Friday, January 26, 2024

‘BÀ KHÔNG CÒN LÀ MẸ TÔI’. NƯỚC MỸ CHIA RẼ SẼ CHIẾN ĐẤU ĐỂ CHỮA LÀNH SAU THỜI ĐẠI TRUMP

Lời người dịch: Trong lúc chúng ta mong ngóng Trump thắng cử thì nhiều người Mỹ đang lo sợ sốt vó  kết quả bầu cử đêm nay.

(‘You are no longer my mother’: A divided America will struggle to heal after Trump era).

Khi một người cả đời ủng hộ Dân chủ Gomez bảo con trai 5 tháng trước, bà sẽ bầu cho Donald Trump làm tổng thống, anh ta cắt đứt bà ra khỏi cuộc sống của mình. Người giúp việc nhà Gomez, 41 tuổi, nói với hãng tin Reuters: “Con trai tôi bảo ‘Bà không còn là mẹ tôi’ bởi bà bầu cho Trump”. Buổi đấu khẩu cuối cùng căng thẳng đến mức bà không biết mẹ con có còn hòa giải, ngay cả khi Trump thất cử nhiệm kỳ 2.

Bà Gomez, rất cuồng Trump trong việc trấn áp bọn nhập cư lậu và cách điều hành kinh tế cho biết: “Thương tổn quá. Trong tâm trí người ta, Trump là quái vật (monster). Thật buồn. Có người không muốn tiếp xúc tôi, tôi không biết sau này thế nào.

Không chỉ trong suy nghĩ bà Gomez,  chia rẽ sâu sắc trong nhà, trong bạn bè, về thời Trump làm tổng thống sẽ rất khó, nếu không nói vô cùng khó, để hàn gắn, ngay cả khi ông rời chức vụ - không biết là khi nào.

Phỏng vấn 10 cử tri – 5 ủng hộ Trump, 5 ủng hộ Biden – ít ai trong số họ có thể thấy mối quan hệ cá nhân đổ vỡ gây ra trong nhiệm kỳ tổng thống Trump có thể chữa lành; hầu hết họ đều nghĩ, mối quan hệ ấy đổ vỡ không biết đến khi nào.

Qua gần 4 năm phá vỡ quy tắc chức vị tổng thống, Trump xới động tình cảm dữ dội giữa người ủng hộ và người chống đối. Nhiều fan ca ngợi cách ông: thay đổi nhập cư, bổ nhiệm các thẩm phán bảo thủ, muốn lật nhào truyền thống, với những giọng điệu cao rao (rhetoric), họ gọi là nói “thẳng ruột ngựa”.

Những người Dân chủ, các nhà chỉ trích khác, thấy cựu thương gia bất động sản phô bày cá tính như là người đe dọa nền dân chủ Mỹ, miệng luôn nói dối, phân biệt chủng tộc, không biết cách khống chế đại dịch giết chết 230.000 người ở Hoa Kỳ cho đến giờ này. Trump bác bỏ những khái niệm ấy, ông gọi đó tin thêu dệt (fake news).

Giờ đây, với thăm dò dư luận Trump lẹt đẹt sau Biden, người ta đang hỏi, liệu những chia rẽ gây ra do một tổng thống “cực đoan” nhất (polarizing) trong lịch sử Mỹ có thể hàn gắn nếu Trump thất cử.

“Thật bất hạnh. Tôi không cho hàn gắn đất nước dễ dàng như thay đổi một tổng thống”. Đó là nhận xét của nhà tâm lý trị liệu Jaime Saal, thuộc Trung tâm Y khoa nghiên cứu hành vi ở Rochester Hills, bang Michigan. Bà nói tiếp: “Cần thời gian, cần công sức, và cần cả hai đảng – tôi nói nghiêm túc – phải sẵn sàng quên quá khứ để tiến về phía trước”.

Saal cho biết, căng thẳng trong các quan hệ cá nhân dâng cao với sự quay cuồng xã hội, chính trị, sức khỏe đang phủ lên nước Mỹ. Bà thấy hầu hết các bệnh nhân bà chữa trị đều có bất đồng chính trị với con cái, cha mẹ, dâu rể, kể cả các đôi sắp cưới nhau.

HÀNG XÓM ĐỐI NGHỊCH HÀNG XÓM

Bầu cử Trump năm 2016 đã chia rẽ gia đình, làm bạn bè xa lánh, biến hàng xóm thành “kẻ thù” của nhau. Nhiều người quay qua dùng Facebook và Twitter để phát đi các bài viết không bị cấm, lên án cả Trump lẫn những ai chỉ trích ông, trong khi các tweets “văng mạng” (freewheeling) của tổng thống cũng gây bão căng thẳng.

Bản báo cáo mới đây của trung tâm nghiên cứu Pew không thuộc đảng nào cho thấy 80% người ủng hộ Trump và Biden cho biết họ có rất ít, hay không có, bạn bè ủng hộ một trong hai người đó.

Một nghiên cứu khác của viện thăm dò Gallup, hôm tháng giêng, năm thứ ba thời Trump là năm kỷ lục về chia rẽ đảng phái (party polarizing). Trong khi 89% người phe cộng hòa chấp nhận thành tựu của Trump năm 2019 thì chỉ có 7% người phe dân chủ cho rằng ông ta làm tốt.

Gayle McCormick, 77 tuổi, phải chia tay chồng ông William, 81 tuổi, sau khi ông bầu cho Trump năm 2016. Bà nói: “Hậu quả (legacy) Trump để lại cần rất nhiều thời gian để hồi phục”. Cả hai vẫn có thời gian cho nhau, mặc dầu bà về ở Vancouver, ông thì ở Alaska. Hai cháu nội không còn chuyện trò với bà vì bà bầu cho Hillary Clinton 4 năm trước đó. Bà cũng bị bạn bè, người thân ủng hộ Trump xa lánh.

Bà không chắc những rạn nứt ấy với bạn bè, với gia đình có hàn gắn được không, bởi vì họ tin người khác theo một chuẩn giá trị hoàn toàn xa lạ với họ. Cử tri dân chủ Rosana Guadagno, 49 tuổi, cho biết anh trai “từ” (disown) bà sau khi không thuyết phục được bà ủng hộ Trump 4 năm trước. Năm ngoái, mẹ bà đột quỵ nhưng anh bà – sống cùng phố với mẹ - không cho bà hay khi mẹ qua đời 6 tháng sau đó. Bà chỉ biết tin mẹ chất 3 ngày sau nhờ email của chị dâu.

Guadagno, nhà tâm lý học quần chúng, công tác tại viện đại học Stanford than thở: “Tôi bị gạt ra khỏi mọi thứ liên quan đến cái chết của mẹ. Điều đó quá đau đớn”.

Dù ai thắng cử kỳ này, bà Guadagno cũng bi quan, không biết có làm hòa được với anh trai dù bà vẫn còn thương yêu anh mình.

MỘT THẾ GIỚI BẤT ỔN HẬU TRUMP

Sara Guth, 39 tuổi, một thông dịch viên tiếng Tây Ban Nha ở Denver Colorado, cho biết bà cắt đứt quan hệ với một số người ủng hộ Trump. Bà không thể hòa mình với người ủng hộ các vấn đề chia cắt con cái khỏi cha mẹ người nhập cư ở biên giới, hay vấn đề Trump bị quay phim đang khoe khoang đã mò mẫm phụ nữ.

Guth và người cha ủng hộ Trump không nói chuyện với nhau vài tháng sau bầu cử 2016. Giờ hai cha con nói chuyện lại nhưng luôn tránh vấn đề chính trị. Guth nói, một số bạn không chấp nhận bà ủng hộ người chủ trương cho lựa chọn phá thai – Joe Biden.

“Chúng tôi không đồng ý với nhau về những vấn đề căn bản như thế. Điều đó chứng tỏ chúng tôi chẳng có gì cùng quan tâm cả. Tôi không tin điều đó sẽ thay đổi trong thời kỳ sau Trump.

Một người cuồng Trump (fervent), Dave Wallace, 65 tuổi, giám đốc buôn bán ngành dầu mỏ về hưu, ở Pennsylvania thì lạc quan hơn về các gia đình “xào xáo” (feuding) trong thế giới sau Trump.

Wallace cho biết việc ông ủng hộ Trump gây ra căng thẳng giữa mình với con trai và con dâu. “Thù hằn đối với Trump trong các người thuộc phe dân chủ thật lạ lùng đối với tôi”. Wallace nói tiếp: “Tôi nghĩ chỉ vì Trump, cái cách ông ta làm người ta có cảm giác đó. Tôi vững tin sự lo âu sẽ giảm đi khi chúng ta trở lại với một nhà chính trị không chọc giận mọi người”.

Giáo sư tâm lý và thần kinh học, đại học New York, ông  Van Bavel phát biểu: “chủ nghĩa bè phái chính trị (political sectarianism)”  không những thuộc đoàn nhóm mà còn là vấn đề đạo đức.

“Bởi vì Trump là một trong những nhân vật gây phân cực nhất trong lịch sử Hoa Kỳ quanh các vấn đề và giá trị cốt lõi, nên người ta không sẵn sàng dung nạp nhau, và đó là cái quý vị không thể làm chúng mất đi”, lời của Van Bavel.

Một người pha rượu ở Bắc Carolina, chị Jacquelyn Hammond, 47 tuổi, không còn chuyện vãn nữa với mẹ mình, bà Carol; khi luôn ủng hộ Trump, bà lại khiến chị càng không muốn nối lại quan hệ mẹ con. Chị nói chị muốn làm hòa với mẹ nhưng vẫn tin là khó, ngay cả khi Trump thất cử.

“Trump y như là nguyên nhân gây ra động đất, chia ra 2 đại lục tư tưởng. Trái đất nứt đôi, làm sao mà nối lại. Đây là thời khắc lịch sử, mọi người buộc phải nhảy từ bên này sang bên kia. Và dựa vào chọn lựa nào, chọn lựa ấy sẽ là hướng đi còn lại cho cuộc đời mình”.

Hammond nói, chị đầu tiên nhận ra quan hệ với mẹ gặp rắc rối ngay sau cuộc bầu cử 2016 khi chị vừa bênh vực Clinton vừa lái xe chở mẹ. “Bảo tôi dừng xe, mẹ nói tôi không tôn trọng quan điểm chính trị của mẹ. Và nếu không tôn trọng bà, tôi có thể ra khỏi xe”.

Bonnie Coughlin, 65 tuổi, cả đời bầu cho đảng Cộng hòa, ngoại trừ năm 2016, bà bầu cho một ứng viên đảng thứ ba. Lần này, bà hoàn toàn ủng hộ Biden, ngay trong buổi tụ tập nhỏ người ủng hộ bên xa lộ gần Gilbertsville, Pennsylvania.

Bà cho biết, lớn lên trong một gia đình bảo thủ tôn giáo thuộc đảng cộng hòa, quan hệ của bà với chị em, với cha mẹ, và với họ hàng – toàn những người “cuồng” (ardent) Trump – đã trở nên căng thẳng.

Coughlin nói bà vẫn yêu thương họ, nhưng “tôi nhìn họ khác đi. Bởi vì họ muốn "ủ ấp" (embrace) một con người không có trái tim (so heartless), không thấu hiểu (no empathy) bất cứ ai gặp bất cứ hoàn cảnh nào”.

Bà nói thêm: “Nếu Biden thắng cử, tôi không nghĩ họ sẽ ra khỏi nhà đêm công bố kết quả một cách yên lành, và chấp nhận”

 REUTERS, ngày 2 tháng 11 năm 2020. Bài của ba người: Tim Reid, Gabriella Borter và Michael Martina.

Thursday, January 25, 2024

YÊU-GHÉT

Kết quả bầu cử Mỹ 2020 thu hút chú ý của cả thế giới, nhất là ở Việt Nam; người ta háo hức chờ đón vinh quang một lần nữa sẽ đến với thần tượng Donald Trump.

Theo các dự báo thăm dò cử tri, đối thủ Biden của tổng thống luôn luôn dẫn trước, không khác chi 4 năm trước, Hillary Clinton cũng dẫn trước Trump, và kết quả “dẫn trước” đồng nghĩa với “thua trước”. Mọi người nghĩ, thăm dò dư luận lần này cũng “thổ tả” không thua lần trước. Trump sẽ chiến thắng.

Không nói ra lý do ai thắng ai thua (nguy hiểm lắm!) nhưng tôi nhận định: Cử tri Mỹ đi bầu lần này đông chưa từng có trong 100 năm nay, điều ấy nói lên một trong hai:

1- Họ cầm lá phiếu để bảo vệ Donald Trump trước sức tấn công về pháp lý, về truyền thông dai dẳng và dữ dội, của phe đối thủ trong 4 năm cầm quyền.

2- Họ dùng lá phiếu để “hạ bệ” tổng thống, chứ không phải để “bầu” cho Biden.

Điều tôi muốn nói ở đây không phải là bầu cử Mỹ và tác động của nó. Tôi muốn nói sự quan tâm của người Việt Nam (trong nước) trước môt sự kiện đầy kịch tính, hấp dẫn còn hơn đại hội đảng 5 năm một lần bầu tổng bí thư.

Sự kiện bầu cử Mỹ thu hút quan tâm dư luận vì sao?

- Bầu bán hấp dẫn: các ứng viên trong đảng (cộng hòa, dân chủ) đua tranh vận động để được đảng mình đề cử. Sau đó, người được đề cử hai đảng đua tranh một lần nữa, lần này rất “khốc liệt”.

- “Lý lịch” ba đời, ý lộn, lý lịch bản thân ứng viên tổng thống bị đối phương săm soi từng chân tơ kẽ tóc. Người dân chỉ cần nghe họ “tố” lẫn nhau để nhận định ông nào sạch, ông nào lươm lươm. Bản thân sạch nhưng con cái cũng phải sạch, lèm nhèm sẽ làm hại cha (mẹ) mình. Được cái, có vấn đề “dư luận quần chúng” trước bầu cử đều do tòa án quyết định, không phải “có dư luận” thì…xếp hồ sơ ứng viên qua một bên, chờ khóa khác.

- Các cuộc vận động tranh cử diễn ra không thua ngày hội. Khắp nước Mỹ như bị lôi kéo vào sinh hoạt của ứng viên hai bên.

- Các vị tổng thống do dân bầu mà nắm quyền, không cần cơ cấu, quy hoạch, học qua các lớp chính trị, trui rèn từ cơ sở, lý lịch phải ngời ngời sáng. Mấy trăm triệu người toàn nước Mỹ, thuộc đa số, chọn mặt gửi vàng chứ không phải vài triệu người, thiểu số, quyết định tương lai đất nước.

- Có thể thay đổi chọn lựa tổng thống sau 4 năm, không có chuyện để ổng phục vụ mãn đời, dù chả làm nên cơm cháo.

Người Việt quan tâm bầu cử Mỹ lần này vì điều tôi nói (còn nữa, nhiều người thấy hơn tôi) một phần nhưng phần quan trọng đó là lo lắng cho số phận anh chàng cao bồi tóc vàng, 4 năm “quậy tưng” nước Mỹ và “làm rung rinh” Vạn Lý Trường Thành.

Yêu mến Donald Trump hơn bất kỳ tổng thống Mỹ nào khác trước đây. Bởi ông “nói là làm”, nói dội bom Syria là dội bom Syria; nói Kim Jong-un câm mồm đi đừng hù, họ Kim xuống nước ngay. Nói đánh thuế Tàu là đánh lập tức. Khi Obama làm tổng thống, TQ ngang nhiên bồi đắp đảo nhân tạo; trong khi thời Trump, lưu thông hàng không, hàng hải ở Biển Đông nhiều gấp mấy thời tổng thống dân chủ. Mạnh mẽ lên tiếng tố cáo Bắc Kinh bắt nạt các nước nhỏ trên biển…Ghét Tập, yêu Trump đó là lẽ đương nhiên trong tâm tình của mọi người Việt nam.

Thần tượng Donald Trump, đảng cộng hòa hết mình thì OK, nhưng thần tượng đến nỗi coi Biden, coi đảng dân chủ không khác “kẻ thù” cản bước người hùng tóc vàng, một số người Việt chúng ta có nên tự vấn lấy mình - thói quen hình thành từ lối giáo dục trong chiến tranh - ta sống thì "địch" phải chết, ta tốt, địch xấu, ta nhân đạo ăn cơm địch dã man ăn thịt người…

Chúng ta nên hiểu, 2 đảng luôn chống đối nhau nhưng thay phiên nhau cử người ra lãnh đạo một đất nước tiến bộ hàng đầu thế giới, một điều “khó hiểu”, chưa hề xảy ra ngay trên đất nước VN hàng nửa thế kỷ nay.

Có người quá khích gọi Barack Obama là…thằng mọi đen. Gọi như thế, người đó xem thường nhân dân Mỹ đã bầu ông ta làm tổng thống tới hai nhiệm kỳ.

Người ta bảo Trump cực kỳ mạnh mẽ, ra lệnh tiêu diệt trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi trong nháy mắt. Obama kém ông Trump ư? Chiến dịch tiêu diệt Bin Laden chuẩn bị thế nào, dàn dựng làm sao, chớp nhoáng trong mấy tiếng, trùm khủng bố đền tội ngay lập tức. Thay vì đánh cho trùm khủng bố tan xương nát thịt, Obama cho mang thi thể đem chôn bằng nghi thức Hồi Giáo kẻ thù giết mấy ngàn dân Mỹ vô tội. Cộng hòa chống khủng bố, dân chủ không chống hay sao?

Cách làm khác nhau nhưng cộng hòa hay dân chủ cũng đều có mục đích chung: nước Mỹ trên hết. America First.

Quan tâm của người VN với đất nước Mỹ qua bầu cử lần này là tín hiệu vô cùng quan trọng và hy vọng. Một chỉ dấu cho thấy: người Việt khát vọng tự do, người Việt khát vọng dân chủ, người Việt khát vọng minh bạch, người Việt mong ước người lãnh đạo đất nước phải được bầu lên trực tiếp bằng lá phiếu.

Nhìn về nước Mỹ, hồi hộp theo dõi, không chỉ trong dân chúng, ngay trong giới “trí thức” chế độ, kết quả bầu cử, mong muốn một người hùng của mình thêm 4 năm tại vị, để hoàn thành sứ mạng dở dang, và trong sâu thẳm của trái tim người Việt, có gởi gắm kín đáo hy vọng về một sự đổi thay, để cái ác, cái dữ, không còn lảng vảng ở biên giới, ở biển Đông. Đó là hy vọng chính đáng.

Và cũng đừng quá yêu ai mà ghét kẻ không yêu người mình yêu. Dân chủ, cộng hòa, báo CNN (chống Trump), báo Fox News (theo Trump) cũng là bộ phận cấu tạo nền dân chủ Mỹ, một nền dân chủ thu hút người Việt, bởi những giá trị “mâu thuẫn”, lạ đời: thuận - chống; ghét – yêu; hoan hô- đả đảo.

Câu ca dao VN tổng kết khá hay nhưng không nên áp dụng trong thời đại ngày nay: Yêu người yêu cả lối đi/ Ghét người ghét cả tông ty họ hàng.

TÀI LIỆU GIẢI MẬT MỸ CÔNG BỐ NGÀY 1 THÁNG 11 NĂM 2020

Một trang sử đau buồn của VNCH; có thể là một nhắc nhở lịch sử, người Việt hãy hiểu rằng, chỉ có người Việt mới có thể yêu thương người Việt, chứ không phải đồng minh, dù đó là một đồng minh thân thiết (tôi xin trích dịch vài đoạn).

Tổng thống Ngô Đình Diệm trong một nhà thờ.

Góc khuất có thêm ánh sáng: Bằng chứng đảo chính Diệm ở Nam Việt Nam, tháng 11 năm 1963.

(New Light in a Dark Corner: Evidence on the Diem Coup in South Vietnam, November 1963).

Tổng thống John F. Kennedy quyết định ủng hộ loại bỏ tổng thống Nam Việt Nam Ngô Đình Diệm cuối năm 1963 nhiều hơn các tài liệu từng cho thấy trước đây, dựa theo một cuộn băng và bản ghi chép của Tòa Bạch Ốc công bố mới đây. Việc loại bỏ ông Diệm bằng một cuộc đảo chánh quân sự tạo tác động to lớn đối với chủ trương của người Mỹ và sự can thiệp ngày càng tăng vào quốc gia này, 57 năm trước đây. Ngay bây giờ, quan điểm về Kennedy và các cộng sự chóp bu trong công tác tham mưu đảo chính vẫn bị che khuất bởi tài liệu lưu trữ không đầy đủ, từng dẫn dắt các học giả chỉ chú trọng đến thái độ, vai trò, của các cấp dưới quyền (tổng thống -ND). Ngày nay, bộ phận Lưu trữ an ninh quốc gia (National Security Archive) đang đăng tải lần đầu tiên các nguồn tư liệu, lấy từ phòng lưu trữ Mỹ-Việt, mở ra cái nhìn rộng hơn một biến cố bước ngoặt quan trọng này (pivotal event).

CHUYỆN NHÀ

- Sao lúc này, ông buồn quá vậy. Thất tình bà nào à?

- Không, thất cử.

- Ủa, thất cử là sao, tui không hiểu.

- Bà ngu quá. Trump thất cử.

- Trùm, trùm nào? Ông Trùm Tân ứng cử hội đồng giáo xứ à?

- Không. Trump. Donald Trump, Tổng thống Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ sắp rời Nhà Trắng. Cả thế giới đau buồn. VN đau buồn. Không chỉ mỗi mình tôi.

- Buồn thì buồn, ông phải về nhà đúng bữa, để ăn cơm, cho khỏi mất sức khỏe chớ. Ông lại hút thuốc nhiều hơn mọi khi, cầm điện thoại, ông thở dài thườn thượt. Thất cử, đắc cử, kệ ổng. Ông buồn làm chi?

- Đàn bà, đái không qua ngọn cỏ. Bà không biết Donald Trump, không những làm nước Mỹ mạnh lên, mà còn làm TQ yếu xuống. Ổng đánh thuế cao làm thằng Tàu lính quýnh. CS Tàu mà sụm bà chè, nước mình mới khỏi lo bị mất biển, mất đảo. Ổng thất cử là mất mát vô cùng to lớn không những cho nước Mỹ mà cả thế giới, trong đó có chúng ta. Thằng Bay-đần kia mà đắc cử, thì thế giới sẽ bị Tàu + mua chuộc tất cả.

Tôi buồn là buồn cho đất nước, cho thế giới. Bà nên lên mạng mà xem. Ai ai cũng yêu quý Donald Trump, đâu phải mình tôi.

- Sao ông biết Bay-đần theo cộng sản?

-Nghe phe ủng hộ anh hùng Trump họ đồn như thế.

- Tin đồn là fake news. Trump ghét fake news kia mà.

-Ổng ghét, tôi ghét. Ổng yêu tôi yêu. Bà chớ nhiều lời.

- À, mà...mình ơi, em không dám chọc giận mình nữa. Nghĩ cũng tội nghiệp ông Trump. Phải chi ổng sinh ra ở Tàu, người bản lĩnh, thiên tài, vĩ đại như thế đâu có bị mấy thằng chi mình nói là "thổ tả" đó gian lận phiếu bầu, làm ổng thất cử.

-A, bà thông minh đột xuất. Tôi nghĩ bà không còn đái dưới ngọn cỏ nữa, cầu Golden Gate bên Mỹ cũng không ăn thua.

Nếu ổng như Tập Cận Bình, chỉ cần bảo em út sửa lại hiến pháp Mỹ: nhiệm kỳ tổng thống mãn đời. Bầu bán chi cho khổ,  lại cãi vả lôi thôi, thế giới nó cười cho nước Mỹ. Và tổng thống cũng chẳng tốn tiền thưa lên tòa nay mai.

Bia đâu, bà mang ra mấy lon. Cả mấy ngày theo dõi kết quả bầu cử, lòng dạ đâu mà uống nổi bia cơ chứ khi thằng già Bay-đần kia ngày càng thắng phiếu.

Donald Trump ơi, ngài sinh nhầm thế kỷ, à mà không, ngài sinh nhầm nước  Mỹ.

BẦU CỬ MỸ: 2020

Xét mức độ dân chủ Mỹ, chỉ cần nhìn vào bầu cử Mỹ.

Không may cho Donald Trump đến giờ này tổng thống vẫn bị Joe Biden  dẫn đầu trong các cuộc kiểm phiếu ở những bang quyết định. Chỉ cần thắng ở Pennsylvania, Biden (đang ưu thế) cầm chắc chiếc vé bước vào tòa Bạch Ốc (270 phiếu đại cử tri).

Rắc rối nảy sinh: Trump cáo buộc bầu cử gian lận.

Không tính chuyện bốc đồng tuyên bố thắng cử khi chưa kiểm xong phiếu, Trump đã thách thức nền dân chủ Mỹ: chưa bao giờ, theo chỗ tôi biết, một ứng viên tổng thống nào kết án bầu cử Mỹ xấu xa như thế. Các đảng viên cộng hòa, một số không hài lòng với tuyên bố đó.

Có các giả định, nếu:

- Trump đúng. Đảng dân chủ Mỹ xấu xa. Nhờ gian lận, ứng viên của họ mới nhiều phiếu. Đây sẽ là lần kết thúc sự nghiệp đảng dân chủ, không bao giờ người ta sẽ bầu ứng viên của họ nữa. Và, suy diễn thêm, ứng viên tổng thống dân chủ trước đây đắc cử có nhờ gian lận không? Hay là chỉ lúc cạnh tranh với Trump họ mới gian lận?  Nhưng chúng ta nên biết, ủy ban bầu cử Mỹ rất độc lập, ai dính dáng gian lận sẽ ở tù như chơi, không phải rút kinh nghiệm là xong.

- Trump sai: Một tổng thống được ngưỡng mộ của cả thế giới mà tuyên bố bộp chộp, hỗ lốn, hồ đồ như vậy được sao?

Trump đúng hay Trump sai, nền dân chủ Mỹ người ta "tưởng" không còn như trước nữa: Nước Mỹ dân chủ gì mà như "nồi canh hẹ".

Xem Trung Quốc kìa, 1,44 tỷ dân, trật tự, ổn định vô ngần. Tổng thống nước Tàu chỉ cần búng 1 ngón tay, hiến pháp đổi tức thì,  ông ta lãnh đạo mãn đời, lãnh đạo mệt nghỉ, khi nào vui thì giao cho thằng nào mình thích, kế thừa vĩnh viễn.

Trump đem lại hơi thở mới cho dân chủ mới, hay chia rẽ mới, cho nước Mỹ, cử tri Mỹ đang quyết định chứ không phải tòa án tối cao liên bang, như một số người Việt Nam yêu quý Trump hy vọng đem lại công bằng cho TT. Vả lại, thẩm phán liên bang làm việc mãn đời, họ không tuân theo "chỉ đạo" của tổng thống, dù mới đây Trump bổ nhiệm 3 người có khuynh hướng bảo thủ (conservative). Ngả về Trump lần này khi chưa nắm chắc chứng cứ gian lận, 1 tổng thống Mỹ dân chủ lên thì sao?

Nếu không chứng minh được bầu cử gian lận, thì 1000 thẩm phán cũng không dám phủ nhận kết quả Biden đạt (giả sử) trên 270 phiếu đại cử tri; lèo tèo 8,9 mạng ăn gan cọp cũng chả dám công nhận Trump thắng cử khi phiếu thấp hơn đối phương.

Nếu chứng minh được bầu cử gian lận  thì Mỹ nên giật đổ tượng Nữ thần tự do, niềm hãnh diện cho nước Mỹ, đối với thế giới hàng mấy trăm năm nay. Và thế giới chẳng nên hướng nữa về Mỹ; thế giới hãy hướng về Bắc Kinh, nơi đồng chí Tập Cận Bình đang rung đùi cười mũi, mỉa mai: Mỹ đó, nước dân chủ nhất thế giới đó, bầu cử tổng thống hỗn loạn.

Tôi, tôi lại không tin nền dân chủ Mỹ  lại rối tung như thế.

Trump là con người mạnh mẽ, tài năng, đầy tham vọng. Biden không sánh được. Những hành động "phá giới" khiến mọi người Mỹ  cảm thấy tự do hơn, do đó, ái mộ Trump nhiều hơn: một tổng thống chịu chơi.

Tại sao trước nay mọi người đều "tuần tự nhi tiến" theo khuôn mẫu vạch sẵn, dù đó là khuôn mẫu Mỹ kéo dài mấy trăm năm. Không ai được phép bước ra ngoài. Nay, có kẻ bứt phá, ai mà không ngưỡng mộ. TT Bill Clinton tằng tịu với Monica Lewinsky mà vẫn tái cử tổng thống vì bầu tổng thống chứ có bầu đức giáo hoàng đâu (lời biện hộ của vợ, Hillary Clinton). Trump khoe khoang từng mò mẫm phụ nữ, có tới 3 lần vợ, cũng đắc cử tổng thống. Khuôn mẫu chính trị truyền thống  của Mỹ khá khắt khe: Gary Hart mất cơ hội ứng cử tổng thống vì  một bức hình ông ta ôm một phụ nữ không phải là vợ trên bãi biển do một phóng viên "thổ tả" nào đó ác nhơn trưng ra.

Cá tính của Trump thu hút người khác hết sức mãnh liệt. So với tài thu hút, Hitler thua xa Trump. Khổ nỗi, Trump không ở Đức thời phát xít. Ông sinh ra và lớn lên ở một nước Mỹ dân chủ, mọi người" được tự do, nhưng tự do đó không ảnh hưởng tự do của người khác" (Abraham Lincoln).

Người Mỹ chán ngấy truyền thống, một số người  muốn phá vỡ nó, Trump xuất hiện đúng lúc và may mắn đắc cử nhờ phiếu đại cử tri. Đối thủ của ông nhiều hơn mấy triệu phiếu phổ thông.

Nhưng ông cũng không dễ dàng đấu trí với sức mạnh khác chi phối nước Mỹ: truyền thông. Ông phẫn nộ bằng cách chửi họ là fake news, một điều chưa tổng thống nào dám. Trước thế lực đối chọi vừa đảng dân chủ, vừa báo chí, Trump phải đối phó, sống còn và khổ ải,  dù là cương vị tổng thống. Tôi nghĩ Trump xuất hiện để đánh thức nước Mỹ: hãy bứt phá. Nếu không, một đế chế khác đang lên, đang đe dọa vị trí hàng đầu nước Mỹ.

Nhưng cách thức Trump đối phó chưa ép phê trước đe dọa đang trỗi dậy (TQ) và họa vô đơn chí, cái này nặng nhất, cách xử lý lúng túng vi rút Corona, bí ẩn rời Vũ Hán tấn công khắp thế giới, về kinh tế và nhân mạng, nặng nhất lại là Mỹ, hai cái khiến cho con đường tái đắc cử tổng thống vô vàn gian khổ. Đây là lý do cử tri Mỹ đi bầu đông chưa từng có trong 120 năm nay để: hoặc bảo vệ Trump, hoặc truất phế Trump bằng cách bầu cho Biden. Đó cũng là lý do bang cứ điểm, có truyền thống bầu cho cộng hòa, nay quay qua bầu cho dân chủ. Ta thấy nhiều bang đỏ lúc đầu, chuyển xanh về sau (phiếu qua thư đa phần bầu cho Biden vì sợ covid).

Đối diện với nguy cơ mất chức tổng thống, một chức vị vì danh dự, vì đam mê, không phải vì vật chất (ông không lĩnh lương), Trump rất sốc, nhìn gương mặt tổng thống dạo gần đây thì thấy rõ.

Chỉ có gian lận bầu cử, ứng viên già hơn, "lẩm cẩm" hơn mới thắng, đó là suy nghĩ của Trump. (Đặc tính khác thường của dân chủ Mỹ: gian lận bầu cử chưa từng xảy ra và không hề đến từ kẻ đang cầm quyền như 1 số nước kém dân chủ)

Tôi tin nước Mỹ sẽ trở lại bình thường một thời gian không xa. Nỗi nhục nhã mất chức tổng thống của Trump sẽ không bằng nỗi nhục nhã mất đi danh tiếng nền dân chủ nước Mỹ, xây dựng mấy trăm năm nay vì: gian lận bầu cử.

Cá nhân tôi, tôi thấy Trump nên là tổng thống nước Mỹ nếu chỉ dựa vào khí chất, Trump có khí chất dũng mãnh, tương thích với một đất nước hùng mạnh. Không như Obama quá hiền, bị Tàu ăn hiếp quá dữ

Nhưng nếu Trump mạnh mà nước Mỹ yếu, thì sẽ thế nào đây? Điều đó sẽ không thể xảy ra. Mỹ "yếu" vì đã gian lận bầu cử ư?

Có thể bây giờ Trump chưa quen với "cú sốc mất chức" tổng thống, nhưng nhờ những đảng viên cộng hòa tỉnh táo, các cộng sự thông thái (đầy rẫy ở nước Mỹ), ông sẽ chấp nhận thua cuộc, dù chắc chắn phải thưa kiện tới nơi, cho thỏa lòng ấm ức.

Và nếu tòa án tối cao liên bang kết luận có bầu cử gian lận, Trump ít phiếu thắng Biden nhiều phiếu, thì tốt hơn, thế giới nên tôn vinh Tập Cận Bình và mô hình nhà nước toàn trị cộng sản TQ, tất cả phải học tập và làm theo, để xã hội luôn luôn ổn định chính trị, không nên bắt chước mô hình nhà nước Mỹ, lộn xộn quá thể, cứ 4 năm lại "lộn xộn" một lần, chả khi nào...ổn định nhưng nước Mỹ vẫn tiến bước, dẫn đầu thế giới.

Điều đó, tôi tin sẽ không bao giờ  xảy ra: tòa liên bang sẽ không đi ngược ý muốn cử tri. Điều sẽ xảy ra: Trump vì nước Mỹ, vì bản thân, gọi điện chúc mừng Biden, và nếu ông muốn phục vụ tiếp, chạy đua thêm 1 lần vào Nhà Trắng năm 2024, tuổi vẫn trẻ hơn Biden bây giờ, như gợi ý của vài trợ lý tài ba bên ông.

Nếu chấp nhận thua cuộc để nước Mỹ ổn định, xem 4 năm  Biden "ngủ gục" có làm nên cơm cháo gì không, rồi hẳn chạy đua vào Nhà Trắng, lúc đó ai  mà địch nổi Trump? Mỹ chọn lãnh đạo cứ 4 năm 1 lần mà. Tập Cận Bình vẫn còn đó, muốn "so kiếm" tiếp, có muộn gì đâu?

Ở SAO CHO VỪA LÒNG NGƯỜI

Yêu ghét là thuộc tính con người? Nhân chi sơ tính bổn thiện. Tính tương cận tập tương viễn. (Người sinh ra vốn tốt. Tính giống nhau, khác nhau do hoàn cảnh). Nếu nhìn lịch sử VN, yêu ghét đúng là do hoàn cảnh.

Trước 1975 ở miền Nam, thời đệ nhất cộng hòa, nhiều người không bằng lòng chế độ “gia đình trị” của tổng thống Ngô Đình Diệm. Nhà văn, nhà cách mạng Nguyễn Tường Tam chọn lấy cái chết để phản đối sự “chuyên chế” của chính quyền Sài Gòn. Tổng thống bị lật đổ, chết thảm thê cùng người em cố vấn, tay bị trói trong chiếc xe tăng chật chội. Khí thế quần chúng dâng cao, ngày “cách mạng” 1 tháng 11 năm 1963 trở thành ngày quốc khánh VNCH. Không lâu sau thành lập nền đệ nhị cộng hòa, tổng thống là Nguyễn Văn Thiệu, dư luận chửi bới anh em Ngô Đình Diệm, hạ nhục, vu vạ bà cố vấn xinh đẹp Trần Lệ Xuân dần dần dịu xuống, ôn hòa hơn, và có vẻ thương tiếc hơn “nhà Ngô”.

Trước đó, chưa tới 2 năm 1963 đến 1965, các tướng lĩnh, trong Hội đồng quân nhân cách mạng, thay nhau làm đảo chánh. Chính quyền quân đội, dân sự, thay như thay áo. Dân chúng Sài Gòn quay ra chê bai đám tướng lĩnh, từng là anh hùng của họ sau 1.11.1963. Nỗi tiếc nuối nền đệ nhất cộng hòa kéo dài cho đến ngày hôm nay.

Yêu, ghét rồi ghét, yêu, không khác chi nước với lửa, mặt trời với mặt trăng. Hậu quả là gì? Lộn xộn dẫn đến sụp đổ VNCH. Kẻ đảo chánh, kẻ chống đảo chánh, “con” và “pro”, hình thành “hai phe”. Phe A trước kia “chính nghĩa”, chưa tới 10 năm sau trở thành “bất nghĩa”. Nhìn đám tướng lĩnh chủ chốt trong cuộc đảo chánh 1.11.1963 không thấy vị nào “ra hồn” cả dù huân huy chương đầy người.

Sau 1975, cả nước hồ hởi không lâu nhờ thống nhất, chấm dứt chiến tranh, thì phải lao vào cuộc cách mạng long trời lở đất khác , "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên “chủ nghĩa xã hội”. Ở thành phố, tư sản bị đập tan tành, không ngóc đầu nổi. Cán bộ, viên chức VNCH khổ ải trong các trại cải tạo. Ở nông thôn, tất cả đều “tiến lên” hợp tác xã nông nghiệp. Nền kinh tế bị què quặt, cái đói đến từng nhà, cả cán bộ lẫn người dân, cả nông thôn lẫn thành thị. Hồi đó: “Bắt ở trần, phải ở trần. Cho may ô mới được phần may ô” (áo lót nam). Người nào “chống lại” hình thái kinh tế mới, “tiên tiến” ấy sẽ bị kết tội là phản động.

Không đầy 10 năm sau 1975, cả nước “đói sảng”, phe XHCN sụm bà chè gần hết, VN mới chuyển qua cái hình thái kinh tế “phản nhân loại”, là “tư bản chủ nghĩa giãy chết”. “Bọn” tư sản mới nổi trở thành “những nhà yêu nước”, cất cái tên “phản động” vào túi, nhờ đóng góp của họ vào mức sống nâng cao của người dân. "Bọn Việt gian” bán nước vượt biên không bao lâu trở thành “Việt kiều yêu nước". Ôi thôi, rối rắm kinh hè. Bọn xấu A nay thành người tốt B. Người tốt B trở thành người xấu A. Bên nào đúng đây, thưa ông trời đa đoan.

Yêu, ghét "theo vận nước nổi trôi" (Phạm Duy) và tôi thấy yêu ghét cũng có "đoàn thể" hẳn hoi, chúng là “tập tính”, chứ không phải “thuộc tính”. Thuộc tính là “nhân chi sơ tính bổn thiện”.

Nói gần, nói xa, không qua nói thật. Cuộc bầu cử Mỹ là một ví dụ ràng ràng nhất cho tính yêu ghét của người Việt. Thương trái ấu cũng tròn, ghét trái bòn hòn cũng méo. Donald Trump là thần tượng của đa số người VN, kể cả người Việt ở nước ngoài. Đảng cộng hòa “năm bờ oanh” (Number one, số một). Joe Biden “xấu xa”, “ngủ gục”. Đảng dân chủ “thổ tả” “năm bờ then” (Number ten, số 10 có nghĩa “bù”, bài cào: rất xấu), đảng “thổ tả” (nguyên chữ này có nghĩa là ỉa mửa?). Nhưng ít bữa nữa, biết đâu đảng dân chủ uống thuốc đau bụng, hết "ỉa mửa", Biden chữa hết chứng "ngủ gục" (ai mà biết hết chuyện tương lai), lúc đấy có người quay ra chửi...chú cộng hòa "thổ tả" hay sao?

Vừa rồi, dù gặp rắc rối vụ bầu cử Mỹ, không biết thắng thua, Donald Trump cũng giơ cao búa, đánh thêm một nhát khá mạnh vào thói ngạo mạn, tính gian dối, của thằng “bành trướng”. Tôi dù không thích tính khí bốc đồng của một tổng thống cũng cảm thấy “khoái chá” (khoái trá) cực kỳ. Nhưng, nghĩ lại cũng khó. Yêu nên tốt, ghét nên xấu. Tôi, trước có mong ước làm “dịu đi” nồi nước sôi cuồng nhiệt yêu nước của một số người, đổ ào ạt vào một anh chàng tóc vàng ngoại quốc, cũng hứng chịu gạch đá, chất vài xe.

Yêu, ghét - tôi rút ra kinh nghiệm - chỉ đúng trong giai đoạn, không mãi mãi. Căm ghét đế quốc Mỹ mà mãi mãi, lấy đâu người để ủng hộ Donald Trump? “Yêu biết mấy” (*) anh bạn vàng mãi mãi thì lấy đâu người chống ổng ở biên giới, ở biển Đông?

Viết tới đây, chợt nhớ bài thơ học thuộc lòng hồi đệ lục (lớp 7) của Nguyễn Công Trứ(?), chẳng có gì là “văn học” nhưng rất là “thời sự”:

“Ở sao cho vừa lòng người

Ở rộng người cười, ở hẹp người chê

Cao chê ngỏng, thấp chê lùn.

Mập chê béo trục béo tròn

Gầy chê xương sống, xương sườn phơi ra.”

(*): "Yêu biết mấy khi con tập nói/Tiếng đầu lòng con gọi Xit-ta-lin" (Tố Hữu).