Monday, November 25, 2024

TỰ TRỌNG

Mỗi thời mỗi khác. Mỗi lần nói về quá khứ là mỗi lần tôi được nhắc nhở quá “hoài cổ”. Mà có “cổ” gì cho cam, quá khứ chỉ là vài chục năm. Lòng tự trọng của con người sinh ra và trưởng thành trong một thời gian quá ngắn: 20 năm.

Bất cứ cuộc thi cuối kỳ hay cuối khóa, thậm chí các bài tập hằng ngày, học sinh chúng tôi không bao giờ “dám” mang tài liệu vào phòng. Không phải sợ kỷ luật. Sợ bị bắt “cóp-pi” là xấu hổ. Ở các kỳ thi tú tài, kỷ luật nghiêm ngặt hơn. Thí sinh có thể bị cấm thi nhiều năm nếu bị bắt quả tang đem tài liệu vào phòng thi.

Tự trọng như vậy xuất phát từ danh dự cá nhân. Nhỏ hoặc lớn đều xem danh dự là trên hết. “Tổ quốc, danh dự, trách nhiệm” còn là khẩu hiệu của mọi viên chức chính phủ.

Danh dự khiến người ta tự trọng. Không có một quy định nào định nghĩa danh dự nhưng mọi người đều coi trọng danh dự. Từ nhỏ là học sinh đến lớn là một sĩ quan.

Bạn tôi là một thiếu uý. Không có quy định nhưng theo thông lệ, sĩ quan dù là cấp nhỏ như anh không  vào những nơi “bình dân” như quán cơm “xã hội”. Đây là loại quán được hỗ trợ của các tổ chức từ thiện, có khi cả chính phủ, cung cấp bữa cơm giá rẻ cho giới lao động, nghèo khó. Nếu “bí”  quá thì sĩ quan có thể vào đó ăn cơm nhưng phải gỡ “lon” (phù hiệu cấp bậc) cất vào túi. Anh ta muốn bảo vệ “danh dự” một sĩ quan quân lực VNCH.

Danh dự làm cho người ta coi lòng tự trọng là phẩm chất con người. Nguyễn Trần Bạt, trong cuốn sách gần 1000 trang “Đối thoại với tương lai”, cho biết 3 phẩm chất của một con người hoàn thiện là: Tự do, tự lập và tự trọng. Trong hàng ngũ “trí thức xã hội chủ nghĩa “, tôi thấy nhà nghiên cứu kiêm doanh nhân này là một trong những “khủng long kiến thức” không còn sống. Tôi tự hỏi, tại sao một trí thức tầm cỡ như ông không là Vương Hổ Ninh của VN?

Tự trọng giúp con người không phải “bằng mọi giá” để thành công. Cứu cánh biện minh cho phương tiện. Nhưng cứu cánh sẽ bất lương khi phương tiện bất lương.

Tự trọng giúp con người thành công mà trong thành công đó có khi cả mồ hôi và nước mắt. Chắc chắn thành công đó không có dấu vết của mưu ma hay chước quỷ. Tự trọng còn làm cho con người coi trọng danh dự- chỉ đứng sau tổ quốc.

Mạng xã hội vừa rồi ầm ỹ chuyện một viên chức trưởng bảo vệ nguyên thủ bị Chile trục xuất về nước vì vi phạm luật lệ nước sở tại: “hủ hoá”. Đây là vết nhơ đối với quốc gia. Ông ta có thể không cần danh dự cá nhân nhưng còn danh dự quốc gia? Nếu có lòng tự trọng, ông ta không thể có hành vi thiếu đạo đức như thế. Một người chỉ nghĩ đến ham mê nhục dục của mình mà quên đi danh dự đất nước, con  người ấy cần bị xã hội lên án.

Nếu đi du lịch có tính cách cá nhân, việc lăng nhăng tình dục không có gì là vấn đề. Ở phương Tây, cả châu Mỹ, tình dục không có gì là xấu, thậm chí không bị cấm đoán chỗ công khai nhưng tất cả phải “tuân thủ pháp luật”. Có thể cần một cái ôm chào nhau, nam nữ sẽ lên giường nếu hai bên ưng ý. Nhưng nếu một bên - nhất là nữ- không ưng thuận thì các ông “sung sức” VN chớ có thấy họ ngả ngớn, gợi tình mà a lát xô xông vào, bị trục xuất khỏi nước người ta chỉ là hậu quả nhẹ nhàng nhất.

Tự trọng có ai dạy dỗ không? Chắc chắn không cần vì người coi trọng danh dự đều luôn nêu cao lòng tự trọng.

Tự trọng là phẩm chất cốt yếu của mỗi công dân nếu đất nước muốn chuyển mình vươn lên trong thời đại mới. Tự trọng “phái sinh” từ danh dự. Danh dự phải trên hết chứ không phải sự nghiệp là trên hết.