Friday, August 6, 2021

TRÓI TAY CHÂN COVID?

Khi vi rút corona xuất hiện, cả thế giới đảo điên. Kinh tế toàn cầu vỡ vụn, không còn phẳng nữa, nó lổm chổm, đứt mạch giao lưu, vì các rào cản biên giới. Rào cản này không phải là hàng rào thép gai chỉ có ở những con phố Sài Gòn. Rào cản thép gai khắp thế giới. Nước như Úc, quân đội phải can dự để cách ly Covid. Nước Mỹ tiên tiến nhất thế giới cũng điên đầu vì vi rút Vũ Hán.


Ở quê hương tôi – Việt Nam - covid tạo những thảm trạng gì?
- Chống dịch như chống giặc. Dính covid cũng có thể cọi thành “giặc”. Có nhà bị khóa cửa để giặc không ra khỏi. Biết một người covid, tất cả công nhân đồng nghiệp trong xưởng bỏ chạy tán loạn như bom sắp nổ. Những người lao động tha phương (cầu thực) bị từ chối khi trở về quê hương. Hàng trăm ngàn người chạy trốn khỏi Sài Gòn, nơi đem lại chén cơm cho họ, dong ruỗi hiểm nguy con đường vạn dặm, chỉ mong trở lại nhà, nhưng có nhà đóng chặt cửa.
- Những người bị giặc “ám” (nhiễm) phải bị tập trung vào một chỗ. Gia đình cũng trở thành F1, F2…Những “đối tượng” cần phải cảnh giác, không như cùi hủi, cũng phải bị người khác lánh xa. Có những bảng gắn trước nhà cảnh báo.
- Cha, mẹ, anh, em, vợ, chồng – những người tạo hạnh phúc cho mỗi gia đình VN- không còn là nguồn hạnh phúc. Bất cứ ai trong họ cũng có thể là F0, nghĩa là kẻ có thể mang lại cái chết cho người thân yêu. Chết vì covid, cha cũng không nhìn được con giờ vĩnh biệt. Ra đi người bịnh còn đủ hình hài , trở về có khi chỉ là hủ tro than.
- Có biết bao người lao động không còn việc làm, không thể sống nếu không ra khỏi nhà, dù biết rằng, ra ngoài là phạm luật, có thể bị phạt số tiền nhiều hơn họ làm ra.
- Những lao động nhập cư Sài Gòn, không thể ở nổi nơi họ kiếm đồng tiền cho cuộc sống, buộc phải chạy như chạy giặc về quê. Nhiều người lên án, tai sao để họ mang mầm bịnh đi khắp nước. Người lên án không thấu hiểu, ở Sài Gòn họ sẽ sống thế nào? Những ai ngồi nhà mà không sợ đói, có hiểu nỗi lòng của những người ra đi, như ong vỡ tổ, nếu không về quê, họ phải đi đâu, họ sẽ sống thế nào?
- Khi bình yên, những lao động nhập cư nghèo mang về quê những đồng tiền mồ hôi, nước mắt thì khi hoạn nạn (vì covid) họ bị quê hương chối từ; có gì đau đớn hơn? Quê hương yêu quý sợ họ như sợ “địch”? Họ về sẽ mang theo covid? Có chắc gì chỉ Sài Gòn có covid mà các nơi thì không khi họ chưa về?
- Dịch (hay hoạn nạn) xảy ra, người ta mới thấy tấm lòng của nhau. Người Nam, người Trung, người Bắc lẽ ra phải là một. Kẻ thù chúng ta không phải là sự thiếu sót của cách xử lý dịch của chỗ này chỗ kia. Có ai lường trước nhân loại sẽ có đại dịch thế này? Huống hồ người VN. Lẽ đáng phải thông cảm và hiểu thấu nhau, người ta lại chì chiết nhau. Chỗ này làm tốt chỗ kia thì không. Ông này làm đúng, ông kia làm sai. Sài Gòn sao không như Hà Nội. Khi có biến, con dân không cùng nhau nối tay dẹp biến. Họ lại chỉ tay vào nhau. Hoạn nạn không phải là lúc chúng ta, người Việt, yêu thương nhau?
- Chúng ta trách nhau, tại sao dịch thế này, tại sao dịch thế khác. Chúng ta chưa thấy ra vì sao có dịch? Chúng ta chưa hiểu thấu dịch từ đâu xuất phát? Nơi xảy ra dịch, nơi phát dịch đầu tiên mới là nơi đáng trách, chứ không phải chúng ta, nạn nhân của chúng.
- Nếu ở Vũ Hán, vị bác sĩ nhân từ Lý Văn Lượng không bị “bịt miệng” bằng bạo lực chính quyền, biết đâu những người Trung Hoa chính trực hiểu rõ nỗi nguy hại khôn lường của vi rút, có những biện pháp thích nghi, khống chế thần chết không vác lưỡi hái đi khắp thế gian? Người ta biện minh, chế độ cộng sản Bắc Kinh tài tình, phong tỏa cấp kỳ, dịch không lan tràn khắp Trung Quốc. Họ đâu có thấy, Trung Quốc an bình nhưng thế giới đảo điên. Nếu TQ ngay tình, TQ bình yên trước Covid, tại sao họ từ chối người ta muốn đến Vũ Hán để điều tra nguồn gốc corona?
- Nếu TQ để cho các nhà khoa học ở những nước tiên tiến chung tay đối phó corona ngay từ nơi nó xuất phát, ngay từ giờ khắc nó ló mặt, biết đâu nhân loại mấy triệu người không bị thác oan? Đời sống vật chất và tinh thần con người trên trái đất này bớt đi bấn loạn?
- Hãy chấp nhận Covid là một thực tế hiện hữu tồn tại cạnh con người. Không coi nó như giặc để giết chết nó. Mà cũng không thể tiêu diệt nó. Hãy coi nó như ung thư, tim mạch, tiểu đường những loại bịnh nguy hiểm…Và có những quyết sách phù hợp như đối với những căn bịnh nan y.
- Chúng ta giãn cách và phong tỏa đến bao giờ thì covid sẽ bị tiêu diệt? Không ai có thể nói trước. Và cũng không thể biết trước. Biến chủng Delta có làm cho nhân loại cảnh giác không? Có ai đoán trước sau Delta thì không có Omega?
- Khi con người có tâm thái an hòa thì sức khỏe của họ bảo đảm. Khi hốt hoảng, liệu sức đề kháng của họ có giống như lúc an hòa? Trước “giặc” covid -chống giặc như chống dịch – người dân và chính quyền có ai không sợ hãi? Covid mang đến sợ hãi hay chính chúng ta sợ hãi chúng? Sợ cũng nhiễm, không sợ cũng nhiễm, và có ai đoan chắc những biện pháp đưa ra ngăn chặn hữu hiệu con vi rút quái ác này không lan tràn trong nhân loại? Nước Mỹ hãnh diện đẩy lùi covid nhưng có chắc chắn đẩy lùi mãi mãi, hay cuối cùng cũng phải chấp nhận “sống chung” cùng covid?
- Sống chung không có nghĩa thả tay đầu hàng. Đang 5 K rất hữu hiệu thì cứ tiếp tục 5K. Sống chung với covid để hiểu covid. Tri bỉ tri kỷ, bách chiến bách thắng. “Hiểu” covid lúc này chỉ có vắc-xin. Phong tỏa chỉ để chờ vắc xin. Không phong tỏa để chờ kinh tế kệt quệ.
Xin đừng trói tay trói chân xã hội với mục đích trói tay, trói chân covid.


Monday, July 26, 2021

RÀO CẢN KHÔNG Ở HỌC PHÍ MÀ Ở TẦM NHÌN

Khi nghe nói đại biểu quốc hội là "kho tàng trí tuệ", người dân chúng tôi rất phấn khởi. Một trong những "báu vật" đó là ông giám đốc viện đại học quốc gia Hà Nội. Nhận định nổi tiếng của ông có báo đưa tít “Dùng học phí làm hàng rào cản học sinh lao vào đại học”, báo khác thì: “Học phí phải là rào cản để tránh việc vào đại học trở tành “học đại”.
Tư duy “tiền nào của nấy” tưởng là chỉ thấy trong chợ nhưng không phải. Trước đây, có quan chức lý luận, “viện phí (bịnh viện) cao sẽ mang lại chất lượng phục vụ cao”.
Giáo dục và y tế là hai chuẩn mực, dựa vào đó, người ta đánh giá phúc lợi xã hội của một quốc gia. Có phải học phí, viện phí cao thì chất lượng giáo dục, chất lượng y tế sẽ cao? Những nước có nền giáo dục và y tế miễn phí, dân chúng sẽ không hưởng chất lượng cao?
Đồng tiền rất quan trọng thời buổi nay. “Đồng tiền liền khúc ruột”. Đề xuất giữa quốc hội của vị giáo sư đại biểu có thể hiểu, dùng “khúc ruột” để hạn chế đầu vào đại học, nghĩa là không còn “học đại”. Đánh vào khúc ruột - có lẽ vị đại biểu học từ tiền bối- trước đây rất hiệu nghiệm. Người dân nào cũng có “tiêu chuẩn” – nông thôn cũng như thành thị - một số lương thực nhất định. Chính viêc “nắm chặt" khúc ruột mà người ta tạo ảnh hưởng rất dễ dàng lên người dân cả nước. “Bắt ở trần, phải ở trần. Cho may ô mới được phần may ô”. Ai cũng phải ăn mới sống, nghĩa là ai “qua sông cũng phải lụy đò”.
Ngăn “học đại” - nghĩa là nâng cao chất lượng giáo dục – bằng nâng cao học phí cho thấy mấy điều:
1- Học phí cao ngăn người nghèo vào đại học, vậy học sinh giỏi mà nghèo sẽ thất học?
2- Học phí cao giúp người giàu vào đại học, vậy học sinh giàu nhưng dốt thì sẽ học lên cao?
3- Như thế, đại học đâu còn là nơi hội tụ của những tinh hoa đất nước?
4- Lấy “khúc ruột” để “đánh” vào người nghèo (không đủ tiền đóng học phí lên đại học) là quan điểm “giai cấp” hay sao? Người phát ngôn câu “học phí ngăn “học đại” không phải là đảng viên?
5- Xã hội tiến bộ nào cũng chú trọng thành phần yếu thế. Những học sinh nghèo con của giới nghèo không nằm trong ưu tiên của vị giáo sư ?
6- Viện đại học quốc gia, có thể ví như “túi khôn” (ThinkTank) của cả nước mà vị đứng đầu lại có tư duy nâng cao giáo dục đại học bằng cách nâng cao học phí? Đầu vào đại học tại sao không nâng các tiêu chuẩn tuyển chọn lên cao mà lại nâng cao học phí?
Đến đây, là công dân, tôi có quyền nghi ngờ tầm nhìn của vị giáo sư đáng kính đang điều hành một viện đại học đáng kính. Có thể vị giáo sư này học rất giỏi. Còn trẻ nhưng ông lấy được nhiều bằng cấp chứng tỏ năng lực học tập của ông rất phi thường. Người có bằng cấp cao sẽ có tầm nhìn cao? Tôi không nghĩ như thế. Bill Gates có tầm nhìn toàn thế giới nhưng ông ta chẳng tốt nghiệp đại học. Steve Jobs cũng không qua đại học nhưng tầm nhìn của ông qua Apple thì thế nào?
Khi phát biểu ở quốc hội, các câu nói của các vị đại biểu thường là “khuôn vàng, thước ngọc”. Qua phát biểu của vị giáo sư đại biểu, nếu tôi không nhầm, còn nhiều vị nữa, cho tôi suy nghĩ: liệu cách tuyển chọn nhân tài (tôi chưa nói tới hiền tài) có vấn đề gì không? Một người có tầm nhìn thực dụng và ích kỷ như thế lại là người đứng đầu “túi khôn” cả nước?
Chúng tôi là những người dân hoàn toàn không biết tiêu chuẩn đề bạt và cất nhắc cán bộ. Vậy, chúng tôi phải bất lực nhìn những người thay mặt mình phát biểu những câu như vị giáo sư kia – một phát biểu tôi thường thấy ở chợ của mấy bà nội trợ khi họ cân nhắc chất lượng món hàng với “triết lý”: tiền nào của nấy. Như vậy, có thể suy diễn “tiền trao cháo múc, không tiền thì… múc cháo vô”?

 

Thursday, March 4, 2021

HÔM NAY MỒNG TÁM THÁNG BA TÔI GIẶT GIÙM BÀ CÁI ÁO CỦA TÔI

Thuở khai thiên lập địa, đàn ông chứ không phải đàn bà xuất hiện đầu tiên. Thượng Đế là đàn ông; không đàn ông, sao người ta gọi là Ông Trời, không gọi Bà Trời? Tôi nói theo Cựu ước của Ky-tô giáo, Adam, người đàn ông có mặt đầu tiên trong vườn Eden. Thấy anh chàng này buồn bã, Thượng Đế rủ lòng thương, bèn tạo thêm một người nữ tên Eva bằng cái xương sườn của người đàn ông kia.

Có lẽ, sự xuất hiện của đàn bà từ sự vay mượn của đàn ông, nên chi, đàn bà phải “trả” mút chỉ: cả ngàn đời nhân sinh, họ luôn phải “phụ thuộc” đàn ông?
Trong lịch sử con người, nói gần hơn, lịch sử con người châu Á, ảnh hưởng Nho giáo vẫn không dứt, phụ nữ luôn ở “chiếu dưới”. Khổng Tử: “Phụ nhân nan hóa” hoặc: “Người quân tử nên xa nơi bếp núc” (Ý chuyện nấu ăn của đàn bà!). Không rõ, nhận xét của vị vạn thế sư biểu này có đúng của ông, hay là, hậu thế nói, rồi gắn vào mồm ông, để cái gì cũng thành “Tử viết” cho nó thêm linh?

Người phụ nữ bị gọi là “đàn bà”, hai từ này tưởng bình đẳng như “đàn ông” nhưng không phải. Khi dùng để dè bĩu, khi dễ, đàn ông hay văng ra câu: “Đàn bà đái không qua ngọn cỏ”.
Ngày xưa, phụ nữ chịu lép không ít. Người chồng sẽ không để vợ nấu cơm nếu biết ngày đó vợ mình hành kinh. Đàn bà không được phép đi lên nhà “trên” nơi có bàn thờ gia tiên, dù “nhà trên” có lồng chim hoặc có chỗ con chó mực hay nằm.
Bây giờ, đàn bà hưởng rất nhiều quyền lợi ngày càng ngang ngửa với đàn ông. Nhưng họ có thật sự như đàn ông? Hẳn là không. Phụ nữ còn phải lo sinh đẻ. Gần như trăm phần trăm, các bữa ăn trong gia đình Việt Nam đều có bàn tay của người phụ nữ; không bà thì mẹ, không mẹ thì vợ, không vợ thì em, chị (gái), thậm chí là con gái, có em còn rất nhỏ tuổi.
Đàn ông ăn cơm xong thường nhảy lên sô pha ngồi xỉa răng, hút thuốc, xem thời sự, còn gọi nước trà nóng để uống, và những việc lỉnh kỉnh của chén bát, nồi niêu soong chảo, đàn bà đều quán xuyến. Người ta xem cái việc nhỏ nhặt nhưng hằng ngày này là chuyện thường tình. “Chuyện của đàn bà”.
Có phụ nữ nào muốn vùng lên không? Có rất nhiều. Nhưng khi muốn vùng lên, họ lo sợ sẽ bị đè xuống, bởi những đức chồng đàn ông vai u thịt bắp. Lo sợ một phần, phần khác là suy nghĩ của phụ nữ: làm mẹ, làm vợ thì phải hi sinh cho chồng, cho con, có khi còn cho cả “gia nương” nhà chồng. Nhiều người đàn ông hiểu thấu thì họ thường yêu thương phụ nữ. Đỡ đần cho người phụ nữ sẽ là việc làm thiết thực họ nghĩ tới. Có mấy ai như thế? Chưa có thống kê nhưng tôi chắc không nhiều.
An phận là thói quen lâu ngày trở thành thuộc tính của phụ nữ. Những việc tầm thường trong sinh hoạt hằng ngày, người phụ nữ cứ nghĩ đó là nhiệm vụ tự nhiên của họ. Bà nội, bà ngoại, mẹ, chị của họ từng làm những việc tầm thường như rửa chén, quét nhà, giặt giủ, đi chợ, cơm nước…từ bao đời nay. Tiếp tục “truyền thống” ấy là chuyện đương nhiên.
Khi yêu nhau, lời lẽ đường mật của đàn ông luôn luôn làm phụ nữ sung sướng đến nao lòng. Nhưng khi “em ơi” yêu thương trở thành “bà kia” gia trưởng, người phụ nữ vẫn cho mình là phận đàn bà. Họ cho hình ảnh quì gối tỏ tình của đàn ông như là một kỉ niệm. Họ không hề nghĩ tới cái quì gối đó báo hiệu viễn ảnh họ sẽ “quì gối” cả cuộc đời mình.
Có cần tuyên dương ngày 8 tháng 3 hay không? Tôi thấy không. Người mẹ, người vợ, người yêu trông mong đến ngày “phụ nữ” để được quí trọng. Họ quên rằng cả năm họ có được như vậy? Phụ nữ trông chờ vào đàn ông tuyên dương họ. Nếu đây là suy nghĩ của phụ nữ, tôi cho rằng: một suy nghĩ sai lầm.
Phụ nữ hãy tự “tuyên dương” lấy mình.
- Phụ nữ cần chú ý đến sức khỏe bên cạnh sắc đẹp. Để khi làm một việc gì đòi hỏi sức khỏe, họ không cần đến sức mạnh của đàn ông. Có sắc đẹp để giữ đàn ông không bằng có sức khỏe để thu hút họ. Ngoại trừ tật bệnh, không đàn ông nào thích thú có một phụ nữ gương mặt như hoa nhưng thân hình như cây sậy. Ngày xưa, phụ nữ phụ thuộc hoàn toàn đàn ông vì họ không đủ sức khỏe để làm những công việc nặng nhọc nơi đồng áng. Bây giờ khác rồi.
- Tuyên dương mình, người phụ nữ không phải tự mua hoa, mua quà cho mình, chỉ một ngày 8 tháng ba, không cần chi đàn ông. Tự tuyên dương bằng sự nỗ lực, bất cứ ngày nào muốn, phụ nữ cũng có thể sắm những gì mình yêu thích mà không phải ngửa tay chờ sự hào hiệp của đàn ông. Tôi muốn nói đến sự tự lập về tài chánh, nói to tát hơn, không phụ thuộc về kinh tế vào chồng. “Anh làm ra ba đồng, tôi cũng làm ra như anh, tuy tiền có thể ít hơn” là cơ sở để phụ nữ giải phóng lấy mình. Tất nhiên, điều này thực hiện khi đàn ông và đàn bà còn tuổi làm việc.
- Tự tuyên dương mình, phụ nữ hãy tuyên dương sự trí tuệ. Hãy đạp xuống đất, cái câu của đàn ông viện dẫn: “Đàn bà đái không qua ngọn cỏ”. Khi có hiểu biết nhất định, không phải mọi cái “đợi tôi hỏi ý ổng”, người phụ nữ mới có cơ hội tự giải thoát mình. Và, điều này rất rõ, bất cứ người đàn ông nào cũng yêu thích người phụ nữ có hiểu biết bằng họ hay cao hơn họ. Phụ nữ không nhất thiết phải đến trường mới có điều kiện nâng cao tri thức. Khi một đứa con tin tưởng mẹ cũng như cha về các vấn đề chúng cần giải thích thì khi ấy cái gia đình đó sẽ vô cùng hạnh phúc: sự hiểu biết là điều kiện để thật sự yêu thương.
- Phận gái “mười hai bến nước”. Câu này ngày nay còn đúng không? Vẫn còn giá trị nhưng chưa phải đúng. Nếu phụ nữ không tự tạo cho mình những kỹ năng sống, kiến thức làm mẹ, làm vợ, làm việc trong xã hội, thì không phải “mười hai bến nước” đâu; có khi là “hai mươi bến nước” không chừng: sự chọn lựa bến nào sẽ vô cùng bối rối.
- Có người nói “hôn nhân là sự may rủi”. Tôi thì nghĩ có may rủi thật nhưng chúng ta có quyền chọn lựa may hay chọn lựa rủi bằng sự cảm nhận đầu tiên khi tìm “nửa bên kia”. Ngày 8 tháng 3, có thể cô gái sẽ nhận một chiếc xe hơi làm quà tặng. Nhưng nếu ngoài ngày ấy, người tình lý tưởng kia không nhìn thấy, lúc nào đó, trên gương mặt của người anh sẽ cưới làm vợ, có cái gì đột ngột hiện lên, chỉ là lo lắng nho nhỏ, tôi cam đoan, người đàn ông này chỉ chú ý thân hình đẹp của người phụ nữ mà không để ý trái tim của nàng có thế nào hay không. Mười hai bến nước là có thật nhưng sự lựa chọn chỉ có một và tôi đoan chắc người phụ nữ chân thành sẽ tìm ra cho mình một bến trong mà không vướng vào bến đục nếu yêu nhau vừa bằng con mắt vừa bằng trái tim.
- Dù sao, ngày 8 tháng 3 người Việt Nam vẫn còn coi trọng dẫu biết rằng, người phụ nữ chưa phải bình đẳng hoàn toàn với nam giới do khác biệt cơ thể và nhiệm vụ truyền giống. Họ vẫn còn phải chịu đựng nhiều, không phải chỉ công việc nội trợ hằng ngày hay làm vợ, làm mẹ. Họ còn chịu đựng một nền luân lý cổ hủ: trọng nam khinh nữ, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một nam kể như có, mười nữ cũng như không).
- Có phụ nữ nào không muốn sinh con? Có phụ nữ nào quyết định giới tính của đứa con sắp chào đời của mình? Tâm lý đè nặng nếu phụ nữ sinh con một bề, nhất là toàn bề nữ. Cái gọi là phục hung nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc có việc phát triển nhà thờ họ nhà thờ tộc. “Nhất nam” là niềm hãnh diện, “thập nữ” là nỗi lo âu. Sức ép “truyền thống” đè hết sức nặng lên vai người phụ nữ nếu chẳng may không có con “nối dõi tông đường”.
Các chị em phụ nữ có hoàn cảnh này, hãy mạnh mẽ lên. Đây là sự bất công có thể là lớn nhất trong cuộc đời người phụ nữ. Sự bất công này sẽ bớt bất công khi các chị nghĩ đến những người đi tu. Họ không sinh con, chưa nói trai gái, họ bất hạnh lắm hay sao? Cuộc sống rồi cũng trôi qua tháng ngày. Có con hay không có con, có con trai hay không có con trai, hãy là chuyện cuộc sống nhân gian. 60 năm cuộc đời (không kể thời gian chưa trưởng thành) là bao, tại sao chúng ta lại để cái truyền thống “trọng nam khinh nữ” ấy đè bẹp cuộc đời mình. Hãy xóa ngay cái quan niệm dốt nát “ bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (bất hiếu ba tội, không con lớn nhất).
- Và, cuối cùng, phụ nữ có quyền "bình đẳng" hưởng thụ cái mà đàn ông coi như đương nhiên “năm thê bảy thiếp”, biến tướng dưới hình thức bia ôm, karaoke, mát-xa tươi mát? Tôi xin không có thêm ý kiến.
Chỉ nêu ra ý kiến của học giả Phan Khôi nói về bà Võ Hậu.
“Tục An Nam ta, người đàn bà nào mà hanh hao, lang dâm trắc nết, thì thường bị người ta mắng là “đồ Võ hậu”….“Các ông vua nhốt trong cung đến những mấy ngàn đàn bà, hoang dâm vô độ, ấy là cái quyền của các ổng. Vậy thì bà vua Võ hậu chọn cung nhân bằng đàn ông để mua vui trong lúc “vạn cơ chi hạ”, cũng là cái quyền của bả. Như nói Võ hậu làm như vậy là thương luân bại lý, thì các ông vua làm như kia cũng như thương luân bại lý. Không trách thì thôi; đã trách thì nên trách hết thảy”.

RAU SẠCH VÀ SỨC KHỎE NGƯỜI DÂN

Sạch đối nghịch với bẩn, thực phẩm sạch đối nghịch thực phẩm bẩn, nghe có vẻ bất ổn. Rau bẩn hiểu như rau chưa rửa sạch, trong khi người ta muốn nói đó là rau có hoá chất lạ, nguy hiểm.


Chưa bao giờ trong quá khứ, việc ăn uống khiến người ta lo ngại như ngày nay: sạch và không sạch (độc hại). Có biết bao tin tức về thực phẩm tẩm hoá chất bảo quản, tạo màu, tạo mùi trên truyền thông. Và cũng chưa bao giờ có một cuộc tổng điều tra, qui mô toàn nước, xem thử, trong từng loại thức ăn bày bán ở chợ, ở quán, ở trên bàn ăn của người dân, có chất nào hại, chất nào không, cái nào ăn được, cái nào cần tránh, cũng như đề xuất các biện pháp khắc phục.


Hãy là người tiêu dùng thông thái. Người ta khuyên người dân đại loại cái câu kinh viện như thế. Chấm hết.

Tôi có biết một người quen chuyên sản xuất cải con cho một siêu thị lớn có tiếng ở quận 12, Sài Gòn, mỗi ngày vài chục kí lô. Sản phẩm sẽ được thử (test) hằng ngày. Phát hiện có chất bảo vệ thực vật, bất cứ loại có hay không phép sử dụng, rau sẽ bị trả về, và người cung cấp sẽ không bao giờ có dịp bán rau cho họ nữa. Rau trồng trong điều kiện không có sâu bướm bằng cách giăng lưới bao bọc, và đất sạch tự nhiên.
Người tiêu dùng sẽ an tâm khi mua rau sạch của họ. Nhưng có bao nhiêu siêu thị như thế? Và có bao nhiêu người dân đi mua ở siêu thị?
Có vị lãnh đạo trong quá khứ băn khoăn: sự phát triển đất nước dường như người nghèo bỏ lại bên lề ( Võ Văn Kiệt?). Tôi không rõ đúng sai. Nhưng tôi biết chắc, về an toàn thực phẩm, những người nghèo chịu thiệt thòi nhất. Nông thôn, thị trấn, kể cả thành phố nhỏ, có siêu thị kiểm tra thực phẩm như tôi đã nói? Không khó để có câu trả lời.
Có nghiên cứu y khoa nào chính thức cho thấy, loại thực phẩm nào, có hoá chất nào bên trong, có thể gây bệnh tật- ung thư chẳng hạn- người dân được khuyến cáo? Và bằng cách nào người dân biết thực phẩm “bẩn “ ấy để mà tránh? Nhà chức trách có biện pháp quyết liệt nào, khi phát hiện kẻ cố ý vì lợi nhuận mà đưa chất gây hại vào thức ăn?
Xuân thu nhị kì, quốc hội cứ đến hẹn lại họp. Có bao giờ “rau sạch “ là đề tài ngang hàng với “tầm nhìn” năm 2045, VN giàu nức nở, nằm trên bàn hội nghị đại biểu của nhân dân? Hay, rau sạch chẳng phải đề tài quan trọng vì các đại biểu chưa hề ăn rau “bẩn”?
Ở phạm vi quốc gia, hy vọng, tầm nhìn, hoài bão...tất cả là ước mong chính đáng của mỗi người dân VN. Nhưng rau sạch có mặt mỗi ngày trong hy vọng, tầm nhìn, hoài bão của quan chức chắc chắn sẽ là hồng phúc còn to lớn triệu lần các cô cậu “hồng phúc “ có kẻ đang hi vọng phục vụ tốt quốc gia.

NGÀY 8/3: BÌNH ĐẲNG GIỚI TÍNH CÓ BÌNH ĐẲNG HƯỞNG THỤ?



Trong bài Trả lời cho mấy vị độc giả hỏi về bài Thân oan cho Võ hậu, năm 1930, học giả Phan Khôi có thể là người đầu tiên trong giới học thuật mạnh mẽ bảo vệ nữ quyền khi bênh vực nhân vật bị lịch sử Trung Hoa phỉ báng Võ Tắc Thiên. Ông viết: “…Tôi thấy đàn ông có làm vua, tôi mới hỏi: sao đàn bà lại không được làm vua? Tôi thấy “vua đực” có nhiều cung phi mỹ nữ, tôi mới hỏi: sao “vua cái” lại không được có nhiều cung phi mỹ nam?”.
Học tập theo tiền bối người Quảng Nam, tôi xin mạn đàm về Quyền phụ nữ ở đâu trong vấn đề hưởng thụ?
Ngày nay, Việt Nam đi một bước rất xa trong việc bảo vệ nữ quyền. Ngoài các quyền công dân như bầu cử và ứng cử, làm việc trong các cơ quan chính quyền, phụ nữ còn được hưởng những quyền - tôi thấy rất tiến bộ và rất nhân văn - trong đó có quyền sinh con mà không phải có chồng, miễn là không lấy…chồng người khác (có trời mới biết).
Phụ nữ Việt Nam sẽ hạnh phúc hơn nếu biết ở một số nước, khi đi khỏi nhà, họ phải có người giám hộ đi kèm như cha hoặc chồng (nước giàu đấy nhé). Phụ nữ Việt Nam cũng sẽ cảm thấy tự do nếu biết, ở đó, đàn bà không được đi xe đạp; cúi người đạp xe, cặp mông khêu gợi sẽ phổng phao thêm: “nguy hiểm” cho người nhìn là đàn ông. Tất nhiên, chị em chúng ta ra đường ăn bận mát trời, có thể hở chỗ nào cũng được, miễn không hở hai chỗ trọng đại trên cơ thể, khiến tai nạn giao thông có thể gây ra cho mấy ông chạy xe mà mắt sắc như dao cạo.
Nhưng có mấy ai – tôi nói phụ nữ - la cà quán nhậu, karaoke, tiệm cà phê, có khi từ trưa chí tối, trong lúc các đức ông chồng ngồi bên mâm cơm mỏi mắt trông vợ về, cùng ăn với chồng con? Có không? Xin thưa: NO.
“Cảnh” như thế là “thường tình” đối với đàn ông và cũng “đương nhiên” đối với phụ nữ. Như vậy, phụ nữ có bình đẳng với nam giới về hưởng thụ vật chất hay không? Tôi không khuyến khích “ông sao tôi vậy” hay “ông ăn chả bà ăn nem” . Tôi muốn nói cánh mày râu: có khi nào quí vị biết ơn cái “bất bình đẳng” ấy không? Quí vị (một số) xem đó là chuyện tự nhiên, và trớ trêu thay, phụ nữ (một số) cũng nghĩ đó cũng là tự nhiên: vợ thì ai chả thế.
Tôi thấy ông trời cũng bất công khi nắn ra con người. Đàn ông thường có nhiều thú vui hơn phụ nữ. Không rõ nhờ đóng góp nhiều cho nhân loại mà đàn ông có nhiều biệt đãi? Họ uống rượu, hút thuốc, đánh bạc, chơi cờ, và cả chuyện “gái gú” trong khi phụ nữ xem những thứ ấy chỉ dành cho…đàn ông. Việc của họ là: đẻ con, chăm con, chăm luôn cả ông chồng nhiều biệt đãi kia.
Không khác ý kiến cụ Phan về ông vua và bà vua, phụ nữ sẽ bị xã hội phê phán nếu: hút thuốc, uống rượu, đánh bạc, chơi cờ, và “trai gú” (đối lại gái gú), nghĩa là muốn “bình đẳng” như đàn ông trong vấn đề thụ hưởng thú vui cuộc sống.
Phụ nữ phương Tây đi đầu trong vấn đề giải phóng chính họ. Bị quấy rối tình dục, người vợ có thế thưa chồng ra cảnh sát. Người vợ Việt Nam có thường thưa ra pháp luật người chồng ngược đãi họ?
Tôi từng đọc tin, cách đây mấy năm, người vợ bị chồng đánh bảy lần, lần nào cũng nằm bịnh viện vì thương tật, lúc gãy tay, lúc gãy giò, lúc vỡ đầu, lúc rách trán…Hội phụ nữ đề nghị người vợ bất hạnh li dị, bà trả lời, tỉnh bơ: “Không, tôi không thể bỏ ông ấy. Chỉ khi say rượu, ông mới đánh đập tôi. Bình thường, ông ấy là người rất hiền lành”. Có thể người chồng hiền lành nhưng cũng có thể có một lý do khác, thầm kín hơn, tôi không tiện suy đoán ra đây, người vợ bị đánh đập tàn nhẫn vẫn gắn bó ông chồng độc ác.
Tôi có đọc đâu đó, có một số thống kê lý do các cặp li dị. Nào là nghèo khổ, cha mẹ đôi bên thúc ép, bị chồng đánh đập, không sinh đẻ được, xung đột tính tình, và ngoại tình…Trước khi ly dị thường có thời gian ly thân. Hầu như bảy mươi phần trăm các cặp hôn nhân đó không tiến tới ly dị, nếu người phụ nữ cảm thấy hòa hợp chăn gối với chồng.
Tôi không rõ sự chính xác của thống kê nhưng tôi rất rõ: phụ nữ mong thỏa mãn tính dục, một việc rất dễ dàng đối với đàn ông.
Trong nhiều cuộc luận đàm nơi bàn nhậu (rượu vào lời ra mà), tôi nghe quí ông đều khoe khoang họ rất mạnh mẽ về khoảng chăn gối. Tôi không rõ có thực vậy không nhưng tôi nhiều lần được các bạn nam khoe ảnh người tình, gọi là đơ-di-em buy-rô (phòng nhì – bồ nhí). Tất nhiên bạn tôi đều có vợ con đề huề, con cái thành đạt, công danh không phải thua kém ai. (Số bạn này là ít, không phải tất cả).
Nếu những người phụ nữ đi nhậu và khoe ảnh của bồ nhí với bạn nhậu, quí vị sẽ đánh giá thế nào? Ấy là tôi hỏi quí ông. Tôi không đi sâu phê phán hiện tượng này. Tôi muốn nói, sự thỏa mãn tình dục – một nhu cầu cần thiết cho tâm lý, quan trọng như ăn như uống - nam giới hay nữ giới không thể như nhau?
Đàn ông không vừa ý chăn gối (rất ít khi) có quyền bày tỏ còn nữ giới “cùng hoàn cảnh” không được biểu lộ, hay đúng hơn, không dám biểu lộ. Xã hội Việt Nam – ngay cả một số nước phương Tây – cũng còn cái nhìn khắt khe về vấn đề này.
Khát nước, kẻ được uống thỏa thê, kẻ mới ngụm chưa tới một hớp thì nước…hết, và phụ nữ lấy việc “bất bình đẳng” ấy làm sức “chịu đựng” của mình. Nhiều lần cơm không lành, canh không ngọt, có ai biết, một trong những lý do thầm kín lại là sự “bất bình đẳng” ấy kéo dài, lần này sang lần khác, ngày này sang ngày khác, thậm chí tháng này sang tháng khác.
Tôi đi xa hơn tiền bối Phan Khôi trong vấn đề “nữ quyền”?
Vấn đề tôi muốn kết luận theo ý tưởng của tiền nhân: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”, điều ta không muốn thì cũng đừng làm cho người. Trong phạm vi “tế nhị” này, tôi diễn nôm: quí ông không muốn “bí bách” gối chăn thì quí ông cũng không làm điều đó với người phối ngẫu, người phụ nữ.
Vợ chồng hay trai gái hạnh phúc nhờ hòa hợp tinh thần và thể xác, không nhất thiết đàn ông phải uống rượu Minh Mạng thang hay cậy đến Viagra thần dược. Chỉ cần hiểu phụ nữ là đủ rồi. Con người ai cũng bị chi phối bởi qui luật. Nắm qui luật thì mọi sự trôi tròn. Củi to hay củi bé, thậm chí là rơm, cỏ, nếu biết cách nấu cơm thì cơm nào cũng sôi, cũng chín. Không biết nấu, cứ ỷ vào củi bự, củi to, đun hết cây này tới cây khác, cơm có thể cháy hoặc khê. Cơm nấu không chín thì đáng trách thay.
Bình đẳng trong hưởng thụ không có nghĩa “ông sao tui vậy” hay “ông ăn chả thì bà ăn nem”. Bình đẳng là hiểu nhau, hiểu nhau để bình đẳng. Đó là mục đích status này. Bài viết nghiêm túc. Xin đừng nghĩ người viết gần 70 mà như “ông già mất nết”.

MỸ CHUẨN BỊ CHIẾN TRANH VỚI TÀU NHƯ THẾ NÀO

(How the US military is preparing for a war with China)

“Các mục tiêu ‘ngon ăn’ bao gồm các đảo nhân tạo ở Biển Đông”
James Stavridis Đô đốc hải quân, cựu chỉ huy trưởng tối cao, lực lượng liên minh NATO; hiệu trưởng trường Luật và Ngoại giao, viện đại học Tuft, Hoa Kỳ.
Bài đăng trên tờ Nikkei Ngày 7 tháng 3, 2021



Tờ The Longer Telegram của NATO đưa ra một kế hoạch toàn diện với một chiến lược mà Hoa Kỳ theo đuổi để đối phó với Trung Quốc, gồm một số điểm mấu chốt trong việc bố trí lực lượng Mỹ ở vùng Đông Á.
Liệu chính quyền mới của Biden có hoàn toàn chấp nhận lập trường tích cực của báo cáo hay không vẫn còn phải trông chờ, nhưng các yếu tố ấy đang được xem xét nghiêm túc. Chắc chắn, đội ngũ mới ở Ủy ban an ninh quốc gia, do Kurt Campbell đầy uy tín dẫn dắt, cộng với các chuyên gia lão luyện về châu Á, sẽ xem xét rất nhiều lựa chọn cho một cấu trúc quân sự đảm nhận một vị thế chiến lược toàn diện.
Trong các yếu tố chính để cấu trúc quân sự là một loạt “các lằn ranh đỏ”, Hoa Kỳ sẽ đáp trả bằng quân sự.
Đó là: “Hành động chống lại Hoa Kỳ, đồng minh Hoa Kỳ, bằng vũ khí hạt nhân, hóa học, sinh học từ Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên; bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào của TQ chống lại Đài Loan hoặc đảo ngoài khơi của họ, kể cả phong tỏa kinh tế hoặc tấn công mạng vào tổ chức, cơ sở hạ tầng công cộng của Đài Loan; bất kỳ cuộc tấn công nào của TQ vào lực lượng Nhật Bản khi họ thực hiện quyền bảo vệ chủ quyền nước Nhật đối với quần đảo Senkaku, TQ gọi là Điếu Ngư Đài, cũng như vùng đặc quyền kinh tế vùng Biển Hoa Đông; bất kỳ hành động thù nghịch nào của Trung Quốc chiếm thêm và quân sự hóa các đảo ở biển Đông, có mục đích triển khai sức mạnh quân sự chống lại các nước cùng tuyên bố chủ quyền, hoặc ngăn cản tự do lưu thông hàng hải của Hoa Kỳ và lực lượng đồng minh; và bất kỳ cuộc tấn công nào của TQ chống lại lãnh thổ cũng như công trình quân sự của các đồng minh có ký kết với Hoa Kỳ”.  


Tại tổng hành dinh Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, các đội ngũ điều hành chiến lược, chiến thuật đang tập họp các biện pháp triển khai các lực lượng Hoa Kỳ. Các quyết định mới này sẽ được đệ trình lên Ngũ Giác Đài, một phần của công việc “tái duyệt tình huống” tổng thể đang được tân bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin tiếp nhận. Chuyện gì nổi lên?
Một chọn lựa là vai trò nâng cao của Thủy quân lục chiến Mỹ, nhìn lại vai trò lịch sử hoạt động rộng khắp, kể từ trước sự kiện 11/9, ở Thái Bình Dương, trở về đệ nhị thế chiến. Dưới sự chỉ huy tài ba và năng động của tư lệnh Thủy quân lục chiến Dave Berger, đã không còn việc dàn quân quá lớn, trang bị xe bọc thép quá nhiều, và chiến thuật “đánh nhau mãi” trên đất liền như từng thấy ở Trung Đông.
Thay vào đó, trong bối cảnh của một chiến lược Hoa Kỳ đối phó Trung Quốc, Thủy quân lục chiến sẽ tuyệt đối dựa vào biển, dễ dàng xâm nhập Biển Đông, nằm sâu bên trong các dãy đảo mà Trung Quốc dựa vào đó để phòng thủ. Một khi lọt vào đó, họ sẽ sử dụng máy bay quân sự không người lái (drone), các thiết bị tấn công mạng, Marine Raiders – lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ - hỏa tiễn phòng không, và cả các vũ khí diệt hạm để tấn công lực lượng hải quân Trung Quốc, ngay cả trên đất liền nơi đặt căn cứ tác chiến. Lấy ví dụ, các đảo nhân tạo quân sự hóa của TQ sẽ là mục tiêu dễ tiêu diệt ở Biển Đông. Về bản chất, đây có thể ví như một cuộc chiến tranh “du kích” trên biển.
Ngoài biện pháp chiến thuật tác chiến của thủy quân lục chiến, hải quân Hoa Kỳ sẽ thực hiện nhiều cuộc tuần tra táo bạo hơn, đi qua những vùng biển ngoài khơi Trung Quốc. Một số người sẽ nói đây không khác chi một hành động quân sự “gãi ngứa”. Nhưng ý tưởng chiến lược thật rõ ràng: dần dần lôi kéo các tàu chiến đồng minh tự do tuần tra hàng hải đầy thách thức này. Làm như thế đồng nghĩa với quốc tế hóa việc đánh bạt tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đặc biệt là, Ngũ Giác Đài hi vọng sẽ lôi kéo các đồng minh NATO như Anh, Pháp vào nỗ lực đó. Thực sự, cuộc họp cấp bộ trưởng quốc phòng mới đây ở Bỉ có bàn bạc vai trò của Liên Minh khối NATO trong sự đối mặt khả năng quân sự đang nổi lên của Trung Quốc. Theo thời gian, Hoa Kỳ sẽ thuyết phục Úc, Tân Tây Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Hàn, Singapore, và Việt Nam tham giao vào những sắp xếp như thế. Tư thế chiến lược hàng hải toàn diện của Hoa Kỳ buộc họ phải tạo ra sự hợp tác hàng hải quốc tế để đối mặt với những lực lượng ngày càng tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Trung Quốc.
Ngoài các hoạt động hỗ trợ trên biển, không quân Mỹ có thể sẽ đưa các máy bay chiến đấu và oanh tạc cơ hoạt động tầm xa đến các căn cứ ở Thái Bình Dương nằm rải rác khắp châu Á, cả các vị trí xa xôi trên các đảo nhỏ. Các “nan hoa” như thế sẽ được hỗ trợ từ các căn cứ lớn hơn ở Guam, Nhật, Úc và Nam Hàn. Ý tưởng - goi là Công tác chiến đấu linh hoạt - mang lại tính cơ động cao cho sức mạnh tập trung cả máy bay chiến đấu lẫn máy bay cường kích đang bố trí trong vùng.
Sau cùng, bộ binh Mỹ sẽ tăng cường sức chiến đấu, tính cơ động, triển khai các đơn vị tiên phong, bảo đảm các lằn đỏ tờ báo nêu ra, bao gồm các căn cứ nâng cấp tại Nam Hàn và Nhật Bản, có thể dễ dàng bố trí đến tận những hòn đảo nhỏ rải rác khắp khu vực.
Cùng lúc, cả bộ binh lẫn không quân đều có điều kiện bổ sung huấn luyện và tập trận thêm với quân đội Đài Loan. Đặt trọng tâm vào Lực lượng không gian Hoa Kỳ, chú tâm tình báo và do thám thực địa, phối hợp cùng cơ quan An ninh quốc gia.
Gom cả lại, có vẻ khá rõ ràng quân đội Mỹ đang tiến tới việc khẳng định sự hiện diện và khả năng tác chiến của mình ở Tây Thái Bình Dương, sẵn sàng đối phó xung đột với Trung Quốc trong nhiều thập niên tới.
Tờ The Longer Telegram cung cấp một chỉ dấu quan trọng cho các chọn lựa mà Ngũ Giác Đài và Tòa Bạch Ốc đang xem xét như là bộ phận của một chiến lược mới, đối diện với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Hi vọng rằng, chính sách ngoại giao khéo léo và sự đan xen kinh tế của hai cường quốc sẽ loại trừ bùng nổ một cuộc chiến tranh – nhưng đối với các nhà hoạch định chiến lược Mỹ, đây là những tháng ngày tất bật.
Nguyễn Long Chiến dịch.
Ảnh:
1-Đường băng và các công trình xây dựng trên đảo bồi đắp trong quần đảo Trường Sa. Ảnh chụp tháng 4 năm 2017 của AP.
2-Thủy quân lục chiến Mỹ tham gia tập trận tấn công thủy bộ ở Chonburi, Thailand, tháng giêng năm 2020. Thủy quân lục chiến có căn cứ trên biển và có khả năng di chuyển vào Biển Đông. © Sipa/AP