Monday, July 26, 2021

RÀO CẢN KHÔNG Ở HỌC PHÍ MÀ Ở TẦM NHÌN

Khi nghe nói đại biểu quốc hội là "kho tàng trí tuệ", người dân chúng tôi rất phấn khởi. Một trong những "báu vật" đó là ông giám đốc viện đại học quốc gia Hà Nội. Nhận định nổi tiếng của ông có báo đưa tít “Dùng học phí làm hàng rào cản học sinh lao vào đại học”, báo khác thì: “Học phí phải là rào cản để tránh việc vào đại học trở tành “học đại”.
Tư duy “tiền nào của nấy” tưởng là chỉ thấy trong chợ nhưng không phải. Trước đây, có quan chức lý luận, “viện phí (bịnh viện) cao sẽ mang lại chất lượng phục vụ cao”.
Giáo dục và y tế là hai chuẩn mực, dựa vào đó, người ta đánh giá phúc lợi xã hội của một quốc gia. Có phải học phí, viện phí cao thì chất lượng giáo dục, chất lượng y tế sẽ cao? Những nước có nền giáo dục và y tế miễn phí, dân chúng sẽ không hưởng chất lượng cao?
Đồng tiền rất quan trọng thời buổi nay. “Đồng tiền liền khúc ruột”. Đề xuất giữa quốc hội của vị giáo sư đại biểu có thể hiểu, dùng “khúc ruột” để hạn chế đầu vào đại học, nghĩa là không còn “học đại”. Đánh vào khúc ruột - có lẽ vị đại biểu học từ tiền bối- trước đây rất hiệu nghiệm. Người dân nào cũng có “tiêu chuẩn” – nông thôn cũng như thành thị - một số lương thực nhất định. Chính viêc “nắm chặt" khúc ruột mà người ta tạo ảnh hưởng rất dễ dàng lên người dân cả nước. “Bắt ở trần, phải ở trần. Cho may ô mới được phần may ô”. Ai cũng phải ăn mới sống, nghĩa là ai “qua sông cũng phải lụy đò”.
Ngăn “học đại” - nghĩa là nâng cao chất lượng giáo dục – bằng nâng cao học phí cho thấy mấy điều:
1- Học phí cao ngăn người nghèo vào đại học, vậy học sinh giỏi mà nghèo sẽ thất học?
2- Học phí cao giúp người giàu vào đại học, vậy học sinh giàu nhưng dốt thì sẽ học lên cao?
3- Như thế, đại học đâu còn là nơi hội tụ của những tinh hoa đất nước?
4- Lấy “khúc ruột” để “đánh” vào người nghèo (không đủ tiền đóng học phí lên đại học) là quan điểm “giai cấp” hay sao? Người phát ngôn câu “học phí ngăn “học đại” không phải là đảng viên?
5- Xã hội tiến bộ nào cũng chú trọng thành phần yếu thế. Những học sinh nghèo con của giới nghèo không nằm trong ưu tiên của vị giáo sư ?
6- Viện đại học quốc gia, có thể ví như “túi khôn” (ThinkTank) của cả nước mà vị đứng đầu lại có tư duy nâng cao giáo dục đại học bằng cách nâng cao học phí? Đầu vào đại học tại sao không nâng các tiêu chuẩn tuyển chọn lên cao mà lại nâng cao học phí?
Đến đây, là công dân, tôi có quyền nghi ngờ tầm nhìn của vị giáo sư đáng kính đang điều hành một viện đại học đáng kính. Có thể vị giáo sư này học rất giỏi. Còn trẻ nhưng ông lấy được nhiều bằng cấp chứng tỏ năng lực học tập của ông rất phi thường. Người có bằng cấp cao sẽ có tầm nhìn cao? Tôi không nghĩ như thế. Bill Gates có tầm nhìn toàn thế giới nhưng ông ta chẳng tốt nghiệp đại học. Steve Jobs cũng không qua đại học nhưng tầm nhìn của ông qua Apple thì thế nào?
Khi phát biểu ở quốc hội, các câu nói của các vị đại biểu thường là “khuôn vàng, thước ngọc”. Qua phát biểu của vị giáo sư đại biểu, nếu tôi không nhầm, còn nhiều vị nữa, cho tôi suy nghĩ: liệu cách tuyển chọn nhân tài (tôi chưa nói tới hiền tài) có vấn đề gì không? Một người có tầm nhìn thực dụng và ích kỷ như thế lại là người đứng đầu “túi khôn” cả nước?
Chúng tôi là những người dân hoàn toàn không biết tiêu chuẩn đề bạt và cất nhắc cán bộ. Vậy, chúng tôi phải bất lực nhìn những người thay mặt mình phát biểu những câu như vị giáo sư kia – một phát biểu tôi thường thấy ở chợ của mấy bà nội trợ khi họ cân nhắc chất lượng món hàng với “triết lý”: tiền nào của nấy. Như vậy, có thể suy diễn “tiền trao cháo múc, không tiền thì… múc cháo vô”?