Trả lời ngay là có. Nhưng mặc cảm ấy chỉ xảy ra ở những cư dân Quảng Nam làm ăn xa xứ. Ở Sài Gòn, (hầu hết) những người này thường cố gắng “nói như người Nam”, phần nào che bớt cái mặc cảm có giọng nói “chẳng giống ai”. Nhưng có người "Nam hóa" giọng mình “quá hớp”. “Đêm chong đèn ngồi nhớ mẹ…” thì họ hát thành “Đêm chong ĐẰNG ngồi nhớ mẹ…”. Họ mặc cảm về âm E với âm A. “En không en tét cá đèn đi ngủ” (Ăn không ăn tắt cái đèn đi ngủ”.
Không mặc cảm sao được khi giọng nói của mình “chẳng giống ai”. Đã khác mà giọng ấy còn làm trò cười cho những người rắn mắt thích chọc ghẹo người khác vùng miền. Có những câu chuyện đánh nhau sứt đầu bươu trán trong quân đội khi thanh niên Quảng vào các trại huấn luyện quân sự ở Đồng Đế (Nha Trang). Ở quê tôi có câu “Chửi cha không bằng pha tiếng”. Pha tiếng hay nhái tiếng không thể chấp nhận được.
Giọng Quảng Nam không phải “nổi tiếng” nhờ có hai anh hề Hoài Linh và Trường Giang. Nó nổi tiếng trong câu chuyện thời sự thập niên 1960. Trong một cuộc điều trần trước quốc hội (hạ viện), chủ tịch ủy ban hành pháp trung ương (tức thủ tướng) Nguyễn Cao Kỳ hướng tay chỉ về một dân biểu Quảng Nam và nói: “Mời ông nêu théc méc (thắc mắc)”. Vị dân biểu đứng lên, sửa lại mục kỉnh, với tay ra trước cầm lấy cặp tắp, lẳng lặng rời chỗ ngồi, quay ra ra sau cúi chào đồng nghiệp. và không một lời đáp, một mạch bước ra khỏi hội trường, trước sự sửng sốt của mọi người. Trong phiên họp ngày hôm sau, trước khi khai mạc, thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ nghiêm trang xin lỗi hành vi bỡn cợt vị dân biểu ngày hôm trước. Báo chí lúc ấy phê phán vụ “pha tiếng” này của vị lãnh đạo quốc gia.
“Pha tiếng” không hẳn chấm dứt từ lúc ấy. Nó còn có đến tận bây giờ. Đây là câu chuyện trong bàn nhậu ở miền Nam mỗi một tôi là Quảng Nam. Mấy người bạn nói quê tôi có bà Mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất nước nhờ… cãi nhiều. Ngậm và không nhai nổi miếng miếng mực khô trong miệng, tôi nín thở nghe “một thằng” kể chuyện như sau. Có ba anh du kích núp dưới hầm bí mật bên trên là xe tăng của lính Mỹ đang quần thảo, xích sắt nghiến ầm ầm. “Xe ten (tăng)”. “Không, thiết giốp (giáp)”, một giọng nói cất lên. “Trật lất. Xe bạc (bọc) thép’, người thứ ba quả quyết. Cuộc cãi vã bắt đầu. Nhờ dưới hầm nên tiếng cãi dẫu rất to, chẳng thằng địch nào nghe được. “Trăm nghe không bằng một thấy”, một trong ba anh du kích ra vẻ quyết định: “Mở nắp hầm lên xem”. Cả ba nhất trí. Và thế là bọn lính Mỹ nã đạn vào. Dưới hầm không nghe tiếng cãi nữa.
Tính vốn hiền từ nhưng tôi không khỏi tức giận chửi (thầm trong bụng) “Tổ cha bọn mi xuyên tạc”. Xe thiết giáp thành xe thiết giốp. Xe tăng thành xe ten. Xe bọc thép thành xe bạc thép. Ôi, cái thằng Nam bộ này nhái y chang giọng Quảng của tôi rồi. Tuy là chuyện tếu trong bàn nhậu nhưng tôi thề trong bụng không bao giờ ngồi chung bàn với họ nữa. Tự ái quê hương, biết đâu tôi không “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với những thằng bạn của mình.
Cố gắng “nói như người Nam”, tôi vẫn bị người Sài Gòn nhận xét tôi nói giọng “nẫu” (lầm với Bình Định) còn quê hương thì phê bình tôi “mất gốc”; họ bảo tôi “nói giọng Sài Gòn”.
Bản tính người Quảng Nam rất kiên định. Họ không bao giờ thay đổi quan điểm khi đã hình thành quan điểm. “Cãi” là một trong nhiều cách họ bảo vệ cái quan điểm ấy của mình. Giọng nói, do đó, cũng khó mà bị “đồng hóa” bởi giọng nói của cư dân khác. Giọng Quảng Nam có một đặc trưng riêng. Và tôi rất hạnh phúc khi có được cuốn sách nghiên cứu có tựa “Nguồn Gốc Và Sự Hình Thành Giọng Quảng Nam” của giáo sư ngữ học Mỹ (gốc Việt) Andrea Hoa Phạm.