(How the US military is preparing for a war with China)
“Các mục tiêu ‘ngon ăn’ bao gồm các đảo nhân tạo ở Biển Đông”
James Stavridis Đô đốc hải quân, cựu chỉ huy trưởng tối cao, lực lượng liên minh NATO; hiệu trưởng trường Luật và Ngoại giao, viện đại học Tuft, Hoa Kỳ.
Bài đăng trên tờ Nikkei Ngày 7 tháng 3, 2021
Tờ The Longer Telegram của NATO đưa ra một kế hoạch toàn diện với một chiến lược mà Hoa Kỳ theo đuổi để đối phó với Trung Quốc, gồm một số điểm mấu chốt trong việc bố trí lực lượng Mỹ ở vùng Đông Á.
Liệu chính quyền mới của Biden có hoàn toàn chấp nhận lập trường tích cực của báo cáo hay không vẫn còn phải trông chờ, nhưng các yếu tố ấy đang được xem xét nghiêm túc. Chắc chắn, đội ngũ mới ở Ủy ban an ninh quốc gia, do Kurt Campbell đầy uy tín dẫn dắt, cộng với các chuyên gia lão luyện về châu Á, sẽ xem xét rất nhiều lựa chọn cho một cấu trúc quân sự đảm nhận một vị thế chiến lược toàn diện.
Trong các yếu tố chính để cấu trúc quân sự là một loạt “các lằn ranh đỏ”, Hoa Kỳ sẽ đáp trả bằng quân sự.
Đó là: “Hành động chống lại Hoa Kỳ, đồng minh Hoa Kỳ, bằng vũ khí hạt nhân, hóa học, sinh học từ Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên; bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào của TQ chống lại Đài Loan hoặc đảo ngoài khơi của họ, kể cả phong tỏa kinh tế hoặc tấn công mạng vào tổ chức, cơ sở hạ tầng công cộng của Đài Loan; bất kỳ cuộc tấn công nào của TQ vào lực lượng Nhật Bản khi họ thực hiện quyền bảo vệ chủ quyền nước Nhật đối với quần đảo Senkaku, TQ gọi là Điếu Ngư Đài, cũng như vùng đặc quyền kinh tế vùng Biển Hoa Đông; bất kỳ hành động thù nghịch nào của Trung Quốc chiếm thêm và quân sự hóa các đảo ở biển Đông, có mục đích triển khai sức mạnh quân sự chống lại các nước cùng tuyên bố chủ quyền, hoặc ngăn cản tự do lưu thông hàng hải của Hoa Kỳ và lực lượng đồng minh; và bất kỳ cuộc tấn công nào của TQ chống lại lãnh thổ cũng như công trình quân sự của các đồng minh có ký kết với Hoa Kỳ”.
Tại tổng hành dinh Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, các đội ngũ điều hành chiến lược, chiến thuật đang tập họp các biện pháp triển khai các lực lượng Hoa Kỳ. Các quyết định mới này sẽ được đệ trình lên Ngũ Giác Đài, một phần của công việc “tái duyệt tình huống” tổng thể đang được tân bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin tiếp nhận. Chuyện gì nổi lên?
Một chọn lựa là vai trò nâng cao của Thủy quân lục chiến Mỹ, nhìn lại vai trò lịch sử hoạt động rộng khắp, kể từ trước sự kiện 11/9, ở Thái Bình Dương, trở về đệ nhị thế chiến. Dưới sự chỉ huy tài ba và năng động của tư lệnh Thủy quân lục chiến Dave Berger, đã không còn việc dàn quân quá lớn, trang bị xe bọc thép quá nhiều, và chiến thuật “đánh nhau mãi” trên đất liền như từng thấy ở Trung Đông.
Thay vào đó, trong bối cảnh của một chiến lược Hoa Kỳ đối phó Trung Quốc, Thủy quân lục chiến sẽ tuyệt đối dựa vào biển, dễ dàng xâm nhập Biển Đông, nằm sâu bên trong các dãy đảo mà Trung Quốc dựa vào đó để phòng thủ. Một khi lọt vào đó, họ sẽ sử dụng máy bay quân sự không người lái (drone), các thiết bị tấn công mạng, Marine Raiders – lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ - hỏa tiễn phòng không, và cả các vũ khí diệt hạm để tấn công lực lượng hải quân Trung Quốc, ngay cả trên đất liền nơi đặt căn cứ tác chiến. Lấy ví dụ, các đảo nhân tạo quân sự hóa của TQ sẽ là mục tiêu dễ tiêu diệt ở Biển Đông. Về bản chất, đây có thể ví như một cuộc chiến tranh “du kích” trên biển.
Ngoài biện pháp chiến thuật tác chiến của thủy quân lục chiến, hải quân Hoa Kỳ sẽ thực hiện nhiều cuộc tuần tra táo bạo hơn, đi qua những vùng biển ngoài khơi Trung Quốc. Một số người sẽ nói đây không khác chi một hành động quân sự “gãi ngứa”. Nhưng ý tưởng chiến lược thật rõ ràng: dần dần lôi kéo các tàu chiến đồng minh tự do tuần tra hàng hải đầy thách thức này. Làm như thế đồng nghĩa với quốc tế hóa việc đánh bạt tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đặc biệt là, Ngũ Giác Đài hi vọng sẽ lôi kéo các đồng minh NATO như Anh, Pháp vào nỗ lực đó. Thực sự, cuộc họp cấp bộ trưởng quốc phòng mới đây ở Bỉ có bàn bạc vai trò của Liên Minh khối NATO trong sự đối mặt khả năng quân sự đang nổi lên của Trung Quốc. Theo thời gian, Hoa Kỳ sẽ thuyết phục Úc, Tân Tây Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Hàn, Singapore, và Việt Nam tham giao vào những sắp xếp như thế. Tư thế chiến lược hàng hải toàn diện của Hoa Kỳ buộc họ phải tạo ra sự hợp tác hàng hải quốc tế để đối mặt với những lực lượng ngày càng tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Trung Quốc.
Ngoài các hoạt động hỗ trợ trên biển, không quân Mỹ có thể sẽ đưa các máy bay chiến đấu và oanh tạc cơ hoạt động tầm xa đến các căn cứ ở Thái Bình Dương nằm rải rác khắp châu Á, cả các vị trí xa xôi trên các đảo nhỏ. Các “nan hoa” như thế sẽ được hỗ trợ từ các căn cứ lớn hơn ở Guam, Nhật, Úc và Nam Hàn. Ý tưởng - goi là Công tác chiến đấu linh hoạt - mang lại tính cơ động cao cho sức mạnh tập trung cả máy bay chiến đấu lẫn máy bay cường kích đang bố trí trong vùng.
Sau cùng, bộ binh Mỹ sẽ tăng cường sức chiến đấu, tính cơ động, triển khai các đơn vị tiên phong, bảo đảm các lằn đỏ tờ báo nêu ra, bao gồm các căn cứ nâng cấp tại Nam Hàn và Nhật Bản, có thể dễ dàng bố trí đến tận những hòn đảo nhỏ rải rác khắp khu vực.
Cùng lúc, cả bộ binh lẫn không quân đều có điều kiện bổ sung huấn luyện và tập trận thêm với quân đội Đài Loan. Đặt trọng tâm vào Lực lượng không gian Hoa Kỳ, chú tâm tình báo và do thám thực địa, phối hợp cùng cơ quan An ninh quốc gia.
Gom cả lại, có vẻ khá rõ ràng quân đội Mỹ đang tiến tới việc khẳng định sự hiện diện và khả năng tác chiến của mình ở Tây Thái Bình Dương, sẵn sàng đối phó xung đột với Trung Quốc trong nhiều thập niên tới.
Tờ The Longer Telegram cung cấp một chỉ dấu quan trọng cho các chọn lựa mà Ngũ Giác Đài và Tòa Bạch Ốc đang xem xét như là bộ phận của một chiến lược mới, đối diện với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Hi vọng rằng, chính sách ngoại giao khéo léo và sự đan xen kinh tế của hai cường quốc sẽ loại trừ bùng nổ một cuộc chiến tranh – nhưng đối với các nhà hoạch định chiến lược Mỹ, đây là những tháng ngày tất bật.
Nguyễn Long Chiến dịch.
Ảnh:
1-Đường băng và các công trình xây dựng trên đảo bồi đắp trong quần đảo Trường Sa. Ảnh chụp tháng 4 năm 2017 của AP.
2-Thủy quân lục chiến Mỹ tham gia tập trận tấn công thủy bộ ở Chonburi, Thailand, tháng giêng năm 2020. Thủy quân lục chiến có căn cứ trên biển và có khả năng di chuyển vào Biển Đông. © Sipa/AP