Tuesday, September 26, 2023

Ký ức tuổi thơ:QUẢ XOÀI

Trẻ em ngày nay nhìn những quả xoài chín không như chúng tôi gần 60 năm trước; ao ước của một đứa trẻ thơ: cầm một quả xoài tròn trĩnh, nhìn màu vàng ươm, ngửi mùi thơm dịu, với cả sự trân quý và lòng háo hức, rồi “cạp” một miếng rõ to, cho "đã", cho thỏa ước mơ, không phải ăn từ tốn theo cách thông thường.

Chiến tranh làm mất đi những cây xoài cổ thụ họa hoằn lắm mới có trong những ngôi làng cũ thời xa xưa ở vùng quê rừng núi Quảng Nam, nơi tôi trải qua một thời thơ ấu. Ông bà chúng tôi không hẳn không yêu cây ăn quả nhưng những vùng quê thường ngập lũ vào mùa mưa, trồng cây rất khó, nhất là cây ăn trái. Chỉ những cây "hữu dụng" tre, cau, chuối, mít (ăn quả non luộc trộn rau răm với đậu phộng rang, ăn quả chín, và dùng lấy gỗ về sau)…được để ý trồng; xoài, ổi, mận…những thứ “ăn chơi” ít được quan tâm.

Xoài rất hiếm là thế. Hiếm không có nghĩa là không có. Những cây xoài nổi tiếng tôi còn nhớ mang những tên cúng cơm như “Xoài quỳ” (một khoảng đất rộng sát bờ sông, có vài ba cây xoài, trong đó có một cây xoài cổ thụ dáng nghiêng như sắp đổ ở thế “quỳ” sống cả trăm năm). Xoài “ông Hiến” là cây xoài khá to, tán lá rộng bát ngát, thân cây hai người ôm, cao như một chàng khổng lồ trong chuyện cổ tích, nằm trên đất người chủ cùng tên. “Xoài Miếu” là tên gọi đôi ba cây xoài trồng trên sân Miếu Ông, một tòa miếu khá đồ sộ theo lời kể, nằm giữa một cánh đồng bao la lúa và lúa, nay chỉ còn là bãi đất rộng trồng cây tràm. Lúc còn bé trước 1960, tôi thấy nền miếu xây gạch vữa vẫn còn, một hai trụ vôi cao trên sân miếu, có những chữ Hán loằng ngoằng, và một tấm bình phong bề mặt còn dấu vết một con hổ đắp bằng chén bể loang lỗ. Miếu đã bị đốt cháy cả tuần lễ thời Việt Minh tiêu thổ kháng chiến.

Ấn tượng của tôi không nhiều về những cây xoài bề thế, đa phần của công cộng như thế. Bởi chúng là của chung, mỗi trận mưa có gió to, lũ trẻ con hay chạy đến, tụ tập dưới gốc, tranh nhau những quả chín rụng xuống, lắm khi chờ cả buổi phải ra về tay trắng, mấy cây xoài to lớn, không thấy một quả rơi, dù gió khá mạnh, những quả xoài đong đưa trên cao như trêu tức, "nhém thèm" lũ trẻ, đang dán mắt và dán niềm hy vọng vào chúng.

Chỉ cây xoài nằm trên đường dẫn về nhà tôi trở thành kỷ niệm in đậm nét nhất trong tâm trí một cậu bé nhà quê.

Mỗi chiều gần tối, ăn cơm xong, tôi "biến” rất nhanh khỏi nhà, “lánh nạn” lau bàn, hay phụ chị tôi mang chén bát ra rửa; nhà có nhiều người ăn, có cả bác trai cày, anh giữ trâu, và vài người giũ rơm, lúc nào cũng dùng cơm với gia đình trong mùa gặt, thường là đầu hạ mùa xoài ra quả.

Cây xoài này là nỗi ám ảnh trong suốt thời gian của tuổi thơ tôi. Ra khỏi nhà lúc mặt trời hãy còn chưa tắt hẳn, và khi về nhà đi ngủ, không rõ mấy giờ mỗi đêm, tôi sợ hãi cái bóng sừng sững của cây xoài cao, tán lá sum suê, che phủ một đoạn đường, nhìn tối om như một thế giới ma quái. Gió thổi rít qua khe lá của những cành cây trên cao, như tiếng hú kéo dài của một bầy “ma con nít”.

'Ma con nít', cha tôi kể, thường đu ở những cành cây cao ban đêm, hoặc chạy nhảy trên ấy, chuyên nhát những đứa trẻ nào đi qua đó quá khuya. Cây xoài ấy thỉnh thoảng có một con ma tinh nghịch, thè lưỡi dài đỏ chót, liếm vào đầu hay thò cánh tay dài hơn đòn gánh, chộp tóc đứa nào đi một mình qua đó, khi mọi người đã đi ngủ.

Lớn thêm một hai tuổi, tôi mới hiểu, những lời kể của cha là để "hù dọa, răn đe": tôi hầu như đi chơi về rất khuya lúc bé. Những trò chơi đêm nào cũng có, từ trò chơi này đến trò chơi khác, hết với đứa này, thì với đứa kia, hết với trẻ xóm trên thì với trẻ xóm dưới. Đi… vui, về… sợ, hằng đêm như thế, mỗi tháng, mỗi năm, trừ những ngày mưa bão, hay lũ lụt. Sợ ma nhưng vẫn đi chơi buổi đêm, tính tôi lạ lùng quá.

Ma luôn luôn là nỗi sợ hãi đối với trẻ con khi vùng quê chưa có đèn điện; những bóng đèn quả trứng sáng le lói hiện diện trong mỗi gia đình thôn quê, trong một không gian tĩnh mịch thỉnh thoảng có những tiếng cú kêu văng vẳng, rợn người.

Trên những cây xoài, ma còn nhiều hơn ở những cây ăn trái khác. Trẻ con hay leo hái trộm ban đêm, có thể ngã té gây họa lây, xoài hay bị hái trộm, những người chủ thường thêu dệt câu chuyện “có ma” nhằm mục đích răn đe.

Có ma nhưng chắc chắn học trò không ngại, vì học trò chỉ sau ma một hạng: Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò. Đây là ví dụ.

Làng tôi có một chủ vườn trồng tương đối nhiều các giống xoài ngon đặc biệt nhờ mang hạt ở miền Nam về. Ông là mục sư thường đi giảng đạo, luôn luôn vắng nhà, chỉ còn người vợ tên là bà Lẫm (thực ra là một cái tên khác). Xoài bà Lẫm, một “thương hiệu” nổi tiếng trong giới trẻ con chúng tôi.

Vườn nhà bà rất rộng, xoài lại trồng sai “quy hoạch”, một vài cây đầu sân vườn, một vài cây cuối vườn, cách nhau hơn 200 mét. Nhà neo người (mỗi một bà, con bà đi học xa ở Sài Gòn) là một ưu tiên cho những “phi vụ” trộm xoài của chúng tôi, mỗi đêm trăng tỏ, nhất là vào mùa hè nghỉ học, có đêm trăng đẹp còn sáng hơn gương.

Kế hoạch tác chiến thảo ra chi tiết. Một vài đứa cầm đất cục ném vào trước sân, gây tiếng động để “dụ” gia chủ mở cửa ra quan sát. Bà đóng cửa khi vào nhà, đạn đất tiếp tục “nã” dồn dập hơn. Khi chủ nhà cầm cây đèn dầu trở ra lần nữa, không thấy ai, bèn trở vào ngủ tiếp, yên tâm, chẳng có gì lo ngại, "mặt trận miền Tây, ý lộn, trên sân vẫn yên tĩnh".

Mặt trận nghi binh đang thực thi thì mặt trận “tập hậu” thực hiện thành công: đã chiếm mục tiêu, những cây xoài sau nhà, các chiến hữu đã hoàn thành nhiệm vụ. Xoài được “tập kết” (khoảng gần mười trái) vào một vị trí “hiểm yếu” không ai có thể phát hiện, trong một mảnh vườn hoang gần đó, sau khi mỗi "chiến sĩ" gặm vội một trái, mừng công.

Sáng hôm sau, khi kéo nhau ra sông, quà ăn chơi của chúng tôi sẽ là một hai quả xoài chiến tích, mỗi đứa cầm gặm, với ít muối đem theo. Xoài thường chua nhưng chua sao nổi với những thằng thèm chua chúng tôi. Tắm xong mạnh ai về nhà nấy. Vài ngày hôm sau, “bổn cũ soạn lại” trong suốt mùa xoài ra trái nhưng "khổ chủ" sẽ là những chủ xoài khác, kiểu "luân chuyển cán bộ".

Nguyên tắc tác chiến của đội quân trong mặt trận trộm xoài là tuyệt đối bí mật: không kể lại, không cho ai biết, không chia sẻ chiến lợi phẩm cho người không nằm trong “tổ chức”. Kỹ lưỡng như thế nhưng...Thiên bất dung gian.

Thủ lãnh của đội quân thiện nghệ, tôi là người nhận quả báo trước tiên, của cái ông Trời có tên Thiên "nhiều chuyện" đó. Địa bàn như cũ nhưng thời gian "đánh quả” thực hiện buổi sáng, không phải buổi tối như mọi lần. Thay đổi thời gian "nguy hiểm" như thế cũng có lý do. Đi ngang qua những cây xoài, chúng tôi nhìn một đôi quả chuyển qua màu vàng hấp dẫn, những quả xoài có cuống dài, đong đưa trong gió, đã thôi thúc chúc tôi gấp rút "ra tay", vì sợ có nhóm khác “phỗng tay trên” , ân hận sẽ tràn trề. Thời cơ chín muồi: chủ nhà đi vắng, theo nguồn tin tình báo đáng tin cậy của một nhóc bạn có nhà gần đó.

Thể hiện mình là thủ lĩnh, tức lãnh đạo như bây giờ, tôi xung phong leo trước cây xoài có những quả đong đưa như đã tả. Đang say sưa với mấy quả xoài ấn tượng, tai tôi vang lên mấy tiếng thét như có người bị điện giật dưới gốc xoài “Bà Lẫm”, “Bà Lẫm”…Mỗi lúc tiếng thét càng to, rồi đột ngột im bặt. Tiếng chân chạy thình thịch bên dưới không to bằng những tiếng đập thình thịch trong lồng ngực của tôi. Tôi rụng rời tay chân, những quả xoài rụng theo, lả tả như mưa thu, rơi khỏi người, nằm sóng soài vô tư trên mặt đất. Nhảy xuống thì sợ gãy chân, tụt xuống thì chủ nhà đang ở dưới gốc, trên tay lăm lăm một con dao phát cỏ, lưỡi loang loáng như gươm. Bà chỉ hù dọa thôi. “Anh hùng khi gấp cũng khoanh tay” chứ đừng nói là tôi. Tôi không còn giữ phong độ thủ lĩnh hay lãnh đạo nữa. Bộ dạng tôi lúc đó có lẽ còn thiểu não hơn những bị cáo cán bộ trước tòa rất nhiều. Tôi vừa tụt xuống đất thì bàn tay rắn chắc của bà chủ nhà như còng sắt, lạnh tanh, kẹp cứng lấy bàn tay non nớt của một cậu bé mới qua 10 tuổi, mà cũng đòi làm lãnh đạo, chỉ đạo đi ăn trộm.

Tôi "vinh dự" được bà cột chặt bằng cọng chuối khô mềm của tàu lá chuối. “Lạt mềm buộc chặt” thật là ác nghiệt. Cọng tàu lá chuối thật mềm kia đã thít chặt tay tôi vào gốc cây xoài, quá khốc liệt.

Tội lỗi chúng tôi được chủ nhà kể ra dài như sớ, đương nhiên chỉ mỗi một mình tôi nghe tuyên đọc. Mấy thằng kia có lẽ đã cao chạy xa bay. Thật áo não vì tổ trác; có lẽ chúng tôi khởi hành nhầm giờ xấu, đúng là họa vô đơn chí. “Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”, huống hồ là hùm con vừa bị trói.

Nhưng ông trời còn thương, hùm hết thiêng nhưng không hết hên.

Sau này khi "họp rút kinh nghiệm", tôi lu loa hãnh diện đã chọn những người phò tá mưu trí, bây giờ gọi là những tham mưu thông minh. Bà chủ lườm lườm nhìn tôi đang giả bộ "quằn quại" với gốc xoài ở cuối vườn thì đầu vườn xa tít có tiếng la oai oái: “Ăn trộm xoài. Ăn trộm xoài, bà ơi”. Tiếng la thất thanh như có nhà cháy làm bà chủ bỏ dao xuống, vội vã chạy ra trước vườn quan sát. Bà chạy chừng 10 bước dài thì một thằng trong đội quân tinh nhuệ của tôi xuất hiện, trên tay là con dao xếp (loại dao cắt cau trái để ăn trầu) xông ngay đến gốc xoài.

Nhoáng một cái, tôi và đôi tay tê dại, đã đến bến bờ tự do. Lòng chất ngất hân hoan, tôi co giò cút khỏi chiến trường, trên con "đường thênh thang tám thước", chứ không còn là con đường làng nhỏ hẹp.

Hai chúng tôi chạy thục mạng ra phía nà (đất trồng màu sát sông) "lặn sâu" vào một vườn chuối kín mít còn hơn núi rừng Trường Sơn."Rừng vây 'quân địch', rừng che quân mình”. Thằng la to “trộm xoài”, và thằng cầm dao giải thoát tôi, đã thông thái nghĩ ra kế hoạch giải cứu thủ lĩnh, thật ngoạn mục.

Hồi đó, không có bằng khen hay giấy khen, thành ra không ghi lại chiến tích trận đánh “chưa từng thấy” như thế của lũ học trò con nít chúng tôi, những năm tháng yên bình của một vùng quê yên tĩnh; sống ở phố, có những buổi vừa chìm vào giấc ngủ khuya, thỉnh thoảng tôi hay mơ: mình hãy là con nít, hãy còn ở một vùng quê.

Những đứa cháu nội ngoại của tôi hiện giờ, cầm những lát xoài chín, cha mẹ chúng gọt vỏ sẵn, đưa vào miệng thật vô tư, trong sáng, yên bình, không như chúng tôi, tầm tuổi chúng, đã thấm thía, gian nan, sóng gió với những quả xoài, bây giờ nhớ lại, những quả xoài chứa chan nhiều kỷ niệm, thấm đẫm bao niềm háo hức của tuổi thơ dại khờ.

Ăn trộm dù một quả xoài cũng là ăn trộm.

Thursday, September 21, 2023

VẠCH QUA ĐƯỜNG

(Vừa lãng phí, vừa vô duyên, vừa buồn cười).

Tiếng Anh gọi là Zebra (crossing), vạch trắng cho người đi bộ băng qua đường. Ở Việt Nam có rất nhiều vạch qua đường tại các ngã ba, ngã tư, các giao lộ. Màu sơn rất đẹp rất ngay ngắn và rất chỉnh chu.

Khi đi qua các nước tiến bộ của châu Âu – dù chỉ là Pháp, Ý, và Đức, chưa kể Phần Lan, Thụy Điển và Estonia (tôi chưa đi Mỹ, và quyết sẽ đi Mỹ), các vạch trắng vẽ trên đường là biểu tượng của sự văn minh và lòng nhân ái. Vì sao? Khi có người đứng trên lề gần các vạch trắng, xe – tôi muốn nhấn mạnh, xe hơi – đều dừng lại. Các xe ấy chờ người đi bộ qua đường. Đi bộ thường nhảnh nha. Tài xế xe đứng chờ cũng nhảnh nha không kém. Người qua đường, họ sẽ lên ga vượt qua vạch trắng. Vì kỷ luật, lòng nhân ái, sự nhường nhịn, hay vì sợ bị cảnh sát sẽ phạt? Không. Tôi chẳng thấy cảnh sát và chẳng thấy camera giám sát. Con người là trên hết. Không vì ngồi trên xe hơi - ở nước ta, biểu hiện của sự giàu có hay đẳng cấp, người ta có thể coi thường người đi bộ. Nếu cố nhanh một chút, xe có thể cán chết hoặc bị thương người đi bộ ‘nhảnh nha’.

Tôi không tin, người phương Tây có tinh thần kỷ luật cao. Tôi tin họ có lòng nhân ái. Đạo ki-tô có lẽ ảnh hưởng người châu Âu hàng hai chục thế kỷ. Hãy “yêu thương người ta như mình ta vậy” hay sao? Trong các nước tôi qua, do tò mò và muốn tìm hiểu, tôi thấy tài xế xe Uber (như Grab của ta) ở Estonia, một nước thuộc khối Liên Bang Xô Viết cũ theo cộng sản, tài xế chạy rất…ẩu. Đèn đỏ hay vào khu dành cho người đi bộ ở thủ đô cổ Tallinn, tôi thấy xe chở chúng tôi coi như ‘chẳng có gì’, cứ đường mà chạy, mà đi, mà vượt. Ở Đức, ngồi phía sau tài xế, chúng tôi mọi người đều được yêu cầu quàng dây đai an toàn (seatbelt).

Lúc đầu ở Phần Lan, mỗi khi qua đường theo vạch trắng zebra, tôi rất lo lắng. Dù biết xe hơi sẽ ngừng trước vạch trắng để chờ người đi bộ qua đường, tôi vẫn lo sợ. Có khi ông bà mắt xanh mũi lõ nào đó, ngồi trên xe ‘sơ ý’ vẫn giữ nguyên tốc độ xe đang chạy, qua đường trên vạch trắng sẽ không tránh rủi ro, bỏ mạng xứ người là điều hết sức vô duyên; quá hồi mạt vận. Nhưng không. Có khi tôi đứng chờ thì xe hơi cũng đứng chờ. Ai cũng trễ. Thế là, tài xế hạ kính xe, đưa tay vẫy ‘hãy qua đường’, tôi ù té chạy; cứ nghĩ mình làm phiền lòng đến người bản xứ.

Nhưng không. Nhường người đi bộ qua đường là việc làm thường xuyên như trong tiềm thức của người phương Tây. Đó không phải là sự ‘thương xót’ người ‘yêu thế’…không đi lại bằng xế hộp. Đi tù vì gây tai nạn cho người đi bộ, có lẽ, không phải là hình phạt mà người ta sợ hãi phải chấp hành ‘luật giao thông’. Nhường nhau, tôi nghĩ, chính là sự biểu hiện trong giao thông xứ người.

So sánh với ta, đôi khi, tôi có mặc cảm người Việt quá tự ty (vì thường do quá tự tôn): Tây văn minh hơn ta. Không hẳn. Họ yêu thương nhau, tôi có thể nói, hơn ta rất nhiều.

Tôi nói thương nhau ngoài đường: giao thông. Rất nhiều người chạy xe – xe máy chiếm đa phần- luôn luôn bóp kèn, có thể nói là inh ỏi, điếc đầu, điếc óc. Để làm chi? Để người khác nhường đường cho mình tới trước dù phía trước chẳng có chỗ trống để tìm chỗ nhường đường. Khi chạy xe, ai cũng muốn mình chạy nhanh hơn người phía trước. Việc đi trước dường như phải là ưu tiên một. Ai cũng muốn dẫn đầu. Cuối cùng, xe dồn cục, người ở trước không khác người ở sau: kẹt xe. Tranh nhau chạy nhanh, rồi chạy ẩu,gây tai nạn cho người khác, là biểu hiện của lòng yêu thương?

Còn các chỗ qua đường với các vạch trắng – vấn đề đang nói- thì sao? Thì bó tay chứ sao. Tôi không thấy ai, lái xe hơi và xe máy, hạ ga và chạy chậm lại ở những vị trí có vạch sơn vẽ qua đường. Ngay cả các giao lộ có đèn xanh-đỏ, người đi bộ vẫn hồi hộp quan sát, chạy qua đường như ma đuổi, vì sợ đèn chuyển vàng rồi xanh, các ‘anh hùng’ xe máy có thể húc họ nếu có ai ‘nhảnh nha’ quen tập quán qua đường ở phương Tây.

Vẽ các vạch trắng qua đường ở bao nhiêu chỗ trên các con lộ Việt Nam? Hàng trăm ngàn chỗ, nếu tôi đoán không nhầm. Có ai tôn trọng luật giao thông trước các vạch trắng qua đường? Không. Tôi chắc chắn là không. Nhà chức trách bỏ tiền, không biết cơ man nào kể, để sơn các vạch trắng ấy nhằm mục đích gì? Hay là người ta làm thì mình cũng làm – cho nó văn minh?

Qua đường, trên những vạch sơn trắng khi thấy xe cộ, không thấy xe cộ ai dừng lại, chưa nói chuyện chạy chậm lại, tốc độ xe không hề vì biển báo hiệu ấy mà thay đổi, người đi bộ cảm thấy mình nhỏ bé, có cảm giác, rất nhỏ bé trước các ông các bà chạy xe máy, xe hơi. Nếu có lòng thương hại, một vài xe chạy chậm chờ người qua đường. Còn thì, đường ta ta cứ đi. Sống chết mặc bay – những thằng, những con đi bộ.

Người ta nói văn hóa quyết định lối sống văn minh. Tôi cho là không đúng. Chính luật lệ làm cho con người văn minh. Nếu qua Singapore ai mà ăn và xả rác trên tàu điện, chắc chắn người đó sẽ không đủ tiền về nước. Phạt trắng máu. Hay chỉ cần mang theo keo cao su (chewing gum), ăn rồi nhả xuống sàn xe buýt, hay sảnh khách sạn, du khách sẽ không còn đường về vì không đủ tiền đóng phạt.

Để người đi bộ qua đường không có cảm giác ‘mang ơn’, ‘yếu thế’, lo sợ, thì tại sao, nhà chức trách không có biện pháp nào, để người lái xe – xe hơi và xe máy- tuân thủ luật qua đường dành cho người đi bộ?

Tôi có biết hiện nay, việc đo nồng độ cồn những người chạy xe máy (xe hơi -chắc chẳng ai ‘dám’ tự tiện đón lại mà đo) đang triển khai. Rất tốt. Uống rượu bia, chắc chắn lái xe sẽ không an toàn. Người có rượu bia rất dễ gây tai nạn. Nhưng, có nhân viên công lực nào, hay có camera nào, giám sát việc xe cộ phải chạy chậm lại hay ngừng hẳn lại để cho người đi bộ qua đường? Tôi chắc chắn là không. Người qua đường trên các vạch sơn trắng ưu tiên dường như sống trong một xã hội không còn luật lệ.

Tóm lại, các vạch sơn vẽ cho người qua đường chỉ là hình thức. Trừ ở các ngã tư có đèn báo giao thông, tất cả vạch sơn trắng ở những nơi không có đèn dừng, tất cả chúng, vừa tốn kém ngân sách, vừa vô duyên (chẳng ai tuân thủ) và lại vừa buồn cười.

Và tôi đoan chắc, hầu hết người Việt Nam, không ai biết, các lằn sơn trắng ngang qua đường ấy là dấu hiệu giao thông dành ưu tiên dành cho người đi bộ qua đường. Trừ phi, họ có qua Tây (hay Thái Lan, Singapore) du lịch.

Làng KIM BỒNG và cố đô HUẾ

Đặt hai địa danh gần nhau, một ngôi làng quê và một chốn kinh thành, tôi sắp kể câu chuyện duyên nợ của cả hai: mộc Kim Bồng (1) và mỹ thuật gỗ Huế.

Nhiều người nghĩ rằng, Huế đi trước Kim Bồng về mọi cái chứ không chỉ là nghề mộc. Mỹ thuật cố đô khác một trời một vực với nghề thợ mộc làng quê. Nhưng sự đời tréo ngoe không như người ta nghĩ. Nghề mộc làng Kim Bồng có trước mỹ thuật gỗ của kinh thành Huế.

Kim Bồng là một làng của tỉnh Quảng Nam. Nghề mộc không xuất phát từ Huế. Cũng như mọi nghề thủ công khác, nghề mộc Quảng Nam xuất phát từ một tỉnh nào đó của miền Bắc, có thể là Thanh Hoá hay Nghệ An gì đó, hai địa phương có nhiều người theo chân Nguyễn Hoàng vô Nam sinh cơ lập nghiệp. Trong mọi gia phả (tôi không nói hầu hết) dòng họ ở Quảng Nam, những người đầu tiên có mặt trong vùng Thuận Quảng đều phát xuất từ “đàng Ngoài”. Nghề mộc, do đó, cũng theo chân người Việt vô Nam.

Trước khi Gia Long thống nhất sơn hà, nhà Nguyễn đã bắt đầu xây dựng các kiến trúc của họ ở nơi sau này gọi là Phú Xuân rồi kinh đô Huế. Trịnh Nguyễn phân tranh, các thợ chạm trổ, điêu khắc gỗ cho cung điện ở Huế không thể tuyển từ địa phương của “địch” vì lý do chiến tranh. Ngôi làng mộc Kim Bồng nằm trên một “hòn đảo” bao quanh bởi cuối con sông Thu Bồn là nguồn cung cấp những nghệ nhân nghề mộc đầu tiên cho Huế. Lý do: “Thủ đô” không thể hội tụ những những anh chàng “thợ mộc”; nó là nơi dành cho giới áo mão cân đai. Giới “chân lấm tay bùn” khó mà chen vai thích cánh chốn “triều ca”.

Nhưng vì sao mỹ thuật gỗ Huế nổi tiếng hơn nghề mộc Kim Bồng? Dễ hiểu thôi. Nông dân làm sao mà so đọ với quan viên. Ông tổ nghề mộc Huế của làng Mỹ Xuyên là một vị quan lại. Ông trực tiếp chỉ huy việc xây dựng phần mộc của cung điện Huế. Thấy tài hoa tay nghề những người thợ Kim Bồng, ông mon men tìm hiểu và học hỏi.

Nhờ có óc quan sát nhạy bén và hai bàn tay tinh tế, khi cáo quan về dân, ông tổ chức cho dân làng cái nghề mà sau này đóng góp rất nhiều cho cung điện hoàng gia. Tất nhiên, những nghệ nhân trai trẻ Kim Bồng, “ thấy cô gái Huế, chân theo không rời”, là những người giúp vị quan này phát triển nghề mộc, để làng Mỹ Xuyên nổi tiếng ngày nay.

Vì sao tôi cả quyết nghề mộc Huế “di cư “ từ Quảng Nam? Không phải là “nghe kể”. Tác phẩm tiêu biểu cho xây dựng gỗ (không bằng bê tông, cốt thép như ngày nay) là nhà rường cổ Quảng Nam. Hiện nay, huyện Tiên Phước còn sót năm bảy cái có tuổi thọ hàng mấy trăm năm tuổi. (Ngô Đình Khôi, anh ruột tổng thống Ngô Đình Diệm, lúc tại chức từng hỏi mua một ngôi nhà tại đây nhưng không mua được).

Một cái tủ thờ bằng gỗ quý có tuổi thọ hơn 200 năm (ảnh), hiện còn để nơi chính điện của nhà thờ tộc Huỳnh, làng Cẩm Kim, Hội An, tức xưa kia là làng Kim Bồng. Lúc có mặt tại đây năm 1652, họ Huỳnh bắt đầu lập một cái nhà thờ tộc thô sơ. Và mấy chục năm sau, một ngôi nhà thờ tộc “kiên cố” được dựng lên, chiếc tủ thờ xuất hiện thời đó.

ĐỘI BÓNG CẢNH SÁT QUỐC GIA

Chớ có giật mình, “quốc gia” đâu còn, đội bóng cảnh sát làm chi có. Cảnh sát ngày nay làm những công việc to tát hơn nhiều. Nhưng trước 30 tháng 4 năm 1975, từng có một đội bóng như thế thuộc ty cảnh sát quốc gia (Quảng Nam). Nhìn các cầu thủ “cảnh sát” (bên dưới), quý vị sẽ thấy, “chúng nó” có "đứa" mặt mày non choẹt, “búng ra sữa’; có "đứa" ngây ngô như mấy chú học trò trường tỉnh chưa biết yêu là gì. Cái anh chàng đứng giữa, cao nhất đội bóng là người có thể như thế. Tên anh là Nguyễn Mạnh Kim.

Tuổi còn nhỏ so với đàn anh, Kim không phải là cảnh sát. Lý do anh nằm trong đội tuyển bóng đá hàng đầu tỉnh Quảng Nam vì là học sinh cầu thủ xuất sắc nhất thuở đó. Cảnh sát bấy giờ không được phép uống bia rượu từa lưa nên ai cũng gầy gầy như thiếu đói. Tìm ra chú nào bụng to như Đổng Trác chắc chắn không bao giờ có. Bụng to làm sao đá banh.

Tôi không rõ người chỉ huy đội bóng trong bức ảnh; nhưng có nghe ông Tân “đầu láng” (công chức thời đó hay chải tóc bằng dầu ‘brillantine con én’) làm đội trưởng đội bóng. Là trưởng toán phụ trách làm căn cước của ty cảnh sát, ông ta rất mê đá banh. Nghe kể, lúc đôi tuyển VNCH sắp đấu giao hữu với đội bóng Cộng hòa Liên bang Đức, ông bỏ tiền mua vé máy bay, dắt theo người trọ học trong nhà, anh Trịnh Quốc Thắng (dạy trường cao đẳng kinh tế kế hoạch Đà Nẵng sau 1975) vào tận sân vận động Cộng Hoà (Thống Nhất) để trực tiếp xem trận đấu. Kết thúc, đội VN cầm hòa đội Đức; hồi ấy đội bóng Nam VN rất có tiếng tăm ở châu Á, từng đá thắng đội bóng xứ mặt trời Nhật Bản. Thái Lan hay Miến Điện chẳng xi- nhê gì.

Đợi mọi người rời sân bóng, ông Tân ‘đầu láng’ bèn cui xuống đất, tay vuốt mặt sân đầy cỏ xanh, và cúi sát hơn, ông hôn lấy mặt đất Sài Gòn với niềm vui ánh lên đôi mắt ngay cả khi đứng dậy, dắt tay ‘đệ tử’ ra về tìm khách sạn để nghỉ qua đêm, sáng hôm sau mua vé máy bay về lại Đà Nẵng.

Người Hội An bao đời - kể cả thời chiến tranh- đam mê văn nghệ và đá bóng. Một thành phố nhỏ (rất nhỏ so với bây giờ) có một sân vận động, một rạp hát, và một rạp xi-nê. Thỉnh thoảng thành phố bị "bên kia" pháo kích bất chợt, có khi ban đêm, có khi ban ngày. Mục tiêu của đạn pháo là các khu hành chính và quân sự. Nhưng Hội An bé như bàn tay, đạn lạc ra ngoài là không hiếm. Không thiếu nhiều thường dân trúng đạn chết và nhà bị cháy rụi. Vậy mà, mỗi lần có trận đá banh, dân chúng – nhất là đám học sinh các trường trung học, tiểu học ở thành phố chúng tôi không hề bỏ sót.

Những trận đá banh nào thu hút nhất? Đó là các trận có tham gia của đội bóng sư đoàn Thanh Long Đại Hàn và đội Cảnh sát Quốc gia (Quảng Nam). Người Nam Triều Tiên cao lớn không thua người Mỹ. Họ không đẹp như các nam diễn viên Hàn Quốc bây giờ. Gương mặt của họ bèn bẹt, trán thấp, mắt một mí, đa phần ‘ti hí mắt lươn’, tóc húi cua (gần như sát ót), nhưng mũi khá cao so với người Việt Nam.

Không khác gì khán giả ngày nay “ghét” đội Thái Lan (thời chưa có ngài Park), khán giả Hội An thời đó cũng “ghét” đội Đại Hàn thậm tệ. Các cầu thủ họ đều có võ nghệ. Té ngã trên sân cỏ chẳng làm chậm đà tiến trong việc tranh bóng dưới thấp, trên cao. Họ thắng ta toàn tập. Rất ít khi họ thua. Đội bóng CSQG từng nằm hạng nhất nhì cấp vùng, cấp quốc gia, nhưng khó khi nào thắng họ nếu không có cầu thủ xuất sắc cao lớn Nguyễn Mạnh Kim tham gia đội bóng. Là con vị đại bài gạo giàu có Hội An, ông Nguyễn Tữu, anh từng học tại Đà Nẵng trong trường Pascal dành cho giới giàu sang và Pháp kiều sinh sống ở VN. Rất xuất sắc các môn: bóng bàn, nhảy cao, nhảy xa, đua xe đạp, quần vợt, nhưng đá banh là xuất sắc nhất.

Vì sao ghét đội bóng ‘Đại Hàn’? Vì nhiều thứ lắm. Họ là dân tộc không bao giờ chịu thua kém ai. Đá banh cũng thế. Nếu dẫn trước bàn thắng, họ chơi rất thăng hoa và đẹp mắt. Nhưng bị dẫn trước, ôi là là, họ bắt đầu trổ ngón nghề, taekwondo là số một. Bên ta ư. Lăn như dưa. Ngã như rạ. Té như sung rụng. Cầu thủ đội CSQG như những chú gà đá. Lông lá tả tơi. Trầy trụa khắp người. Cầu thủ họ vừa cao vừa khỏe. Tài dắt banh, lừa banh, bấm banh, thả banh cho đồng đội, bằng kỹ thuật nhuần nhuyễn của đôi bóng VN cũng phải chào thua khi đội bóng Đại Hàn giở trò ‘chơi xấu’, foul play. Có lúc trọng tài (người Việt Nam- đương nhiên) thổi phạt, cầu thủ họ ôm cứng trái banh, không chịu đặt xuống, và nổi gân cổ xí lô xí là, có lẽ cho là thiên vị. Thấy kỳ cục, vị sĩ quan cao cấp, đại diện sư đoàn Thanh Long, ngồi trên khán đài bước xuống can thiệp. Trận đấu mới tiếp tục. Từ đó, ở Hội An, dân chúng có thêm một tục ngữ “Đại Hàn chơi xấu”.

Đội bóng CSQG thua gần như hầu hết khi đấu với đội sư đoàn Thanh Long Hàn Quốc. Nhưng khi đội này đấu với đội bóng Không đoàn 41, đóng tại phi trường Đà Nẵng, họ đều không thắng nổi. Lý do, dân không quân, hầu hết là phi công và chuyên viên, tuyển nhiều người cao không kém người Hàn, lại có sức khỏe và kỹ thuật đá banh khá tốt. Là quân chủng ít chiến đấu, khi về hậu cứ, họ có nhiều thời gian tập dợt đá banh. Kỹ thuật Không đoàn Việt lấn lướt kỹ thuật sư đoàn Hàn. Nhưng đóng góp cho thắng lợi ấy, nổi bật nhất, là anh Nguyễn Mạnh Kim – được tăng cường vào đội bóng VN mỗi khi mở trận.

NGỒI L ÂU, NGỒI NHIỀU LÀ NGUYÊN DO CHẾT SỚM.

Tạp chí Biên Niên Nội Khoa (Annals of Internal Medicines) thuộc đại học Thầy thuốc Mỹ (American College of Physicians)- một tạp chí được trích dẫn nhiều nhất, ảnh hưởng nhất thế giới - có đăng một nghiên cứu do Keith Diaz dẫn đầu, cho biết một kết quả như đã nêu ở đầu bài viết.

Nghiên cứu thực hiện trong 4 năm với gần 8000 người tham gia có độ tuổi từ 45 trở lên, và số tử vong trong đó là 340 người.

Một kết quả có được như sau: Người ngồi một mạch 90 phút, thời gian ngồi tổng cộng cả ngày trên 13 giờ có tỉ lệ tử vong sớm hơn người ngồi dưới 90 phút tổng cộng thời gian ngồi dưới 11 giờ là 200 %.Người ngồi 1 mạch dưới 30 phút có tỉ lệ tử vong chỉ 55% so với người ngồi trên 30 phút.

Thường thì càng già người ta ngồi càng nhiều và các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết, ngồi nhiều làm cơ thể ít tiêu hao năng lượng (calori) và cơ thể ít "kích hoạt insulin"; (chất insulin có liên quan mật thiết đến nguyên do của bệnh tiểu đường). Ngồi nhiều còn ảnh hưởng đến lưu thông máu huyết và ảnh hưởng đến tim mạch.

Có câu hỏi là đối với những người làm việc bàn giấy hay công việc cần phải ngồi thì có thể đứng, hoặc chế loại bàn đứng để làm việc được hay không, Keith Diaz trả lời: rất ít cơ sở chứng minh việc đứng một chỗ để làm việc thì tốt hơn ngồi.

Ngồi liên tục quá 30 phút một lần thì rất là có hại. Ngay cả hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng ra một khẩu hiệu " Sit less, move more". (Hãy ngồi ít, mà đi nhiều)

Việc ngồi một chỗ quá lâu, theo nghiên cứu, ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả mọi người, không kể tuổi tác, chủng tộc, chỉ số cân đối cơ thể (BMI, body mass index), và ngay cả người hằng ngày có tập thể dục cũng bị.

Lời khuyên sau cùng của nhóm nghiên cứu: Cứ mỗi 30 phút hãy đứng lên đi lại thật nhanh hoặc di chuyển chừng 5 phút, nguy cơ chết sớm sẽ không đáng kể. “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay".(Nguyễn Du). Không "qua cầu" mà biết "đoạn trường" mới là “trang anh kiệt”.

Nghiên cứu trên có lẽ giới trẻ IT Việt Nam ngày nay nên tham khảo. Có sức khỏe là có tất cả.

Ghi chú: Tư liệu lấy từ bài báo trên CNN có tựa đề " Yes, sitting too long can kill you, even if you exercise" của tác giả Susan Scutti.

ĐỌC SÁCH, THỜI VNCH.

Thỉnh thoảng tôi bắt gặp một hai trẻ tầm lớp 2, lớp 3, cầm trên tay truyện tranh chăm chú đọc trong quán khi chúng ăn xong trước ba mẹ. Hình ảnh những cháu bé đi với người lớn, thường thường là một cái điện thoại trượt trên tay với các ngón nhỏ nhanh nhẹn bấm bấm, có lẽ các cháu đang chơi games.

Tôi thán phục những phụ huynh nào tập cho con mình đọc sách từ nhỏ thay vì lên mạng.

Các gia đình trẻ bây giờ thường có một hay hai con, không có nhiều con như thế hệ chúng tôi, trước chúng tôi.

Việc giáo dục con không đơn giản như xưa nữa: đến giờ học, cha mẹ chỉ nhắc nhở qua nếu thấy con có thể trễ giờ.

Lúc nhỏ, tôi là một học sinh rất ngu ở tuổi tiểu học. Không ở lại lớp (lưu ban) từ lớp năm cho đến lớp nhất (lớp 1-lớp 5) là thành tích đáng phát bảng “danh dự” (giấy khen) rồi. Ở quê những năm cuối 1950, một cậu bé như tôi chỉ có đi bơi sông, bắn chim bằng ná thun, hoặc chơi “u mọi” (trò chơi trẻ con chia 2 phe, ranh giới vẽ bằng chân xuống một sân đất, thường là sân trường hay nền ruộng mùa hè; mỗi bên cử người “u” bằng miệng, chạy qua “lãnh thổ” bên kia, nếu bị giữ lại mà hết “u” (hết âm thanh phát ra u u như tiếng sáo) thì ở luôn bên đó. Trò chơi kết thúc khi “đối phương” không còn người, nghĩa là thua. Một lối chơi Rugby nhà quê).

Khi xuống Hội An học, tôi bắt đầu chú tâm hơn, vì bị bạn hữu ở thành phố này chê tôi là “thằng dốt”, “thằng nhà quê” .

Hóa ra tôi đâu phải dốt sẵn, dốt truyền thống, dốt ba đời (theo lý lịch).

Không phải là xuất sắc nhưng tôi luôn luôn nằm trong tốp 5 từ đệ thất lên đến đệ nhất (lớp 6 đến 12) nhờ chăm chỉ “cần cù bù thông minh”.

Một trong lợi thế khi được đi học ở phố là có chỗ mượn sách, thuê sách. Trường có thư viện, loại sách bổ trợ cho học tập, ít có sách “ngoài luồng”.

Đọc sách bắt đầu từ bắt chước các bạn đọc sách. Nó đọc mình đọc, sợ chi. Tôi may mắn có người bạn ( mới mất tết năm trước) thằng Phạm Gia Tuấn. Một tay “mọt sách”. Nhà hắn ở gần tiệm chụp ảnh Huỳnh Sau. Bố trước là trưởng ty công an thời ông Ngô Đình Diệm, “thất sủng” sau 1963, có một tủ sách khá phong phú đối với tôi thời đó. Tất cả các sách thuộc nhóm Tự Lực Văn Đoàn có gần như đủ ở tủ sách này. Ông rất nghiêm nhưng sau đó biết tôi đến con ông để mượn sách đọc, ông cởi mở hơn, thi thoảng mỉm cười khi tôi lên tiếng chào ông mỗi khi lên lầu để vào chỗ bạn tôi đang đọc sách hay học bài gì đó.

Học sinh nghèo từ quê ra làm gì có tiền mua sách. Mượn sách đọc là may mắn lắm rồi. Bảo vệ những cuốn sách đa phần giấy vàng ố là nguyên tắc “sống còn” nếu bạn muốn được cho mượn sách lâu dài.

Có một “nguồn” sách nữa đó là tiệm cho thuê sách. Tôi có một người bạn hiện đang ở chỗ cho thuê sách trước kia, trên đường Trần Phú. Nhà anh ta giờ làm nơi du lịch nhà cổ, mỗi lần vào xem mỗi người 50 ngàn đồng (10 năm trước), khách tây khách ta nườm nượp.

Sách thuê ở tiệm này đa phần là tiểu thuyết, chiếm đầu bảng là các loại tiểu thuyết kiếm hiệp, còn gọi là “truyện chưởng”. Sách in trên giấy vàng, chữ không rõ mấy nhưng đọc được. Mỗi ngày 1 hay 2 đồng gì đó mỗi cuốn. Chính chỗ cho thuê này, vì sợ tốn tiền, lũ học sinh chúng tôi buộc phải “ngốn” cho nhanh một hai hay ba ngày một cuốn, đặng trả ít tiền mướn; tiền trả cao hơn nếu kéo dài ngày đọc sách. Nhờ “đồng tiền liền khúc ruột”, chúng tôi lại may mắn có thói quen đọc sách tốc độ như các đường cao tốc hiện nay.

Những nhân vật trong truyện kiếm hiệp thường đẹp như Tây Thi nếu là nữ, và hơn diễn viên Hàn Quốc nếu là nam. Thế giới trong truyện chưởng là thế giới của sự tưởng tượng, mênh mông, đi từ tây sang đông, từ nam lên bắc, một đất nước không biết bao nhiêu là thắng cảnh nối thắng cảnh; nay đang ở Tây Tạng mai đã có mặt ở Động Đình Hồ, hay trên các đỉnh núi của Thiếu Lâm Tự, khi độc giả nam biến mình thành Trương Vô Kỵ, Lệnh Hồ Xung, độc giả nữ tưởng mình là Triệu Minh (Triệu Mẫn) hay Nhậm Doanh Doanh đẹp hoa nhường nguyệt thẹn. Nàng Nghi Lâm tu hành cũng si tình. Bất giới Hòa Thượng cũng yêu đương tá lả.

Đắm mình trong thế giới ấy, lũ học sinh chúng tôi được đắm mình trên những trang giấy, những quyển sách, những bộ sách. Vốn từ ngữ có chút “giang hồ” ngày càng nhiều trong vốn ngữ vựng của chúng tôi. Nhà trường biết chúng tôi, em nào cũng có “luyện chưởng” (đọc sách kiếm hiệp) nhưng không cấm. Ngay cả các thầy các cô, lúc vui vẻ, cũng kể chuyện Cô gái Đồ Long cho học sinh chúng tôi nghe, nữa là.

Nhưng một trong những định hướng học sinh đọc sách “chính thống” (những cuốn của nhóm Tự Lực Văn Đoàn cùng những tác phẩm “kinh điển” thời tiền chiến) là cách thức “thuyết trình”.

Lớp từ đệ thất (lớp 6, hay đệ lục tôi không rõ) bắt đầu làm các buổi thuyết trình trước lớp. Các tổ (thường học sinh ngồi 2 hay 3 bàn học gần nhau) phụ trách một tác phẩm như Hồn bướm mơ tiên (Khái Hưng) hay Đôi bạn (Nhất Linh)... Tổ sẽ phân công các công việc: tìm sách, đọc (ai cũng phải đọc), ghi ra nhận xét về tác phẩm, tác giả, lập một dàn bài thuyết trình, cử một trò chữ đẹp chép bài viết, một “thằng miệng mồm” có giọng tốt để trình bày trước lớp. Khi trình bày xong, các học sinh trong tổ sẽ thay nhau trả lời những câu hỏi của các bạn khác đặt ra, câu nào “bí” thầy chủ nhiệm môn văn sẽ gỡ bí giùm.

Nghe đơn giản như thế nhưng chúng tôi tập quen với việc đọc, ghi chép, nhận xét, và “tranh luận” với các bạn khác trong lớp. Đến lượt các tổ khác sẽ thực hiện tuần tự tùy đề tài sách thầy chủ nhiệm chọn hoặc chính chúng tôi chọn với sự bằng lòng của thầy.

Việc “thuyết trình” trong lớp duy trì cho đến hết bậc trung học (trừ thi tú tài 2, lớp 12, môn Triết thay môn Văn).

Tự tìm tòi sách, tự đọc sách đã hình thành một thói quen cho học sinh chúng tôi. Cả một đời học sinh chúng tôi chưa bao giờ biết lấy một “bài văn mẫu” nào cả, và cũng chưa bao giờ nghe nhà trường buộc học sinh phải đọc sách loại này, loại sách kia; khái niệm sách “đồi trụy”, “phản động” không mảy may biết đến. Tự do đọc sách. Tự do tìm tòi đề tài đọc. Tự do đọc cả những truyện có nội dung na ná như “phim chiếu cho người từ 18 tuổi trở lên, cấm trẻ em” thường ghi trước rạp chiếu bóng khi phim có những cảnh nhạy cảm như ôm hôn hay hơi hở hang nơi mông, nơi ngực.

Chúng tôi là những học sinh không bao giờ nghe giảng chính trị trong lớp và cũng không có bất cứ một chương, một khóa nào ở trường học nói về chính trị trong khi đất nước lúc ấy đang có chiến tranh, đang có “cộng sản”, đang có “quốc gia”.

Đọc sách lúc đó là niềm vui của học sinh, sinh viên chúng tôi.

Bây giờ học sinh, sinh viên, có quá nhiều niềm vui: Smartphone, games, phim Hàn, ca nhạc, bóng đá, facebook, có cả bia Tiger và thịt chó nữa.

Học sinh và sinh viên, tầng lớp nắm vận mệnh, tương lai dân tộc, bây giờ có quá nhiều niềm vui như thế, không hiểu họ có bỏ một số thời gian cho việc đọc sách hay không, tôi không được rõ lắm, nhưng rất rõ, họ rất ít có thời gian, vì chương trình học ở trường, học thêm ở các trung tâm, ở nhà, rồi nào đội, nào đoàn, nào đảng…đè nặng lên đôi vai của họ rất nhiều.

Chỉ nhìn một học sinh cấp một thôi: một va li sách vở kéo lè kè như va ly hành lý xách lên máy bay, đủ thấy học sinh bây giờ học hành khổ sở, tất bật thế nào.

Bill Gates là ông trùm Internet, cả thế giới xài vi tính có Windows của ông nhưng ông lại là người xài vi tính ít hơn đọc sách. Điều đó nói lên vi tính chưa hẳn thay được sách (cho đến lúc này) đối với “bộ-óc-vĩ-đại-vi-tính” ấy.

Chúng ta ao ước được thấy nhiều hơn những người cha, người mẹ trẻ, luôn cho con cái năm ba tuổi trở lên của họ làm quen với sách (ảnh, chữ) trước khi làm quen với smartphone và dân tộc này sẽ hồng phúc biết bao nếu những đứa trẻ ấy thích lướt sách như (không mong hơn) lướt web.

Những người trẻ thành đạt, mong ước khi vào thăm căn nhà sang trọng của họ, tôi được may mắn nhìn thấy cái tủ trang trọng, hoành tráng, chứa đầy sách chứ không chứa đầy những chai rượu tây đắt tiền.