra kế hoạch giải cứu thủ lĩnh, thật ngoạn mục.

Hồi đó, không có bằng khen hay giấy khen, thành ra không ghi lại chiến tích trận đánh “chưa từng thấy” như thế của lũ học trò con nít chúng tôi, những năm tháng yên bình của một vùng quê yên tĩnh; sống ở phố, có những buổi vừa chìm vào giấc ngủ khuya, thỉnh thoảng tôi hay mơ: mình hãy là con nít, hãy còn ở một vùng quê.

Những đứa cháu nội ngoại của tôi hiện giờ, cầm những lát xoài chín, cha mẹ chúng gọt vỏ sẵn, đưa vào miệng thật vô tư, trong sáng, yên bình, không như chúng tôi, tầm tuổi chúng, đã thấm thía, gian nan, sóng gió với những quả xoài, bây giờ nhớ lại, những quả xoài chứa chan nhiều kỷ niệm, thấm đẫm bao niềm háo hức của tuổi thơ dại khờ.

Ăn trộm dù một quả xoài cũng là ăn trộm.