Thursday, January 20, 2022

Rau ghém


 


"Bao giờ rau diếp làm đình. Gỗ lim ăn ghém thì mình lấy ta"

Có nơi gọi rau diếp là xà lách nhưng rau diếp trong ca dao trên có lẽ là rau diếp cá? Thuở Tây sang họ mới mang theo rau xà lách. Lời ca dao là của cô gái xinh đẹp thách đố chàng trai. Các giai nhân thường rất kiêu ngạo, nhất là các cô "chim sa, cá lặn". Dẫn đầu câu chuyện rau sống bằng câu ca dao, tôi muốn nói món ăn truyền thống của người Việt: rau ghém; chỗ Quảng Nam quê tôi gọi là rau sống.
“Rau sống” chỉ đúng một phần, các loại sau đều tươi sống. Nhưng rau ghém đúng hơn: nhiều loại rau góp lại. Rau ghém cũng như quân đội, gồm quân chủ lực và quân phụ trợ. Chủ lực rau ghém quê tôi là cây cải con.
Cải con – mà phải là cải cay, cải bẹ xanh, có mùi hăng – thu hoạch từ lúc thân cải tách thành hai phiến lá lớn tầm móng tay, ngọn nhú lên với hai mầm lá rất nhỏ. Nông dân gieo hạt cải rất dày trên đất. Cải sẽ ăn từ lúc “cải con” đến cải “trưởng thành”, nghĩa là thân cải sắp sửa trỗ “ngồng”, ngọn cải cao vống lên khỏi các tầng lá, chuẩn bị ra bông. Từ một vạt sân phủ đầy cải nẩy mầm đến cải con, cải thiếu niên, cải trung niên, cải lão…Quý vị sẽ thấy khung cảnh mùa xuân kéo dài trên sân ở nông thôn, từ xanh ngát đến vàng óng những bông cải, rập rờn những cánh bướm đủ màu sắc đầu xuân.
Cải có thể gieo quanh năm để thu hoạch cải con. Nhưng cải “ngon nhất” phải là cải gieo hạt từ trước đầu tháng chạp khi không còn các trận lũ lụt. Lúc này không khí sẽ se se lạnh. Không gian mờ mờ những đợt mưa phùn, còn gọi là mưa xuân. Cải thay đổi hình dáng mỗi ngày nhờ đất, nhờ khí trời, nhờ hơi xuân, nhờ lòng náo nức của lũ trẻ con chúng tôi, trông Tết còn hơn trông mẹ.
Ở nông thôn ngày xưa khi tôi năm ba tuổi (nay 70), nhà nào cũng có một khoảng sân phơi lúa. Nhà giàu thì sân rộng. Nhà nghèo thì sân hẹp hơn. Tất cả mọi nhà đều phải có sân. Thời điểm gieo cải bắt đầu khi lúa thóc thu hoạch xong, phơi phong hẳn hoi, đổ sẵn vào “bồ” đặt trên gác. Sân phơi lúa biến thành sân cải. Các loại rau khác cần phải xới tơi đất nhưng cải thì không.
Tôi thấy cha tôi dùng cuốc chĩa có ba răng nhọn cào nhẹ mặt sân, lúc này rong rêu bám xanh, sau mấy tháng nước lụt mang phù sa vào từ dòng sông chảy qua làng. Mặt đất như trải một lớp đất mịn, mỏng khi lưỡi cuốc chĩa kéo ngang, kéo dọc, nhè nhẹ, nhè nhẹ nhiều lần. Hạt cải ngâm qua nước ấm một đêm đem ra trộn thêm một ít tro bếp để rải. Tro bếp dính vào hạt cải đánh dấu chỗ nào hạt cải đã rơi, chỗ nào chưa. Màu hạt cải không thể thấy vì dễ chìm vào màu đất. Hạt cải gieo đều răm rắp. Nông dân từng gieo mạ thì gieo cải đối với họ chỉ là “chuyện nhỏ”.
Nhiều nơi, khi thu hái cải con - thực ra là cải “thiếu niên”, lá dài như lóng ngón tay - người ta nhổ sạch từng vạt và dùng kéo cắt lấy rễ con. Cải con quê tôi thu hoạch công kỹ hơn. Cải còn nhỏ nên rễ rất ít. Phụ nữ thường lãnh việc tỉ mỉ tốn nhiều thời gian này. Họ đặt chân lên chỗ ít cải mọc, nhổ tỉa những cây cải con đang chen nhau từng cụm. Cả một vài giờ thì mới đủ cải con cho một rổ rau cung cấp cả gia đình năm bảy người ăn. Nhổ cây cải này để có chỗ cho cây cải khác phát triển. Một quá trình, một “triết lý”, một sự kiên nhẫn…chỉ có ở người phụ nữ thôn quê thuở xưa. Và thỉnh thoảng tôi còn thấy đặc trưng ấy ở họ ngày nay.
Cải con rửa riêng cho thật sạch, đựng trong một rổ tre lớn sau khi “đảo” mạnh cho sạch nước. Đảo không khéo cải sẽ văng hết ra đất. Vợ tôi quê Hội An từng về quê chồng và từng đảo rau cải; tôi là người phải nhặt lại từng cây cải con tung tóe trên mặt đất. Công đoạn cho một rổ rau ghém sẽ là trộn cải con với các loại rau “phụ trợ”: giá sống (không thể thiếu), chuôi chát non thái mỏng, bông chuối xắt nhuyễn (chỗ tôi gọi là bắp chuối chát – chuối hột), nếu không thì thay vào bẹ chuối thái nhỏ (lấy phần lụa trắng), và cà dĩa trắng xắt thật mỏng (cà màu tím không dòn bằng), ba loại rau kể sau ngâm qua nước lạnh, vắt vài giọt chanh hay giấm cho rau được trắng. Rổ rau ghém sẽ có thêm “phần hồn” là các loại rau thơm (miền Bắc gọi rau mùi?) như rau ngò rí, ngò gai (ngò tàu), rau quế, rau bạc hà, lá hành và lá tỏi cắt đoạn (chỉ dân quê tôi ăn thêm lá tỏi). Tất cả trộn đều bằng bàn tay khéo léo của người mẹ hay người chị (có bàn tay to thô của đàn ông xen vào đây sẽ hỏng hết việc – xin lưu ý) theo một tỷ lệ vừa phải, tất nhiên “chủ đạo” phải là cải con.
Rau ghém thường đi kèm với thịt heo luộc ba chỉ (ba rọi) xắt lát dài và mỏng; và dường như chỉ có thịt heo (heo cỏ- heo mọi) luộc mới “xứng đôi vừa lứa” với rau ghém. Rau ghém kèm lát thịt heo chấm với nước mắm nhỉ có ớt đâm. Ngon “nhức răng”. Có thể ăn kèm với cá con kho mặn không cần chấm thêm nước mắm.
Rau ghém ngon không những là tập hợp các loại rau sạch. Nó còn ngon ở chỗ chỉ ăn vào những ngày giáp Tết, khi không khí dìu dịu, lành lạnh, lất phất những hạt mưa xuân, tất nhiên chỉ nói ở miền Trung, miền Bắc. Miền Nam vào mùa xuân lại là mùa nắng. Rau ghém dẫu có đủ các loại ra như vừa kể cũng không thể ngon vì thời tiết và khí hậu. Nếu ai tinh ý sẽ thấy: rau thơm (rau mùi) Sài Gòn - phần hồn của rau ghém, không ngon bằng rau thơm Quảng Nam và rõ ràng tất cả không thể so với rau thơm xứ Huế (nơi có nhiều cô gái Huế).
Rau ghém miền Bắc tôi chưa thưởng thức nên chưa rõ “mèo nào cắn miêu nào”. Rau ghém xứ Quảng đem ra bàn là thực khách ăn ngay, họ không phải chọn lựa, ăn loại nào, không muốn ăn loại rau nào. Các loại rau trộn đều với nhau không thể lựa loại nào thích hơn để ăn.
Cách ăn rau thể hiện văn hóa vùng miền. Ở miền Nam bạn sẽ chọn loại rau ăn kèm mình thích: tự do cá nhân được tôn trọng. Ở miền Trung (Quảng Nam tôi) bạn sẽ không thể chọn ra thứ nào để ăn theo ý thích. Bạn sẽ ăn tất cả và bạn sẽ cảm thấy ngon miệng. Chính đó mới là bí quyết. Một loại hỗn hợp rau dành cho tất cả moi người, rất khó, nhưng vẫn ngon. Tất nhiên muốn thưởng thức rau ghém, bạn phải về vùng quê nơi có người thân thiết, ruột thịt. Tất cả các quán đều không thể có loại ra ghém như tôi mô tả. Bởi lẽ không ai bỏ nhiều công sức để làm một loại rau ghém; và khi bán nó cũng chỉ là một loại rau…bình thường với giá bình thường.
Một loại rau ghém mang cả hồn cốt quê nhà, đất đai, khí hậu, đặc điểm vùng miền, thử hỏi rau gì ngon hơn? Rau ghém còn ngon ở chỗ nó là sản phẩm kết tinh của sự chịu thương, chịu khó, nhẫn nại, bàn tay khéo léo, tấm lòng bao dung của người phụ nữ Việt Nam. Có thể đó là người em gái, chị gái, người vợ, người dì, người bác, và nhất là người mẹ. Rau ghém gói ghém các loại rau nhưng cũng gói ghém một tình yêu ruột thịt gắn chặt bao đời.
Đã đến lúc nên làm thêm hai câu:
“Bao giờ rau diếp làm đình
Anh chê rau ghém thì mình bỏ nhau”.
Ảnh minh họa: Không loại rau nào như rau sống (ghém) quê tôi.

Friday, January 7, 2022

GẦN TẾT NÓI CHUYỆN LÒNG




Có thể mọi người cho tôi là lập dị nếu tôi nói VN nghèo vì chia rẽ chứ không phải nghèo vì không giỏi. Những người Việt đầu tiên đến Mỹ với thân phận lưu dân, có ai “nghèo” không? Chắc chắn là rất hiếm. Tại sao người Việt tại Mỹ thì “giàu” (vật chất và tinh thần) nhưng người Việt sở tại thì không? (Tôi muốn nói số đông. Có nhiều doanh nhân Việt giàu không thua doanh nhân Mỹ).

Nếu người Việt ở nước ngoài cộng tác với người Việt trong nước, Việt Nam hiện nay có phải sợ hãi trước bọn bành trướng hay không? Chắc chắn là không. Ngoại giao “cây tre” là triết lý ngoại giao “thời thượng”. Tre thì rỗng ruột, mảnh mai, nhưng chịu đựng bão tố, gió chiều nào nghiêng chiều đó, khó mà gãy thân tre rỗng. Tại sao không là “ngoại giao cây tùng” (thông). Nguyễn Công Trứ: “Kiếp sau xin chớ làm người. Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.
Bất cứ một hiện tượng nào nhắc đến Nam- Bắc, nghĩa là, về quá khứ phân tranh, người Việt đều chia làm hai. Kẻ theo cộng sản thì xem người “quốc gia” trong nước, hải ngoại là thù địch, luôn âm mưu lật đổ chính quyền. Người theo “quốc gia” căm căm lòng thù hận muốn tiêu diệt “cộng sản”. Bó đũa khó bẻ nhưng từng chiếc – “từng em một”. Tại sao chúng ta muốn làm từng chiếc đũa?
Theo dõi truyền thông “trái, phải” tôi có nhận xét, hiện có một thế lực nào đó, luôn khoét sâu vết thương chiến tranh, vết thương Nam cắt lên Bắc, Bắc cắt lên Nam, từ quá khứ, những năm gọi là “chống Mỹ cứu nước”, hay "chống cộng sản xâm lăng”.
Việt Nam thống nhất lãnh thổ, thể chế, con người nhưng liệu Việt Nam có thống nhất lòng người? Cái gì chia rẽ dân tộc Việt Nam? Chủ nghĩa cộng sản thể hiện chính quyền hiện nay hay tinh thần quốc gia thể hiện ở những “cựu” thuyền nhân VN sống khắp nơi trên thế giới, và một bộ phận VNCH hiện còn sinh sống trong nước?
Cái gì còn gây chia rẽ? Lá cờ đỏ sao vàng hay là cờ vàng ba sọc đỏ? Cả hai lá cờ chỉ là những mảnh vải có màu sắc không giống nhau. Con người đặt một giá trị lên đó: biểu tượng thiên liêng. Mỗi lá cờ thiêng liêng vì kèm theo mạng sống của hàng triệu sinh linh.
Lá cờ khác nhau làm cho người Việt chia hai chiến tuyến. Lá cờ khác nhau làm người Việt xem nhau như hai kẻ thù. Lá cờ khác nhau làm cho nước Việt Nam tan tác, hàng triệu người bỏ mạng, di sản tiền nhân bị phá hoại tan thương, đất nước bị qua phân, chia cắt, non sông bị tàn phá thảm thương. Liệu lá cờ ấy có thiêng liêng thật không?
Đất nước dưới lá cờ đỏ sao vàng là đất nước phồn vinh? Con dân dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ (ở nước ngoài và cả trong nước) là con dân hạnh phúc? Hai lá cờ lý tưởng, thiêng liêng, có làm dân tộc ta đoàn kết thành một, Nam như Bắc, trong nước như ngoài nước? Hay hai lá cờ vẫn gieo mỗi hận thù cho mọi người con Hồng, cháu Lạc, cho cha Lạc Long Quân, cho mẹ Âu Cơ?
Có một lá cờ nào không cắt đứt dòng máu Lạc Hồng?
Khi có một lá cờ như thế, kẻ thù hàng đầu hiện nay của Việt Nam sẽ là số không, nếu Nam cũng là Bắc, người Việt trong nước cũng là người Việt ngoài nước. “Ta” cũng như “ngụy”. Suy nghĩ này có lẽ không phải của mỗi mình tôi nhưng đây là suy nghĩ chân tình nhất và thật thà nhất. Tôi mong muốn mọi người Việt Nam sẽ xem nhau là “đồng bào”. VN sẽ ngẩng đầu sánh bước cùng thế giới nếu người VN không còn nghi kỵ nhau. “Kẻ thù ta đâu có phải là người (VN). Giết người đi thì ta ở với ai?”(*).
(*) Tâm ca số 7 của Phạm Duy.

Monday, January 3, 2022

THAM NHŨNG, DIỆT HẾT KHÔNG?





Vụ Việt Á test kit cho thấy tham nhũng đã ở vào giai đoạn hết thuốc chữa dù chống tham nhũng “không có vùng cấm”. Cả đất nước hoảng loạn vì COVID thì bọn hút máu người vẫn sống trên nỗi đau của đồng loại.

========
Người ta ca ngợi ông Nguyễn Phú Trọng trong những năm qua như bậc thế thiên hành đạo nhờ công lao chống tham nhũng. Tham nhũng là quốc nạn. Tham nhũng sẽ làm mất chế độ chứ không phải “bọn phản động”, hay thế lực thù địch. Chỉ cần tham nhũng 1 triệu đồng, một nhân viên kiểm tra an toàn thực phẩm, bỏ qua một chất cấm xử dụng trong thực phẩm, hậu quả sẽ có bao nhiêu người dân nhận lãnh tai họa cho sức khỏe của mình. Tôi chưa nói những vụ tham nhũng lớn hơn.
Hàng triệu chứ không phải hàng trăm ngàn người VN sung sướng khi có vị quan chức nào bị bắt tù vì tham nhũng, lò của bác Cả đun thêm củi. Ngay cả vị có chỗ đứng cao nhất trong những người cao nhất, ông Đinh La Thăng cũng không khỏi xộ khám vì…cố ý làm trái hoặc cáo buộc tham nhũng.
“Vòi vọi” như Nguyễn Bắc Son hay Trương Minh Tuấn cũng đang gặm nỗi oán hờn trong cũi sắt vì tham nhũng. Hơn 70 ngàn quan chức khác bị kỷ luật vì tham nhũng. Còn nữa không? Chưa ai dám chắc.
Thời VNCH, phong trào chống tham nhũng cũng rất rầm rộ. Thủ tướng Trần Văn Hương, sau thời gian cật lực làm việc, ông cũng ngậm ngùi tuyên bố: diệt hết tham nhũng lấy ai làm việc. Câu chuyện tôi nghe không rõ đúng sai nhưng nếu áp dụng ngày hôm nay, chắc hẳn không được. Chỉ những kẻ thoái hóa biến chất mới tham nhũng. Nhiều người đức hạnh trong guồng máy quốc gia đâu dễ gì cám dỗ bởi đồng tiền tham nhũng. Có chắc họ chiếm đa số?
Nhưng khi bác Cả về nghỉ ngơi, lò bác xây, có củi để đun nữa không, củi to và củi bé? Chưa ai chắc chắn trả lời: Lò không cần nữa.
Dân thường như tôi, tham nhũng được không? Không. Trả lời cho nó gọn. Vậy, ai là người có thể tham nhũng?
Kẻ có chức quyền.
Chỉ có kẻ nằm trong guồng máy quốc gia mới có chức quyền. Họ không tham nhũng, chính quyền sẽ vững mạnh. Dân chúng yêu họ, tin tưởng họ. Đất nước sẽ tiến lên.
Tham nhũng không phải chỉ có ở VN. Nhiều nước có tham nhũng. Singapore thập niên 1960 chống tham nhũng rất quyết liệt. Họ thành công. Vì sao? Có nhiều câu trả lời. Chẳng hạn tiền lương cho quan chức cao ngất ngưỡng. Ai vướng tham nhũng, nhục nhã thanh danh chưa nói, tương lai của họ, kể cả gia đình, con cái bị đóng chặt. Cái quan trọng hơn: quyền lực có giám sát bằng cơ chế phân quyền. Montesquieu: Quyền lực (mới có thể) ngăn chặn quyền lực. Le pouvoir arrête le pouvoir
Ở Việt Nam, có quyền lực ngăn cản quyền lực không? Tôi rất băn khoăn. VN có ba nhánh quyền lực: hành pháp, tư pháp, lập pháp, nhưng cả ba đều nằm dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN. Như vậy, Đảng (viết hoa) là người nắm quyền lực cao nhất.
Các quan chức VN vô tù vì tham nhũng đều là đảng viên. Có cái gì đó lấn cấn không? Trước khi bị bắt, bất cứ đảng viên nào phạm tôi cũng phải được khai trừ đảng, điều đó nói lên đảng quan trọng ngần nào.
Theo ý tôi, đây là cái khó cho việc bài trừ tham nhũng. Bất kỳ quyền lực nào cũng đều phải có cái cơ chế “nhốt quyền lực” - như ông tổng bí thư từng tuyên bố.
Ai nhốt ai? Khi đảng là người lãnh đạo tuyệt đối? Khi ông Đinh La Thăng là sếp của dầu khí, ai trong ngành dám kiểm soát ông? Nếu kiểm soát ông hiệu quả, tại sao ông ta lại phạm tội?
Nếu không thấy cái gốc tạo ra tham nhũng, diệt tham nhũng chỉ là chặt ngọn. Những người bị nhốt tù vì tham nhũng là những cán bộ nhiệt tình theo đảng. Họ cống hiến, Họ nhiệt thành. Họ có nhiều thành tính trong công tác. Không thể 18 tuổi, ông Đinh La Thăng nhảy lên vị trí ủy viên bộ chính trị. Ông ta phải phấn đấu hết mình và hết sức gian khổ. Lẽ đáng, nếu được kiểm soát tốt từng nấc thang tiến bước, ông ta đâu trở thành người phạm tôi khi lên tới một chức vị cao nhất trong những người cao nhất ỏ hệ thống chính trị VN? Còn nhiều người như ông ta. Họ không thể đẻ ra là làm lãnh đạo. Lẽ đáng họ sẽ là những người tốt nếu có quyền lực kiểm soát quyền lực khi họ ở chức vụ ngày càng cao.
Những điều tôi suy luận ở trên không mới. Tôi chỉ lặp lại những điều cốt lõi của các bậc thức giả về kiểm soát quyền lực. “Quyền lực càng tuyệt đối, tha hóa (tham nhũng) càng tuyệt đối”. Câu nói này cũng rất cũ, cũ mèm.
Thế gian còn, lòng tham còn, nói chi tham nhũng. Nhưng tham nhũng nhiều đến mức lò càng cháy, củi càng nhiều; lò sẽ đốt hết củi, liệu có hết không?
Nếu có một cơ chế: củi không có, lò sẽ không cần. Sức nóng đốt lò không còn cuồn cuộn, guồng máy quốc gia sẽ chạy êm ả khi không khí mát mẻ, chẳng hừng hực còn lò, còn củi, còn lửa.
Montesquieu đúng quá: Il faut que le pouvoir arrête le pouvoir. Chỉ quyền lực mới ngăn ngừa quyền lực. Hành pháp, tư pháp, lập pháp có quyền lực ngang nhau và không có quyền lực nào bao trùm họ.
(Bài cũ nghe cũng mới)