RƯỢU, THUỐC LÁ VÀ NHÀ THƯƠNG
HAY NHÂN SINH QUÝ THÍCH CHÍ?
Tôi có thói quen hay để ý. Lúc ở bệnh viện ung bướu, tôi thấy số đàn ông bị ung thư ít hơn số phụ nữ, tôi không giải thích được hay tôi nhìn lầm như thế. Đàn ông thì mắc nhiều loại ung thư nhưng theo chỗ tôi biết, ung thư gan và phổi chiếm tỷ lệ khá cao. Việt Nam là xứ sở của hạnh phúc. Hai loại hóa chất thân thương rượu và thuốc lá đóng góp cho chỉ số hạnh phúc người Việt Nam, nhất nhì thế giới?
Mỗi buổi chiều tối, từ Ải Nam Quan cho đến Mũi Cà Mau, tôi tin là, khắp hang cùng ngõ hẻm, khắp phố thị làng mạc, nông thôn, thành phố, số lượng người uống bia rượu đều đông đúc, nhộn nhịp ở các quán xá, nhất là các quán cóc vệ đường. Tiếng “dzô, dzô” trở thành tiếng la của “quốc hồn, quốc túy”, có khi còn nhiều hơn tiếng hát quốc ca. Tôi thấy một số người Việt ít quý trọng thân thể, nhất là cánh đàn ông (tôi mong là không nhiều). Người theo đạo Kitô rất quý trọng thân thể. Tín hữu tự tử sẽ không được làm phép đưa tiễn trọng thể trong nhà thờ.
Tôi mạn phép nêu câu “thân thể là đền thờ Thượng Đế” dù không phải ai đọc tôi đều theo Kitô giáo (Công giáo hay Thiên Chúa giáo cũng nằm trong tín ngưỡng này). Tôi thấy ý nghĩa của câu này đối với cơ thể chúng ta, dù là câu trong kinh thánh tôn giáo. Đối với bệnh nhân ung thư, câu này rất hữu ích.
Thượng đế, theo tín lý Kitô, là nhân vật sáng tạo ra loài người. Vườn địa đàng với Adam và Eva là hai nhân vật khởi thủy của nhân loại. Thượng đế rất hiểu con người. Thấy người nam buồn bã một mình trong vườn Địa Đàng, ngài nảy lòng thương cảm. Lấy bớt một xương sườn của người đàn ông đang ngủ say (do đó, đàn ông thua đàn bà một xương sườn), ngài tạo ra một người đàn bà bầu bạn với người nam. Địa đàng nhiều hoa thơm cỏ lạ, chim muông sắc màu rực rỡ, có tình yêu nam nữ thì Địa Đàng mới có nhiều ý nghĩa.
Thân thể con cháu Adam và Eva nhờ đó trở thành cao quý - đền thờ của Thượng đế. Câu chuyện trong chương Sáng thế ký chỉ có người theo đạo Kitô mới tin như thế. Các vị có người không tin, phải không? Tin và không tin là quyền tự do nhận thức của con người. Chính quỷ Sa Tăng thuyết phục Eva dụ dỗ Adam “ăn trái cấm”, để sáng suốt như Thượng Đế, cũng chỉ để khẳng định sự nhận thức là một cái Thượng đế có muốn cấm cũng không được: trái cấm bị “con người nhận thức” ăn mất vì muốn sáng suốt như Thượng Đế. Nhưng có mấy ai xem thân thể mình là đền thờ, mà lại là đền thờ trang trọng dành cho Thượng Đế?
Thân thể là đền thờ không còn mang ý nghĩa tôn giáo: thân thể phải thanh khiết. Khi mới sinh, con người uống sữa mẹ, chất dinh dưỡng hết sức hoàn hảo. Khi bắt đầu ăn, trẻ sơ sinh tiếp nhận dinh dưỡng qua thức ăn. Không ai bảo đảm, đây là thức ăn dinh dưỡng an lành như sữa mẹ. Khi lớn lên, con người càng tiếp nhận thực phẩm, rất nhiều, từ bên ngoài. Đây, có lẽ là giai đoạn bệnh tật phát sinh: các chất đưa vào cơ thể, không ai chắc chắn có gì an toàn cho cơ thể. Đây, có thể là lý do người xưa nhận xét: Bệnh từ miệng mà vào?
Có hai thứ cơ thể hấp thu, bên cạnh các loại thức ăn: rượu (bia) và thuốc lá. Thân thể không còn là “đền thờ của thượng đế” nữa rồi. Nâng ly rượu lên miệng, hơi men chếnh choáng. Cầm điếu thuốc đưa lên môi, khói thuốc bay bay lãng mạn.
“Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé! /Ðể lòng buồn tôi dạo khắp trong sân, /Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần... /Tôi nói khẽ: Gớm, làm sao nhớ thế? (*) /Có đáng gì đâu, “Ôi, nhân sinh là thế ấy, /Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao”. (**)
Sống là phải tận hưởng thú vui cuộc sống: Hút thuốc và uống rượu. “Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy /Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười/ Thôi công đâu chuốc lấy sự đời Tiêu khiển một vài chung lếu láo/ Ðoạn tống nhất sinh duy hữu tửu (1) /Trầm tư bách kế bất như nhàn (2) /Dưới thiều quang thấp thoáng bóng nam quan/ Ngoảnh mặt lại cửu hoàn coi cũng nhỏ /Khoảng trời đất cổ kim, kim cổ /Mảnh hình hài không có, có không /Lọ là thiên tứ, vạn chung.” (***) (1)
Dứt bỏ một đời, chỉ có rượu (2) Suy tư trăm lối, không bằng nhàn.
Rượu và thuốc lá bị cho là hai tác nhân gây bệnh…ung thư, ung thư gan, ung thư vòm họng và ung thư phổi. Người không uống rượu, không hút thuốc cũng ung thư. Quy tội cho hai thú vui này sao? Có thể, chúng không trực tiếp gây ung thư nhưng chúng góp công làm dễ mắc ung thư. Hấp dẫn thường rình rập hiểm nguy. Rượu bia và thuốc lá quá là hấp dẫn. Nhưng rượu qua nhiều “thiên tứ, vạn chung” đâu không thấy, con người uống nó quá hớp phải “chung tiền” cho chữa trị ung thư. Hình ảnh lãng mạn: “Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần”, khi chàng đang chờ nàng trong buổi hẹn yêu đương. Cháy lụi dần có khi cháy cả cuộc đời người hút thuốc. Đâu ai biết được.
Ham muốn con người đầu tiên trên trái đất là ăn trái cấm để thông sáng như Thượng Đế. Ham muốn của con người ngày nay là hút thuốc và uống rượu, quá ngưỡng, quá mức: địa đàng, ngày xưa đi đến; ngày nay, bệnh viện mới là chỗ đến, nếu ham muốn con người quá mức dung nạp của cơ thể. Cá nhân tôi, tôi không nghĩ là con người tuyệt đối không đụng đến hai thứ ấy. Như quy luật cho tất cả, tiết chế hoặc điều độ sẽ là cách để con người không bỏ được thuốc hay từ chối được rượu. Nhân sinh quý thích chí. “Say sưa nghĩ cũng hư đời Hư thời hư vậy say thời cứ say” /“Một trà, một rượu, một đàn bà Ba cái lăng nhăng nó quấy ta/ Chừa được thứ nào hay thứ ấy /Có chăng chừa rượu với chừa trà”
Tú Xương làm một cuộc cách mạng về niềm vui, thú vui, táo bạo và “phàm tục” hơn ngày xưa tao nhã: cầm, kỳ, thi họa. Ngày nay, thú vui đa dạng hơn, hấp dẫn nhất là: uống rượu và hút thuốc. Tất nhiên thú vui Tú Xương ca tụng phải có, nhưng kín đáo, không tiện bàn ra đây.
Hút thuốc có hại nhưng thật trớ trêu lợi nhuận từ cái hại này ngất ngưởng, đến nhà nước cũng không muốn cấm, đúng ra không thể cấm. Một phát minh của con người nhưng lại làm hại con người: không thế, trên mỗi bao thuốc có ghi: hút thuốc có thể gây ung thư phổi. Chà, hai chữ có thể thật thông thái, khác hẳn chắc chắn, chắc chắn gây ung thư. Nhưng có người không hút thuốc, cũng không ngửi khói thuốc mà vẫn ung thư, hai từ có thể trên bao thuốc rất khéo mồm. Thuốc lá còn gọi tương tư thảo, loại lá khiến nhớ nhung: “Nhớ ai như nhớ thuốc Lào Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên.”
Tôi có bà mẹ vợ gần 90 tuổi nhưng thời gian bà hút thuốc 75 năm. Mẹ tôi người Quảng Nam. Thời xưa, con gái quê tôi nổi tiếng hút thuốc, đến nỗi có câu ca dao:
“Tiếng đồn con gái Quảng Nam Mất mùa thuốc lá chết năm trăm người.” (Có lẽ là chết thèm, không phải chết thiệt).
Tôi nhắc lại ấy là thời xưa, nay chỉ còn mỗi một mẹ tôi, thời gian hút của bà còn nhiều hơn tuổi của tôi. Sức khỏe bà rất tốt, phổi trong, không khi nào khó thở nhờ...hút thuốc lá. Tôi nói nghịch khoa học phải không? Nhưng mẹ tôi hút thuốc rất...khoa học: chỉ thật thèm mới hút. Thuốc lá Quảng không tẩm các hoá chất. Chúng có khói rất nặng nên người hút không thể hít trọn vào phổi như thuốc điếu. Hút tuỳ thích, đều đặn ngày mấy lần, y như lịch trực ban. Sau mỗi lần hút, tâm trạng bà khoan khoái. Rõ ràng khói thuốc đem lại hưng phấn cho bà, người mẹ mất chồng lúc 30 tuổi, một nách 5 đứa con dại. Tôi viết thế này không phải cổ vũ hút thuốc nhưng muốn nói: điều độ là chìa khoá để sung sướng mãn đời nếu không bỏ được thuốc lá. Nhưng không hút thuốc nên là lựa chọn hàng đầu.
Nhưng ai cũng không hút, ngành thuốc lá “sụm bà chè” tức thì. Uống rượu bia càng hấp dẫn hơn hút thuốc. Đây là lý do, các hãng bia ở Việt Nam làm giàu nhanh chóng. Số lượng bia sản xuất và tiêu thụ năm sau cao hơn năm trước, không cần có nghị quyết.
“Vô tửu bất thành lễ Nam vô tửu như kỳ vô phong”.
Ái chà, món tửu mà Phật đưa vào ngũ giới lại được đưa lên tầm cao trong ngôn ngữ tiếng Việt. Không biết uống rượu đừng làm cán bộ. Tôi từng nghe nhiều quan chức bậc trung cho biết như thế. Không có một thanh niên nào ở Việt Nam không uống được bia, rượu trừ những người uống vô bị dị ứng, ngứa ngáy hay thở không nổi vì tim đập loạn xạ. Trong bất kỳ một buổi tiệc nhỏ lớn, không bao giờ không có bia hay rượu. Uống cho tới bến, đó là xu thế thời đại! Không uống như thế không hết mình vì bạn hữu, vì đồng nghiệp. Đến đây, điều độ lại là cách người ta sống khỏe mấy chục năm để thưởng thức cái thú mà Tản Đà nói ở hai câu thơ tôi dẫn bên trên.
Uống rượu bia ở ngưỡng không hại sức khỏe mà vẫn hưng phấn là tài năng của những ai không muốn “Say sưa nghĩ cũng hư đời”. Tại sao người ta có thể “say” mà không thể “hư “? Đó là nhờ tiết chế trong việc uống rượu bia. Có sức khỏe để uống 20 năm so với không đủ sức khỏe (do quá chén) chỉ uống nổi 10 năm, bạn thích cái nào hơn? Tôi thích 20 năm để tận hưởng cái món mà Tú Xương xếp sau...đàn bà.
Rượu (bia) và thuốc lá “có hại” nhưng chúng luôn đi cùng cuộc sống. Nếu không bỏ được, điều độ, tiết chế là điều cần nghĩ tới. Nhưng đối với người ung thư, đang chữa, hay chữa khỏi, không hút thuốc, và uống rượu chừng mực chính là sự bắt buộc, chứ không còn là theo sở thích: người ung thư không như người khỏe. Làm cho phổi ô nhiễm bằng khói thuốc, khiến cho tim đập quá mạnh, đầu óc mê mẩn vì hơi men, thật sự không phải là cách cho bệnh nhân ung thư sớm trở nên khỏe mạnh hoàn toàn. Không ai trong chúng ta muốn bệnh nhất là mắc cái bệnh quái ác có thể kết thúc cuộc đời con người quá sớm, không đoái hoài đến ước nguyện của họ: ung thư. Khi biết uống rượu quá nhiều và hút thuốc quá dữ sẽ dẫn đến địa ngục, chứ không phải Địa Đàng, con người vẫn tự nguyện dấn thân. Tôi thật không hiểu vì sao.
Tất nhiên, không phải ai ung thư cũng vì uống rượu quá nhiều hay hút thuốc quá dữ. Những người cả đời không hút thuốc họ cũng ung thư phổi thì sao? Tôi không nói “hút thuốc tự động” tức hít khói thuốc người khác, nguy cơ ung thư không phải nhỏ. Những trẻ con năm bảy tuổi không uống rượu không hút thuốc, chúng cũng bị ung thư, tại sao? Khó trả lời nhưng không thể không suy nghĩ, môi trường sống, ảnh hưởng lối sống người lớn (cha, anh hút thuốc khi họ còn bé, hít biết bao là khói thuốc) gây ra tai họa cho các em. Có rất nhiều người mắc ung thư vì những nguyên do khác nhau, cho đến nay, chưa có ai giải thích thật cặn kẽ, vì sao Việt Nam lại nằm trong những nước có người mắc ung thư trong những nước cao nhất, “năm sau cao hơn năm trước”. Nhưng không vì không có lời giải thích mà chúng ta không quý trọng cơ thể mình trước nguy cơ có thể là nạn nhân của bệnh ung thư khi lạm dụng rượu bia, hút thuốc quá nhiều.
Không rõ nguyên do mà mắc bệnh ung thư là do môi trường và cơ địa mỗi người nhưng biết rõ nguyên do như hút nhiều thuốc lá, uống nhiều rượu bia gây ung thư, con người không tiết chế thì rõ ràng họ chuộng theo thị dục mà không quan tâm đến thân thể.
Có thời “vô tửu bất thành lễ” hay “nam vô tửu như kỳ vô phong” chi phối lối sống văn hóa xã hội. Biết nguy hại nhưng vẫn chấp nhận nguy hại, con người không có sức mạnh tinh thần khuất phục ham muốn có hại đến chính sức khỏe của mình hay sao? Tất nhiên, uống rượu chừng mực, hút đôi ba điếu khi thấy thích, tôi nghĩ không đến nỗi nào mà lại có cái hay: nhân sinh quý thích chí. Nhưng kìm chế ham muốn trước cám dỗ của rượu và thuốc biết đâu là người có ý chí mạnh mẽ và thông thường thành công cũng đến với những người có ý chí như thế?
Hãy nghĩ câu này không phải của riêng người Công giáo: “Thân thể là đền thờ của Thượng Đế” để có một cuộc sống lành mạnh, với thức ăn lành mạnh, thức uống lành mạnh, và những suy tư lành mạnh. Nơi đến để nghỉ ngơi lúc tuổi già không phải như tôi: 60 tuổi phải lấy nhà thương làm lẽ cứu mạng sống, phải lội qua lửa luyện ngục, để hôm nay, thư thả năm bảy năm nữa cho một đời người.
Thân thể không được là đền thờ Thượng đế (như suy nghĩ của người theo Kitô giáo) thì chúng ta cũng nên chú ý đến nó, coi nó như một người thân yêu, gắn bó với chúng ta cả cuộc đời người: một thân thể tráng kiện để có một tinh thần minh mẫn. Khi tôi mất sức khỏe vì ung thư, tôi trân quý nó vô cùng khi trở về với sức khỏe, dẫu có “tan nát” hơn xưa. Vậy khi có sức khỏe, tại sao chúng ta không bảo vệ nó?
Nói đi cũng phải nói lại. Khi con người xuất hiện, rượu và thuốc lá có lẽ không có. Không rõ đến lúc nào, hai món này xuất hiện. Men rượu và khói thuốc trở thành một trong các hưởng thụ nhân sinh.
Nếu không hấp dẫn, sao con người yêu thích chúng? Ai uống rượu, ai thuốc thuốc đều bệnh hết hay sao? Nếu uống xong một hớp rượu, hút xong một hơi thuốc, người uống, người hút té ngửa ra vì mắc bệnh, ai mà dám đụng tới. Biết không tốt, biết có hại, thuốc, rượu vẫn đi theo con người có lẽ cả mấy ngàn năm nay. Có thể kết luận: còn con người, sẽ còn thuốc, còn rượu. Uống nhiều hơn, uống ít hơn hay hút nhiều hơn, hút ít hơn – đó là sự chọn lựa.
Tôi quan sát và có một nhận xét: khi uống một đôi hớp rượu hay một vài ly bia hoặc năm bảy hơi khói thuốc, tâm tính người uống, người hút dễ chịu hơn, và có thể nói vui vẻ và hưng phấn hơn. Nhưng nếu uống quá nhiều, quá ngưỡng, người uống sẽ say xỉn, có lúc không kiểm soát nổi mình, phạm phải những việc làm, khi tỉnh rượu, họ cảm thấy ăn năn, hối tiếc. Người hút thuốc quá nhiều chắc chắn sẽ gặp vấn đề về hô hấp. Khói thuốc thay thế dưỡng khí trong phổi, liên tục ngày này sang ngày khác, liệu cơ thể có chịu nổi không
Nếu không bỏ rượu, không bỏ thuốc vì sức khỏe thì cũng vì sức khỏe mà uống điều độ, hút vừa phải. Thái quá luôn bất cập. Điều độ và chừng mực, biết đâu thuốc lá và rượu bia không làm cho con người yêu đời hơn, cuộc sống sinh động hơn, “nhân sinh quý thích chí”?
(*) Hồ Dzếnh. (**) Nguyễn Công Trứ (***) Cao Bá Quát