Hiện tượng Thích Minh Tuệ là một hiện tượng chưa từng có. Tôi không giải thích nỗi. Việc ấy dành cho các bậc trí giả . Tôi chỉ nêu, Thích Minh Tuệ làm bối rối xã hội rất nhiều. Người hâm mộ (có cả tò mò) xuất hiện ào ạt, ngày càng nhiều, và càng mất trật tự trên bước đường vị tu sĩ này đang đi hay sắp đi qua, để được ngưỡng vọng hay đảnh lễ. Chính quyền cũng vội vã “vào cuộc”. Thể chế này rất sợ “tụ tập” đông người. Họ từng kinh nghiệm “cướp” chính quyền năm 1945 cũng nhờ “tụ tập đông người” (biểu tình) của viên chức chính phủ Trần Trọng Kim.
Ảnh: Như trong vòng vây.
Hiện tượng Minh Tuệ gây lúng túng rất nhiều cho nhà chức trách. “Để” thì e lộn xộn xảy ra. “Dẹp” thì cũng e mang tiếng này kia. Lần này, Minh Tuệ nghe nói lại… “ẩn tu” chắc cũng “tự nguyện” như lần trước.
Nếu Minh Tuệ hành cước bình yên từ Nam ra Bắc như trước đây chưa được youtuber, facebooker, titoker… cho lên sóng nóng hổi hành trình của ông; nếu người dân ngưỡng mộ đứng trên lề đảnh lễ khi ông đi qua. Nếu tất cả mọi người không ồn ào chen lấn gây cản trở giao thông công cộng…Thì tôi chắc chắn ông Minh Tuệ sẽ không ẩn tu “đột ngột” như thế.
Mọi hoạt động dù nhỏ nhất cũng cần có tổ chức (organize). Mời một người khách đến nhà nếu không tổ chức, việc tiếp khác chắc gì đúng như mong ước. Huống hồ hàng trăm, hàng ngàn, có khi hang vạn người nôn nóng đón tiếp một vị khách đặc biệt “ngàn năm có một”.
Minh Tuệ là nhân vật “vô danh” khi chưa xảy ra “hiện tượng” Minh Tuệ. Tiếp đón một nhân vật gây ra “hiện tượng” có lẽ cần phải tổ chức chu đáo (tôi không nói chặt chẽ).
Có một nhân vật không là “hiện tượng” nhưng ảnh hưởng tinh thần rất lớn: đức Giáo Hoàng. Khi vào dự lễ tại sân nhà thờ Peter hùng vĩ ở Roma, mọi người (khắp nơi trên thế giới) đều đi qua các hàng rào có nhân viên soát xét hành lý từng người. Gần nơi hành lễ, tất cả đều phải qua máy rà vũ khí kể cả xắc tay, áo khoác. Giáo hoàng đi một vòng quanh nơi đứng của tín đồ trong vòng rào, đứng trên chiếc xe tứ bề là kính chống đạn. Ông vẫy tay chào mọi người trong tiếng la vang chúc mừng của hàng mấy ngàn tín đồ Công giáo.
Đón tiếp một vị chưa là “hiện tượng” (như Minh Tuệ) người ta tổ chức như thế. Việc đón tiếp để “đảnh lễ” Minh Tuệ làm sao mà trật tự cho được khi chẳng ai đứng ra tổ chức. Phật Giáo VN? Họ “loại” ông Minh Tuệ ra khỏi giáo hội mà. Phật Giáo VN Thống Nhất? Đời nào. Họ có thông bạch tán thán Minh Tuệ nhưng điều đó không làm họ “dám” đứng ra tổ chức đón tiếp con người “hiện tượng”. Bản thân giáo hội của họ còn không được nhà nước công nhận nữa là. Tư nhân? Ai? Ai dám đứng ra tổ chức đón tiếp mà không phép chính quyền? Chính quyền đứng ra tổ chức? Còn lâu. Họ còn biết bao nhiêu việc cần kiếp khác.
Nhưng có cần tổ chức thì mọi việc sẽ trôi tròn? Dân chúng tự do thể hiện tín ngưỡng của mình. Nhà chức trách tin tưởng dân chúng trật tự. Tôi cho không cần.
Lúc tòa tháp đôi bị khủng bố mới tấn công, nhà chưa sập. Lửa đang cháy dữ dội trong hàng trăm căn phòng của tòa nhà. Hàng ngàn người túa ra cầu thang bộ nhưng họ rất trật tự: chừa lối đi cho lính cứu hỏa chạy lên. Thậm chí có chi tiết một con chó cũng được “ưu tiên” cho chạy xuống trước giữa dòng người sắp chết cháy. Tòa nhà đầy lửa không làm cho người Mỹ trong tòa nhà hỗn loạn. Vì sao? Nhờ có “tổ chức” ư? Không. Hoàn toàn không. Hồi khẩn cấp ấy ai đứng ra tổ chức?
Người bảo vệ trật tự những người Mỹ sắp chìm trong biển lửa chính là: Văn Hóa.
Văn hóa không chỉ đơn giản là sắp hàng để chạy. Văn hóa nhường nhịn. Văn hóa thì không thể một hay hai thế hệ có thể hình thành. Văn hóa kết tụ ít nhất là cả trăm năm. Tôi nghĩ là hơn. Câu chuyện tôi dịch sau đây cho biết cái văn hóa thấy ở người Mỹ hình thành trước thời thảm họa Titanic xảy ra (1912).
Ảnh: Triệu phú John Jacob Astor IV
“Khi tàu Titanic chìm, trên tàu có triệu phú John Jacob Astor IV. Tiền trong nhà băng của ông có thể đóng được 30 chiếc Titanic. Tuy nhiên, trước cái chết cận kề, ông chọn lấy đức hạnh bằng cách nhường chỗ trên tàu cứu sinh cho hai đứa bé đang hoảng loạn. Cũng trên tàu, triệu phú Isidor Straus, đồng sáng lập chuỗi dây chuyền bán hàng lớn nhất nước Mỹ “Macy’s” tuyên bố: “Tôi không bao giờ leo lên tàu cứu sinh trước người khác”. Vợ của ông, bà Ida Straus, cũng nhưỡng chỗ của mình cho người hầu mới làm việc Ellen Bird. Bà quyết định ở bên chồng cho đến những giờ phút cuối cùng. Những người giàu có này muốn san sẻ của cải, ngay cả mạng sống, mà không muốn vi phạm chuẩn mực đạo đức. Chon đứng về phía nhân đức là vinh danh sáng chói sự văn minh và bản chất con người”.
Người kể câu chuyện này nêu cao nhân đức nói chung của nhân loại. Tôi thấy nhân đức hiếm hoi này chỉ có ở người Mỹ.
Tiếc rằng, dân tộc ta trải qua quá nhiều chiến tranh vì đất nước đứng sát một bá quyền. Chiến tranh liên miên không hình thành trong con người Việt lòng nhân đức, đã đành, nhưng cái đau đớn hơn, chính là cái “văn hóa và văn minh Trung Hoa” qua gần 1000 năm bị đô hộ mới là thủ phạm chính làm con người Việt Nam không có lòng nhân ái bao la. Lúc nào người Việt cũng sợ mình bị hại. Hận đô hộ, chém giết nhiều, người Việt nuôi lòng căm hận mạnh hơn lòng nhân ái.
Nếu đầy lòng nhân ái, người ta phải để Minh Tuệ tự do trên bước dường tu hạnh của mình. Nếu đầy lòng nhân ái, người ta sẽ đứng đằng xa để đón chào vị khổ hạnh kham nhẫn kia. Nếu đầy lòng nhân ái, người ta không thể ứng xử một vị tu sĩ áo mặc nhiều mảnh, ngủ ít ỏi qua đêm, ở bờ ở bụi, ăn cơm xin mỗi ngày một bữa, hành cước trên đường tu học bất kể nắng mưa bão gió. Nếu đầy lòng nhân ái, người ta sẽ không bỉ bôi một hình ảnh hiếm hoi của một tu sĩ ở thời buổi nhiễu nhương của thế giới ta bà.
Nhân đức, tôi nghĩ, không dưng mà có. Nhân đức hình thành từ giáo dục nghĩa là từ văn hóa. Minh Tuệ sẽ như một số tu sĩ hạnh đầu đà đang tu tập ở một số nước Đông Nam Á và Ấn Độ. Tự do tu học. Mong ông Minh Tuệ ẩn tu mà không ẩn luôn.