Tuesday, October 8, 2024

ĐƯỜNG SẮT CAO TỐC

Phải làm. Đó nên là quyết tâm. Vì sao? Không lẽ cả trăm năm nay, chúng ta chỉ thừa hưởng di sản của thực dân Pháp? Đáng ra, sau ngày thống nhất đất nước, VN phải xúc tiến giao thông hai miền bằng một đường ray xe lửa nữa. Lưu thông càng thuận tiện, đời sống các miền của đất nước càng nâng cao.

Đặc điểm địa hình đất nước nghiêng về chiều dài mà hẹp về chiều rộng. Hai đường sắt: Một ra, một vào, kinh tế hai miền sẽ dễ dàng san sẻ cho nhau. Nhưng thôi, đó là quá khứ. Hãy để cho nó qua.

Hiện tại phải có thêm đường sắt – cao tốc càng quý. Nhưng là loại “cao tốc” nào? Trước đây, có ý kiến: Đường sắt tốc độ 200 km/giờ chở người; 120 km/g chở hàng. Đây là đề xuất của bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Hội đồng thẩm định Nhà nước. Lập luận bây giờ: Với đường sắt tốc độ 320 km/giờ (thực tế chạy chỉ khoảng 250 đến 260km), “…người dân có thể ăn sáng ở Hà Nội, ăn tối ở thành phố HCM, cạnh tranh với máy bay, đi tắt đón đầu, không bị lạc hậu, ngang bằng các nước tiên tiến”.

Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, người ta “quên đi”: Vận tải hàng không, vận tải đường sắt hỗ trợ mà không cạnh tranh lẫn nhau. Đường sắt tốc độ cao (320km/g) thì 10 người chỉ có 1 người đủ tiền mua vé (dự tính bằng 70% giá vé máy bay), trong khi đường sắt tốc độ cao 200km/g chở khách, 120 km/g chở hàng giúp cho 70 triệu dân nông thôn đi lại, nông sản không bị thối rữa, chi phí thấp, vận chuyển nhanh, tạo lợi thế cạnh tranh.  

Ông còn nói thêm: Gánh nặng cho đường sắt 320km/g là 70 tỷ đô la, chưa biết lúc nào vận hành toàn bộ, chưa biết lúc nào cắt lỗ, không giúp gì cho vận tải hàng hóa cũng như vận tải quốc phòng. Đường sắt (tốc độ 200km/g chở khách; 120 km/g chở hàng) thì 10 năm sau sẽ đưa vào vận hành, không bị lỗ.

Nói “để bắt kịp thế giới” (đi tắt đón đầu), tiến sĩ Chu lập luận: “Đường sắt cao tốc tốc độ 320 km/h không thể cho Việt Nam bắt kịp được các nước tiên tiến. Khi đường sắt cao tốc tốc độ 320 km/h nếu may mắn hoàn thành được vào năm 2050 ở Việt Nam, thì thế giới đã có đường sắt cao tốc tốc độ 500 – 600 km/h. Việt Nam, một nước không sở hữu nền công nghiệp hiện đại, không sở hữu công nghệ nguồn thì không bao giờ đi đầu, ngang bằng được với các nước tiên tiến”.

Khi đọc những bài báo, nghe những bài nói về sự “ưu việt” của đường sắt tốc độ cao (320 km/g), tôi liên tưởng đến những lập luận trước người nông dân về "tiến nhanh, tiến mạnh" lên hợp tác xã nông nghiệp. Cuộc sống sẽ no đủ. Công bằng được thực thi. Đãi ngộ xứng đáng cho người nông dân chân lấm tay bùn. Và hậu quả hợp tác hóa nông nghiệp - như thế nào ai cũng biết - vẫn không xóa nhòa trong lòng mỗi người cầm cày, cầm cuốc, lúc nào cũng vững một niềm tin theo…

Tôi không muốn so sánh. Thời điểm bây giờ khác xưa. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh chỗ này: Tiền đâu? Mượn. Ai trả? Chắc chắn những người giơ tay biểu quyết đường sắt cao tốc trên 75 tỷ đô la sẽ không còn sống, hay sống cũng già nua lay lắc, ở cái năm đường sắt cao tốc hoàn thành. Con cháu họ (số ít) và con cháu mỗi người dân (hầu hết) sẽ gánh đống nợ to lớn này.

Vì nặng nợ, sẽ không làm đường sắt cao tốc? Không. Phải làm. Nhưng nợ ít hơn. Lợi ích nhanh hơn, nhiều hơn: Đường sắt 200 kmh chở người; 120 km/g chở hàng (từ 20 đến 25 tỷ đô la Mỹ, 10 năm có thể vận hành, theo dự báo của bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Về chuyện nhanh hơn, đường sắt không thể so sánh với đường hàng không. Chưa kể, càng nhiều máy bay, càng ngày giá vé càng cạnh tranh, hạ xuống. Đi xe lửa 700 ngàn (ví dụ), người ta sẽ chọn đi máy bay 1 triệu (căn cứ vào dự đoán của các nhà “tương lai học” trên báo).

Nhưng, điều ấy chưa quan trọng bằng điều này: Liệu cơm gắp mắm. Hãy để một tương lai “ít nợ” mà không phải “đống nợ” cho con cháu.

Dù nợ cũng nên làm đường sắt cao tốc, nhưng “lực phải tòng tâm”. Đến một giai đoạn nào đó, xây dựng một công trình trọng điểm quốc gia sẽ không phải nghĩ đến “liệu cơm gắp mắm”. Khi ấy, chúng ta đã đuổi kịp thế giới vì VN chẳng phải vay nợ cho con cháu trả. Từ NỢ sẽ không nằm trong từ điển phát triển kinh tế. Nợ nần chẳng ám ảnh tâm khảm của những người trẻ tiếp bước cha ông.

Xin đọc thêm ở đây bài viết của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu. https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/3387293434737396

Wednesday, October 2, 2024

BẠN CÓ BIẾT QUẢ TIM THỨ 2, VÀ THỨ 3 LÀ GÌ?

Bài viết rất hữu ích. Tôi (sinh 1952) áp dụng (12 năm nay, từ ngày chữa lành ung thư) và thấy kết quả: da hồng hào, huyết áp 11/7, tim đập từ 60 đến 70, ăn ngủ tốt, tinh thần trong sáng. Lời khuyên về sức khỏe thì hằng hà nhưng đây là lời khuyên vô cùng thiết thực - vì tôi đã áp dụng và đang áp dụng (thay việc xoa vỗ bàn chân, tôi chỉ đi bộ). Sách tôi nhận dịch 1 tháng rưỡi nhưng chỉ 1 tháng là xong. Làm việc liên tục và không mệt mỏi nhờ: để ý đến BA QUẢ TIM như bài viết nói tới. Tôi có bỏ bớt một số đoạn ít thiết yếu để bài ngắn lại (Xin lỗi tác giả).

Của  BS. LV Vĩnh - October 20, 2022

NHỊP ĐẬP CỦA TRÁI TIM THỨ NHẤT

Tất cả mọi người chúng ta hiện đang sống, đang làm việc đều nhờ một trái tim hoạt động trong cơ thể.

Nếu tim bị suy yếu thì tính mạng bị đe dọa hoặc ngừng đập thì ta sẽ chết.

Chúng ta hãy làm một con toán để biết trong cuộc đời chúng ta từ khi sinh ra cho đến lúc nhắm mắt tim đã đập bao nhiêu lần thì sẽ thấy vô cùng kinh khủng, từ đó chúng ta mới thấy thương trái tim chúng ta:

(…)

Trung bình con người sống 70 năm: 37.843.200 x 70 = 2649. 024.000 nhịp.

(2 tỷ sáu trăm bốn mươi chín triệu hai mươi bốn ngàn nhịp đập)

Ôi chao! thật là khủng khiếp.

Một trái tim nhỏ bé của mỗi người trong một cuộc đời lại đập liên tục với số lần như thế.

Biết như thế để ta nên thương cho trái tim nhỏ bé ấy và nên cộng tác giúp đỡ nó trong công việc tống máu đi nuôi cơ thể, đừng để nó bị suy sớm mà nguy hiểm đến tính mạng.

TRÁI TIM THỨ 2:

(…)

Đó chính là CƠ HOÀNH của chúng ta.

Nghe qua thì tất cả ai ai cũng lấy làm lạ và ngạc nhiên nhưng theo sự phân tích của y khoa Tây Y sau đây chúng ta sẽ hiểu rõ vấn đề :

1/ Thở bụng dưới bằng cơ hoành là biện pháp tối ưu nhất giúp cho trái tim thứ nhất đỡ mệt mỏi gắng sức tống máu đi nuôi cơ thể.

Khi hít vào thì phình bụng, cơ hoành hạ thấp xuống làm cho oxygen đến tận cùng màng tim, cơ tim.

Trái tim thứ nhất chỉ cần giãn ra rất nhẹ cũng đủ lấy đầy đủ máu.

2/ Khi thở ra bụng hóp lại, cơ hoành bị đẩy lên trên tối đa ép các mạch máu mạnh nhất giúp cho cơ tim co bóp không gắng sức cũng đủ tống máu đi khắp cơ thể một cách thong thả nhẹ nhàng nhất.

Cơ tim không cần phải làm việc nhiều như khi thở ngực vì ở đây cơ hoành phụ giúp cho sự co bóp trái tim thứ nhất.

Do đó cơ hoành là trợ lý đắc lực nhất cho tim.

3/ Nhờ những tác động đó mà cơ hoành đã chia bớt gánh nặng cho tim và tim sẽ hoạt động bớt lại nên tim sẽ khỏe hơn và tránh được suy yếu theo thời gian.

Vì thế mà cơ hoành được gọi là trái tim thứ 2.

4/ Thở bụng dưới cơ hoành cùng với tim giúp đưa oxygen đến khắp các cơ quan nội tạng vùng bụng bên trong. Khi cơ hoành đưa lên hạ xuống theo nhịp thở là một trạng thái massage đều đặn nội tạng và đưa máu đủ đến gan, la lách, thận, ruột, bàng quang, tử cung, tiền liệt tuyến.v..v… phòng ngừa bệnh ở các tạng này rất hiệu quả.

5/ Giúp chống lại bệnh nhiễm trùng của hệ tiết niệu như thận, bàng quang.

6/ Máu được đưa đầy đủ về vùng chậu như : tử cung, buồng trứng làm giảm các triệu chứng tiền mãn kinh của phụ nữ.

7/ Phổi được co vô và nở ra tối đa, oxy đến phổi đầy đủ nhất nên ngừa được bệnh phổi.

8/ Tiêu hóa : làm tăng chức năng của dạ dày, gan, lá lách nhất là máu đến đầy đủ dạ dày, la lách làm quá trình chuyển hóa thức ăn được dễ dàng và thuận lợi.

9/ Điều hòa thần kinh thực vật do đó huyết áp ổn định.

10/ Khi thở bụng cơ hoành thì sẽ có tác dụng ức chế mọi tạp niệm ở não, chống stress, chống đau, an thần do chất endorphin được tiết ra từ não trong lúc thở bụng.

KẾT LUẬN

Xuyên qua 10 đặc điểm chính đó, ta sẽ thấy cơ hoành xứng đáng là trái tim thứ 2 của cơ thể, chia việc cho trái tim thứ nhất để cho tim khỏe mãi không suy yếu.

Thật vậy ở những người tập luyện thở cơ hoành thì có các đặc điểm sau:

A – Sau một thời gian luyện tập thở cơ hoành, sắc khí của họ hồng hào rõ nhất vì máu đến được tận cùng các tế bào.

B – Nhịp đập của tim giảm lại chỉ còn 60-65 nhịp/phút.

C – Những nhát bóp của tim chắc chắn và mạnh mẽ có nghĩa là co và bóp đúng chất lượng dù cơ tim không cố gắng.

D – Khoảng sau một năm dù trong lúc nghỉ ngơi , họ không còn thở ngực nữa mà đã có phản xạ thở bụng hằng ngày tự nhiên một cách vô thức dù không nghĩ đến thở bụng.

Đó là đích đến thành công nhất trong công việc san sẻ cho trái tim thứ nhất khỏi bị quá tải và suy yếu.

Tóm lại, chúng ta nên thở bụng ngay từ bây giờ ở bất cứ tuổi nào.

Mỗi ngày nên để ra 5-10 phút luyện thở bụng thì sau một thời gian ta sẽ có thở bụng vô thức như đã nói ở trên.

Vô lý 5-10 phút mỗi ngày không có hay sao???

Trừ khi chúng ta lười biếng mà thôi.

Tây Y đã đồng quy với Khí Công trong sự thở bụng để bảo vệ sức khỏe và trái tim nhỏ bé của chúng ta và nên nhớ thở bụng là cứu cánh của khí công nói riêng và y học phương Đông nói chung…

Chúc mọi người ngộ sớm và áp dụng dù ở bất cứ tuổi nào, có bệnh hoặc không bệnh. Điều kỳ diệu sẽ đến với các bạn không lâu…khi các bạn thực hành thở bụng.

QUẢ TIM THỨ BA :

(…)

Đó chính là lòng bàn chân.

Chắc các bạn ngạc nhiên lắm phải không? Xin từ từ đọc những lợi ích của nó về mặt đông tây y thì sẽ rõ.

Về mặt Tây y:

1/ Lòng bàn chân là nơi có nhiều mạch máu, mao mạch ngoại biên nhất, có cả hàng ngàn mao mạch. Nếu máu ở đây được cung cấp tốt thì ta sẽ khỏe hơn và nếu lòng bàn chân được kích thích nhiều thì các mao mạch ở đó sẽ giãn nở, oxygen đến tận cùng tế bào đầy đủ nhất. Kết quả huyết áp sẽ hạ trong chừng mức sinh lý và máu ra ngoại biên nhiều hơn, bệnh tật ít có cơ hội phát triển. Nhất là trái tim đỡ phải tống máu tối đa vì các mao mạch lòng bàn chân giãn nở sẽ làm cho máu tự động đi ra ngoại biên hơn là cần lực tim co bóp mạnh đẩy máu đi đến đó.

2/ Hơn nữa lòng bàn chân ở một vị trí thấp nhất của cơ thể nên các mạch máu ở đây khi giãn nở thì sẽ tạo một lực hút mạnh kéo máu khắp châu thân đi xuống và ra ngoại biên rất đầy đủ mà không cần đến lực bóp nhiều của tim do đó có thể trợ lực cho tim một cách hữu hiệu. Tim không cần phải cố gắng mà chỉ cần những nhát bóp nhẹ nhàng cũng đưa máu ra ngoại biên, tim sẽ khỏe và bền vững với thời gian mà không suy yếu lúc tuổi chưa già hoặc tuổi đã già.

3/ Nếu để cho lòng bàn chân lạnh thì các mạch máu ở đó sẽ co lại càng làm cho oxy không ra đủ ngoại biên và tim phản ứng lại bằng cách tăng cường lực co bóp, lâu ngày sẽ làm tim yếu và suy. Thực hiện ngâm chân nước nóng trước khi đi ngủ ở một vài bài tập dưỡng sinh hay dùng máy sấy tóc sấy ấm lòng bàn chân, cũng là cách làm cho mạch máu ở bàn chân giãn nở giúp đưa máu ra ngoại biên dễ dàng, đó là cách giúp cho trái tim chúng ta đỡ phải làm việc nhiều và cũng giúp tuần hoàn châu thân đầy đủ, oxy có mặt khắp mọi nơi tốt cho sức khỏe.

4/ Những người thôn quê làm ruộng làm rẫy đa số có trái tim khỏe nhất, già 90 tuổi mà tim vẫn mạnh mẽ. Đó là do suốt cuộc đời họ luôn đi chân đất làm ruộng, rẫy, lòng bàn chân họ dẫm lên đá, sỏi và mặt đất đủ mọi địa hình. Vô tình kích thích lòng bàn chân một cách tự nhiên và kết quả giúp cho trái tim như đã nói ở trên.

5/ Ở thành phố, luôn mang giầy, dép nên lòng bàn chân không được kích thích, họ đành phải tập mỗi đêm đi trên sỏi đá bằng chân trần, ngâm chân nước nóng hay đấm vỗ, massage... để tạo kích thích như đã nói.

Về mặt ĐÔNG Y:

1. Lòng bàn chân là nơi chứa các huyệt đạo đại diện cho toàn thể cơ quan nội tạng trong cơ thể. Chúng ta sẽ giật mình khi thấy sơ đồ cơ quan nội tạng dưới lòng bàn chân là một cửa ngỏ của cơ thể rất ư là quan trọng mà lâu nay chúng ta thường hay bỏ qua.

2. đi xuống chân là phải qua lòng bàn chân.

3. Muốn các cơ quan tim, phổi, gan, lách, dạ dày, tai mũi họng, ruột, thận, tử cung, buồng trứng, dịch hoàn, não..v..v…khỏe mạnh thì phải chú ý đến lòng bàn chân. Phải kích thích nó để đả thông nội tạng mà khi nội tạng được đả thông thì lưu lượng máu đến cơ quan càng nhiều và đầy đủ do chính sức hút của các cơ quan nội tạng đó mà không cần tim phải dùng sức bóp nhiều. Từ đó tim được thư giãn, hoạt động nhẹ nhàng cũng làm đủ chức năng của nó nên không bị suy yếu theo thời gian.

4. Thực hành ở lòng bàn chân thế nào cho hiệu quả ? Đó là mỗi ngày nên để ra 3-5 phút theo thứ tự: ĐẤM – VỖ - XOA

- ĐẤM: khắp cả mỗi lòng bàn chân không sót một chỗ nào trên đó với một lực khá mạnh để đả thông toàn bộ cơ quan nội tạng. Đấm từ 50-100 lần

- VỖ: cũng khắp cả lòng bàn chân

- XOA: xoa khắp lòng cho nóng từ 50-100 lần

- Bấm huyệt dũng tuyền ở vị trí 1/3 trên của lòng bàn chân. Bấm day bằng ngón cái từ 15-30 giây để bồi bổ kinh thận là tiền đề cho trường thọ vì thận là gốc của sự sống vế mặt đông y.

- Nếu ta bị yếu hoặc bệnh ở cơ quan đó trên lòng bàn chân.

- Tất cả các thao tác chỉ mất 3-5 phút mà thôi

- Thật vậy, các bạn cứ thử xem, mỗi buổi sáng làm như vậy thì cả ngày sẽ cảm thấy khỏe hơn, làm việc không biết mệt. Cứ thử xem nhé, không tốn thời gian bao nhiêu mà có lợi cho sức khỏe…

Tóm lại chúng ta có 3 quả tim: Quả tim trên lồng ngực, Cơ hoành, lòng bàn chân. Nên phối hợp nhịp nhàng bằng cách: Thở bụng cơ hoành, đấm vỗ xoa lòng bàn chân là phương pháp giúp cho trái tim thật sự thứ nhất của chúng ta không bao giờ bị suy yếu, trường thọ với thời gian... Đó là cốt lõi của Khí Công nói riêng và y học phương đông nói chung.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG

Sunday, September 22, 2024

Sách "Ung thư và con đường tôi chữa khỏi" ( chương kết).

UNG THƯ: CÁM ƠN MI

Nói như thế, quý vị có thể cho tôi nói mỉa mai, kiêu ngạo. Không, ung thư thay đổi tôi rất nhiều thứ. Nó cho tôi biết cái cảm giác hạnh phúc khi nó ra khỏi người tôi. Nó cho tôi trải nghiệm những giờ phút khốn khổ, sức nóng của hóa chất, miệng lưỡi như ngậm than lửa mỗi ngày. Nó làm tóc tôi rụng từng mảng để tôi nhớ lại và mừng rỡ mình từng có mái tóc uốn gợn, đủ đầy. Nó làm tôi cảm nhận được tình yêu của những vị bác sĩ, y tá chọn cái nghề phục vụ trong bệnh viện ung bướu. Nó cũng làm tôi yêu quý, mình từng có đôi mi hẳn hoi nằm ngang nhiên trên đôi mắt thật thà. Ung thư còn làm cho tôi để ý nghiên cứu các món ăn lành mạnh, có lợi cho cơ thể. Ung thư còn làm cho tôi nhận ra thể dục quan trọng thế nào cho cơ thể.

Nó còn làm cho tôi thấy, những tháng ngày còn sống (chưa chết vì nó) là những tháng ngày yêu thương, có sự quan tâm chăm sóc của gia đình, sự yêu mến của bè bạn, những người lúc khỏe mạnh, tôi không thấy hết tình thương của họ dành cho tôi, hay sự biết ơn của tôi dành cho họ. Ung thư cũng làm cho tôi thấy, sinh hoạt hằng ngày, để tránh các nguy cơ nó có thể xâm chiếm mình, cần được chú ý nhiều hơn: không uống nhiều rượu, càng không hút thuốc, ăn uống đúng giờ, điều độ, đầy đủ chất, nghỉ ngơi thích hợp, và nhất là giữ tính tình mình hiền hòa, ôn nhu, vui vẻ. Cái to lớn nhất nó mang lại: cuộc sống khỏe mạnh đáng trân quý xiết bao.

Khi gặp một biến cố lớn, như tai nạn xe gãy xương vai, hay ung thư gần 8 năm trước, tôi thay đổi gần như toàn diện quan điểm sống hay nói cho văn vẻ một chút “triết lý sống”.

Trước hết về tính tình của tôi. Lúc chưa gặp tai nạn xe máy, chữa bệnh ung thư, tôi khó mà dung thứ bất kỳ ai “bắt chẹt” tôi trong cuộc sống. Tôi từng đánh lộn với người trẻ hơn, to con hơn vì anh ta thách đố và nhục mạ tôi trong cơn nóng giận của anh ta và cả của tôi. Tất nhiên tôi không đánh lại anh ta. May mắn là anh ta cũng không mạnh tay để làm tôi thương tích. Dù chỉ một lần trong đời phải “thượng cẳng chân” tôi cảm thấy tính tình mình, quá thiếu kiềm chế.

Trong gia đình, vợ và các con chứng kiến những cơn lôi đình vô lý của tôi. Tuy không làm họ thương tổn, tinh thần và thể chất, đến mức làm tôi ân hận, nhưng tôi cho rằng hành động của người cha, người chồng như thế, không thể chấp nhận được. Hoàn cảnh lý lịch gia đình khiến tôi bị hạn chế rất nhiều khả năng làm việc đúng năng lực, học tập của mình, tâm tính tôi càng thêm khó chịu với những người sống quanh mình, nhất là với đồng nghiệp. Tôi có cảm tưởng họ “kém” hơn tôi nhưng lại “thành công” hơn. Biến cố trong đời như tai nạn thoát chết khiến tôi thay đổi tính tình, gần như là quay ngoắt 180 độ. Người ta bảo, “non sông dễ đổi, bản tính khó dời”, tôi nghĩ không hoàn toàn đúng, đối với tôi.

Thời gian chuẩn bị nghỉ hưu thì tôi mắc bệnh ung thư. Tôi không ngờ mình lại mắc căn bệnh “thế kỷ”, dù bản thân ăn uống điều độ, không lạm dụng rượu bia, không hút thuốc lá, mỗi ngày tập thể dục đi bộ thường xuyên. Tôi mới nghĩ ra, biết đâu tính tình khó khăn, nhất là, sự nóng nảy là nguyên nhân chính khiến tôi mắc căn bệnh ung thư - hạch bạch huyết.

Các hạch bạch huyết (cùng với gan) là tiền đồn vững chắc cho cơ thể tiêu diệt các mầm bệnh xuất hiện lại… mắc bệnh. Thật trớ trêu. Các cuộc bắn tỉa của địch quân (vi trùng) sẽ bị tiêu diệt nếu chúng kéo đến các tiền đồn ấy. Đằng này lại không. Địch tấn công ngay các tiền đồn. Tiền đồn trong cơ thể chắc phải đầu hàng quân địch. Theo hiểu biết nông cạn, tính tình nóng nảy của tôi tự hại lấy tôi: tôi có đọc tài liệu đâu đó, vì nóng giận, sức mạnh của cơ thể chống lại bệnh tật do vi trùng bị yếu đi, càng yếu hơn, nếu nóng giận kéo dài - cơn sau dữ dội hơn cơn trước.

Có tài liệu nói, người sống thọ không phải do ăn uống hay vận động. Bà Elizabeth H. Blackburn, người đoạt giải Nobel sinh học đã chỉ ra rằng, người ta sống thọ hay khỏe mạnh không phải do ăn uống tẩm bổ hay vận động tích cực; mà là do giữ được tâm lý cân bằng. Ăn uống điều độ chiếm 25%, các hoạt động trong cuộc sống chiếm 25%, tâm lý cân bằng chiếm những 50%! Một người hay nổi giận sẽ phát sinh những hormone độc tính.

Y học cho thấy các bệnh như ung thư, xơ cứng động mạch, cao huyết áp, loét hệ tiêu hóa, kinh nguyệt không đều, có từ 65-90% triệu chứng liên quan tới áp lực tâm lý. Có thế gọi đó là một dạng bệnh Tâm thể (tổn thương tâm lý đưa đến tổn thương cơ thể). Nếu con người hay cáu gắt, lo lắng, áp lực hormone luôn ở mức cao, hệ thống miễn dịch sẽ khiến huyết áp hoạt động quá nhiều trong thời gian dài dẫn đến mệt mỏi và sinh ra bệnh tật. Khi vui, não bộ tiết ra hormone hưng phấn khiến con người thoải mái, cảm giác vui tươi, đưa đến trạng thái tốt, giúp điều tiết các cơ quan trong cơ thể cân bằng, khỏe khoắn.

Có thể có nhiều lập luận khác nhau về sức khỏe con người nhưng qua dẫn chứng ở trên, chúng ta có thể liên hệ thực tế đời sống. Hút thuốc có hại cho sức khỏe nhưng nhiều người hút lại sống thọ. Tác hại của khói thuốc có lẽ không bằng cái lợi sự hưng phấn mang lại cho người hút? Bà mẹ vợ của tôi là ví dụ sinh động. Gần 90 tuổi, sức khỏe bà vẫn tốt, dù thời gian hút thuốc của bà là 75 năm.

Không phải hút thuốc làm bà sống lâu nhưng tâm thần hưng phấn sau mỗi lần hút thuốc khi bà gặp bất hạnh từ rất sớm: mất chồng lúc bà 30 tuổi một mình nách một lúc 5 người con dại.

Xin lưu ý: tôi không khuyến khích hút thuốc lá. Tôi chỉ nói khía cạnh: tâm lý đóng vai trò quan trọng cho tuổi thọ. Nhiều người bệnh bao tử được khuyên không nên uống trà. Tôi thấy, các cụ sống thọ uống trà rất lâu, có khi trà rất đậm. Nhân sinh quý thích chí, có lẽ chỗ này có ích cho sống thọ.

Cách đây tầm gần 18 năm, tôi té xe máy do bị chèn ép trên lộ. Tôi ngất xỉu, đầu chảy máu, nón vỡ bên ngoài nhưng lớp xốp còn nguyên. May mắn là tôi đội nón bảo hiểm. Khi tỉnh dậy, tôi thấy nhiều người dòm xuống. Tôi có cảm tưởng mình đang nằm dưới mộ nhìn lên, người ta sắp lấp đất chôn mình. Tôi lơ mơ nghe, có ai đó bảo vợ tôi cùng đi theo xe máy, gọi ông cha đến xức dầu thánh. Xức dầu thánh là thủ tục tôn giáo cho kẻ liệt (hấp hối). Tóc tôi ướt đẫm máu, mặt tái mét, vợ tôi nói lại sau này. Vợ tôi đeo dây chuyền có cây thánh giá, chỗ tôi té lại sát cổng nhà thờ trên quốc lộ 20. Gọi linh mục đến xức dầu cho tôi, người lên tiếng ấy tưởng tôi sắp vĩnh biệt. Nhưng tôi tỉnh hẳn. Có lẽ sau năm mười phút ngất đi, đầu tôi bị chấn động vì đập mạnh xuống mặt đường nhựa.

Sau tai nạn đó, tính tình tôi trở nên thay đổi: cái sống và cái chết cách nhau bằng đường tơ, kẽ tóc. Tại sao tôi không nhận thấy điều ấy. Sửa mình là điều tôi bắt đầu thực hiện. Bên công giáo, sửa mình chuộc tội. Tôi không mắc tội lớn nhưng tôi muốn sửa mình, cố gắng trở thành người điềm đạm hơn, tỉnh táo hơn, bao dung hơn. Cung cách cư xử của tôi bớt đi những sắc cạnh, gai góc như thường thấy trước đây. Và biến cố cách đây gần 8 năm lại là biến cố quan trọng hơn, lớn hơn rất nhiều: ung thư. Tác động có thể nói là toàn diện tâm tính, suy nghĩ, của tôi đối với bản thân mình, đối với cuộc sống, và đối với mọi người, trong đó có gia đình tôi.

Nói nhờ ung thư mà tôi thay đổi quan điểm sống, có thể quý vị cho là không thuyết phục. Trải qua cơn bệnh, tôi thay đổi quan điểm sống thì dễ thuyết phục hơn. Khi qua một giai đoạn mà mình nghĩ sẽ đón nhận cái chết và cái chết không đến, tôi cảm thấy mình chịu ơn nhiều người, trước hết là các bác sĩ, các anh chị trong bệnh viện.

Với loại bệnh như ung thư, không có bệnh viện, chắc chắn cái chết đem lại cho rất nhiều người chẳng may vướng phải nó. Dân số ngày càng đông, đó là lý do chính khiến cho số người mắc ung thư lớn hơn; bệnh viện chuyên về ung thư không đủ đáp ứng cho người cần chữa trị. Tôi không nghĩ ngày càng nhiều người mắc căn bệnh quái ác này. Sự hiểu biết nâng cao về môi trường, về các sinh hoạt hằng ngày, con người càng có ý thức bảo vệ bản thân họ nhiều hơn.

Càng quan tâm các triệu chứng cho biết có thể mắc bệnh, người ta đi khám nhiều hơn. Lý do chót, đó là ngày càng nhiều người có điều kiện thực hiện đều đặn việc tầm soát ung thư.

Khi đối diện với cái chết (ấy là tôi nghĩ như thế, tôi lặp lại, ung thư không phải là chấm hết cuộc đời), tôi tìm hiểu nhiều hơn về triết lý nhà Phật, qua sách báo mua bên ngoài hay tư liệu từ internet. Thâm tâm của người bệnh như tôi là luôn luôn tìm kiếm một nguồn an ủi nào đó bằng suy nghĩ: vì sao con người không thoát khỏi sinh, lão, bệnh, tử.

Triết lý thì mênh mông, nhất là triết lý nhà Phật. Tôi thấy cái nhận thức này gần gũi hiểu biết của mình nhất: Không gắn chặt mình với những cái mình cho là hạnh phúc, mình nghĩ muốn “sở hữu” chúng. Chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi có ai yêu mình lúc bước vào tuổi 18. Hạnh phúc hơn khi người yêu ấy trở thành vợ thành chồng: nàng tiên hay chàng hoàng tử đã là của ta, một “sở hữu” mang lại hạnh phúc. Nhưng có vĩnh viễn không, niềm hạnh phúc ấy? Không bao giờ toàn vẹn. Đã xảy ra cảnh, nếu không bất hòa thì cũng gặp cảnh chia tay. Nếu tránh đổ vỡ hôn nhân vì con cái, có những cặp vợ chồng phải cắn răng chịu đựng nhau cho hết kiếp người. Tất nhiên, tôi không nói tất cả không hạnh phúc khi sở hữu nàng tiên hay chàng hoàng tử. Tôi thấy nhà Phật thật ý vị: còn duyên thì hợp, duyên hết thì tan. Không có gì là mãi mãi. Cuộc sống vô thường. Ai cũng không thể thoát cảnh: sinh, lão, bệnh, tử.

Sống khỏe mạnh bình thường, tôi chưa hề nghĩ điều đó, hay có nghĩ đến nhưng chưa bao giờ tin tưởng nó có thật. Khi thoát khỏi cái chết (ấy là tôi suy nghĩ lúc mình ung thư), tôi cảm thấy bình thản sau một thời gian mang bệnh: chết thì phải chấp nhận thôi.

Ngay cả Phật hay đức chúa Jesus, các ngài đâu có thể “vạn tuế, vạn vạn tuế” trong hình hài con người xương thịt. Ở phần đầu chương này, tôi nói biết ơn ung thư hàm nghĩa như thế. Và cũng ở phần đầu cuốn sách, tôi có nói, gia đình là chỗ dựa tin tưởng nhất cho người mắc bệnh ung thư. Từ trước, nghe đến ung thư, người ta nghĩ đến cái chết cận kề. Ngày nay, ung thư chưa phải là nỗi tuyệt vọng nhưng lo âu, suy nghĩ về nó ở nhiều người vẫn còn rất nặng nề. Chính nhiều người nghĩ như thế, người mắc bệnh càng dễ suy sụp tinh thần khi biết mình mắc bệnh. Bản thân người bệnh cảm thấy mình thiếu may mắn trong cuộc sống, tại sao họ lại mắc bệnh ung thư, trong khi hàng triệu người khác thì không. Tôi từng so sánh như thế. Sự so sánh đó làm cho tôi cảm thấy tủi thân.

Lúc bệnh, tôi gần bước vào tuổi 60, “lục thập nhi nhĩ thuận”, tôi cũng cảm thấy tủi thân, và tôi cũng không kèm được nước mắt khi phát hiện mình ung thư. Gia đình là chỗ dựa không chỉ về vật chất. Chỗ dựa tinh thần là chỗ dựa vững chắc nhất. Tôi cũng kể quý vị nghe về cô gái 35 tuổi cùng chữa một lần bệnh như tôi. Chính không có chỗ dựa gia đình – chồng bỏ theo người khác, gia nương bên chồng coi khinh chị không có con trai – chị kết liễu cuộc đời mình, bỏ lại bốn đứa con gái thiếu vắng tình thương.

Có nhiều yếu tố giúp tôi vượt qua căn bệnh hiểm nghèo như tôi nói ở trên; nhưng yếu tố quan trọng nhất, chính là nỗ lực bản thân. Nhờ tinh thần của chính mình, người bệnh dễ dàng vượt qua thử thách cam go và đau đớn của một thứ bệnh điều trị gian khổ - ung thư. Cơ thể con người vi diệu ở chỗ: thích nghi. Nhờ thích nghi, tôi chịu đựng tám đợt vô thuốc (hóa trị), mỗi đợt hơn 21 ngày. Các đợt sau, cơ thể chịu đựng dễ dàng hơn các đợt trước, lần đầu tiên thật kinh hoàng. Không ai muốn mình bệnh nhưng nếu có bệnh dứt khoát phải chiến đấu chống lại nó, để giành lại sự sống, cuộc sống.

Cha mẹ sinh ra chúng ta hình hài, và chúng ta phải bảo vệ hình hài ấy cho trọn cả cuộc đời. Điều đó có ích cho bản thân, nó cũng có ích cho lòng hiếu đạo với bậc sinh thành.

Có một số người mắc ung thư tìm đến sự phó mặc. Chữa cũng chết, không chữa cũng chết. Suy nghĩ như thế là suy nghĩ chưa thấu đáo, vì: yêu bản thân, chúng ta mới có thể yêu người khác. Chúng ta phải chiến đấu dẫu có thể đang ở trong địa ngục. Đứng đó cũng chết, tại sao những người ấy không đứng dậy mà bước đi? Bước đi sẽ thoát khỏi địa ngục hơn là ngồi đó cam tâm cho “số phận”.

Để kết thúc cuốn sách, tôi xin nhắc lại câu châm ngôn ai ai cũng biết: “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”. Chỉ có rèn luyện thân thể qua thể dục mỗi ngày, ăn uống thanh đạm nhưng đủ chất, sinh hoạt điều độ, yêu thương tha nhân thì tinh thần con người sẽ ngày một lạc quan, tinh thần hồi ấy sẽ minh mẫn là điều phải đến.

Và câu sau cùng: nếu ai ung thư cũng chết thì không cần có bệnh viện ung thư. Bệnh ung thư không thể chữa thì tôi đâu còn viết cho quý vị đọc đến hàng chữ này.

XIN CÁM ƠN QUÝ VỊ THEO DÕI CUỐN SÁCH NÀY.