Sạch đối nghịch với bẩn, thực phẩm sạch đối nghịch thực phẩm bẩn, nghe có vẻ bất ổn. Rau bẩn hiểu như rau chưa rửa sạch, trong khi người ta muốn nói đó là rau có hoá chất lạ, nguy hiểm.
Hãy là người tiêu dùng thông thái. Người ta khuyên người dân đại loại cái câu kinh viện như thế. Chấm hết.
Người tiêu dùng sẽ an tâm khi mua rau sạch của họ. Nhưng có bao nhiêu siêu thị như thế? Và có bao nhiêu người dân đi mua ở siêu thị?
Có vị lãnh đạo trong quá khứ băn khoăn: sự phát triển đất nước dường như người nghèo bỏ lại bên lề ( Võ Văn Kiệt?). Tôi không rõ đúng sai. Nhưng tôi biết chắc, về an toàn thực phẩm, những người nghèo chịu thiệt thòi nhất. Nông thôn, thị trấn, kể cả thành phố nhỏ, có siêu thị kiểm tra thực phẩm như tôi đã nói? Không khó để có câu trả lời.
Có nghiên cứu y khoa nào chính thức cho thấy, loại thực phẩm nào, có hoá chất nào bên trong, có thể gây bệnh tật- ung thư chẳng hạn- người dân được khuyến cáo? Và bằng cách nào người dân biết thực phẩm “bẩn “ ấy để mà tránh? Nhà chức trách có biện pháp quyết liệt nào, khi phát hiện kẻ cố ý vì lợi nhuận mà đưa chất gây hại vào thức ăn?
Xuân thu nhị kì, quốc hội cứ đến hẹn lại họp. Có bao giờ “rau sạch “ là đề tài ngang hàng với “tầm nhìn” năm 2045, VN giàu nức nở, nằm trên bàn hội nghị đại biểu của nhân dân? Hay, rau sạch chẳng phải đề tài quan trọng vì các đại biểu chưa hề ăn rau “bẩn”?
Ở phạm vi quốc gia, hy vọng, tầm nhìn, hoài bão...tất cả là ước mong chính đáng của mỗi người dân VN. Nhưng rau sạch có mặt mỗi ngày trong hy vọng, tầm nhìn, hoài bão của quan chức chắc chắn sẽ là hồng phúc còn to lớn triệu lần các cô cậu “hồng phúc “ có kẻ đang hi vọng phục vụ tốt quốc gia.