Friday, April 29, 2022

TRÁI ĐẤT NÀY LÀ CỦA CHÚNG MÌNH?




Trên đường đi đến khu du lịch sinh thái Cổng Trời ở rừng núi phía Tây tỉnh Quảng Nam (khai trương hôm nay, 200 ngàn/ người khách; có ăn buffet thì 400 ngàn/ người) quý vị sẽ thấy bảng chỉ dẫn đường vào khu Suối Xanh, cách quốc lộ 14 (cũ) đúng 1000 mét. Từ Đà Nẵng vào chừng 30 km.
Đặc điểm khu Suối Xanh là nước tắm rất mát, rất trong, nguồn nước suối trên cao đổ về và lòng suối tôn tạo như hồ bơi nhỏ, nền hồ được rải cát; khi tắm không có lớp bùn dưới đáy dậy lên làm vẩn đục nước như các hồ tắm ngăn suối ở khu du lịch Lái Thiêu (núi Thần Tài,Đa Nẵng)Tất nhiên Suối Xanh không thể sánh Lái Thiêu về quy mô vì nó là công trình của một nông dân 70 tuổi đầu tư 30 năm nay. Khi vào đây buổi sáng, tôi thấy ông đang chở đá cục bằng xe “cánh én” để kè bờ ngăn suối làm hồ bơi. Tại khu rừng này, ông Xanh (tên gọi cho Suối Xanh) trồng các loại cây ăn trái như mít, lòn bon (đã cho trái) vú sữa, xen kẽ với các loại cây rừng như dái ngựa (xà cừ), ươi…
Dưới tán cây xanh, bên dòng suối chảy xiết, đổ vào các hồ nhân tạo, các du khách, kẻ đang tắm, người lúi húi nướng gà trên lửa than đỏ nổ lách tách bắt nhịp với tiếng nói chuyện rôm rả, rổn rảng các tràng cười của các anh chị đang đưa cao lon bia, hồ hởi “zô zô”.
Ông chủ Suối Xanh cho biết đích thân ông đi dọn lá cây rừng đọng dưới đáy hồ mỗi ngày để giữ cho làn nước suối trong như kính. Ông nhắc nhở khách có thể ăn mít khi đã chín nhưng đừng hái khi trái còn xanh. Một vài nơi đất tốt, ông còn trồng lá lốt cho “khách hái quấn vào thịt, nướng”. Có một vài chỗ gắn bảng trên thân cây lớn “hãy cho tôi rác”. Đây là câu viết trên những thùng rác đúc bằng xi măng có hình gốc cây trước 1975. Nay là các giỏ nhựa lớn chứa đầy vỏ lon bia, nước ngọt, nước lọc. Ông chủ trên 70 mà! Và từng sống dưới chế độ VNCH. Tuy còn khắc khổ vì nghèo nhưng ông Xanh muốn chỗ ông gầy dựng phải xanh, sạch, mát. “Khi cây này cho trái, có lẽ tôi không còn sống “. Ông nói rồi đưa tay ra cầm lấy cây ươi mới trồng vài năm, cao quá đầu; tôi ngạc nhiên khi thấy gương mặt ông không buồn mà rất rạng rỡ. “Người ăn ươi sẽ nhắc tên tôi “cây này ông Xanh trồng”.
Tấm lòng người nông dân này thật quãng đại. Ông không đủ tiền đầu tư để bán vé như khu du lịch sinh thái Sun Group đang khai trương Cổng Trời hoành tráng, hùng vĩ.
“Anh nhặt từng cục đá, cạy rất nhiều tảng đá, ngăn suối dẫn nước theo ý muốn, hơn 30 năm cặm cụi một mình, nhiều người gọi “ông khùng”, để tạo chỗ cho người ta đến tắm, tận hưởng khung cảnh thiên nhiên; anh thu nhập bằng gì?”.
“Tuỳ hỉ”. Đây là hai chữ người Quảng hay dùng, thay cho câu “tuỳ lòng hảo tâm “ của du khách. Anh cười: “Trước đây, tôi có làm cái thùng đựng tiền “tuỳ hỉ”, khách bỏ tiền vào- bao nhiêu cũng được”. Chỉ vào cái hộp thiết dập nát, anh cười “kẻ xấu rình đập banh lấy mất số tiền cả mùa du lịch đó anh”. Nay, ai “tuỳ hỉ” thì đưa trực tiếp; ai quên, hay không đưa, cũng chẳng có răng (có sao)”; anh cười móm mém, hàm răng còn lại mấy chiếc.
“Mấy đứa ni vui là tui vui”. Ông vừa cười vừa chỉ những cậu bé, cô bé học sinh đang bơi đùa dưới hồ nước trong veo, thấy rõ lớp cát dưới đáy”.
“Trái đất này là của chúng mình “ có lẽ chỉ đúng với ông nông dân này. Có nhiều “phần của trái đất “ ở VN “không phải của chúng mình”. Một lần tôi chạy xe máy sâu vào nơi người ta đang làm khu nghỉ dưỡng sinh thái, một bảo vệ chạy ra la to rồi đuổi tôi tới tấp; “chỗ này không phải nhà ông đâu nhá; mù hay sao mà không trông biển cấm?”. Một kỷ niệm buồn cách đây 3 năm ở một khu rừng thông Đà Lạt. Người bảo vệ tuổi chưa bằng con út của tôi.

Tuesday, April 19, 2022

NHỮNG HẠT GẠO TRẮNG (Về quê nhớ lại)



Trưa hè oi bức, mặt trời đứng bóng, không khí dính chặt, tiếng kêu của một loài chim, ai oán vang lên, “bắt con trói cột” (*). Ban đầu nghe rất rõ cái tiếng kêu thảng thốt, sau đó nhỏ dần, thưa dần nhưng không mất hẳn. Tiếng kêu văng vẳng rồi lặng vào những đám mây trắng xóa trên cao. Không gian ngột ngạt vẫn nấn ná âm thanh như nuối tiếc, như thở than của một loài chim chưa ai biết tên, và cũng chưa ai nhìn thấy nó tỏ tường.
Trên bầu trời xanh vô tận, những đám mây trắng ngưng đọng, một điểm nhỏ như chấm mực di chuyển: con chim đang bay, kéo theo cái âm thanh não nuột “bắt con trói cột”, tiếng kêu này nối tiếp tiếng kêu kia, vang vọng một vùng quê tĩnh mịch. Dân làng thường nghe kể, con chim có tiếng kêu thê thiết ấy là oan hồn của một bé gái chết cháy trong một cơn hỏa hoạn khi cha mẹ đi vào núi đốt than; than đổi gạo, độ nhựt cho một gia đình nghèo khó thuở xưa.
Khi còn nhỏ chừng bảy tám tuổi, tôi đã nghe tiếng kêu của con chim vô danh này, cũng vào những buổi trưa hè nắng nóng. Bẵng đâu mấy chục năm rời xa quê hương, tôi không có dịp nghe tiếng kêu của loài chim, chỉ thấy bay, không thấy đậu. Và cũng vào những buổi trưa hè những năm gần đây, tiếng kêu “bắt con trói cột” lại hiện về. Tiếng chim nhắc tôi nhớ những kỷ niệm thời thơ ấu khi quê hương chưa chìm trong tiếng súng.
Quê tôi là vùng nông nghiệp, đất đai màu mỡ. Nhờ đất rộng người thưa, chưa bao giờ người nông dân biết đến cái đói và cũng chưa bao giờ họ lo lắng thiếu ăn. Gia đình tôi thuộc hạng khá giả. Nhưng có một năm, tôi không nhớ rõ năm nào, nhà tôi không có gạo ăn. Cha tôi bán tất cả số lúa dự trữ để đi về Hội An chữa bệnh liệt hai chân do thoái hóa cột sống. Lúa trong nhà không còn; cha tôi dự tính cả nhà gồm mẹ, chị, và tôi sẽ dựa vào số lúa sắp thu hoạch vào vụ xuân hè. Nhưng vụ lúa ấy mất trắng, không phải chỉ mỗi gia đình tôi, mà tất cả các hộ trong làng.
Những cánh đồng đỏ rực khi lúa đang làm đòng; đỏ như có ai đốt cháy. Chỉ có hộ không sống bằng nghề nông mới có thể không đói. Đó là nhà của hai đứa bạn tôi. Một buôn bán tạp hóa và một sống nghề cắt tóc, khá thư thả. Hồi ấy, hai ba làng mới có một tiệm hớt tóc.
Trong một lần ra sông tắm, chúng tôi ba đứa trông thấy một con gà nhỏ, mớm đuôi tôm, bằng nắm tay người lớn, đi lạc loài trên bãi cát rộng ven sông. Nó cất tiếng kêu gọi mẹ hay gọi bầy; tiếng kêu khẩn thiết không khác tiếng kêu của con chim “bắt con trói cột” nhưng nhặt hơn, gấp gáp hơn, van nài hơn. Ba chúng tôi vây nó lại. Chẳng mấy chốc, một trong ba đứa tóm được nó. Thay vì tắm, chúng tôi trở về nhà; tôi giữ con gà tội nghiệp ấy, nó không ngừng kêu chíp chíp trong đôi tay nhỏ bé của mình.
Hai đứa bạn “con nhà không làm nông” kia cung cấp “lương thực” cho tôi, người phụ trách nuôi con gà ấy. Nhà chúng nó không làm ruộng nên không góp thóc mà góp gạo. Lần đầu tiên, tôi thấy một loại gạo trắng hạt dài, mười hạt như chục, khác hẳn loại gạo nhà tôi xay ra từ lúa, bằng chiếc cối xay tay và giã cũng bằng tay trong một cối đá to tướng. Gạo màu đỏ nhìn thô ráp, không bóng sáng như gạo của hai thằng bạn mang tới để cho gà ăn.
Năm bảy ngày, khi thấy hết gạo, tôi thông báo cho hai đứa bạn. Thế là khạp đựng gạo của tôi độ đôi ba lít lại đầy. Khi hơn hai tháng, con gà của tôi trông lớn hẳn. Nó cao ráo với đôi chân vàng óng, bộ lông mượt đỏ, không ủ xù, xơ xác như hồi chúng tôi mới bắt về. Yêu gà như Cún, tôi đặt nó tên “Cúc Con”. Cúc Con rất thân thiện với tôi. Cứ mỗi lần đi học về, đang ở đâu đó trong vườn, bằng cách nào không rõ, nó luôn phát hiện ra tôi, và ba chân bốn cẳng, sải đôi cánh như chim, vừa bay vừa chạy về hướng tôi đang bước đến thềm nhà. Thế là nó đứng chờ trong sân. Một nắm gạo vãi ra trước mặt, Cúc Con kêu lên mấy tiếng như cám ơn tôi và cắm cúi mổ những hạt gạo trắng tinh.
Con gà ngày càng lớn, và do đó, số gạo góp của hai bạn tôi nhiều hơn, từ một lon dần dần tăng lên hai lon mỗi tuần mỗi đứa.
Còn bé, cứ đến bữa ăn, tôi ngồi vào bàn mà không hề để ý nồi cơm; mất mùa lúa, tôi vẫn không để ý nồi cơm của ba mẹ con ngày càng ít lại. Tôi đưa chén ra đế xin thêm lần thứ ba thì chị tôi, ngồi gần nồi cơm lắc đầu ái ngại: cơm hết. Các bữa cơm sau đó, số lượng chén giảm xuống. Mỗi người một chén. Chưa bao giờ tôi ăn đói lần nào trong ngôi nhà ngói to năm gian này; ngôi nhà hãnh diện của cha tôi đối với dân làng, đa phần còn ở nhà tranh, vách phên nứa trét cứt trâu. Trong tâm trí mình, tôi cứ nghĩ lý do nhà đói ăn chính là sự vắng mặt của cha tôi. Có ông, tôi nghĩ nhà tôi không bao giờ gặp thảm cảnh như thế.
Nhưng thảm cảnh không phải là cái thiếu ăn.
Số gạo hai bạn tôi góp hằng tuần, mẹ hay chị, tôi không rõ, đã lén lấy bớt bù vào chỗ gạo nấu ăn của gia đình mỗi bữa. Mẹ tôi không muốn tôi đưa chén ra về phía chị trong hai bữa ăn mỗi ngày, mọi khi là ba bữa? Người ăn nhiều hơn gà. Gạo hết nhẵn. Cúc Con của tôi có vẻ buồn bã. Nó không còn đón tôi mỗi lần đi học về. Còn thức ăn đâu mà tìm tới. Tôi lo lắng nó cũng sẽ đói như tôi. Trí óc non nớt hồi ấy không làm tôi an tâm. Gà có thể bươn chải trong vườn để sống nhưng tôi cứ nghĩ mỗi tối khi nhảy lên cây mít bên hè đi ngủ, bụng nó hẳn cũng sẽ cồn cào như bụng tôi, trằn trọc cả đêm vì đói.
Đứa bé như tôi không hiểu nỗi sĩ diện của người lớn ở nhà quê. Có tiếng là khá giả, mẹ tôi thà ăn đói, và không hề than thở với ai; đừng nói đến mượn gạo, mượn thóc của hàng xóm; mà họ cũng đứt bữa vì mất mùa như chúng tôi.
Đến bây giờ gần bước vào tuổi bảy mươi, tôi vẫn ân hận chuyện mình phải giấu chỗ gạo của hai bạn góp cho gà vào một nơi mà không bị mẹ tôi hay chị tôi hay biết sau lần gà hết thức ăn. Ai lại lấy gạo của người ta góp cho gà mà nấu ăn cho mình. Suy nghĩ như thế, chỗ gạo tôi giấu kỹ đã đủ cho Cúc Con mỗi ngày hai lần. Đi ngủ nó sẽ không còn cồn cào đói bụng.
Mất mùa lúa rất lâu mà cha tôi vẫn chưa về. Hai chị em tôi bèn ra bãi bồi ven sông: mót khoai lang rài. Khoai rài là khoai đứt một phần củ sau thu hoạch, nằm sót lại, nứt mầm khỏi mặt đất, có một hay hai lá non tim tím, rất dễ phát hiện.
Vì cả làng đều đói, ai cũng đi đào, khoai rài không dễ tìm. Từ sáng cho đến trưa đứng bóng, hai chị em tôi vất vả vác cuốc dò tìm, đi từ đầu bãi đến cuối bãi, chỉ đào được bốn củ khoai màu trắng, to hơn ngón chân cái người lớn.
Chừa hai củ đem về nhà ghế vào cơm, chị em tôi ăn sống hai củ, sau khi rửa sạch bằng nước sông. Nhai khoai sống có vị ngọt, ban đầu hơi hăng, nhai kỹ, nhai lâu, mùi hăng sẽ dịu, khi nuốt vào bụng, chúng tôi vẫn còn giữ cảm giác ngọt ngọt nơi miệng.
Ánh nắng mặt trời buổi đứng bóng qua trưa càng ngột ngạt. Chị em chúng tôi vác mỗi người một chiếc cuốc đi thơ thẩn thêm một lúc lâu mà vẫn chưa tìm ra một củ khoai rài nào. Trên bầu trời xanh ngút, lơ thơ một vài đám mây trắng, tiếng con chim “bắt con trói cột” vang lên.
Nhìn về hướng tiếng kêu trên bầu trời đầy nắng, chị em tôi thấy một chấm đen di chuyển chầm chậm. Tiếng kêu “bắt con trói cột” rõ dần, như ngập cả không gian. Tiếng kêu nối tiếng kêu trong bầu không khí ngột ngạt oi bức buổi trưa hè. Tôi nghe tiếng kêu có vẻ như não nùng, ai oán.
Khi Cúc Con giao cho hai bạn tôi thì tôi mới không còn lo lắng gạo của họ đóng cho gà ăn không còn bị “mất cắp”. Tôi được chia phần tiền nuôi gà. Nhà tôi có một tuần ăn mỗi người hai chén cơm đầy. Chị tôi không còn lắc đầu khi tôi đưa chén về phía chị để xin chén thứ ba. Rồi cha tôi trở về sau mấy tháng vắng nhà. Với tài xoay xở của ông, gia đình tôi không còn đứt bữa.
Lần đầu tiên về quê thăm chị vào mùa hè oi bức, đứng trầm ngâm trên bãi bồi ven sông trống vắng, tôi bồi hồi xúc động khi nghe lại tiếng kêu của con chim “bắt con trói cột” vang lên từ xa trên bầu trời xanh thẳm. Cha mẹ tôi không còn. Rời nơi chôn nhau cắt rốn mấy chục năm trời, tôi vẫn không quên câu chuyện về những hạt gạo trắng tôi giấu mẹ tôi, chị tôi.
Gió thổi nhẹ trên bãi bồi không còn khoai lang rài. Dòng sông trước mặt tôi, nước vẫn lững lờ trôi. Tiếng kêu của con chim nhỏ dần như nuối tiếc; tiếng kêu đượm vẻ u hoài có chút gì ai oán.
Ghi chú: (*) Có người còn gọi “các quan bó buộc “ để diễn dịch tiếng kêu của con chim này.

Thursday, April 14, 2022

MẤY SUY NGHĨ VỀ HỌP MẶT



(Riêng kính gởi: Anh, chị cựu học sinh TRẦN QUÝ CÁP, HỘI AN,
Niên khóa 1965-1972)
Ngày xưa, cuộc sống cơ cực, người ta thường hay giấu mặt, ít khi chường mặt, nói chi họp mặt. Ngày nay, cuộc sống khá hơn, họp mặt thường xảy ra, có khi “tối mặt” vì: họp mặt đồng hương, họp mặt đồng chí, họp mặt đồng nghiệp, họp mặt đồng môn…
Trong các loại “họp mặt”, họp mặt cựu học sinh có lẽ phổ biến nhất. Ai cũng phải qua thời gian cắp sách đến trường; hầu hết là tiểu học, trung học; một số là đại học hoặc du học sinh. Họp mặt để nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu, thời thanh thiếu niên, thời đi học. Ý nghĩa xiết bao. Có nhiều bạn 60 năm mới gặp lại. Thấy nụ cười của họ ta mới nhớ tên. Gương mặt có thể gìa đi theo năm tháng nhưng nụ cười thì không, trừ khi cười móm mém, hàm răng “chiếc rụng, chiếc lung lay”.
Ý nghĩa họp mặt ban đầu là gặp gỡ để hàn huyên sau nhiều năm xa cách nhau. Về sau, “gặp nhiều cũng ngán” chuyện hàn huyên cạn dần, có khi mất hẳn. Họp mặt là chuyện “chẳng đặng đừng” vì nể nhau hay tránh mang lấy tiếng “chơi không đẹp”.
Họp mặt trở thành một sự kiện, ở đó, có nhiều sự kiện “ăn theo”. Người ta lập quỹ tương tế; quỹ khuyến học; quỹ tham quan du lịch (nếu bạn học có cuộc sống khá giả hơn). Có những cuộc họp mặt, ý nghĩa chính là hàn huyên tâm sự sau thời gian xa cách (thường là một năm). Nhưng có những cuộc họp mặt để một số người có dịp hãnh diện với đồng môn sự thành đạt của mình trong cuộc sống: thể hiện danh vọng và sự giàu có. Đến với bạn bè cùng lớp, cùng trường, họ như là những ngôi sao sáng của sự thành công.
Nhưng ở đời, đâu có phải ai ai cũng thành công. Có bạn gần thất thập cổ lai hy vẫn còn bươn chải mưu sinh. Họp mặt để bạn học thuở xưa cảm thấy gần gũi lại trở thành xa cách. Ý nghĩa ban đầu của họp mặt dần dần phai nhạt. Đây chính là lý do các cuộc họp mặt cựu học sinh gặp cảnh “đầu voi, đuôi chuột” hay tệ hại hơn, “sớm nở tối tàn”.
Không khí họp mặt của những người qua tuổi sáu mươi lẽ ra năm sau đầm ấm hơn năm trước nếu các lần họp mặt không bị chi phối bởi các lý do chẳng ăn nhập đến họp mặt: lập quỹ này quỹ nọ hay sự xuất hiện như các ngôi sao của một số ít người hãnh tiến.
Chưa kể có những dịp tổ chức họp mặt “hoành tráng” như một đại hội. Suốt thời gian họp mặt, cựu học sinh chỉ ngồi nghe “kính thưa” và “kính thưa”. Có trường hợp, người ta còn mời “cựu” học sinh là quan chức đương nhiệm lên diễn đàn phát biểu. Họ say sưa nói như đang chỉ đạo. Các đồng môn ngồi bên dưới nhìn lên vị cựu học sinh danh giá ấy như là niềm hãnh diện cho một ngôi trường mà họ từng học ở đó!
Họp mặt trở thành một diễn đàn…trang trọng không có chỗ cho “mày tao, mi tớ”. Suốt “đại hội", chẳng ai có thời gian tâm sự một câu gì về tình bạn, tình học trò, tình thầy cô.
Sau các phần “kính thưa” là phần ăn nhậu. Tửu nhập ngôn xuất, ai cũng hồ hởi phát ngôn. Ban đầu là mi nói tau nghe; tau nói mi nghe; sau đó phần ai nấy nói, chẳng biết có ai nghe.
Có cuộc họp mặt biến thành “đại nhạc hội”. Có đàn có hát để cuộc gặp gỡ thêm sinh khí. Nhưng đàn địch, hát hò quá nhiều, âm thanh quá mức làm không khí họp mặt trở nên ngột ngạt. Nhiều bạn ra về có cảm giác vừa bước ra khỏi phòng tra tấn chứ không phải phòng họp mặt. Và năm sau, những cựu học sinh này không còn tên trong những người họp mặt.
Không hiếm cuộc họp mặt cựu học sinh gặp phải tình trạng như thế. Những điều tôi nói ở trên giải thích lý do tại sao các cuộc họp mặt thường ít có trường hợp “năm sau học sinh đi dự nhiều hơn năm trước”.
Nhưng cũng có trường hợp họp mặt thành công khi người tổ chức không lặp lại những điều tôi nói ra ở trên và tâm thái những người đến buổi họp mặt có tấm lòng chân thật: hãy nói với nhau những gì mang lại niềm vui và tránh làm cho nhau bị thương tổn vì so sánh thành đạt, sang giàu.
Tôi viết những dòng này gởi đến các bạn tôi, cựu học sinh, đang chuẩn bị bước vào tuổi bảy mươi. Các bạn, cũng như tôi, có trước mắt một số năm không nhiều nữa. Chúng ta đến với nhau với tâm thế của những người bạn học cùng một mái trường. Mỗi năm gặp gỡ một lần không phải là nhiều.
Chúng ta còn có dịp gặp nhau bao nhiêu năm nữa? Họp mặt của chúng ta ở Hội An rất nhiều năm không có những gì đáng tiếc như thường thấy ở trên, đó là điều trân trọng.
Nguyễn Khuyến rất đúng khi nhận định: “Duyên kỳ ngộ là duyên tuổi tác” (*). Tuổi tác chúng ta chất đầy, tại sao chúng ta không “kỳ ngộ”? Ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Sài Gòn và các nơi khác, học sinh Trần Quý Cáp, Hội An, các năm học từ 1965-1972 hãy hát câu của Trịnh Công Sơn “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ?”
(*) Duyên kỳ ngộ là duyên tuổi tác/ Chén chú, chén anh, chén tôi, chén bác/ Cuộc tỉnh say, say tỉnh cùng nhau/ Nên chăng đá cũng gật đầu.