Ảnh: ổng thống Richard M.Nixon bắt tay một cô giáo VN.
Danh xưng tiếng Việt khá tế nhị và (có phần) rắc rối. Cho đến giờ này, trong học đường vẫn còn tranh cãi cách xưng hô giữa người dạy và người học. Cộng đồng mạng (chứ không phải cộng đồng dân cư đại diện công luận) lên tiếng gay gắt khi thấy một bảng ghi lời chào học sinh đến trường sau gần một năm ở nhà vì dịch bịnh. ““Chào mừng các con học sinh trở lại trường học”.
Tôi thấy cách xưng học sinh bằng con như thế vừa thân mật vừa yêu mến. Học sinh như con mình, các thầy cô giáo nghĩ như thế, rất chân tình.
“Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo. Lúc ở trường cô giáo như mẹ hiền” (một câu hát rất hay) Nhưng có thực sự học sinh được yêu mến như con? Cô giáo như mẹ hiền một thời gian không còn là mẹ hiền nữa khi nền giáo dục ngày càng nhiều vấn đề. Vai trò của học trò và thầy cô bị cuốn vào một môi trường, chạy theo thành tích là chủ đạo. Có cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng vì muốn nó không thể là học sinh “cá biệt” hay “học sinh dở”, có thể ảnh hưởng đến thành tích dạy dỗ của cô. Có lớp học gần như 100/100 là học sinh giỏi để bảo đảm “học tốt, dạy tốt”. Chưa kể những vấn nạn như áp lực thi cử, thi đua, tất bật việc lo trường, lo lớp cho con cái, tiền học thêm, tiền mua sách “tham khảo” ào ào phát hành của cái bộ chăm lo…giáo dục. “Cô giáo như mẹ hiền” khiến người ta liên tưởng “Lương y như từ mẫu”, một số người diễu cợt “Lương y như kế mẫu”.
Lý tưởng tốt đẹp của những khẩu hiệu ấy không còn tốt đẹp nữa vì những “biến tướng” của việc (một số) người phục vụ sức khỏe và chăm lo tinh thần của công dân biến thành ông cha bà mẹ uy quyền…
Gọi học trò là con không còn thân thương nữa. Ở vào vị trí con, học trò chắc chắn sẽ “gọi dạ, bảo vâng”, một lối giáo dục phi giáo dục, khi gọi những điều dối là thật, bảo những việc “xưa bày nay bắt chước” là truyền thống ông cha (dưới dạng “kiên định” lập trường) và bắt học trò tin theo và làm theo.
Chính vì thế, dư luận mới phản ứng việc gọi học sinh bằng “con”. Vì chữ con này làm họ nhớ tới: “Con không mặc áo quá đầu”; “Thương (con) cho roi cho vọt”. Họ muốn bỏ từ “con” trong ý nghĩa, học sinh không còn là một thứ dễ sai bảo như trong gia đình "gia giáo", nói đâu nghe đó, để được tiếng “hiếu thảo”. Học sinh là học sinh. Người thầy là người thầy. Học sinh có thể sẽ trở thành người thầy trong tương lai. Họ là “đồng nghiệp” của vị thầy một ngày nào đó. Họ không cần sự bình đẳng vì xã hội không bao giờ bình đẳng mọi cái. Họ cần sự tôn trọng. Họ không thể là con của một ai ngoài cha mẹ họ.
Nhưng tên gọi không nói hết sự tôn trọng khi tên gọi ấy là kết quả của một nền văn hóa lâu đời của người Việt Nam.
Có thể bây giờ không còn quan điểm tôn ti “Quân-Sư-Phụ” nhưng trong thâm tâm một số nguoi VN đều có tư tưởng ấy. Ông thầy đứng sau vua, trên cả cha mẹ. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy. Ông thầy trọng vọng vì nhờ ông mà con người Việt thời xưa mới có thể “đổi đời”, từ một nông dân tay lấm chân bùn, trở thành một vị quan (huyện) “trên đầu nào biết có trời là ai”. Học để làm quan, để giải thoát số phận con ngươi, do đó, học rất quan trọng. Chỉ có ai đỗ đạc mới ra làm quan. Học để làm quan, “một nguoi làm quan cả làng đều hưởng”. Học để thi, và thi cho đỗ. “Anh chưa thi đỗ, thời chưa động phòng”. Vợ cưới về để thèm thuồng ngó chứ nào dám “rờ tới” khi việc học thi quan trọng hơn cả hạnh phúc. Không quá đáng khi một "nhà" thực dân nổi tiếng (Paul Doumer) nhận xét: Trong mỗi đầu óc của người An Nam đều có một ông quan”.
Ảnh: Cô giáo dạy tôi thời trung học.
Học để làm quan chứ không phải học để làm nguoi, học để phụng sự bản thân, phụng sự xã hội. Ông thầy do đó còn hơn cha hơn mẹ. Việc họ gọi học trò bằng “con” cũng có chỗ hữu lý.
Xưa thì như thế còn nay thì sao? Như tôi nói, tư tưởng học làm quan không phải là không còn rơi rớt trong suy nghĩ của một số nguoi hôm nay. Nếu không coi trọng thi cử thì chắc chắn sẽ không có những sĩ tử thời @ ra Văn Miếu Quốc Tử Giám, sờ đầu mấy chú rùa đội bia tiến sĩ “để lấy hên”. Họ dựa vào uy danh các vị tiến sĩ, hồn thiêng của mấy vị này, mà không dựa vào chính bản thân họ, là cái quyết định tương lai của mình, chứ không phải mấy ông có tên trên văn bia, tài năng đa phần trong số họ chỉ là "làu làu" kinh sử của nước Tàu phong kiến.
Chưa bao giờ các quan chức nhà nước VN có bằng cấp nhiều như trong lịch sử. So với Mỹ, một nước văn minh nhất thế giới, tỷ lệ bằng tiến sĩ hay chức giáo sư trong chính phủ của họ thua xa trong chính quyền VN. Học quan trọng vì học để có bằng cấp?
Ai là người có thể giúp học trò của mình đỗ ông nghè, ông cống nếu không phải là thầy, cô? Sự quan trọng của nguoi thầy là hướng dẫn học sinh, sinh viên tự học chứ không phải chỉ có dạy họ học. Vai trò học sinh phải là trung tâm chứ không phải nguoi thầy. Do đó, việc các ngươi làm giáo dục gọi học sinh là “con” khiến dư luận bất bình. Họ không phải là hạng “con, cháu” nữa khi giáo dục ngày càng xuống cấp, học sinh không còn như ruột thịt (con), họ trở thành “con” của cha của mẹ. "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”.
Nhưng không gọi học sinh bằng con, thầy cô thì gọi họ bằng gì? Có nguoi bảo thầy cô xưng tôi và học sinh cũng xưng tôi. Có nguoi nói gọi học sinh bằng trò, nguoi dạy gọi mình là thầy, cô. Đây có thể là cách gọi có vẻ “trung tính” nhất trong danh xưng giữa nguoi học và nguoi dạy. Nhưng xin đi vệ sinh, học sinh nói: “Trò xin thầy (cô) trò đi tiểu”. Thầy (cô): Thầy cho trò đi tiểu, đó”. Cách xưng này có vẻ dung hòa hơn cách gọi con, xưng tôi nhưng nghe sao không êm tai mấy. TRường họp khó nghe hơn khi học sinh 5 tuổi (mẫu giáo) nói với cô: “Tôi xin cô đi tiểu” nếu tất cả học sinh không cứ nhỏ tuổi xưng với thầy cô bằng “tôi”. Hay học sinh lớp 1: “Tôi thấy thầy giảng sai” thì thử hỏi có vị thầy nào không nổi nóng? Nếu là tiếng Anh thì vấn đề không còn “khó nghe” vì “I” (trò, con, em, tôi) xin “You” đi tiểu. Ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai rõ ràng. I và You không thể hiện “danh xưng” rắc rối như tiếng Việt.
Nhưng không xưng, trò với thầy, tôi với em, hay tôi với thầy (cô) thì gọi bằng từ gì cho nó không thể hiện địa vị “con” thấp bé? Rất nan giải.
Tiếng Việt, khi xướng danh xưng, người ta nói lên ngay tức khắc “thân phận” nguoi nói, nguoi nghe. Trong công sở, “Thưa bác, xin bác ký giấy này giùm em (giùm cháu)”. Chắc chắn ông quan chức này lớn tuổi. Cũng không hẳn. Một số nguoi miền Bắc hay gọi nguoi cùng tuổi hay nhỏ tuổi hơn chút bằng bác và xưng em trong khi ở miền Nam, bác là anh của cha, lớn tuổi hơn cha. Chỉ có chữ bác thôi, ý nghĩa khác nhau tùy ngữ cảnh và thân phận nguoi nói, nguoi “được thưa”. “Ông mà gọi một cú phone, con đi ăn mày ngay”. Ông này có nghĩa là tôi, không phải grandfather. Tôi này nhớn lắm, oai quyền lắm. Con này có nghĩa là thằng, mầy. Chỉ nghe danh xưng, chúng ta biết ngay thân phận, địa vị của mỗi người. Tiếng Việt mình nó thế, phong phú lắm.
Con, do đó, dễ gây dị ứng khi các thầy cô gọi học sinh của mình. Nghe nói ở đại học, nhiều vị thầy giáo sư, tiến sắp về hưu hay sử dụng lại (lưu dung?) gọi các cô cậu sinh viên bằng con, cháu vì thực sự tuổi của họ chỉ tầm bằng tuổi con, cháu của các vị này.
Danh xưng biểu hiện tư duy nữa. Trước đây, trong tiếng Anh, gọi ông, bà bằng Mr. hay Mrs (Mrs. thường hiểu là nguoi có gia đình). Sau này, để bảo vệ quyền riêng tư của phụ nữ có gia đình hay độc thân, người ta dùng Ms. chỉ chung cho phụ nữ. Người đọc sẽ không biết Ms., những phụ nữ, có gia đình hay chưa; đó là quyền riêng tư, không ai được xâm phạm. Tiếng Việt có chữ nào gọi chung như thế không? Không. Bà để chỉ nguoi có chồng; cô để chỉ nguoi chua chưa chồng. Nhưng về mặt pháp lý, Ông/Bà để gọi đàn ông và đàn bà. Đây là bước tiến bộ. Nhưng tròng công đường hiện nay, việc xưng hô giữa nguoi dân và quan chức có tiến bộ như vậy không? Vào đó thì nào là con, cháu, chú, bác, ông, cô, dì…như trong một gia đình?
Quay lại vấn đề xưng hô thầy cô, tôi thấy quan điểm dung hòa là có cũ, có mới, có châm chước, có nguyên tắc: hãy trở lại cách gọi trước đây (ở miền Nam và nghe nói ở miền Bắc). Cấp mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở: nguoi dạy xưng “thầy, cô” và gọi nguoi học bằng em. Học sinh xưng em với thầy cô. Cấp ba và đại học, học sinh sinh viên gọi nguoi dạy bằng thầy, cô và xưng em; thầy cô gọi học sinh bằng anh, chị và xưng tôi.
Không thể một sớm một chiều thay đổi cách gọi ăn sâu trong tiềm thức khi vị thầy đứng trên cha, mẹ; tuổi tác của họ ở vào hàng cha mẹ, có khi ông bà, của học sinh. Nhưng không thay đổi bây giờ, vị trí ngươi dạy nguoi học qua cung cách xưng hô, vừa tương kính vừa thân yêu, thì đến khi nào nữa? Đừng để chuyện cỏn con (tôi nói cỏn con vì chỉ cần một thông tư của bộ là xong chuyện xưng hô) như cách gọi đang bàn có thể ảnh hưởng đến môi trường giáo dục, sự tự do và bình đẳng cần tỏ rạng, trong quan hệ thầy trò.