Wednesday, September 4, 2024

Sách "Ung thư và con đường tôi chữa khỏi". CHƯƠNG 13

RƯỢU, THUỐC LÁ VÀ NHÀ THƯƠNG

HAY NHÂN SINH QUÝ THÍCH CHÍ?

Tôi có thói quen hay để ý. Lúc ở bệnh viện ung bướu, tôi thấy số đàn ông bị ung thư ít hơn số phụ nữ, tôi không giải thích được hay tôi nhìn lầm như thế. Đàn ông thì mắc nhiều loại ung thư nhưng theo chỗ tôi biết, ung thư gan và phổi chiếm tỷ lệ khá cao. Việt Nam là xứ sở của hạnh phúc. Hai loại hóa chất thân thương rượu và thuốc lá đóng góp cho chỉ số hạnh phúc người Việt Nam, nhất nhì thế giới?

Mỗi buổi chiều tối, từ Ải Nam Quan cho đến Mũi Cà Mau, tôi tin là, khắp hang cùng ngõ hẻm, khắp phố thị làng mạc, nông thôn, thành phố, số lượng người uống bia rượu đều đông đúc, nhộn nhịp ở các quán xá, nhất là các quán cóc vệ đường. Tiếng “dzô, dzô” trở thành tiếng la của “quốc hồn, quốc túy”, có khi còn nhiều hơn tiếng hát quốc ca. Tôi thấy một số người Việt ít quý trọng thân thể, nhất là cánh đàn ông (tôi mong là không nhiều). Người theo đạo Kitô rất quý trọng thân thể. Tín hữu tự tử sẽ không được làm phép đưa tiễn trọng thể trong nhà thờ.

Tôi mạn phép nêu câu “thân thể là đền thờ Thượng Đế” dù không phải ai đọc tôi đều theo Kitô giáo (Công giáo hay Thiên Chúa giáo cũng nằm trong tín ngưỡng này). Tôi thấy ý nghĩa của câu này đối với cơ thể chúng ta, dù là câu trong kinh thánh tôn giáo. Đối với bệnh nhân ung thư, câu này rất hữu ích.

Thượng đế, theo tín lý Kitô, là nhân vật sáng tạo ra loài người. Vườn địa đàng với Adam và Eva là hai nhân vật khởi thủy của nhân loại. Thượng đế rất hiểu con người. Thấy người nam buồn bã một mình trong vườn Địa Đàng, ngài nảy lòng thương cảm. Lấy bớt một xương sườn của người đàn ông đang ngủ say (do đó, đàn ông thua đàn bà một xương sườn), ngài tạo ra một người đàn bà bầu bạn với người nam. Địa đàng nhiều hoa thơm cỏ lạ, chim muông sắc màu rực rỡ, có tình yêu nam nữ thì Địa Đàng mới có nhiều ý nghĩa.

Thân thể con cháu Adam và Eva nhờ đó trở thành cao quý - đền thờ của Thượng đế. Câu chuyện trong chương Sáng thế ký chỉ có người theo đạo Kitô mới tin như thế. Các vị có người không tin, phải không? Tin và không tin là quyền tự do nhận thức của con người. Chính quỷ Sa Tăng thuyết phục Eva dụ dỗ Adam “ăn trái cấm”, để sáng suốt như Thượng Đế, cũng chỉ để khẳng định sự nhận thức là một cái Thượng đế có muốn cấm cũng không được: trái cấm bị “con người nhận thức” ăn mất vì muốn sáng suốt như Thượng Đế. Nhưng có mấy ai xem thân thể mình là đền thờ, mà lại là đền thờ trang trọng dành cho Thượng Đế?

Thân thể là đền thờ không còn mang ý nghĩa tôn giáo: thân thể phải thanh khiết. Khi mới sinh, con người uống sữa mẹ, chất dinh dưỡng hết sức hoàn hảo. Khi bắt đầu ăn, trẻ sơ sinh tiếp nhận dinh dưỡng qua thức ăn. Không ai bảo đảm, đây là thức ăn dinh dưỡng an lành như sữa mẹ. Khi lớn lên, con người càng tiếp nhận thực phẩm, rất nhiều, từ bên ngoài. Đây, có lẽ là giai đoạn bệnh tật phát sinh: các chất đưa vào cơ thể, không ai chắc chắn có gì an toàn cho cơ thể. Đây, có thể là lý do người xưa nhận xét: Bệnh từ miệng mà vào?

Có hai thứ cơ thể hấp thu, bên cạnh các loại thức ăn: rượu (bia) và thuốc lá. Thân thể không còn là “đền thờ của thượng đế” nữa rồi. Nâng ly rượu lên miệng, hơi men chếnh choáng. Cầm điếu thuốc đưa lên môi, khói thuốc bay bay lãng mạn.

“Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé! /Ðể lòng buồn tôi dạo khắp trong sân, /Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần... /Tôi nói khẽ: Gớm, làm sao nhớ thế? (*) /Có đáng gì đâu, “Ôi, nhân sinh là thế ấy, /Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao”. (**)

Sống là phải tận hưởng thú vui cuộc sống: Hút thuốc và uống rượu. “Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy /Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười/ Thôi công đâu chuốc lấy sự đời Tiêu khiển một vài chung lếu láo/ Ðoạn tống nhất sinh duy hữu tửu (1) /Trầm tư bách kế bất như nhàn (2) /Dưới thiều quang thấp thoáng bóng nam quan/ Ngoảnh mặt lại cửu hoàn coi cũng nhỏ /Khoảng trời đất cổ kim, kim cổ /Mảnh hình hài không có, có không /Lọ là thiên tứ, vạn chung.” (***) (1)

Dứt bỏ một đời, chỉ có rượu (2) Suy tư trăm lối, không bằng nhàn.

Rượu và thuốc lá bị cho là hai tác nhân gây bệnh…ung thư, ung thư gan, ung thư vòm họng và ung thư phổi. Người không uống rượu, không hút thuốc cũng ung thư. Quy tội cho hai thú vui này sao? Có thể, chúng không trực tiếp gây ung thư nhưng chúng góp công làm dễ mắc ung thư. Hấp dẫn thường rình rập hiểm nguy. Rượu bia và thuốc lá quá là hấp dẫn. Nhưng rượu qua nhiều “thiên tứ, vạn chung” đâu không thấy, con người uống nó quá hớp phải “chung tiền” cho chữa trị ung thư. Hình ảnh lãng mạn: “Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần”, khi chàng đang chờ nàng trong buổi hẹn yêu đương. Cháy lụi dần có khi cháy cả cuộc đời người hút thuốc. Đâu ai biết được.

Ham muốn con người đầu tiên trên trái đất là ăn trái cấm để thông sáng như Thượng Đế. Ham muốn của con người ngày nay là hút thuốc và uống rượu, quá ngưỡng, quá mức: địa đàng, ngày xưa đi đến; ngày nay, bệnh viện mới là chỗ đến, nếu ham muốn con người quá mức dung nạp của cơ thể. Cá nhân tôi, tôi không nghĩ là con người tuyệt đối không đụng đến hai thứ ấy. Như quy luật cho tất cả, tiết chế hoặc điều độ sẽ là cách để con người không bỏ được thuốc hay từ chối được rượu. Nhân sinh quý thích chí. “Say sưa nghĩ cũng hư đời Hư thời hư vậy say thời cứ say” /“Một trà, một rượu, một đàn bà Ba cái lăng nhăng nó quấy ta/ Chừa được thứ nào hay thứ ấy /Có chăng chừa rượu với chừa trà”

Tú Xương làm một cuộc cách mạng về niềm vui, thú vui, táo bạo và “phàm tục” hơn ngày xưa tao nhã: cầm, kỳ, thi họa. Ngày nay, thú vui đa dạng hơn, hấp dẫn nhất là: uống rượu và hút thuốc. Tất nhiên thú vui Tú Xương ca tụng phải có, nhưng kín đáo, không tiện bàn ra đây.

Hút thuốc có hại nhưng thật trớ trêu lợi nhuận từ cái hại này ngất ngưởng, đến nhà nước cũng không muốn cấm, đúng ra không thể cấm. Một phát minh của con người nhưng lại làm hại con người: không thế, trên mỗi bao thuốc có ghi: hút thuốc có thể gây ung thư phổi. Chà, hai chữ có thể thật thông thái, khác hẳn chắc chắn, chắc chắn gây ung thư. Nhưng có người không hút thuốc, cũng không ngửi khói thuốc mà vẫn ung thư, hai từ có thể trên bao thuốc rất khéo mồm. Thuốc lá còn gọi tương tư thảo, loại lá khiến nhớ nhung: “Nhớ ai như nhớ thuốc Lào Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên.”

Tôi có bà mẹ vợ gần 90 tuổi nhưng thời gian bà hút thuốc 75 năm. Mẹ tôi người Quảng Nam. Thời xưa, con gái quê tôi nổi tiếng hút thuốc, đến nỗi có câu ca dao:

“Tiếng đồn con gái Quảng Nam Mất mùa thuốc lá chết năm trăm người.” (Có lẽ là chết thèm, không phải chết thiệt).

Tôi nhắc lại ấy là thời xưa, nay chỉ còn mỗi một mẹ tôi, thời gian hút của bà còn nhiều hơn tuổi của tôi. Sức khỏe bà rất tốt, phổi trong, không khi nào khó thở nhờ...hút thuốc lá. Tôi nói nghịch khoa học phải không? Nhưng mẹ tôi hút thuốc rất...khoa học: chỉ thật thèm mới hút. Thuốc lá Quảng không tẩm các hoá chất. Chúng có khói rất nặng nên người hút không thể hít trọn vào phổi như thuốc điếu. Hút tuỳ thích, đều đặn ngày mấy lần, y như lịch trực ban. Sau mỗi lần hút, tâm trạng bà khoan khoái. Rõ ràng khói thuốc đem lại hưng phấn cho bà, người mẹ mất chồng lúc 30 tuổi, một nách 5 đứa con dại. Tôi viết thế này không phải cổ vũ hút thuốc nhưng muốn nói: điều độ là chìa khoá để sung sướng mãn đời nếu không bỏ được thuốc lá. Nhưng không hút thuốc nên là lựa chọn hàng đầu.

Nhưng ai cũng không hút, ngành thuốc lá “sụm bà chè” tức thì. Uống rượu bia càng hấp dẫn hơn hút thuốc. Đây là lý do, các hãng bia ở Việt Nam làm giàu nhanh chóng. Số lượng bia sản xuất và tiêu thụ năm sau cao hơn năm trước, không cần có nghị quyết.

“Vô tửu bất thành lễ Nam vô tửu như kỳ vô phong”.

Ái chà, món tửu mà Phật đưa vào ngũ giới lại được đưa lên tầm cao trong ngôn ngữ tiếng Việt. Không biết uống rượu đừng làm cán bộ. Tôi từng nghe nhiều quan chức bậc trung cho biết như thế. Không có một thanh niên nào ở Việt Nam không uống được bia, rượu trừ những người uống vô bị dị ứng, ngứa ngáy hay thở không nổi vì tim đập loạn xạ. Trong bất kỳ một buổi tiệc nhỏ lớn, không bao giờ không có bia hay rượu. Uống cho tới bến, đó là xu thế thời đại! Không uống như thế không hết mình vì bạn hữu, vì đồng nghiệp. Đến đây, điều độ lại là cách người ta sống khỏe mấy chục năm để thưởng thức cái thú mà Tản Đà nói ở hai câu thơ tôi dẫn bên trên.

Uống rượu bia ở ngưỡng không hại sức khỏe mà vẫn hưng phấn là tài năng của những ai không muốn “Say sưa nghĩ cũng hư đời”. Tại sao người ta có thể “say” mà không thể “hư “? Đó là nhờ tiết chế trong việc uống rượu bia. Có sức khỏe để uống 20 năm so với không đủ sức khỏe (do quá chén) chỉ uống nổi 10 năm, bạn thích cái nào hơn? Tôi thích 20 năm để tận hưởng cái món mà Tú Xương xếp sau...đàn bà.

Rượu (bia) và thuốc lá “có hại” nhưng chúng luôn đi cùng cuộc sống. Nếu không bỏ được, điều độ, tiết chế là điều cần nghĩ tới. Nhưng đối với người ung thư, đang chữa, hay chữa khỏi, không hút thuốc, và uống rượu chừng mực chính là sự bắt buộc, chứ không còn là theo sở thích: người ung thư không như người khỏe. Làm cho phổi ô nhiễm bằng khói thuốc, khiến cho tim đập quá mạnh, đầu óc mê mẩn vì hơi men, thật sự không phải là cách cho bệnh nhân ung thư sớm trở nên khỏe mạnh hoàn toàn. Không ai trong chúng ta muốn bệnh nhất là mắc cái bệnh quái ác có thể kết thúc cuộc đời con người quá sớm, không đoái hoài đến ước nguyện của họ: ung thư. Khi biết uống rượu quá nhiều và hút thuốc quá dữ sẽ dẫn đến địa ngục, chứ không phải Địa Đàng, con người vẫn tự nguyện dấn thân. Tôi thật không hiểu vì sao.

Tất nhiên, không phải ai ung thư cũng vì uống rượu quá nhiều hay hút thuốc quá dữ. Những người cả đời không hút thuốc họ cũng ung thư phổi thì sao? Tôi không nói “hút thuốc tự động” tức hít khói thuốc người khác, nguy cơ ung thư không phải nhỏ. Những trẻ con năm bảy tuổi không uống rượu không hút thuốc, chúng cũng bị ung thư, tại sao? Khó trả lời nhưng không thể không suy nghĩ, môi trường sống, ảnh hưởng lối sống người lớn (cha, anh hút thuốc khi họ còn bé, hít biết bao là khói thuốc) gây ra tai họa cho các em. Có rất nhiều người mắc ung thư vì những nguyên do khác nhau, cho đến nay, chưa có ai giải thích thật cặn kẽ, vì sao Việt Nam lại nằm trong những nước có người mắc ung thư trong những nước cao nhất, “năm sau cao hơn năm trước”. Nhưng không vì không có lời giải thích mà chúng ta không quý trọng cơ thể mình trước nguy cơ có thể là nạn nhân của bệnh ung thư khi lạm dụng rượu bia, hút thuốc quá nhiều.

Không rõ nguyên do mà mắc bệnh ung thư là do môi trường và cơ địa mỗi người nhưng biết rõ nguyên do như hút nhiều thuốc lá, uống nhiều rượu bia gây ung thư, con người không tiết chế thì rõ ràng họ chuộng theo thị dục mà không quan tâm đến thân thể.

Có thời “vô tửu bất thành lễ” hay “nam vô tửu như kỳ vô phong” chi phối lối sống văn hóa xã hội. Biết nguy hại nhưng vẫn chấp nhận nguy hại, con người không có sức mạnh tinh thần khuất phục ham muốn có hại đến chính sức khỏe của mình hay sao? Tất nhiên, uống rượu chừng mực, hút đôi ba điếu khi thấy thích, tôi nghĩ không đến nỗi nào mà lại có cái hay: nhân sinh quý thích chí. Nhưng kìm chế ham muốn trước cám dỗ của rượu và thuốc biết đâu là người có ý chí mạnh mẽ và thông thường thành công cũng đến với những người có ý chí như thế?

Hãy nghĩ câu này không phải của riêng người Công giáo: “Thân thể là đền thờ của Thượng Đế” để có một cuộc sống lành mạnh, với thức ăn lành mạnh, thức uống lành mạnh, và những suy tư lành mạnh. Nơi đến để nghỉ ngơi lúc tuổi già không phải như tôi: 60 tuổi phải lấy nhà thương làm lẽ cứu mạng sống, phải lội qua lửa luyện ngục, để hôm nay, thư thả năm bảy năm nữa cho một đời người.

Thân thể không được là đền thờ Thượng đế (như suy nghĩ của người theo Kitô giáo) thì chúng ta cũng nên chú ý đến nó, coi nó như một người thân yêu, gắn bó với chúng ta cả cuộc đời người: một thân thể tráng kiện để có một tinh thần minh mẫn. Khi tôi mất sức khỏe vì ung thư, tôi trân quý nó vô cùng khi trở về với sức khỏe, dẫu có “tan nát” hơn xưa. Vậy khi có sức khỏe, tại sao chúng ta không bảo vệ nó?

Nói đi cũng phải nói lại. Khi con người xuất hiện, rượu và thuốc lá có lẽ không có. Không rõ đến lúc nào, hai món này xuất hiện. Men rượu và khói thuốc trở thành một trong các hưởng thụ nhân sinh.

Nếu không hấp dẫn, sao con người yêu thích chúng? Ai uống rượu, ai thuốc thuốc đều bệnh hết hay sao? Nếu uống xong một hớp rượu, hút xong một hơi thuốc, người uống, người hút té ngửa ra vì mắc bệnh, ai mà dám đụng tới. Biết không tốt, biết có hại, thuốc, rượu vẫn đi theo con người có lẽ cả mấy ngàn năm nay. Có thể kết luận: còn con người, sẽ còn thuốc, còn rượu. Uống nhiều hơn, uống ít hơn hay hút nhiều hơn, hút ít hơn – đó là sự chọn lựa.

Tôi quan sát và có một nhận xét: khi uống một đôi hớp rượu hay một vài ly bia hoặc năm bảy hơi khói thuốc, tâm tính người uống, người hút dễ chịu hơn, và có thể nói vui vẻ và hưng phấn hơn. Nhưng nếu uống quá nhiều, quá ngưỡng, người uống sẽ say xỉn, có lúc không kiểm soát nổi mình, phạm phải những việc làm, khi tỉnh rượu, họ cảm thấy ăn năn, hối tiếc. Người hút thuốc quá nhiều chắc chắn sẽ gặp vấn đề về hô hấp. Khói thuốc thay thế dưỡng khí trong phổi, liên tục ngày này sang ngày khác, liệu cơ thể có chịu nổi không

Nếu không bỏ rượu, không bỏ thuốc vì sức khỏe thì cũng vì sức khỏe mà uống điều độ, hút vừa phải. Thái quá luôn bất cập. Điều độ và chừng mực, biết đâu thuốc lá và rượu bia không làm cho con người yêu đời hơn, cuộc sống sinh động hơn, “nhân sinh quý thích chí”?

(*) Hồ Dzếnh. (**) Nguyễn Công Trứ (***) Cao Bá Quát

Sách "Ung thư và con đường tôi chữa khỏi". CHƯƠNG 14

TRI KỶ, TRI BỈ: BIẾT MÌNH, BIẾT BỆNH

Tôi lấy ý từ câu nói của cổ nhân: “Tri bỉ tri kỷ, bách chiến bách thắng”, biết mình biết người, trăm trận trăm thắng. Mắc bệnh ung thư thì có chi là biết mình, biết người? Tôi thì cho có liên quan; biết ta và người đồng nghĩa “biết mình biết bệnh”. Bệnh còn nguy hiểm vì nó coi như địch. Muốn thắng địch, phải hiểu địch, trước khi chiến đấu chống lại nó.

Ung thư có hàng mấy chục loại. Tôi không phải là nhà nghiên cứu ung bướu nên không thể nói rõ đặc tính các loại bệnh ung thư, nhưng quý vì thì có thể. Khi bác sĩ cho tôi biết mình mắc loại ung thư nào, tôi liền lên mạng internet tìm hiểu.

Tất nhiên, những trang mạng khả tín có địa chỉ hẳn hoi, chúng ta phải để ý tới trước. Hằng hà sa số các mô tả về tất cả các loại bệnh ung thư. Tha hồ mà tìm hiểu. Mỗi loại ung thư đều có những đặc tính khác nhau, ảnh hưởng khác nhau, tùy tuổi tác, tùy giai đoạn bệnh. Nếu tôi không lầm, ung thư chia làm bốn giai đoạn và mỗi giai đoạn sẽ cho biết khả năng sống kéo dài bao lâu khi mắc và cả khi chữa khỏi, nghĩa là bệnh đã lui.

Các bước hướng dẫn chữa trị ở bệnh viện, chúng ta không cần nói tới, chỉ có việc tuân thủ các phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên môn. Tìm hiểu bệnh để biết người bệnh ở giai đoạn nào, tâm thế chuẩn bị ra làm sao. Có nhiều chỗ khiến tôi thảng thốt khi đọc trên mạng, thời gian sống của bệnh nhân theo loại bệnh ung thư, chưa chữa cũng như chữa lành.

Khi nghĩ ngợi, 6 tháng hay 1 năm, 2 năm, nhiều năm hơn, mình sẽ từ giã cõi đời, theo y văn đọc trên mạng, tôi ban đầu thấy thất vọng và buồn bã vô cùng. Không phải là sống sung sướng hạnh phúc mới nuối tiếc. Sống bôn ba cũng như mọi người, nghe đến phải chết vào một thời điểm nào đó, chỉ có Phật hay Thánh mới không dao động tâm can, chúng ta là con người mà, “một ngày dương gian bằng một vạn ngày âm phủ”.

Có quá nhiều triết lý, đời là bể khổ, đời là cõi vô thường, đến rồi đi “như gió thổi như mây nổi như chiêm bao”. Về với nước Chúa là diễm phúc về nước Thiên Đàng. Chết là sự sắp xếp của Thượng Đế. Con người phó thác vào bàn tay của Chúa…Chết là hết, chết là cát bụi, trở về với cát bụi. Nhưng người bệnh như tôi làm sao cầm được nước mắt khi nghĩ tới cái chết (tôi xin nhắc lại, tâm trạng ban đầu của một người phát hiện mình mắc ung thư, và không phải bị ung thư thì mọi người phải chết):

“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Để một mai tôi về làm cát bụi

Ôi cát bụi mệt nhoài

Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi” (Trịnh Công Sơn)

“Gõ nhịp khôn nguôi” khiến tôi tưởng tượng ra tiếng gõ nhịp cốc cốc, cốc cốc, của vị chủ đòn, điều khiển các phu khiêng quan tài trên đường đi về nghĩa địa. Nhưng tôi nhắc lại, y văn, dù đúc kết tiến bộ y khoa hằng thế kỷ, cũng không phải là…”nghị quyết” của Nam Tào trên thượng giới, nắm vận mệnh con người, ngày tháng nào ai chết, đối với các loại bệnh ung thư

Tôi biết một thông gia của tôi khi ông 82 tuổi đã mắc ung thư tuyến tiền liệt ở Đà Nẵng. Bác sĩ nói với gia đình, thôi không chữa trị hóa chất vì ông quá già. Đôi ba tháng, cùng lắm nửa năm ông sẽ mất, bệnh ở giai đoạn cuối. Ông rất minh mẫn và rất ao ước sống dù bà đã đi trước ông một năm. Tinh thần ông sảng khoái như một thanh niên. Ông được điều trị ở một phòng dịch vụ của bệnh viện vì ông muốn chữa lành ung thư. Con cái thay phiên ở với ông tại bệnh viện. Đôi ba tháng khỏe, ông về nhà vui vẻ, “bố hết bệnh rồi, bác sĩ nói thế”. Quý vị biết ông sống bao nhiêu năm sau đó? Gần 10 năm dù mỗi năm phải vào bệnh viện sống đôi ba tháng trong căn phòng dịch vụ riêng ở bệnh viện.

Rõ ràng, y văn không phải là đúng tất cả cho mọi trường hợp. Một người già 82 tuổi mắc ung thư tuyến tiền liệt, sống thêm gần 10 năm, có y văn nào ghi nhận điều đó? Tôi không nói, tinh thần yêu cuộc sống của mình giúp cụ ông kéo dài thời gian sống; tôi muốn nói: cơ thể mỗi người mỗi khác, phản ứng cơ thể họ đối với căn bệnh dù là ung thư cũng phải khác.

Khi tìm hiểu bệnh của mình, thấy những tư liệu nêu ra thời gian sống của các loại bệnh ung thư, chưa chữa hay đã chữa, người bệnh không nên hốt hoảng mất tinh thần: cơ địa mỗi người mỗi khác; y văn kia biết đâu đúc kết từ nghiên cứu ở những người phương Tây chứ không phải nghiên cứu ở những người Việt Nam và y văn phải cập nhật mỗi năm. Biết đâu y văn ta đọc trên mạng là kết quả của nghiên cứu y khoa hơn thập kỷ trước, lúc đó trình độ khoa học không tiên tiến như hiện nay.

Có ai giải thích vì sao người Việt không nhiễm Covid-19 nhiều như các nước châu Âu? Tất nhiên, nỗ lực của nhà chức trách là chủ yếu nhưng tính đề kháng trên thân thể người Việt phải nói là rất tốt trước các dịch bệnh, tôi không thể hiểu vì sao nhưng rõ ràng là có. Người Việt khi ở Mỹ, tôi có người bà con chết vì Covid-19, rất sợ dịch bệnh này trong khi ở Việt Nam, người Việt rất gan và rất “chịu chơi” (xơi tiết canh gia cầm khi đang có cúm gia cầm), và chính cái “chịu chơi” đó giúp người Việt chống chọi lai nhiều thứ từ thiên nhiên như bão lũ, chiến tranh, địch họa, và bệnh tật. Trong 5 nước thường trực Liên Hiệp Quốc thì có ba nước bị Việt Nam đánh “sấp mặt”: Mỹ, Tàu, Pháp. Corona mà ăn nhằm? Tôi nói vui vậy thôi chứ không phải đánh thắng đế quốc “đầu sỏ” được thì cái gì cũng đánh thắng.

Khi hiểu bản chất của loại bệnh ung thư mình mắc, người bệnh sẽ không còn bị dao động bởi những người đến thăm. Ôi thôi, cơ man nào lời khuyên, lời tham vấn, có khi còn thuyết phục hơn lời bác sĩ chưa kể những “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” (Nguyễn Du) kia làm bệnh nhân mất ngủ cả tuần vì tưởng chúng là sự thật, sự thật hiển nhiên: “bệnh này dễ chết lắm”.

Nếu bệnh nhân tự tìm hiểu bệnh tình của mình không được vì họ không tiếp cận internet, người nhà như con cháu nên bỏ công ra tìm hiểu và cố gắng giải thích cho họ nhất là những người lớn tuổi, cha, mẹ, ông, bà… của mình. Hành động nhiệt tình như thế cũng là liều thuốc bổ về tinh thần cho người thân mắc ung thư trong gia đình.

Khi hiểu được bệnh, hiểu được quy trình điều trị, người bệnh có lẽ sẽ an tâm hơn. Họ không còn bối rối khi có ai đó “uy tín” cho biết bệnh họ thế này, bệnh họ thế kia, sẽ thế này, sẽ thế kia, trong khi những người “uy tín” đó không phải tất cả đều uy tín, nghĩa là họ biết tất mọi loại bệnh, rắc rối như ung thư.

Khi biết rõ, người bệnh sẽ không còn sợ hãi, mù mờ không biết cặn kẽ bệnh tình của mình. Ngày xưa, các bác sĩ có khuynh hướng “giảm nhẹ” sự trầm trọng của bệnh; ngày nay, nói thật với bệnh nhân tỉnh táo là xu hướng tiến bộ, sự thật chỉ nói một lần; nói dối phải nói nhiều lần. Tất nhiên, chỉ nói thật với những bệnh nhân minh mẫn, có khi đối với bệnh nhân tinh thần không có, nói thật bệnh tình có khi lại tai hại còn hơn nói dối như “bác khỏe rồi, mai xuất viện nha”, gia đình họ biết đó là cách để đưa bệnh nhân về nhà yên bệnh đón chờ ngày rời cõi thế.

Biết sự thật sẽ làm tan biến sự sợ hãi. Tôi kể câu chuyện nhỏ. Nhà cũ tôi ở Đồng Nai, gần nhiều rừng cao su, mênh mông bát ngát. Già như tôi, một mình cũng không dám vào rừng ban ngày chứ đừng nói ban đêm. Phía sau nhà tôi là ông hàng xóm vui tính. Thỉnh thoảng khi còn sống, ông đứng sát hàng rào nói chuyện với tôi, có khi những đêm tối trời hay có trăng chiếu sáng. Một buổi tối trời chập choạng, ánh trăng mờ ảo, tôi ra sau nhà, và thấy người hàng xóm đã chết hiện ra, đứng sát hàng rào như đưa tay hướng về phía tôi, vẫy vẫy.

Người chết đôi khi rất linh thiêng nhưng dù thân với ông tôi cũng không dám lại gần; ông hiện giờ là bóng ma. Tôi lạnh người trở vào nhà, sắp đóng chặt cửa, định chui vô chỗ phòng riêng của vợ “cho đỡ sợ”. Nhưng tôi suy nghĩ, vô lý, không lẽ có ma? Tôi lấy can đảm trở ra, cầm theo đèn pin, với con rựa bén, và đúng là ma thật: tàu lá chuối rách hai bên phất phơ như cánh tay vẫy vẫy. Tôi thở phào nhẹ nhõm, đi vô nhà, không thèm vô phòng của vợ. Nếu tôi không quyết tâm tìm hiểu sự thật, chắc chắn tàu lá chuối kia sẽ là con ma, và câu chuyện gặp ma của tôi sẽ được kể ra với nhiều người, người hàng xóm kia sẽ “linh thiêng” lắm.

“Sự thật”, người ta nói, “sẽ cứu rỗi loài người”, nghe to tát quá; nhưng đối với người bệnh ung thư, họ cần biết rõ sự thật về căn bệnh của mình, có thể biết là chữa được hay khó chữa, thậm chí không chữa được, và đó là điều thân nhân cần nên lưu ý. Tôi cho đó là lý do tôi vượt qua hiểm nghèo bệnh tật, bởi tôi tìm hiểu rất kỹ, tôi muốn biết sự thật của nó. Khi biết sự thật về bệnh của mình, tinh thần tôi luôn ở tư thế “sẵn sàng”, dẫu là sẵn sàng đón nhận một số phận hẩm hiu. Là người ai cũng phải chết. Đức Phật, đức Chúa, thánh Mohamed… tất cả đều phải chết. Với tinh thần như thế, tôi cảm thấy nhẹ nhàng, và biết đâu, chính cái tinh thần ấy giúp tôi vượt qua căn bệnh ung thư giai đoạn ba.

Sunday, August 25, 2024

Sách "Ung thư và con đường tôi chữa khỏi". CHƯƠNG 12

UNG THƯ, TÔI ĂN GÌ?

Lão Tử: Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra. Đông y: Bách bệnh do tỳ. Dân gian Việt Nam: Tham thực cực thân. Ăn là cách duy trì sự sống. Ngay cả ăn để duy trì đạo đức: Có thực mới vực được đạo.

Ăn quan trọng và thiết yếu cho đời sống và ăn quan trọng và thiết yếu hơn rất nhiều đối với người bệnh, mà bệnh đó lại là ung thư. Có lẽ ở các nước tân tiến, chữa trị bằng thuốc có thể kèm chữa trị bằng ăn uống. Tôi có nghe một bệnh nhân nữ chữa trị tại Singapore về nói, bên đó, bệnh viện chỉ định khẩu phần ăn cho từng bệnh nhân, với từng loại bệnh. Tôi không qua đó nhưng tôi tin bà nói thật. Ăn hỗ trợ rất nhiều cho việc chữa trị một bệnh cần thời gian dài như chữa trị ung thư.

Khi tôi theo đuổi chữa trị ở bệnh viện gần 6 tháng, tôi chưa bao giờ nghe bác sĩ bảo tôi cần ăn uống như thế nào đối với bệnh ung thư hạch bạch huyết của mình. Tôi không rõ các bệnh nhân có loại ung thư khác tôi có được hướng dẫn cách thức ăn uống hay kiêng cử gì không.

Có lẽ đây là thiếu sót đối với bệnh nhân Việt Nam nói chung, bệnh nhân ung thư nói riêng. Thức ăn chắc chắn sẽ hỗ trợ việc điều trị bệnh của bệnh nhân. Có lẽ các bệnh viện quốc tế ở Việt Nam có chú trọng vấn đề này. Năm 2012 tôi ở chỗ bệnh viện ung bướu Sài Gòn thì chưa nghe nói tới.

“Cố gắng ăn uống đủ chất”, bệnh nhân sẽ nghe bác sĩ điều trị khuyên một câu chung chung như thế. Tôi chưa thấy có một tài liệu in phát không cho từng bệnh nhân với từng loại bệnh đang điều trị ung thư cần theo cách ăn uống do chuyên môn bên y tế khuyến cáo. Có lẽ hiện nay đang có mà tôi không biết?

Ăn uống khó khăn, đó là nhận xét chung của những ai từng điều trị ung thư mấy tháng dài. Nhiều người ăn vào vài miếng thì ói ra ngay. Có bệnh nhân bảo tôi họ cố nuốt thức ăn trôi qua khỏi miệng để giữ sức khỏe chiến đấu với bệnh tật. Có người mua thêm các loại thực phẩm chức năng, theo giới thiệu trên báo in hay báo mạng. Có người uống thêm loại sữa như Ensure Mỹ dành cho bệnh nhân ung thư; nhưng sữa này giá khá đắt, người thu nhập bình dân khó mà có tiền mua đủ để uống 2 lần mỗi ngày theo khuyến cáo trên hộp sữa.

Nhiều người nghèo nói chuyện với tôi lúc khi ngồi vô thuốc. Có bệnh nhân lấy các loại đậu (đỗ) nhiều màu như đậu xanh, đậu đỏ, đậu trắng, đậu nành, đậu đen, mỗi thứ một muỗng canh, nấu ăn hằng ngày, “cho nó đủ chất”. Ngày nào cũng ăn, chắc chắn sẽ ngán tận cổ; ngán nhưng có ích, cũng phải ráng. Cô gái 25 tuổi cùng bệnh với tôi ở Sóc Trăng tiết lộ, nhờ ăn đều đặn như thế mà cô vẫn giữ sức khỏe, tiếp tục chiến đấu kiên cường với các đợt điều trị hóa chất.

Khi mắc một bệnh cho là nan y, người bệnh cảm thấy tuyệt vọng. Có ai đưa ra cái phao nào, họ đều vội vã chộp lấy, không cần biết, phao đó có cứu sống mình hay làm mình chìm luôn. Các loại thức ăn được người tốt bụng “giới thiệu” với lời “cam kết” như đinh đóng cột, “bà A, ông B nhờ ăn nhiều, ăn hằng ngày, món này, thức ăn này, mà khỏi bệnh. Có khi người bệnh còn nghe câu “tôi từng ăn cái này, cái kia, nhờ thế mà tôi hết bệnh”. Người bệnh luôn dễ tin bởi nghe những lời “tham vấn” chân tình của những người “tin cẩn”, “thân yêu”.

Có thể loại thức ăn này tốt cho người khác nhưng lại không tốt cho ta, nghĩa là, không phù hợp cho từng cơ địa mỗi người và cũng từng loại bệnh đang mắc. Công thức dinh dưỡng cho người này không. thể áp dụng cho người khác; nhưng nếu thấy công thức ăn uống nào phù hợp với truyền thống thì cứ áp dụng, nghĩa là, từ trước đến nay ông bà ta từng dùng đến, và không thấy cơ thể phản ứng với thức ăn đó. Thức ăn nào được cho là “chữa” lành hay hỗ trợ chữa lành bệnh nhưng phản ứng đối với cơ thể mình, tốt nhất là không nên ăn. Và, tôi xin nhắc lại, khi thắc mắc về loại thực phẩm nào muốn ăn, câu trả lời chính là từ bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho người bệnh.

Có xu hướng cho rằng, đối với người ung thư, thịt đỏ như thịt bò, thịt heo, thịt trừu…không tốt bằng thịt “trắng” như thịt gà, thịt vịt, thịt ngan. Tôi lúc chữa bệnh lại nghiêng về cá biển, có thể nói là ăn thường xuyên. Thỉnh thoảng tôi có đi ăn phở bò, hủ tíu heo, lẩu dê…

Cũng có người nghiêng hẳn qua ăn chay; theo suy nghĩ của một số người, ăn chay có thể chữa lành ung thư. Ăn chay đủ chất tôi thấy tốn kém không thua ăn mặn. Tôi chưa gặp tài liệu nào nói ăn chay chữa lành ung thư. Ăn chay sẽ không bị ung thư cũng chưa chắc đúng: tôi có gặp đôi ba ni cô điều trị ung thư trong bệnh viện trong thời gian gần nửa năm đến đó.

Ăn uống đối với một người bệnh rất quan trọng. Họ cần một sức khỏe tốt để chống chọi sức tác động của hóa chất trong thời gian điều trị. Nhưng tôi thấy thế này: ăn thế nào cảm thấy ngon miệng, món nào mình thích là tốt nhất; tuy nhiên, phải bảo đảm cung cấp đủ dinh dưỡng. Ăn cảm thấy ngon đối với một người đang chữa trị ung thư sẽ là yếu tố giúp họ sớm vượt qua cơn bệnh. Và tôi thật may mắn, trừ vài tuần đầu, còn là thời gian về sau, tôi ăn rất ngon miệng, dù các món tôi ăn không có gia vị như tiêu, ớt, hành…Kể cả canh hay cơm, tôi để chúng thật nguội mới dám ăn; ăn nóng không được vì miệng lúc nào cũng rát bỏng, như vừa uống phải nước trà quá nóng.

Có một điều người chữa ung thư hay nghe nói: chớ ăn đường, đường sẽ nuôi lớn tế bào ung thư. Bỏ đói chúng bằng cách không ăn đường, các tế bào sẽ bị tiêu diệt. Tôi thì không tin như thế. Tôi có sử dụng đường khi uống cà phê nhưng là loại đường đen không trắng toát như đường bày bán. Tôi có đọc tài liệu nói chất làm trắng đường có thể tác hại cho cơ thể. Cũng khả tín. Chúng ta từng thấy, một thời gian có loại thuốc sử dụng rất phổ biến; năm mười năm sau, có nghiên cứu phát hiện nó…nguy hiểm, và có lệnh thu hồi thuốc. Hàng triệu người nuốt chúng vô bụng, làm sao đây? Đường trắng và đường đen, tôi chọn loại sau. Bỏ đói tế bào ung thư cho nó chết, tôi thấy ngờ ngợ. Có bao thức ăn khác chứa đường, các loại tinh bột như gạo, bắp. Không ăn gạo thì chịu sao nổi? Tôi thích sử dụng mật ong thay cho đường, thường để pha chanh hay thêm vào cam uống mỗi ngày trước 11 giờ. Mật ong ngày xưa rất quý, thường dành cho vua chúa. Ngày nay, công nghệ nuôi ong phát triển, lấy mật thay đường cũng không quá đắt.

Tuy nhiên, khi tiếp cận các tài liệu nói về ăn uống cho người ung thư, quý vị cần cẩn thận chọn lựa. Những lý thuyết về thức ăn có chứng minh khoa học hay có thể chứng minh phải hiệu quả. Tuyệt đối không nên nghe theo người bày chúng ta sử dụng thứ nào làm thức ăn trước nay chưa ai dùng hay không dám dùng.

Khi ở bệnh viện, tôi từng nghe một bệnh nhân “bày” bí quyết chữa loại ung thư tôi đang mắc bằng huyết con…kỳ đà! Tìm đã khó, tôi làm gì có con kỳ đà để lấy huyết mà uống? Có người còn bảo nuốt mật trăn, tế bào ung thư sẽ bị tiêu diệt. Có người còn bảo uống lá bồ công anh, lá cây lược vàng, hay lá đu đủ để chữa hết ung thư. Có người nghe nghiên cứu nào đó, không nên uống sữa đậu nành; sữa đậu nành nuôi tế bào ung thư. Xin thưa, Nhật Bản là nước sử dụng đậu nành và chế phẩm đậu nành có thể nói nhiều nhất trên thế giới, số người ung thư không ở nhóm cao các nước, tuổi thọ bình quân nước này cao nhất thế giới. Có thể họ ăn nhiều cá biển và nhờ sử dụng nhiều đậu nành?

Nước Việt Nam ta được cho có quá nhiều “thần dược”, nhưng bệnh viện mọc ra không đủ chứa giường bệnh, thiếu cơ ngơi cho bệnh nhân đến khám nhanh chóng. Hãy tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Và có tham khảo thì cũng tham khảo những ai có chuyên môn y tế về loại bệnh chúng ta đang mắc. Tin tưởng tào lao sẽ “tiền mất, tật mang”. Ăn uống “trên trời dưới đất” như thế kia, làm sao mà cơ thể người mình dung nạp cho được? Hãy ăn uống theo hiểu biết tham vấn từ chuyên môn, nhưng nói chung, có bổ dưỡng và lành mạnh là tốt nhất, không “bạ đâu nghe đó” nạp vào cơ thể bất cứ thứ gì.

Người có điều kiện sẽ ăn thêm yến, loại tốt, hoặc uống thêm thực phẩm chức năng, loại dành cho bệnh ung thư, mua trong nước hay của thân nhân từ nước ngoài. Tôi thì không giàu không nghèo. Thời gian chữa bệnh, tôi sử dụng cả thảy 6 hộp sâm Cao Ly gởi mua trực tiếp từ Hàn Quốc. Mỗi hộp khoảng 10 con sâm. Sắc sâm đúng theo hướng dẫn trên hộp, bỏ tủ lạnh uống dần hai ba hôm thì sắc một “con” khác. Loại sâm này chứa trong 1 hộp giấy bạc, bên ngoài là hộp gỗ, ngoài cùng là hộp thiếc, in hình ông tiên và tiểu đồng màu đỏ rất đẹp, rất “cổ kính”. Có lẽ nhờ loại sâm này, da mặt tôi mau đỏ lại sau 1 tuần vô thuốc, và có thể nhờ chúng, tôi ăn ngon miệng và ngủ đẫy giấc sau một tháng “vật vờ” mất ngủ vì người lúc nào cũng như nung nấu bởi lửa.

Theo tôi, nếu có uống thứ gì gọi là “bổ”, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ trực tiếp điều trị cho mình, không tự động ra tiệm thuốc tây, tự mua hay mua theo lời giới thiệu của ai đó “từng kinh nghiệm”. Thời gian điều trị, bất kỳ thứ gì đưa vào cơ thể, gọi là tẩm bổ, cũng cần hỏi ý kiến chuyên môn. Nếu tự tìm hiểu trên mạng nhưng phải chắc chắn đó là nguồn tham khảo chính thống; không phải bạ đâu tham khảo đó, trên mạng hàng ngàn thứ “hỗ trợ” chữa ung thư, người bán không chứng minh họ được phép bán của ngành y tế. Bộ gan “luộc” hóa chất chữa ung thư sẽ không chịu nổi các chất khác nạp vào quá nhiều thứ. Đó là điều bất cứ người bệnh, người nhà, cần lưu ý khi muốn nâng đỡ cơ thể. Trước khi bệnh, tôi thích ăn thịt. Tôi rất ghét ăn cá, chúng hơi tanh nếu chế biến không kỹ. Trong thời gian chữa bệnh, thỉnh thoảng tôi có ăn thịt bò bíp-tết, dù không yêu thích lắm; ăn cho bổ máu (theo lời bác sĩ). Thức ăn của người bệnh như tôi rất đa dạng, nhiều loại rau củ, nhất là rau cải, súp-lơ Đà Lạt (nghe nói tốt cho chữa ung thư) và cá biển nhiều hơn thịt. Tôi nhận các loại cá biển từ người thân ở Đà Nẵng gửi vào, hết thùng này đến thùng khác. Cá dễ tiêu hóa hơn thịt nhưng vẫn bảo đảm lượng đạm gần tương đương.

Khi hóa chất vô thân thể, ngoài các tác dụng phụ tôi nói ở các phần trước, cơ thể chúng ta cần thức ăn dễ tiêu hóa, bảo đảm dinh dưỡng. Trái cây cần ăn thường xuyên mỗi ngày; tôi chuộng nhất mãng cầu Xiêm, nghe nói là diệt tế bào ung thư rất tốt (có thể chưa chứng minh nhưng các loại trái cây thì không có hại gì nếu ăn vừa đủ, đều đặn). Tôi hay dùng cây lô hội, nước rau má, sắn dây (từ miền Bắc ông sui gia gửi vào) để “giải nhiệt” cơ thể.

Tôi hằng ngày vẫn dùng các thứ (đến nay vẫn duy trì): một ly Ensure buổi sáng bụng đói; trong ngày có một quả chuối, một quả cam vào buổi sáng (nếu không cam thì một quả chanh nhỏ), mươi hột đậu phộng tự rang (mua rang sẵn sẽ gặp phải đậu mốc, rất nguy hiểm). Lúc vô thuốc, tôi uống nước mỗi ngày 2,5 lít hơi nhiều hơn trọng lượng lúc chữa bệnh (49 ký lô). bình thường, 10 ký lô trọng lượng cơ thể cần 0,4 lít nước. Nếu ăn canh nhiều, lượng nước có thể giảm tương ứng. Lúc chữa ung thư, luôn luôn chú ý đến nước. Các chai thủy tinh đựng đủ số lượng nước, đặt chỗ nào dễ thấy, để khỏi quên uống đủ mỗi ngày.

Trên mạng có rất nhiều thông tin về các loại thực phẩm, thức uống, thức ăn… “chuyên” chữa ung thư ! Tôi không phải là chuyên gia dinh dưỡng. Tôi tin và sử dụng thứ nào hằng ngày chúng ta có sử dụng trong mỗi bữa ăn. Cũng đừng tin ăn loại trái A, loại rau B, loại củ C… sẽ chữa hết ung thư. Nếu muốn ăn các thứ đó, phải chắc chắn chúng là những thứ chúng ta từng ăn từ nhỏ đến lớn và phải có liều lượng vừa phải. Không cứ trái cây nào, rau củ nào “diệt” tế bào ung thư, người bệnh chăm chú ăn quá nhiều, quá thường xuyên. Tôi xin nhắc lại: bất kể “nạp” cái gì vào cơ thể lúc điều trị, bệnh nhân phải hỏi ý kiến bác sĩ, người trực tiếp điều trị cho mình. Bữa ăn cho người bệnh, tôi nghĩ cần đủ dinh dưỡng, đủ chất, và đa dạng.

Tôi có nghe nói, người ăn gạo lứt muối mè có thể chữa khỏi ung thư. Tôi không phản bác nhưng tôi thì không theo, bởi có thử 1 tuần nhật, và bỏ cuộc: ngán quá, nuốt không nổi. Hơn nữa, bác sĩ trực tiếp chữa tôi có lời khuyên rằng: “Ông già rồi, ông cần ăn đủ chất; ăn gạo lứt muối mè không bảo đảm sức khỏe cho ông. Ông mạnh thì bệnh dễ lui; ông yếu bệnh sẽ giết chết ông”. Từ đó, tôi không theo đuổi phương pháp ăn gạo lứt muối mè nữa. Cũng có một số người tin, cách ăn như thế có thể chữa ung thư. Và, điều thật sự, chưa có chứng minh khoa học nào về vấn đề này, ngoài một số tài liệu trôi nổi.

Tôi có biết phương pháp ăn gạo lứt muối mè Ohsawa Nhật Bản. Cách ăn này không chỉ có 2 thứ muối mè, gạo lứt. Cách chọn thức ăn cũng rất phức tạp; phải phân biệt thức ăn nào âm, thức ăn nào dương; thức ăn dương phải đi kèm thức ăn âm; màu rau trái đỏ (dương) đi kèm màu rau xanh (âm). Nếu ăn theo phương pháp này, người bệnh cần phải ăn cho đúng bài bản, đúng phương pháp chính thống; không thể “nghe nói” tốt lắm là cứ áp dụng, trong khi bệnh nhân ung thư cần duy trì sức khỏe, để chống chọi không những với tế bào ung thư mà còn chống đỡ hóa chất tiêu diệt tế bào ung thư.

Tôi có tìm thấy một tài liệu tiếng Anh (có lẽ nhiều người biết) nói về tác dụng của rau ăn sống. Rau sống tốt hơn rau luộc càng tốt hơn rau nấu canh. Tài liệu cho biết, khi ăn rau sống, 15 phút sau, trong ruột, nhờ phản ứng hóa học, rau tạo ra một loại enzyme có thể tiêu diệt vi trùng, vi khuẩn, cả tế bào ung thư. Nếu đúng như thế, việc ăn rau sống của người Việt rất phổ thông ngày xưa, khi chưa có tâm lý e sợ thuốc bảo vệ thực vật hay hóa chất bảo quản. Có thể nhờ thế mà ông bà chúng ta ít ai bệnh ung thư chăng?

Quảng Nam quê tôi, món rau sống luôn có mặt trong bữa ăn quê thời trước; ngày nay cũng còn nhưng ít được sử dụng thường xuyên vì có thịt cá thay vào. Rau sống ghém: lá cải con, lá hành, lá tỏi, ngò rí, ngò gai, tần ô (cải cúc), giá sống, rau quế, rau húng, củ hành tươi, chuối chát thái mỏng, cà dĩa trắng xắt lát (loại dẹp như cái đĩa, giờ gần mất giống). Dân Quảng ăn món rau “cầu kỳ” như thế nên họ rất nhiệt huyết, khi cần tranh cãi họ ít chịu thua ai chăng? Và cũng nhờ ăn nhiều rau sống ghém, sức khỏe họ rất tốt. Chiến tranh thời kỳ nào, họ cũng tham gia đánh giặc, rất hăng hái.

Nhiều loại rau sống sẽ có nhiều enzyme, tôi nghĩ là rất tốt; ăn mỗi ngày rau sống đâu có hại gì đối với bệnh nhân ung thư. Và, trong thời gian chữa trị, mỗi bữa ăn của tôi đều có món rau sống. “Không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”. Người xưa có nói: đói ăn rau, đau uống thuốc.

Thức ăn cho người già 60 tuổi, lúc tôi mắc bệnh, không thuận lợi như người trẻ, do đó, người nào lớn tuổi, dinh dưỡng cần hết sức chú ý. Ngoài ăn uống đa dạng các thức ăn dễ tiêu hóa, dinh dưỡng, đủ các loại vitamin, tôi còn sử dụng thường xuyên 5 năm sau khi chữa hết bệnh: nước gạo lứt. Cách thức làm nước gạo lứt theo hướng dẫn của giáo sư Lập Thạch Hòa, người Nhật Bản.

Công thức tôi hay làm nước gạo lứt: 1 chén gạo lứt tốt / 8 chén nước. Gạo rang đều lửa trên nồi đất (tốt nhất) hoặc nồi inox, nồi nhôm (nếu không có hai nồi kia); phải là nồi chuyên để rang gạo, không lấy nồi đã qua sử dụng. Ngưng rang khi gạo trở nên màu vàng sẫm, nhưng không để cháy (hãy lưu ý chỗ này). Sau đó, gạo rang sẽ bỏ vào nồi nước (lường đủ 8 chén) đang sôi; để sôi đúng 5 phút, nhấc nồi ra, gạn lấy hết nước cho vào lọ chai (không dùng vật dụng nhựa, nhôm). Bắc một nồi nước với 8 chén nước, nấu sôi; khi sôi mới bỏ chỗ gạo vớt ra lần trước vào; sau đó cũng để đúng 5 phút, nhưng lần này cho lửa nhỏ xuống, không to lửa như lần trước. Sau đó, chắt lấy nước, hòa vào nước gạo nấu lần đầu, ta có một dung dịch nước màu nâu nhạt, hơi đục do lớp lụa nâu ở hạt gạo và hạt gạo mềm ra.

Để nước nguội, chúng ta cho vào tủ lạnh, ngăn mát, không để bên ngoài, nước rất dễ thiu. Quý vị để ý nước nào dễ thiu nước đó dinh dưỡng. Hãy quan sát nước trà thì biết. Chúng rất dễ thiu nếu để lâu. Tôi thì dùng 1 lít mỗi ngày. 16 chén nước (8 chén hai lần nấu) có dung tích chừng 3,5 lít. Uống hết lần này, chế biến lần khác. Ông giáo sư người Nhật kia từng nghiên cứu rất lâu mới tìm ra cách chế biến nước gạo lứt này. Dùng chung với “canh dưỡng sinh”, ông cho rằng nước gạo lứt có thể trị hết ung thư. Bản thân ông tự chữa ung thư cho mình, sau cái chết của cha và anh ông cũng mắc ung thư. Gạo lứt chúng ta thường ăn, bao đời không có hại, nước gạo lứt chế biến như thế, hẳn sẽ chẳng hại gì. Tôi dùng nó suốt thời gian chữa trị ung thư và gần 5 năm sau đó.

Nhưng thưa quý vị, loại bệnh ung thư của tôi có cách điều trị riêng và cách ăn uống của tôi cũng riêng, do đó, không thể lấy cách ấy làm chuẩn cho các bệnh nhân mắc các loại bệnh ung thư khác, trong khi tuổi tác không bằng nhau, cơ địa mỗi người không giống nhau. Tôi kể ra cũng chỉ để tham khảo, nếu thấy phù hợp với những bệnh nhân khác.

Tôi trao đổi để quý vị đang chữa trị, hay có thân nhân ung thư, một kinh nghiệm tham khảo. Điều rất đúng: không có cách ăn uống nào phù hợp cho tất cả mọi người, nhất là những người ung thư. Người bệnh ăn cốt sao cho bổ dưỡng, hợp khẩu vị, nhất là ngon miệng. Ăn ngon miệng, điều đó giúp tôi chóng lành bệnh, như thế, ăn dinh dưỡng nhưng phải ngon miệng: đúng với tôi và có lẽ sẽ đúng với người khác.