Trên đường đi đến khu du lịch sinh thái Cổng Trời ở rừng núi phía Tây tỉnh Quảng Nam (khai trương hôm nay, 200 ngàn/ người khách; có ăn buffet thì 400 ngàn/ người) quý vị sẽ thấy bảng chỉ dẫn đường vào khu Suối Xanh, cách quốc lộ 14 (cũ) đúng 1000 mét. Từ Đà Nẵng vào chừng 30 km.
Đặc điểm khu Suối Xanh là nước tắm rất mát, rất trong, nguồn nước suối trên cao đổ về và lòng suối tôn tạo như hồ bơi nhỏ, nền hồ được rải cát; khi tắm không có lớp bùn dưới đáy dậy lên làm vẩn đục nước như các hồ tắm ngăn suối ở khu du lịch Lái Thiêu (núi Thần Tài,Đa Nẵng)Tất nhiên Suối Xanh không thể sánh Lái Thiêu về quy mô vì nó là công trình của một nông dân 70 tuổi đầu tư 30 năm nay. Khi vào đây buổi sáng, tôi thấy ông đang chở đá cục bằng xe “cánh én” để kè bờ ngăn suối làm hồ bơi. Tại khu rừng này, ông Xanh (tên gọi cho Suối Xanh) trồng các loại cây ăn trái như mít, lòn bon (đã cho trái) vú sữa, xen kẽ với các loại cây rừng như dái ngựa (xà cừ), ươi…
Dưới tán cây xanh, bên dòng suối chảy xiết, đổ vào các hồ nhân tạo, các du khách, kẻ đang tắm, người lúi húi nướng gà trên lửa than đỏ nổ lách tách bắt nhịp với tiếng nói chuyện rôm rả, rổn rảng các tràng cười của các anh chị đang đưa cao lon bia, hồ hởi “zô zô”.
Ông chủ Suối Xanh cho biết đích thân ông đi dọn lá cây rừng đọng dưới đáy hồ mỗi ngày để giữ cho làn nước suối trong như kính. Ông nhắc nhở khách có thể ăn mít khi đã chín nhưng đừng hái khi trái còn xanh. Một vài nơi đất tốt, ông còn trồng lá lốt cho “khách hái quấn vào thịt, nướng”. Có một vài chỗ gắn bảng trên thân cây lớn “hãy cho tôi rác”. Đây là câu viết trên những thùng rác đúc bằng xi măng có hình gốc cây trước 1975. Nay là các giỏ nhựa lớn chứa đầy vỏ lon bia, nước ngọt, nước lọc. Ông chủ trên 70 mà! Và từng sống dưới chế độ VNCH. Tuy còn khắc khổ vì nghèo nhưng ông Xanh muốn chỗ ông gầy dựng phải xanh, sạch, mát. “Khi cây này cho trái, có lẽ tôi không còn sống “. Ông nói rồi đưa tay ra cầm lấy cây ươi mới trồng vài năm, cao quá đầu; tôi ngạc nhiên khi thấy gương mặt ông không buồn mà rất rạng rỡ. “Người ăn ươi sẽ nhắc tên tôi “cây này ông Xanh trồng”.
Tấm lòng người nông dân này thật quãng đại. Ông không đủ tiền đầu tư để bán vé như khu du lịch sinh thái Sun Group đang khai trương Cổng Trời hoành tráng, hùng vĩ.
“Anh nhặt từng cục đá, cạy rất nhiều tảng đá, ngăn suối dẫn nước theo ý muốn, hơn 30 năm cặm cụi một mình, nhiều người gọi “ông khùng”, để tạo chỗ cho người ta đến tắm, tận hưởng khung cảnh thiên nhiên; anh thu nhập bằng gì?”.
“Tuỳ hỉ”. Đây là hai chữ người Quảng hay dùng, thay cho câu “tuỳ lòng hảo tâm “ của du khách. Anh cười: “Trước đây, tôi có làm cái thùng đựng tiền “tuỳ hỉ”, khách bỏ tiền vào- bao nhiêu cũng được”. Chỉ vào cái hộp thiết dập nát, anh cười “kẻ xấu rình đập banh lấy mất số tiền cả mùa du lịch đó anh”. Nay, ai “tuỳ hỉ” thì đưa trực tiếp; ai quên, hay không đưa, cũng chẳng có răng (có sao)”; anh cười móm mém, hàm răng còn lại mấy chiếc.
“Mấy đứa ni vui là tui vui”. Ông vừa cười vừa chỉ những cậu bé, cô bé học sinh đang bơi đùa dưới hồ nước trong veo, thấy rõ lớp cát dưới đáy”.
“Trái đất này là của chúng mình “ có lẽ chỉ đúng với ông nông dân này. Có nhiều “phần của trái đất “ ở VN “không phải của chúng mình”. Một lần tôi chạy xe máy sâu vào nơi người ta đang làm khu nghỉ dưỡng sinh thái, một bảo vệ chạy ra la to rồi đuổi tôi tới tấp; “chỗ này không phải nhà ông đâu nhá; mù hay sao mà không trông biển cấm?”. Một kỷ niệm buồn cách đây 3 năm ở một khu rừng thông Đà Lạt. Người bảo vệ tuổi chưa bằng con út của tôi.