Thursday, May 30, 2024

CHÁO BỘT

Khi ra đến Quảng Trị, tôi mới biết bánh canh là cháo bột. Huế có bánh canh. Tôi nói ngay, nó không ngon bằng Quảng Trị. Vì sao? Rất đơn giản. Huế là vương giả. Vì vương giả, cái gì của họ cũng đầy màu sắc. Mấy đứa xấu miệng, gọi là “màu mè “ kể cả những món ăn. Tôi không nghĩ vậy. Món ăn của người Huế đa dạng và phải nói là cầu kỳ.

Cháo bột (tức bánh canh) Quảng Trị không cầu kỳ. Tôi có ra thị xã (QT) nhưng khi ăn bánh canh, tôi thấy ở đó không ngon bằng ở Hải Lăng. Tất nhiên theo cảm nhận cá nhân.

Tôi có “tánh kỳ” là đi đâu cũng tìm hiểu…món ăn địa phương. Tôi tự hào suy nghĩ hơi khoe khoang: món ăn là đặc điểm con người vùng miền. Món ăn là tính cách con người . Tại sao người Quảng (Nam) có những món ăn “đơn giản”, “ mộc mạc”, “đậm đà”. Bởi họ rất đơn giản, mộc mạc, thiệt thà. Thiệt thà nên con mỳ (trong Mỳ Quảng) sợi to, xắt dày; sợi phở Bắc hay con bún “thanh tao” hơn nhiều. Nhưng Mỳ Quảng hiện nay sánh ngang với Phở (Hà Nội) và Bún (Huế). Không nói khoa trương. Tôi chắc chắn Sài Gòn ở VN hay San Jose ở Mỹ đều trương bảng hiệu Mỳ Quảng ngang hàng với Phở Bắc hay Bún Huế.

Tính cách người thể hiện ở món ăn. Có thể là “đặc sản”.

Bánh canh Quảng Trị rất đơn giản. Cá lóc, bánh, nước lèo (nhưn), một ít tiêu bột, bên trên tô bánh canh là lá hành và ngò gai (ngò tàu) xắt nhỏ. Chỉ có vậy thôi. Khi ăn, quý vị chỉ có chú tâm…vừa húp vừa gắp. Húp nước và gắp sợi mì, một vài miếng cá lóc. Tôi đoan chắc khi ăn, quý vị sẽ chẳng để ý đến ai ngoài tô cháo bột: Quá ngon vì quá đậm đà.

Quý vị sẽ không thấy trên bàn có rau đắng như bánh canh ở miền Nam. Tìm rau ư? Thưa, không có. Lọ nước mắm nêm thêm? No. Người Quảng Trị sẽ quyết định khẩu vị của thực khách. Đi ăn rất nhiều lần, tôi không thấy ai gọi nước mắm (và đừng bao giờ gọi nước tương- xì dầu, người ở đây sẽ nghĩ quý vị trên khung trăng rơi xuống).

Bánh canh sẽ không ngon nếu người Quảng Trị không làm vừa lòng quý vị về độ mặn lạt (nhạt). Nếu ở độ mặn làm bạn không vừa lòng, bạn sẽ chẳng thèm ăn thứ cháo bột ấy. Nhưng tôi cam đoan, bạn sẽ chẳng nêm nếm gì nữa. Bạn sẽ cúi đầu trước tô bánh canh, húp lấy, húp để vì nó quá…ngon. Tất nhiên, như tôi nhiều lần nói, bột ngọt và đường, không bao giờ quyết định cái ngon của món ăn. Người Huế, người Quảng Trị, không bao giờ lạm dụng đường và bột ngọt. Đó là thế mạnh ẩm thực. Khác với quê tôi, Quảng Nam và Đà Nẵng, đã “uốn câu cho vừa miệng cá”, không gìn giữ bản sắc: cho đường vào món ăn để làm vừa lòng khách số đông từ miền Nam ra.

Tôi ăn cháo bột (bánh canh) ở quán Hồng Phúc. Phải đợi rất lâu mới tới phiên mình. Xe máy, xe hơi (ít hơn) đậu kín đường trước quán. Nhưng đây chưa phải là quán ngon nhất. Quán bà Nguyệt nằm trong một con hẻm xe hơi không vào được. Người ăn bánh canh tại đây phải tự cầm tô. Họ sẽ lần lượt chìa tô ra cho bà chủ múc bánh canh. Không có tiếng quát như một số quán bún chửi Hà Nội. Ở đây, thực khác rất giác ngộ, ý lộn, rất tự giác. Nếu không xếp hàng và tự bưng tô (self service), có tiền đến trễ cũng về không. Bà Nguyệt chỉ bán từ 3,5 đến 4,5 giờ chiều. Không bán nhiều.

Cháo bột ở Quảng Trị “phổ thông” như mỳ Quảng ở Quảng Nam, phở ở Hà Nội, bún ở Huế, hay hủ tiếu ở Nam Vang. Cháo bột như cơm. Ăn hằng ngày vẫn không thấy…ngán.

Ở Sài Gòn tôi thích ăn bánh canh Quảng Trị. Nhưng khi đến Quảng Trị tôi mới thấy những quán bánh canh ấy chả bõ bèn gì. Vậy mà, rất lâu, có thể cả chục năm, tôi là người hâm mộ của những quán ăn bánh canh Quảng Trị.

Tôi thấy “cháo bột “ của họ quá ngon. Bởi nó thật thà, chất phát, giản dị như mỳ Quảng của tôi? Món ăn ngon, tôi nghiệm ra không phải cầu kỳ. Món ăn ngon khi nó phản ảnh tính chất của người làm ra nó. Cháo bột (bánh canh) Quảng Trị thể hiện sự chân phát, thật thà, hiếu khách có khác gì món mỳ Quảng quê tôi.

CHUYỆN HAI NGƯỜI MỸ

Vụ xả súng bắn chết hàng chục trẻ em Mỹ có hai cô giáo thiệt mạng vì muốn che chắn cho các học trò của mình.

Đối mặt hiểm nguy, mạng sống mình sẵn sàng hy sinh, mục đích bảo vệ mạng sống của người khác, hành động nghĩa hiệp này xuất phát từ đâu?

Chắc chắn từ giáo dục về lòng nhân ái.

Cũng đối diện với hiểm nguy, hàng chục ngàn người chết, lúc nhắm mắt không được gặp người thân, trở về nhà trong những hũ tro lạnh lẽo; hàng trăm ngàn người dắt díu nhau về quê tránh dịch, trên con đường dài hàng ngàn cây số, cả ngày lẫn đêm, đói khát dọc đường; và trong lúc đồng nghiệp của mình ngày đêm xông pha hiểm nguy trong tuyến đầu chống dịch thì một số y, bác sĩ, trong đó có cả giáo sư, tiến sĩ, giữ trọng trách cung cấp vắc xin ngừa dịch lại nhẫn tâm “đục nước béo cò “, ăn trên nỗi đau của đồng loại. Tù tội phải dành cho họ là lẽ đương nhiên. Câu hỏi đặt ra, còn “đương nhiên” hơn:

Có thể phát hiện tất cả những kẻ đội lốt “lương y như từ mẫu” kia không?

Chắc chắn là không. Chưa bị bắt, vị nào cũng “liêm chính, chí công vô tư “.

Thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh là ba thứ xảy ra thường xuyên trong cuộc sống loài người. Liệu trong tương lai, khi gặp nạn do chúng gây ra, sẽ không còn ai lợi dụng đau khổ của đồng bào để trục lợi, chưa nói tới quay lưng với nỗi đau của đồng loại để “chăm sóc bộ lông của mình”?

Không rõ hai cô giáo người Mỹ này có “học tập và làm theo đạo đức” Washington hay không?

May be an image of 2 people and text that says 'E Trang chủ Mới nhất Podcasts Thời sự Hai cô giáo thiệt mạng khi che chắn học sinh trong vụ xả súng BOOM (31 Cảnh sát và người thân cho biết hai cô giáo Mireles và Garcia đã cố gắng bảo vệ các học sinh trong vụ xả súng trường tiểu học ở bang Texas và bị nghi phạm bắn chết.'

Monday, May 27, 2024

KHỎE VÀ ĐẸP

Khi về Trung, tôi bắt gặp nhiều phụ nữ phương Tây đi du lịch. Quê tôi là Quảng Nam và Đà Nẵng mà. Hai chỗ có rất nhiều khách các nơi trên thế giới “kéo về”. Tôi phải dùng chữ kéo về để nói rằng, Đà Nẵng gần Huế, Hội An gần Mỹ Sơn, hai nơi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Thật ra, Mỹ có nhiều di sản lắm. Họ chẳng mặn mà chi với tên gọi “di sản thế giới”. Việt Nam ta, cái chi mà có ‘danh hiệu’ thì giá nào cũng tầm cho bằng được. Nhưng Hội An hay Đà Nẵng, khách quốc tế cũng nên “tầm” đến.

Đi nhiều nơi, kể cả Singapore, tôi không thấy bãi biển nào đẹp bằng bãi biển Mỹ Khê. Nếu có dịp, quý vị ra Non Nước, tôi đoan chắc, các vị sẽ thấy không nơi nào có bãi biển hoang sơ mà đẹp như ở đây. Tôi không dám so sánh với bãi biển Đại Lãnh, Bình Định.

Tôi có tật hay ‘lan man’. Đang nói sắc đẹp và sức khỏe mà. Vì sao phuu nữ Tây “cởi trần”, ý lộn, gần như cởi trần; họ mặc áo thun, tay phơi ra, tôi thấy, cổ áo gần như phơi cả ngực. Quần đùi, tức là quần ngắn, không có slip nào ngắn hơn, nghĩa là, chân tay họ hoàn toàn phơi trong nắng. Mùa hè mà.

“Mấy con này điên quá. Không sợ đen da". Đó là nhận xét không phải của vợ tôi. Đó là nhận xét tôi nghe từ một phụ nữ VN khá là xinh đẹp. Chị - cô đi, cho nó đúng- rất trẻ và có thể nói, dù mới nghe giọng nói, và mới liếc qua, tôi thấy cô- hay là em, cho nó thân thương, rất đẹp. Làn da trắng của em, ý lộn, của cô, không thể tìm cho ra làn da nào trắng hơn- kể cả Thúy Kiều. “Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”.

Khi nàng, á không, khi cô ta, cởi áo ra, để mặc bộ đồ tắm “hết biết’, có lẽ để khoe thân hình thon thả, trắng như bông. Tôi không gọi da trắng như tuyết của Nguyễn Du. Như tuyết chắc gì đẹp như bông. Tất nhiên, khi bước ra khỏi phòng thay đồ ở bãi biển đẹp nhất Đà Nẵng, chồng của cô, hay người yêu của cô, tôi không rõ, được cô "ra lệnh” hay nói to "che em đi". Ý là che bằng dù. Từ chỗ thay áo quần ra đến biển chỉ chừng 100 mét. Nắng ban mai, đâu có gì là gay gắt. Che mát làm gì.

Che ánh nắng mặt trời, đâu có phải mỗi cô gái, hay bà ‘gái’ này. Ở Sài Gòn, hay bất cứ thành phố nào khác, trừ khi đi xe hơi, tất cả- có khi tôi hơi quá- phụ nữ đều mặc một loại áo gọi là áo “chống nắng”. Nó từa tựa như áo dài vì thân trước, thân sau, của áo phủ gần tới chân. Tất nhiên, từ đó trở lên cổ, ra hai cánh tay, chiếc áo đủ đầy vải, để bảo vệ người đi xe máy, không chỗ nào có ánh sáng chiếu vào. Tia cực tím, thực ra tia sáng mặt trời, đều là “kẻ thù” của làn da bất cứ người phụ nữ VN.

Tôi không nói đến những người bà, người mẹ, người chị, người em nông thôn. Ra ruộng đồng đâu phải ra phố. Họ bận những chiếc áo gọn ghẽ, chiếc quần có thể xắn lên tới…háng. Chấp mầy- tia cực tím.

Phơi ra nắng ở thời gian cho phép của khoa học. Che mọi ánh nắng trong thời gian cho phép cơ thể chịu nắng- nghĩa là không có hai vì tia bức xạ. Cái nào tốt hơn, cho sức khỏe? Tôi không dám giải thích.

Ánh sáng mặt trời biến tiền sinh tố D trên da trở thành sinh tố D giúp cơ thể phát triển. A-D-E nếu tôi không lầm là những vitamin quan yếu cho con người.

Vì sợ đen da, phụ nữ VN, tôi có thể can đảm nhận xét, họ  thà đẹp- ý là nhứt da nhì dáng-  còn hơn khỏe.

Khi qua một số nước châu Âu- nhất là Bắc Âu- tôi thấy, phụ nữ của họ rất thanh mảnh. “Mình hạc xương mai”. Tất nhiên khi có gia đình, nghĩa là đẻ con, hay đẻ nhiều, có thể họ “sồ sề” (xồ xề) hơn. Tiếng Việt ta hay gọi là “nạ dòng” (đẻ nhiều).

Đẹp mà khỏe, tôi thấy là điều hạnh phúc nhất nếu đàn ông Việt chúng ta có người vợ như thế. Nước da như Thúy Kiều nhưng sức khỏe không có thì, tôi nói thật, đố ông chồng nào còn xao xuyến tình yêu nếu người vợ chẳng…khỏe tí nào khi hai người chuẩn bị…"yêu" nhau.

Khỏe và đẹp có lẽ là điều phụ nữ VN nên coi lại. Tôi không nói tất cả. Nhưng khỏe, chứ không phải đẹp, sẽ bảo vệ tình yêu nhiều hơn đẹp…Nó đời đời bền vững. Khỏe, muôn năm! Khỏe sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.

May be art of 1 person

See insights and ads

Boost post