Phải làm. Đó nên là quyết tâm. Vì sao? Không lẽ cả trăm năm nay, chúng ta chỉ thừa hưởng di sản của thực dân Pháp? Đáng ra, sau ngày thống nhất đất nước, VN phải xúc tiến giao thông hai miền bằng một đường ray xe lửa nữa. Lưu thông càng thuận tiện, đời sống các miền của đất nước càng nâng cao.
Đặc điểm địa hình đất nước nghiêng về chiều dài mà hẹp về chiều rộng. Hai đường sắt: Một ra, một vào, kinh tế hai miền sẽ dễ dàng san sẻ cho nhau. Nhưng thôi, đó là quá khứ. Hãy để cho nó qua.
Hiện tại phải có thêm đường sắt – cao tốc càng quý. Nhưng là loại “cao tốc” nào? Trước đây, có ý kiến: Đường sắt tốc độ 200 km/giờ chở người; 120 km/g chở hàng. Đây là đề xuất của bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Hội đồng thẩm định Nhà nước. Lập luận bây giờ: Với đường sắt tốc độ 320 km/giờ (thực tế chạy chỉ khoảng 250 đến 260km), “…người dân có thể ăn sáng ở Hà Nội, ăn tối ở thành phố HCM, cạnh tranh với máy bay, đi tắt đón đầu, không bị lạc hậu, ngang bằng các nước tiên tiến”.
Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, người ta “quên đi”: Vận tải hàng không, vận tải đường sắt hỗ trợ mà không cạnh tranh lẫn nhau. Đường sắt tốc độ cao (320km/g) thì 10 người chỉ có 1 người đủ tiền mua vé (dự tính bằng 70% giá vé máy bay), trong khi đường sắt tốc độ cao 200km/g chở khách, 120 km/g chở hàng giúp cho 70 triệu dân nông thôn đi lại, nông sản không bị thối rữa, chi phí thấp, vận chuyển nhanh, tạo lợi thế cạnh tranh.
Ông còn nói thêm: Gánh nặng cho đường sắt 320km/g là 70 tỷ đô la, chưa biết lúc nào vận hành toàn bộ, chưa biết lúc nào cắt lỗ, không giúp gì cho vận tải hàng hóa cũng như vận tải quốc phòng. Đường sắt (tốc độ 200km/g chở khách; 120 km/g chở hàng) thì 10 năm sau sẽ đưa vào vận hành, không bị lỗ.
Nói “để bắt kịp thế giới” (đi tắt đón đầu), tiến sĩ Chu lập luận: “Đường sắt cao tốc tốc độ 320 km/h không thể cho Việt Nam bắt kịp được các nước tiên tiến. Khi đường sắt cao tốc tốc độ 320 km/h nếu may mắn hoàn thành được vào năm 2050 ở Việt Nam, thì thế giới đã có đường sắt cao tốc tốc độ 500 – 600 km/h. Việt Nam, một nước không sở hữu nền công nghiệp hiện đại, không sở hữu công nghệ nguồn thì không bao giờ đi đầu, ngang bằng được với các nước tiên tiến”.
Khi đọc những bài báo, nghe những bài nói về sự “ưu việt” của đường sắt tốc độ cao (320 km/g), tôi liên tưởng đến những lập luận trước người nông dân về "tiến nhanh, tiến mạnh" lên hợp tác xã nông nghiệp. Cuộc sống sẽ no đủ. Công bằng được thực thi. Đãi ngộ xứng đáng cho người nông dân chân lấm tay bùn. Và hậu quả hợp tác hóa nông nghiệp - như thế nào ai cũng biết - vẫn không xóa nhòa trong lòng mỗi người cầm cày, cầm cuốc, lúc nào cũng vững một niềm tin theo…
Tôi không muốn so sánh. Thời điểm bây giờ khác xưa. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh chỗ này: Tiền đâu? Mượn. Ai trả? Chắc chắn những người giơ tay biểu quyết đường sắt cao tốc trên 75 tỷ đô la sẽ không còn sống, hay sống cũng già nua lay lắc, ở cái năm đường sắt cao tốc hoàn thành. Con cháu họ (số ít) và con cháu mỗi người dân (hầu hết) sẽ gánh đống nợ to lớn này.
Vì nặng nợ, sẽ không làm đường sắt cao tốc? Không. Phải làm. Nhưng nợ ít hơn. Lợi ích nhanh hơn, nhiều hơn: Đường sắt 200 kmh chở người; 120 km/g chở hàng (từ 20 đến 25 tỷ đô la Mỹ, 10 năm có thể vận hành, theo dự báo của bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Về chuyện nhanh hơn, đường sắt không thể so sánh với đường hàng không. Chưa kể, càng nhiều máy bay, càng ngày giá vé càng cạnh tranh, hạ xuống. Đi xe lửa 700 ngàn (ví dụ), người ta sẽ chọn đi máy bay 1 triệu (căn cứ vào dự đoán của các nhà “tương lai học” trên báo).
Nhưng, điều ấy chưa quan trọng bằng điều này: Liệu cơm gắp mắm. Hãy để một tương lai “ít nợ” mà không phải “đống nợ” cho con cháu.
Dù nợ cũng nên làm đường sắt cao tốc, nhưng “lực phải tòng tâm”. Đến một giai đoạn nào đó, xây dựng một công trình trọng điểm quốc gia sẽ không phải nghĩ đến “liệu cơm gắp mắm”. Khi ấy, chúng ta đã đuổi kịp thế giới vì VN chẳng phải vay nợ cho con cháu trả. Từ NỢ sẽ không nằm trong từ điển phát triển kinh tế. Nợ nần chẳng ám ảnh tâm khảm của những người trẻ tiếp bước cha ông.
Xin đọc thêm ở đây bài viết của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu. https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/3387293434737396