Thursday, April 14, 2022

MẤY SUY NGHĨ VỀ HỌP MẶT



(Riêng kính gởi: Anh, chị cựu học sinh TRẦN QUÝ CÁP, HỘI AN,
Niên khóa 1965-1972)
Ngày xưa, cuộc sống cơ cực, người ta thường hay giấu mặt, ít khi chường mặt, nói chi họp mặt. Ngày nay, cuộc sống khá hơn, họp mặt thường xảy ra, có khi “tối mặt” vì: họp mặt đồng hương, họp mặt đồng chí, họp mặt đồng nghiệp, họp mặt đồng môn…
Trong các loại “họp mặt”, họp mặt cựu học sinh có lẽ phổ biến nhất. Ai cũng phải qua thời gian cắp sách đến trường; hầu hết là tiểu học, trung học; một số là đại học hoặc du học sinh. Họp mặt để nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu, thời thanh thiếu niên, thời đi học. Ý nghĩa xiết bao. Có nhiều bạn 60 năm mới gặp lại. Thấy nụ cười của họ ta mới nhớ tên. Gương mặt có thể gìa đi theo năm tháng nhưng nụ cười thì không, trừ khi cười móm mém, hàm răng “chiếc rụng, chiếc lung lay”.
Ý nghĩa họp mặt ban đầu là gặp gỡ để hàn huyên sau nhiều năm xa cách nhau. Về sau, “gặp nhiều cũng ngán” chuyện hàn huyên cạn dần, có khi mất hẳn. Họp mặt là chuyện “chẳng đặng đừng” vì nể nhau hay tránh mang lấy tiếng “chơi không đẹp”.
Họp mặt trở thành một sự kiện, ở đó, có nhiều sự kiện “ăn theo”. Người ta lập quỹ tương tế; quỹ khuyến học; quỹ tham quan du lịch (nếu bạn học có cuộc sống khá giả hơn). Có những cuộc họp mặt, ý nghĩa chính là hàn huyên tâm sự sau thời gian xa cách (thường là một năm). Nhưng có những cuộc họp mặt để một số người có dịp hãnh diện với đồng môn sự thành đạt của mình trong cuộc sống: thể hiện danh vọng và sự giàu có. Đến với bạn bè cùng lớp, cùng trường, họ như là những ngôi sao sáng của sự thành công.
Nhưng ở đời, đâu có phải ai ai cũng thành công. Có bạn gần thất thập cổ lai hy vẫn còn bươn chải mưu sinh. Họp mặt để bạn học thuở xưa cảm thấy gần gũi lại trở thành xa cách. Ý nghĩa ban đầu của họp mặt dần dần phai nhạt. Đây chính là lý do các cuộc họp mặt cựu học sinh gặp cảnh “đầu voi, đuôi chuột” hay tệ hại hơn, “sớm nở tối tàn”.
Không khí họp mặt của những người qua tuổi sáu mươi lẽ ra năm sau đầm ấm hơn năm trước nếu các lần họp mặt không bị chi phối bởi các lý do chẳng ăn nhập đến họp mặt: lập quỹ này quỹ nọ hay sự xuất hiện như các ngôi sao của một số ít người hãnh tiến.
Chưa kể có những dịp tổ chức họp mặt “hoành tráng” như một đại hội. Suốt thời gian họp mặt, cựu học sinh chỉ ngồi nghe “kính thưa” và “kính thưa”. Có trường hợp, người ta còn mời “cựu” học sinh là quan chức đương nhiệm lên diễn đàn phát biểu. Họ say sưa nói như đang chỉ đạo. Các đồng môn ngồi bên dưới nhìn lên vị cựu học sinh danh giá ấy như là niềm hãnh diện cho một ngôi trường mà họ từng học ở đó!
Họp mặt trở thành một diễn đàn…trang trọng không có chỗ cho “mày tao, mi tớ”. Suốt “đại hội", chẳng ai có thời gian tâm sự một câu gì về tình bạn, tình học trò, tình thầy cô.
Sau các phần “kính thưa” là phần ăn nhậu. Tửu nhập ngôn xuất, ai cũng hồ hởi phát ngôn. Ban đầu là mi nói tau nghe; tau nói mi nghe; sau đó phần ai nấy nói, chẳng biết có ai nghe.
Có cuộc họp mặt biến thành “đại nhạc hội”. Có đàn có hát để cuộc gặp gỡ thêm sinh khí. Nhưng đàn địch, hát hò quá nhiều, âm thanh quá mức làm không khí họp mặt trở nên ngột ngạt. Nhiều bạn ra về có cảm giác vừa bước ra khỏi phòng tra tấn chứ không phải phòng họp mặt. Và năm sau, những cựu học sinh này không còn tên trong những người họp mặt.
Không hiếm cuộc họp mặt cựu học sinh gặp phải tình trạng như thế. Những điều tôi nói ở trên giải thích lý do tại sao các cuộc họp mặt thường ít có trường hợp “năm sau học sinh đi dự nhiều hơn năm trước”.
Nhưng cũng có trường hợp họp mặt thành công khi người tổ chức không lặp lại những điều tôi nói ra ở trên và tâm thái những người đến buổi họp mặt có tấm lòng chân thật: hãy nói với nhau những gì mang lại niềm vui và tránh làm cho nhau bị thương tổn vì so sánh thành đạt, sang giàu.
Tôi viết những dòng này gởi đến các bạn tôi, cựu học sinh, đang chuẩn bị bước vào tuổi bảy mươi. Các bạn, cũng như tôi, có trước mắt một số năm không nhiều nữa. Chúng ta đến với nhau với tâm thế của những người bạn học cùng một mái trường. Mỗi năm gặp gỡ một lần không phải là nhiều.
Chúng ta còn có dịp gặp nhau bao nhiêu năm nữa? Họp mặt của chúng ta ở Hội An rất nhiều năm không có những gì đáng tiếc như thường thấy ở trên, đó là điều trân trọng.
Nguyễn Khuyến rất đúng khi nhận định: “Duyên kỳ ngộ là duyên tuổi tác” (*). Tuổi tác chúng ta chất đầy, tại sao chúng ta không “kỳ ngộ”? Ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Sài Gòn và các nơi khác, học sinh Trần Quý Cáp, Hội An, các năm học từ 1965-1972 hãy hát câu của Trịnh Công Sơn “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ?”
(*) Duyên kỳ ngộ là duyên tuổi tác/ Chén chú, chén anh, chén tôi, chén bác/ Cuộc tỉnh say, say tỉnh cùng nhau/ Nên chăng đá cũng gật đầu.