Monday, October 14, 2024

TRÚC XINH

Năm lớp 12, được dạy lịch sử thế giới, từ sách giáo khoa, tôi tìm hiểu và thấy thán phục nhất 2 đất nước: Do Thái và Nhật Bản.

Là một dân tộc bị “lưu đày” non 2000 năm, lưu lạc nhiều nơi trên thế giới, có thời gian bị phát xít Đức đưa vào lò thiêu hàng triệu người, Do Thái chỉ cần vài tuần đánh nhau với vài nước Ả Rập, đã trở về nơi trước đây tổ tiên họ đã ở, thành một quốc gia nhiều thế kỷ không có tên trên bản đồ thế giới. Một Do Thái bé nhỏ mà hùng mạnh, chế tạo được bom nguyên tử, luôn là nỗi e sợ cho những nước láng giềng, và hãnh diện có những bộ óc siêu việt thế giới.

Là một “đế chế” không lớn, đánh tan tành căn cứ hải quân hùng mạnh Trân Châu Cảng của Hoa Kỳ, lấy làm thuộc địa một phần lãnh thổ Trung Hoa hùng vĩ, xâm chiếm một số nước Đông Nam Á, đô hộ Triều Tiên (Bắc, Nam). Nhưng khi bị 2 quả bom nguyên tử hủy diệt tiềm lực quân sự, xứ sở mặt trời mọc thành xứ sở mặt trời lặn, tăm tối, tan vỡ.  Nhưng chỉ cần 30 năm, thời gian bằng 2 cuộc chiến tranh Đông Dương, Nhật Bản vươn lên nền kinh tế thứ 2 trên thế giới.

Hai dân tộc ấy hẳn lòng yêu nước có lẽ cũng không hơn dân tộc VN. Họ là hai nước hùng mạnh thế giới trong khi chúng ta vẫn còn là nước trông chờ đồng vốn thế giới.

Tôi nghiệm ra: về tính cách, con người của họ "tự chủ" hơn chúng ta. Ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào, tôi nghĩ tự chủ, tinh thần và vật chất, là nhân tố quyết định hàng đầu. Hai dân tộc này không bị bất kỳ chủ nghĩa đẹp đẽ, hấp dẫn nào trên thế giới chế ngự tư tưởng tự do họ.

Nhật Bản là nước từng triều cống Trung Hoa như Việt Nam. Văn minh, văn hóa của họ thấm đẫm văn minh, văn hóa Trung Hoa như Việt Nam. Trong khi họ thoát khỏi  ảnh hưởng Tàu hết sức ngoạn mục thì chúng ta, triều đình nhà Nguyễn, vẫn thắc thỏm trông lên phương Bắc như vị cứu tinh, không hiểu rằng vị cứu tinh ấy đang bầm dập, xâu xé bởi các nước tư bản phương tây.

Đến khi chủ nghĩa cộng sản xuất hiện, những bậc tiền bối chúng ta hồ hởi như bắt được vàng. Họ vận dụng thành công chủ nghĩa ấy vào công cuộc đánh Pháp, đánh Mỹ, VNCH để thống nhất đất nước. Có thời gian: Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội, hai yếu tố phải đề huề.

Nhưng tôi nghĩ: chính lòng yêu nước quyết định vận mệnh dân tộc, giúp nhân dân thoát khỏi ách thực dân, đế quốc. Chủ nghĩa cộng sản chỉ là một xúc tác, một hỗ trợ mạnh mẽ cho lòng yêu nước.

Về tư tưởng, chúng ta không có một tư tưởng của riêng cho dân tộc: Tư tưởng Việt Nam. Chúng ta là một dân tộc không đủ thông minh để xây dựng riêng cho mình một tư tưởng, một triết thuyết quản trị đất nước, thì tại sao chúng ta không chắt lọc những tư tưởng, những triết thuyết ưu tú và phổ quát của nhân loại, làm phương châm, nền tảng cho đất nước mình, cho dân tộc mình, mà lúc nào cũng phải dựa vào tư duy quá khứ, cũng phải vận dụng những cái thế giới văn minh từ chối, vất bỏ, ngay cả ở cái nôi nước Nga, người ta đã cũng không còn trọng vọng, xiển dương?

Tinh thần tự chủ về tư tưởng ở chỗ này có cần phải xem xét lại không? Người dân thường chúng ta không có tư tưởng, triết thuyết nào soi dẫn, chúng ta có tự chủ trong suy nghĩ không, chớ chưa nói đến hành động?

Trước đây, thấy thắng lợi chiến tranh thương mại nghiêng về người Mỹ, chúng ta hồ hởi. Một số người còn nghĩ chỉ thời gian thôi, Trung Quốc sẽ “tanh bành xí quách”. Thấy một số tàu chiến của Mỹ đi sát vùng đảo Hoàng Sa, Trường Sa của VN bị chiếm cứ trái phép, chúng ta sung sướng cứ ngỡ như tàu chiến của… Việt Nam, hiên ngang đi vào vùng biển tranh chấp, thầm nhủ “thử xem mày làm gì tao”.

Tại sao chúng ta không nghĩ ra phương cách nào để đất nước không phải mượn người để “an ủi” mình, để nhờ ai đó “giúp” mình? Luôn trông chờ ai đó sẽ lo cho toàn vẹn lãnh thổ, cho độc lập dân tộc, cho tự chủ kinh tế, tóm lại, lúc nào cũng mong sẽ có …ai đó ra tay nghĩa hiệp, còn bản thân thì chỉ ...hy vọng.

Chúng ta muốn làm bạn với các nước, không phân biệt chế độ chính trị, tại sao chúng ta không làm bạn …với nhau, người Việt đồng bào ? Người Việt với người Việt. Trong nước và ngoài nước. Một người “mắt xanh mũi lõ” chắc chắn không yêu chúng ta bằng chính những người “da vàng mũi tẹt” với nhau. Anh chàng “ngộ ái nị” chắc chắn không đáng tin bằng những người “tao thương mày”.

Do hoàn cảnh lịch sử, VN có hàng triệu người bỏ nước ra đi. Ban đầu chúng ta cho là bất hạnh của dân tộc. Một mẹ mà con phải chia lìa. Sao giống chuyện xưa: người lên núi theo cha Lạc Long Quân, kẻ xuống biển theo mẹ Âu Cơ.

Nhưng xem xét kỹ ra, biết đâu đó là phúc hạnh cho dân tộc.  Hàng triệu người Việt ở khắp nơi trên các nước văn minh. Hàng trăm ngàn trí thức ở mọi lĩnh vực phát triển tiên tiến nhất của nhân loại. Tại sao những người Việt nước ngoài không là người Việt trong nước?

Cái gì đã ngăn cách họ với nhau? Quá khứ ư. Tại sao không xếp lại để mở ra tương lai? Ý thức hệ ư. Tại sao không bỏ đi, để xây dựng một ý thức hệ chung? Tại sao kẻ lên rừng, người xuống bể, nay không về ở cùng chung một nhà?

Câu hỏi mấu chốt: ai sẽ là người thực hiện những điều như thế? Khó quá. Nan giải quá. Một người già cả như tôi, và chắc nhiều người nữa, chỉ nghĩ tới, và không làm được. Thật xấu hổ nếu tôi tự nhủ: thôi, để cho thế hệ con tôi, cháu tôi, chúng nó lo.

Nhưng có chắc những ước nguyện đó sẽ thành hiện thực, hay sẽ trôi đi như biết bao lần trong quá khứ, đã nhỡ biết bao lần chuyến tàu đi đến tương lai?

Tôi suy nghĩ chỉ có được tinh thần tự chủ, như người Do Thái, người Nhật Bản, chúng ta mới có thể xây dựng đất nước này, quê hương này, theo đúng ước nguyện của tiền nhân, và của chính chúng ta.

“Trúc xinh trúc mọc đầu đình

Em xinh em đứng một mình cũng xinh”.

Đất nước tôi sẽ không như trúc, xinh nhờ đứng đầu đình. Không có cái đình to tướng kia, trúc chỉ tả tơi như sậy. Đất nước tôi phải như cô gái xinh, đứng một mình, chả cần (mẹ chi) "cái đình" quá khứ, vẫn xinh, vẫn đẹp. Cô gái xinh kia, đứng một mình, tự chủ, chả cần nay nghiêng qua anh “bạn vàng”, cười cầu tài một cái, mai nghiêng qua anh “bạn xanh” (*) đưa mắt liếc tình một phát.

Đứng một mình, cô vẫn xinh, vẫn đẹp, khi nào là niềm tự hào của mọi chàng trai có cái tên Việt Nam?

(*) Ghi chú: Đồng 100 đô la Mỹ có màu xanh.

Wednesday, October 9, 2024

NĂM TUỔI

Tôi có thời gian rất tin vào tuổi. Ví dụ: Trai nhâm, gái quý là sang. Hay: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi tùng phúc địa. Dần, Thân, Tỵ, Hợi tứ hành xung. Tin ông thầy bói, nhiều "phụ huynh" không chịu cưới vợ hay gã con nếu tuổi của con cháu họ nằm vào "tứ hành xung", nghĩa là vợ chồng xung khắc. Hay là, gái tuổi Dần sẽ dễ ế chồng. Không ông nào tuổi Hợi mà cưới vợ tuổi Dần, cọp rất thích ăn thịt heo (lợn- miền bắc).

Nhưng khi coi giờ, tý sửu (1 đến 3 giờ sáng) đến tuất hợi (11 đến trước 1 giờ sáng), tôi mới ớ ra, giờ mỗi nơi mỗi khác. Ví dụ, ở VN, người sinh giờ Thìn (cuối giờ) thì lại không giống giờ Thìn ở Trung Hoa, nơi phát sinh ra đủ thứ chuyện trên đời, từ phong thủy đến  long mạch, các con giáp, cung, mệnh, sao...lung tung xèng. Nếu là giờ, thì giờ Hợi ở Bắc Kinh sẽ khác giờ Hợi ở Mỹ, hai nơi có múi giờ gần như đối nghịch. Mỹ 1 giờ sáng, Tàu 1 giờ đêm. Ai sinh ở Mỹ lúc đó sẽ có tuổi Tý. Người sinh ở Tàu sẽ là tuổi Tuất. Đố ông nội nào coi bói tuổi Tý sẽ có số mệnh như tuổi Tuất.

Từ suy nghĩ đó, tôi nhận định, lý số Trung Hoa không đáng tin cậy. Ở VN, nếu để ý, quý vị sẽ thấy, 7 giờ ở Sài Gòn (trước  1975) sẽ là  8 giờ ở Hà Nội. Như vậy, người sinh giờ Thìn (gần qua 9 giờ chẳng hạn) thì ở Hà Nội người sinh cùng giờ lại là giờ Tỵ (10 giờ).

Hai người này sẽ có số phận giống nhau dù thật sự sinh ra giờ khác nhau? Sự vô lý nằm ở đây. Xét về mặt khoa học, cùng một giờ (9, chẳng hạn), tuổi phải như nhau. Tại sao kẻ giờ Thìn, người giờ Tỵ.

Hiện nay, có hàng triệu người Việt, có lẽ hàng trăm triệu người Tàu đều tin vào lý số, vào tuổi: Tý, sửu, dần, mẹo...ngọ mùi thân dậu tuất hợi. Rồi nào là Giáp, ất, bính, đinh, dậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quý. Hai cái này "giáp công" để có Nhâm  Thìn hay Quý Hợi- những tuổi tốt nhất trong 12 con giáp, kể cả can chi. Nhưng xin thưa. Có chỗ muốn hỏi. Mỗi con giáp biểu hiện cho đặc điểm người mang tuổi đó. Ví dụ, Thìn là con rồng. Tỵ là con rắn. Tý là con chuột. Hợi là con heo. Nếu là "số"- nghĩa là không hề thay đổi - thì tại sao người Trung Hoa không gọi Mão là Mèo mà gọi Thỏ? Có nhiều lý giải chỗ này. Nhưng nói, mỗi con vật thể hiện vận số, Dần (cọp) sẽ ăn thịt Hợi (heo, lợn), thì tại sao ở ta thì Mão là mèo mà không là thỏ như nước phát sinh ra lý số?

Tôi không tin vận người tùy vào cầm tinh con gì. Thế giới có 7 tỷ người. Nếu chia 12 con giáp, sẽ có 580 triệu người cùng tuổi. Nếu lấy số này chia cho 12 giờ (âm lịch) sẽ có chừng 48 triệu người cùng  giờ, cùng tuổi. Tôi tuổi Thìn, có thể sẽ có trên 40 triệu người cùng sinh cùng tuổi, đẻ cùng giờ. Vậy 40 triệu người này có số phận giống hệt nhau? Vô lý.

Vậy mà, có hàng hàng triệu người (Việt), hàng trăm triệu người  (Tàu), coi sự vô lý ấy là hữu lý. Họ tin sái cố vào vận số. Bây giờ vẫn còn tin. Hàng ngàn ông thầy bói sống khỏe nhờ sự mê muội của người khác.

Tuy nhiên, có điều này tôi còn nghi ngại. Tại sao một năm không chia 10 tháng mà lại 12 tháng. Tuổi âm lịch lại có 12 con giáp mà không phải là 24 con? Một ngày không chia thành 24 giờ như dương lịch mà lại thành 12 giờ như âm lịch? Tại sao, phận gái không mấy chục bến nước  mà lại "mười hai" bến nước? (Sĩ, nông, công, thương, y, nho, lý, bốc, ngư, tiều, canh mục). Bây giờ nhiều nghề lắm. Không thấy ngày xưa có nghề đào bitcoin, nghề chế tác phần mềm, phần cứng vi tính...

Như vậy, số 12 là con số "định mệnh" ư? Chúa Jesus cũng có 12 tông đồ. Sao Ngài không chọn 10 cho nó chẵn?

Sự hiểu biết con người có giới hạn. Nhưng con số 12 làm cho con người càng thấy mình...giới hạn hơn.

Có những cái xảy ra, trùng hợp, hay không trùng hợp, làm con người thêm suy nghĩ. Tôi muốn nói: Năm tuổi.

Thí dụ, tôi tuổi Thìn. Năm nay là "năm tuổi" của tôi. Năm Giáp Thìn. Những người tôi biết, tuổi Thìn, đều chết năm Thìn. Một cháu kêu chú ruột (Giáp Thìn) chết lúc 49 tuổi (Năm Thìn). Một cháu khác chết lúc 61 tuổi (Thìn). Bạn tôi cùng tuổi chết lúc 25 tuổi (Thìn). Cha tôi tuổi Ngọ (1906) chết lúc 73 tuổi (Ngọ). Có thể người ta chết không vào năm tuổi. Nhưng tôi để ý, bản thân tôi, những biến cố lớn thường xảy ra vào "năm tuổi". Năm 49, tôi gặp tai nạn chạy xe, gãy xương vai, sém chết. Năm 60 bước qua 61 (Thìn) tôi bị bịnh ung thư. Năm 72 qua 73 tuổi (nhâm Thìn), tôi bị giãn cơ tim (do hóa chất chữa ung thư). Như vậy, năm tuổi, cứ 12 năm, nhất là những năm trên 40, Nguyễn Công Trứ viết "Mười lăm trẻ, năm mươi già không kể", sức khỏe con người có khuynh hướng giảm sút. Những "năm tuổi" là những năm thay đổi sinh lý trong cơ thể, con người dễ gặp những trục trặc về sức khỏe cuộc sống.

Nhưng, tóm tắt tại, có thực sự "năm tuổi" là năm đáng sợ?

Tôi trải qua những "biến cố" vào năm tuổi của mình. Tôi chứng kiến những người thân chết vào năm tuổi. Ban đầu, tôi có...lo sợ. Không lẽ người Tàu giỏi thế sao. Họ có cả sách, hàng ngàn  cuốn, viết về tử vi, về lý số, về phong thủy, về mồ mả...

Nhưng tại sao, tôi tuổi Thìn (nhâm Thìn) vẫn tành tành sống cho đến ngày nay. Những người tuổi Thìn tôi biết, già có, trẻ có, họ lần lượt về với ông bà. Tôi cùng tuổi họ, vẫn còn đây, vẫn đàm đạo với quý vị. Như vậy, cùng tuổi không hẳn cùng số phận. Năm tuổi không hẳn ai cũng dễ gặp vận không may. Con người có số mạng, ta hay gọi là Số.

Viết đến đây, tôi mới nghiệm ra Đức thắng Số chứ không phải Số thắng Đức. Số tôi (tuổi Thìn) chưa ngoẻo vào năm tuổi. Tôi không nói tôi có Đức mà sống lâu. Đa thọ đa nhục mà. Tôi muốn nói, Đức sẽ làm con người yên bình hơn, sống an nhiên hơn.

Để kết thúc "Năm Tuổi", tôi xin thuật lại câu chuyện cha tôi kể lúc tôi 10 tuổi. Câu chuyện nói về Đức.

Một bà phú hộ trong làng muốn làm nhà lớn. Thợ gồm hai thứ: Thợ rừng và thợ mộc. Vùng quê tôi gỗ quý rất nhiều. Đi rừng cực khổ, những người đẽo cây, kéo gỗ ăn cơm với mắm cái - đầu những con mắm nục. Tức giận vì bị đối xử tệ bạc, những thợ rừng nghĩ đến việc "trả đũa". Những cây đẽo gỗ, thay vì gốc ngọn phân minh, họ đẽo ngọn thành gốc, gốc thành ngọn. Ngày xưa, người ta rất cẩn thận khi chọn cây làm nhà. Những cây cụt đọt, cây gãy ngang, cây có dấu máu của chim...đều không được chọn đẽo thành gỗ làm nhà. Huống hồ cây lộn ngược, gốc thành ngọn.

Ở nhà, những người thợ mộc cùng suy nghĩ với thợ rừng. Những con mắm dọn cho họ đều không còn thân. Chỉ là những đầu cá nục. Thế là, gỗ gốc đẽo lại ngọn; ngọn đẽo thành gốc.

Vô tình, những người lao động làm nhà cho bà phú hộ để nguyên cây gỗ gốc ra gốc, ngọn ra ngọn, không "chổng ngược"- điều xui xẻo cho gia chủ - như ý muốn của họ.

Vì sao lại có sự cố may mắn cho chủ nhà như thế? Tại vì mấy cái đầu con mắm.

Lúc tạ ơn thợ ra về, bà phú hộ tặng cho mỗi người thợ một hũ mắm cá nục, bên trong toàn là những phần đuôi con cá. Mắm cái đỏ tươi, những thân cá còn nguyên vẹn, thơm lừng. "Các anh ở đây, ăn cơm có cá. Vợ con các anh ở nhà thiếu thốn. Tôi dành những mình cá này cho gia đình các anh". Bà phú hộ trần tình.

Khi ôm hũ mắm ra về, nhìn thân cá đỏ au, những người làm thuê cho bà chủ bỗng áy náy vô cùng. Thâm tâm họ nỗi ân hận hiện lên. Chào từ biệt bà chủ, họ nghẹn ngào không nói nên lời. Họ hối hận. Người trong rừng đẽo gỗ ngọn thành gốc. Người ở nhà thì đẽo gốc thành ngọn. Họ nghĩ như thế mới trả được nỗi ức bà chủ nhà keo kiệt. Họ không ngờ, chính cái Đức của bà chủ nhà đã làm cho họ không còn mang tội...hại người.

Tôi xin kết thúc bài viết: Năm tuổi mà kể gì.

Tuesday, October 8, 2024

ĐƯỜNG SẮT CAO TỐC

Phải làm. Đó nên là quyết tâm. Vì sao? Không lẽ cả trăm năm nay, chúng ta chỉ thừa hưởng di sản của thực dân Pháp? Đáng ra, sau ngày thống nhất đất nước, VN phải xúc tiến giao thông hai miền bằng một đường ray xe lửa nữa. Lưu thông càng thuận tiện, đời sống các miền của đất nước càng nâng cao.

Đặc điểm địa hình đất nước nghiêng về chiều dài mà hẹp về chiều rộng. Hai đường sắt: Một ra, một vào, kinh tế hai miền sẽ dễ dàng san sẻ cho nhau. Nhưng thôi, đó là quá khứ. Hãy để cho nó qua.

Hiện tại phải có thêm đường sắt – cao tốc càng quý. Nhưng là loại “cao tốc” nào? Trước đây, có ý kiến: Đường sắt tốc độ 200 km/giờ chở người; 120 km/g chở hàng. Đây là đề xuất của bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Hội đồng thẩm định Nhà nước. Lập luận bây giờ: Với đường sắt tốc độ 320 km/giờ (thực tế chạy chỉ khoảng 250 đến 260km), “…người dân có thể ăn sáng ở Hà Nội, ăn tối ở thành phố HCM, cạnh tranh với máy bay, đi tắt đón đầu, không bị lạc hậu, ngang bằng các nước tiên tiến”.

Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, người ta “quên đi”: Vận tải hàng không, vận tải đường sắt hỗ trợ mà không cạnh tranh lẫn nhau. Đường sắt tốc độ cao (320km/g) thì 10 người chỉ có 1 người đủ tiền mua vé (dự tính bằng 70% giá vé máy bay), trong khi đường sắt tốc độ cao 200km/g chở khách, 120 km/g chở hàng giúp cho 70 triệu dân nông thôn đi lại, nông sản không bị thối rữa, chi phí thấp, vận chuyển nhanh, tạo lợi thế cạnh tranh.  

Ông còn nói thêm: Gánh nặng cho đường sắt 320km/g là 70 tỷ đô la, chưa biết lúc nào vận hành toàn bộ, chưa biết lúc nào cắt lỗ, không giúp gì cho vận tải hàng hóa cũng như vận tải quốc phòng. Đường sắt (tốc độ 200km/g chở khách; 120 km/g chở hàng) thì 10 năm sau sẽ đưa vào vận hành, không bị lỗ.

Nói “để bắt kịp thế giới” (đi tắt đón đầu), tiến sĩ Chu lập luận: “Đường sắt cao tốc tốc độ 320 km/h không thể cho Việt Nam bắt kịp được các nước tiên tiến. Khi đường sắt cao tốc tốc độ 320 km/h nếu may mắn hoàn thành được vào năm 2050 ở Việt Nam, thì thế giới đã có đường sắt cao tốc tốc độ 500 – 600 km/h. Việt Nam, một nước không sở hữu nền công nghiệp hiện đại, không sở hữu công nghệ nguồn thì không bao giờ đi đầu, ngang bằng được với các nước tiên tiến”.

Khi đọc những bài báo, nghe những bài nói về sự “ưu việt” của đường sắt tốc độ cao (320 km/g), tôi liên tưởng đến những lập luận trước người nông dân về "tiến nhanh, tiến mạnh" lên hợp tác xã nông nghiệp. Cuộc sống sẽ no đủ. Công bằng được thực thi. Đãi ngộ xứng đáng cho người nông dân chân lấm tay bùn. Và hậu quả hợp tác hóa nông nghiệp - như thế nào ai cũng biết - vẫn không xóa nhòa trong lòng mỗi người cầm cày, cầm cuốc, lúc nào cũng vững một niềm tin theo…

Tôi không muốn so sánh. Thời điểm bây giờ khác xưa. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh chỗ này: Tiền đâu? Mượn. Ai trả? Chắc chắn những người giơ tay biểu quyết đường sắt cao tốc trên 75 tỷ đô la sẽ không còn sống, hay sống cũng già nua lay lắc, ở cái năm đường sắt cao tốc hoàn thành. Con cháu họ (số ít) và con cháu mỗi người dân (hầu hết) sẽ gánh đống nợ to lớn này.

Vì nặng nợ, sẽ không làm đường sắt cao tốc? Không. Phải làm. Nhưng nợ ít hơn. Lợi ích nhanh hơn, nhiều hơn: Đường sắt 200 kmh chở người; 120 km/g chở hàng (từ 20 đến 25 tỷ đô la Mỹ, 10 năm có thể vận hành, theo dự báo của bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Về chuyện nhanh hơn, đường sắt không thể so sánh với đường hàng không. Chưa kể, càng nhiều máy bay, càng ngày giá vé càng cạnh tranh, hạ xuống. Đi xe lửa 700 ngàn (ví dụ), người ta sẽ chọn đi máy bay 1 triệu (căn cứ vào dự đoán của các nhà “tương lai học” trên báo).

Nhưng, điều ấy chưa quan trọng bằng điều này: Liệu cơm gắp mắm. Hãy để một tương lai “ít nợ” mà không phải “đống nợ” cho con cháu.

Dù nợ cũng nên làm đường sắt cao tốc, nhưng “lực phải tòng tâm”. Đến một giai đoạn nào đó, xây dựng một công trình trọng điểm quốc gia sẽ không phải nghĩ đến “liệu cơm gắp mắm”. Khi ấy, chúng ta đã đuổi kịp thế giới vì VN chẳng phải vay nợ cho con cháu trả. Từ NỢ sẽ không nằm trong từ điển phát triển kinh tế. Nợ nần chẳng ám ảnh tâm khảm của những người trẻ tiếp bước cha ông.

Xin đọc thêm ở đây bài viết của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu. https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/3387293434737396

Wednesday, October 2, 2024

BẠN CÓ BIẾT QUẢ TIM THỨ 2, VÀ THỨ 3 LÀ GÌ?

Bài viết rất hữu ích. Tôi (sinh 1952) áp dụng (12 năm nay, từ ngày chữa lành ung thư) và thấy kết quả: da hồng hào, huyết áp 11/7, tim đập từ 60 đến 70, ăn ngủ tốt, tinh thần trong sáng. Lời khuyên về sức khỏe thì hằng hà nhưng đây là lời khuyên vô cùng thiết thực - vì tôi đã áp dụng và đang áp dụng (thay việc xoa vỗ bàn chân, tôi chỉ đi bộ). Sách tôi nhận dịch 1 tháng rưỡi nhưng chỉ 1 tháng là xong. Làm việc liên tục và không mệt mỏi nhờ: để ý đến BA QUẢ TIM như bài viết nói tới. Tôi có bỏ bớt một số đoạn ít thiết yếu để bài ngắn lại (Xin lỗi tác giả).

Của  BS. LV Vĩnh - October 20, 2022

NHỊP ĐẬP CỦA TRÁI TIM THỨ NHẤT

Tất cả mọi người chúng ta hiện đang sống, đang làm việc đều nhờ một trái tim hoạt động trong cơ thể.

Nếu tim bị suy yếu thì tính mạng bị đe dọa hoặc ngừng đập thì ta sẽ chết.

Chúng ta hãy làm một con toán để biết trong cuộc đời chúng ta từ khi sinh ra cho đến lúc nhắm mắt tim đã đập bao nhiêu lần thì sẽ thấy vô cùng kinh khủng, từ đó chúng ta mới thấy thương trái tim chúng ta:

(…)

Trung bình con người sống 70 năm: 37.843.200 x 70 = 2649. 024.000 nhịp.

(2 tỷ sáu trăm bốn mươi chín triệu hai mươi bốn ngàn nhịp đập)

Ôi chao! thật là khủng khiếp.

Một trái tim nhỏ bé của mỗi người trong một cuộc đời lại đập liên tục với số lần như thế.

Biết như thế để ta nên thương cho trái tim nhỏ bé ấy và nên cộng tác giúp đỡ nó trong công việc tống máu đi nuôi cơ thể, đừng để nó bị suy sớm mà nguy hiểm đến tính mạng.

TRÁI TIM THỨ 2:

(…)

Đó chính là CƠ HOÀNH của chúng ta.

Nghe qua thì tất cả ai ai cũng lấy làm lạ và ngạc nhiên nhưng theo sự phân tích của y khoa Tây Y sau đây chúng ta sẽ hiểu rõ vấn đề :

1/ Thở bụng dưới bằng cơ hoành là biện pháp tối ưu nhất giúp cho trái tim thứ nhất đỡ mệt mỏi gắng sức tống máu đi nuôi cơ thể.

Khi hít vào thì phình bụng, cơ hoành hạ thấp xuống làm cho oxygen đến tận cùng màng tim, cơ tim.

Trái tim thứ nhất chỉ cần giãn ra rất nhẹ cũng đủ lấy đầy đủ máu.

2/ Khi thở ra bụng hóp lại, cơ hoành bị đẩy lên trên tối đa ép các mạch máu mạnh nhất giúp cho cơ tim co bóp không gắng sức cũng đủ tống máu đi khắp cơ thể một cách thong thả nhẹ nhàng nhất.

Cơ tim không cần phải làm việc nhiều như khi thở ngực vì ở đây cơ hoành phụ giúp cho sự co bóp trái tim thứ nhất.

Do đó cơ hoành là trợ lý đắc lực nhất cho tim.

3/ Nhờ những tác động đó mà cơ hoành đã chia bớt gánh nặng cho tim và tim sẽ hoạt động bớt lại nên tim sẽ khỏe hơn và tránh được suy yếu theo thời gian.

Vì thế mà cơ hoành được gọi là trái tim thứ 2.

4/ Thở bụng dưới cơ hoành cùng với tim giúp đưa oxygen đến khắp các cơ quan nội tạng vùng bụng bên trong. Khi cơ hoành đưa lên hạ xuống theo nhịp thở là một trạng thái massage đều đặn nội tạng và đưa máu đủ đến gan, la lách, thận, ruột, bàng quang, tử cung, tiền liệt tuyến.v..v… phòng ngừa bệnh ở các tạng này rất hiệu quả.

5/ Giúp chống lại bệnh nhiễm trùng của hệ tiết niệu như thận, bàng quang.

6/ Máu được đưa đầy đủ về vùng chậu như : tử cung, buồng trứng làm giảm các triệu chứng tiền mãn kinh của phụ nữ.

7/ Phổi được co vô và nở ra tối đa, oxy đến phổi đầy đủ nhất nên ngừa được bệnh phổi.

8/ Tiêu hóa : làm tăng chức năng của dạ dày, gan, lá lách nhất là máu đến đầy đủ dạ dày, la lách làm quá trình chuyển hóa thức ăn được dễ dàng và thuận lợi.

9/ Điều hòa thần kinh thực vật do đó huyết áp ổn định.

10/ Khi thở bụng cơ hoành thì sẽ có tác dụng ức chế mọi tạp niệm ở não, chống stress, chống đau, an thần do chất endorphin được tiết ra từ não trong lúc thở bụng.

KẾT LUẬN

Xuyên qua 10 đặc điểm chính đó, ta sẽ thấy cơ hoành xứng đáng là trái tim thứ 2 của cơ thể, chia việc cho trái tim thứ nhất để cho tim khỏe mãi không suy yếu.

Thật vậy ở những người tập luyện thở cơ hoành thì có các đặc điểm sau:

A – Sau một thời gian luyện tập thở cơ hoành, sắc khí của họ hồng hào rõ nhất vì máu đến được tận cùng các tế bào.

B – Nhịp đập của tim giảm lại chỉ còn 60-65 nhịp/phút.

C – Những nhát bóp của tim chắc chắn và mạnh mẽ có nghĩa là co và bóp đúng chất lượng dù cơ tim không cố gắng.

D – Khoảng sau một năm dù trong lúc nghỉ ngơi , họ không còn thở ngực nữa mà đã có phản xạ thở bụng hằng ngày tự nhiên một cách vô thức dù không nghĩ đến thở bụng.

Đó là đích đến thành công nhất trong công việc san sẻ cho trái tim thứ nhất khỏi bị quá tải và suy yếu.

Tóm lại, chúng ta nên thở bụng ngay từ bây giờ ở bất cứ tuổi nào.

Mỗi ngày nên để ra 5-10 phút luyện thở bụng thì sau một thời gian ta sẽ có thở bụng vô thức như đã nói ở trên.

Vô lý 5-10 phút mỗi ngày không có hay sao???

Trừ khi chúng ta lười biếng mà thôi.

Tây Y đã đồng quy với Khí Công trong sự thở bụng để bảo vệ sức khỏe và trái tim nhỏ bé của chúng ta và nên nhớ thở bụng là cứu cánh của khí công nói riêng và y học phương Đông nói chung…

Chúc mọi người ngộ sớm và áp dụng dù ở bất cứ tuổi nào, có bệnh hoặc không bệnh. Điều kỳ diệu sẽ đến với các bạn không lâu…khi các bạn thực hành thở bụng.

QUẢ TIM THỨ BA :

(…)

Đó chính là lòng bàn chân.

Chắc các bạn ngạc nhiên lắm phải không? Xin từ từ đọc những lợi ích của nó về mặt đông tây y thì sẽ rõ.

Về mặt Tây y:

1/ Lòng bàn chân là nơi có nhiều mạch máu, mao mạch ngoại biên nhất, có cả hàng ngàn mao mạch. Nếu máu ở đây được cung cấp tốt thì ta sẽ khỏe hơn và nếu lòng bàn chân được kích thích nhiều thì các mao mạch ở đó sẽ giãn nở, oxygen đến tận cùng tế bào đầy đủ nhất. Kết quả huyết áp sẽ hạ trong chừng mức sinh lý và máu ra ngoại biên nhiều hơn, bệnh tật ít có cơ hội phát triển. Nhất là trái tim đỡ phải tống máu tối đa vì các mao mạch lòng bàn chân giãn nở sẽ làm cho máu tự động đi ra ngoại biên hơn là cần lực tim co bóp mạnh đẩy máu đi đến đó.

2/ Hơn nữa lòng bàn chân ở một vị trí thấp nhất của cơ thể nên các mạch máu ở đây khi giãn nở thì sẽ tạo một lực hút mạnh kéo máu khắp châu thân đi xuống và ra ngoại biên rất đầy đủ mà không cần đến lực bóp nhiều của tim do đó có thể trợ lực cho tim một cách hữu hiệu. Tim không cần phải cố gắng mà chỉ cần những nhát bóp nhẹ nhàng cũng đưa máu ra ngoại biên, tim sẽ khỏe và bền vững với thời gian mà không suy yếu lúc tuổi chưa già hoặc tuổi đã già.

3/ Nếu để cho lòng bàn chân lạnh thì các mạch máu ở đó sẽ co lại càng làm cho oxy không ra đủ ngoại biên và tim phản ứng lại bằng cách tăng cường lực co bóp, lâu ngày sẽ làm tim yếu và suy. Thực hiện ngâm chân nước nóng trước khi đi ngủ ở một vài bài tập dưỡng sinh hay dùng máy sấy tóc sấy ấm lòng bàn chân, cũng là cách làm cho mạch máu ở bàn chân giãn nở giúp đưa máu ra ngoại biên dễ dàng, đó là cách giúp cho trái tim chúng ta đỡ phải làm việc nhiều và cũng giúp tuần hoàn châu thân đầy đủ, oxy có mặt khắp mọi nơi tốt cho sức khỏe.

4/ Những người thôn quê làm ruộng làm rẫy đa số có trái tim khỏe nhất, già 90 tuổi mà tim vẫn mạnh mẽ. Đó là do suốt cuộc đời họ luôn đi chân đất làm ruộng, rẫy, lòng bàn chân họ dẫm lên đá, sỏi và mặt đất đủ mọi địa hình. Vô tình kích thích lòng bàn chân một cách tự nhiên và kết quả giúp cho trái tim như đã nói ở trên.

5/ Ở thành phố, luôn mang giầy, dép nên lòng bàn chân không được kích thích, họ đành phải tập mỗi đêm đi trên sỏi đá bằng chân trần, ngâm chân nước nóng hay đấm vỗ, massage... để tạo kích thích như đã nói.

Về mặt ĐÔNG Y:

1. Lòng bàn chân là nơi chứa các huyệt đạo đại diện cho toàn thể cơ quan nội tạng trong cơ thể. Chúng ta sẽ giật mình khi thấy sơ đồ cơ quan nội tạng dưới lòng bàn chân là một cửa ngỏ của cơ thể rất ư là quan trọng mà lâu nay chúng ta thường hay bỏ qua.

2. đi xuống chân là phải qua lòng bàn chân.

3. Muốn các cơ quan tim, phổi, gan, lách, dạ dày, tai mũi họng, ruột, thận, tử cung, buồng trứng, dịch hoàn, não..v..v…khỏe mạnh thì phải chú ý đến lòng bàn chân. Phải kích thích nó để đả thông nội tạng mà khi nội tạng được đả thông thì lưu lượng máu đến cơ quan càng nhiều và đầy đủ do chính sức hút của các cơ quan nội tạng đó mà không cần tim phải dùng sức bóp nhiều. Từ đó tim được thư giãn, hoạt động nhẹ nhàng cũng làm đủ chức năng của nó nên không bị suy yếu theo thời gian.

4. Thực hành ở lòng bàn chân thế nào cho hiệu quả ? Đó là mỗi ngày nên để ra 3-5 phút theo thứ tự: ĐẤM – VỖ - XOA

- ĐẤM: khắp cả mỗi lòng bàn chân không sót một chỗ nào trên đó với một lực khá mạnh để đả thông toàn bộ cơ quan nội tạng. Đấm từ 50-100 lần

- VỖ: cũng khắp cả lòng bàn chân

- XOA: xoa khắp lòng cho nóng từ 50-100 lần

- Bấm huyệt dũng tuyền ở vị trí 1/3 trên của lòng bàn chân. Bấm day bằng ngón cái từ 15-30 giây để bồi bổ kinh thận là tiền đề cho trường thọ vì thận là gốc của sự sống vế mặt đông y.

- Nếu ta bị yếu hoặc bệnh ở cơ quan đó trên lòng bàn chân.

- Tất cả các thao tác chỉ mất 3-5 phút mà thôi

- Thật vậy, các bạn cứ thử xem, mỗi buổi sáng làm như vậy thì cả ngày sẽ cảm thấy khỏe hơn, làm việc không biết mệt. Cứ thử xem nhé, không tốn thời gian bao nhiêu mà có lợi cho sức khỏe…

Tóm lại chúng ta có 3 quả tim: Quả tim trên lồng ngực, Cơ hoành, lòng bàn chân. Nên phối hợp nhịp nhàng bằng cách: Thở bụng cơ hoành, đấm vỗ xoa lòng bàn chân là phương pháp giúp cho trái tim thật sự thứ nhất của chúng ta không bao giờ bị suy yếu, trường thọ với thời gian... Đó là cốt lõi của Khí Công nói riêng và y học phương đông nói chung.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG