Wednesday, November 13, 2024

Phiếm luận: BẦU CỬ TÂY-TA

Tôi nhấn mạnh: “Tây” đây là Hoa Kỳ. “Ta” là làng (xã) Việt Nam ngày xưa. Làng (xã) là đơn vị hành chánh thấp nhất trong chế độ phong kiến. Sau này chế độ thực dân cũng vẫn duy trì. Lý trưởng (xã trưởng) có con dấu hẳn hoi, hồi đó còn gọi là “triện”. Con dấu vuông bằng gỗ, ở giữa là bụi tre (tiết trực tâm hư), bên trên là đơn vị tổng (hoặc huyện), bên dưới là tên làng. Ví dụ như tổng Đức Thượng và làng Trung Đạo.

Vì sao có sự so sánh như thế? Có vài điểm giông giống.

-Tranh cử với nhiều ứng viên (thường là 2): Bầu cử làng xã có tranh cử hẳn hoi. Không có chuyện “độc cử”: Dân chỉ bầu một ông ấp trưởng (hay thôn trưởng) được người ta đưa ra.

-Vận động tranh cử: Trước ngày bầu cử, gia đình có người ứng cử xã trưởng – còn gọi là lý trưởng- sẽ đi đến từng nhà để vận động người dân dồn phiếu cho người nhà.

- Chỉ những người giàu có, “có chữ” (chữ Nho, chẳng hạn), thuộc thành phần “gia thế”, (tộc to, họ lớn). Không người nghèo nào có thể ứng cử tổng thống Mỹ. Bà Kamala Harris chi cả tỷ đô la cho vận động tranh cử. Donald Trump cũng cần đến đại gia Elon Musk ủng hộ mấy trăm triệu đô la.

- Mỗi gia đình đông hay ít người cũng chỉ được quyền bầu một lá phiếu. Hơi giống “đại cử tri” ở Mỹ. Mỗi bang có bao nhiêu phiếu nhất định.

- Ngày bầu cử lý trưởng là ngày hội làng. Rất tở mở. Sau bầu cử, theo lệ, người đắc cử sẽ mở tiệc chiêu đãi cả làng giống như ngày nhậm chức tổng thống nhưng hơi khác là không có báo chí, khách mời, và các hãng truyền hình đối chọi như Fox và CNN.

- Nhiệm kỳ lý trưởng thường là 4 năm, y chang nhiệm kỳ tổng thống. Cho nên người ứng cử lý trưởng phải trẻ nhưng phải trên 30 tuổi, không phải già “khú điếc” như mấy ông tổng thống Mỹ mới đây. Nhưng, thường thì lý trưởng đắc cử tối thiểu đôi ba nhiệm kỳ nếu còn khỏe mạnh, trừ những ông lý trưởng “ba trợn”, không bao giờ được dân làng bầu lần thứ hai.

-“Nhiệm kỳ” thật sự có ý nghĩa “cách mạng”. Khó có chỗ cho độc tài hay toàn trị, in như Mỹ. Trump thất cử sau 4 năm làm tổng thống vì dân trao niềm tin nơi Biden. Thấy Biden không làm nên “cơm cháo” gì, dân lại bầu lần nữa cho Trump. Nhiệm kỳ 4 năm để người dân “trắc nghiệm” người lãnh đạo. Nhưng tối đa không bao giờ quá 2 nhiệm kỳ (trừ một trường hợp duy nhất trong lịch sử nước Mỹ của tổng thống Franklin D. Roosevelt).

-Lập “nội các”: Lý trưởng tân cử (như president elect) sẽ lập hội đồng hương mục gồm 4 ông hương- gọi là Ngũ Lý Hương (một lý trưởng và 4 hương chức).

Đó là Hương mục: Phụ trách việc ghi chép sổ sách, thụ lý đơn thưa, lưu trữ văn thư, soạn “tấu chương” (báo cáo) gởi lên tổng (hoặc huyện), nhận văn thư tống đạt từ cấp trên. Hương bộ: Giữ gìn sổ bộ, địa bạ, thuế khóa, cấp giấy khai sinh, khai tử, tang tế, thụ lý đơn thưa. Hương bổn: Coi giữ các công trình phúc lợi của làng như đình trung, miếu thành hoàng, cờ, lọng, chiêng trống, lễ phục, kể cả sắc phong của triều đình truyền lại từ các đời trước. Hương kiểm: Phụ trách công tác an ninh trật tự trong xã. Quê tôi bao bọc bởi núi rừng, vị hương này còn làm luôn công tác kiểm lâm, bắt tội ai đốt cháy núi rừng, canh giữ những bụi tre “làng” trồng dọc bờ sông chống xói mòn.

Cũng giống nước Mỹ có thượng viện, hội đồng kỳ mục – gồm những vị bô lão, cựu lý trưởng, cựu hương chức các khóa trước, tộc trưởng các tộc họ trong làng- sẽ “chuẩn thuận” các vị hương chức tân lý trưởng sẽ đưa ra. Lý trưởng luôn chọn người có đạo đức và năng lực giúp việc cho mình như tổng thống Mỹ. Họ không dại gì chọn người kém cỏi làm phe cánh, chẳng làm nên tích sự. Lý trưởng phải chọn ê kíp làm việc hữu hiệu để “phòng hậu” nghĩa là còn ứng cử các khóa về sau. Các hương chức được đề bạt không cần qua ý kiến của “mặt trận”. Như vậy, lý trưởng cũng uy quyền như…tổng thống.

Nhiều kẻ hậu bối như tôi cứ nghĩ lý hương sẽ dựa vào quyền thế mà bắt nạt hay o ép dân chúng. Dân chúng sẽ cầm lá phiếu mà quyết định “tương lai chính trị” của họ nên, dù sống trong chế độ “nửa phong kiến” rồi sau này là “nửa thực dân”, người trong làng làm đúng vai trò “dân làm chủ”.

Tuy nhiên, tại sao vẫn còn những bất công có khi là áp bức nơi thôn quê thời phong kiến. Đó là lòng người châu Á – nhất là người Việt Nam- ai cũng muốn “tham quyền cố vị” khi có chút chức quyền. Một "thằng Tây" thực dân lếu láo nhận xét "Trong đầu óc mỗi người An Nam đều có một ông quan".

Bầu cử tận thôn xã là chủ trương hết sức dân chủ thực hiện khá thành công từ thời nhà Nguyễn. Nơi nào thực hiện tốt nơi đó dân chúng sống an bình, thoải mái. Dân chúng và hương lý có tình tương thông.

Nhưng cũng có một vài  lý trưởng ỷ giàu, cậy vào tổng (nhiều làng lập thành) hoặc huyện, bằng “hối mại quyền thế”, tổ chức gian lận bầu cử. Có quy định từ thời Lê Thánh Tông, người ứng cử lý trưởng không được là người bà con với ông tổng, ông huyện nơi sở tại (Phạm Văn Sơn- Việt sử toàn thư). Không ruột thịt nhưng nhờ “ruột” tiền. Đồng tiền liền khúc ruột.

Dân chúng thôn quê – tôi nói là trước năm 1945- hầu hết đều mù chữ. Vậy làm sao biết tên ai mà bầu. Hồi đó không có người “viết giúp”. Các ứng viên lý trưởng (hầu như là hai) sẽ vận động bầu cử bằng cách cho người dân mình vận động bầu thế nào cho mình trúng cử.

Sẽ có một tờ giấy trắng thay lá phiếu. Ông Giáp sẽ là một chấm mực tàu. Ông Ất sẽ là hai chấm. Không khác thời VNCH, các ứng viên dân biểu quốc hội (thượng viện và hạ viện) ngoài tên họ ra, họ còn có biểu tượng, ví dụ là lá đa hay con voi trắng. Người không biết chữ sẽ căn cứ vào biểu tượng ấy mà bầu. Nhưng đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Người trong ban tổ chức bầu cử, có quan huyện và một số lính lệ về giám sát, vẫn có thể cố tình “gian lận” phiếu. Những tờ giấy một chấm sẽ biến thành hai chấm nếu bị gấp liền sau khi nhận phiếu để cho vào thùng; mực tàu rất lâu khô. Những phiếu có hai chấm  thì quá Ok rồi. Lỡ có ai gấp lại thì 4 chấm là phiếu "không hợp lệ".

Như vậy, phiếu “hai chấm” mực là phiếu sẽ trúng cử 100% không cẩn nhờ máy đếm phiếu Dominion của Hoa Kỳ.  Làng tôi xảy ra một cuộc bầu cử như vậy. Và chỉ một lần. Ông lý trưởng ấy về sau cũng chẳng ra gì vì quá cường hào. Nhân một cơn say rượu, ông ta đánh người trong gia đình đổ máu. Đơn kiện lên tổng rồi huyện. Quan trên về họp dân làng và hội đồng kỳ mục (không phải hội đồng hương chức – tức hành pháp) bỏ phiếu truất phế lý trưởng. “Lý trưởng phế”, giống như phế đế thời nhà Trần, không được tham dự việc làng, nghĩa là “bất dự hương sự”. Không dự việc làng là nỗi nhục rất lớn ở nông thôn (miếng thịt làng hơn sàng thịt chợ).

Lá phiếu của người dân thời phong kiến và thực dân cũng “dân chủ” ra phết đấy chứ.

Thấy bầu cử Tây tôi bỗng nhớ bầu cử Ta. Chuyện tôi kể là sự thật(*).

Ghi chú: (*) Ông Nguyễn Huỳnh, 94 tuổi, trước 1975 là chuyên viên vi trùng học tốt nghiệp ở Mỹ, trưởng phòng xét nghiệm bịnh viện Cơ Đốc Phục Lâm VN (Phú Nhuận), một bịnh viện đầu tiên ở VN có bác sĩ và y ta người Mỹ làm việc). Ông là người làng đang sống ở Orlando, Florida, kể cho tôi nghe “chuyện đời xưa”. Email nói chuyện bầu cử ở Mỹ. Tôi chép lại nguyên văn một đoạn: “Nước Mỹ vừa mới trải qua cuộc bầu cử Tổng Thống đầy sôi động. Người dân Mỹ rất quan tâm và triệt để xử dụng quyền hiến định, mỗi người một lá phiếu để chọn người  điều hành đất nước.

Một điều rất đặc biệt đáng cho  chúng ta nên suy gẫm là hệ thống hành chánh của Việt nam dưới thời đại phong kiến cũng  đã áp dụng luật "Phổ thông đầu phiếu". Dưới thời quân chủ, phong kiến, người đại diện cấp huyện, cấp tỉnh đều do triều đình bổ nhiệm.  Nhưng người đại diện  làng, xã, thì do dân bầu cử.   Điển hình là thời thân phụ tôi ra ứng cử chức lý trưởng (village mayor), các ứng viên cũng có đi  vận động cử tri.

Thân phụ tôi lúc đó còn quá trẻ, vì ông Nội tôi mất sớm, gia đình chỉ còn một mẹ một con!  Bà Nội tôi sợ bất trắc, nên mướn "võ sanh" bảo vệ (những người đang học võ. Vì đơn chiếc, gia đình ông sợ lý trưởng đương chức thất cử có hành vi dằn mặt cha ông khi quan trên ra về -NLC).  

Đến ngày bỏ phiếu, có quan huyện (dẫn theo mấy lính lệ) đến chủ tọa và giám sát việc bầu phiếu tại Đình Trung (nhà hội, nhà văn hóa-NLC).  Sau khi kiểm phiếu, quan huyện tuyên bố người đắc cử. Đây là việc rất khó tin ở dưới thời quân chủ phong kiến.  Tìm hiểu thì được quí cụ giải thích: làng, xã, hương, lý (chưa có thôn, phường, ấp) là hạ tầng cơ sở của hệ thống hành chánh, cơ quan  gần gũi, sát  với dân chúng.  Với quan niệm làng  xã tự trị sẽ tạo nên trật tự xã hội,  vì mọi người  trong làng đều  có sự liên hệ thân thiết với nhau, tình làng nghĩa xóm, sống có luật có lệ , luật vua thua lệ làng! Nếu có kẻ gian, trộm cướp thì dân làng là lực lượng đầu tiên ứng phó, gìn giữ an ninh trật tự”.