Tuesday, June 18, 2024

CHUỐI CHÁT

Là tên người Quảng (Nam) gọi chuối hột, chuối sứ. Thật ra trái chuối nào cũng chát nếu ăn xanh. Ốc nấu với chuối già (chuối hờn, chuối lùn, chuối già hương) rất ngon nhưng không ai hay ít ai ăn sống như chuối chát. Chuối chát chỉ ăn khi ruột trái chuối mới tượng hạt, màu chuối xanh mướt (Xin xem ảnh). Ăn sớm hay ăn trễ, chuối chát sẽ không ngon mấy.

Chuối chát non (để phân biệt với già, chứ không phải quá non) xắt lát, từng lát rất mỏng, sau khi gọt bỏ bốn cạnh chuối, đầu và cuốn. Xắt chuối bằng dao cực bén, mỏng thì lát chuối mới đạt yêu cầu trong món rau sống trộn (rau ghém). Rau sống gồm cải con, giá, các loại rau thơm và chuối chát là phần không thể thiếu. Trong mỗi hay mọi bữa ăn của người Quảng những ngày giáp Tết (nhất là tháng chạp), rau sống trộn là món ăn số một. Nếu thịt heo luộc thiếu rau sống, thà đừng ăn thịt. Lát chuối mỏng, mười lát như chục, không nát, không rứt rời, chính là cách đo tài khéo của người phụ nữ Quảng Nam. Không hiểu họ bắt đầu tập xắt chuối từ lúc nào, tôi nhận thấy, chục người như một, phụ nữ như mẹ tôi, bà tôi, ai ai cũng biết xắt chuối lát.

Chuối chát đi vào đời sống người thôn quê ngày xưa có lẽ từ lúc có thịt heo xuất hiện. Bắp chuối chát, còn gọi là hoa chuối (Bắc), thái nhỏ, dầm dấm, ăn kèm với thịt vịt luộc, thịt ăn không ngán. Trái chuối hầm xương, hầm thịt mỡ. Chuối trái non làm dưa chua giấm đường ăn trong các bữa cỗ. Thân cây chuối chát là thực phẩm chính cho việc nuôi heo. Mỗi gia đình quê tôi ngày ấy đều chuẩn bị một con heo cho ngày Tết. Từ khi “gầy” (nuôi) heo con cho đến khi “hạ” (mổ) heo thịt, thời gian thường là 8 đến 10 tháng. Chuồng nuôi là những cây “róng” (cây rừng bằng cổ chân, dài độ 2 mét) chất lên nhau, đầu cây này gối lên đầu cây kia. Cố định các cây róng ấy là hai cây nhỏ đóng ở 4 góc, bên trên cột lại bằng sợi mây con rất chắc.

Mái chuồng lợp bằng tranh, thường là 2 mái. Lá chuối chát khô sẽ là sàn cho heo nằm, mùa hè cũng như mùa đông, ngày nắng cũng giống ngày mưa. Thân chuối cây xắt thành lát mỏng bằng dao bản to, đem băm hay bỏ cối đá giã nhỏ. Sau đó trộn chuối băm (giã) ấy với cám gạo hay cám bắp. Heo sẽ ăn ngon lành, không chừa một tí gì. Thức ăn đạm bạc ấy khiến heo không lớn nhanh như ăn cám “công thức”. Do đó, thời gian kéo dài hơn nhưng bù lại thịt heo “ngon” hơn. Ngày nay, ở một số làng quê, một số người còn duy trì cách nuôi này để có sản phẩm đặc trưng: Thịt heo cỏ. Giá loại thịt heo này có khi là gấp rưỡi giá thịt heo nuôi cám công thức.

Cây chuối chát có lịch sử lâu đời với con heo cỏ là như thế.

Lá chuối chát là “thứ phẩm” chẳng hề thứ yếu. Lá chuối chát phơi heo héo dùng để gói bánh tét, bánh ít, bánh ú, bánh chưng, bánh rò (một loại bánh bằng bột nếp có hình kim tự tháp nhưn đậu xanh thịt). Lá còn dùng để gói nêm, gói trưởi. Rất ít người biết lá chuối chát còn dùng làm giấy nháp! Thời Việt Minh, học sinh làm toán trên lá chuối. Viết là que tre tròn như chiếc đũa nhưng ngắn hơn, vót nhọn để “viết” vào giấy lá chuối.

Cọng chuối chát phơi khô dùng làm dây cột thay dây nhựa. Cọng chuối chẻ nhỏ ra có thể gói bánh rò, bánh ú. Ở vùng Gia Kiệm (Đồng Nai), tôi thấy người ta thu cả thân chuối. Bẹ chuối phơi khô, tước thành sợi, dùng đan giỏ đựng, xách tay mỹ nghệ.

Củ chuối, có vất không? Thưa, không. Quý vị thử um (om?) củ chuối chát với lươn ướp nghệ tươi, ngon không chỗ chê. Những năm đói 1946, không còn thức ăn, một số người ở quê tôi đào củ cây chuối lên luộc ăn “trừ cơm”.

Trong các thành phần chuối chát, có trái chín là trẻ con chúng tôi ở quê “ngán” nhất. Chúng chín ăn ngọt phần cơm, phần hạt thì chát, ác nỗi, lại chiếm thể tích toàn trái. Ngày xưa, chất ngọt thuộc loại hiếm, trẻ thèm ngọt, ăn trái chuối chát chín sẽ nhớ đời khi đi vệ sinh mỗi sáng, có khi là cả buổi sáng: hạt chuối gây bón. Phân rắn như xi măng đóng cục. Tôi nói trẻ con “ngán” là vậy.

Sau này, chính quả chuối chát là phần “quý giá” nhất. Không phải quý ở món rau ghém có chuối non xắt lát. Ở Đà Nẵng, khi thấy đôi ba lát trong một đĩa rau trong các món ăn nào đó, thực khách không nên kêu thêm như ở miền Nam. Không có nhiều đâu chuối chát trái làm rau.

Trái chuối chát chín còn được các đệ tử Lưu Linh xắt lát phơi khô ngâm rượu cho có “vị thuốc”. Xin thưa, theo tìm hiểu của tôi, ngoài màu rượu đẹp như rượu tây thì trái chuối ngâm rượu hoàn toàn vô bổ. Nó chỉ có ích là làm rượu ngọt dễ uống; không bổ gì ngoài bổ ngửa vì uống ngon quá chén.

Chuối chát phơi khô lấy hạt là vị thuốc chữa sỏi thận cực kỳ hiệu quả. Tôi từng uống và sau một thời gian chừng nửa năm, kích thước sạn trong thận nhỏ lại, những hạt nhỏ nằm rải rác trong đường tiết niệu tan hẳn (siêu âm đối chiếu trước và sau khi uống).

Đây là bài thuốc dân gian nhưng tôi làm theo lời của bác sĩ Dương Ý Đức (không nhớ chắc tên ông) phụ trách mục sức khỏe trong tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, tôi thường mua đọc khi chưa có internet. Ông không tin y học dân gian nhưng bản thân ông thực hiện uống hạt chuối chát.

Cách làm theo ông hướng dẫn: Chuối chát chín lột vỏ, bóp nát, bỏ vào một rá nhựa (hay rổ tre) dung tay chà nhẹ để những hạt chuối lọt qua rổ. Thu hạt rồi rửa sạch trong nước và đem phơi khô, phải thật khô. Sau đó xay hạt thật nhuyễn cho vô lọ dùng dần (một buồng chuối cho chừng hơn 1 ký hạt). Một muỗng canh vun bột chuối chát cho vào chừng 1 lít nước nấu sôi chừng 15 phút, để nguội cho vào ngăn mát tủ lạnh, uống lai rai trong ngày. Thời gian cho đến khi sỏi mòn đi hay tan mất.

Chuối chát ăn quanh năm nên hạt chuối của nó có lẽ không gây tác dụng phụ. Tôi uống có kết quả mặc dầu trước đó tốn không biết bao nhiêu tiền cho thuốc Kim Tiền Thảo, uống vừa hao tiền vừa nóng trong người như uống phải nước sôi. Mổ hay chiếu tia lazer thì cũng giải quyết sỏi thận nhưng cách làm này vừa nhẹ nhàng vừa dễ làm.

Tất nhiên, mỗi người có mỗi cơ địa, không ai giống ai. Có khi bác sĩ Dương Ý Đức và tôi thì chữa hết sỏi thận nhưng quý vị thì không. Kiểm tra theo dõi bằng siêu âm trước và sau khi uống để quyết định có nên nghe theo thầy…lang Chiến này không.

Tôi mỗi năm đều về thăm quê. Thấy quê hương ngày càng phát triển hơn xưa, lòng tôi rất vui. Nhưng khi đi nhiều làng không thấy trồng nhiều chuối chát, tôi chợt thấy bùi ngùi. Cây chuối chát tuổi thơ của tôi ngày một ít dần. Hình ảnh những bụi chuối xanh um cao vút mờ dần vào ký ức. Không nuôi heo bằng cám chuối. Cây chuối mất dần lẽ sống.

Lá chuối không thay thế bịch ny-lông tron đời sống. Thịt heo luộc xắt lát không còn gói bằng lá chuối chát; bánh ú, bánh ít trẻ con không thích bằng bánh kem, bánh bích quy, bánh sô-cô-la rắc hạt hạnh nhân. Trẻ con không còn nô đùa khi đến mùa lụt lội, nên bè chuối chỉ là câu chuyện kể thời xưa của cha ông chúng … Chuối chát ít dần vì đời sống ngày càng khác xưa; “Gió đưa bụi chuối sau hè” không còn nghe nữa. Sân, hè đều có bê tông, xi măng, và gạch men thế chỗ.

THƯ GỞI KIM JONG-UN

Thưa anh,

Lẽ ra tôi phải gọi là Ngài, theo thông lệ báo chí gọi một nguyên thủ quốc gia. Nhưng tôi không phải “nhà báo”, chỉ là “nhà quê”, mạo muội mấy lời gởi Anh. Anh tuổi bằng con út của tôi, nếu ở Quảng Nam, tôi sẽ gọi anh là “mi” cho thân mật. Tôi gọi “anh” như trong tiếng Anh là “you”, ngôi thứ 2, tôi cần dài dòng để anh không coi tôi thiếu lịch sự.

Anh thực là nguồn cảm hứng cho tôi mấy ngày nay, sau khi tổng thống hợp chủng quốc Hoa Kỳ vội vã rời cuộc họp G7,  làm mấy nguyên thủ giàu có kia chưng hửng, đến trước 1 ngày để gặp anh tại Singapore.

Cung cách ứng xử tự tin và đĩnh đạc, vỗ vỗ lưng một người tuổi gấp đôi anh,  thủ lĩnh  cường quốc hàng đầu thế giới, thật đáng ngưỡng mộ khi tôi nhớ và so sánh trước đây một thủ tướng gặp tổng thống Bush, hơi lập cập, hồi hộp cầm tờ giấy đọc phát biểu của mình.

Nhưng đó là bên ngoài. Còn bên trong, nội dung cuộc họp riêng với tổng thống Mỹ, chúng tôi mù tịt. Nhưng chắc chắn anh đã thắng lợi. Báo chí tư bản nghi ngờ đưa tin cuộc gặp thượng đỉnh Un-Trump “là win- win hay Un-win”? (Un thắng).

Ngưng ngay tập trận Mỹ-Hàn trên bán đảo Triều Tiên, xem xét bỏ cấm vận kinh tế, và rút 32 ngàn quân về nước, trong khi Mỹ chỉ được anh “hứa” sẽ phi hạt nhân hóa (tức vứt “thùng rác” mấy quả bom nguyên tử). Báo chí Mỹ còn vặn vẹo Trump “sao ông không nêu vấn đề nhân quyền với Un”, Trump lém lỉnh: “quý vị muốn bom nguyên tử tiêu diệt quý vị, gia đình quý vị không?” Phóng viên lao nhao rồi cũng thôi. “Let Trump be Trump” (Trump là rứa). Nhưng tôi đồ rằng, một người là con buôn trước khi là tổng thống, không “lời” thì không làm. Vậy Mỹ “lời” gì trong cuộc gặp thượng đỉnh? Vì là họp bí mật 2 người với 2 phiên dịch, có lẽ anh đã  hứa chi đó chắc chắn với Trump chứ người kiêu ngạo như ông ta không dễ gì ra về mà còn khen anh  "thông minh, thương dân,  dân cuồng quý anh".

Thôi, đó không phải nội dung chính của bức thư hôm nay.

Nội dung chính là anh làm gì sau này để đất nước anh sẽ như Singapore khi anh tuyên bố với thế giới vừa qua?

Chắc chắn anh sẽ không đẩy mạnh hợp tác hóa nông nghiệp, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội nữa ở đất nước anh. Anh trẻ, có học, đã ở nước ngoài, tôi cam đoan muốn như Singapore đương nhiên anh sẽ áp dụng kinh tế thị trường, không biết có “định hướng xã hội chủ nghĩa” chi không, nhưng nếu rứa, anh đã học tập Việt Nam chúng tôi rồi, đâu học Singapore mần chi.

Tôi rất ngù ngờ không hiểu người bắc Triều Tiên của anh đã chế được bom nguyên tử (đến Trump cũng ngán), tên lửa bắn xa tận Mỹ, tàu ngầm, lại không giàu bằng đồng bào Hàn Quốc nổi tiếng với Samsung, Daewoo, Kia, Hyundai…cả thế giới nể phục, “thằng” Mỹ cũng muốn “dìm hàng” (Apple kiện Samsung mấy trận).

Chắc chắn anh sẽ không tiếp tục đường lối của ông nội huyền thoại, ông cha yêu kính của anh, mà không sợ bất hiếu, không sợ dân chúng phê bình anh “không kiên định lập trường” trước sau như một, không theo sự lựa chọn của các vị lãnh tụ tiền bối, đã mấy chục năm dẫn dắt bắc Tiều Tiên.

Nếu anh thực tâm bắt tay với “đế quốc đầu sỏ”, không “nói đường làm nẻo” như trước đây bố anh đã làm, hứa phi hạt nhân để nhận viện trợ mà vẫn lén lút chế bom. Nếu anh thật tâm muốn hòa giải với Nam Hàn để từng bước thống nhất 2 miền. Nếu anh không còn xài bàn tay thép với một số người dân muốn đào thoát khỏi nước của anh tìm tự do. Nếu anh cho dân mình được thoải mái nghe radio nước ngoài, được truy cập internet, được chơi Facebook, lên Google, tự do đi lại, du lịch nước ngoài, được tự do buôn bán,kinh doanh,  tự do biểu đạt tư tưởng, tự do báo chí, tự do hội họp…

Tôi tin chắc dân chúng nước anh sẽ xem anh là thánh chứ không phải lãnh tụ nữa.

Tất nhiên tiến trình như tôi nói sẽ diễn ra không thể một sớm một chiều mà được. Bộ máy tuyên truyền của anh rất hùng mạnh. Nếu anh nói đồng bào anh hãy yêu thương nhau không xem người Nam Hàn là thù địch. Thù địch chính là sự nghèo nàn, lạc hậu, dốt nát, chia rẽ…Họ sẽ nghe ngay.

Anh thật khôn ngoan. Anh không những chơi thân với Tàu mà còn muốn chơi thân với Mỹ. Nhưng anh cũng nên cẩn trọng tìm hiểu người Mỹ. Họ không xấu như anh nghĩ nhưng họ rất…Mỹ, nghĩa là, cái gì có lợi cho họ là họ sẽ làm. Anh đã thấy họ gạt Cộng hòa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch để đưa Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào Liên Hợp Quốc khi Nixon bắt tay Mao Trạch Đông, khiến quốc gia cộng sản to lớn này ngả theo tư bản, tách khỏi Liên Xô, làm suy yếu dẫn đến tan rã khối xã hội chủ nghĩa, một thời đã làm khối tư bản mất ăn mất ngủ. Ở Việt Nam chúng tôi, Mỹ cũng đã bỏ rơi một đồng minh thân cận VNCH họ dày công xây dựng và đã bỏ mạng hơn 58 ngàn công dân của mình cho mảnh đất mà họ gọi là "thuộc thế giới tự do”.

Triết lý của người Mỹ, theo tôi, rất đơn giản: đồng đô la lăn tới đâu là lương tâm của họ có ở đó. Họ rất thực dụng. Anh không tin ư? Tôi dẫn chứng: họ  quý tiền hơn những cái mà người Á đông chúng ta xem là thiêng liêng. Người ta có thể đốt cờ Mỹ, may làm quần lót phụ nữ, thậm chí chửi tổng thống khi tức giận, nhưng nếu trốn thuế dù chỉ mấy ngàn, họ cũng bị nhốt ngay.

Chơi với họ phải có bản lĩnh.  Tôi thấy anh chắc là dư thừa. Mỹ sợ anh cái gì? Bom nguyên tử. Chỉ cần anh để lọt vào tay bọn khủng bố thì nước Mỹ, cả thế giới sẽ mất ăn, mất ngủ.

Tôi tin anh sẽ thành công khi cùng với Hàn Quốc biến đất nước anh giàu có, được thế giới nể nang, thành một Triều Tiên thống nhất hùng cường.  Nhưng tôi biết lòng anh do dự, sự do dự đúng đắn: liệu anh còn được cầm quyền nữa không, một  quyền uy vô hạn, ông, cha anh đã dày công gầy dựng cho anh, cho gia đình anh?

Không gì là không thể, thưa anh. Từng bước một, anh thực hiện từ từ cho sự thống nhất đát nước. Sự thông minh của anh, của dân tộc anh, và trật tự thế giới mới  ngày càng có lợi cho anh, một bán đảo Triều Tiên  hòa bình, giàu mạnh sẽ hình thành. Khi anh, dân chúng bắc Triều Tiên do anh dẫn dắt,  bỏ tâm thế hận thù xuống, Mỹ rút quân về nước, thì không những đất nước anh yên bình mà anh bạn Nhật Bản gần bên cùng hưởng yên bình chút đỉnh, họ sẽ không quên anh, họ sẽ giúp anh mạnh lên, khi anh không còn hung hãn nữa, độc lập hơn, không còn dựa dẫm vào anh bạn vàng trọc phú, mấy mươi năm giàu có, anh là em út, có được “ảnh xóa đói giảm nghèo” chi đâu, chỉ toàn là giúp đủ ăn, để lúc nào anh cũng giữ phận đàn em lệ thuộc.

Anh trẻ, có học, chịu chơi, mang lại diện mạo mới cho đất nước mấy mươi năm nghèo khó, cách biệt với thế giới, một diện mạo hòa bình. Nếu anh ra tranh cử tổng thống, tôi chắc chắn anh sẽ đắc thắng. Anh đã làm những việc mà ông nội anh, cha anh không làm nổi: thống nhất đất nước. Nhưng nếu anh không muốn làm tổng thống mà rủ áo về nhà người ta vẫn xem anh là một vĩ nhân thế giới: không cần chiến tranh chết mấy triệu người, tan hoang đất nước, mà thống nhất được giang sơn, quê hương anh toàn là nam thanh nữ tú, thế giới đến thán phục: nền kinh tế “hùng mạnh” (từ nguồn lực Nam Hàn), nền quân sự “vô song”với bom nguyên tử, tên lửa, xe tăng, tàu ngầm…(từ nước anh).

Làm vua rồi cũng phải chết, không chắc anh giao ngai vàng tiếp cho con anh được, và con anh tiếp tục làm vua, thì anh biết rồi đó, thế giới bây giờ đâu còn cha truyền con nối nữa, mà có có cha truyền con nối, có thông thái quyền năng như anh cũng không tránh khỏi hậu thế chê cười. Anh sẽ thấy thế nào khi dân Triều Tiên sau này học lịch sử: năm 2030, chiến tranh hoàn toàn chấm dứt, không cần nước “đỡ đầu” nào nữa, bóng dáng “ngoại bang” (quân Mỹ) không còn trên quê hương, dân tộc ta thống nhất hoàn toàn, nhân dân ta 2 miền ấm no, hạnh phúc…Tất cả đều có đóng góp của một thanh niên ở tuổi 30: Kim Jong-un. Ngài đã khép lại quá khứ, mở ra tương lai, đưa miền bắc yêu thương về với miền Nam ruột thịt, đất nước ta mới "sánh vai năm châu bốn bể" được như ngày nay.

Tiếng tung hô vạn tuế, vạn vạn tuế anh nghe mỗi ngày bây giờ đâu bằng mấy dòng sử đã ghi về sau.

 Xin chào anh, thần tượng mấy hôm nay của tôi.

Tái bút: Thư tôi viết hơi dài, chắc anh không đọc đâu, nhưng có đọc được, cũng bỏ qua, đừng ghép tôi tội “nói xấu lãnh tụ”, nghe anh. Cũng đừng đem tôi ra bắn mấy quả đại bác vào người, như anh đã làm với ông dượng của mình. Chắc thế lực thù địch nó bêu xấu anh vậy thôi, chứ trông anh hiền lành, mà đẹp trai nữa, ai nỡ giết người như rứa.

Sunday, June 16, 2024

ẨN TU HAY ẨN LUÔN?

Hiện tượng Thích Minh Tuệ là một hiện tượng chưa từng có. Tôi không giải thích nỗi. Việc ấy dành cho các bậc trí giả . Tôi chỉ nêu, Thích Minh Tuệ làm bối rối xã hội rất nhiều. Người hâm mộ (có cả tò mò) xuất hiện ào ạt, ngày càng nhiều, và càng mất trật tự trên bước đường vị tu sĩ này đang đi hay sắp đi qua, để được ngưỡng vọng hay đảnh lễ. Chính quyền cũng vội vã “vào cuộc”. Thể chế này rất sợ “tụ tập” đông người. Họ từng kinh nghiệm “cướp” chính quyền năm 1945 cũng nhờ “tụ tập đông người” (biểu tình) của viên chức chính phủ Trần Trọng Kim.

Ảnh: Như trong vòng vây.

Hiện tượng Minh Tuệ gây lúng túng rất nhiều cho nhà chức trách. “Để” thì e lộn xộn xảy ra. “Dẹp” thì cũng e mang tiếng này kia. Lần này, Minh Tuệ nghe nói lại… “ẩn tu” chắc cũng “tự nguyện” như lần trước.

Nếu Minh Tuệ hành cước bình yên từ Nam ra Bắc như trước đây chưa được youtuber, facebooker, titoker… cho lên sóng nóng hổi hành trình của ông; nếu người dân ngưỡng mộ đứng trên lề đảnh lễ khi ông đi qua. Nếu tất cả mọi người không ồn ào chen lấn gây cản trở giao thông công cộng…Thì tôi chắc chắn ông Minh Tuệ sẽ không ẩn tu “đột ngột” như thế.

Mọi hoạt động dù nhỏ nhất cũng cần có tổ chức (organize). Mời một người khách đến nhà nếu không tổ chức, việc tiếp khác chắc gì đúng như mong ước. Huống hồ hàng trăm, hàng ngàn, có khi hang vạn người nôn nóng đón tiếp một vị khách đặc biệt “ngàn năm có một”.

Minh Tuệ là nhân vật “vô danh” khi chưa xảy ra “hiện tượng” Minh Tuệ. Tiếp đón một nhân vật gây ra “hiện tượng” có lẽ cần phải tổ chức chu đáo (tôi không nói chặt chẽ).

Có một nhân vật không là “hiện tượng” nhưng ảnh hưởng tinh thần rất lớn: đức Giáo Hoàng. Khi vào dự lễ tại sân nhà thờ Peter hùng vĩ ở Roma, mọi người (khắp nơi trên thế giới) đều đi qua các hàng rào có nhân viên soát xét hành lý từng người. Gần nơi hành lễ, tất cả đều phải qua máy rà vũ khí kể cả xắc tay, áo khoác. Giáo hoàng đi một vòng quanh nơi đứng của tín đồ trong vòng rào, đứng trên chiếc xe tứ bề là kính chống đạn. Ông vẫy tay chào mọi người trong tiếng la vang chúc mừng của hàng mấy ngàn tín đồ Công giáo.

Đón tiếp một vị chưa là “hiện tượng” (như Minh Tuệ) người ta tổ chức như thế. Việc đón tiếp để “đảnh lễ” Minh Tuệ làm sao mà trật tự cho được khi chẳng ai đứng ra tổ chức. Phật Giáo VN? Họ “loại” ông Minh Tuệ ra khỏi giáo hội mà. Phật Giáo VN Thống Nhất? Đời nào. Họ có thông bạch tán thán Minh Tuệ nhưng điều đó không làm họ “dám” đứng ra tổ chức đón tiếp con người “hiện tượng”. Bản thân giáo hội của họ còn không được nhà nước công nhận nữa là. Tư nhân? Ai? Ai dám đứng ra tổ chức đón tiếp mà không phép chính quyền? Chính quyền đứng ra tổ chức? Còn lâu. Họ còn biết bao nhiêu việc cần kiếp khác.

Nhưng có cần tổ chức thì mọi việc sẽ trôi tròn? Dân chúng tự do thể hiện tín ngưỡng của mình. Nhà chức trách tin tưởng dân chúng trật tự. Tôi cho không cần.

Lúc tòa tháp đôi bị khủng bố mới tấn công, nhà chưa sập. Lửa đang cháy dữ dội trong hàng trăm căn phòng của tòa nhà. Hàng ngàn người túa ra cầu thang bộ nhưng họ rất trật tự: chừa lối đi cho lính cứu hỏa chạy lên. Thậm chí có chi tiết một con chó cũng được “ưu tiên” cho chạy xuống trước giữa dòng người sắp chết cháy. Tòa nhà đầy lửa không làm cho người Mỹ trong tòa nhà hỗn loạn. Vì sao? Nhờ có “tổ chức” ư? Không. Hoàn toàn không. Hồi khẩn cấp ấy ai đứng ra tổ chức?

Người bảo vệ trật tự những người Mỹ sắp chìm trong biển lửa chính là: Văn Hóa.

Văn hóa không chỉ đơn giản là sắp hàng để chạy. Văn hóa nhường nhịn. Văn hóa thì không thể một hay hai thế hệ có thể hình thành. Văn hóa kết tụ ít nhất là cả trăm năm. Tôi nghĩ là hơn. Câu chuyện tôi dịch sau đây cho biết cái văn hóa thấy ở người Mỹ hình thành trước thời thảm họa Titanic xảy ra (1912).

Friday, June 7, 2024

MINH TUỆ- NGUỒN CẢM HỨNG

Người ta nói "hiện tượng Minh Tuệ" khá nhiều và tôi thấy rất đúng. Không là hiện tượng sao được. Không nổi tiếng như người được đề cử giải Nobel Hòa Bình bởi một người Mỹ nổi tiếng Martin Luther King. Không có 'sự nghiệp' gì lớn như "Làng Mai" ở một số nước tiên tiến trên thế giới. Không biết viết sách tiếng Anh, tiếng Việt để xiển dương và lan truyền Phật pháp. Không có trí tuệ thông thái về Phật học. Tôi muốn so sánh Minh Tuệ với Nhất Hạnh; tu sĩ với thiền sư. Vậy mà, đi đến nơi đâu, xuất hiện chỗ nào, dẫu là nơi thanh vắng như núi rừng, Minh Tuệ được nghênh đón còn hơn người nổi tiếng thế giới, nổi tiếng nhất trong hàng sư sãi trong chiến tranh Việt Nam- ông Nhất Hạnh. Không là hiện tượng thì sẽ hiện gì?

Trong một vài video ngắn, tôi thấy nhiều người quỳ mọp xuống đường, có người khóc nức nở, khi Minh Tuệ đi qua. Có người còn rắc hoa tươi trên đường ông sắp đến . Có chỗ còn rải thảm vải màu vàng để đón nhận bước chân dính bẩn của Minh Tuệ trên bước đường trần trụi.

Tôi thấy có người khóc khi đón tiếp một nhân vật uy quyền nhất thế giới về tôn giáo hay là về tinh thần: Đức Giáo hoàng. Một lần, đến Roma dự lễ thánh sáng ngày thứ 4 hằng tuần do đức giáo hoàng chủ lễ, tôi có thấy tín hữu khóc, rất to, rất nhiệt tình, và rất xúc động: Viva Papa. Viva Papa. Có lẽ là Đức Thánh cha vạn tuế. Đức Thánh cha vạn tuế.

Tôi không có ý so sánh; nhưng có người khóc vì xúc động khi thấy Minh Tuệ không khác mấy một người châu Âu (hoặc nước văn minh nào đó) khóc khi thấy lãnh tụ tinh thần đạo Công giáo Francisco; tiếng khóc tự trong tim: Tiếng khóc tự đáy lòng.

Có người cho rằng Minh Tuệ có gì đâu mà có người quỳ người khóc. Nhưng đã có người quỳ và khóc. Họ mê tín sao? Tôi không tin. Có cái gì toát ra từ đức Giáo hoàng. Có cái gì toát ra từ một tu sĩ gầy gò. Tôi không biết đó là cái gì.

Nhiều người cho rằng Minh Tuệ "phát tiết" đức hạnh tích tụ nhiều nhiều ngàn kiếp trước. (Nguyễn Du: Tinh hoa phát tiết ra ngoài). Là người công giáo, tôi không tin như thế.

Tôi tin Minh Tuệ là "hiện tượng" vì ông chân thật. Ông không có hào quang nào huyền bí cả. Hào quang của ông là sự chân thật. Nếu coi kỹ những clip của các Facebooker, TiToker, Youtuber...đeo bám Minh Tuệ, chúng ta sẽ thấy nét nổi nhất- đặc tính khiến ông được coi như Bồ Tát hay Phật sống- chính là sự chân thật. Ăn một bữa trưa chay. Ngủ ngoài đồng không mông quạnh- nghĩa địa hay đồi hoang. Mặc áo may từ vải rách vải nhặt trên đường đi. Không nhận tiền bố thí. Không nhận thức ăn sau 12 giờ trưa. Ông thật thà đến nỗi nói mình không phải là tu sĩ Phật giáo. Ông thật thà đến nổi "hỏi chi nói nấy" dù những lời nói của ông mọi người đều kỳ vọng đó là "lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu". Tri kiến Phật học của ông không cao vời như tri kiến của những vị cao tăng kể cả những tăng lữ trung bình. Vậy thì tại sao hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn - và nếu được tự do "tụ tập"- có khi hàng trăm ngàn người đón tiếp ông như một vị Phật sống?

Không hiện tượng thì là gì?

Nhà chức trách rất kiên nhẫn theo dõi từng bước chân Minh Tuệ. Vì sao? Tụ tập đông người (mà không có lãnh đạo)  là điều cấm kỵ ở xã hội hay ở thời buổi này. Có lẽ Minh Tuệ không đến nổi "đe dọa chế độ" như suy nghĩ của một số người- tiêu biểu là Angela Phương Trinh nào đó. Minh Tuệ không phải khiến người ta mất thì giờ như tiến sĩ Lê Kiên Thành nói . Ai cũng đi theo Minh Tuệ thì ai làm ra lúa cho xã hội, ai cầm súng bảo vệ quê hương. Có người hỏi ngược: nếu ai cũng du học Liên Xô như ông thì lấy ai cầm súng ra chiến trường "giải phóng miền Nam". Có một giáo sư nổi tiếng nhận xét Minh Tuệ áo quần vá miếng, cầm bát đi xin ăn, làm ô uế hình ảnh tu sĩ Phật Giáo Việt Nam. Ông quên rằng, đức Thích Ca Mâu Ni cũng từng ôm bình bát khất thực ngày xưa?

Minh Tuệ xuất hiện gây bấn loạn cho một số sư sãi. Tôi muốn nói Thích Chân Quang. Lẽ đáng nên tán thán vị tu sĩ khất thực Bắc Nam, (như thầy Minh Đạo), vị sư này "nổi đóa" (nổi điên cũng được) gọi Minh Tuệ là "thằng ba trợn". "Hắn" hiện ra nhiều người coi là "vị thánh của đời tôi".

Nếu tôi không lầm, sinh thời khi tu tập Thích Ca gặp rất nhiều thị phi, điều tiếng. Tôi không dám so sánh Minh Tuệ với Phật. Tôi chỉ muốn nói, Minh Tuệ là "cái thá gì" mà không bị miệt thị, bỉ bôi.

Hàng trăm ngàn, có khi hàng triệu người VN không kể khác tôn giáo, đều mong ước thấy "Ngài" Minh Tuệ. Họ quý trọng gọi ông là "Ngài" trong khi ông xưng "Con" rất chân thành, không phải tỏ ra  khiêm cung. Nếu có ai kể lại những thái độ của các trí thức hay các vị tu sĩ Phật giáo (như Thích Chân Quang), tôi nghĩ, Minh Tuệ sẽ cười, nụ cười thật thà và đôn hậu: Con không phải là tu sĩ Phật giáo (VN) mà.

Tôi sa đà chỗ "hiện tượng Minh Tuệ" mà chưa đi vào trọng tâm bài viết: Nguồn Cảm Hứng Minh Tuệ.

Có ai thấy Minh Tuệ là nguồn cảm hứng (inspiration)? Ai cũng thấy. Không chỉ mỗi tôi.

-Minh Tuệ xuất hiện khiến cho giáo hội PGVN giật mình. Một tu sĩ gầy gò, chân không dép, đầu không nón, trông "nhếch nhác" đi đến đâu, dân chúng đón chào đến đó. Vị thống lĩnh Phật giáo có được đón tiếp như ông tu sĩ này không? Tụ tập đông người quanh một vị tu sĩ "tồi tàn" là một nỗi lo lắng cho giáo hội. Lập tức có thông bạch: Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo VN. Hết trách nhiệm.

- Nhiều người trước đây xem Phật giáo VN đang đi vào thời mạt pháp. Tôi cũng hiểu không phải là tất cả. Một số tu sĩ coi việc cúng dường là "bổn phận' và 'quyền lợi". Bỏ vợ, bỏ con, bỏ gia đình nhưng không bỏ Phật. Ai cúng dường kiếp này 1 trăm thì kiếp sau sẽ có 1 triệu. Ai không cúng vong, vong sẽ bắt tội: thương tật, chết chóc. Vong cần tiền thì cúng vong chứ nhà chùa đâu cần (Thích Trúc Thái Minh).

Minh Tuệ không xin tiền. Ông không nói "nhân quả" theo như mấy vị cao tăng kia. Người ta mới ớ ra: đạo Phật đâu phải vì tiền. Bố thí là một "hạnh". Bố thí thể hiện lòng thành: San sẻ cho nhau. Bố thí không phải bắt buộc. Bố thí không phải đánh lô tô- đặt một đồng sẽ trúng 100. Bố thí không phải là điều kiện: Cúng nhẫn cưới cho chùa, gia đình chồng vợ mới hạnh phúc. Minh Tuệ làm cho người ta thức tỉnh: Bố thí là hạnh phúc- cho và nhận. Bố thí không phải là đánh bài. Đặt một trúng mười.

- Minh Tuệ chứng minh cho người ta thấy: không hẳn ăn ba bữa, ăn sung túc, ăn những cao lương mĩ vị mới làm con người khỏe mạnh vì "đủ chất" dinh dưỡng. Ông ta chỉ ăn một bữa, lại ăn chay. Vậy mà ông đi bộ một ngày mấy chục cây số. Có người mất mạng vì đi theo ông. Tôi có bức hình chụp Minh Tuệ năm 2018 trên một cánh rừng cách Đà Nẵng gần 100 cây số. Minh Tuệ cũng chứng minh: Ăn để sống chứ không cần sống để ăn.

- Minh Tuệ chứng minh ngủ ở nghĩa địa cũng an bình như ngủ ở nhà cao cửa rộng. Muỗi không làm ông khó ngủ. Ngủ không cần phải nằm, giấc ngủ vẫn bình an. Bởi tâm ông bình an. An lạc.

- Minh Tuệ chứng minh tu là tinh tiến. Có ai đi bộ từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc vô Nam? Chân của ông không cần dép nhưng không hề phồng rộp. Các vị "đồng hành" với ông hầu hết đều mang dép. Chưa đắc đạo nhưng Minh Tuệ coi những việc bất thường là bình thường: Muỗi cắn không bịnh. Ngủ ngoài trời không cảm lạnh, cảm sương.

- Minh Tuệ không đắm chìm trong danh vọng. Ai quỳ lạy, ông đều từ chối. Chỉ có lạy Phật, Pháp, Tăng. Nhất Hạnh là vị thiền sư trí tuệ. Một lần tôi thấy ngài mặc y phục đặc biệt như đức hồng y bên Công Giáo khi ông về nước được đón rước lần đầu tiên. Chiếc áo không làm nên thầy tu. Nhưng có thầy tu cần những chiếc áo rực rỡ ánh vàng?

- Minh Tuệ luôn giữ nụ cười chân phát trên môi. Ông cười chân thật. "Con không cần hộ vệ. Con không cần đưa đón. Quý vị nên trở về. Ông nói với lòng chân thành không phải muốn khiêm cung. Tôi có kinh nghiệm, chỉ cần quan sát nụ cười, tôi có thể biết người cười chân thật hay đãi bôi. Minh Tuệ cười chân thật.

- Minh Tuệ xuất hiện vô tình. Sáu năm rồi, người ta mới phát hiện ra ông. Có người giải thích. Như cây hoa hồng đầy gai. Chỉ khi trổ hoa người ta mới trầm trồ: Đẹp như hoa hồng. Minh Tuệ xuất hiện làm con người gắn bó nhau. Kẻ theo Cao Đài, người Công Giáo. Họ tán thán ông. Minh Tuệ không làm được phép lạ. Ông ta không giảng đạo. Ông cũng chẳng chữa lành ai. Vậy mà, số người tụ tập theo ông, quanh ông nhiều, có thể nói là nhiều hơn những người tụ tập quanh chúa Jesus khi ngài đi từ chỗ này sang chỗ nọ để rao giảng Tin Mừng.

- Minh Tuệ khiến những nhà trí thức, những vị nghiên cứu Phật học, những nhà văn, những thi sĩ...viết bài vinh danh ông dù ông chẳng có danh gì để vinh. Ông chỉ là sự chân thật.

- Ở Nhật Bản, người ta in hình Minh Tuệ trên áo thun. Để bán, một phần nhưng để vinh danh một tu sĩ gầy gò mặc áo vá đi chân đất đầu trần người Việt Nam đi bộ hàng nghìn cây số..

- Chúa Jesus trong Kinh Thánh than thở: Các nhà tiên tri không được vinh danh tại quê nhà. Tiếng Việt chúng ta có "Bụt nhà không thiêng ". Tôi không nói Minh Tuệ là nhà tiên tri. Nhưng không phải coi Minh Tuệ là "hiện tượng". Người ta coi ông chỉ là một công dân, cần phải cấp CCCD. Chỉ cần một "'động tác chiến thuật", qua một đêm hiện tượng Minh Tuệ biến mất, êm ru bà rù.

Có thể Minh Tuệ cần một động tác như thế. Ông cần tĩnh lặng. Ông thấy đám đông bu quanh thử thách ông quá lớn. Không chịu nổi. Bởi ông quá mỏi mệt vì mọi người coi ông như...lãnh tụ tinh thần, đó là điều ông không bao giờ nghĩ tới và cũng không biết nghĩ tới.

Nhưng cảm hứng Minh Tuệ vẫn còn...trong tâm tưởng của người VN không hẳn ở những vị Phật tử. Minh Tuệ mang đến xã hội VN một thông điệp mạnh mẽ hơn hàng trăm cuốn sách viết về Phật giáo: Sự chân thật của một tu sĩ.

Tôi thấy nguồn cảm hứng toát ra từ ông Minh Tuệ gói gọn trong hai từ: Chân Thật. Chân thật sẽ giúp người VN hiểu nhau hơn. Chân thật sẽ mang lại cho Phật giáo VN sức sống như từng có sức sông thời Trần với Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Chỉ có sự (chân) thật mới cứu vãn loài người.