(Tản mạn sau 5 ngày Sài Gòn “cởi trói”)
Có thể là hơn 40 năm, lần đầu tiên tôi nghe lại tiếng rao “bánh mì đây” của một người đi bán bánh mì. Bây giờ, chỉ có xe bánh mì hoặc tiệm bánh mì, không có người đi rao bán bánh mì ổ.
Với trẻ con thời xưa, nhất là ở thôn quê, bánh mì là món ăn Tây lạ lẫm. Các bà mẹ quê có dịp ra phố mới có thể mua về cho con: những ổ bánh mì mà chính người mẹ chẳng mấy ai dám ăn vì mọi điều tốt nhất đều dành cho con. Ở miền Nam, thập niên 1950 và 1960, bán bánh mì ổ (không thịt) là một nghề hẳn hoi, chỉ những người nghèo khổ nhất ở thị trấn lớn hay thành phố mới làm. Bánh mì bỏ vào trong một bao vải đã đựng bột mì giặt sạch. Đi gần hết các con phố, bánh mì của người bán vẫn còn nóng nhờ lớp vải dày của bao vải. “Bánh mì nóng dòn đây”. Đó là tiếng rao quen thuộc chỉ những người có tuổi như tôi mới còn nhớ.
Thời tân tiến, không còn những tiếng rao từ những người đi bán dạo. Một vài lời rao hàng thôi, tiếng rao lảnh lót kéo dài có khi cả ngày nhờ một thiết bị nho nhỏ lớn hơn nắm tay.
“Bánh mì đây”, những ngày Sài Gòn trong không khí ngưng đọng, nặng nề, khó thở, ngột ngạt - “ai ở đâu, ở yên đó”; tiếng rao từ một con người, không phải từ máy lại làm tôi sửng sốt. Những ngày tháng chưa có “bình thường mới”, có ai ăn bánh mì không thịt, không chả, không rau mùi, không ớt và không dưa leo?
Đất nước gần 100 triệu dân, nơi nào có cái gì, thì Sài Gòn đều có cái đó. Những ngày phong tỏa, ai có được một ổ bánh mì “vừa nóng, vừa dòn” lấy ra từ một cái túi vải dày, bên trong thêm một lớp túi ni lông? Cầm trên tay, bánh nóng như mới ra lò, thơm phưng phức. Tôi mua một ổ và cắn từng miếng, từng miếng mì dòn rụm, bánh mì không thịt, không nước sốt. Có lẽ như phở Hà Nội thời chiến tranh: phở không người lái (phở không thịt) nhưng cực ngon. Vừa nhai từng tý, chậm rãi, từ tốn, nhảnh nha, tôi vừa thở rất nhẹ, sợ mùi thơm thoang thoảng của ổ bánh mì sẽ tan biến vào thinh không.
Tôi ăn từng miếng như chưa từng ăn một ổ bánh mì trong đời. Gần 4 tháng tóc bạc cứ dài ra. Những ước ao giản dị cũng dài ra theo tóc bạc. Lúc bị hốt vào khu cách ly, mọi cái đều phụ thuôc “nhà nước”, chẳng hạn chỉ một phần tư quả ớt, tôi cũng ước ao. Có hôm, nhận phần cơm, người nấu ăn nào đó “tốt bụng” hay “sơ ý” bỏ vào phần ăn của tôi hơn phân nửa trái ớt đỏ, nỗi mừng vui như vô hạn.
Khi “mất tự do”, chỉ một ánh sáng hay làn không khí lọt qua khe cửa, người ta cảm thấy đất trời đáng yêu vô kể, huống hồ gì một mẩu ớt, thức ăn tôi yêu từ tuổi dậy thì. Ổ bánh mì nóng dòn còn ngon hơn thế.
Vì sao người phụ nữ chưa qua tuổi 30, gương mặt cháy sạm, chỗ không cháy nắng nơi cổ vẫn còn nõn nà, lại có thể liều lĩnh đi bán bánh mì trong thời như giới nghiêm chiến tranh? Tôi thắc mắc và hỏi nhưng cô không đáp, vừa quan sát vừa nở nụ cười (tôi đoán thôi, khẩu trang che mất nụ cười). Khi thắng chiếc xe đạp phía sau là túi đựng mì ổ trước nhà tôi, cô lo lắng nhìn trước, nhìn sau, đôi mắt đầy sợ hãi, như một người sắp sửa phạm tôi. Cô vội vã lôi ra một ổ bánh mì nóng hổi, mùi thơm phưng phức. (Một ổ vì vợ tôi đang nằm nhà thương chữa Covid). Lúc đó chỉ tầm 5.30 sáng, tôi “len lén đi bộ tập thể dục chừng trăm bước tới lui trên lề đường trước nhà.
Sau ngày “giải phóng” 1/10/2021, tôi mới có dịp tìm hiểu lý do. "Khó như thế, cô không sợ bị đóng phạt hay sao?". “Chồng cháu bị kẹt làm công nhân ở Bình Dương, cháu ở Sài Gòn, thường ngày bỏ mối bánh mì cho các xe bán bánh mì. Nay các xe bánh mì không còn, cháu bèn đi bán dạo bánh mì không”. “Lò bánh mì có hoạt động sao?”. “Dạ còn, nhưng rất ít, chỉ đủ cho ba bốn người như chúng cháu- sống qua ngày. Số bột bánh còn dôi ra của họ”.
Người làm (lò) bánh mì kiếm sống hay chỉ muốn giúp những người gắn bó với họ kiếm sống, tôi không rõ; nhưng ăn được ổ mì nóng dòn, thơm, người bán rao kia làm sống trong tôi ao ước giản đơn: ăn một ổ bánh mì trong những ngày Sài Gòn như “chết lâm sàng” vì dịch bịnh, không một thứ gì được bán rong.
Sài Gòn năng động, có tiếng. Sài Gòn bao dung, có tiếng. Sài Gòn “xé rào”, có tiếng. Nếu để ý, quý vị sẽ thấy, kiếng chống giọt bắn ra đời đầu tiên ở Sài Gòn. Các ATM gạo nảy sinh, các cách thức tiếp cận của những người “nghĩa hiệp” đối với đồng bào khốn khó trong những căn nhà tối tăm, lụp xụp, những ngõ hẻm ngoằn ngoèo, có cái sâu hun hút…xuất hiện đầu tiên và rộng khắp, cũng ở Sài Gòn – tuy có lúc người làm từ thiện phải chật vật vì quy định nghiêm ngặt của các cấp thẩm quyền.
Khi đi đến chỗ cho phép tập thể dục ngoài trời sau ngày “giải phóng”, tôi lại phát hiện thêm chuyện “hớt tóc tại nhà” (xin gọi số.... viết nguệch ngoạc trên cửa tiệm hớt tóc bình dân). Bán bánh mì dạo và hớt tóc tại nhà trong thời phong tỏa: phạm luật. Chẳng may bị bắt, họ sẽ chịu phạt, nhân đạo đạo lắm cũng bằng thu nhập một tháng làm chui.
Nhờ có người bán bánh mì rao bất hợp pháp; nhờ bác thợ hớt tóc không tuân thủ quy định giãn cách, những người như tôi mới có được ổ mì để ăn mà nhớ bánh mì trong lúc không một xe bánh mì hay tiệm bánh mì nào có mặt ở thành phố 10 triệu dân; đầu tóc của những người mỗi tháng ra tiệm hớt một lần mới không trở thành tổ quạ.
Những người “phá rào” này thật năng động. Họ sống nhờ “phá rào” và chúng tôi cũng sống nhờ sự liều lĩnh phá rào của họ. Đứng bên lề đường, cả hai người mua, người bán đều mang khẩu trang, đứng cách xa nhau hơn một mét, cả hai đều lấy bình cồn ra xịt vào tiền trả, tiền thối, vào tay, và túi chứa ổ bánh mì nóng hổi, có lẽ cô Vy cũng thương tình không “bắt” con người lao động bé mọn trong trận chiến khổng lồ “chống dịch như chống giặc”.
Người bán bánh mì dạo và người hớt tóc thuộc giới nghèo khổ, có thể nói ít học nhưng cả hai đều rất “năng động” bươn chải cho cuộc sống éo le của họ trong dịch bịnh ở Sài Gòn. Tôi nghĩ, thành phố có rất nhiều giới tinh hoa. Sài Gòn chẳng lẽ không năng động hơn gấp trăm, gấp ngàn lần người bán bánh mì và bác hớt tóc dạo trong lúc ngặt nghèo?

Sài Gòn như một gã khổng lồ, sức khỏe vô song, làm ra 10 đồng chỉ cần tiêu 2 đồng thôi, cũng vui vẻ, nhưng bị trói chặt lại để “đập” con vi rút Vũ Hán - bằng hàng rào, bằng phong tỏa. Bị đập dữ dội như thế mấy tháng, con Covid chẳng xi-nhê, chàng khổng lồ thì xấc bấc, xang bang, tối tăm mặt mũi. Cũng may mắn, nhờ bề trên sớm "diễn biến", chàng mới được cởi trói; Corona vì thế lụi dần (thống kê sau ngày 1/10, các ca nhiễm càng về sau càng ít, tôi tin là con số đúng).
Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi. Chỉ sau năm ngày khởi sắc nhờ mở trói..
1MrrburJkgB0zmwMgeu9rfHSu4GxHtoG3SFjRMnFP2GQ